Tôn Giả Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề – Đệ Nhất Tổ Ni Đoàn

Nhớ Người một gánh đạo tình
Hai vai trĩu nặng, bên mình gió sương
Bước chân Ni giới nghìn phương
Kiều Đàm Thánh Tổ soi đường dẫn đưa.

Tôn Giả Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề - Đệ Nhất Tổ Ni Đoàn -

Tôn Giả Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề – Đệ Nhất Tổ Ni Đoàn

I. XUẤT THÂN

Một ngày đầu xuân tại thành phố Thánh Thần Devadaha thuộc vương quốc Koliya, dân chúng tưng bừng mở hội để đón chào sự ra đời của một thành viên mới trong hoàng tộc, một vị công chúa vô cùng tôn quý. Các nhà chiêm tinh và tướng thuật sau khi xem xét tường tận những dấu hiệu, đã đưa ra lời tiên tri rằng: Trong tương lai, Công chúa sẽ trở thành người lãnh đạo của một hội chúng vĩ đại. Vì lẽ đó, Đức vua Anjana và Hoàng hậu Sulakkhana đã đặt tên cho Công chúa là Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati).

Ngay từ nhỏ, Công chúa Ba Xà Ba Đề đã thể hiện thiên tư xuất chúng. Ngài nghiên cứu và hiểu biết nhiều lĩnh vực từ kinh điển, văn học, triết học, toán học, thi ca… và đặc biệt am tường về tướng thuật. Xuất thân từ dòng dõi Sát Đế Lợi thiện chiến, Công chúa còn rất giỏi võ, Ngài có thể chiến đấu như một dũng sĩ thiện nghệ. Ngài Ba Xà Ba Đề có chị gái là Công chúa Maya. Khi Ngài còn nhỏ tuổi, Công chúa Maya đã kết hôn với Đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana), trở thành Hoàng hậu của vương quốc Sakya. Tuy vậy, hai chị em vẫn rất mực thân thiết. Công chúa Ba Xà Ba Đề yêu kính Hoàng hậu Maya bởi vẻ đẹp đoan nghiêm và tấm lòng nhân hậu. Mỗi khi có dịp, Ngài thường sang thăm và tâm sự mọi chuyện với chị.

II. TẤM LÒNG DI MẪU

Khi nhân duyên đã hội đủ, Hoàng hậu Maya hoài thai và đản sinh Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhartha). Ngày Thái Tử đến với trần gian, cả đất trời bừng rạng, nhân thiên hòa ca đón mừng một vị Thánh nhân xuất thế.

Thế nhưng, khi Thái Tử mới bảy ngày tuổi thì Hoàng hậu Maya qua đời. Đất nước Sakya trải qua những ngày đầy đau buồn, tiếc nhớ. Niềm thương yêu trong lòng dạt dào thôi thúc, Ngài Ba Xà Ba Đề quyết định ở lại thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) để chăm sóc cho Thái Tử. Không lâu sau, Đức vua tấn phong Ngài là Hoàng hậu. Kể từ đây, Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề chính thức trở thành Di mẫu của Thái Tử Tất Đạt Đa, và Ngài thường được gọi là Kiều Đàm Di (Gotami), tức người di mẫu thuộc dòng họ Gotama.

Thái Tử lớn lên hạnh phúc trong vòng tay chăm sóc của vị Di mẫu. Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề thương yêu Người hơn tất cả mọi điều trên thế gian. Từ những ngày đầu mới đản sinh, sữa mẹ không có, Hoàng hậu đích thân đi xin, chắt chiu từng giọt sữa để đem về nuôi nấng Thái Tử. Ngài chuẩn bị từng bữa ăn giấc ngủ và tự tay làm mọi việc dù hoàng cung có nhiều thị nữ. Cả ngày lẫn đêm, Ngài ở bên Thái Tử không rời xa nửa bước, vừa để chăm lo, vừa để bảo vệ cho Người an toàn tuyệt đối. Đã có lần kẻ xấu lẻn vào ám hại, một minh Hoàng hậu chiến đấu, lấy thân mình chở che, không để Thái Tử phải tổn hại dù chỉ một sợi tóc.
Thời gian trôi qua, Thái Tử Tất Đạt Đa ngày càng bộc lộ những phẩm chất cao quý. Người tài năng xuất chúng và cũng tràn đầy đức hạnh. Tình thương của Thái Tử dịu dàng tỏa đến tất cả mọi người xung quanh.

