Trong một tiền kiếp xa xưa của một vị Tỳ kheo, vị đó tái sinh làm Sư tử chúa bảo vệ khắp dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) hùng vĩ. Thời điểm đó cũng chính là lúc Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) bước xuống nhân gian hóa độ chúng sinh.
Nhân duyên đến, Đức Phật Thắng Liên Hoa an trú Diệt Tận Định tại một hang động trên đỉnh núi tuyết. Gặp và cảm nhận được sự vĩ đại của bậc Đại Giác Ngộ, Sư tử chúa đã cúng dường nơi cư ngụ và dâng trọn cả thân mạng mình lên Đức Như Lai. Bảy ngày Đức Phật an trú trong thiền định là bảy ngày nơi đây luôn được Sư tử chúa khéo léo chăm sóc với những bông hoa thơm ngát và tươi mới trải đầy nền. Mỗi lần Sư tử chúa cất lên tiếng rống rung chuyển núi rừng là mỗi lần bảo vệ Phật khỏi sự rình rập của mãnh thú với lòng thành kính sáng bừng trong tâm trí.
Lúc rời đi, Đức Phật mỉm cười vì biết nhân lành đã được gieo. Trong vô lượng kiếp luân hồi về sau, hạt giống này cùng với vô lượng công đức sẽ nảy mầm và kết thành đạo quả giác ngộ viên mãn.
Sau hàng triệu năm, đến thời Đức Phật Thích Ca, một vị Thánh nhân đệ tử Phật xuất hiện. Mỗi khi Ngài tuyên thuyết giáo lý cho chúng sinh, những lời Pháp của Ngài mạnh mẽ và vang rền như tiếng rống của Sư tử, đập tan những ngờ vực, nghi hoặc, làm bừng tỉnh chúng sinh trong bến mê, đưa muôn sinh về quy y trong chánh Pháp.
Vị đó không ai khác chính là Tôn giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa (Pindola Bharadvaja).
I. TIỂU SỬ
Tôn giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa xuất thân trong một gia đình Bà la môn, là con của một quan đại thần danh tiếng của vua Ưu Điền (Udena) xứ Kosambi. Tên của Ngài có nghĩa là “trí tuệ nơi người bất động”. Tôn giả tinh thông kinh điển Vệ Đà (Veda) – loại kinh văn truyền thống của Bà la môn Ấn Độ giáo và rất được giới thanh niên sùng mộ. Giảng đường của Ngài thường lên đến hơn năm trăm đồ chúng.
Tuy nhiên, Tôn giả dần chán nản với việc đang làm vì không tìm thấy ý nghĩa cao cả của cuộc sống. Ngài tìm đến kinh thành Vương Xá (Rajagaha) thuộc đất nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Tại đây, Thế Tôn và Tăng chúng hàng ngày vẫn ôm bình bát đi khất thực. Hình ảnh đó vừa bình an, thanh khiết, vừa ngân vang như tiếng đại hồng chung làm trong lòng Tôn giả sống dậy những thanh âm khôn tả. Ngài xúc động tìm đến tinh xá xin được xuất gia.
Sau khi được Đức Phật thọ giới, Tôn giả rất tinh cần tu học. Cùng với Tôn giả Đại Ca Diếp (Maha Kassapa), Ngài là một trong số ít những tỳ kheo nghiêm túc thực hành và tuyên giảng hạnh Đầu đà (khổ hạnh). Ngài giảm thiểu tối đa những nhu cầu về thức ăn, trang phục, nơi ở. Ngài ở rừng, đi khất thực, siêng tọa thiền, sống một đời sống giản dị và thanh bai. Với đời sống tu hành như thế, Ngài thong dong với mọi thứ trong đời sống hàng ngày, thoát ly dần các ham muốn, chỉ chú tâm tu hành để nuôi dưỡng những tâm hạnh cao thượng và chẳng bao lâu chứng đắc Thánh quả A La Hán. Đức Phật đã khen Ngài bằng bài kệ rằng:
Không mắng, không gia hại
Chế ngự trong giới bổn
Tiết độ trong ăn uống
Nằm ngồi chỉ một hình
Chú tâm vào tăng thượng
Chính lời chư Phật dạy.
