Tôn Giả Ni Xa Ma – Đệ Nhất Thiền Định Ni Đoàn

Vô thường một cõi hư không
Trầm luân một thuở bụi hồng nhân gian
Nguyện lòng thanh khiết mây ngàn
Thảnh thơi trải rộng thênh thang ân tình.

Tôn Giả Ni Xa Ma - Đệ Nhất Thiền Định Ni Đoàn -

Tôn Giả Ni Xa Ma – Đệ Nhất Thiền Định Ni Đoàn

I. XUẤT THÂN

Nơi kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), một phố thị trù phú bậc nhất thuộc vương quốc Thích Ca (Sakya), Công chúa Sundari Nanda chào đời trong sự vui mừng của Đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati Gotami) cùng tất cả người dân. Được lớn lên trong gia đình hoàng tộc, Công chúa vừa có học thức uyên bác lẫn vẻ đẹp quý phái. Thế nhưng, điều gây ấn tượng và khiến người ta nhớ mãi chính là vẻ đẹp rực rỡ của Công chúa. Dân chúng thường ca ngợi rằng, Công chúa mang hình dáng của một Thiên nữ nơi thế gian.

Là con gái duy nhất nên Công chúa được Vua cha hết mực yêu chiều. Ngài được cung phụng, nâng niu như một cánh hoa nhỏ. Nhan sắc, cuộc sống của Ngài trở thành niềm mơ ước của mọi cô gái trong thành. Công chúa biết điều đó và luôn thầm tự hào. Vì thế, hàng ngày Ngài chăm sóc và giữ gìn nhan sắc của mình như món quà quý giá nhất mà cuộc sống đã ban tặng.

Khi đến tuổi trưởng thành, Công chúa chứng kiến người thân của mình lần lượt xuất gia. Đầu tiên là Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) xuất gia khi Ngài còn rất nhỏ, tiếp đến là vua Nan Đà (Nanda), anh ruột Ngài cùng những người anh em họ khác trong hoàng tộc. Sau đó, cả Mẫu hậu Ba Xà Ba Đề, Công nương Da Du Đà La (Yashodara) và nhiều tiểu thư, thị nữ của hoàng tộc Thích Ca cũng gia nhập Ni chúng. Lúc này Vua cha Tịnh Phạn đã qua đời, Công chúa thấy cô đơn, trống vắng khi bên cạnh không còn những người thân yêu nữa nên Ngài cũng quyết định xuất gia. Ngài vì lưu luyến tình cảm gia đình chứ không vì mục đích tìm cầu giác ngộ.

II. XÁC THÂN VÔ THƯỜNG

Thế là Công chúa Sundari Nanda đã từ bỏ thân phận vương giả giàu sang để cạo tóc xuất gia, khoác lên mình tấm y nâu sòng, sống một cuộc đời khất thực đầy vất vả, rong ruổi trên mọi nẻo đường. Nhưng một thời gian sau, Ngài nhận ra rằng mình không thể thích nghi với đời sống đầy giới luật, đạm bạc giản đơn trong Ni chúng. Ngài thường hoài niệm về cuộc sống xa hoa, có kẻ hầu người hạ, được thỏa thích làm theo ý mình như trước kia.

Thế Tôn rất quan tâm đến vị Tỳ kheo Ni trẻ tuổi, đã từng là em gái trước kia của Người. Người thường giảng về lý vô thường, về sự giả tạm của thân xác cho đại chúng nhưng mục đích chính là để nhắc nhở Tôn giả Sundari. Ở các buổi thuyết Pháp, Đức Phật rất hay chuyển chủ đề từ Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo sang những bài có đề tài quen thuộc như: “Sắc đẹp của thân là điều vô thường, giả tạm, dẫn đến khổ đau…” để nhắc nhở Tôn giả bỏ được sự chấp thân, từ đó chuyên tâm tu tập. Nhưng Ngài không hiểu ý Đức Phật mà lại luôn tìm cách lẩn tránh Người. Ngài tự thấy mình không thể đáp ứng được kỳ vọng của mọi người cũng như thấy mình còn xa vời trước mục tiêu giải thoát giác ngộ.

