Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjusri Bodhisattva) là vị Đại Bồ Tát hiện thân cho Trí Tuệ của mười phương ba đời chư Phật. Ngài là bậc kế thừa chánh Pháp, giữ gìn và truyền trao chánh Pháp đến muôn đời muôn kiếp sau nên được tôn xưng là Pháp Vương Tử của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Trong các pháp hội thuyết giảng giáo nghĩa thậm thâm cho chư vị Bồ Tát, Ngài thường đứng bên cạnh Đức Như Lai, có khi thay Người thuyết giảng, có khi là vị giới thiệu, dẫn dắt hội chúng trang nghiêm trước khi Thế Tôn mở đầu các bài Pháp quan trọng.

Ngài thành tựu biện tài vô ngại, với phạm âm tuyên giảng vi diệu giáo nghĩa khiến cho tất cả chúng hữu tình đều được thấm nhuần mưa Pháp.
Tại nhiều nơi, Ngài còn là biểu tượng cho sự tu tập và tuệ giác chứng ngộ bao la trong thiền định.

Hạnh nguyện của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát vĩ đại bao trùm khắp pháp giới. Ngài phát nguyện trải hằng hà sa kiếp tu hành Bồ Tát đạo, hóa độ hết mọi loài chúng sinh trong mười phương thế giới đều phát khởi tâm Vô Thượng Bồ Đề. Vì thế, Đức Bồ Tát thường luôn ở bên âm thầm trợ duyên dẫn dắt chúng sinh, từ khi mới phát tâm cho đến khi viên mãn quả vị tối thượng. Sự hóa độ của Ngài là vô biên, vô tận, không thể nghĩ bàn.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát -

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

I. HÌNH TƯỚNG

Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thường được thờ cúng với Ngài Phổ Hiền Bồ Tát ở hai bên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thân tướng vô cùng trang nghiêm thanh tịnh. Ngài khoác giáp bào nhẫn nhục kim sắc, trên nhục kế đội thiên quan có hình Đức Như Lai, tay phải dương cao gươm báu, tay trái nâng một đóa sen xanh, trong hoa sen có cuốn kinh Bát Nhã chứa đựng vô lượng diệu nghĩa.

Đức Bồ Tát ngự trên lưng sư tử đi vào vô lượng kiếp trầm luân sinh tử hóa độ chúng sinh. Sư tử một khi gầm lên tiếng rống cả rừng xanh rung chuyển, muôn loài đều quy phục, tượng trưng cho lúc Bồ Tát tuyên giảng chánh Pháp, hùng lực chấn động đến Tam Thiên Đại Thiên thế giới, nhiếp phục tất cả chúng sinh. Với giáp bào nhẫn nhục, Ngài an định hứng chịu mọi mũi tên nghịch cảnh lao tới mà không hề lui bước.

Hình Đức Như Lai phía trên nhục kế là sự ngự trị của niềm tôn kính dâng lên mười phương chư Phật. Thanh gươm báu biểu trưng cho trí tuệ chặt tan mọi xiềng xích của vô minh phiền não cột chặt chúng sinh. Với Bát Nhã chân kinh, Đức Bồ Tát dùng tuệ giác siêu việt để thấu triệt bản chất khổ, vô thường, vô ngã của pháp giới. Bát Nhã hiển bày trí tuệ vô sở hữu, vô sở đắc, làm vô lượng công đức, giáo hóa vô lượng chúng sinh mà không chấp công lao. Nhờ vậy, Bồ Tát có thể đi trong luân hồi vô biện vô tận, thành tựu vô lượng Pháp cao thượng mà không bao giờ thoái chuyển.

