Xin cúi xuống làm người hèn kém
Miễn đôi tay làm đẹp cuộc đời
Tình thương dâng khắp muôn nơi
Con tim tuy nhỏ nhưng trời đất ôm.
I . XUẤT THÂN
Thuở ấy, nước Kiều Tát La (Kosala) phát triển thịnh vượng, là cường quốc ở phương bắc lục địa Ấn Độ. Những bến cảng tấp nập ồn ã, kinh đô Xá Vệ (Savatthi) phồn hoa trù phú, vàng bạc đổ về từ khắp nơi sau các chuyến trao đổi hàng hóa của nhiều thương gia. Phía đông, những mái nhà lợp ngói đỏ rực rỡ kề nhau san sát, có những dải hoa leo uốn lượn chung quanh. Thế nhưng, phía dưới xuôi về hướng Tây vùng hạ lưu sông Acriravati, một nhánh nhỏ của sông Hằng là một thế giới hoàn toàn cách biệt. Những căn nhà tồi tàn xiêu vẹo nghiêng dựa vào nhau ẩm thấp, xơ xác và bấp bênh. Bên này, hội mở người dân vui mừng diện áo quần sặc sỡ dạo chơi, đồ trang sức bằng bạc vàng óng ánh trên người. Bên kia, ngày nào cũng quẩn quanh với nỗi âu lo miếng cơm bát nước, bắt đầu bằng bát cơm nguội khô khốc và kết thúc chỉ một bằng mẩu khoai, củ sắn. Trong một góc hẻm, những đứa trẻ bàn tay lấm lem bùn đất chia nhau một miếng bánh mật bé bằng cái túi thơm của người giàu.
Tôn giả Tu Nê Đa (Sunita) nương mình dưới một mái nhà lá bạc màu ở cuối xóm nghèo ấy trong những ngày tháng vất vả. Ngày nắng, những vệt nắng rọi lỗ chỗ dưới nền đất, đêm mưa nước xối xuống ướt lạnh. Cha mẹ mất sớm, do xuất thân từ giai cấp Chiên Đà La nên Ngài phải làm công việc quét đường rất cơ cực. Từ buổi tinh mơ, Ngài trở dậy làm việc, chịu đựng mọi sự dơ bẩn, xa lánh, miệt thị của mọi người. Đến khi trời đã mịt mờ, Ngài mới trở về trong thân thể mệt nhoài. Đêm đến, Ngài nằm dưới nền, ngước trông lên mái nhà chi chít những khe hở, từ những chỗ ấy mấy vì sao hiện ra lấp lánh sáng ngời.
Tuy làm công việc thấp kém, dưới đáy của xã hội nhưng Ngài vẫn giữ gìn phẩm giá hết sức cao đẹp. Ngài sống hiền lành chất phác, được mọi người tin tưởng, là người bạn dễ mến của tất cả thầy và thợ. Ngài trầm tĩnh và cẩn trọng trong lời nói. Với những người sang quý ở giai cấp trên, Ngài dè dặt giữ khoảng cách. Với những người hàng xóm, một phụ nữ góa chồng, một người bạn mồ côi, một người gánh hàng rong, Ngài gửi đến một sự sẻ chia ấm áp, chân thành. Cuộc sống của Ngài dẫu còn nhiều điều thiếu thốn nhưng lại tràn đầy tình cảm…
II. GIA NHẬP TĂNG ĐOÀN
Buổi ấy, sau cơn mưa trời trong như gương, nắng sớm lên nhè nhẹ, trước cửa nhà cây cối khoác lên màu mới mẻ tươi mát. Mấy cánh cửa gỗ sậm màu hơn vì đẫm nước. Con đường chưa khô hẳn, vẫn còn trơn, dính ướt đất cát. Ngài Tu Nê Đa đang quét dọn trên đường phố. Ngài cúi mặt, đôi tay cẩn thận gom lại những chiếc lá, cánh hoa rụng xuống đêm qua. Ngài tận tụy quét sạch đi hết những mảnh rác lộn xộn ướt sũng là tàn dư của lễ hội buổi tối, những sợi ruy băng đủ màu, những mẩu đồ ăn thừa vương vãi trên đường phố…
Bất chợt, Ngài nhìn thấy từ xa Đức Thế Tôn cùng các vị Tỳ kheo đang đi khất thực. Thế Tôn mặc y màu vàng nâu, tay Người nhẹ nhàng nâng chiếc bình bát độc mộc đã sờn màu, tà áo Người khẽ lay khi có một cơn gió thoáng qua. Thế Tôn uy nghiêm, dung nghi Người ngời sáng, ánh mắt trầm tĩnh ngắm nhìn mọi người như đang thu hết tất cả vào trong sâu thẳm của sự bình yên hiền dịu. Với đôi chân trần, Người bước đi lặng lẽ trên con đường ẩm ướt, trơn trượt.
