Dẫu nói trăm câu kệ
Mà không lợi ích gì
Tốt hơn chỉ một câu
Nghe xong được an lạc.
I. XUẤT THÂN
Tôn giả Bạt Đà Quân Đà La (Bhadda Kundalakesa) xuất thân tại thành Vương Xá (Rajagaha), đất nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Ngài là con gái độc nhất trong gia đình quan chưởng khố của Đức vua Bình Sa (Bimbisara).
Ngay từ khi còn nhỏ, Ngài đã nổi bật với tư chất thông minh và vẻ đẹp kiều diễm, mang trên người nhiều trang sức đắt tiền và những bộ y phục lộng lẫy bằng lụa Kasi. Khi lớn lên, vẻ đẹp của Ngài càng khiến người cha lo lắng. Ông lúc nào cũng canh cánh tìm cho con gái một người chồng môn đăng hộ đối. Muốn bảo vệ con gái khỏi những điều xấu xa từ bên ngoài, vị chưởng khố đã xây một dinh thự và để con gái trên tầng lầu cao nhất, ngày đêm luôn có gia nhân canh chừng cẩn mật.
Ngài Bạt Đà rất ít khi được ra ngoài và tiếp xúc với mọi người xung quanh. Tuy vậy, Ngài có trí tuệ vô cùng nhạy bén trong mọi lĩnh vực, từ văn học, tướng số, thiên văn, toán học, đạo học… Ngài thông hiểu ngay khi các vị giáo thọ vừa mới giảng qua. Cha mẹ Ngài tự hào và yêu thương người con gái độc nhất của họ vô cùng.
II. HÓA GIẢI NGHIỆP XƯA
Một hôm, trời vừa tảng sáng, kinh thành Vương Xá đã xôn xao bởi tiếng bàn tán của dân chúng khắp các con đường. Vén tấm rèm nhìn ra cửa sổ, Ngài Bạt Đà trông thấy một tên tội nhân đang bị quân lính áp giải đi ngang qua. Hắn cao lớn, ánh mắt hung bạo, gương mặt đầy vẻ ngang tàng.
Bỗng nhiên, nghiệp xưa trỗi dậy, trong lòng Ngài chợt dâng tràn niềm cảm mến. Ngài tương tư tên tội nhân đến không ăn không uống nên người ngày càng gầy ốm, xanh xao. Cha Ngài lo lắng cho con gái, gặng hỏi mãi Ngài mới thú thật mọi điều. Vì thương con, ông cho người tìm hiểu thì được biết người tù đó tên là Satthuka, con của một vị giáo sĩ phụ trách cúng tế cho vua Bình Sa. Gia thế của người này không nhỏ, nhưng không hiểu sao lại hay đi trộm cướp để rồi giờ bị bắt. Chỉ vài ngày nữa thôi hắn sẽ bị đưa ra pháp trường hành hình.
Là gia đình danh giá nhưng con gái lại thương một tên cướp, lại còn là tử tù, ông chưởng khố không khỏi đau lòng. Nhưng nhìn con phiền muộn như vậy ông lại không đành lòng, đành dùng tiền mua chuộc để tráo tội nhân khác, cứu Satthuka với điều kiện phải cưới con gái ông. Sau đó hắn xuất hiện trong tòa nhà của vị chưởng khố trong bộ quần áo sang trọng, đã được thay tên đổi họ. Hôn lễ nhanh chóng diễn ra tại một nơi khác ở vùng ngoại ô nhằm tránh gây chú ý. Hôm đó cô dâu xuất hiện lộng lẫy trong bộ sari đỏ truyền thống cùng với rất nhiều trang sức, vàng bạc quý giá. Satthuka nhìn Ngài Bạt Đà với ánh mắt lạnh lẽo, nhưng lại đầy vẻ khao khát thèm muốn những châu báu trên người Ngài.
Sau đám cưới, bản tính độc ác vốn tiềm tàng của Satthuka lại dâng khởi, hắn nổi dã tâm muốn giết vợ rồi cuỗm hết tài sản để bỏ trốn đi nơi khác. Ngày hôm đó, hắn giả vờ thủ thỉ:
Này Bạt Đà, thời tiết hôm nay thật dễ chịu. Ta muốn cùng nàng đi dạo đến một nơi đặc biệt. Nơi ngọn núi Kẻ Cướp cách đây không xa, phong cảnh hữu tình, rất thích hợp để chúng ta ghé thăm. Hơn nữa, khi được cứu về từ pháp trường, ta đã hứa sẽ trở lại để tạ ơn thần núi. Hôm nay, nàng hãy trang điểm thật xinh đẹp với nhiều nữ trang quý báu để tỏ lòng thành kính, rồi cùng ta đến miếu thần trên núi Kẻ Cướp để tạ ơn Ngài.