Mỗi ngày chứng kiến Thái Tử Tất Đạt Đa trưởng thành như thế, lòng Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề ngập tràn hạnh phúc.

Trong nội cung, Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề sắp xếp mọi việc từ lớn đến nhỏ. Ngài vô cùng tận tụy, chu đáo và tinh tế trong từng việc. Hoàng hậu thường quan tâm đến tất cả mọi người, không bỏ sót ai dù là một người thị nữ, cận vệ, người đánh xe… đến cả gia đình của họ. Đặc biệt, Ngài còn phụ giúp Đức vua Tịnh Phạn trong cả chuyện triều chính. Những ý kiến của Ngài lúc nào cũng chứa đựng một tấm lòng bao dung vô hạn. Một lần, Hoàng hậu thiết tha đề đạt việc gửi quà đến thân quyến những chiến sĩ đã hy sinh vì vương quốc. Lần khác, Ngài lại nghĩ cách làm sao để xóa nghèo, để người dân được ấm no. Rồi đến việc thuốc men chữa bệnh, lối sống trong xã hội, sự giao hảo giữa các quốc gia…

Có Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề ở bên, Đức vua Tịnh Phạn cảm thấy yên tâm thêm rất nhiều. Hoàng hậu là vị Di mẫu đầy thương yêu với Thái Tử và cũng là một người mẹ vĩ đại của tất cả người dân vương quốc Sakya.

III. BƯỚC CHÂN NI GIỚI

Năm hai mươi chín tuổi, Thái Tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung vàng điện ngọc, lên đường tìm chân lý cứu độ muôn sinh. Tuy trong lòng rất thương nhớ Thái Tử nhưng Đức bà Ba Xà Ba Đề thấu hiểu chí nguyện cao cả của Người. Từng bữa ăn khất thực, từng cung đường Người đi qua, từng phương pháp tu hành mà Người đã thực hiện, Đức bà đều lặng thầm theo dõi.

Sau đó Thái Tử đắc thành đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, trở thành bậc Đạo Sư được cả trời người cung kính. Một ngày đầu thu mát mẻ, Người trở về thăm Ca Tỳ La Vệ. Đức bà và cả hoàng tộc vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Lần đó, trong một buổi thuyết Pháp của Đức Thế Tôn, Đức bà Ba Xà Ba Đề đã chứng đắc Thánh quả Dự Lưu.

Cũng chính lần trở về ấy, Đức vua Nan Đà (Nanda), Hoàng tôn La Hầu La (Rahula), Hoàng tử Ba Đề Thích Vương (Bhaddiya Kaligodhaputta), Hoàng tử A Nậu Lâu Đà (Anuruddha), Hoàng tử Kim Tỳ La (Kimbila), Hoàng tử Nan Đề (Nandiya)… cùng rất nhiều các vị vương tử trong hoàng tộc đều xuất gia theo Thế Tôn. Ít lâu sau, Đức vua Tịnh Phạn cũng băng hà. Hoàng cung trở nên trống vắng. Đức bà dù bận rộn cả ngày với vô số công việc nhưng trong lòng vẫn thấy trống trải khôn nguôi. Ngài nhớ lại lời vua Tịnh Phạn dặn dò: “Sau khi ta mất, mọi người nên cố gắng xin Thế Tôn xuất gia. Thế gian không phải là nơi ở lâu, hãy tinh tấn tu hành để giải thoát.” Lời dặn dò của Đức vua đã làm bừng lên chí nguyện từ lâu ấp ủ trong lòng Đức bà. Và Ngài biết rằng không thể chần chừ thêm nữa…

Ngay sau đó, Đức bà Ba Xà Ba Đề cùng Công nương Da Du Đà La (Yashodara) triệu tập tất cả thị nữ để thông báo một tin quan trọng:

– Này các em, ta và Công nương Da Du Đà La đã quyết định xuất gia theo chân Thế Tôn. Ta sẽ cho các em một số vàng dư dả đủ để sống cả đời. Các em có thể trở về với gia đình của mình.

Các thị nữ cùng òa lên khóc, quỳ gối cầu xin:

– Thưa Đức bà, thưa Công nương, ân tình của hai vị với chúng con sâu dày trĩu nặng. Kể từ lúc bước vào hoàng cung, lòng chúng con đã nguyện sẽ theo Người đến trọn đời. Xin Đức bà và Công nương cho chúng con cùng được xuất gia.

