Tôn Giả Ni Đàm Ma Đề Na – Đệ Nhất Thuyết Pháp Ni Đoàn

Cách đây hơn một trăm nghìn đại kiếp, thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa, trong thành Hamsavati có một cô gái nghèo, phải đi làm thuê để kiếm sống.

Một sáng sớm, cô gái ôm bình đi múc nước thì gặp một vị Trưởng lão đang đi khất thực. Dung nghi Ngài sáng tỏ lạ kỳ. Vô cùng xúc động, cô lập tức quỳ xuống dâng lên phần cơm của mình:

– Kinh bạch Trưởng lão, con xin được cúng dường Ngài. Con rất nghèo, đây là tất cả phần cơm của con trong ngày hôm nay. Xin Trưởng lão từ bi thọ nhận.

Vị Trưởng lão mỉm cười, trân trọng đón nhận. Từ đó, cô trở thành một cư sĩ thuần thành, kính tin Tam Bảo.

Trong kiếp đó, một lần đảnh lễ dưới chân Đức Phật Thắng Liên Hoa, cô đã mạnh mẽ phát lên lời nguyện chí thành sẽ thành tựu công hạnh thuyết Pháp tối thắng để giáo hóa chúng sinh và được Đức Phật thọ ký.

Trải qua vô lượng kiếp, kiếp nào cô cũng tinh tấn tu hành và gây tạo vô số công đức. Có kiếp cô trở thành một vị công chúa sống trong cung vàng điện ngọc lộng lẫy nhưng đã từ bỏ để được nghiêm trì giới luật, sống trong phạm hạnh suốt hơn 20.000 năm thọ mạng.

Cuối cùng, đến thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lời ước nguyện của cô đã được viên mãn. Đó chính là tiền kiếp của Tôn giả Đàm Ma Đề Na (Dhammadinna) – một bậc Thánh Ni A La Hán ưu tú của Đức Thế Tôn với công hạnh Đệ Nhất Thuyết Pháp.

Tôn Giả Ni Đàm Ma Đề Na - Đệ Nhất Thuyết Pháp Ni Đoàn -

Tôn Giả Ni Đàm Ma Đề Na – Đệ Nhất Thuyết Pháp Ni Đoàn

I. XUẤT THÂN

Thành Vương Xá (Rajagaha), thuộc vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), là một trong những kinh đô có lịch sử cổ xưa và huy hoàng nhất xứ Ấn Độ. Ngoài sự trù phú và cường thịnh, đây là nơi phát xuất ra nhiều nguồn văn hóa lớn như ngôn ngữ Magadhi, lịch số, các tư tưởng đạo giáo…

Dưới triều đại trị vì của Đức vua Bình Sa (Bimbisara), Vương Xá trở thành trung tâm Phật giáo đầu tiên, có sức ảnh hưởng lớn lao tới toàn bộ các quốc gia trên lục địa. Nơi đây cũng chính là quê hương của nhiều vị Tôn giả lỗi lạc trong giáo đoàn của Đức Thế Tôn, trong đó có Tôn giả Đàm Ma Đề Na.

Ngài Đàm Ma Đề Na sinh ra trong một gia đình khá giả. Từ nhỏ, Ngài đã vô cùng xinh đẹp, tính nết nhu thuận, dịu dàng và rất thông minh nên được tất cả mọi người yêu mến. Đến tuổi lập thân, Ngài được cha mẹ sắp đặt gả cho trưởng giả Visakha giàu có và uy quyền bậc nhất trong kinh thành.

Thời gian qua đi, năm đó, Đức Thế Tôn trở về kinh thành Vương Xá giáo hóa. Vua Bình Sa vui mừng cùng hoàng tộc và triều thần tới yết kiến, đồng thời cúng dường lên Người tinh xá Trúc Lâm (Veluvana). Trong buổi hôm ấy, Trưởng giả Visakha cũng có mặt và đã chứng đắc được Thánh quả Dự Lưu. Từ đó, cả gia đình Ngài Đàm Ma Đề Na trở thành những cư sĩ thuần thành tín đạo. Hai vị thường tới tinh xá nghe Pháp, công quả và được thấm nhuần giáo Pháp của Đức Thế Tôn.

