Tôn Giả Nhị Thập Ức Nhĩ – Tinh Tấn Đệ Nhất

Trong thời Đức Phật, có một vị Tôn giả sinh ra trong một gia đình giàu sang phú quý nhất vùng. Ngài là người con duy nhất nên được cha mẹ vô cùng thương yêu và bảo bọc. Đặc biệt, từ ngày còn thơ ấu đến khi trưởng thành chân Ngài chưa từng chạm đất. Mọi lối Ngài bước lên đều được trải thảm nhung trang trọng.
Thế nhưng, sau khi xuất gia trong Tăng đoàn của Đức Phật, chính đôi chân ấy đã dẫm lên chông gai để tạo nên một bài học quý giá cho người con Phật, bài học về hạnh tinh tấn phi thường trên con đường tu tập tâm linh giác ngộ.
Ngài là Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ (Sona Kolivisa), danh hiệu Đệ Nhất Tinh Tấn.

Tôn Giả Nhị Thập Ức Nhĩ - Tinh Tấn Đệ Nhất -

Tôn Giả Nhị Thập Ức Nhĩ – Tinh Tấn Đệ Nhất

I. XUẤT THÂN

Nằm ở phía đông của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), đất nước Ương Già (Anga) nổi tiếng với thành Chiêm Ba (Campa) phồn thịnh. Thành phố này nằm bên cạnh dòng sông Hằng, là nơi tập trung buôn bán của nhiều thương nhân từ các nơi đổ về,
Tại Chiêm Ba, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ (Sona Kolivisa) chào đời trong một gia đình đại trưởng giả giàu có. Kể từ khi phu nhân hoài thai Ngài, tài sản của gia đình tăng lên bất ngờ, của cải kiếm về ngày một dễ dàng. Gia đình họ có tám mươi xe chất đầy vàng ròng, một đàn voi quý, ba toà lâu đài khác nhau để ở theo mùa cùng hàng trăm gia nhân hầu cận.

Từ lúc lọt lòng, Ngài sở hữu tướng mạo sang trọng và quý phái lạ thường. Toàn thân lúc nào cũng có ánh sáng màu hoàng kim tỏa ra dịu nhẹ. Phụ thân vì vậy đặt tên cho Ngài là Sona. Sona có nghĩa là “vàng ròng”. Đôi bàn chân Ngài đầy đặn và hồng hào. Dưới gang bàn chân còn có một lớp lông tơ nhỏ, mềm mịn. Đặc biệt, đôi tai rất dày và đẹp. Khi vừa sinh ra, trong tai Ngài bỗng xuất hiện hai viên ngọc báu, giá trị lên đến hai mươi ức (hai triệu) tiền thời đó nên Ngài còn có danh xưng là Nhị Thập Ức Nhĩ.

Ngài sống trong sang quý tột bậc với điện các, sơn hào hải vị, nhung lụa… và tất cả tình thương mến của mọi người. Ngày Ngài chào đời, thành Chiêm Ba tổ chức lễ hội linh đình để đón mừng. Từ nhỏ tới lớn, cha mẹ Ngài lúc nào cũng bảo bọc con trai không rời mắt. Ngài bước tới đâu, người hầu cận đi theo trải thảm nhung lên các lối đi tới đó. Đôi bàn chân Ngài chưa từng một lần chạm đất.

II. XUẤT GIA

Theo lời kể của dân chúng, câu chuyện về quý tướng đặc biệt và phước báu của Ngài lan truyền khắp nơi, đến tận kinh thành Vương Xá (Rajagaha) của đất nước Ma Kiệt Đà. Đức vua Bình Sa (Bimbisara) muốn biết thực hư, liền cho gọi Ngài đến hoàng cung.

Khi Ngài đến kinh thành, Đức vua đã cho trải sẵn các tấm thảm được dệt bằng lông mịn trên lối đi để chào đón. Ngài yết kiến Đức vua rồi kể cho vua nghe về những điều kỳ lạ từ khi thân mẫu mang thai cho đến lúc Ngài chào đời. Mọi người lắng nghe mà trầm trồ không ngớt.

Vua Bình Sa vốn là một đệ tử Phật thuần thành, vì thế nhân dịp đó, Đức vua ban lời khuyên rằng:

– Phước báu của khanh trong đời này thật đặc biệt, chắc chắn là nhờ những duyên lành đã gieo trồng từ đời trước. Vì thế, kiếp sống hiện tại này chúng ta càng phải vun bồi công đức thêm sâu dày hơn nữa. Hiện nay, Đấng Chánh Giác đã thị hiện tại thế gian và đang ngự tại núi Linh Thứu (Gijjhakuta) cách kinh thành không xa. Giáo Pháp của Người là điều cao thượng nhất trên thế gian. Được gặp Người là phước duyên tối thắng. Khanh hãy đến đảnh lễ và thưa hỏi Người.

