Tôn Giả Pilindavaccha – Đệ Nhất Được Chư Thiên Kính Mến

Vân du khắp chốn nghìn đường
Chư Thiên theo dấu chân phương cúng dường
Đắc thành thần lực phi thường
Thánh nhân La Hán tuệ tường tinh thông
Tâm từ phủ khắp hư không
Chúng sinh ba cõi tỏ lòng kính thương.

Tôn Giả Pilindavaccha - Đệ Nhất Được Chư Thiên Kính Mến -

Tôn Giả Pilindavaccha – Đệ Nhất Được Chư Thiên Kính Mến

I. XUẤT THÂN

Thuở ấy, kinh thành Xá Vệ (Savatthi) thuộc đất nước Kiều Tát La (Kosala) được biết đến bởi sự phồn thịnh về kinh tế, phát triển về văn hoá xã hội. Bên cạnh đó, đây là nơi quy tụ của nhiều tôn giáo. Mỗi năm, có hàng ngàn giáo sĩ, đạo sĩ, những vị lãnh đạo tứ phương về truyền giáo và chiêu mộ tín đồ. Trong đó phải kể đến giáo phái Bà la môn, Ni kiền tử, đạo sĩ thờ lửa…. Những giáo phái trên đều thu hút rất nhiều tín chúng. Họ hoạt động sôi nổi và thi nhau phô diễn tài năng trên các con phố. Mỗi giáo phái khoác trên người những bộ trang phục khác nhau, họ đêm ngày ra sức truyền bá niềm tin của mình cho quần chúng.
Kinh thành thịnh vượng đó chính là quê hương của Tôn giả Pilindavaccha. Ngài được sinh ra trong một gia đình Bà la môn danh giá. Từ nhỏ, Ngài đã sớm được dự phần trong những buổi tế lễ thánh thần, góp mặt trong những cuộc trò chuyện cùng các vị tế sư lỗi lạc. Vì vậy, Ngài am hiểu tường tận giáo lý kinh điển Vệ Đà. Thế nhưng, Ngài sớm nhàm chán những luận thuyết xa vời đó. Lòng Ngài luôn khắc khoải ước muốn thoát ra khỏi những điều tầm thường của thế tục. Không bao lâu sau, Ngài đã quyết định từ bỏ cuộc sống giàu sang, trở thành một đạo sĩ.

Ngài theo học với nhiều vị thầy lỗi lạc, thực hành rất nhiều công phu khác nhau, vân du tới tận kinh đô Vương Xá (Rajagaha) của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) để học đạo. Sau nhiều năm tháng nỗ lực, Ngài đạt được thần lực phi thường. Ngài có thể bay lên không trung vượt trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) hùng vĩ, thả bước dạo bộ trên những ngọn cây phủ trắng tuyết hay có thể ngồi tĩnh tọa lơ lửng giữa những tầng không. Không những thế, Ngài còn có thể đọc thấu suy nghĩ của người khác khi chỉ nhìn thoáng qua.

Với những năng lực đặc biệt như thế, Tôn giả Pilindavaccha trở thành vị đạo sư nổi danh. Tiếng tăm của Ngài lẫy lừng trải dài từ vùng Ba La Nại (Banares), xuôi về phía tả và hữu ngạn sông Hằng là nơi tập trung của Bà la môn giáo, đến tận các đất nước phía Tây Bắc, vang danh đến cả quê hương Kiều Tát La. Du sĩ khắp nơi đổ về xin theo làm đệ tử.

Thế nhưng, có một điều vẫn làm Ngài luôn đau đáu trong lòng. Đó là lời dặn dò của vị thầy trước khi khuất núi: “Này Pilindavaccha, trong tương lai sẽ có một bậc đại thần thông xuất thế. Phép thuật của con chỉ đáng là một hòn sỏi dưới chân vị ấy và sẽ biến mất trước đại uy lực của Người. Này Pilindavaccha, khi đó con hãy đến xin trở thành đệ tử của Người”.

Thời gian cứ thế trôi qua, Tôn giả Pilindavaccha vẫn thường trầm tư mỗi khi nhớ lại lời chỉ bảo của thầy. Các đồ chúng thì thi thoảng lại thấy Ngài nhìn xa xăm về phía rặng Tuyết Sơn linh thiêng. Có lẽ Ngài đang mong đợi một điều gì đó…

II. XUẤT GIA – CHỨNG ĐẠO

Sau bốn mươi chín ngày đêm nhập định dưới cội cây bồ đề, Đức Thế Tôn viên mãn đắc thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, trở thành bậc Thầy tôn quý nhất trong tam giới, bắt đầu chuyển vận bánh xe Pháp Bảo. Thế Tôn lên đường du hóa đến nhiều vùng đất khác nhau để hoằng truyền giáo Pháp.
Mùa an cư thứ tám, Đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn an cư kiết hạ tại tinh xá Trúc Lâm (Veluvana).