II. XUẤT GIA

Một hôm, trưởng giả Visakha đến tinh xá Trúc Lâm nghe Pháp và chứng được Tam quả A Na Hàm. Khi trở về, phu nhân Đàm Ma Đề Na niềm nở ra đón. Thế nhưng, Ngài không đỡ lấy tay phu nhân như thường ngày, chỉ lặng lẽ bước lên lầu rồi tìm một nơi an tĩnh tọa thiền. Tới giờ cơm, Ngài cũng không nói một lời. Phu nhân lấy làm lạ, liền đến bên chồng ân cần thưa hỏi:

– Thưa phu quân, hôm nay Ngài không nói chuyện, phải chăng thiếp đã làm điều gì sai khiến Ngài phiền lòng?

Vị trưởng giả nhẹ nhàng đáp:

– Này Đàm Ma Đề Na, phu nhân là người phụ nữ đoan chính, đức hạnh, luôn chu đáo vẹn toàn mọi việc. Ta vẫn luôn thương mến và quý trọng phu nhân vì điều đó. Chẳng có gì ở phu nhân khiến ta phiền lòng cả. Nhưng này Đàm Ma Đề Na, có lẽ từ giờ chúng ta chỉ nên sống như hai người bạn.

Phu nhân Đàm Ma Đề Na ngạc nhiên vô cùng. Ngài nghẹn ngào không nói nên lời. Nhưng ngắm nhìn chồng, Ngài thấy gương mặt của phu quân vẫn bình thản điềm đạm, ánh mắt vẫn hiền hòa chỉ có điều không còn trìu mến như trước nữa.

– Thưa phu quân, phải chăng đã có chuyện gì… xin Ngài hãy bày tỏ …

Ngài Visakha ôn tồn giải đáp:

– Này phu nhân, sáng nay khi được nghe Đức Thế Tôn giảng Pháp, ta đã thực sự bừng tỉnh. Ta trân trọng tình nghĩa vợ chồng bấy lâu, cũng xin cảm ơn phu nhân bao năm nay vẫn cùng ta chia sẻ. Nhưng giờ, ta xin phép phu nhân được kết thúc mối duyên này. Bởi giờ đây tâm ta chỉ còn lại sự thanh lương, trong sáng. Ta không còn lưu luyến tình cảm vợ chồng hay bất kỳ luyến ái thế gian nào nữa.

– Vậy . vậy… thiếp phải làm sao? – Phu nhân ấp úng, rơm rớm nước mắt.

– Này phu nhân, tài sản của gia đình mấy trăm triệu đồng vàng, ta để lại cho phu nhân tùy nghi sử dụng. Phu nhân có thể trở về nhà cha mẹ thân sinh của mình hoặc có thể đi đâu, làm gì mà phu nhân cho là thích hợp.

Trong lúc Ngài Visakha nói, Ngài Đàm Ma Đề Na chợt nhớ đến hình ảnh của Ni đoàn, trang nghiêm, từ ái, và thanh tịnh. Bỗng nhiên trong lòng Ngài dâng tràn niềm xúc động khôn tả. Duyên xưa đã đến, phu nhân thấy mình như có một sức mạnh kỳ lạ thúc giục. Ngài cất lời nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:

– Thưa phu quân, thiếp cảm ơn Ngài đã nghĩ cho thiếp. Nhưng thiếp cũng xin không thừa hưởng gia tài ấy. Giờ đây, thiếp đã thấu hiểu lời dạy của Đức Thế Tôn. Thiếp xin được xuất gia. Xin Ngài hãy đồng ý.

Trưởng giả Visakha vô cùng bất ngờ, nhưng nhìn ánh mắt kiên định của phu nhân, Ngài mừng rỡ và lập tức đồng ý:

– Thật là phúc duyên may mắn khi cả hai chúng ta đều cùng chung chí hướng. Vậy ngày mai, phu nhân hãy lên đường tới xin được xuất gia vào giáo đoàn của Đức Thế Tôn như ý nguyện.

