Tinh tấn bước chân không tuổi tác
Phạm hạnh khó tu, nguyện sâu dày
Nhổ gốc tử sinh, về cõi giác
Đêm khuya, trăng tỏ giữa mây bay.

Tôn Giả Ni Thâu Na (Sona) – Đệ Nhất Tinh Tấn Ni Đoàn
I. XUẤT THÂN
Trời vừa tảng sáng, dòng sông Aciravati đã tấp nập thuyền bè cập bến. Phía trên con đường lát đá, từng đoàn xe ngựa chở đầy hàng hóa chen chúc ngược xuôi. Đó là khung cảnh buổi sớm của kinh thành Xá Vệ (Savatthi) thuộc đất nước Kiều Tát La (Kosala), một trong những kinh đô thịnh vượng bậc nhất Ấn Độ thời bấy giờ.
Nơi đây là quê hương của Tôn giả Thâu Na (Sona). Ngài sinh ra trong một gia đình quý tộc, khi đến tuổi trưởng thành thì kết hôn với một trưởng giả giàu có và sinh hạ được mười người con. Vì các con, Ngài dành toàn bộ thời gian để vun vén cho gia đình. Từ sáng đến tối, Ngài vừa bận bịu sắp xếp công việc nhà, quán xuyến gia nhân, vừa chăm sóc và nuôi dạy các con. Phu nhân thương yêu các con hơn cả bản thân mình. Sinh con ra, nuôi con lớn, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, dạy dỗ từng điều… cho đến khi cả mười người con đều trưởng thành, có gia đình riêng với cuộc sống sung túc. Người đời nghĩ rằng đó là một diễm phúc, vì thế đã gọi Ngài là: “Thâu Na, người mẹ có đông con”.
Từ khi Đức Thế Tôn đến kinh thành Xá Vệ giáo hóa, Ngài và chồng đều trở thành những cư sĩ thuần thành mộ đạo. Hai vị thường tới tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) nghe Pháp và làm nhiều công đức cúng dường lên Tam Bảo.
II. XUẤT GIA
Một ngày, khi đã lớn tuổi, vị trưởng giả qua đời. Ngài Thâu Na cho gọi các con đến và chia gia sản cho họ, phần mình chẳng giữ lại gì, sống nhờ vào các con. Cả cuộc đời Ngài đã hi sinh vì chúng, giờ đây các con là nơi nương tựa khi tuổi đã xế chiều.
Thoạt đầu, những người con cũng chăm lo cho mẹ chu toàn, từ cuộc sống đến việc cúng dường chư Tăng Ni. Nhưng càng về sau, họ càng thấy việc phải nuôi một người mẹ già không còn chút tài sản nào là một nghĩa vụ vô ích, một gánh nặng bắt buộc phải đeo mang. Vì thế, họ dần lơ là chuyện quan tâm đến mẹ, các cô con dâu thì đôi lúc lại bóng gió, nói xa nói gần. Thậm chí về sau, chẳng đứa nào muốn để Ngài ở nhà của chúng.
Ngài thấy thật đau lòng và nhận ra tình cảm thế gian quá mong manh, vô thường. Chính những đứa con mình dứt ruột sinh ra, tận tay chăm bẵm cho đến khi lớn khôn lại nhẫn tâm ruồng bỏ mẹ. Điều mà người đời thấy là diễm phúc hóa ra lại là một hậu họa. Lúc này, Ngài mới thấy thấm thía những lời mà Ðức Thế Tôn thường dạy. Ngài biết rằng chẳng thể dựa dẫm vào ai khác trên đời, dù đó có là người thương yêu, thân quyến ở bên cạnh mình. Chỉ có Tam Bảo thiêng liêng, tình cảm thánh thiện trong đạo lý mới là bến bờ an lành để nương tựa.
Chính vì thế, Ngài Thâu Na thường ít ở nhà, dành hầu hết thời gian đến tinh xá nghe Pháp, thực hành tu tập, lao tác để lắng tâm và vơi bớt muộn phiền.
