Tôn Giả Ni Bạt Đà Ca Tỳ Ly – Đệ Nhất Nhớ Về Quá Khứ

Cách đây rất xa xưa, vào thời giáo Pháp của Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi Buddha), có một cô gái nghèo nhưng hết lòng kính tin Tam Bảo. Một hôm, trên đường đi cô tình cờ trông thấy một ngôi chùa đổ nát. Bước vào thì mái đã nghiêng sụp, bức tường rêu phong bao phủ, cả tượng Phật cũng bị phơi lộ ra, để cho nắng mưa tuôn xuống. Cô xót xa mà ứa nước mắt.

Lúc ấy, bỗng nhiên trong lòng mạnh mẽ lạ thường, cô lập nguyện sẽ xây chùa và dát vàng tượng Phật. Dù cho gia cảnh bần cùng, cô đi các nơi hóa duyên xin cơm và góp tiền mua vàng. Trải qua mười năm bôn ba vất vả, cuối cùng cũng gom đủ. Cô liền tới nhờ một người thợ vàng để trang nghiêm tượng Phật. Cảm phục trước lời nguyện chí thành, người thợ vàng không lấy công. Công việc hoàn thành, hai người nên duyên, cùng bên nhau hộ trì Tam Bảo, tinh tấn tu hành.
Từ đó, các kiếp về sau, hai vị thường tái sinh trong cõi trời Phạm Thiên, khi xuống cõi người thì luôn biết tu hành, làm nhiều công đức, giữ gìn cuộc sống trong sạch, đức hạnh.

Đến thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hai vị đều sinh ra trong gia đình quý tộc, có nước da ngời sáng như màu vàng ròng và tâm hồn cực kỳ thanh tịnh. Sau đó, cả hai vị xuất gia và trở thành các vị A La Hán ưu tú trong giáo đoàn của Đức Thế Tôn.
Vị thợ vàng là tiền kiếp xa xưa của Tôn giả Đại Ca Diếp (Maha Kassapa). Còn cô gái chính là tiền thân của Tôn giả Bạt Đà Ca Tỳ Ly (Bhadda Kapilani) – bậc Đệ Nhất Nhớ Về Quá Khứ trong Ni chúng.

Tôn Giả Ni Bạt Đà Ca Tỳ Ly - Đệ Nhất Nhớ Về Quá Khứ -

Tôn Giả Ni Bạt Đà Ca Tỳ Ly

I. XUẤT THÂN

Ngài Bạt Đà Ca Tỳ Ly là tiểu thư danh giá trong một gia đình Bà la môn giàu có và uy quyền tại kinh thành Sagala, xứ Madda.
Tiểu thư Bạt Đà Ca Tỳ Ly nổi tiếng khắp xứ sở bởi tính cách vô cùng hiền hậu và vẻ đẹp đoan trang, kiều diễm. Tiểu thư thường mang y phục giản dị, đặc biệt toàn thân lúc nào cũng như được bao phủ trong một làn ánh sáng dịu nhẹ, bởi nước da của Ngài óng ánh và ngời rạng như sắc vàng ròng.

Ngay từ nhỏ, Tiểu thư đã yêu thích cuộc sống thanh tịnh. Đến khi trưởng thành, dù được nhiều vương tôn công tử yêu mến, Ngài không mảy may luyến ái trong lòng. Mọi người thường nhắc đến tên Ngài với ý nghĩa rất đẹp, Bạt Đà Ca Tỳ Ly tức là “những nết hạnh đẹp” hay “mỹ hạnh”.

Tuy nhiên, dù Tiểu thư không có ý muốn kết hôn nhưng theo truyền thống và phong tục của quê hương, cha mẹ vẫn luôn mong muốn Ngài được yên bề gia thất.

Cùng lúc đó, tại thành Vương Xá (Rajagaha), có một gia đình đại quý tộc đang muốn tìm ý trung nhân cho con trai của họ. Vị Công tử tên là Đại Ca Diếp (Maha Kassapa), một thanh niên đức độ và tài năng xuất chúng. Vì không muốn lập gia đình, Ngài Ca Diếp cố ý đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe về hình mẫu người vợ mình sẽ cưới. Đó là phải xinh đẹp như một Thiên nữ, giống hệt bức tượng vàng mà Ngài đã tạc theo trí tưởng tượng. Không từ bỏ, cha mẹ Ngài nhờ tám vị Bà la môn đem tượng vàng đi khắp nơi, mong tìm được một tiểu thư thuận lòng con trai. Một ngày, tám vị Bà la môn này đến kinh thành Sagala…

Như duyên số tiền định, Ngài Bạt Đà Ca Tỳ Ly và bức tượng vàng giống nhau đến lạ kỳ, từ vầng trán, đôi mắt, gò má đến mái tóc dịu dàng búi nhẹ… Hai gia đình vô cùng vui mừng, lập tức tính chuyện hôn ước.