Từ lâu, Ngài đã nghe người ta râm ran truyền tai nhau về một Đấng Giác Ngộ cao cả tột cùng. Người vốn là Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) của vương quốc Sakya, đã rời bỏ cung điện ngọc ngà, vương quyền hoàng tộc để trở thành vị khất sĩ không nhà, lên đường đi tìm chân lý cứu độ muôn sinh. Sau bốn mươi chín ngày nhập định dưới cội cây bồ đề, Người đã viên mãn đắc thành Phật quả Chánh Đẳng Chánh Giác, là bậc Thầy tôn quý nhất của cả trời và người. Vẻ đẹp, đức hạnh, trí tuệ của Thế Tôn đều toàn bích và thanh khiết như đóa sen trắng trên đỉnh Tuyết Sơn.
Hôm nay Đấng Giác Ngộ siêu tuyệt đang hiện diện trước mắt, một niềm kính ngưỡng bỗng ùa về dâng ngập cả tâm hồn của người thanh niên thuần hậu ấy. Ngài cũng muốn giống như mọi người, được tiến lại gần quỳ xuống đảnh lễ Thế Tôn, được bày tỏ lòng tôn kính đến bậc Thánh vĩ đại. Ngài khát khao giá như mình có vật thực gì đó để cúng dường lên bậc Đại Giác. Tâm hồn Ngài dường như không còn thấy một điều gì khác, niềm xúc động đã thúc giục đôi chân Ngài đi tới, và gần như Ngài đã cất bước nhưng có một nỗi niềm sâu kín đang níu chân Ngài đứng sững lại, nó nặng nề đến mức như đang đè lên cả cơ thể Ngài, nó có vị đắng của những giọt mồ hôi vất vả, mang theo chua chát của sự tủi hổ… Đó chính là đẳng cấp, là dòng máu Chiên Đà La đang chảy trong người. Ngài sợ hãi khi nghĩ đến việc có thể mình sẽ làm ô uế giáo đoàn thanh tịnh trang nghiêm của Thế Tôn, Ngài cho rằng đó là tội rất nặng không thể dung thứ. Nhìn lại bản thân, Ngài thấy mình đang lấm lem bên cạnh một giỏ đầy toàn là rác….
Từ xa, Thế Tôn đã thấy dáng điệu vừa run rẩy vừa xúc động của người thanh niên chất phác. Bằng đạo nhãn thanh tịnh, Thế Tôn quán sát thấy nhân duyên với chánh Pháp đã gõ lên cánh cửa tâm hồn vị ấy, trên gương mặt đen sạm nắng mưa, đôi mắt sáng ngời ấm áp và hiền thiện, vầng trán cao rộng kia đang lấp ló một sự khát ngưỡng niềm hạnh phúc cao cả. Thế Tôn bước về phía Ngài Tu Nê Đa, mỗi lúc một thêm tiến gần lại. Thấy vậy, Ngài Tu Nê Đa vội vã chạy trốn khỏi vầng thái dương đang hướng về phía mình. Không tìm được chỗ tránh, Ngài đứng sát như mắc dính vào vách tường, hai tay chắp búp sen, quỳ sụp xuống, cúi đầu không dám ngẩng lên.
Thế Tôn vẫn bước lại gần, Người cất tiếng trầm ấm hỏi:
Này Tu Nê Đa đừng sợ, sao con lại lẩn tránh Như Lai và giáo đoàn của Như Lai. Như Lai muốn nói chuyện với con.