Một hôm, Ngài đến tinh xá và được nghe một vị Tôn giả Ni thuyết giảng:
– Chúng sinh nhận biết cuộc đời qua các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt cho thấy hình ảnh, tai nghe được âm thanh, mũi ngửi hương thơm, lưỡi nếm mùi vị, thân cảm giác xúc chạm, ý nhận thức ý tưởng. Nếu gặp những điều ưa thích thì chúng sinh khát khao, tìm cầu. Trái lại, gặp những điều không ưa thì xua đuổi, trốn tránh. Chúng sinh bám chấp vào những hình ảnh, âm thanh…đó mà không thấy được bản chất của cuộc đời.
– Tất cả mọi điều trên đời đều là do duyên sinh, vô thường, có sinh rồi có diệt. Hoàn cảnh sướng khổ sẽ thay đổi, thân quyến không ở bên ta mãi, tình cảm chẳng bền lâu và ngay chính xác thân này cũng sẽ tàn hoại. Hãy rời bỏ chấp trước để xa lìa khổ đau.
Ngay khi Tôn giả dừng lời, Ngài Thâu Na liền chắp tay, tràn dâng niềm xúc động, Ngài thành kính thưa:
– Bạch Tôn giả, suốt thời gian qua con vốn rất phiền lòng về hoàn cảnh của mình. Nhưng hôm nay, bài Pháp của Tôn giả đã thức tỉnh tâm hồn con. Tình cảm nơi thế gian này chỉ là vô thường tạm bợ. Ai cũng vất vả cả một đời tranh đua rồi cuối cùng cũng không thoát khỏi bệnh tật, già nua và cái chết. Cúi xin Tôn giả cho phép con được xuất gia, nương theo chánh Pháp của Đức Thế Tôn, trở thành một Tỳ kheo trong Ni chúng ạ.
Vị Tôn giả gật đầu đồng ý. Hôm đó, Ngài Thâu Na quyết định tạm biệt thân quyến. Trên mái đầu đã điểm bạc, tóc dần được phủi sạch, Ngài khoác lên mình tấm y ca sa nâu và chính thức trở thành một vị Tỳ kheo Ni trong giáo đoàn của Đức Thế Tôn.
III. TINH TẤN ĐỆ NHẤT
Từ khi gia nhập Ni chúng, Ngài Thâu Na tinh cần tu tập. Dẫu cho tuổi tác đã cao, Ngài vẫn siêng năng lao tác, vâng lời và nhu thuận với các vị Tỳ kheo Ni nên được các vị rất quý mến.
Thế nhưng, vì xuất gia khi tuổi đã xế chiều, Ngài Thâu Na phải đối mặt với vô số khó khăn. Đầu tiên là sức khỏe. Thân thể của Ngài đã suy yếu sau những tháng năm vất vả chăm lo cho các con, nên mỗi khi lao tác hay tọa thiền không tránh khỏi sự căng cứng, tê đau, nhức mỏi. Rồi cuộc sống quá đỗi giản dị trong Ni chúng với ba y một bát, vật thực đơn sơ, chỉ thọ thực một bữa trong ngày, phải thức khuya dậy sớm để thời khóa công phu…. đều là những trở ngại lớn.
Dù vậy, Ngài thấy rõ rằng thời gian của mình không còn nhiều nên hạ quyết tâm không để bỏ lỡ một giây phút nào trong cuộc sống. Càng khó khăn thì càng thêm tinh tấn. Ngài chuyên tâm thực hành thiền định. Khi khất thực, tọa thiền hay kinh hành, lúc đi đứng, nói năng, lao tác đến cả khi nằm nghỉ cũng đều khéo léo giữ tâm tỉnh giác.
Ngài thường chợp mắt rất ít, thời gian còn lại dành hết cho việc tu tập, có khi thức trọn cả đêm. Để tránh bị phân tâm, cứ mỗi đêm Ngài thường một mình đi kinh hành dọc các dãy hành lang dài trong tinh xá, quán chiếu sự vô thường, chuyên chú giữ tâm không rời thân. Sự tinh tấn của Ngài khiến ai cũng phải khâm phục.