Cùng lúc đó, tại tu viện của mình trong kinh thành Vương Xá, Ngài Pilindavaccha bắt đầu cảm thấy phép thuật của mình đang dần biến mất.
Ngài không thể bay trên không trung và nhìn thấu tâm của mọi người như trước. Cứ mỗi lần Ngài định cất người lên hư không thì như có sợi dây vô hình giữ chặt lại. Hay mỗi khi muốn quán xét tâm ai thì những tư tưởng vẩn vơ đến quấy nhiễu khiến Ngài không thể tập trung được.
Lần này Đức Thế Tôn trở về Vương Xá, giáo Pháp của Người đã mang một tầm ảnh hưởng sâu rộng. Quần chúng ca tụng về Người ở khắp mọi nơi, trên các con phố, trước mỗi cửa nhà của các tín chủ. Đặc biệt, họ truyền tai nhau về câu chuyện kỳ diệu Người thị hiện đại thần thông, lên cõi trời thuyết Pháp ba tháng rồi quay trở về trước sự chứng kiến của hàng trăm nghìn người.

Lời dặn của của vị thầy năm xưa đã ứng nghiệm. Không chần chừ lâu, Ngài Pilindavaccha liền cùng các môn đồ của mình tới yết kiến Đức Thế Tôn.
Tinh xá Trúc Lâm hiện ra yên bình sau tán của những rặng tre, dưới những dải nắng vàng rực rỡ.
Trên một tòa ngồi bằng ngọc thạch, Đức Thế Tôn đang ngự tòa uy nghi thuyết Pháp. Hào quang nơi Người tỏa ra sáng bừng cả một vùng không gian.
Ngài bước đến bên Đức Thế Tôn, quỳ xuống đảnh lễ rồi chắp tay cung kính:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, con là Pilindavaccha. Từ lâu, con và đồ chúng đã nghe về Người với tất cả ngôn từ cao quý nhất. Ai cũng phải kính phục trước thần lực siêu phàm Người đã thị hiện trên mảnh đất Kiều Tát La. Hôm nay được trực tiếp chiêm ngưỡng dung nghi của Người, con càng tin chắc điều ấy. Con cúi xin Người hãy chỉ dạy cho con về đại thần lực.

Đức Thế Tôn mỉm cười. Người nhìn vị đạo sư từ tốn nói:

Này Pilindavaccha, hãy xuất gia trong giáo Pháp của Như Lai và con sẽ học được đại thần lực ấy.
Ngài phục mình xuống đảnh lễ trước pháp tòa. Ngay lập tức, mái tóc dài được tết cẩn thận biến mất, y áo khoác trên mình biến thành tấm y ca sa nâu, Ngài Pilindavaccha chính thức trở thành một vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn.

Đức Thế Tôn quán xét căn cơ và nhân duyên của Tôn giả, Người ban cho Ngài một đề mục thiền quán. Vâng lời Đức Thế Tôn, Ngài hành trì tu tập, tinh tấn tọa thiền ngày đêm không ngơi nghỉ.

Và rồi, một đêm trời thu, ánh trăng sáng vằng vặc, không gian vô cùng yên tĩnh. Dưới gốc cây sa la, Tôn giả Pilindavaccha ngồi kiết già bất động. Ngài nhiếp tâm trong hơi thở, cảm giác rõ những trạng thái biến đổi của thân và nhập sâu dần vào các tầng thiền định. Lòng tôn kính dâng lên Đức Thế Tôn ngập tràn trong tâm trí. Đến nửa đêm, khi trăng lên cao nhất, vằng vặc soi rọi khắp không gian, Ngài đắc thành Thánh quả A La Hán, chứng đạt Tam Minh Lục Thông và thành tựu đại oai lực siêu phàm trong tam giới.