Ngài tự hỏi có phải mình đang nghe lầm không, Đức Thế Tôn đang gọi tên Ngài, lần đầu tiên Ngài thấy tên của mình được nhắc đến một cách đẹp đẽ như thế, bởi một giọng nói từ bi và dịu dàng đến thế. Bóng Người phủ xuống bao trùm lấy thân Ngài, lớn lao hùng vĩ như ngọn Meru vời vợi. Ngài không dám trả lời. Ngài thấy mình nhỏ bé như hạt bụi trước Đấng Toàn Giác vĩ đại. Ngài cảm động nghẹn ngào hạnh phúc, hai bàn tay vịn chặt vào nhau, đôi chân dính vào nền đất như bất động.
Con đừng sợ Tu Nê Đa. Như Lai biết tên của con đấy, Như Lai còn thấu suốt mọi đời sống quá khứ của con. Con là một người rất lương thiện, tốt đẹp. Con hãy tiến lại gần đây để Như Lai nói chuyện.
Nghe lời nói êm dịu đầy thương mến ấy, Ngài không còn run sợ nữa. Bấy giờ, Ngài mới dám cất lời:
– Bạch Thế Tôn, con chỉ là một người nô lệ, thân thể con hôi hám, con sợ mình sẽ làm ô uế giáo đoàn của Thế Tôn.
Trên gương mặt Đấng Toàn Giác, một nụ cười từ bi tĩnh lặng hiển hiện. Đức Phật cất giọng phạm âm để ai ai cũng nghe rõ:
– Này Tu Nê Đa, con không hề ô uế và sẽ không làm ô uế giáo đoàn thanh tịnh của Như Lai được đâu. Con sống đời hiền lành, không gây tổn hại ai, không ác tâm với ai, con thật sự rất trong sạch. Ai trong lòng chất đầy tham lam, sân hận và si mê, đó mới là người ô uế. Sự lấm lem ở hình thức bên ngoài có thể dễ dàng gột rửa nhưng còn cái ô uế do tham sân si gây ra đã bám rễ trong tâm thì rất khó diệt trừ.
Những lời ấy giống như ánh thái dương soi rọi vào màn đêm tăm tối của sự miệt thị giai cấp đã đề nặng lên tâm hồn Ngài bấy lâu nay.
– Này Tu Nê Đa, con dọn rửa đi sự ô nhiễm của cuộc đời còn ta tẩy đi sự ô nhiễm trong tâm hồn chúng sinh. Chỉ có đời sống xuất gia phạm hạnh mới có thể đoạn trừ mọi ô nhiễm trong tâm, đạt đến trí tuệ và sự giác ngộ tột cùng. Con có nguyện lòng xuất gia trong Pháp và Luật của Như Lai không?
Ngài Tu Nê Đa kinh ngạc vô cùng, chân đứng không vững muốn đổ gục xuống. Trái tim Ngài như muốn bừng vỡ, cảnh vật chung quanh nhòe đi. Những giọt nước mắt tuôn rơi, ướt đẫm trên gương mặt hiền lành. Ôi sự xuất gia thiêng liêng và cao quý, lấp lánh hơn cả những vì sao sáng ngời Ngài vẫn thấy hằng đêm qua khe hở của mái nhà. Cả trong những giấc chiêm bao Ngài cũng không bao giờ dám hình dung về điều đó. Ngài run rẩy:
– Bạch Thế Tôn, con… con không dám, con chỉ là một người thấp kém…con chỉ… là…
Ngài cứ khóc òa lên nức nở rồi không dám tin, cứ nhắc đi nhắc lại câu ấy.
– Này Tu Nê Đa, trong Tăng đoàn của Như Lai không phân biệt giai cấp. Tăng đoàn của Như Lai là biển cả mở lòng đón nhận những dòng nước chảy đến từ mọi con sông. Khi nước sông đã hòa vào biển thì không còn giữ lại nguồn gốc và tên gọi riêng biệt của mình nữa. Cũng như vậy, một vị Tỳ kheo khi đã lìa bỏ thế tục thì không còn phân biệt dòng dõi xuất thân, không còn giữ lại một danh hiệu, tài sản nào nữa. Tất cả đều bình đẳng với nhau, đều là những tu sĩ tinh tấn tu tập để tiến đến con đường giải thoát vô biên. Vậy nên Tu Nê Đa, Như Lai không một chút do dự khi đón nhận con là đệ tử của ta.