Khung cảnh thật xúc động. Đức bà và Công nương cảm động đồng ý, nắm tay đỡ các thị nữ dậy.
Hai hôm sau, đoàn nữ giới do Đức bà Ba Xà Ba Đề dẫn đầu khởi hành từ sáng sớm. Tại cổng thành, triều thần và hoàng tộc đứng nghiêm trang, chắp tay đưa tiễn. Dân chúng Ca Tỳ La Vệ kéo về lấp kín các con phố. Hai bên đường lớn, người dân đồng loạt quỳ gối. Đoàn người thong thả bước đi trong im lặng. Trang sức quý không còn, hài dép cũng bỏ lại, các vị chỉ mang theo chút hành trang đơn sơ, quấn trên người tấm y sari bằng vải thô giản dị. Dân chúng vẫn quỳ và hướng mắt dõi theo cho đến khi bóng của đoàn người khuất xa dần sau những rặng cây.

Hành trình từ Ca Tỳ La Vệ đến nơi Thế Tôn cùng chư Tăng đang an trú dài cả trăm dặm đường. Phải băng qua một nhánh sông Aciravati, qua những đồi núi trập trùng của xứ sở Mallas, rồi lại tiếp tục vượt qua con sông Gandak cuồn cuộn, men theo lưu vực của nó rồi mới đến được xứ Vesali. Tại đó, Đức Thế Tôn đang ngụ trong một ngôi nhà nhỏ bên triền đồi.

Đoàn người đi từ sáng sớm đến chiều tà thì nghỉ lại bên đường. Hôm sau lại tiếp tục như vậy, suốt hàng tuần trời. Những đôi chân quen bước nơi cung điện, nay phải chân trần đi băng rừng, lội suối trèo đèo, dẫm lên sỏi đá. Đôi bàn chân phồng rộp cả lên, vết này chưa lành đã chồng thêm vết khác. Đức bà Ba Xà Ba Đề đã có tuổi, toàn thân lại thêm tê nhức. Nhưng khi nghĩ tới khoảng cách với Thế Tôn ngày một gần, lòng Ngài lại phấn chấn hơn bao giờ hết. Ngày qua ngày, những gian nan càng hun đúc chí nguyện thêm mạnh mẽ bội phần.

Một buổi sáng tinh sương, Tôn giả A Nan (Ananda) dậy sớm để quét dọn hương thất của Thế Tôn. Chợt Ngài thấy Đức bà và Công nương từ xa. Hai vị đang dẫn theo một đoàn nữ giới rất đông đi tới. Những tấm sari khoác trên mình lấm lem trong đất bụi, những đôi bàn chân rướm máu, những thân thể hao gầy… Khi biết chuyện, Tôn giả cảm động vô cùng. Ngài hứa sẽ vào bạch với Thế Tôn thật rõ ràng, chi tiết.

Ngay lúc ấy, Tôn giả A Nan đi đến hương thất của Đức Thế Tôn. Lát sau, Ngài quay ra với ánh mắt đượm buồn.

– Kinh thưa Đức bà, Đức Thế Tôn không đồng ý nhận người nữ xuất gia. Thế Tôn bảo rằng người nữ cần phải được bảo vệ bởi cha, bởi anh, bởi chồng nên không thể trở thành Sa môn khất thực, sống không nhà được.

– Thưa Tôn giả A Nan, xin Tôn giả bạch với Thế Tôn rằng, chúng tôi không còn gì để quay lại Sakya cả. Những người chúng tôi thương yêu nhất đều đã gia nhập Tăng đoàn. Chúng tôi chỉ còn một con đường là đi theo Đức Thế Tôn đến cùng trời cuối đất.

Tôn giả A Nan lại tiếp tục đến hương thất. Và lần thứ hai trở ra, giọng Ngài lại càng chùng xuống.

– Kinh thưa Đức bà, Đức Thế Tôn lo lắng người nữ không thể sống đời xuất gia vì quá thiếu thốn. Sẽ không có những ngôi nhà kín đảo, những phòng vệ sinh tiện lợi, ngôi bếp hồng ấm áp. Người nữ ôm bát đi trên các nẻo đường sẽ thật nguy hiểm nếu ở những nơi vắng vẻ gặp phải trộm cướp, kẻ xấu… Thế Tổn không muốn Đức bà và những người nữ phải chịu vất vả như thế.