Sáng hôm sau, phu nhân Đàm Ma Đề Na bỏ lại hết trang sức quý giá, khoác lên mình chiếc y thô đơn màu giản dị. Đức vua Bình Sa, vốn có mối giao hảo thân thiết với gia đình, khi hay tin đã rất hoan hỷ và cùng thân tộc tới dự lễ xuất gia. Đức vua còn ra lệnh cho kiệu vàng tới đón phu nhân đến tinh xá. Buổi lễ diễn ra vô cùng trang trọng, Đức Thế Tôn uy nghi ngự trên pháp tòa, các vị Trưởng lão Tăng và bên Ni đã tề tựu đông đủ. Trước sự chứng minh của đại chúng, Ngài Đàm Ma Đề Na chính thức trở thành vị Tỳ kheo Ni trong Ni đoàn, sống cuộc đời thanh bai, phạm hạnh với ba y một bát.

III. CHỨNG ĐẠO

Sau khi xuất gia, Ngài Đàm Ma Đề Na tìm đến một tinh xá ở gần một ngôi làng vắng người cạnh khu rừng Kalandaka Nivapa để nhập thất tu hành.

Từ đó, Ngài chuyên chú giữ gìn tam nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, cẩn thận trong từng điều nhỏ nhặt. Tôn giả tinh cần quán xét từng giờ từng phút. Hành động và lời nói phải chuẩn mực và tinh tế bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chúng sinh. Chính từ đây, vô số nghiệp duyên và phước tội được hình thành. Một cử chỉ thiếu oai nghi, một câu nói lỡ lời sẽ khiến người khác hiểu lầm, gây nên phiền muộn và từ đó mất đi duyên lành với chánh Pháp.

Tâm ý tuy vô hình nhưng lại là gốc của lời nói và hành động. Tâm ý cao thượng có thể đưa chúng sinh lên cõi trời vinh quang, đạt tới những quả Thánh vi diệu, phi thường. Trái lại, ý nghĩ ác độc, si mê sẽ đọa đày chúng sinh trong địa ngục thẳm sâu tăm tối. Một suy nghĩ vi tế nhớm khởi, luật Nhân quả công bằng tuyệt đối đã vận hành.

Ngài thận trọng thanh lọc ý nghĩ của mình đến sạch trong hoàn toàn. Từng ý niệm đều được đối chiếu với lời dạy của Đức Thế Tôn và dứt khoát diệt trừ nếu đó là suy nghĩ sai. Nhờ công đức tu hành sâu dày trong quá khứ, một thời gian sau, tâm hồn Ngài tràn đầy những ý nghĩ thiện lành và niềm tôn kính dâng lên Đức Thế Tôn cùng với lòng từ bi hướng về chúng sinh vô bờ bến. Ngài nhanh chóng đạt được đời sống phạm hạnh và thâm nhập vào các tầng bậc thiền định.

Ba tháng trôi qua, vào một buổi chiều, Tôn giả Đàm Ma Đề Na an tĩnh tọa thiền trong mái am nhỏ. Ngài an trú toàn thân, quán chiếu sự vô thường của thân, biết rõ từng hơi thở đều đặn ra vào.

Khi trăng vừa lên, am thất nơi Tôn giả đang tọa thiền chợt bừng sáng. Không gian tĩnh lặng, một vầng hào quang rực rỡ xuyên qua vách tường nứa, chiếu rọi vào trời đêm thăm thẳm. Khoảnh khắc đó, Tôn giả Đàm Ma Đề Na đã chứng ngộ Thánh quả A La Hán, đồng thời đạt được năng lực “Tứ Vô Ngại Giải”.

IV. ĐỆ NHẤT THUYẾT PHÁP

Sau ba tháng hạ, Tôn giả Đàm Ma Đề Na trở lại tinh xá Ni. Ngài Visakha hay tin nên tới thăm hỏi. Vừa mới gặp lại, dung nghi thanh tịnh của Tôn giả Đàm Ma Đề Na đã làm Ngài Visakha bất ngờ. Ngài đoán rằng Tôn giả đã chứng đắc nên đặt những câu hỏi vô cùng thâm sâu trong giáo Pháp.