Trong niềm hạnh phúc và xúc động tột cùng, Ngài nghẹn ngào:
– Bạch Thế Tôn, hôm nay con như được sinh ra thêm lần nữa. Cuộc đời con từ trước đến giờ nhiều đắng cay và khó nhọc, hôm nay gặp Người con thấy tràn đầy ánh sáng và niềm tin. Con hạnh phúc khôn cùng khi được xuất gia trong Pháp và Luật cao thượng của Thế Tôn. Xin Người cho con được gia nhập vào Tăng đoàn cao quý, được đi theo Người trên muôn nẻo đường chân lý và hạnh phúc từ đây.
Đức Phật nở nụ cười hiền hậu: “Này Tu Nê Đa, hãy đến đây Tỳ kheo”. Lập tức Ngài Tu Nê Đa tóc đã cạo sạch, uy nghiêm trong tấm y vàng nâu giản dị. Không ai còn thấy dáng hình người quét rác dơ bẩn khắc khổ nữa, trước mắt họ là một vị Tỳ kheo hiền lành trầm lặng. Từ thuộc giai cấp cùng đinh trong xã hội bị xa lánh coi thường, giờ đây vị ấy đã được gia nhập Tăng đoàn cao quý, nương theo bóng mát của đức hạnh và trí tuệ tột cùng nơi Đấng Toàn Giác. Người ta hạnh phúc thay cho Tôn giả. Nhiều người thanh niên khởi lên niềm kính ngưỡng vô bờ và nảy nở trong lòng ước nguyện cao thượng. Rồi Thế Tôn cùng chư Tăng rời đi trong ánh mắt dõi theo và tràn đầy niềm tôn kính của tất cả dân chúng.
III. CHỨNG ĐẠO
Trở về tinh xá, Tôn giả Tu Nê Đa được các bậc Trưởng lão chỉ dạy về tọa thiền. Thế Tôn thuyết Pháp cho Ngài nghe về khổ, về vô thường, về sinh tử luân hồi khổ đau không dứt, về cõi Niết Bàn giải thoát an lạc. Người bảo Tôn giả hãy đến một khu rừng vắng tĩnh cư để sớm ngộ thấy chân lý nhiệm màu. Vâng lời Đức Bổn Sư, Tôn giả luôn tinh cần tu tập. Ánh trăng chênh chếch trong màn đêm giá lạnh, trong hang động nguyên sơ, những khối thạch nhũ phát sáng huyền ảo, người tu sĩ đang tọa thiền, gương mặt điềm tĩnh an nhiên.
Vào một đêm, Tôn giả an trú sâu dần vào trong các mức thiền định. Đến sáng, khi vầng dương vừa ló dạng bên góc trời đông, Ngài bừng ngộ, chứng đắc Thánh quả A La Hán tột cùng. Ngay lúc đó, mây ngũ sắc tụ hội lơ lửng trên các tầng không, nhạc trời vang vọng khắp núi rừng, Thiên Chủ Đế Thích cùng bảy trăm vị chư Thiên hiện ra, chắp tay đảnh lễ vị Thánh Tăng giác ngộ Tu Nê Đa. Tại hương thất nơi tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), Đức Thế Tôn đang tĩnh tọa trong thời thiền đầu tiên của ngày mới, gương mặt Người bình an tĩnh lặng, chợt một nụ cười khẽ nở đẹp như buổi sớm mai…
IV. CÂU CHUYỆN VỚI VUA BA TƯ NẶC
Sự kiện Đức Thế Tôn cho phép Ngài Tu Nê Đa gia nhập Tăng đoàn chấn động kinh thành Xá Vệ, dân chúng xôn xao bàn tán, giới quý tộc triều thần tỏ ra phẫn nộ, các giáo phái trong thành gay gắt phản đối, làm sao có thể đảo lộn trật tự xã hội, thay đổi một người thân phận thấp kém thành một vị Tỳ kheo được người người kính ngưỡng, làm sao giai cấp Chiên Đà La có quyền bước chân vào cánh cổng thiêng liêng của ngôi đền tâm linh huyền diệu… Họ tập hợp nhau, tuyên truyền lý luận, gây áp lực lên đức vua Ba Tư Nặc (Pasenadi), khẩn thiết thỉnh cầu vua hãy đến tìm Đức Phật để hỏi cho rõ ràng vấn đề này. Không còn cách nào khác, nhà vua quyết định ngự giá đến tinh xá Kỳ Viên.