– Thưa Tôn giả A Nan, xin Tôn giả hãy bạch với Thế Tôn rằng chúng tôi thuộc dòng dõi Sát Đế Lợi, đều từng có rèn luyện tự vệ phòng thân. Chúng tôi sẽ chịu đựng được tất cả những điều đó. Nếu phải chết vì Thế Tôn, chúng tôi cũng xin nguyện lòng.

Lần thứ ba, Ngài A Nan trở ra, vẫn không có gì thay đổi.

– Kính thưa Đức bà, Đức Thế Tôn lo lắng tâm ý người nữ hay buồn giận thất thường, hay tủi thân và lo lẳng nhiều, sẽ rất khó khăn để hòa nhập khi đời sống xuất gia phải chung sống trong môi trường toàn người xa lạ, ít có tình cảm thân thiết.

– Thưa Tôn giả A Nan, xin hãy bạch với Thế Tôn là chúng tôi không còn một điều gì phải phân vân, luyến tiếc. Chúng tôi sẽ chấp nhận tất cả. Miễn sao được theo Thế Tôn hết cả cuộc đời mình.

Vậy là Thế Tôn không đồng ý để người nữ xuất gia. Lần thứ nhất, lần thứ hai, rồi lần thứ ba cũng đều như vậy. Mỗi lần Ngài A Nan báo tin, là một lần thêm những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đoàn người. Nước mắt nhòa cả trên gương mặt họ. Chỉ có Đức bà vẫn luôn kiên định. Ngài hướng về hương thất nhỏ nơi Thế Tôn đang ngự, chắp tay cầu nguyện.

Nhìn thấy cảnh đó, Tôn giả A Nan vô cùng xúc động. Tôn giả lại quay vào bạch Thế Tôn lần nữa. Lần này Tôn giả không quay trở ra nhanh như những lần trước. Từng đợt gió thổi qua lạnh buốt, cứa vào các vết nứt trên những bàn chân đang phồng rộp, rướm máu. Đoàn người nữ vẫn kiên tâm chờ đợi. Tất cả cùng mong ngóng hướng về Đức Thế Tôn nơi căn hương thất nhỏ tĩnh lặng.

Thế rồi, Tôn giả A Nan bước ra. Ngài nở một nụ cười hiền hậu.

– Kính thưa Đức bà, Đức Thế Tôn bảo rằng nếu Đức bà và các quý vị nữ đây chấp nhận được Tám Phép Cung Kính, Người sẽ vui lòng đón nhận mọi người vào hàng ngũ Sa môn.

Tám Phép Cung Kính quy định một Tỳ kheo Ni phải luôn giữ thái độ cung kính với một Tỳ kheo Tăng, dù Tỳ kheo Tăng đó ít tuổi hạ hơn. Tỳ kheo Ni không được lớn tiếng hay bắt lỗi Tỳ kheo Tăng. Và khi có lỗi, Tỳ kheo Ni phải đến sám hối với cả hai bên chư Tăng, chư Ni. Cũng như vậy, nếu có một người nữ muốn xuất gia, cần phải có cả chư Tăng và chư Ni đồng ý. Mỗi nửa tháng, chư Ni sẽ được chư Tăng sang giảng đạo. Nơi ở của Tỳ kheo Ni phải nằm trong vòng kiểm soát của Tỳ kheo Tăng để bảo vệ dễ dàng hơn. Và cứ sau mỗi mùa an cư, Tỳ kheo Ni sẽ đến tự tứ với Tỳ kheo Tăng để chư Tăng đánh giá về phẩm hạnh của mình.

Đức bà nhận thấy Tám Phép Cung Kính này chính là phương tiện để duy trì và che chở cho Ni đoàn. Lòng biết ơn với Thế Tôn dâng tràn. Ước mơ của Ngài đã trở thành sự thực. Đức bà cùng tất cả các vị hoan hỷ đón nhận.