– Dạ vâng, thưa Đại vương – Ngài đáp lại mà trong lòng hân hoan lạ thường.
Đường lên núi Linh Thứu khung cảnh thật đẹp. Nhìn từ xa, những dải mây trắng bồng bềnh như đang vắt ngang qua núi. Ven đường, những hàng cổ thụ cao lớn xõa cành che rợp lối. Ngài Nhị Thập Ức Nhĩ cùng tùy tùng đi thành hàng dài, càng lên cao, không khí càng mát mẻ và trong lành.

Tại một khoảng đất rộng bên sườn núi, Đức Thế Tôn đang ngồi tĩnh tọa trên một phiến đá. Gương mặt Người hiền từ và tỏa ra niềm an lạc kỳ diệu.
Lần đầu tiên Ngài Nhị Thập Ức Nhĩ được chiêm ngưỡng dung nghi rạng ngời của Đấng Chánh Giác. Ngài quỳ xuống đảnh lễ rồi ngồi sang một bên, lặng người ngắm nhìn Đức Thế Tôn. Sau khi hội chúng đã thanh tịnh, Đức Thế Tôn dịu dàng cất lời giảng về sự nhiễm ô của các dục, công đức bố thí, trì giới. Sau cùng, Người dạy Tứ Thánh Đế, về khổ, nguyên nhân của khổ, con đường diệt khổ và Niết Bàn hạnh phúc an vui.

Chúng sinh cuồng si chạy theo các ham muốn danh lợi, tiền tài, sắc dục… vất vả, tranh đấu để kiếm được rồi cho đó là niềm vui. Thế nhưng, niềm vui trần tục rất tạm bợ, thoáng qua rồi vụt tắt, chỉ còn lại đó là bất an và loạn động. Đó là nỗi khổ luôn đeo đẳng chúng sinh.
Cả thế gian này đều là khổ. Chúng sinh chìm trong đau khổ mà không biết mình đang khổ đau. Càng tránh khổ tìm vui, chúng sinh lại càng dễ vướng vào lầm lỗi, để rồi cuối cùng mãi mãi bị giam hãm trong tù ngục của khổ đau. Chỉ có cách diệt trừ đi chấp ngã, ích kỷ của mình, biết rộng lòng sống vị tha, bố thí, trì giới, làm vô số công đức lành, tu tập thiền định và bước đi trên con đường Bát Chánh Đạo thì mới mong một ngày đạt đến được Niết Bàn hạnh phúc an vui.

Khi Ðức Thế Tôn kết thúc bài Pháp, Ngài Nhị Thập Ức Nhĩ vô cùng xúc động, chắp tay thành kính thưa:

Bạch Thế Tôn, những lời dạy của Người hôm nay đã khai mở tâm hồn con. Con hiểu rằng chỉ có đời sống phạm hạnh trong giáo Pháp mới là hạnh phúc chân thật. Bạch Thế Tôn, con không còn thiết tha đời sống thế tục nữa, cúi xin Người cho phép con được xuất gia, trở thành một vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn của Người.
Sau đó, Ngài quay về xin phép cha mẹ đi xuất gia.

Thế nhưng, sau khi trở về nhà, vì quá quyến luyến con, cha mẹ Ngài một mực không đồng ý. Ngài quyết định tuyệt thực để thuyết phục. Ngài nhịn ăn, nhịn uống, không động đến những đồ cung phụng… cứ như thế cho đến vài ngày. Cuối cùng, ngày thứ năm, cha mẹ đành phải chấp thuận. Ngài đến tinh xá xin phép Đức Thế Tôn xuất gia. Khi Người đồng ý, Ngài được phủi sạch râu tóc, khoác y ca sa và từ đó chính thức gia nhập Tăng đoàn.

III. TINH TẤN ĐỆ NHẤT

Sau khi xuất gia, thân quyến và bè bạn vẫn đến thăm hỏi Ngài thường xuyên. Họ cúng dường lên những món ăn thơm ngon, đồ dùng hảo hạng và chăm sóc Ngài không khác lúc còn tại gia được hưởng cuộc sống sang quý.