Chiều hôm ấy, nắng nóng vẫn còn phả nhiều vào cảnh vật, đức vua Ba Tư Nặc dừng chân trước cổng tinh xá. Vua cho những người cận vệ đứng bên ngoài, một mình bước vào. Không khí bỗng trở nên khác hẳn, tinh xá vẫn thật thanh bình, êm ả dưới bóng của những tàng cây cổ thụ xanh mát. Nhà vua bước vội vàng qua những lối đi lát đá, đi đến nửa đường vào tịnh thất, vua Ba Tư Nặc bỗng chú ý về phía xa, Ngài bước chậm lại hơn một chút.
Cạnh am thất được lợp bằng lá cọ xanh sẫm, trên phiến đá bằng phẳng, một vị Tôn giả đang lắng tâm trong thiền định. Nắng chiều in bóng những chiếc lá khẽ đưa trên gương mặt dịu hiền, an yên của Ngài. Trong tư thế kiết già, toàn thân Ngài mềm mại như một đóa sen, vững vàng như cội đại thụ. Những áng mây ngừng trôi trên bầu trời, cảnh vật như ngưng đọng để chiêm ngưỡng khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Hình ảnh đó đẹp đẽ và cao quý quá, vua Ba Tư Nặc phút chốc quên mất mục đích mình đến đây, cảm thấy trong lòng ngập tràn niềm an lạc. Bất giác, đức vua chầm chậm cúi đầu lễ xuống. Rồi Ngài sực nhớ ra, nếu chần chừ lâu hơn sẽ không gặp được Thế Tôn nên đành phải bước tiếp. Vua thầm nhủ sau khi tháo gỡ xong câu hỏi từ phía các quần thần nhất định sẽ quay lại gặp Tôn giả để được đón nghe những lời chỉ bảo.
Khi gặp Thế Tôn, đức vua thưa bạch:
– Bạch Thế Tôn, việc Người cho Tu Nê Đa xuất gia gây ra nhiều sự bàn tán, hồ nghi và xáo trộn. Giới quý tộc phản đối gay gắt, họ cho rằng như thế là phá vỡ truyền thống và đảo lộn trật tự lễ nghi phép tắc từ bao đời qua. Bạch Thế Tôn, con cũng thấy khó xử khi nghĩ đến việc sẽ phải cung kính đảnh lễ trước một người vốn thuộc giai cấp thấp kém của xã hội như thế.
Đấng Giác Ngộ lắng nghe trong niềm bình an và thấu cảm. Rồi Người cất tiếng:
– Này Đức Vua, Ngài vừa lễ lạy Tôn giả Tu Nê Đa rồi đó.
Nhà vua sững sờ. Ngài lúng túng hỏi đi hỏi lại Đức Thế Tôn, giọng nói đột ngột mất đi sự trầm tĩnh và uy nghi vốn có:
– Bạch Thế Tôn, Người nói như vậy có nghĩa là…? Sao lại có thể? Chẳng nhẽ.?
Đến khi Đức Thế Tôn phải nhấn mạnh lại một lần nữa, thì nhà vua mới mơ hồ đoán ra mọi việc. Ngài thoáng nhớ lại hình ảnh vị Tỳ kheo vừa nãy đang tọa thiền mới đoan nghiêm làm sao, sáng ngời và cao quý làm sao. Ánh mắt vua chứa đựng sự kinh ngạc khôn tả. Ngài không thể ngờ tới điều này. Khi đó, Đức Thế Tôn bắt đầu giảng giải:
– Này Đức Vua, thấp hèn hay cao quý là từ đức hạnh, không phải do giai cấp từ khi mới sinh ra mà thành. Vậy nên không thể lấy truyền thống và sự phân chia giai cấp làm bình phong ngăn cản một chúng sinh có phẩm giá cao đẹp xuất gia học đạo, tiến lên Thánh quả giải thoát cao thượng được. –
– Này Đức Vua, vầng thái dương không bao giờ thiên vị chỉ ban rải ánh sáng tới người này mà không đến người kia. Cũng như vậy, giáo Pháp của Như Lai bình đẳng như ánh mặt trời, từ bi dẫn dắt tất cả chúng sinh ra khỏi mê lầm tăm tối.