– Thưa Tôn giả, xin Tôn giả giải đáp cho con những thắc mắc sau ạ.

– Hiền giả Visakha, mời Ngài hỏi.

– Thưa Tôn giả, Thế Tôn gọi thế nào là “hiện thân”?

– Này Hiền giả Visakha, Thế Tôn gọi năm uẩn bao gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức chính là “hiện thân” của ta.

– Lành thay, thưa Tôn giả. Vậy từ đâu mà có “hiện thân” này?

– Này Hiền giả Visakha, chính là bởi khát ái đưa đến tái sinh, khát ái lại đồng hành cùng sự ham thích và tham đắm, bởi vậy lúc nào cũng tìm cầu những cảm giác ưa thích. Này Hiền giả, khát ái đưa đến tái sinh chính là nguyên nhân của “hiện thân”.

– Lành thay, thật chính xác thưa Tôn giả. Vậy con đường nào có thể dừng lại sự tái sinh này, đạt được giải thoát giác ngộ?

– Này Hiền giả, con đường Bát Chánh Đạo đưa đến chấm dứt tái sinh, đạt được giải thoát giác ngộ. Đó là con đường gồm tám chi phần: chánh Kiến, chánh Tư Duy, chánh Ngữ, chánh Nghiệp, chánh Mạng, chánh Tinh Tấn, chánh Niệm, chánh Định.

– Lành thay, thật chính xác thưa Tôn giả. – Ngài Visakha vừa vui mừng vừa xúc động.

Đó đều là những câu hỏi sâu xa, chạm tới tận bản chất của “sự tồn tại”, “sự tái sinh”… Nhưng Tôn giả Đàm Ma Đề Na chỉ nghe qua một lượt rồi ngay lập tức trả lời chính xác, không thừa không thiếu một câu, vào đúng trọng tâm của vấn đề khiến Ngài Visakha vô cùng thán phục. Ngài Visakha tiếp tục hỏi thêm rất nhiều câu hỏi thâm sâu vi tế về Thân Kiến, sự đo lường được của Bát Chánh Đạo hay không, về các Định vi diệu, về sự khổ trong cảm thọ… Đó đều là những vấn đề mà chỉ trong tâm chứng vĩ đại của một vị Thánh mới thấy được chứ không thể dùng suy luận mà trả lời.

Tôn giả Đàm Ma Đề Na đã trả lời cực kỳ nhanh gọn và chính xác. Cuối cùng, Ngài Visakha đã hỏi đến tận những câu mà phải cảnh giới của Tứ Quả A La Hán mới biết được:

– Thưa Tôn giả, điều gì có thể tương xứng với Niết Bàn?

Tôn giả Đàm Ma Đề Na thấy ngay rằng câu hỏi đó đã vượt ra khỏi tâm chứng của một vị Tam Quả A Na Hàm như Ngài Visakha, vì thế Tôn giả không trả lời, chỉ mỉm cười bảo Ngài Visakha hãy đến bạch với Đức Thế Tôn về vấn đề này.

Sau khi nghe Ngài Visakha tường thuật lại cuộc đàm luận, Đức Thế Tôn tán thán rằng:

– Này Visakha, Tỳ kheo Ni Đàm Ma Đề Na là bậc hiền tri, là bậc đại tuệ. Với những câu hỏi này thì Như Lai cũng sẽ trả lời như vậy mà thôi. Đây đều là những câu trả lời tương ứng chính xác cho những câu hỏi đó. Các con hãy ghi nhớ.

Rồi Thế Tôn đọc lên bài kệ xác chứng và tán thán về sự chứng đắc của Tôn giả Đàm Ma Đề Na:

Ai quả hiện vị lai
Không sở hữu điều gì
Không nắm giữ, chấp thủ
Ta gọi bậc Hiền Trí.