Trong tinh xá thường có lịch phân công lao tác đều đặn. Một buổi sáng, đến phiên Ngài Thâu Na đun nước nóng cho Ni chúng. Đúng thời, các vị Tỳ kheo Ni chia ra đi khất thực và du hóa. Một mình ở lại, Ngài đặt nồi nước lên bếp. Thế nhưng, chưa kịp nhóm lửa, Ngài bỗng chú tâm quán chiếu về sự vô thường, bất tịnh của thân xác.
Thân này được cấu tạo từ những bộ phận khác nhau từ cơ, xương, tim, gan, mật, dạ dày, ruột, tóc, lông, móng, phân, nước tiểu, đờm, dãi… Tất cả đều chỉ là những chất bất tịnh được đựng trong một cái túi da có vẻ ngoài đẹp đẽ. Ngài tiếp tục quán chiếu kỹ tới từng bộ phận trên thân, cảm giác rõ, biết rõ từng sự hoạt động của chúng. Ngài thấy rõ rằng bởi sức tàn hoại của thời gian, những bộ phận đã suy thoái dần và sẽ có ngày phải ngừng lại. Sự vô thường đang hiện ra trước mắt, đang diễn tiến từng giờ từng khắc trên xác thân này. Cuối cùng, xác thân sẽ phải tan rã, trở về với cát bụi bay đi.
Ngài quán chiếu sâu xa rồi nhập vào trong các tầng thiền định. Thấy nhân duyên đã đến, Đức Thế Tôn chợt hiện ra trong một vầng sáng chói lòa. Người đọc bài kệ với giọng trầm hùng.
Kệ ngôn vừa dứt, gương mặt Ngài Thâu Na bừng sáng. Trong khoảnh khắc, Ngài chứng đắc Thánh quả A La Hán, viên mãn giải thoát giác ngộ.
Một lần, trước hội chúng, Đức Thế Tôn đã tán thán rằng:
– Trong các vị nữ đệ tử của Như Lai, Tỳ kheo Ni Thâu Na xứng đáng với danh hiệu Đệ Nhất Tinh Tấn.
Hơn một trăm nghìn đại kiếp trước, thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa, Ngài là tiểu thư của một gia đình giàu có tại thành Hamsavati rất thuần thành, tín đạo. Trong một buổi thuyết Pháp, Đức Phật Thắng Liên Hoa đã tán thán một vị tỳ kheo với danh hiệu Đệ Nhất Tinh Tấn. Ngài Thâu Na khi đó đã vô cùng xúc động và phát nguyện sẽ đạt được danh hiệu ấy trong tương lai. Phước duyên đủ đầy, Ngài được Đức Phật thọ ký. Trải qua hàng trăm nghìn đại kiếp, cuối cùng đến thời Đức Phật Thích Ca, lời ước nguyện ấy đã được thành tựu viên mãn.
IV. HÀNG PHỤC NGOẠI ĐẠO
Năm ấy, Đức Thế Tôn cùng năm trăm vị Tỳ kheo tới thành Tỳ Xá Ly (Vesali) để hóa giải nạn dịch trầm trọng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Lúc đó, Đức Thế Tôn trao cho dân chúng một bài kệ. Nhờ thành tâm trì tụng, người dân tăng được phước báu, những người mắc bệnh đều được khỏe mạnh hoàn toàn. Từ đó, cả thành Tỳ Xá Ly biết ơn Người, cúng dường vô số vải vóc, vật thực, vật dụng, thuốc men cho Tăng đoàn.
Lúc bấy giờ nội thành Tỳ Xá Ly có sáu vị tông sư ngoại đạo đang du hóa, thấy dân chúng kính ngưỡng chư vị Tỳ kheo, liền khởi tâm ganh ghét.
Sáng hôm ấy, sáu vị tông sư tới một bìa rừng ở ngoại thành để họp bàn âm mưu hủy hoại danh tiếng của Đức Thế Tôn. Họ dự định tổ chức một cuộc tranh biện rầm rộ, đưa ra các lý lẽ phủ nhận luật Nhân quả, Luân hồi, khuyến khích thụ hưởng… để lung lạc niềm tin của dân chúng.