II. ĐỆ NHẤT “TIẾNG RỐNG SƯ TỬ”
Để thành tựu được mục tiêu vô ngã trong Đạo Phật là điều rất khó. Bởi lẽ, lộ trình tu hành sẽ trải dài qua muôn vàn kiếp sống. Nhiều trạng thái lạ lùng được giăng ra thử thách, công đức cũng cần bồi đắp cho sung mãn ngập tràn.
Tôn giả Tân Đầu Lô không những đã chứng đạt mục tiêu tột cùng ấy, Ngài còn có thể tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cho những hành giả đang bước đi trên con đường Thánh đạo. Ngài xóa tan đi mọi thắc mắc bằng những lời dạy vừa cụ thể, thực tế, vừa phù hợp với đúng giai đoạn mà hành giả đang tu tập.
Giống như đi trên biển lớn, mặt trời và các ngôi sao sẽ chỉ cho người thủy thủ biết tìm ra phương hướng, những ngọn sóng cho biết chỗ cạn chỗ sâu, bầu trời sẽ báo hiệu khi nào nguy hiểm cần phải dừng lại tìm nơi trú ẩn… Tôn giả cũng là những ngôi sao, ngọn sóng, bầu trời dẫn đường cho hành giả trong đại dương Phật Pháp bao la.
Có lần, Tôn giả đã xin phép Đức Phật đứng trước đại chúng, tuyên bố rằng Ngài sẵn sàng trả lời tất cả các câu hỏi của vị nào còn nghi ngờ về các Thánh quả và các chặng đường dẫn đến Thánh quả ấy. Ngay lúc đó, Đức Phật cất lời khen ngợi: “Trong các đệ tử của Ta, rống tiếng rống của sư tử, tối thắng là Tân Đầu Lô”
Danh hiệu “tối thắng” mà Thế Tôn ban tặng, chắc chắn không phải chỉ trong một kiếp mà thành tựu. Để có thể thấu triệt Thánh đạo cao cả, Ngài đã hi sinh bao nhiêu công sức, đổ xuống bao nhiêu giọt mồ hôi, bao nhiêu lần xác thân này tan hợp trong vòng xoáy luân hồi để thực hành và chiêm nghiệm về con đường gian nan ấy. Sự thực hành vừa cần nỗ lực phi thường, vừa phải tinh tế đến từng điều nhỏ nhặt như đầu chỉ mũi kim.
Vì thế, mỗi khi Tôn giả tuyên giảng thì đó là một lần con sư tử chánh Pháp gầm lên tiếng sấm vang khắp sơn hà. Từng lời, từng chữ chứa đựng sức nặng của những công hạnh đã tích lũy qua vô lượng kiếp khiến không một thành trì cố chấp nào có thể đứng vững được, không một sự tăm tối nghi hoặc nào còn có thể bám trụ được nơi tâm hồn của chúng sinh. Nhờ đó mà rất nhiều người, kể cả kẻ ngoại đạo đã lần lượt được vị Thánh Tăng nhiếp phục về với chánh Pháp.
Đức hạnh của một vị A La Hán là vô cùng, khôn kể, dù vậy lòng tôn kính Phật luôn là đức hạnh cao quý nhất, là căn bản nảy nở mọi điều tốt đẹp trên đời. Với Tôn giả Tân Đầu Lô cũng thế. Nhiều đời nhiều kiếp Ngài đã cúng dường lên các Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, đem cả thân tâm để hiến dâng Tam Bảo. Dù kiếp sống đó ở trong thân phận nào thì ngay lần đầu tiên khi bắt gặp Phật Pháp, niềm tin kính cũng sáng bừng rạng rỡ trên gương mặt của Tôn giả. Đến kiếp cuối cùng, khi đã viên mãn chứng đắc Thánh quả A La Hán, hóa độ được bất kỳ chúng sinh nào Ngài cũng đều hướng họ đến Đức Thế Tôn.