II. HẠNH NGUYỆN VĨ ĐẠI

Tương truyền rằng, thuở quá khứ cách đây hàng vạn hằng hà sa kiếp, Đức Phật Lôi Âm Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác xuất thế tại thế giới phương Đông. Khi ấy, tiền thân của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là Đức vua Phổ Phúc. Trong suốt thời gian trị vì, Đức vua luôn cung kính cúng dường và hộ trì Tam Bảo. Khi nhân duyên đầy đủ, Ngài đến đảnh lễ dưới chân Đức Lôi Âm Như Lai và phát nguyện:

– Kính bạch Đức Như Lai, suốt thời gian qua con có duyên phước được hầu cận Người và chư Tăng với trọn niềm tôn kính. Giờ đây, trong lòng con dâng tràn ước mong được hóa độ chúng sinh thoát khỏi khổ đau sinh tử. Trước Đức Như Lai và đại chúng con xin phát hùng tâm Vô Thượng Bồ Đề: Từ nay về sau, vì vô số chúng sinh mà con nguyện tinh chuyên hành Bồ Tát Đạo đến vô lượng vô biên, không bao giờ thoái chuyển. Nếu có mảy may trái thệ tức là đã dối lừa cả mười phương chư Phật.
Trong một kiếp khác, Ngài là Thái Tử Vương Chúng trong cõi nước của Đức Bảo Tạng Như Lai. Khi đó, Ngài cũng đã thành kính quỳ trước Đấng Chánh Giác mà phát khởi đại nguyện:

– Kính bạch Đức Bảo Tạng, con xin nguyện hồi hướng tất cả công đức của mình hướng về đạo quả Vô Thượng, trải hằng hà sa kiếp giáo hóa chúng sinh. Con nguyện dùng đại trí tuệ độ cho tất cả chúng sinh trong hàng vạn ức kiếp đều biết bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, có trí tuệ và thiền định hướng về giải thoát, rồi cuối cùng con mới chứng thành đạo quả. Nguyện sau khi thành đạo, cõi đất của con trang nghiêm thanh tịnh, mọi phiền não đều được đoạn trừ, hào quang ngời sáng gấp ngàn lần ánh sáng của mặt trăng và mặt trời.

Đức Bảo Tạng Như Lai khi đó đã ấn chứng:

– Lành thay, này Thái Tử Vương Chúng, con là Bậc Đại Thượng Nhân có trí tuệ vĩ đại, lời phát nguyện tột cùng cao thượng này sẽ đưa con vượt qua hết muôn trùng khó khăn và thành tựu vô lượng công đức không thể nghĩ bàn. Như Lai đặt cho con danh hiệu là “Văn Thù Sư Lợi”. Trải qua muôn nghìn đại kiếp về sau, con sẽ giáo hóa được vô số chúng sinh và chứng thành Phật quả trong cõi nước ở phương Nam với Phật hiệu là Đức Phổ Kiến Như Lai. Tất cả mọi sự trang nghiêm thanh tịnh trong cõi nước ấy đều sẽ như lời con đã ước nguyện.
Đức Như Lai vừa dứt lời, tất cả thế giới chấn động, nhạc trời vang lừng, hoa trời tỏa bay khắp hư không, mười phương chư Phật cùng hướng về thọ ký cho Ngài.

III. HÓA ĐỘ VÔ BIÊN

Một lần, trước hội chúng rất đông các Thiên tử và chư vị Bồ Tát, Đức Phật hỏi Ngài Văn Thù rằng:

– Này Văn Thù Sư Lợi, cảnh giới của chư Phật là vi diệu, không thể nghĩ bàn. Vậy phải cầu cảnh giới đó ở đâu?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi chắp tay cung kính đáp lời:

– Bạch Thế Tôn, muốn đạt được cảnh giới của chư Phật, phải cầu ở ngay trong phiền não của chúng sinh.

Câu trả lời của Ngài Văn Thù Sư Lợi đã thể hiện hạnh nguyện vĩ đại của một vị Bồ Tát, đó là luôn đi trong sinh tử để giáo hóa độ sinh, thấy sự giác ngộ của chúng sinh là hạnh phúc tối thượng của chính mình.

Bồ Tát Văn Thù còn phát lên đại nguyện muôn vàn cao quý rằng, Ngài sẽ hóa độ tất cả chúng sinh trong mười phương pháp giới đều bước đi trên con đường hướng đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, luôn dẫn dắt và giữ gìn đạo tâm cho họ. Chính vì thế, nếu có chúng sinh nào phát tâm tu tập, Ngài sẽ lập tức cảm ứng và bí mật gia hộ cho sự tu hành được tiến bộ.

Núi Ngũ Đài, một trong những Thánh địa Phật giáo linh thiêng nhất Trung Hoa, được xem là nơi trụ tích của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Tương truyền rằng, Đức Bồ Tát đang phụng hành lời của Thế Tôn, trú xứ tại đây giáo hóa để giữ gìn chánh Pháp.