– Này các vị, con người chẳng qua cũng chỉ là vật chất, được tạo thành từ đất, nước, gió, lửa. Chết đi rồi cũng trở lại vật chất. Thế nên, chẳng có đời này hay đời sau gì cả. Sống là phải tận hưởng. – Một vị nói.
Một vị khác tiếp thêm:
Trên đời không có nhân quả. Tất cả khổ, vui, phước họa gì cũng đều là ngẫu nhiên mà thôi.
Một vị khác lại nói:
Này các vị, tôi thì thấy mọi thứ đều đã được an bài sẵn rồi. Thế nên, cũng chẳng có nhân, chẳng có quả, chẳng có người bố thí, cũng chẳng có người được nhận. Tất cả là định mệnh.
Vị đến từ giáo phái Ni Kiền Tử thì bảo:
Ta sẽ thị hiện các loại thần thông để dân chúng thán phục.
Cuối cùng, các vị cùng bàn nhau rằng:
Sa môn Cồ Đàm thường không tranh luận với người khác trong những dịp như thế này. Vì thế, chúng ta cứ khiêu khích là chắc thắng.
Ngay lúc đó tại am thất, Tôn giả Thâu Na đang nhập định và biết được mọi chuyện. Thương xót cho chúng sinh vô minh, Ngài biết rằng nếu sáu tông sư ngoại đạo này hơn thua, nói xấu Đức Thế Tôn thì quả báo sẽ thật thảm khốc.
Vì vậy, trong chớp mắt Tôn giả biến mất tại am thất và hiện ra nơi sáu vị đang tụ họp. Ngài ngồi kiết già giữa hư không, gương mặt tĩnh lặng mà nghiêm nghị, hào quang sáng chói cả vùng trời. Tôn giả cất tiếng vang vọng:
– Này các vị, ta chính là đệ tử của Đức Thế Tôn, tên là Thâu Na. Này sáu vị tông sư, nếu các vị có khả năng, hãy lên đây và tranh luận với ta, ta sẽ giải đáp bất cứ điều gì các vị thắc mắc.
Nhóm cả sáu vị hốt hoảng, cúi mặt, không ai đáp lại. Khi đó, Ngài tiếp tục giảng giải trong niềm bao dung:
– Này các vị, Đức Thế Tôn là bậc tối thắng trên đời, là vị Thầy cao quý của cả trời và người, đến với thế gian vì lòng thương tưởng chúng sinh, không ai có thể vượt hơn được. Này các vị, hãy dừng lại. Nếu các vị còn tiếp tục giữ tâm hờn ghét, sẽ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc.
Trước uy đức của Tôn giả Thâu Na, cả nhóm sáu vị đều không dám nói lên lời nào. Ngay hôm đó, họ lặng lẽ rời khỏi thành Tỳ Xá Ly. Dân chúng biết chuyện, lan truyền khắp cả kinh thành.
Lúc ấy, nhiều vị Tỳ kheo Ni liền đến thưa chuyện với Thế Tôn. Đức Thế Tôn tán thán rằng:
– Này các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni Thâu Na có đại thần lực, có đại uy lực, trí tuệ và đa văn. Không ai có thể tranh luận với nhóm sáu ngoại đạo kia dễ dàng như vậy, ngoại trừ Như Lai và Tỳ kheo Ni Thâu Na.
– Này các Tỳ kheo, trong các nữ đệ tử của Như Lai, có thể hàng phục ngoại đạo, chính là Tỳ kheo Ni Thâu Na.
Nghe những lời mà Thế Tôn ca ngợi về Tôn giả Thâu Na, tất cả chư Tỳ kheo Ni hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn và ngưỡng vọng về giới đức cùng tấm lòng từ ái của Tôn giả Thâu Na.
V. KẾT LUẬN
Tôn giả Thâu Na là vị Thánh Ni vĩ đại với danh hiệu Đệ Nhất Tinh Tấn trong giáo đoàn của Đức Thế Tôn. Ngài tiêu biểu cho tâm khiêm hạ, sự tinh tấn kiên trì, vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được sự giác ngộ cao thượng tột cùng. Công hạnh, uy đức của Tôn giả là những bài học quý giá cho chúng sinh noi theo.