III. HOẰNG DƯƠNG CHÁNH PHÁP
Kinh kể lại rằng, một hôm Tôn giả Tân Đầu Lô ngồi nhập định dưới tán cây Sala đang trổ hoa rực rỡ, thì vua Ưu Điền (nước Kosambi) đi vào vườn với một đoàn tùy tùng đông đảo. Thấy vị Trưởng lão đang ngồi nhập định, các cung nữ tới gần thưa chuyện. Nhân dịp đó, Tôn giả thuyết Pháp cho các cô nghe, khiến họ hiểu rõ về nhân quả và phát khởi lòng kính tin nơi Tam Bảo. Ngay lúc ấy, vua Ưu Điền bước vào. Chứng kiến các cung nữ quên mất phận sự mà mải mê đi nghe thuyết Pháp, vua rất bực bội và cho rằng làm sao một nam nhân có thể không rung động trước các nữ nhân kiều diễm được.
Nhưng đến khi nghe Tôn giả tuyên Pháp thì mọi sự giận dữ của vua đã lập tức tan biến. Những lời Pháp như dòng suối mát, nhẹ nhàng len lỏi vào rửa sạch tâm hồn Nhà vua. Ngài dạy: “Một Sa môn nhiếp phục được tâm mình, làm chủ được tâm hồn mình, thoát khỏi mọi phiền não ái dục. Người này không còn bị rung động trước các nữ nhân kiều diễm nữa. Đối với người lớn tuổi, vị này xem như mẹ như cha, đối với người nhỏ tuổi thì xem như con như cái. Trong tâm vị này tuyệt nhiên không có một ý niệm ưa thích. Một Sa môn như thế đã thoát khỏi tái sinh, có thể thành tựu thần thông tự tại, không một điều nào của thế gian có thể cột trói vị đó được cả.”
Sau bãi Pháp, vua Ưu Điền vội quỳ xuống dưới tòa ngồi của vị Thánh Tăng hết lòng sám hối. Tôn giả hướng tâm họ về Đức Phật. Ngài tuyên giảng về sự vĩ đại của Bậc Đạo Sư và quy y cho cả hoàng cung. Sự kiện này đã nhanh chóng nức tiếng cả xứ Kosambi, giúp cho Phật Pháp dễ dàng lan tỏa tới nhiều người dân trong vương quốc.
Với “tiếng rống sư tử tối thắng”, những trường hợp khó nhất, những chúng sinh cang cường nhất, những áng mây đen tối nhất trong tâm trí kẻ chống báng đều được Tôn giả Tân Đầu Lô nhiếp phục về với chánh Pháp. Những câu chuyện giáo hóa cho tay trưởng giả giàu có mà xan tham, lão bà keo kiệt xây nhà bảy lớp cửa, vây lưới sắt đến con chim không lọt vào nổi… đều là những bông hoa điểm xuyết trong khu rừng công đức mà Tôn giả đã gây tạo.
Một câu chuyện khác gắn liền với Tôn giả Tân Đầu Lô liên quan đến việc sử dụng thần thông. Thuở đó kinh thành Vương Xá có nhiều giáo phái. Họ thi nhau biểu diễn những năng lực khác lạ bên bờ sông vào ban đêm, thu hút rất đông quần chúng đến xem. Họ còn chỉ trích Thế Tôn và Tăng đoàn kịch liệt. Biết vậy, một trưởng giả tên Maluta đã treo chiếc bát bằng bạc quý giá của mình lên cây sào hai mươi thước, thách thức tất cả các Sa môn, đạo sĩ các giáo phái. Không ai thực hiện được, Maluta càng nghi ngờ và buông lời xúc phạm nặng nề. Lúc đó, Tôn giả Tân Đầu Lô quan sát thấy con đường đọa lạc đã mở ra cho kẻ phỉ báng. Ngài biết Thế Tôn sẽ quở trách nhưng không đành lòng liền tới thưa với Tôn giả Mục Kiền Liên và được Ngài mỉm cười đồng ý. Vậy là ngay lập tức, Tôn giả thị hiện thần lực phi thường. Ngài ngồi kiết già trang nghiêm trên một tảng đá lớn, bay lên giữa không trung lấy chiếc bát, rồi lượn quanh kinh thành Vương Xá trong sự xôn xao rúng động của dân chúng phía dưới. Lần ấy khi trở về tinh xá, Phật dù biết tấm lòng của các đệ tử nhưng Ngài căn dặn lần sau không được làm như vậy nữa, bởi điều đó dễ khiến người dân hiểu nhầm về mục đích của việc tu hành.