Vì thế, để quyết tâm tu hành, Tôn giả rời đến khu nghĩa địa trong rừng Sitavana, chuyên chú trong công phu thiền định.
Rừng Sitavana là một nơi vắng vẻ và ghê rợn. Những tử thi được đặt trơ giữa các khu đất trống, mặc cho sự tàn hoại của nắng, gió, sương đêm, rắn rết, côn trùng. Nền đất phủ dày lá khô và gai nhọn. Mùi xác thối rữa bốc lên nồng nặc.

Tôn giả cố gắng nhiếp tâm trong thiền định. Khi đó, vô số chướng ngại bắt đầu hiện ra. Từ sự căng cứng, khó chịu của thân thể đến những xao động trong nội tâm cứ bủa giăng không ngừng. Ngài chưa bao giờ phải dùng đồ ăn khất thực đạm bạc, mặc trên người loại vải thô ráp, mỏng manh chẳng che nổi giá lạnh của sương đêm, chẳng còn đâu nệm êm và những người phục vụ… Thế nhưng, càng khó khăn, Tôn giả lại càng quyết tâm:

“Từ nhỏ ta đã được bảo bọc quá nhiều, khiến cho thân thể này trở nên yếu mềm và nhạy cảm quá. Muốn đạt được đạo quả cao thượng, ta phải gắng sức hơn nữa, nỗ lực hơn nữa. Phải gồng mình mà vượt qua mọi khó khăn, chướng ngại.”

Nghĩ vậy, Ngài bắt đầu chuyên chú vào công phu vượt ngoài sức chịu đựng. Ngài tọa thiền đêm ngày không ngừng nghỉ. Ngài không nằm, không ngủ. Ngài tĩnh tọa giữa trời nắng bức, giữa mưa lạnh thấu xương, giữa đêm đen cô tịch và rùng rợn.

Chưa đạt được kết quả, Ngài chuyển sang đi kinh hành. Ngài cứ đi liên tục từ sáng sớm, tới chiều muộn, rồi thâu đêm quanh khu nghĩa địa phơi đầy xương trắng. Khi kiệt sức thì đứng tại chỗ để nghỉ chứ không nằm, không ngồi. Đôi chân ngày trước chỉ bước đi trên thảm nhung thì giờ dẫm lên toàn đá sỏi, gai góc. Chẳng mấy chốc, bàn chân phồng rộp lên rồi tứa máu. Theo mỗi bước đi, máu rỉ xuống đường và thấm đẫm vào đất. Cả đoạn đường kinh hành loang lổ những vệt máu đỏ chảy dài. Cơ thể Ngài tiều tụy và kiệt quệ. Hai hốc mắt hõm lại, sáng quắc. Chiếc y trên người cũng rách nát và dường như teo nhỏ lại.

Đến khi không chịu được nữa Ngài gục xuống, ngước mắt lên nhìn những tàng lá cao vút mà thở yếu ớt. Toàn thân Ngài run lên và tâm trí trở nên vô cùng căng thẳng, loạn động. Suốt những ngày qua, tâm trí Ngài lúc nào cũng phải căng ra để cố nhiếp tâm từng giờ từng phút mà chẳng có dấu hiệu tâm linh nào hiện ra cả. Bất chợt, một suy nghĩ thoáng hiện:

“Ta là một trong số các vị đệ tử của Thế Tôn có sự tinh tấn, nỗ lực dũng mãnh, đã dùng hết sức mình để vượt qua hết những chướng ngại của hoàn cảnh, tại sao tâm ta vẫn còn còn chấp thủ, không thể chứng đạt đạo quả?”

Ý niệm vừa nhen lên thì trước mắt Ngài bừng sáng, cảnh vật xung quanh bỗng nhòa đi. Đức Thế Tôn bước đến trong vầng hào quang chói ngời, Người cất lời trầm ấm:

Này Nhị Thập Ức Nhĩ, có phải trước kia con là một nhạc sư rất giỏi hay không?

Quá bất ngờ và xúc động, Ngài ngồi dậy rồi quỳ xuống đảnh lễ Thế Tôn:

Bạch Thế Tôn, đúng như vậy ạ. Trước kia, con có niềm yêu thích âm nhạc. Con vừa có thể soạn nhạc vừa có thể chơi được các loại nhạc cụ. Con biết làm sao để điều chỉnh nhịp điệu và cách kết hợp các nhạc cụ để tạo nên những bản nhạc hài hòa nhất.