Nghe lời chồng, Ngài Bạt Đà chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất. Sau đó, hai người đi đến núi Kẻ Cướp khi trời đã ngả chiều. Satthuka đã dặn Ngài không để cho ai biết, vì theo lời hắn, gia nhân đi theo sẽ làm hai người mất tự do.
Đỉnh Kẻ Cướp là nơi chuyên để ném xác những tên phạm nhân bị hành hình. Vừa đến chân núi, tiếng kền kền đã vang lên rùng rợn làm Ngài Bạt Đà kinh hãi. Ngài sợ sệt nép vào Satthuka nhưng bị hắn đẩy ra. Hắn bắt đầu trả lời cộc lốc những câu hỏi của Ngài, những hành động của hắn cũng trở nên trở nên thô lỗ, cục cằn hơn. Ngài linh cảm có điều gì đó bất thường…
Trên đỉnh núi chơ vơ heo hút, không có miếu thần nào cả. Chỉ có mỏm đá chênh vênh đầy nguy hiểm, phía dưới là những vách đá dốc nhọn và bờ vực thẳm sâu hun hút. Lúc này Satthuka mới giương ánh mắt sắc lạnh nhìn vợ
Này Bạt Đà, mau cởi hết trang sức ra đây. Hôm nay cô sẽ chết. Hãy tự nhảy xuống vực đi.
Ngài Bạt Đà chợt hiểu ra tất cả. Ngài đã cảm thấy lạ khi Satthuka đột nhiên thay đổi thái độ, cư xử lạnh lùng với mình lúc nãy. Ngài nhìn Satthuka mà rơi lệ, nói rằng đã là vợ chồng thì tài sản của Ngài cũng đã là của hắn, rằng Ngài đã thương hắn biết bao nhiêu, rằng cha Ngài đã cứu mạng hắn như thế nào nhằm mong hắn hồi tâm chuyển ý. Nhưng hắn nhẫn tâm gạt hết tất cả, vẫn một mực muốn Ngài phải chết. Với bản tính gian ác, hắn không muốn bị bó buộc với cuộc sống mới này, phần vì lòng tham đối với số tài sản quá lớn của vợ, phần vì sợ bị quan quân phát hiện thân phận này chỉ là giả, hắn không ngần ngại giết người vợ mới cưới, cũng là ân nhân của mình chỉ để cướp của, trốn đi nơi khác.
Biết rằng không thể lay chuyển được hắn, Ngài Bạt Đà đành gạt nước mắt. Ngài bình tĩnh nhìn con người mà mới vừa đây thôi Ngài còn hết lòng yêu thương, nay đã trở mặt đòi lấy mạng Ngài:
Được thôi, Satthuka. Nhưng trước khi chết, cho thiếp được ôm chàng lần cuối để thay cho lời từ biệt.
Satthuka hoàn toàn không để ý đến Ngài, giờ tâm ў trí hắn chỉ quan tâm đến số trang sức mà Ngài đang đeo, giờ đã sắp trở thành của hắn. Nghĩ rằng trước sau gì “người vợ” của mình cũng chết, hắn ngạo mạn đồng ý.
Ngài Bạt Đà giả vờ ôm hôn tên tội phạm đang đứng trước mặt mình. Ngài đau xót nhận ra tình cảm thế gian thật vô thường, giả tạm, đầy lừa lọc và cay đắng. Người được Ngài cứu khỏi nơi đây, giờ chính hắn lại định giết Ngài ngay tại ngọn núi này. Bao xót xa dâng nghẹn. Những thương ghét trong đời đều dẫn đến đớn đau, khổ lụy, đều từ nợ duyên từ nhiều kiếp trước mà thành.
Khi vòng ra phía sau để ôm hắn, Ngài nhắm mắt lại, rồi bất ngờ dùng hết tâm sức đẩy hắn thật mạnh.