IV. VỊ BỒ TÁT TRỤ THẾ CỨU ĐỘ CHÚNG SINH
Sau khi Tôn giả nhập Niết Bàn, những tưởng chúng sinh sẽ mất đi một bậc Thánh siêu phàm để nương tựa thì đâu đó trong các bài kinh, câu kệ, trong các truyền thuyết dân gian, người ta lại thấy hình bóng Ngài phảng phất như bước chân Ngài vẫn đang không ngừng âm thầm giáo hóa chúng sinh. Nhiều giai thoại còn ghi lại về sự thị hiện để hóa độ của Ngài.
Sau thời Đức Phật khoảng hơn hai trăm năm, có đại đế A Dục (Asoka) trước đó là một vị bạo chúa chuyên gây chiến tranh nhưng sau được Tôn giả Tân Đầu Lô hóa độ đã quy y Tam Bảo, trở thành vị minh quân, hết lòng hoằng dương chánh Pháp. Một lần vua A Dục mở tuần bát quan trai giới, Ngài thiết tha khẩn cầu được các đệ tử hiền Thánh của Đức Như Lai về chứng minh, nhận cúng dường. Lần ấy, Tôn giả Tân Đầu Lô đã về thị hiện, thuyết Pháp cho vua nghe. Từ đó, vua A Dục càng thêm kính tin Tam Bảo, làm thêm nhiều công đức cho Phật Pháp và chúng dân.
Thời Đông Tấn bên Trung Hoa, Thiền sư Đạo An là bậc cao tăng phiên dịch kinh điển. Dù rất tinh thông chữ nghĩa, Ngài vẫn lo sợ chỗ dịch của mình còn sai sót nên đã khấn nguyện xin chư hiền Thánh hiển linh chỉ dạy. Tối hôm đó Ngài nằm mộng thấy một vị Hòa thượng lông mày trắng đến nói: “Ta là Tân Đầu Lô ở Ấn Độ, lấy tư cách là một đại A La Hán, ta bảo chứng những kinh điển ông dịch đều rất chính xác”.
Một giai thoại khác vào thời vua Lương Võ Đế. Vua bị một cơn bạo bệnh dày vò. Tôn giả đã thị hiện trong giấc mơ, nhắc vua nguyên nhân căn bệnh là do ham thích hưởng thụ phú quý, không đoái hoài gì đến sự đói khát cơ hàn khốn khổ của dân chúng. Ngài nhắc vua muốn khỏi bệnh phải khai mở quốc khố, cứu giúp muôn dân nghèo khổ, cúng dường mười phương Tăng chúng, đồng thời phải tự mình gieo trồng thiện căn công đức và dốc sức hộ trì Tam Bảo. Vua sau khi tỉnh dậy, theo giấc mơ mà làm thì quả nhiên khỏi bệnh. Về sau, vua Lương Võ Đế trở thành vị vua sùng kính Phật giáo bậc nhất Trung Hoa. Ngài đã đưa Phật giáo trở thành quốc giáo, xây dựng nhiều công trình chùa chiền, cúng dường Tam Bảo. Đặc biệt, Ngài còn đưa ra nhiều luật lệ như không được vẽ hình Phật để trang trí, cúng lễ tổ tiên bằng đồ chay, đại xá thiên hạ, phóng thích tù nhân vào dịp lễ hội Phật giáo.
Suốt hơn hai nghìn năm qua đi, niềm tin vào vị A La Hán Tân Đầu Lô Phả La Đọa vẫn luôn được giữ gìn. Trong tâm khảm của người dân, Ngài là vị Thánh hiền từ luôn hiện hữu. Tại các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng còn giữ nhiều nghi thức để cúng dường và thỉnh mời Ngài.
Dù cho vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về những giai thoại hay niềm tin về một bậc A La Hán còn thường trụ thế gian nhưng có một điều chắc chắn rằng, chỉ cần có lòng thành kính hướng về, vị đó sẽ vẫn luôn lắng nghe và minh chứng. Bởi lẽ, lòng từ bi và thần lực của một bậc Thánh không bao giờ mất đi dù vị đó có an trú trong Niết Bàn tịch diệt, không thị hiện bằng hình hài thì vị đó vẫn âm thầm gia hộ, chở che cho chúng sinh.