Ngay sáng sớm hôm sau, Đức bà Ba Xà Ba Đề, Công nương Da Du Đà La cùng hàng trăm thị nữ đã vân tập về khoảng sân phía trước ngôi nhà nhỏ. Các vị quỳ chắp tay thành kính. Khung cảnh vô cùng trang nghiêm, dường như đến cả tiếng lá rơi cũng trở nên khe khàng. Thế Tôn ngự trên bậc đá của căn nhà. Người cất giọng phạm âm đầy lòng bi mẫn:

– Lành thay các thiện nữ, hãy đến đây sống một đời xuất gia đúng Pháp. Hãy trở thành chủng Tỳ kheo Ni, đệ tử của Như Lai.
Đức Thế Tôn vừa dứt lời, mái tóc trên đầu các vị biến mất, y phục lập tức biến thành những tấm y ca sa nâu. Tất cả vui sướng cung kính đảnh lễ Thế Tôn. Từ đây, Ni chúng chính thức được thành lập, mở ra cả khoảng trời giác ngộ bao la cho người nữ mãi về sau này.

IV. CHỨNG ĐẠO

Từ khi trở thành một Tỳ kheo Ni, Tôn giả Ba Xà Ba Đề an trú trong phạm hạnh. Đặc biệt, dù tuổi đã lớn và còn là bậc Di mẫu của Đức Thế Tôn nhưng Ngài luôn giữ tâm khiêm hạ tột cùng. Ngài nhu thuận vâng lời chỉ bảo của chư Tăng, nghiêm chỉnh thực hiện Tám Phép Cung Kính, giữ gìn Tám Phép Cung Kính với chư Tăng trong từng suy nghĩ. Nhờ sự mẫu mực này, cả đại chúng Ni đều được nương theo tu hành ổn định.

Trong công phu tu tập, Tôn giả rất tinh cần hành trì theo Bát Chánh Đạo, con đường vĩ đại bao gồm đầy đủ, toàn diện tất cả các mặt của sự tu hành. Tám chi phần: chánh Kiến, chánh Tư Duy, chánh Ngữ, chánh Nghiệp, chánh Mạng, chánh Tinh Tấn, chánh Niệm, chánh Định là tám bước đi cực kỳ hợp lý, dẫn dắt người tu thực hành từ những điều cơ bản nhất cho đến đỉnh cao của sự chứng ngộ.

Một buổi sáng, Tôn giả Ba Xà Ba Đề đến đảnh lễ Thế Tôn trong rừng trúc xanh mát. Quán thấy nhân duyên chứng đạo của Ngài đã đến, Thế Tôn trao cho Ngài một đề mục thiền quán để thực hành. Tôn giả hoan hỷ nhận đề mục rồi trở về tinh xá. Từ đó, Ngài chuyên chú trong thiền định.

Không bao lâu sau, một hôm khi Ni chúng khất thực về, các vị có cảm giác thật lạ. Căn thất nhỏ nơi vị Ni trưởng khả kính vẫn tọa thiền như bừng sáng hơn bao giờ hết. Mọi người ngỡ ngàng và không ngớt lời thán phục khi biết rõ nguyên nhân.

Thời khắc đó, Tôn giả Ba Xà Ba Đề đã trở thành vị Tỳ kheo Ni đầu tiên chứng đắc Thánh quả A La Hán, vượt thoát khỏi mọi khổ đau sinh tử, viên thành giải thoát giác ngộ.

V. VỊ NI TRƯỞNG KHẢ KÍNH

Hằng ngày, sau thời công phu sớm, Tôn giả Ba Xà Ba Đề bắt tay vào công việc của một vị Ni trưởng, đó là quản lý và hướng dẫn tu hành cho Ni chúng.
Công việc quản lý bao gồm rất nhiều vấn đề phải quan tâm như thời khóa tu tập, phân công lao tác, giới luật, đời sống tinh thần của các Tỳ kheo Ni đến sự tiến bộ của từng vị trong giáo Pháp. Thế nhưng, Tôn giả Ba Xà Ba Đề luôn chu toàn mọi việc.

Trước đây, khi còn trong hoàng cung, Ngài đã thể hiện tài năng quán xuyến tuyệt vời, đã phụ giúp Đức vua Tịnh Phạn trong nhiều công việc lớn nhỏ của đất nước. Sau này, khi chứng đắc Thánh quả A La Hán, Ngài cũng đồng thời thành tựu trí tuệ phân tích phi thường. Vì thế, mọi công việc của Ni chúng đều được Ngài sắp xếp, phân chia rất cụ thể, chi tiết và vô cùng hợp lý. Ni chúng trở nên nổi tiếng với sự nề nếp, trật tự. Thời bấy giờ, dù xã hội Ấn Độ vẫn còn tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ, nhưng khi đi tới đâu các vị Tỳ kheo Ni cũng luôn được dân chúng kính ngưỡng và nể trọng.