Mỗi năm, hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới từ Kashmir, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal, Tích Lan, Tây Tạng… hành hương tới núi Ngũ Đài để tỏ lòng thành kính. Cũng tại đây, rất nhiều câu chuyện kể về sự thị hiện vi diệu của Ngài đã được ghi lại. Nổi tiếng nhất là câu chuyện của Đại sư Phật Hộ, người Kashmir vào năm 676 với tâm thành hy vọng được chiêm ngưỡng Bồ Tát và đã được Ngài thị hiện dẫn đi tham quan Ngũ Đài Sơn, rồi còn kể cho biết những bí mật ẩn tàng ở đây. Một câu chuyện khác là của Thiền sư Đạo Nhất vào năm 736. Bồ Tát đã hóa hiện thành một vị Lão Tăng cưỡi voi trắng, trả lời các khúc mắc về Phật Pháp và còn dùng thần thông dẫn Thiền Sư tham quan tu viện của Ngài trên núi. Sau đó, Thiền Sư Đạo Nhất đem câu chuyện của mình tâu trình lên Hoàng đế Huyền Tôn và được Nhà vua ủng hộ việc khởi công kiến thiết ngôi Kim Các Tự hùng vĩ. Một lần khác, Thiền Sư Viên Chân kể lại rằng, bức tượng của Bồ Tát Văn Thù trên núi phải được đúc đến lần thứ bảy mới hoàn thành. Sáu lần trước, lần nào cũng bị hư bể. Lúc đó, nhà điêu khắc chủ trì việc đúc tượng đã chí thành xin Bồ Tát hóa hiện ra hình ảnh của Ngài. Vừa cầu nguyện xong thì Bồ Tát Văn Thù hiện ra trước mắt ngự trên mình sư tử, rồi trong khoảnh khắc bay lên mây ngũ sắc, biến mất vào hư không. Từ đó, bức tượng khi được đúc ra vô cùng linh thiêng và trở thành hình mẫu cho tất cả các tượng về sau.

IV. TRIỀU BÁI NGŨ ĐÀI SƠN

Năm Quang Tự thứ tám, tức năm 1882, khi ấy Hư Vân Đại Lão Hòa Thượng bốn mươi ba tuổi, phát tâm triều bái Ngũ Đài Sơn, là nơi Thánh địa trụ tích của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Đầu tháng bảy, từ núi Phổ Đà phía đông bờ biển Nam Hải, Ngài khởi hương, đi ba bước lạy một lạy, triều bái trực chỉ thẳng đến núi Ngũ Đài thuộc miền Bắc.

Ngài vượt biển, đi qua Hồ Châu, Tô Châu, Thường Châu. Ngày đi đêm nghỉ, gió mưa sáng tối vẫn đi, cứ như thế mà lạy. Dù vui khổ đói khát, không quên chánh niệm. Đến cuối năm thì nghỉ tại chùa Sư Tử.

Sau đó, Ngài tiếp tục lạy đến bến sông Hoàng Hà. Khi trời vừa tối, Ngài tạm dừng chân tại mái tranh nhỏ không người ở tại ven đường. Đêm ấy, tuyết rơi dày đặc. Trong chòi tranh không vách che, Ngài chuyên tâm kiết già thiền tọa. Sáng hôm sau, mở mắt ra thấy bốn bề đều trắng xóa, tuyết dầy cả thước, không thấy đường đi, Ngài đành ở lại. Trải qua cả tuần, chịu gió tuyết thấu xương, bụng đói da lạnh, Ngài lâm trọng bệnh không thể di chuyển.

Đến ngày thứ bảy, tuyết ngừng rơi, trong bóng mặt trời, chợt một vị Tiên sinh bước vào lều ân cần hỏi thăm. Thấy Ngài Hư Vân không trả lời được, vị Tiên sinh gạt tuyết ra, bới rơm nhóm lửa, cẩn thận nấu một nồi cháo bằng gạo vàng. Vừa ăn xong, mình toát mồ hội, Ngài dần bình phục. Tiên sinh hỏi: Ngài từ đâu đến đây?