Sau buổi tham vấn hôm đó, bởi các câu trả lời quá xuất sắc, rõ ràng, rất nhiều thính chúng có mặt đã chứng đắc được các Thánh quả từ thấp đến cao.
Đây là một trong rất nhiều câu chuyện kể về công hạnh của Tôn giả Đàm Ma Đề Na. Trong Ni đoàn, Tôn giả nổi tiếng với những buổi thuyết Pháp siêu việt, giáo hóa cho nhiều vị chứng đạt đạo quả.

Nhờ thành tựu năng lực Tứ Vô Ngại Giải, Tôn giả tinh thông tất cả kiến thức của thế gian, nắm bắt hết mọi vấn đề trong các cõi giới từ trời, người, quỷ thần… lại vừa thâm hiểu nghĩa lý của giáo Pháp đến sâu xa tột cùng. Vì vậy, Ngài có thể tuyên thuyết nên những bài Pháp vi diệu nhưng cũng cực kỳ thiết thực, gần gũi, phù hợp với mọi căn cơ của thính chúng. Có lần, Đức Thế Tôn đã xác chứng: “Tỳ kheo Ni Đàm Ma Đề Na phân biệt được nghĩa lý trong giáo Pháp một cách rõ ràng cặn kẽ, lại có thể tuyên giảng, triển khai rộng từng điểm, từng ý rất chi tiết và phong phú.”

Không chỉ vậy, chỉ cần Ngài bước lên pháp tòa là thính chúng đã vô cùng cảm phục và kính ngưỡng. Điều đó xuất phát từ công đức tu hành tinh nghiêm, giữ gìn tam nghiệp thân, khẩu, ý vô cùng thanh tịnh của Ngài trong nhiều kiếp. Thời Đức Phật Ca Diếp (Kassapa Buddha) thị hiện giáo hóa, Ngài chính là công chúa Sudhamma, ái nữ của Đức vua Kinki tại kinh thành Baranasi. Công chúa rất thuần thành, tín đạo. Tuy không thể xuất gia, nhưng Ngài đã làm vô số thiện nghiệp dâng lên Tam Bảo và giữ gìn phạm hạnh trong suốt 20.000 năm. Bởi vậy, đến kiếp này, sau khi chứng đắc đạo quả, uy đức của Ngài chói sáng, mỗi lời nói ra đều lay động mạnh mẽ tâm hồn thính chúng.

Một lần, trước hội chúng Tăng Ni, Đức Thế Tôn đã tán thán rằng:

– Này đại chúng, trong các vị đệ tử Ni ưu tú của Như Lai về khả năng thuyết Pháp, Tỳ kheo Ni Đàm Ma Đề Na là tối thắng.

V. KẾT LUẬN

Tôn giả Đàm Ma Đề Na là vị Thánh Ni A La Hán phạm hạnh và ưu tú của Đức Thế Tôn. Với công hạnh Đệ Nhất Thuyết Pháp, Ngài đã đưa đạo lý cao thượng vào lòng thính chúng một cách khéo léo và tinh tế. Sự nghiệp giáo hóa vĩ đại của Ngài đã khai thị rất nhiều chư Tăng Ni, cư sĩ chứng ngộ các tầng bậc Thánh quả và giúp cho vô số chúng sinh khởi lên niềm kính tin Tam Bảo, thay đổi cuộc đời.

Chúng con nguyện dâng lên Ngài lòng tôn kính vô ngần, trọn lòng theo bước của Ngài, sống đời phạm hạnh, tinh tấn tu hành và mang chánh Pháp lan truyền khắp nơi. Nguyện cầu chư Phật gia hộ cho chúng sinh đều biết đến chánh Pháp, quy y Tam Bảo và cùng giữ gìn cho mạng mạch Phật Pháp trường tồn.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Đàm Ma Đề Na (Dhammadinna) là vị Thánh A La Hán siêu việt trong hàng đệ tử Ni của Đức Phật. Ngài được Đức Phật tán thán là vị Tôn giả Ni Thuyết Pháp Đệ Nhất. Ngài thành tựu năng lực Tứ Vô Ngại Giải, tinh thông tất cả kiến thức của thế gian, nắm bắt hết mọi nghĩa lý sâu xa của giáo Pháp. Vì thế, Ngài có thể tuyên thuyết những bài Pháp vi diệu và thiết thực, gần gũi, phù hợp với căn cơ của tất cả chúng sinh.