Dưới sự dẫn dắt của Tôn giả Ba Xà Ba Đề, Ni đoàn đã phát triển vững mạnh. Rất nhiều Ni viện được mở ra trở thành các trung tâm tu học lớn của nữ giới. Trong đó có các Ni viện tại miền ngoại ô phía Bắc kinh thành Ca Tỳ La Vệ, thủ đô Xá Vệ, Vương Xá (Rajagaha) và nhiều nơi khác nữa nhờ sự ủng hộ của tín chúng và hoàng hậu Mạt Lợi (Mallika).

Đối với việc hướng dẫn tu hành, Tôn giả Ba Xà Ba Đề là bóng cây đại thụ để chư Ni cùng vô số tín nữ hướng về nương tựa. Phạm hạnh và uy đức của Ngài trở thành mẫu mực cho các vị Tỳ kheo Ni. Ngài vừa là Ni trưởng, vừa như một người mẹ hiền từ của Ni đoàn. Ngài nghiêm nghị mà đầy tình thương. Tôn giả bảo bọc, quan tâm, lắng nghe tâm tình rồi còn ân cần ban những lời chỉ dạy sâu sắc về các vấn đề trong tu tập cũng như trong đời sống hàng ngày cho chư Ni. Nhờ vậy, Ni chúng đã thực sự trở thành một mái ấm tâm linh thiêng liêng, nơi giúp cho rất nhiều vị Tỳ kheo Ni chứng đắc Thánh quả cao thượng.

Công lao của Tôn giả Ba Xà Ba Đề đối với Ni đoàn thật vĩ đại. Ngài là vị đầu tiên xin thành lập Ni đoàn, là vị Tỳ kheo Ni đầu tiên chứng đắc Thánh quả A La Hán, là vị Ni trưởng mẫu mực khả kính. Vì vậy, một lần trước hội chúng rất nhiều chư Tăng và chư Ni, Đức Thế Tôn đã tán thán Tôn giả Ba Xà Ba Đề với danh hiệu Đệ Nhất Tổ Ni Đoàn.

Trong một kiếp cách đây rất lâu xa, khi ấy Tôn giả Ba Xà Ba Đề là con gái một quan đại thần giàu có, uy danh và rất thuần thành tín đạo. Ngài đã phát nguyện trước Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) để được trở thành vị Tỳ kheo Ni đầu tiên trong Ni chúng. Từ đó trở đi, kiếp nào Ngài tái sinh cũng trở thành lãnh đạo của những hội chúng nữ đông đảo, luôn làm những việc thiện lành, cúng dường và hộ trì Tam Bảo. Đến thời Đức Phật Thích Ca, hạnh nguyện kiếp xưa của Ngài đã được viên thành.

VI. NIẾT BÀN

Mùa đông năm ấy tại Vesali, tiết trời buốt lạnh. Tôn giả Ba Xà Ba Đề đã rất lớn tuổi. Ngài đi lại khó khăn hơn nhưng trí tuệ vô cùng linh mẫn. Hàng ngày, Ngài thường ngồi trước khoảng hiên của tinh xá đón ánh nắng mai. Gương mặt Ngài phúc hậu và đôi mắt vẫn ngời sáng.

Một hôm, trong lúc nhập định, Ngài biết được đã đến thời khắc phải rời bỏ thế gian hư ảo này. Ngay khi ý niệm vừa khởi lên, cùng lúc mấy trăm vị Thánh Ni đều thấy được suy nghĩ ấy. Tất cả các vị đều muốn theo bước Ni trưởng, an trú trong Niết Bàn.

Chiều tà dần buông, Tôn giả Ba Xà Ba Đề dẫn theo hàng trăm vị Thánh Ni A La Hán đến tinh xá trong khu rừng Đại Lâm, quỳ xuống đảnh lễ Thế Tôn. Đức Thế Tôn đang tĩnh tọa dưới một cội cây, hào quang từ Người tỏa ra sưởi ấm cả không gian.