– Thưa, tôi từ núi Phổ Đà tại Nam Hải, triều bái đến Ngũ Đài Sơn.
– Tôi tên Văn Cát, đến từ núi Ngũ Đài, nay trở về Trường An.
– Từ núi Ngũ Đài đến, vậy Tiên sinh có biết hết chư Tăng ở đó không?
– Trên Ngũ Đài Sơn, ai ai cũng biết tôi cả!
Ngài Hư Vân hỏi tiếp:
-Vậy xin được hỏi, từ đây đến núi lộ trình bao xa?
– Hơn hai ngàn dặm.
Hôm sau, khi mặt trời vừa lên, Tiên sinh Văn Cát lại nấu cháo gạo vàng với tuyết. Thấy tuyết đang tan thành nước trong nồi, Tiên sinh bỗng chỉ tay vào tuyết và hỏi:
– Ở Nam Hải có vật này không?
– Thưa, không.
– Vậy Ngài uống bằng gì?
– Thưa, tôi uống bằng nước.
Khi tuyết trong nồi đã tan thành nước, Tiên sinh lại chỉ tay vào nước, hỏi:
– Vậy chứ đây là gì?
Ngài Hư Vân không trả lời được. Tiên sinh liền hỏi qua chuyện khác.
– Ngài đi lễ lạy danh sơn để mong cầu điều gì?
– Thưa, khi vừa sinh ra thì đã không còn thấy mẹ. Thế nên, nay tôi muốn lễ lạy để báo ơn sinh thành của mẹ hiền.
– Vai mang hành lý, đường xa trời lạnh, bao giờ Ngài mới đến được núi Ngũ Đài. Khuyên Ngài chớ bái lạy làm chi.
– Thưa, thệ nguyện đã định trước, nên cũng không kể chi năm tháng ngắn dài.
– Thệ nguyện như Ngài khó mà lập được. Nay thời tiết đã tốt hơn, nhưng tuyết vẫn chưa tan, không thể tìm đường được. Vậy nên, Ngài hãy theo dấu chân tôi mà đi.

Sau đó, hai Ngài chia tay. Những đoạn đường tiếp theo y hệt Tiên sinh Văn Cát đã mô tả. Ngài Hư Vân băng qua nhiều khúc sông, thành trì, đồng quê và tiếp tục lễ lạy. Cuối năm 1883, Ngài nghỉ tại chùa Hồng Phước.

Một đêm giữa tháng giêng, tại một ngôi miếu hoang tàn không mái nóc, Ngài Hư Vân lại ốm nguy kịch, nằm mê man trên mạnh chiếu mỏng. Nghĩ rằng cái chết sắp đến, nhưng trong thâm tâm Ngài không hề hối hận.

Đến khuya, Ngài Hư Vân khẽ cựa mình, phát hiện trên trán đã có mảnh khăn ấm từ bao giờ, chợp mắt một lát thì chợt thấy có bóng người di chuyển lại gần. Ngài nhìn kỹ lại, hóa ra lại là ân nhân mới gặp lần trước. Thâm tâm mừng rỡ, Ngài liền gọi: “Tiên sinh Văn Cát.”

– Đại Sư Phụ, sao Ngài vẫn còn ở đây?

Ngài Hư Vân kể lại những việc đã xảy ra trong lúc đi. Tiên sinh Văn Cát nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, vừa an ủi vừa chăm sóc. Đêm ấy, Ngài Hư Vân gặp được Tiên sinh, thân tâm rất thanh tịnh và an lạc. Sáng hôm sau, Tiên sinh đem y phục của Ngài ra giặt giũ, dọn dẹp sạch khu nằm nghỉ, lại nấu thêm cháo và thuốc thang cho Ngài. Vài ngày sau, Ngài Hư Vân khỏi hẳn, nhìn Tiên sinh Văn Cát mà dâng tràn cảm tạ:

– đều nhờ Tiên sinh Hai lần nguy hiểm tính mạng cứu giúp, xin vô cùng cảm tạ.
– Chỉ là việc nhỏ thôi.
– Giờ tôi trở lại núi Ngũ Đài. Tôi không thể theo kịp Tiên sinh được vì vẫn còn phải lễ bái.

Ngài vừa đi vừa lễ lạy lâu như vậy thì đến năm nào mới tới? Tôi nghĩ không nhất định phải lễ lạy lên Ngũ Đài Sơn.