Chỉ cần Ngài bước lên pháp tòa là toàn bộ thính chúng đều cảm phục và kính ngưỡng. Điều ấy xuất phát từ uy đức tu hành tinh nghiêm, giữ gìn tam nghiệp thân, khẩu, ý vô cùng thanh tịnh của Ngài trong nhiều đời, nhiều kiếp. Ngài đã đưa đạo lý cao thượng vào lòng chúng sinh một cách khéo léo và tinh tế. Trong sự nghiệp giáo hóa của mình, Ngài đã khai thị rất nhiều chư Tăng Ni, cư sĩ chứng ngộ các tầng bậc Thánh quả và giúp cho vô số chúng sinh khởi lên niềm kính tin Tam Bảo, từ đó thay đổi cuộc đời.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Thành tựu khả năng diễn giảng lôi cuốn, có biện tài giải thích, hướng dẫn cho người nghe hiểu được vấn đề và tin theo những đạo lý chân chính.
– Sống và làm việc trong môi trường tốt, có nhiều cơ hội thăng tiến, phát triển. Sớm trở thành người lãnh đạo tài năng, giúp cho mọi người xung quanh có được nhiều lợi ích.
– Được chư Phật gia hộ nên sớm thấy lỗi của mình, từ đó tinh tấn tu hành. Thường xuyên giữ gìn tam nghiệp thân, khẩu, ý nên được mọi người quý kính.

VII. THƠ TỤNG

Con xin thành kính lạy Ngài
Thánh Ni xuất thế vượt ngoài tử sinh
Trải qua nghìn kiếp quên mình
Tấm lòng phụng sự hy sinh đẹp ngời
Nghiêm trì giới luật không ngơi
Giữ gìn phạm hạnh sống đời thanh bai
Tinh cần từng phút từng giây
Thanh lọc ý nghĩ, tâm này sạch trong
Nhân quả tuyệt đối công bằng
Mỗi khi niệm khởi thường hằng xét suy
Lời Phật dạy chánh Tư Duy
Bát Chánh giải thoát bước đi muôn đời
Bậc hiền trí giữa bao người
Đường thiền tinh tấn chẳng ngơi bao giờ
Tình thương trải đến vô bờ
Lòng tôn kính Phật nghìn lời ngợi ca
Trí tuệ thấu suốt sâu xa
Tỏ tường khắp cõi bao la thiên hà
Tôn giả Đàm Ma Đề Na
Bậc A La Hán vạn loài ngưỡng trông
Thắp nguồn đạo lý mênh mông
Từng lời vi diệu thẳm trong tâm người
Để người đem cả cuộc đời
Đắp xây công đức, làm vơi khổ sầu
Niềm tin Phật Pháp khắc sâu
Chỉ còn Thánh đạo nhiệm màu thiêng liêng
Bỏ quên đi những niềm riêng
Hướng về Vô Ngã, cõi thiền hư vô
Cuộc đời thoáng tựa giấc mơ
Đến đi sinh diệt bao giờ được ngưng
Mấy ai thấu lẽ vô thường
Nay còn mai mất vấn vương ưu phiền
Giữa thế gian lắm đảo điên
Đắm say hưởng thụ lãng quên cuộc đời
Ngoài kia còn biết bao người
Khổ đau đói lạnh bơ vơ lạc loài
Nên lòng chẳng dám phí hoài
Tuổi xuân gắng sức xây đời đẹp tươi
Yêu thương san sẻ muôn nơi
Mái chùa, cõi Phật thảnh thơi tu hành
Cùng nhau kết mối duyên lành
Dựng xây chánh Pháp vạn lần hưng long.