Tôn giả Ba Xà Ba Đề ngước nhìn Thế Tôn thật lâu, rồi chắp tay cung kính bạch:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, vào đêm nay con sẽ thành tựu Niết Bàn, nơi không còn sinh, già, bệnh, chết, không còn luân hồi, không còn tái sinh. Con thật hạnh phúc khi trọn kiếp này được là quyến thuộc, là đệ tử bên cạnh Thế Tôn.

– Kinh bạch Đức Thế Tôn, con là mẹ của Người, người mẹ trong thế gian vô thường hư ảo. Nhưng vĩ đại muôn phần hơn thế, Người lại là Cha của con, người Cha đã sinh ra con trong dòng Pháp bất tử. Người ban cho con niềm an lạc giải thoát, mãi mãi không còn phiền lụy, khổ đau.

– Kinh bạch Đức Thế Tôn, thân thể Người lớn lên từ những giọt sữa mà con đã chắt chiu gom góp. Nhưng tâm của con lại lớn lên từ dòng sữa Pháp thanh tịnh của Người. Nhờ dòng sữa này, con vĩnh viễn chấm dứt mọi cơn khát trong cuộc đời.

– Kinh bạch Đức Thế Tôn, được là mẹ của đức vua là một vinh dự mà bất cứ bà mẹ nào trên đời này cũng đều ước muốn. Dù vậy, làm mẹ của một vị vua tối thượng thì vẫn phải trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Kinh bạch Đức Thế Tôn, thế nhưng con đã gặp được phúc duyên thù thắng nhất trên thế gian, đó là được trở thành mẹ của một Đức Phật mà trong vô lượng kiếp mới có một vị. Và chính Người đã ban cho con chiếc bè màu nhiệm để vượt thoát biển cả khổ đau của trầm luân sinh tử. Kính bạch Đức Thế Tôn, con xin được đảnh lễ Người.

Thế rồi, Đức Thế Tôn hiển lộ kim thân với đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhân, chói sáng như vầng mặt trời. Tôn giả Ba Xà Ba Đề với trọn lòng thành kính phủ phục dưới chân của Người:

– Kinh bạch Đức Thế Tôn, mọi hạnh nguyện của con giờ đã thành tựu, mọi ước nguyện của con đều đã viên mãn. Hôm nay, con xin Người cho con được từ bỏ tẩm thân bất tịnh này để về với Niết Bàn tịch lặng.

– Kinh bạch Đức Thế Tôn! Nếu trong kiếp này và vô lượng kiếp trước, con có bất cứ lỗi lầm nào, xin Thế Tôn từ bi tha thứ cho con. Trước đây con đã cầu xin Người cho nữ giới xuất gia, nếu đây là một lỗi lầm, xin Thế Tôn từ bi tha thứ cho con. Các Tỳ kheo Ni đồ chúng của con, nếu có phạm lỗi lầm gì, cũng xin Thế Tôn từ bi tha thứ.

Thế Tôn lặng yên đón nhận tất cả những lời tự bạch ấy. Rồi Người trầm hùng đáp:

– Này Ni trưởng Ba Xà Ba Đề, đức hạnh của Người như một tấm gương trong, công lao của Người với chúng Ni và Tăng đoàn bao la như trời biển. Tất cả có cây rừng đại ngàn Mahavana ghi chép, có mây trời Vesali khắc ghi. Người và hội chủng Ni hãy an nhiên về với Niết Bàn khi thấy hợp thời.

Tôn giả Ba Xà Ba Đề và hàng trăm vị Thánh Ni A La Hán cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn lần cuối cùng. Rồi tất cả các vị trở về tinh xá tại Vesali, tĩnh tọa trong tư thế hoa sen, xuất nhập các tầng bậc thiền định rồi an trú trong Niết Bàn tịch lặng. Ngoài trời, hoàng hôn đã phủ khắp núi đồi Vesali…

VII. KẾT LUẬN

Tôn giả Ba Xà Ba Đề là một vị Thánh Ni vẹn toàn đức hạnh. Ngài đã dành trọn tình thương yêu để chăm sóc và bảo vệ Đức Thế Tôn từ lúc Người mới đản sinh. Sau này, khi Đức Thế Tôn đắc thành Đạo quả và chuyển vận bánh xe Pháp Bảo khắp cõi nhân thiên, công ơn của Tôn giả đối với chúng sinh là không thể tính kể.