Vào một ngày nọ, trong thành có tổ chức một lễ hội đặc biệt nên từ khắp nơi dòng người nườm nượp kéo về. Dân chúng đến tinh xá nghe Thế Tôn thuyết Pháp. Sau nhiều lần lẩn tránh, hôm đó Tôn giả Sundari cũng đến dự buổi thuyết Pháp của Thế Tôn. Ngài đứng ở nơi xa nhất, gieo năm vóc xuống đảnh lễ Đức Phật và nghĩ rằng Người sẽ không nhìn thấy mình. Ngài thành kính hướng về Thế Tôn, trong lòng tràn đầy sự hoan hỷ và cảm giác khó tả. Tuy hay tránh mặt Thế Tôn nhưng trong thâm tâm Tôn giả lúc nào cũng đặt trọn niềm tôn kính lên Người.

Thế Tôn biết hôm nay Tôn giả sẽ đến nên Người quyết định sẽ dùng một bài Pháp đặc biệt để hóa độ Ngài. Trước khi xuất gia, Ngài Sundari Nanda nổi tiếng với nhan sắc xinh đẹp, ai ai cũng ngưỡng mộ. Do đó Ngài rất tự hào về điều này, kể cả khi đã xuất gia rồi thì tâm lý đó vẫn còn. Vì thế, Thế Tôn dùng sắc đẹp thân thể làm phương tiện như dùng chính gai nhọn để bứt đi gai nhọn nhằm đánh tan lòng kiêu hãnh về sắc đẹp của Ngài. Với thần lực của mình, Đức Phật đã biến hóa ra một thiếu nữ tuyệt sắc, xiêm y rực rỡ cùng nhiều trang sức óng ánh lộng lẫy đứng phe phẩy quạt hầu bên tòa. Và dĩ nhiên chỉ có một mình Ngài Sundari Nanda nhìn thấy. Trông thấy một mỹ nhân tuyệt đẹp đứng cạnh Phật, Ngài không khỏi ngạc nhiên. Trước giờ Ngài vẫn đinh ninh mình là người đẹp nhất, vậy mà giờ sao lại có người đẹp hơn mình rất nhiều. Bất giác, Ngài nhìn lại thân mình mà hổ thẹn. Ngài bây giờ chẳng khác gì con quạ đen đang đứng trước hạc chúa với thân như vàng ròng rực rỡ. Trong khi đại chúng xung quanh say sưa lắng nghe Thế Tôn thuyết Pháp thì Tôn giả Sundari Nanda lại mải mê ngắm nhìn những đường nét thanh tú, diễm lệ từ người con gái tựa như tiên nữ kia. Ngài khao khát mình cũng được sở hữu vẻ đẹp sang quý đó.

Lúc này Thế Tôn mới thuyết một bài Pháp vô cùng đặc biệt. Người thiếu nữ từ 16 tuổi bỗng chốc hóa thành 20 tuổi. Ngài Sundari Nanda nhận ra cô gái kia không còn vẻ thanh mát, trong trẻo như trước đây nữa. Rồi cô trở thành thiếu phụ, da bụng xệ xuống, nước da sạm dần. Tiếp đến cô biến thành một người đàn bà trung tuần, mái tóc rụng dần, làn da đầy những đốm đồi mồi, hằn những vết chân chim, người trở nên héo mòn, tàn úa. Cuối cùng, đó là hình ảnh của một bà lão lụ khụ, mắt mờ, lưng cong như mái nhà, da nhăn nheo, tay chân run rẩy. Tôn giả Sundari Nanda kinh ngạc dõi theo từng giai đoạn biến hóa của người vừa mới cách đây vài phút còn xinh đẹp tuyệt trần, nay mỗi lúc một già nua, vẻ đẹp chỗ này mất, chỗ kia hoại. Nhờ thần lực của Thế Tôn, Ngài thấy rõ sự biến đổi héo tàn của sắc thân trần thế chỉ trong thoáng chốc, điều mà nhiều người chỉ nhận thấy khi đã trải qua vài thập kỷ. Do sự gần gũi, gặp gỡ thường xuyên với con mắt quan sát thường tình, con người ít nhận ra cũng như không thể hiểu hết sự tàn phai của sắc xuân, sự hủy hoại khốc liệt của thời gian và sự cận kề của cái chết.