Đặc biệt là một đại Tôn giả A La Hán như Ngài Tân Đầu Lô – người mà “tiếng rống sư tử” của Ngài đã làm rung chuyển pháp giới sẽ còn vang vọng mãi, để nhắc nhở và chỉ dạy cho hàng hậu học luôn đi đúng trên con đường chánh Pháp mà Thế Tôn muôn vàn cao quý đã chỉ dạy.
V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH TÔN GIẢ TÂN ĐẦU LÔ PHẢ LA ĐỌA
Tôn giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa là vị A La Hán có tiếng rống của sư tử tối thắng nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật. Mỗi khi khởi tâm tôn kính tới Tôn giả, trong tâm chúng sinh lại được thắp lên lòng tôn kính tuyệt đối với chư Phật, gieo trồng nhân duyên sâu dày với con đường trao truyền đạo lý đến muôn nơi. Cuộc đời phạm hạnh và những lời thuyết giảng vang khắp chốn của Ngài như những ngôi sao sáng dẫn đường cho hành giả trong bầu trời Phật Pháp bao la, làm xua tan đi những tăm tối nghi hoặc trên con đường tìm cầu giác ngộ, đạt đến đời sống an vui hạnh phúc.
Hình ảnh Tôn giả được lưu truyền như một vị Bồ Tát trụ thế cứu độ chúng sinh, hình bóng Ngài phảng phất như luôn âm thầm theo sát và gia hộ cho muôn loài. Trong tâm khảm của mọi người, niềm tin vào vị Thánh hiền từ ấy luôn được gìn giữ đến tận ngày nay và sẽ còn hiện hữu đến mãi về sau.
Khi thờ kính Tôn giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa, quý Phật tử sẽ:
– Thành tựu ý chí quyết tâm bền bỉ, tận lực hoàn thành mọi công việc, uy tín dần tăng trưởng.
– Nâng cao tinh thần dũng cảm cống hiến, có khả năng làm người dẫn đầu, định hướng dẫn dắt cho mọi người.
– Dần tăng trưởng khả năng tuyên thuyết đạo đức và chân lý sống cao đẹp, như dòng suối mát lành chảy vào tâm muôn loài, khiến mọi người kính trọng và yêu mến.
– Thành tựu lòng tôn kính Phật đến tuyệt đối, hướng tâm về Tam Bảo thiêng liêng và gieo nhân lành bước vào ngôi nhà Thánh nhân.
– Thành tựu đời sống thanh cao, hết mình vì niềm hạnh phúc của muôn loài.
VI. THƠ TỤNG
Con cúi lạy mười phương chư Phật
Với lòng tôn kính rất thiết tha
Con đường chánh Pháp bao la
Nguyện tình thương trải lan xa địa cầu
Con cúi lạy nhiệm màu Pháp Bảo
Chư Thánh Tăng đạo quả cao siêu
Cho con hiểu rõ muôn điều
Quyết tìm Vô Ngã dẫu nhiều gian nan
Một thuở nọ Phật còn tại thế
Có Thánh Tăng trí tuệ siêu phàm
Cất lên tiếng rống đại ngàn
Của Sư tử chúa phá tan đêm dài
Nơi khăn khó Ngài càng bước tới
Nhiếp phục người phát khởi tâm thành
Hướng về Phật Pháp tu hành
Thoát ra bể khổ, nhân lành gắng gieo
Biết thân xác bọt bèo giả tạm
Sao mãi còn say đắm lợi danh
Tham lam, đố kỵ, tranh giành
Một mai cũng sẽ tan thành bụi tro
Xin đem trọn tấm lòng dâng Phật
Tình thương như trời đất bao la
Giữ lòng khiêm hạ sâu xa
Xem mình như cỏ như là bụi bay
Đường tu hành còn dài vạn kiếp
Xin nguyện lòng bước tiếp không ngơi
Tìm về giác ngộ cao vời
Chung xây thế giới rạng ngời ánh dương.
Nam Mô Tân Đầu Lô Phả La Đọa Tôn Giả (3 lần)