Tôn giả cũng là người đầu tiên xin Thế Tôn cho người nữ xuất gia, đã mở ra lịch sử cho hàng Ni chúng, để lớp lớp thế hệ người nữ có cơ hội được bước vào đời sống của một Tỳ kheo Ni đầy phạm hạnh, thấm nhuần dòng Pháp thiêng liêng và sẽ có một ngày thoát ra khỏi khổ đau sinh tử.

Đền ơn Tôn giả, chúng con xin nguyện sẽ tinh tấn tu hành để phát triển và bảo vệ chánh Pháp. Chúng con nguyện dù gặp mọi khăn khó trở ngại vẫn luôn giữ vững lý tưởng. Nguyện Tôn giả gia hộ cho chúng con kiên tâm vững bước trên con đường hướng về giải thoát giác ngộ bao la.

VIII. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Ma Ha Bà Xà Ba Đề (Maha Pajapati) là vị Tỳ kheo Ni chứng A La Hán đầu tiên và được Đức Thế Tôn tán thán với danh hiệu Đệ Nhất Tổ Ni Đoàn. Trước khi xuất gia, Ngài là người đã kiên định xin phép và được Đức Thế Tôn đồng ý cho thành lập Ni đoàn. Kể từ đó, Ngài luôn nghiêm mật hành trì giới luật, tinh chuyên thiền định, tuân thủ Tám Phép Cung Kính của Tỳ kheo Ni. Bên cạnh đó, trong sinh hoạt và tu tập của Ni đoàn, Ngài luôn bảo bọc, quan tâm, lắng nghe tâm tình rồi ân cần ban lời chỉ dạy.

Chính vì vậy, Tôn giả đã trở thành bóng cây đại thụ để chư Ni cùng vô số thiện tín hướng về nương tựa. Phạm hạnh và uy đức của Ngài đã trở thành mẫu mực cho chúng sinh muôn đời noi theo học tập.

Do đó, khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Thành tựu được các phẩm chất của người lãnh đạo, có tư duy nhạy bén và khéo léo, đạt hiệu quả cao trong công việc.
– Có tấm lòng nhân hậu, thương yêu mọi người. Luôn kiên định với những quyết định của mình. Luôn nỗ lực làm mọi việc tới khi đạt kết quả tốt nhất, dần trở thành người có đủ tài năng và đức hạnh cao quý nên được nhiều người yêu mến, kính trọng.
– May mắn thân cận nhiều bậc hiền tài, sớm biết và thực hành được đạo lý chân chính, từ đó tiến tu trên con đường hướng về giải thoát.

IX. THƠ TỤNG

Thành tâm kính đảnh lễ Ngài
Từ bi vô lượng khắp trời bao la
Tấm lòng nhân ái thiết tha
Như dòng sông chảy phù sa ngọt ngào
Ơn Người hơn cả núi cao
Bước chân Ni giới vượt bao dặm trường
Thắp lên ánh sáng siêu phương
Soi đường dẫn lối tình thương trở về
Biết ơn, Người đã chở che
Bình yên Ni chúng sơn khê sương mờ
Như bình minh buổi tinh mơ
Hương thiền tĩnh lặng sao rơi cuối trời
Biết ơn! Từ thuở thiếu thời
Chăm lo Thái Tử khi vừa Đản Sanh
Đến khi Đạo quả viên thành
Hộ trì Tam Bảo bình an Tăng đoàn
Biết ơn! Người đã mỏi mòn
Thỉnh cầu Đức Phật Ni đoàn lập nên
Nghìn sau chẳng dám quên tên
Kiều Đàm Ni Tổ vang rền Thánh ân
Vằng vặc sáng tỏ vầng trăng
Ơn Ngài thị hiện minh đăng rạng ngời
Ngàn thu vang khắp đất trời
Tán ca ngưỡng vọng muôn đời kính dâng
Nguyện lòng đền đáp báo ân
Dốc lòng tu tập khó khăn chẳng nề
Từ nay trọn một lời thề
Kính tin Tam Bảo hướng về Chân Như
Tôn thờ các bậc Minh sư
Giữ gìn chánh Pháp bền lâu trường tồn
Thế gian còn có đảo cồn
Cho hoa sen nở tâm hồn tỏa hương
Ngạt ngào bay khắp nghìn phương
Đem mùa xuân tới ánh dương rực hồng.

Nam Mô Ma Ha Ba Xà Ba Đề Tôn giả (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x