Này Nhị Thập Ức Nhĩ, vậy ta hỏi con:
– Với một nhạc sư thì âm thanh của cây đàn rất quan trọng, liệu tiếng đàn có hay không nếu dây chùng?
– Bạch Thế Tôn, nếu dây đàn chùng thì tiếng đàn sẽ đục, không ngân vang được ạ.
– Vậy khi dây căng, tiếng đàn có hay chăng?
– Bạch Thế Tôn, khi dây căng thì tiếng đàn sẽ chói tai, làm người nghe rất khó chịu.

Này Nhị Thập Ức Nhĩ, vậy con hãy cho Như Lai biết, phải chỉnh như thế nào thì tiếng đàn mới hay?

Bạch Thế Tôn, muốn cho âm thanh được hay nhất, dây đàn phải được căn chỉnh vừa phải, không quá chùng cũng không quá căng. Người chỉnh phải vô cùng khéo léo, phải lắng nghe âm phát ra một cách tinh tế để chỉnh độ căng thật chính xác và thích hợp. Khi đó, âm thanh phát ra vừa dịu êm lại vừa vang vọng. Âm thanh ấy làm đẹp lòng mọi người ạ.

Đức Thế Tôn mỉm cười, Người tiếp tục:

– Này Nhị Thập Ức Nhĩ, như dây đàn chỉ phát ra âm thanh tuyệt hảo khi được căn chỉnh vừa phải, cũng vậy, người tu hành chỉ đạt đến quả vị giải thoát khi bước đi trên con đường trung đạo. Người tu hành cần tránh hai cực đoan trong công phu tu tập. Một là cố gắng quá sức. Hai là biếng nhác, giải đãi. Cả hai điều đó đều không mang lại kết quả tốt đẹp. Cố gắng quá sức sẽ gây ra căng thẳng, mệt mỏi và não phiền. Lười biếng giải đãi thì chẳng bao giờ có thể tiến tu. Cũng như việc căn chỉnh dây đàn, người tu hành phải khéo léo để nhận ra khi nào cần cố gắng, khi nào cần nghỉ ngơi. Đó mới là sự tinh tấn chân thực trên đạo lộ giải thoát thiêng liêng.

Này Nhị Thập Ức Nhĩ, con hãy tiếp tục dũng mãnh nhưng hãy tinh tế điều hòa thân tâm. Hãy quán chiếu các căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý để nắm rõ bản chất vô thường của chúng và lìa xa tham ái. Này Nhị Thập Ức Nhĩ, tất cả các pháp đều là vô thường, thân xác này là vô thường, chẳng có gì để nắm giữ. Con hãy tinh tấn lên!

Lắng nghe lời Pháp của Thế Tôn, gương mặt Ngài Nhị Thập Ức Nhĩ rạng rỡ lạ thường. Ngài xúc động đáp lời:

– Bạch Thế Tôn, giờ đây con đã hiểu. Con xin được lạy tạ ân đức của Người.

Tôn giả chắp hai tay rồi nhẹ nhàng cúi đầu sát đất với lòng tôn kính thiết tha. Khi Ngài ngẩng đầu lên, Đức Thế Tôn đã biến mất tự bao giờ, chỉ còn những vầng hào quang dịu nhẹ lưu lại.

Kể từ đó, Ngài thực hiện chánh tinh tấn không lơi lỏng. Chuyên chú giữ tâm không rời xa thân, nhưng nhẹ nhàng và vô cùng khéo léo. Ngài quán sát bản chất của các hình ảnh, âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm giác, dù là ưa thích hay chán ghét cũng đều là vô thường, chẳng tồn tại lâu cũng chẳng thể nắm bắt. Ngài tu tập niệm thân một cách sâu xa, thấy rõ ràng chính thân thể mình một ngày cũng sẽ chết, rồi sình trương, mục rữa, tan hoại như những tử thi ngoài kia.

Một đêm, trời gió nhẹ, khu rừng Sitavana chìm vào tĩnh lặng. Tôn giả Thập Nhị Ức Nhĩ nhập sâu dần vào các tầng bậc thiền định. Ngài diệt trừ tham ái, sân hận và xóa tan mọi chấp thủ. Đúng lúc ánh trăng vừa thoát khỏi mây mù, Tôn giả bừng ngộ, chứng đắc Thánh quả A La Hán, viên mãn giải thoát giác ngộ. Giây phút đó, niềm hạnh phúc an lạc tràn ngập khu rừng, vầng trăng vằng vặc tỏa ánh sáng khắp không gian.

Đức Thế Tôn đã xác chứng rằng:
Trong các vị đệ tử của Như Lai, Tỳ kheo Nhị Thập Ức Nhĩ xứng đáng danh hiệu Đệ Nhất Tinh Tấn.