Chưa dừng lại ở đó, bà lão lâm bệnh nặng. Bà ném quạt đi, kêu thét lên, té xuống đất, mất hết lý trí, lăn lộn trên đống phân và nước tiểu của mình. Tôn giả Sundari Nanda giật mình kinh hãi. Ngài nhìn hình ảnh xác chết của bà lão trương phình lên, côn trùng, giòi bọ lúc nhúc đục khoét. Cái xác vẫn không được yên khi từng con quạ và chó kéo đến thi nhau xâu xé, rỉa từng miếng thịt. Tận mắt chứng kiến những điều kinh khủng đó, tâm hồn Ngài rúng động, tai ù, mắt hoa đi, choáng váng. Chính bài Pháp của Thế Tôn đã cho Ngài nhận ra rằng rồi Ngài cũng như thế, cũng như người thiếu nữ tuyệt sắc kia, từ sự trẻ trung xinh đẹp biến dần đến sự già nua xấu xí rồi cái chết tìm đến. Sắc đẹp hoàn toàn không thể nắm giữ mãi mà sẽ tàn hoại theo năm tháng. Từ cái biết thân này là vô thường, Tôn giả Sundari đã tìm thấy mối liên hệ giữa cái giả tạm và sự khổ đau, từ đó dần dần tâm Ngài trở nên dịu lại.

III. CHỨNG ĐẠO GIẢI THOÁT

Những hình ảnh sống động gây chấn động mạnh đã mang đến một bài học to lớn về sự vô thường cho vị Tỳ kheo Ni trẻ. Đến lúc này, Đức Phật biết thời cơ đã đến, Người giảng những bài Pháp mà Tôn giả có thể tiếp nhận được. Ngài lắng nghe và thâm nhập trọn vẹn Bốn Sự Thật cao quý. Thế Tôn lại nói thêm bài kệ: “Này Nanda! Hãy quán sát thi thể bệnh hoạn, bất tịnh, hội thối kia. Hãy tu tập thiền quán sâu xa về đề mục bất tịnh của thân đến trở thành chuyên nhất. Thân này như thế nào thì xác kia như vậy, xác kia như thế nào thì thân này như vậy, một ngày sẽ mục rữa, bốc mùi khó chịu, hôi thối, chỉ kẻ ngu mới đắm luyến vào xác thân bất tịnh này mà thôi. Hãy quán tưởng điều đó kỹ lưỡng, đêm ngày, rồi với niệm và tuệ đủ đầy, một ngày người sẽ thấy.

Hướng tâm theo từng câu kệ, trí tuệ khởi sanh, Tôn giả Sundari Nanda đắc Thánh quả Dự Lưu. Sau đó, Ngài được Đức Phật ban cho đề mục thiền quán để chiêm nghiệm về tính vô thường và bất tịnh của thân. Ngài dành nhiều thời giờ để thiền tập, kiên trì và tinh tấn thực hành ngày đêm không mệt mỏi. Khi đã nhiếp phục được tâm, buông bỏ dính mắc nơi xác thân giả tạm và hiểu được sắc đẹp sẽ nhanh chóng tàn hoại, Tôn giả đã thấu hiểu được sự thật về vẻ đẹp thanh cao của Bất Tử. Tôn giả thấy thân thể này thật nhơ nhuốc và xấu xa, kể cả những suy nghĩ trong nội tâm bất tịnh ngày trước. Ngài đã cảm nhận được sự vững vàng và thư thái chảy trong tâm tưởng sau khi được gột rửa bằng dòng Pháp tươi mát, thiêng liêng. Để giúp Ngài đạt được quả vị cao hơn, Đức Thế Tôn đọc tiếp bài Pháp cú:

Thành này làm bằng xương
Đắp tô bằng thịt máu
Bên trong chứa già chết
Gian đổi và tự kiều.