III. VỊ TÔN GIẢ ĐỆ NHẤT ĐƯỢC CHƯ THIÊN ÁI KÍNH

Sau khi chứng đắc Thánh quả, hàng ngày đều có rất đông các vị Thiên tử đến thăm hỏi Tôn giả. Mỗi khi Ngài ở trong liêu thất một mình, khi đi qua những khu rừng vắng hoặc tịnh cư ở một nơi xa xôi hẻo lánh, chư Thiên đều nhân cơ hội để đến đảnh lễ Ngài. Hơn thế, sớm chiều các vị đều túc trực ở bên để hầu cận. Các vị cúng dường vật thực, lấy nước rửa chân, canh chừng thú dữ… tận tụy chăm nom với trọn tấm lòng thành kính.

Ân đức của Ngài phủ trùm đến nỗi, chư Thiên đều mang ơn Ngài. Một kiếp xưa, Ngài là một vị Chuyển Luân Thánh Vương đầy oai lực, cai trị một quốc gia không biên giới, trải dài trên nhiều lục địa với vô số chúng dân. Không những giúp cho đất nước được hưởng thái bình no ấm, Ngài còn dùng uy đức của mình hướng dẫn muôn dân sống trong ngũ giới của Đức Phật. Đất nước của Ngài là đất nước không có chiến tranh, giết chóc, không có trộm cắp, gian tham, xảo trá. Con người sống hòa ái và giúp nhau tu hành trong đạo lý. Cuối cùng, sau kiếp đó tất cả cư dân đều được tái sinh trở thành Thiên tử, Thiên nữ trên các tầng trời. Kiếp này khi Ngài trở lại thế gian tu hành, các vị Thiên tử vẫn mang ơn sâu nặng trong lòng và luôn tìm cơ hội để được bày tỏ lên Ngài.

Trong nhiều kiếp quá khứ trước đó, Tôn giả đã làm vô số công đức lành dâng lên Tam Bảo. Dù là lúc ở cõi người hay khi là một vị Thiên tử uy đức chói ngời, mỗi lần có một Đức Phật xuất thế, Ngài đều luôn phụng sự với trọn tấm lòng thành kính. Trong một bài kệ, Ngài đã nói lên rằng: “Tất cả những phước lành ta đạt được, đều bắt nguồn từ việc trong sạch cúng dường”. Có thể hiểu rằng, khi gây tạo các công đức, Ngài đã luôn giữ tâm thuần tịnh, đức hạnh nên phước báu trở thành vô lượng.

Trước những ân tình của chư Thiên dành cho Tôn giả Pilindavaccha, trong một lần trước hội chúng rất đông, Đức Thế Tôn đã tán thán rằng:
“Này các Tỳ kheo, trong số các đệ tử của Như Lai được chư Thiên ái kính, Tỳ kheo Pilindavaccha là tối thắng”.

IV. HÓA CỎ THÀNH VÀNG

Tại một ngôi làng nhỏ gần kinh thành Vương Xá, không khí thật vui tươi, rộn rã. Mọi người đang nhộn nhịp chuẩn bị một lễ hội rực rỡ sắc màu. Đèn lồng giăng khắp lối xen cùng những dải hoa tươi. Hương lúa từ các cánh đồng quyện với hương thơm của ngũ cốc cùng những loại bánh truyền thống tỏa ra thơm nức. Trẻ con nô đùa, ríu rít khoe nhau những chiếc vòng hoa tươi thắm được đan kết khéo léo, cầu kỳ.

Sáng hôm đó, Tôn giả Pilindavaccha khất thực đến ngôi làng. Ngài bước đến từng nhà, những người gia chủ ân cần sớt thức ăn vào bát trong niềm quý kính. Bỗng có tiếng khóc nấc của một bé gái từ xa vọng lại.

Theo tiếng khóc ấy, Ngài tiến đến và dừng lại trước một ngôi nhà mái lá lụp xụp, bức tường đất đã lở đôi ba chỗ, chỉ đủ che nắng che mưa. Trong nhà một bé gái đang khóc nức nở trong lòng mẹ, nước mắt ướt nhòe khuôn mặt.

Tôn giả Pilindavaccha thấy vậy, Ngài hiền từ hỏi người mẹ:
– Này gia chủ, vì sao bé gái lại khóc?
Người phụ nữ cúi mặt nhìn đứa con bé bỏng, rơm rớm nước mắt thưa:
– Thưa Tôn giả, hôm nay làng con tổ chức lễ hội tưng bừng, ai ai cũng đều vui vẻ. Những đứa bé tung tăng nô đùa, được diện áo mới và vòng hoa, nhưng con gái con thì không được như vậy. Gia cảnh con khốn khó, con chỉ là người giúp việc nghèo cho tu viện, hàng ngày ăn còn không đủ no nên không thể nào lo tươm tất cho con bé được. Nó tủi thân khóc vì không có vòng hoa đẹp để chơi cùng chúng bạn ạ.