Tên sát nhân ngã nhào xuống vực sâu thăm thẳm. Tiếng gió gào bên vách núi khô khốc, tiếng kền kền vang vọng trong làn sương mù xám đục. Ngài Bạt Đà vẫn đứng đó, lòng trống rỗng…
Chứng kiến toàn bộ câu chuyện, vị thần núi liền cất lời khen ngợi:
Chẳng phải là chân lý
Người nam luôn khôn ngoan
Người nữ cũng mưu trí
Và nhạy bén vô vàn.
III. XUẤT GIA – CHỨNG ĐẠO
Bóng chiều chạng vạng, Ngài một mình bước xuống núi. Nữ trang, châu báu Ngài đều bỏ lại tất cả. Nghĩ đến cuộc sống thế tục đầy đau thương lừa lọc, Ngài không còn muốn trở về nhà nữa.
Ngài Bạt Đà rẽ sang hướng khác, tìm đến một tu viện ở ngoại thành. Đó là một tu viện thuộc giáo phái Ni Kiền Tử. Tại đây, Ngài chọn hình thức khổ hạnh khắc nghiệt cùng cực, dành hầu hết thời gian để nghiên cứu kinh văn và tu tập. Chẳng bao lâu, Ngài trở thành luận sư sắc bén nhất trong cả tu viện. Thế nhưng, sau hơn một năm gia nhập, Ngài nhận thấy giáo lý Ni Kiền Tử chưa đủ để thỏa mãn những kiến giải và thắc mắc sâu xa của mình. Do đó Ngài quyết định du phương khắp chốn để tầm đạo, trong tâm trí luôn vang lên câu hỏi: “Trên cuộc đời này, điều gì là tuyệt đối?”. Sau khi tìm được một giáo phái khá cường thịnh vào thời bấy giờ với nền tảng giáo lý khá vững chắc, ngài quyết định gia nhập và nhanh chóng hiểu thông tất cả đạo lý của giáo phái này và cũng rất nhanh chóng, Ngài trở nên vô cùng nổi tiếng. Ngài luôn thắng trong tất cả các cuộc tranh biện với các luận sư. Một thời gian sau, Ngài cùng một số đạo sĩ trong giáo phái đi khắp nơi để tranh luận đạo lý với các tông phái khác.
Suốt nhiều năm tháng ròng rã, bước chân Ngài đã đặt trên khắp các xứ sở Ấn Độ. Từ các làng mạc, quê xa, phố thị đến cả các kinh đô thịnh vượng, đi tới đâu, Ngài cũng cắm một cành cây để thách thức các luận sư lỗi lạc nhất. Bằng cách đó, Ngài hi vọng sẽ tìm được một nguồn giáo lý siêu việt hơn. Thế nhưng, sau các cuộc tranh biện, Ngài luôn chiến thắng.
Lần ấy, đoàn người cùng theo Ngài Bạt Đà đặt chân đến kinh thành Xá Vệ (Savatthi), vương quốc Kiều Tát La (Kosala). Đây chính là kinh đô quy tụ rất nhiều vị giáo sư, học sĩ, đạo sư khắp xứ Ấn Độ. Khi ghé thăm một ngôi đền lớn của đạo thờ lửa nơi đây, Ngài được vị đạo trưởng già cho biết, hiện tại tín đồ của họ đang sụt giảm mạnh. Từ khi giáo phái của Sa môn Gotama xuất hiện, rất nhiều người đã quy phục và trở thành đệ tử của phái này. Thậm chí cả vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cũng quy y làm đệ tử của họ. Nghe vậy, Ngài Bạt Đà hứa sẽ thay mặt đạo trưởng nhiếp phục Sa môn Gotama để lấy lại tín đồ.
Ngay hôm sau, Ngài cắm một cành cây trước cổng thành Xá Vệ nhằm thách thức Đức Thế Tôn và đệ tử của Người. Ngài hoàn toàn không biết rằng hành động đó đã dẫn đến một cuộc luận nghị làm thay đổi cuộc đời mình.
Sáng hôm đó, Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) cùng một vài vị Tỳ kheo đi về thành Xá Vệ khất thực. Thấy cành cây to cắm trên gò đất trước cổng thành, quán xét nhân duyên hóa độ nữ đạo sĩ Bạt Đà đã đến, Ngài nhổ cành cây lên. Ngay lúc đó, có hai đạo sĩ trẻ tiến đến chắp tay chào Tôn giả, thông báo rằng Ngài đã chấp nhận lời thách thức tranh biện của nữ đạo sĩ Bạt Đà nên họ sẽ thông báo cho dân chúng trong và ngoài thành đều biết để họ đến lắng nghe vào chiều nay.