Thế Tôn vừa dừng lời, nhà vua đã sáng tỏ mọi điều. Vua thấy hối hận vì mình đã xao động trước dư luận ồn ào mà không đặt niềm tin tuyệt đối vào chân lý cao thượng tột cùng của Đấng Toàn Giác. Ngài thầm nghĩ: “Ta tìm đến Thế Tôn để hỏi ý kiến Người, với trí tuệ vô biên Người đã nhìn thấy sự cố chấp trong tâm ta, đã soi sáng cho ta…”. Vua quỳ xuống cúi đầu đảnh lễ:
– Bạch Thế Tôn, giáo Pháp của Người thật cao cả, cái nhìn và vòng tay của Người rộng mở hơn đại dương mênh mông. Con đã thâm hiểu, con đã được mở mắt để nhìn thấy những điều thực sự cao quý trên đời.
– Bạch Thế Tôn, con xin Thế Tôn đồng thuận để ngày mai Tôn giả Tu Nê Đa sẽ đến hoàng cung thuyết Pháp cho toàn bộ hoàng tộc cùng triều thần của vương quốc Kiều Tát La. Con sẽ đích thân căn dặn để việc chuẩn bị cúng dường lên Ngài được chu đáo, thành kính nhất. Đó sẽ là niềm vinh hạnh và phước báu vô cùng lớn lao của tất cả chúng con.
Đức Phật mỉm cười đồng ý. Lúc ra về, nhà vua tìm đến đến phiến đá khi nãy, nhưng Ngài không còn thấy bóng hình Tôn giả Tu Nê Đa ở đó nữa. Vua bâng khuâng nhìn những chiếc lá vàng chao liệng giữa không trung, tàng cổ thụ vẫn rì rào xanh mát. Trên đường về cung điện, nhà vua vẫn trầm ngâm nghĩ về những lời của Thế Tôn, nghĩ về hình ảnh vị Thánh Tăng đang tọa thiền…
V. ĐỆ NHẤT PHẠM THIÊN PHẠM CHÍ
Phạm Thiên là các vị Thiên tử trong cõi trời sắc giới, đã hoàn toàn không còn ái dục, tâm hồn vô cùng thanh tịnh. Phạm Chí là bậc có phẩm cách thanh cao, không bị nhiễm ô giữa những bụi bặm của thế gian.
Đức Thế Tôn đã tán thán rằng: “Trong các vị đệ tử Như Lai, Tỳ kheo Tu Nê Đa xứng đáng danh hiệu Đệ Nhất Phạm Thiên, Phạm Chí.” Thế Tôn ngợi ca như vậy bởi không chỉ Ngài Tu Nê Đa là một vị A La Hán với phẩm hạnh sạch trong thanh tịnh mà cuộc đời Ngài còn là tấm gương mẫu mực cho chúng sinh đời đời noi theo.
Suốt những năm tháng cơ cực, có khi không đủ miếng cơm ăn, có khi phải gánh phân hay quét rác, thân thể lấm lem, chịu đựng người đời khinh bạc, Tôn giả Tu Nê Đa vẫn giữ gìn trọn vẹn những đức tính cao quý. Trong mọi hoàn cảnh, Ngài vẫn luôn nhân hậu, khiêm cung, trung thực, giản dị…
Lúc sống cuộc đời của một vị Tỳ kheo trong Tăng chúng, Ngài nghiêm trì giới hạnh và tinh tấn điều phục thân tâm. Nếu như trước đây làm công việc quét rác đôi tay Ngài vẫn hàng ngày quét sạch những dơ bẩn của cuộc đời. Thì giờ đây, Ngài chánh niệm từng giờ từng phút để dọn đi những nhiễm ô vi tế còn âm thầm lẩn quất trong tâm hồn. Vì vậy, trong thời khắc chứng đạo viên mãn, uy đức từ giới hạnh thanh tịnh của Ngài sáng chói tận các tầng trời, khiến tất cả chư Thiên đều cảm phục đảnh lễ. Điều đó chứng tỏ Ngài là tối thắng vượt hơn tất cả các vị Phạm Thiên, Phạm Chí đúng như lời Thế Tôn đã dạy.