Tôn giả lắng nghe lời giãi bày, rồi Ngài đến dưới tàng cây, đưa tay nhặt từng ngọn cỏ và kết thành một chiếc vòng nhỏ nhắn. Ngài trao chiếc vòng cỏ cho cô bé và dịu dàng nói:

– Này con, ta tặng cho con chiếc vòng này, hãy đội nó lên đầu nhé.
Cô bé lễ phép đưa hai tay đón nhận chiếc vòng cỏ rồi nhẹ nhàng đặt lên đầu. Kỳ lạ thay, vừa chạm đến mái tóc, chiếc vòng lập tức biến thành vàng ròng, điểm xuyết xung quanh là những viên ngọc nhỏ xinh lấp lánh. Dưới ánh nắng, chiếc vòng tỏa ra một thứ ánh sáng rực rỡ. Thật là một món trang sức quý báu mà ngay cả trong cung vua cũng không có được. Bé gái không ngăn nổi vui sướng, chạy ngay ra với đám bạn cùng tung tăng vui đùa. Người mẹ nghèo không kìm được xúc động, quỳ xuống đảnh lễ tạ ơn Tôn giả.

Vài ngày sau, Tôn giả quay trở lại ngôi làng thì được tin hai mẹ con họ đã bị quân lính bắt đi. Lòng đầy thương xót, Ngài liền đến hoàng cung gặp vua Bình Sa (Bimbisara) để hỏi chuyện. Nhà vua kính cẩn thưa:

– Thưa Tôn giả, dân chúng gần đây xôn xao tin đồn rằng, trong nhà người giúp việc nghèo của tu viện làng nọ có chiếc vòng hoa bằng vàng vô cùng quý giá. Con ngờ rằng họ đã lấy trộm nó vì nhà họ rất nghèo, không thể nào có món trang sức quý ấy được nên đã cho quân lính bắt về để tra xét ạ.
Đợi vua Bình Sa dừng lời, Tôn giả Pilindavaccha khẽ nhắm mắt lại. Bất ngờ thay, cả cung điện rộng lớn của Nhà vua lập tức biến thành vàng ròng, cực kỳ nguy nga tráng lệ, sáng rực rỡ cả một vùng trời.

Được tận mắt chứng kiến được cảnh tượng huy hoàng ấy, vua Bình Sa kinh ngạc không nói nên lời, quần thần có mặt cũng không khỏi ngỡ ngàng. Tôn giả điềm tĩnh hỏi tiếp:

– Thưa Đức vua, do đâu Ngài lại có nhiều vàng đến vậy, một cung điện bằng vàng?
Đức vua cúi xuống xúc động, Ngài chắp tay thưa:

– Thưa Tôn giả, Ngài đã giúp con hiểu ra mọi việc. Xin Tôn giả tha thứ cho con vì đã vô minh, không phân định được đúng sai mà hồ đồ kết tội người dân lương thiện. Xin Ngài cho con được cúi đầu sám hối.

Sau đó, Đức vua lập tức hạ lệnh thả hai mẹ con và ban cho họ một số tiền.
Kể từ hôm đó, câu chuyện hóa cỏ thành vàng đã nhanh chóng lan ra khắp vùng. Dân chúng vô cùng kính ngưỡng tấm lòng và thần lực của Tôn giả. Từ đó họ càng thêm niềm kính tin nơi giáo Pháp nhiệm màu của Đức Thế Tôn.

V. KẾT LUẬN

Tôn giả Pilindavaccha là vị Thánh A La Hán thành tựu thần lực phi thường trong Tăng đoàn của Đức Phật. Trong nhiều kiếp quá khứ, Ngài đã phụng sự và cúng dường các vị Phật với tâm thuần tịnh nhất. Đồng thời, khi từng là Chuyển Luân Thánh Vương, Ngài đã dùng uy đức của mình để hướng dẫn muôn dân sống trong ngũ giới thanh tịnh, để rồi khi mạng chung, tất cả họ đều được sinh lên cõi trời, sống trong an lạc và hạnh phúc. Nhớ tưởng ơn đức lớn lao đó, các vị thường lui tới để thăm hỏi và cúng dường Tôn giả. Ngài trở thành vị Thánh Tăng được chư Thiên ái kính nhất.