Mặt trời chênh chếch phía tây, Tôn giả Xá Lợi Phất đến quảng trường nơi diễn ra cuộc luận nghị như đã hẹn. Quảng trường rộng lớn đã có rất đông người chờ sẵn. Đông đảo cư sĩ và quần chúng nhân dân cùng kéo đến. Cả những vị luận sư, đạo sĩ nổi tiếng đến từ nhiều giáo phái trong kinh thành Xá Vệ cũng có mặt. Ai cũng hào hứng chứng kiến cuộc luận nghị giữa vị đệ tử xuất sắc của Sa môn Gotama, bên kia là nữ đạo sĩ xuất sắc của giáo đoàn thờ lửa tại Ma Kiệt Đà.
Vừa trông thấy Tôn giả Xá Lợi Phất, Ngài Bạt Đà đã rúng động trước vị Sa môn trong tấm y nâu sòng у thoát tục. Vầng trán của Ngài như tỏa ra ánh sáng. Tôn giả điềm đạm bước đến trước hội chúng, ánh nhìn đầy lòng từ bi và an định. Khi hội chúng đã ổn định, Ngài Bạt Đà đứng lên chắp tay chào Tôn giả Xá Lợi Phất và lên tiếng hỏi:
Thưa Sa môn, rất mong được học hỏi từ Ngài. Ngài sẽ hỏi trước hay tôi hỏi trước?
Mời nữ đạo sĩ hỏi trước. – Tôn giả Xá Lợi Phất ôn tồn đáp.
Ngài Bạt Đà bắt đầu đặt câu hỏi.
Thưa hiền giả, lửa từ đâu đến, và sẽ đi về đâu?
Này nữ đạo sĩ Bạt Đà, cũng như sự giận dữ trong nội tâm, khi có đủ duyên thì sẽ xuất hiện, khi đủ duyên thì sẽ tan. Lửa muốn bốc lên thì phải có sẵn một chất cháy như gỗ hoặc dầu, rồi phải có cái nóng bên ngoài châm vào như cọ sát hoặc ngọn lửa khác bén đến. Nhưng khi có cơn mưa xuất hiện, lửa sẽ tan, hoặc cháy hết dầu hết củi, lửa cũng tắt. Lửa do duyên mà đến, cũng do duyên mà đi. – Tôn giả Xá Lợi Phất đáp lời.
Ngài Bạt Đà, với kiến giải về lửa thiêng đã giữ bấy lâu nay, Ngài phản biện lại lời Tôn giả Xá Lợi Phất.
Thưa hiền giả Xá Lợi Phất, tôi không nghĩ như vậy. Thế gian này vốn không có lửa. Chỉ vì Vua trời thương con người nên ban cho họ lửa để nấu ăn, để sưởi ấm. Con người phải biết dùng lửa đốt hương hoa, rồi nhờ lửa đưa hương lên trời cúng dường lại cho Vua trời. Lửa xuất hiện như một phép lạ. Trong củi không có lửa, trong dầu không có lửa, vậy mà khi con người có lòng thành, biết cọ sát nóng lên thì lửa xuất hiện. Thế nên lửa là phép lạ.
Tôn giả Xá Lợi Phất tiếp lời:
Này nữ đạo sĩ Bạt Đà, nếu ta cọ sát cho nóng cục đá đến đâu thì đá cũng không bốc cháy. Chỉ có gỗ mới cháy, vì sao, vì trong gỗ có chất cháy mà trong đá không có. Nếu lửa là của Vua trời ban cho thì đá cũng phải cháy. Nhưng rõ ràng đá không cháy, chỉ có gỗ hay dầu mới cháy. Cũng như nội tâm vốn có sẵn chất liệu của sự sân hận, thì khi gặp duyên, sự sân hận mới khởi lên vậy.
Ngài Bạt Đà nhìn Tôn giả Xá Lợi Phất với vẻ nghi ngờ:
Thưa hiền giả Xá Lợi Phất, Ngài hiểu gì về Vua trời mà nói thế?.