Sau khi biết tin, cả hai vị đều gửi thư mong được từ chối. Tuy nhiên, không hiểu sao hôn lễ vẫn diễn ra như bình thường. Đêm tân hôn, lần đầu gặp mặt, hai vị đều ngạc nhiên:

– Thưa nàng, tôi đã gửi thư bày tỏ chí nguyện xuất gia, sống đời thanh tịnh sao nàng lại đồng ý hôn sự?
– Thưa Ngài, thiếp cũng có gửi một bức thư tương tự…

Cuối cùng, hai vị phát hiện ra bức thư đã bị gia đình tráo đổi. Và để chứng tỏ tấm lòng trong sạch của mình, cả hai đặt một vòng hoa ở giữa làm ranh giới, nguyện rằng nếu có tà niệm thì vòng hoa sẽ úa tàn. Đêm hôm đó, Ngài Ca Diếp và Ngài Bạt Đà Ca Tỳ Ly không ngủ, cẩn trọng giữ gìn tâm ý thật tinh nghiêm, thanh tịnh.
Sáng hôm sau, vòng hoa vẫn tươi tắn như lúc mới được kết thành. Hai vị cùng mỉm cười hiểu lòng nhau. Từ đó, các Ngài sống bên nhau thanh khiết như đôi bạn, vừa giữ gìn phạm hạnh, vừa chia sẻ đạo lý và giúp nhau tu hành.

III. CHỨNG ĐẠO

Kể từ khi gia nhập Ni đoàn, Tôn giả Bạt Đà Ca Tỳ Ly tinh tấn tu hành không xao lãng. Ngài siêng năng, chăm chỉ học tập giáo lý và hành trì nghiêm cẩn oai nghi, tế hạnh của một vị Tỳ kheo Ni. Hàng ngày, Tôn giả chuyên chú giữ chánh niệm trong từng hành động, từng ý niệm nhỏ. Đêm xuống, Ngài chuyên tâm tọa thiền trong tịnh thất.

Một đêm, am thất của Tôn giả tỏa ra vầng sáng chói ngời. Ngài tĩnh tọa bất động, an trú toàn thân rồi nhập sâu dần vào trong các tầng bậc thiền định. Trong khoảnh khắc, Tôn giả Bạt Đà Ca Tỳ Ly chứng đắc thánh quả A La Hán tột cùng, thoát khỏi trầm luân sinh tử đồng thời đạt được các thắng trí siêu việt và năng lực Tứ Vô Ngại Giải.

Đêm đã về khuya, hồ nước vắng lặng in bóng trăng soi, suối nước róc rách, gió luồn qua những tán lá trong rừng rì rào khắp cả không gian… Tất cả như để chào đón thêm một bậc Thánh vĩ đại hiện diện giữa thế gian.

Trong một lần kể lại cuộc đời, Tôn giả đã đọc lên bài kệ nói lên sự chứng đắc của mình:

Ta chứng đạt Tam Minh
Đoạn tận mọi sự chết
Chiến thắng cả quần ma
Trở thành bậc lậu tận
Điều phục được chính mình
Dập tắt hết ái dục
Đạt tịch tịnh giải thoát…

IV. ĐỆ NHẤT NHỚ VỀ QUÁ KHỨ

Trong Ni đoàn, Tôn giả Bạt Đà Ca Tỳ Ly nổi bật với năng lực Túc Mạng Tri thù thắng. Nhờ công đức sâu dày đã gây tạo và lời nguyện từ kiếp xưa, Ngài có khả năng nhớ về vô lượng kiếp quá khứ một cách rõ ràng, chi tiết. Nếu muốn nhớ đến một kiếp nào, trong tức khắc Ngài có thể nhớ đến trong kiếp đó mình đã sinh ra như thế nào, tên là gì, ở đâu, với thân phận nào, cuộc đời đã sống ra sao, đã làm những hạnh nghiệp gì… tới cả những ý nghĩ vô cùng nhỏ nhiệm, âm thầm đã khởi lên trong lòng.