Lời Pháp vừa dứt, Tôn giả Sundari Nanda hốt nhiên chứng Thánh quả A La Hán, viên mãn giải thoát giác ngộ.

Cách đây hơn một trăm nghìn đại kiếp, thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa chúng sinh, Tôn giả Sundari Nanda là một tín nữ ở kinh thành Hamsavati. Một lần, khi chứng kiến Đức Phật Padumuttara vinh danh một vị Tỳ kheo Ni với danh hiệu Đệ Nhất Thiền Định, người tín nữ đã phát lời nguyện sẽ tinh tấn tu tập để thành tựu danh hiệu đó như vị Tỳ kheo Ni ưu tú kia. Bậc Thiện Thệ đã thọ ký lời phát nguyện của Ngài sẽ thành tựu trong thời kỳ giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca. Với công đức sâu dày gieo trồng trong vô lượng kiếp, ở lần trở lại cuối cùng này, Tôn giả Ni Sundari Nanda đã tái sinh là nàng Công chúa xinh đẹp của vương tộc Thích Ca, để rồi xuất gia tu hành và thành tựu Thánh quả A La Hán tối thượng.

Sau này, với công phu miên mật, Tôn giả Sundari Nanda được Đức Phật tán thán là vị đệ tử Tỳ kheo Ni Đệ Nhất Về Thiền Định. Bất kể khi đi đứng, nằm ngồi hay lao tác, Tôn giả đều an trú trong chánh niệm.

Những thành tựu định lực sâu xa như thế một phần đến từ những nỗ lực quán chiếu về sự vô thường của xác thân. Chính trí tuệ hiểu thấu lý vô thường đã cắt bỏ vô số ràng buộc, cản trở, làm cho con đường đến với chân lý được mở rộng thênh thang, ngập tràn ánh sáng. Tôn giả Sundari Nanda là vị chứng đạt thiền định đệ nhất và cũng là vị đã có trải nghiệm về “thân xác vô thường” khắc sâu nhất trong tâm trí.

IV. GIÂY PHÚT TỪ BIỆT THIÊNG LIÊNG

Vào những ngày tháng cuối cùng trong hành trình giáo hóa của mình, Thế Tôn thông báo đến đại chúng là không bao lâu nữa Người sẽ nhập Niết Bàn. Ai nấy đều hết sức trân quý từng giây phút được ở bên Đức Phật.

Một buổi sáng, chúng Tỳ kheo Ni gồm Tôn giả Khema, Tôn giả Sundari Nanda cùng 8 vị Tôn giả khác dẫn theo 500 Tỳ kheo Ni đến gặp Đức Phật. Khi ấy Tôn giả Khema, Thượng thủ của 500 Tỳ kheo Ni, bạch Phật rằng: “Chúng con nghe Người không bao lâu nữa sẽ diệt độ. Với tất cả niềm quý kính của mình, chúng con không nỡ thấy Thế Tôn và Tôn giả A Nan diệt độ trước. Cúi mong Thế Tôn cho phép chúng con được diệt độ trước Người. Chúng con nay vào Niết Bàn chính là đúng thời.”

Thế Tôn im lặng hứa khả, hơn 500 vị Tỳ kheo Ni liền đến đảnh lễ dưới chân Người lần cuối cùng với trọn niềm tôn kính thiết tha, sau đó lui trở về thất của mình. Đến nơi, mỗi vị trải tọa cụ trên đất trống, ngồi bắt chân kiết già. Với định lực thâm sâu của một vị A La Hán, các vị xuất nhập từng mức thiền định vi diệu trước khi xả bỏ thân xác, nhập vào Niết Bàn.

Với sự ra đi như thế, Tôn giả Sundari Nanda cùng các vị Thánh Ni đã để lại lời từ biệt vừa sâu sắc, vừa thiêng liêng đáng giá hơn vạn lời nói. Đó chính là sự xiển dương chánh Pháp huy hoàng nhất bằng những kết quả tuyệt đối vĩ đại trong thiền định. Đó cũng là lòng biết ơn chân chính nhất gửi đến Thế Tôn, qua việc thành thục những điều Ngài dạy. Và cuối cùng, đó là bài học không lời cho hậu thế muôn đời noi theo.