Vua trời là người có phước rất lớn sinh lên cõi trời và được làm Thiên chủ, tiếp tục lo cho Thiên chúng cũng như lo cho cõi người. Vị Thiên chủ này cũng phải thực hành Thiên đạo, nghĩa là những quy tắc công bằng của trời đất. Ta cũng có thể hiểu Vua trời là công đạo tự nhiên, không phải một cá nhân nào. Đó chính là những quy luật tự nhiên của trời đất, có nhân có quả, có tội có phước, không phải ngẫu nhiên mà sinh hay diệt.
Vậy khi đạo giáo của chúng tôi thờ Vua trời, tức là chúng tôi đã thờ vị tối cao của trời đất, nên đạo giáo chúng tôi là tối cao của thế gian.
Thực ra không phải vì ta thờ vị cao nhất thì ta cũng cao nhất. Phải xem ta có thực hành công đạo của trời đất hay không nữa. Nếu ta cho rằng mình đã thờ Vua trời rồi sau đó mình làm các ác nghiệp như sát sinh, lấy của không cho, tà dâm, nói lời ác độc… thì ta vẫn là kẻ thấp kém giữa thế gian này.
Liên tiếp sau đó là những câu hỏi đầy hóc búa về tâm linh để khẳng định Vua trời là đấng tối cao và giáo lý thờ lửa là tối thượng. Thế nhưng, Tôn giả Xá Lợi Phất vẫn điềm tĩnh trả lời từng câu, từng điều rất rành mạch, rõ ràng mà không một chút khoa trương. Hơn thế, Ngài còn lấy các dẫn chứng, ví dụ cụ thể để giải thích những điều mới lạ mà Ngài Bạt Đà chưa bao giờ biết đến. Tôn giả khéo léo lồng ghép giáo lý về luật Nhân quả, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, về sự vô thường… một cách rành mạch và vô cùng sáng tỏ.
Đại chúng say sưa lắng nghe. Chính Ngài Bạt Đà cũng dâng tràn niềm kính ngưỡng trước trí tuệ kỳ tuyệt của vị Tôn giả trước mắt. Suốt bao nhiêu năm ròng đi khắp đó đây, tiếp thu bao kiến thức, tiếp xúc với bao trường phái nhưng Ngài chưa từng nghe được những lời giải thích mới lạ, thú vị mà sâu sắc như thế.
Lòng đã dịu lại, Ngài Bạt Đà nhẹ nhàng hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất:
Tại sao hiền giả lại hiểu rõ về Vua trời như vậy?
Này nữ đạo sĩ, ta đã gặp Vua trời, đã trò chuyện rất thân tình. Ngài đúng là vị vua hiền đức, độ lượng và trí tuệ. Ngài cai quản cõi trời và cõi người. Ngài chăm sóc dạy dỗ chư Thiên tử rất ân cần. Ngài cũng bận rộn quan sát cõi người để âm thầm sắp xếp mọi chuyện cho công bằng hợp lý. Chỉ có một điều, Ngài không phải đã tạo ra tất cả. Ngài cũng như các vị vua khác, nhưng là vị vua ở trên trời. Mà cõi trời cũng có nhiều cõi khác nữa, không phải chỉ có một cõi của Ngài. Vì hiểu như vậy nên Ngài rất khiêm tốn. Trên cõi của Ngài còn có các cõi trời cao hơn, có chư Thiên tử đạo đức cao vời không cần ai cai quản, các cõi trời cao hơn đó thì không cần có Vua trời.
Ngài Bạt Đà rúng động toàn thân trước câu nói của Tôn giả Xá Lợi Phất. Tất cả hội chúng đông đảo cũng đều bất động sững sờ.
Không gian yên lặng một hồi lâu, Tôn giả Xá Lợi Phất lên tiếng.
Này nữ đạo sĩ Bạt Đà, nếu cô không có gì để hỏi thì ta sẽ hỏi cô.
Ngài Bạt Đà khẽ gật đầu.
Tôn giả Xá Lợi Phất giơ một ngón tay lên hỏi: Này nữ đạo sĩ, cái gì là MỘT?
Ngài Bạt Đà im lặng suy nghĩ hồi lâu, nhưng tâm trí Ngài lúc này chỉ có một miền trống trải. Ngài cung kính chắp tay thưa:
Thưa Tôn giả, con không biết. Xin Ngài giải thích cho con.