Một lần tại Xá Vệ, Tôn giả Bạt Đà Ca Tỳ Ly dẫn theo năm trăm Tỳ kheo Ni đi du hóa trong thành. Trưa hôm đó, Ngài đi đến một gốc cây cổ thụ, tỏa bóng xanh mát rồi tọa thiền trang nghiêm dưới tàng cây. Tôn giả thi triển năng lực Túc Mạng Tri nhớ lại vô số đời quá khứ của mình. Bất chợt, Ngài mỉm cười.
Các vị Tỳ kheo Ni thấy vậy liền lại gần đảnh lễ và hỏi rằng:

– Thưa Tôn giả, chúng con thấy Ngài mỉm cười. Chúng con nghĩ chắc hẳn là có duyên cớ đặc biệt nào đó.
Tôn giả Bạt Đà Ca Tỳ Ly điềm đạm cất lời:

– Này các vị Tỳ kheo Ni, ta vừa nhớ lại vô lượng kiếp sống trước kia của chính mình. Cách đây hàng trăm kiếp địa cầu sinh diệt, ta được sinh lên cõi trời làm một vị Thiên nữ với nhan sắc, oai đức, sự an lạc thù thắng. Rồi sau đó, trải qua nhiều đại kiếp, ta làm thêm các công đức và vẫn tiếp tục hưởng phước báu ngập tràn của thế gian. Phải cho đến kiếp này, khi gặp được Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, ta xuất gia và mới chứng đắc được Thánh quả giải thoát. Này các vị, khi ta nhớ lại những phước báu thế gian đã hưởng trong kiếp xưa, ta mỉm cười.

Này các vị Tỳ kheo Ni, không điều gì có thể sánh được với hạnh phúc của đạo quả vô thượng. Mọi điều trên thế gian, dù có là phước báu ngập tràn nhưng vẫn ẩn chứa sự mong manh, tạm bợ và đau khổ. Trong vô số kiếp luân hồi, chúng sinh đã trải qua biết bao nhiêu thân phận, sinh ra, trưởng thành, già nua, bệnh tật, rồi sau khi đã trải qua một đời đầy biến động và đau khổ sẽ chết đi, rồi lại tiếp tục sinh ra… cứ thế lẩn quẩn và vô cùng cay đắng.

Này các vị Tỳ kheo Ni, chúng sinh càng mong cầu và chấp giữ vào thân xác, tiền tài, địa vị, ái luyến… thì càng thêm tù túng, trói buộc không thể thoát ra, càng vẫy vùng sẽ càng chìm sâu vào đau khổ. Chỉ khi nào biết tu hành trong Pháp và Luật của Đức Thế Tôn, tinh tấn không ngừng nghỉ mới có thể một ngày đến được bến bờ giác ngộ, đạt được niềm hạnh phúc chân thật trên đời.

Tôn giả dừng lời, các vị Tỳ kheo Ni trầm trồ về khả năng Túc Mạng Tri và càng xúc động hơn trước những lời chỉ dạy sâu sắc và từ bi của Ngài. Tất cả quỳ xuống đảnh lễ Ngài với trọn lòng tôn kính.

Sau lần đó, các vị mang chuyện đến bạch với Thế Tôn. Đức Thế Tôn xác chứng rằng: “Trong hàng đệ tử Ni của Như Lai, Tỳ kheo Bạt Đà Ca Tỳ Ly là đệ nhất nhớ về thời quá khứ.”

Trong suốt cuộc đời giáo hóa độ sinh của mình, Tôn giả còn nổi tiếng là vị học rộng, thông thuộc lời dạy của Đức Bổn Sư và khả năng thuyết Pháp tuyệt vời. Đặc biệt, nhờ thấu tường tận đường đi của luân hồi, lời Pháp của Ngài hàm chứa uy lực lay động tâm hồn thính chúng mạnh mẽ. Ngài đã hướng dẫn cho nhiều vị Tỳ kheo Ni trên bước đường tu học và hóa độ vô số chúng sinh phát tâm quy y với chánh Pháp.

V. KẾT LUẬN

Trong Ni chúng, Tôn giả Bạt Đà Ca Tỳ Ly là vị Thánh có năng lực Nhớ Về Quá Khứ Đệ Nhất. Suốt nhiều kiếp, Ngài đã luôn giữ gìn cuộc sống trong sạch, phạm hạnh, gây tạo vô số công đức lành và tinh tấn tu tập hướng về giải thoát giác ngộ. Sau khi chứng đạo, Tôn giả có hạnh nguyện giáo hóa phi thường. Công đức của Ngài đối với đạo Pháp và cuộc đời là vô biên, vô lượng.