Nam Mô Đàm Ma Đề Na Tôn Giả (3 lần)


TÀI THUYẾT PHÁP CỦA TÔN GIẢ DHAMMADINNA

…Thưa Ni sư Dhammadinna, tôi nhìn thấy Ni sư tinh thần cực kỳ thông sáng, từ nơi thân toả ra sức mạnh vô biên, tôi nghĩ Ni sư chắc cũng đã vào được quả vị nào đó rồi. Nếu được, xin Ni sư cho tôi hỏi vài điều đạo lý được chăng ạ?

– Hiền giả cư sĩ Visakha cứ hỏi, những gì tôi trả lời được thì tôi sẽ trả lời, nếu tôi không trả lời được thì cư sĩ sẽ hỏi các vị Thánh Tăng Moggalana, Maha Kassapa, hoặc hỏi Thế Tôn đều được.

– Thưa Ni sư Dhammadinna, khi một vị chứng được Sơ quả Tu Đà Hoàn, vị đó diệt trừ được ba kiết sử căn bản là nghi, thân kiến, và giới cấm thủ.
Xin Ni sư giải thích cho tôi nghe thế nào là thân kiến và diệt trừ thân kiến?

– Này hiền giả cư sĩ Visakha, thân kiến là một khuynh hướng ích kỷ do chấp ngã sinh ra. Chấp ngã là gốc, thân kiến là ngọn. Chứng được Sơ quả Tu Đà Hoàn thì diệt được cái ngọn ích kỷ chứ chưa diệt được cái gốc chấp ngã. Phải chứng được A La Hán thì mới diệt được cái gốc chấp ngã.

Thân kiến làm cho ta ích kỷ, chỉ hướng về lo cho bản thân mình trước, đưa đến tham sân và tạo nhiều tội lỗi.

– Này hiền giả cư sĩ Visakha, diệt được thân kiến rồi, vị này sẽ sống một đời tràn đầy vị tha, lúc nào cũng thích bố thí, lúc nào cũng thích giúp người, vì thế cứ tạo ra được rất nhiều thiện nghiệp.

– Lành thay, Ni sư trả lời rất súc tích mà dễ hiểu.

– Thưa Ni sư Dhammadinna, kiết sử nghi là gì, và thế nào là diệt được kiết sử nghi ạ?

– Này hiền giả cư sĩ Visakha, người chưa chứng Sơ quả Tu Đà Hoàn thì khuynh hướng bất thiện cứ tồn tại trong tâm, nên cứ dao động giữa thiện và ác, đúng và sai. Cái dao động do dự đó gọi là nghi. Khi chứng được Tu Đà Hoàn rồi thì cái phân vân do dự biến mất, người này xác định lập trường Thiện quyết liệt, nên hết mơ hồ giữa điều đúng và sai.

Người này có thể còn hiểu lầm vì chưa đủ thần thông, nhưng mọi quan điểm sống, cách cư xử với con người đều đúng sai tách bạch.

Người này có thể phân biệt tà Pháp hay chánh Pháp trong sát na khi nghe qua tai.

– Lành thay, Ni sư Dhammadinna giải đáp thật là thiện xảo.

– Thưa Ni sư, vậy thế nào là kiết sử giới cấm thủ, và thế nào là diệt trừ giới cấm thủ ạ?

– Này hiền giả cư sĩ Visakha, xã hội con người luôn xuất hiện các luật lệ do chính con người tạo ra, nhằm giúp cho mọi người sống ổn định kỷ cương. Những người có quyền lực đều buộc mọi người phải tuân thủ luật lệ để họ dễ quản lý. Riết rồi mọi người quên mất mục tiêu chính, chỉ còn nhớ luật lệ, xem luật lệ mới là cứu cánh, nên đã dùng luật lệ để làm khổ nhau, bắt bẻ nhau, hạch sách nhau.

Mục đích chính ở cuộc đời là yêu thương nhau, luật lệ chỉ là sự hỗ trợ mà thôi. Nhưng chấp vào luật lệ thì dễ làm việc hơn là linh động tùy nghi giải quyết. Thế nên dần dần mọi người ôm cứng luật lệ cho dễ hành xử, và họ mất dần trí tuệ hay đạo đức. Sự cố chấp vào luật lệ là sự lười biếng của trí tuệ.