Tôn giả Xá Lợi Phất ôn tồn đáp:
Trên thế gian này không có gì đứng một mình cả. Mọi thứ đều nương tựa lẫn nhau để sinh hóa, tồn tại và suy tàn. Nếu có một cái có thể đứng một mình, có thể không cần dựa vào cái khác, có thể vượt lên trên tất cả, thì đó chính là sự giác ngộ phi thường của Đấng Chánh Giác.
Sự giác ngộ phi thường đó chỉ xuất hiện khi Bậc Đại Thánh không còn chấp ngã, không còn vô minh, không còn tham ái, không còn sinh tử luân hồi. Bậc Chánh Giác như thế, vượt hơn mọi điều cao thượng trên đời như thế, chẳng những có thể tự mình đã giải thoát cao siêu, lại còn có thể thuyết Pháp giáo hóa chúng sinh, chỉ dạy con đường tu hành chân chính cho chúng sinh bước từng bước vững chắc đi đến sự giác ngộ giống như thế.
Tôn giả tiếp lời:
Này nữ đạo sĩ Bạt Đà, cô là người thông minh, có thể hiểu tức khắc đầy đủ những điều mà kẻ đối diện nói chưa hết câu. Nay cô đã nghe những điều ta nói về sự siêu việt của sự giác ngộ phi thường của Đấng Chánh Giác, ta tin rằng cô đã cảm nhận được có một con đường cao siêu chân chính để đi đến bến bờ giác ngộ.
Tôn giả dứt lời, Ngài Bạt Đà quỳ xuống cung kính chắp tay trong niềm xúc động.
Kính thưa Tôn giả, xin Tôn giả hãy cho con được quy y với Ngài.
Này Bạt Đà, Đức Thế Tôn là Bậc Tôn Sư cao quý nhất trên thế gian này. Hãy trở thành đệ tử của Người
IV. BIỆN LUẬN ĐỆ NHẤT
Ngài Bạt Đà được Tôn giả Xá Lợi Phất dẫn đến yết kiến Đức Thế Tôn. Khi ấy, Đức Thế Tôn đang thuyết Pháp. Người uy nghiêm ngự trên phiến đá trước hội chúng Tỳ kheo đông đảo. Từng lời Pháp vang vọng lắng sâu vào lòng người. Ngài Bạt Đà đứng trong thinh lặng ngắm nhìn dung trang rực rỡ của Đức Thế Tôn. Bài Pháp kết thúc, Ngài quỳ xuống năm vóc sát đất dưới chân Người.
Kính Bạch Đức Thế Tôn, xin cho con được trở thành đệ tử xuất gia trong Pháp và Luật của Người.
Thế Tôn mỉm cười đồng ý.
Tinh xá bên Ni trong trời chiều lặng gió. Tôn giả Da Du Đà La cạo tóc cho Tỳ kheo Ni Bạt Đà trong niềm hoan hỷ của cả Ni chúng.
Sau khi gia nhập vào Ni đoàn, Tỳ kheo Ni Bạt Đà được hướng dẫn về thanh quy. Ngài sống khiêm nhu, hòa hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt, Ngài tinh chuyên học hỏi giáo lý từ các vị Trưởng lão. Đêm đêm dưới những tàng cây đong đầy ánh trăng, Ngài lặng lẽ tọa thiền miên mật.
Một đêm trời lặng gió, Ngài Bạt Đà đang tọa thiền thì hoát nhiên bừng ngộ. Màn đêm vô minh đã tan, ánh sáng chân lý bừng tỏ, Ngài hướng tâm về Thế Tôn với niềm biết ơn vô ngần.
Vậy là giáo đoàn của Đức Thế Tôn đã có thêm một vị Thánh Ni với trí tuệ siêu việt. Sau khi chứng đạo, Tôn giả Bạt Đà dành suốt cuộc đời còn lại để giáo hóa độ sinh. Nhờ những bài Pháp vi diệu với mọi lý lẽ, lập luận sắc bén nhất, Ngài đã nhiếp phục rất nhiều chúng sinh bị tà kiến che mắt quay về với chánh Pháp. Bước chân Ngài đặt đến các nẻo đường trên khắp các xứ xở, dù miền quê hay phố thị, từ Anga đến Magadha, từ Kasi đến Kosala…
Với trí tuệ của vị Thánh Ni A La Hán cùng khả năng biện tài vô ngại, Ngài đã đem giáo Pháp của Đức Như Lai thắp sáng trong tâm hồn của vô số chúng sinh.