– Tiên sinh có ý tốt, tôi rất cảm ơn. Nhưng vì trời cao lồng lộng, ân cha nghĩa mẹ bao la. Nay tôi phát nguyện triều bái, cầu Bồ Tát gia hộ, nguyện cho mẹ sớm được sanh về nơi có chánh Pháp, vậy thì chẳng quản chi trăm ngàn gian lao trước mắt. Hơn nữa, đã thệ nguyện với Bồ Tát rồi thì chết cũng không dám thối nguyện.

– Tâm thành hiếu thảo kiên cố của Ngài thật rất khó lập. Nay tôi trở về núi, cũng không gấp, tôi sẽ phụ mang hành lý trên đường để Ngài dễ dàng bái lạy, bớt đi vất vả, nhất tâm hành lễ.

– Nếu thế, lễ bái đến Ngũ Đài, nguyện đem công đức này phân nửa hồi hướng về cho cha mẹ sớm chứng đạo Bồ Đề, phân nửa xin hồi hướng đến Tiên sinh để báo đền ơn cứu mạng.

– Ngài thật là người con hiếu thảo, tôi chỉ thuận tiện mà giúp. Không dám nhận lời cảm tạ.

Từ đó, Ngài Hư Vân chuyên tâm lễ lạy phía trước, Tiên sinh Văn Cát mang túi hành lý đi sau, mọi việc ăn uống nghỉ ngơi cũng nhờ Tiên sinh cẩn thận sắp xếp. Có Tiên sinh đi cùng, Ngài Hư Vân càng đi sức khỏe càng tăng, một chút cảm giác mệt nhọc cũng không có. Khi thấy đường tới Ngũ Đài Sơn không còn xa lắm thì Tiên sinh Văn Cát xin phép về trước.

Sau ba tháng, Ngài Hư Vân lễ đến chùa Hiển Thông. Khi tới đây, Ngài lập tức tới các chùa am tự viện kế cận dâng hương lễ bái. Tiếp đó vì thương nhớ và cũng để cảm tạ ân nghĩa của Tiên sinh Văn Cát, Ngài Hư Vân đi khắp nơi thăm hỏi tung tích của Tiên sinh, nhưng không ai biết cả. May mắn thay, khi Ngài thuật lại sự tình cho một lão Hòa Thượng, vị này nghe xong liền chắp tay hướng về đỉnh Ngũ Đài mà bạch: “Đó chính là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù”.

Ngài Hư Vân lập tức quỳ gối, lòng tôn kính trào dâng thành kính đảnh lễ Ngũ Đài Sơn cảm tạ Bồ Tát.

V. KẾT LUẬN

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là vị Đại Bồ Tát hiện thân cho Trí Tuệ của mười phương ba đời chư Phật. Trí tuệ siêu việt của Bồ Tát có thể chuyển hóa hết mọi lầm mê, phiền não, vô minh của chúng sinh. Vì thế, Ngài đi trong vô lượng kiếp trầm luân sinh tử để âm thầm trợ duyên và hóa độ cho muôn loài chúng sinh trong mười phương thế giới đều phát khởi tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Hàng năm, ngày mồng bốn tháng Tư âm lịch chính là ngày vía Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Trong những ngày này, Phật tử và người dân khắp nơi thường cùng nhau làm lễ kính ngưỡng về công đức và hạnh nguyện của Ngài. Bên cạnh đó, nhân dân cũng có các hoạt động thiện nguyện như bố thí, phóng sinh, gieo duyên Phật Pháp… để cúng dường lên chư Phật, chư Bồ Tát, thể hiện lòng tôn kính và biết ơn.