Học theo hạnh Ngài, chúng con nguyện lòng tôn kính Phật tuyệt đối, giữ gìn tâm hồn trong sạch, sống vị tha, phụng sự hi sinh cho đạo Pháp và cuộc đời. Xin Ngài gia hộ cho chúng sinh luôn tin hiểu Nhân quả nghiệp báo, hiểu về sự vô thường khổ đau của thế gian và phát tâm tu hành theo chánh Pháp, từ đó có thể thoát ra khỏi luân hồi đau khổ.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Bạt Đà Ca Tỳ Ly (Bhadda Kapilani) là vị Thánh Ni A La Hán được Đức Phật tán thán là Đệ Nhất Nhớ Về Quá Khứ trong Ni chúng. Nhờ công đức sâu dày đã gây tạo trong nhiều kiếp, Ngài có khả năng nhớ về vô lượng kiếp quá khứ vô cùng rõ ràng và chi tiết. Nếu muốn nhớ đến kiếp nào, trong tức khắc Ngài có thể biết trong kiếp đó mình đã sinh ra như thế nào, tên gì, ở đâu, với thân phận nào, cuộc đời đã sống ra sao, đã làm những hạnh nghiệp gì… tới cả những ý nghĩ vô cùng nhỏ nhiệm âm thầm khởi lên trong tâm. Với năng lực kỳ tuyệt đó, Ngài hiểu thấu tường tận đường đi của nhân quả. Vì thế, những lời Pháp của Ngài hàm chứa uy lực lay động tâm hồn thính chúng mạnh mẽ. Ngài nổi tiếng là vị Tôn giả thông thuộc lời dạy của Đức Bổn Sư và có khả năng thuyết Pháp tuyệt vời, đã hướng dẫn cho rất nhiều vị Tỳ kheo Ni tiến bước trên con đường tu học và hóa độ vô số chúng sinh phát tâm quy y nương theo chánh Pháp.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:
– Dần trở thành người có phẩm chất cao quý, giúp nhiều người khởi được lòng tin với chánh Pháp. Gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống.
– Thành tựu trí tuệ nhạy bén nên hiểu sâu sắc nhân quả. Được chư Phật gia hộ không bị rơi vào tà kiến.
– Nhiều đời nhiều kiếp đều sớm gặp được giáo lý chân chính để tu hành. Luôn gặp được Minh sư thiện hữu trợ giúp tiến tu trên con đường hướng về giác ngộ.

VII. THƠ TỤNG

Con cúi lạy Ni đoàn nghiêm tịnh
Theo Thế Tôn thương kính tu hành
Đoạn trừ kiết sử vô minh
Đắc thành Thánh quả quang vinh siêu phàm
Hạnh bậc Thánh vô vàn cao với
Đời đời con ca ngợi ngưỡng trông
Các Ngài từ ái bao dung
Trí tuệ siêu việt thần thông phi thường
Vô số kiếp cúng dường Tam Bảo
Trải bao đời rốt ráo tu hành
Giữ gìn tâm ý thiện lành
Không màng dục vọng ái tình thế gian
Đem Phật Pháp rền vang ba cõi
Giúp muôn loài thoát khỏi tù ngục
Tấm gương phạm hạnh khiêm nhu
Như vầng trăng tỏ nghìn thu sáng ngời
Con lạy tạ ơn Ngài tha thiết
Bậc Thánh Ni siêu tuyệt thuở nào
Biết bao cảm xúc dâng trào
Ơn Ngài muôn kiếp con nào dám quên
Trước Phật đài lòng con xin nguyện
Kể từ đây tinh tiến tu hành
Chỉ làm những việc thiện lành
Yêu thương khắp cả chúng sinh vạn loài
Xin được sống theo Ngài thanh tịnh
Việc tu hành chẳng tính thời gian
Dù muôn nghìn kiếp gian nan
Đạo tâm xin giữ vẹn tròn hiếu trung
Ngôi Tam Bảo tột cùng tôn kính
Với môn loài phải sống nghĩa tình
Phận mình chẳng ngại hy sinh
Hướng về đời sống tâm linh nhiệm màu
Nguyện thế giới nghìn sau còn mãi
Phật Pháp là ánh thái dương soi
Con đường thiền sẽ lên ngôi
Muôn loài quy hướng về nơi Phật Đà.

Nam Mô Bạt Đà Ca Tỳ Ly Tôn Giả (3 lần)

 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x