Nương theo công hạnh của Ngài, chúng con nguyện luôn giữ tâm khiêm hạ, siêng năng làm các công đức, tinh tấn tu hành để vững vàng bước đi trên con đường Thánh đạo và đem ánh sáng chánh Pháp đến mọi chốn nghìn nơi.
VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH .
Tôn giả Thâu Na (Sona) là vị Thánh Ni A La Hán vĩ đại trong hàng đệ tử Đức Phật. Ngài được Thế Tôn tán thán với danh hiệu Đệ Nhất Tinh Tấn trong Ni chúng. Ngài thường chợp mắt rất ít, thời gian còn lại đều dành cho việc tu tập. Ngài chuyên tâm thực hành thiền định không lợi lỏng, khi khất thực, tọa thiền, kinh hành, lao tác… đều khéo léo giữ tâm tỉnh giác. Sự tinh tấn ấy của Ngài khiến ai cũng phải nể phục. Hơn nữa, Ngài còn là biểu tượng của tâm khiêm hạ và lòng nhu thuận vâng theo sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn cùng các bậc Trưởng lão. Vì thế, bằng đại thần lực, trí tuệ và đa văn. Ngài đã hàng phục các tông sư ngoại đạo một cách dễ dàng. Công hạnh và uy đức của Tôn giả là những bài học quý giá cho chúng sinh kính ngưỡng và học tập.
Khi thờ kính Ngài, quý Phật tử sẽ:
– Có tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao trong công việc nên thường đạt kết quả như mong muốn, được nhiều người tín nhiệm, kính trọng.
– Gặp nhiều may mắn, có được định hướng tốt cho tương lai. Được chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ vượt qua các khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
– Có sự tinh tấn trong công phu tu hành, giữ gìn được tâm khiêm hạ và trọn lòng kính tin Tam Bảo nên phước đức tăng trưởng và tiến tu trên con đường tu tập tâm linh.
VII. THƠ TỤNG
Chúng con quỳ xuống lòng thành
Lạy Ngài bậc Thánh muôn phần kính yêu
Bạc vàng tiền của bao nhiêu
Kẻ hầu người hạ sớm chiều dạ vâng
Sống trong sang quý lụa nhung
Nhưng tâm Ngài sớm thoát vòng trầm luân
Duyên xưa giờ đã trổ mầm
Còn ai ngăn được bước chân tìm về
Không màng gia thế đề huề
Chẳng ưa cung phụng, chẳng nề gian nan
Niềm vui nào của thế gian
Sánh bằng phạm hạnh tinh chuyên tu hành
Khi thiền tọa, lúc kinh hành
Không nằm, không ngủ giữa rừng công phu
Con đường trung đạo tiến tu
Đêm trăng gió nhẹ mây mù chợt tan
Kể từ khi đó thế gian
Có thêm bậc Thánh thênh thang giữa đời
Thế Tôn biết được khen Ngài
Đệ Nhất Tinh Tấn thoát ngoài tử sinh
Chúng con những kẻ vô minh
Cùng nhau xin nguyện tu hành tinh chuyên
Theo Ngài tinh tấn tọa thiền
Cho dù gian khó triền miên bao đời
Thân này giả tạm mà thôi
Vô thường tan hoại luân hồi trôi lăn
Tâm này với cả lục căn
Khi tan khi hợp muôn phần khổ đau
Chúng con xin nguyện cùng nhau
Hiểu rằng tiền của sang giàu thế gian
Chỉ là gánh nặng đeo mang
Sao bằng Phật đạo thênh thang tìm về
Chúng con nguyện một lời thề
Kính tin Tam Bảo không gì đổi thay
Xin Ngài gia hộ tâm này
Đủ lòng tôn kính Như Lai tột cùng
Nguyện cho pháp giới mênh mông
Cùng tinh tấn mãi để không phụ Người
Siêng năng tạo phúc giúp đời
Con đường Phật đạo sáng ngời mai sau.
Nam Mô Thâu Na Tôn Giả (3 lần)
TÌM HIỂU THÊM VỀ =► 60 VỊ THÁNH ĐỘ MỆNH
[…] Tôn Giả Ni Thâu Na (Sona) – Đệ Nhất Tinh T… […]