Người Phật tử chúng con hôm nay hiểu rằng bước đi trên con đường hướng về giác ngộ sẽ phải đối mặt với biết bao gian khó. Nhưng chúng con biết sẽ luôn nhận được sự gia hộ của Ngài, vì thế chúng con nguyện lòng kiên cường, dũng cảm vượt qua mọi thách thức gian nan, tinh tấn tu hành vượt ra khỏi khổ đau luân hồi.
Nương theo công hạnh của Ngài, chúng con nguyện sống đời cống hiến, phụng sự, mang lại lợi ích cho tha nhân với trọn lòng thương yêu và tôn trọng. Chúng con cũng nguyện dựa vào Nhân quả để làm theo đúng với lời dạy của chư Phật, siêng năng thiền định, hỗ trợ mọi người tu tập và góp phần hoằng dương chánh Pháp mà không chấp công lao. Nguyện trên chư Phật, chư Bồ Tát từ bi gia hộ, dõi theo và nâng đỡ cho chúng con đến muôn đời sau.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi (Manjusri Bodhisattva) là vị Đại Bồ Tát hiện thân cho Trí Tuệ của mười phương ba đời chư Phật. Ngài là bậc kế thừa, giữ gìn và truyền trao chánh Pháp đến muôn đời sau nên được tôn xưng là Pháp Vương Tử của Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Trong các Pháp hội thuyết giảng giáo nghĩa thậm thâm cho chư vị Bồ Tát, Ngài thường đứng bên cạnh Đức Như Lai, có khi thay Người thuyết giảng, có khi là vị giới thiệu, dẫn dắt hội chúng trang nghiêm trước khi Thế Tôn mở đầu các bài Pháp quan trọng. Bồ Tát Văn Thù đã phát lên đại nguyện muôn vàn cao quý là sẽ hóa độ cho tất cả chúng sinh trong mười phương pháp giới đều bước đi trên con đường hướng đến đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Chính vì thế, nếu có chúng sinh nào phát tâm tu tập, Ngài sẽ lập tức cảm ứng và bí mật gia hộ cho sự tu hành được tiến bộ.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Có trí tuệ hiểu rõ về luật Nhân quả công bằng, tìm được con đường tu hành chân chính, tránh được các tà kiến sai lầm. Cuộc sống và con đường tu hành gặp nhiều thuận lợi. Làm mọi việc đều hiệu quả, mang lại lợi ích cho tha nhân.
– Dần thành tựu được hạnh nguyện hộ trì chánh Pháp nhiều đời, nhiều kiếp. Siêng năng tạo công đức, giúp cho nhiều người hiểu và thực hành theo chánh Pháp. Giữ được tâm khiêm hạ, không chấp công nên phước báo được đủ đầy.
– Dũng cảm vượt qua gian khó, kiên cường đối mặt với những âm mưu chống phá đạo Pháp. Được gia hộ tiến bước trên con đường tu tập tâm linh.

VII. THƠ TỤNG

Con kính lạy Văn Thù Bồ Tát
Bậc kế thừa chánh Pháp Như Lai
Hiện thân trí tuệ biện tài
Pháp âm vi diệu đất trời tán dương
Ngài nguyện độ mười phương thế giới
Giúp chúng sinh phát khởi tâm lành
Nghìn muôn ức kiếp tu hành
Âm thầm dẫn dắt chúng sinh vạn loài
Ngài chẳng quản luân hồi nhiều kiếp
Thay Thế Tôn tuyên thuyết đạo mầu
Từ bi hóa độ vô cầu
Giúp người qua lúc khổ sầu nguy nan
Nghe danh Ngài muôn vàn tôn kính
Thân tướng Ngài thanh tịnh trang nghiêm
Chắp tay quỳ trước đài sen
Đôi lời nguyện ước dâng lên cúng dường
Chúng con nguyện tình thương trải khắp
Bất kỳ ai sẽ gặp trên đời
Sẽ mang chánh Pháp tuyệt vời
Giúp cho người hiểu luân hồi nghiệp duyên
Chúng con nguyện vô biên kiếp nữa
Chí tu hành không úa không phai
Trọn lòng tôn kính Như Lai
Phụng sự cống hiến cho đời nở hoa
Chúng con nguyện dù là gian khó
Vẫn siêng năng hỗ trợ mọi người
Phần mình tinh tấn không thôi
Đường thiền đi mãi về nơi nhiệm mầu
Chúng con nguyện dựa vào Nhân quả
Để đối nhân xử thế yêu thương
Lời vàng Phật đã tuyên dương
Huớng về Vô Ngã con đường cao siêu
Nguyện muôn kiếp kính yêu tất cả
Bản ngã này tan rã hư không
Chỉ còn Pháp giới mênh mông
Ngập tràn hạnh phúc chung đồng an vui.

Nam Mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x