VI. KẾT LUẬN
Cuộc đời của Ngài là tấm gương cho chúng sinh muôn đời chiêm bái. Thế giới trong kỷ nguyên văn minh ngày hôm nay không cho phép tồn tại rào cản của sự miệt thị, gây chia rẽ nhân loại. Hình ảnh Ngài chính là biểu tượng cho tinh thần ấy, sẽ xóa nhòa đi mọi ranh giới, thắp sáng những giá trị chân thật của mỗi con người.
Chúng con hôm nay nguyện theo bước Tôn giả để luôn biết giữ gìn phẩm hạnh trong sạch và trải lòng yêu thương đến tất cả mọi người không phân biệt dù màu da, tiếng nói, tôn giáo, giàu nghèo hay tầng lớp xã hội…
VII. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH
Tôn giả Tu Đệ Na là vị Thánh Tăng có danh hiệu Đệ Nhất Phạm Thiên Phạm Chí trong hàng đệ tử của Đức Phật. Tuy xuất thân từ giai cấp thấp của xã hội nhưng Ngài luôn giữ gìn tâm hồn trong sáng, sống hiền lành, nhân hậu, tận tụy, siêng năng. Khi được xuất gia theo Đức Phật, Ngài tinh tấn tu tập và giữ gìn giới hạnh tinh nghiêm. Nhờ vậy, sau khi chứng đắc Thánh quả giải thoát, uy đức của Ngài chói sáng khiến tất cả chư Thiên các tầng trời phải cảm phục đảnh lễ. Ngài là biểu tượng cho lòng từ bi, giới hạnh thanh tịnh và tinh thần bình đẳng trong Đạo Phật.
Khi thành tâm thờ kính Ngài, quý Phật tử sẽ:
Vững lòng vượt qua mọi nghịch cảnh khó khăn mà vẫn giữ được đạo đức trong sạch.
Nâng cao được uy tín, có uy đức lớn khiến mọi người và chư thiên cảm mến.
Có cơ hội làm các việc thiện lành, mang lại niềm vui, sự tốt đẹp cho mọi người. Chính mình được nhiều may mắn và sự gia hộ bất ngờ trong cuộc sống.
VIII. THƠ TỤNG
Thành tâm xin đảnh lễ Người
Hương thơm đức hạnh muôn đời bay xa
Từ giai cấp Chiên Đà La
Tưởng như chẳng thể xuất gia tu hành
Phật đã bước đến ân cần
Lòng từ thắp sáng hơn ngàn vì sao
Xóa đi bóng tối đêm thâu
Xóa đi giai cấp, sang giàu, màu da
Trái tim Phật trải bao la
Phủ trùm Pháp giới chan hòa yêu thương
Lạy Đấng Giác Ngộ phi thường
Cho con hiểu rõ con đường thiêng liêng
Hướng về Giác Ngộ vô biên
Tìm về Vô Ngã diệu huyền mênh mông
Chúng sinh khắp cõi chung đồng
Nước mắt cùng mặn, máu hồng chảy chung
Uy đức thanh tịnh không cùng
Bậc A La Hán muôn trùng thanh cao
Lặng yên ngồi với trăng sao
Quét sạch ô nhiễm thẳm sâu tâm hồn
Xứng danh đệ tử Thế Tôn
Vượt ngoài sinh tử chẳng còn khổ đau
Chánh niệm giây phút nhiệm màu
Hào quang soi chiếu tầng cao mây trời
Phạm hạnh trong sáng tuyệt vời
Chư Thiên đảnh lễ, khắp nơi cúi đầu
Từ nay cho đến ngàn sau
Nương theo chánh Pháp, u sầu biến tan
Cuộc đời dừng bước lang thang
Yêu thương chan rải bình an cõi lòng
Nguyện cầu khắp chốn mênh mông
Một lòng kính Phật vun trồng thiện căn
Thành tâm sám hối ăn năn
Lỗi lầm gây tạo bao năm kiếp người
Chạy theo vui khổ đầy vơi
Để rồi thân xác chôn vùi tối tăm
Lời Phật sáng tựa trăng rằm
Cho con hiểu rõ xác thân vô thường
Tan thành bụi cát bên đường
Giả tạm hư ảo khói sương trong chiều
Chẳng còn gì để nâng niu
Giữ lòng kính Phật dẫu nhiều gian nan
Tâm hồn mở lối thênh thang
Bước vào thế giới hân hoan đẹp ngời…
Nam Mô Tu Nê Đa Tôn Giả (3 lần)