Một vị chứng quả Thánh Tu Đà Hoàn thì thoát ra ngoài sự cố chấp đó, lúc nào cũng nhớ mục đích chính của cuộc sống là yêu thương tử tế, lúc nào cũng cân nhắc xem xét các luật lệ phù hợp hay không phù hợp. Trí tuệ các vị cao hơn luật lệ. Luật lệ do con người đặt ra tùy lúc, nhưng cũng chỉ là con người nghĩ ra. Luật lệ thì khi hợp khi không, cần phải có một trí tuệ soi rọi để đánh giá luật lệ đó.

Vị Thánh Tu Đà Hoàn thì đủ trí tuệ để đánh giá luật lệ đó hợp hay không hợp theo từng trường hợp, chứ không cố chấp khư khư mọi luật lệ.
Nam cư sĩ Visakha reo lên:

– Lành thay, biện tài của Ni sư Dhammadinna thật là sắc sảo, đã giải thích một điều tế nhị này rất rõ ràng.

– Thưa Ni sư, thế nào là một vị chứng được quả Thánh thứ hai là Tư Đà Hàm làm cho hai kiết sử tham và sân mỏng nhạt?

– Này hiền giả cư sĩ Visakha, hai kiết sử tham và sân là hai kiết sử căn bản của chúng sinh, rất khó đoạn trừ hẳn. Chỉ khi chứng được quả Thánh thứ ba là A Na Hàm thì mới có thể diệt chúng hết thật sự. Còn ở quả Thánh thứ hai thì vị đó chỉ đủ sức làm cho tham và sân mỏng nhạt chứ chưa hết hẳn.

– Này hiền giả, tham và sân mỏng nhạt nghĩa là vị này cực kỳ đạo đức, không bao giờ hiện tướng tham lam hay sân hận, không bao giờ làm hay nói điều gì vì tham và sân sai sử. Chỉ có điều là vị này chưa thật sự bứng nhổ hết gốc rễ tham và sân.

Bên ngoài nhìn vào chẳng ai biết vị đó còn tham hay sân, chính vị đó cũng không biết mình còn tham và sân, bởi vì nó quá mỏng nhạt. Chỉ khi nào vị đó chứng thêm quả Thánh thứ ba thì mới phát hiện trước đây mình vẫn còn rất ít tham và sân.

Cư sĩ Visakha tán thán:

– Lành thay, Ni sư Dhammadinna đã thấu hiểu bản chất của quả Thánh Tư Đà Hàm.

– Thưa Ni sư, thế nào là một vị Thánh chứng được quả Thánh thứ ba diệt được hết hai kiết sử tham và sân?

– Này hiền giả cư sĩ Visakha, khi đã diệt được hết tham và sân, vị này rất tự tại, mọi ham muốn trần gian đều biến mất. Ham muốn biến mất thì không còn sự sợ hãi nào tồn tại. Vì sân biến mất nên lòng từ bi của vị này tự nhiên nảy nở dần vì chẳng bao giờ có thể ghét ai được nữa.
Những động cơ của thế gian đã hết nên vị này khi bỏ thân sẽ chẳng trở lại cõi người này nữa, mà sẽ sinh về cõi Sắc Cứu Kính Thiên.
Cư sĩ Visakha hỏi:

– Xin Ni sư Dhammadinna hãy nói về cảnh giới A La Hán cho tôi được nghe.

– Này hiền giả cư sĩ Visakha, cảnh giới của bậc đã hết vô minh, đã sạch chấp ngã, đã phá trừ tất cả kiết sử lậu hoặc, đã chứng nhập Niết Bàn, làm sao dùng lời để diễn tả ạ. Nếu phải nói thì nói cho đến vô lượng kiếp cũng không hết, mà không nói thì một lời cũng dư.

Visakha chào Tỳ kheo Ni Dhammadinna…

(Trích: “Đỉnh Núi Tuyết” tập 37, trang 40 – 58)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x