V. KẾT LUẬN
Tôn giả Ni Bạt Đà Quân Đà La là vị đệ tử ưu tú của Đức Thế Tôn với danh hiệu Biện Luận Đệ Nhất Ni Đoàn. Ngài đại diện cho tinh thần khiêm hạ, tinh tấn học hỏi và thực hành giáo Pháp một cách rốt ráo. Với hạnh nguyện giáo hóa độ sinh quảng đại, Ngài đã đóng góp lớn lao cho sự nghiệp phát triển và hoằng dương chánh Pháp.
Học theo hạnh Ngài, chúng con nguyện luôn tinh tấn tu hành, hết lòng học hỏi giáo Pháp, đem giáo Pháp chân chính ấy lan truyền đến mọi chốn nghìn nơi, để có thể giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi những tà kiến si mê và giữ gìn mạng mạch Phật Pháp trường tồn.
VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH
Tôn giả Bạt Đà Quân Đà La (Bhadda Kundalakesa) là vị A La Hán ưu tú được Đức Phật tán thán với công hạnh Biện Luận Đệ Nhất Ni Đoàn. Bằng khả năng biện luận siêu tuyệt, Ngài đã tuyên thuyết nên những bài Pháp nhiệm màu, hóa độ chúng sinh đi đúng con đường chánh Pháp. Bên cạnh đó, sự khiêm hạ, tinh thần học hỏi của Ngài là những bài học quý báu cho hàng đệ tử Phật nhiều thế hệ sau. Tôn giả đã cống hiến, phụng sự suốt cuộc đời mình cho sự nghiệp phát triển và hoằng dương đạo Pháp.
Khi thờ kính Ngài, quý Phật tử sẽ:
Thành tựu được trí tuệ nhạy bén trong mọi lĩnh vực. Có nhiều tài năng đặc biệt nhưng luôn khiêm tốn, được nhiều người yêu mến, kính trọng.
Được quý nhân phù trợ nên đời sống có nhiều thuận lợi. Hiểu sâu sắc về đạo lý, từ đó thực hành đúng chánh Pháp, đạt được kết quả tốt đẹp trên con đường tu tập tâm linh.
nhiều Có tài biện luận, thuyết phục người khác. Gặp may mắn trong công việc cũng như trong cuộc sống, gia đạo sung túc, bình an.
VII. THƠ TỤNG
Cúi đầu lạy Phật PhápTăng
Ba ngôi Tam Bảo vô cùng tôn nghiêm
Thế gian cay đắng ưu phiền
Tình người bội bạc, đắm chìm lợi danh
Luân hồi sinh tử tử sinh
Phước duyên nghiệp quả nhục vinh kiếp người
Cúi đầu lạy tạ ơn Ngài
Bạt Đà Tôn giả muôn đời danh thơm
Trải bao trắc trở nhân duyên
Nghiệp xưa hóa giải vượt lên thường tình
Nghe lời Phật dạy phân minh
Hoát nhiên chứng ngộ đắc thành Thánh nhân
Biết ơn Đức Phật vô ngần
Độ sinh giáo hóa xa gần chuyên tâm
Cách Phật đã mấy nghìn năm
Tâm Ngài vằng vặc trăng rằm sáng soi
Chúng con quỳ trước Phật đài
Ơn Ngài xin nguyện đời đời khắc gi
Theo Ngài tập sống từ bi
Yêu thương tất cả không vì thân sơ
Lòng tôn kính Phật vô bờ
Không màng danh lợi si mê ái tình
Hết lòng phụng sự chúng sinh
Siêng làm việc phước, tu hành tinh chuyên
Cùng nhau đi khắp mọi miền
Đem lời Phật dạy lan truyền nơi nơi
Phận mình hạt cát nhỏ nhoi
Chắp tay cung kính vạn loài cỏ cây
Hiểu điều nhân quả trả vay
Vô thường thay đổi lòng đầy ăn năn
Xin Ngài gia hộ cho con
Việc làm ý nghĩ không còn lầm sai
Nguyện cho thế giới ngày mai
Ngập tràn hạnh phúc, sáng ngời đạo thiêng
Bỏ đi ích kỷ tư riêng
Chung đồng một cõi tịnh thiền an vui.
Nam Mô Bạt Đà Quân Đà La Tôn Giả (3 lần)