Câu chuyện của Tôn giả Pilindavaccha là minh chứng cho sự vĩ đại của Phật Pháp. Với một vị đã chứng Thánh quả thì đắc được thần thông phi thường là điều hiển nhiên. Tuy vậy, đây cũng chỉ là một trong những phương tiện các Ngài dùng để giáo hóa độ sinh. Chỉ khi sống một cuộc sống thuần thiện, bố thí giúp người, hành trì ngũ giới… đặc biệt là siêng năng tu tập hướng về giải thoát giác ngộ, chúng sinh mới thoát khỏi khổ đau, tìm được hạnh phúc thật sự cho mình và mang lại nhiều lợi ích cho đời.

Người đệ tử Phật chúng con ngày nay nguyện lòng học tập theo công hạnh của Tôn giả, luôn nỗ lực phụng sự để gieo duyên lành với chúng sinh, giúp chúng sinh tu hành theo chánh Pháp và hướng tâm về vô ngã giải thoát. Nguyện trên hồng ân Tam Bảo gia hộ cho chúng con muôn đời muôn kiếp luôn tinh tấn tu hành, kiên tâm vững bước vượt qua mọi khó khăn, không vì bất cứ lý do gì mà lạc sang một mục tiêu nào khác. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều tinh tấn tu hành, không còn bị đau khổ buộc ràng và thành tựu Thánh quả giải thoát.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Pilindavaccha là vị A La Hán thành tựu thần lực phi thường trong Tăng đoàn của Đức Phật. Trong nhiều kiếp quá khứ, khi làm vua Ngài đã trọn lòng tôn kính Tam Bảo, dùng quyền lực của mình giúp cho dân chúng sống trong đạo lý chân chính. Nhờ đó, họ đã tái sinh thành các vị Thiên tử trên các cõi trời. Cảm niệm ân đức sâu dày, các vị thường xuyên đảnh lễ và cúng dường Ngài. Đức Thế Tôn đã tán thán Ngài là vị Thánh Tăng Được Chư Thiên Tử Ái Kính Nhất.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Có duyên lành giúp cho nhiều người sống có đạo đức, biết đến Phật Pháp và tu tập chân chính. Có nhiều bạn tốt, sang quý sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ.
– Thành tựu nhiều tài năng đặc biệt, thông minh sáng suốt, làm được nhiều lợi ích cho xã hội. Gây tạo được vô số công đức lành để trở thành vĩ nhân mai sau.
– Được chư Phật gia hộ, chư Thiên theo dõi hộ trì, cuộc sống và con đường tu hành gặp nhiều may mắn, thuận lợi.

VII. THƠ TỤNG

Thành tâm xin đảnh lễ Ngài
Bậc A La Hán vượt ngoài trầm luân
Chúng sinh khắp chốn nặng ân
Muôn nơi ghi khắc dấu chân của Ngài
Thiên giới cho đến muôn loài
Trải qua bao kiếp ơn Ngài chẳng phai
Một lòng cung kính Như Lai
Cúng dường Tam Bảo Phật đài trang nghiêm
Tâm thanh tịnh chẳng lụy phiền
Phước lành uy đức mọi miền phủ giăng
Trước ngôi Tam Bảo huy hoàng
Xuất gia nương tựa Tăng đoàn Thế Tôn
Chói ngời uy lực thần thông
Trí tuệ thấu suốt mênh mông thiên hà
Tường tận Nhân quả sâu xa
Niềm tin kính Phật ngập tràn hư không
Chư Thiên các cõi chung đồng
Quay về quy kính cúng dường chăm nom
Nghìn đời giữ trọn tâm hồn
Dâng Người tuyệt đối muôn phần kính thương
Lời Phật soi sáng dẫn đường
Cho con thấu hiểu vô thường đổi thay
Xin nguyện đem trái tim này
Yêu thương tất cả vị tha giúp đời
Rồi như gió thoảng mây trôi
Chẳng còn chấp ngã như lời Phật răn
Từng chút công đức siêng năng
Tuổi già sung túc bình an sum vầy
Một lòng truyền bá điều hay
Để ai cũng biết tin sâu đạo mầu
Gìn giữ chánh Pháp nghìn sau
Gửi vào thế giới tinh cầu bao la
Tình yêu nhân loại chan hòa
Mặt trời chân lý chói lòa muôn phương
Khắp nơi chung một nẻo đường
Tìm về Vô Ngã con đường Thánh Nhân
Diệt trừ si ái tham sân
Niết Bàn tĩnh lặng bình an không cùng…

Nam Mô Pilindavaccha Tôn Giả (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x