Khi ấy trời đất rúng động, tứ bề có gió mát nổi lên. Chư Thiên trên các tầng trời tấu nhạc vang trầm, từng giọt nước mắt rơi xuống tiễn đưa. Các vị Thiện thần rải bột hoa ưu bát và chiên đàn khiến cả một vùng trời nơi các vị Tỳ kheo Ni nhập diệt tỏa hương thơm ngát…

V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Sundari Nanda là một bậc Trưởng lão Ni khả kính. Ngài đã để lại bài học sâu sắc lớn lao cho chúng sinh về phép “quán thân vô thường”, rũ bỏ sự đắm chấp vào vẻ đẹp trần tục tầm thường để hướng đến giác ngộ giải thoát thiêng liêng.

Tôn giả Sundari Nanda với lòng từ ái mênh mông, trí tuệ thiền định thâm sâu và vẻ ngoài trang nghiêm, phúc hậu khiến chúng sinh có duyên được Ngài hoá độ thường khởi được lòng tôn kính dâng lên Tam Bảo và hướng trọn tâm thành về với bóng Từ Bi.

Ngài còn là bậc đệ nhất về tu thiền trong Ni đoàn. Khi thành tâm thờ kính Ngài, quý Phật tử sẽ:

– Có niềm tin kiên định về con đường Thiền định thâm sâu mà Đức Phật đã chỉ dạy, từ đó tinh tấn tu hành hướng về mục tiêu Vô Ngã.
– Buông bỏ được những ràng buộc, luy phiền, tâm hồn hướng được về những điều cao thượng.
– Thành tựu vẻ đẹp hiền thiện trong tâm và lan tỏa điều tốt đẹp đó đến những người xung quanh. Được nhiều người yêu mến và kính trọng.
– Có trí tuệ minh sáng để giải quyết những vấn đề phức tạp và nhiều vướng mắc trong cuộc sống. Bình thản đối diện và có ý chí để vượt qua những nghịch cảnh, cuộc sống gặp nhiều may mắn.
– Thường được thân cận các bậc hiền triết để học hỏi những điều đạo lý cao đẹp.

VI. THƠ TỤNG

Thành tâm đảnh lễ trước Ngài
Bậc Thánh giác ngộ vượt ngoài thế gian
Xuất thân rực rỡ huy hoàng
Công chúa vương quốc Thích Ca thanh bình
Dung nhan quý phái đẹp xinh
Dòng dõi vua chúa thông minh sáng ngời
Rồi Ngài nhìn ngắm cuộc đời
Quạnh hiu trống vắng chơi vơi nỗi sầu
Chẳng màng quyền quý sang giàu
Quyết theo bước Phật xuất gia tu hành
Biết bao gian khó gập ghềnh
Một lòng thanh tịnh, giữ bền đường tu
Ngoài kia sóng gió mịt mù
Cuồng quay hưởng thụ chôn vùi xác thân
Lợi danh trói buộc hồng trần
Đắm say dục lạc muôn phần khổ đau
Sắc đẹp nào có bền lâu
Cũng theo mây khói tan vào hư không
Tìm về Phật Pháp mênh mông
Kính tin Tam Bảo mở lòng bao dung
Tình thương trải đến không cùng
Xin bàn tay chắp khiêm cung cúi đầu
Nghiệp duyên nhân quả tin sâu
Cùng nhau gieo rắc Đạo mầu lan xa
Kiếp người cơn gió thoáng qua
Vô thường xin nhớ, cái ta chẳng còn
Lời thề nguyện mãi sắt son
Nghìn đời theo Phật dẫu còn gian nan
Đường thiền dù khó muôn vàn
Con đường giác ngộ thênh thang đón chờ
Hạnh phúc bất tận không ngờ
Tâm hồn yên lắng, bến bờ an vui…

Nam Mô Sundari Nanda Tôn Giả (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x