IV. CÂU CHUYỆN DÉP MỘT LỚP

Một buổi chiều trong tinh xá, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ vừa kết thúc thời khóa kinh hành cùng đại chúng. Ngài tới bên gốc cây sala, lặng lẽ ngồi xoa bóp đôi chân sưng đỏ. Đức Thế Tôn đã nhiều lần trông thấy Ngài vất vả như vậy. Tối hôm đó trong giảng đường, sau khi Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ đảnh lễ Thế Tôn, Người cất giọng trầm ấm:

Này Nhị Thập Ức Nhĩ, đôi chân của con mỏng manh vì trước đây được bảo bọc. Bởi vậy mà sau mỗi lần thúc liễm thiền hành, chân của con luôn sưng đỏ và nhiều vết thương. Như Lai biết con trân trọng những phút giây tinh tấn cùng Tăng chúng, vậy nên Như Lai cho phép con được đeo dép một lớp để giảm bớt đau chân khi tu tập.

Ngài cảm động trước tình thương bao la của Thế Tôn, liền chắp tay bạch rằng:

Bạch Thế Tôn, con xin cảm tạ tình thương quý mà Người dành cho con. Con đã từ bỏ tất cả chỉ để được sống cuộc đời của một người khất sĩ, giản dị và thanh lương, không giữ gìn tài sản gì cho cá nhân mình. Bạch Thế Tôn, đối với con, sự tinh tấn trong chánh đạo là niềm hạnh phúc mỗi ngày. Những khi thiền hành, cho dù đi chân trần vất vả, nhưng con luôn cảm thấy an lạc. Bạch Thế Tôn, dù vậy, nếu tất cả các vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn đều có thể được đi dép một lớp thì con cũng rất hoan hỷ được thọ dùng.

Đức Thế Tôn mỉm cười, Người nói:
Lành thay Nhị Thập Ức Nhĩ, Như Lai đồng ý với con.

Kể từ đó, chư Tăng được phép sử dụng dép để bảo vệ đôi chân trần của mình. Đôi dép trở nên hữu ích mỗi khi du hành phương xa hoặc đi trên những đoạn đường nhiều sỏi đá, hiểm trở. Tất cả các vị đều hoan hỷ đón nhận tấm lòng của Thế Tôn và Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ.

V. KẾT LUẬN

Ngày nay, thiền đang được nghiên cứu khắp nơi trên thế giới. Muốn tìm hiểu thiền thì phải thực hành thiền với tất cả quyết tâm, bởi tu thiền rất khó. Người thực hành phải rất kiên trì với tất cả ý chí, trong đó, tinh tấn là một giai đoạn gian khó mà bất kỳ ai thực hành thiền đều phải đối diện. Đặc biệt, người tu thiền cần có trí tuệ sâu sắc để tinh tế nỗ lực dụng công, tránh gắng sức hoặc giải đãi một cách cực đoan. Như vậy mới có thể vững vàng bước trên con đường giác ngộ cao quý mà Đức Phật đã chỉ dạy.

Trong số những vị đệ tử ưu tú của Đức Phật, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ là vị Thánh Tăng có danh hiệu Đệ Nhất Tinh Tấn. Cuộc đời của Ngài chính là biểu tượng cho sự tinh tấn tu hành. Chúng con xin nguyện nôi theo tấm gương của Tôn giả, luôn tôn kính Tam Bảo tuyệt đối, tinh tấn tu tập theo chánh Pháp, góp phần giữ gìn Phật Pháp trường tồn và dựng xây thế giới tương lai ngày càng tươi đẹp hơn.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ (Sona Kolivisa) là vị Thánh Tăng có danh hiệu Đệ Nhất Tinh Tấn trong những vị đệ tử ưu tú của Đức Phật. Ngài tự mình dũng mãnh nỗ lực, dùng hết sức để vượt qua hết những chướng ngại của hoàn cảnh. Sau đó, Ngài chứng Thánh quả A La Hán nhờ nghiêm túc hành trì giáo Pháp mà Thế Tôn đã giảng dạy. Cuộc đời của Ngài là bài học quý giá về sự khước từ hưởng thụ thế gian, về sự tinh tấn tu tập chân chính. Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Đời sống gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Gia đình êm ấm, công việc suôn sẻ. Có duyên được nhiều người yêu mến và kính trọng.
– Được chư Phật, chư thiên gia hộ cho đi đúng con đường Bát Chánh Đạo, tu hành chân chính, đời sống và đời tu ngày một tốt hơn.
– Thành tựu được trí tuệ sắc bén trong xử lý công việc, ý chí kiên định vượt qua mọi khó khăn, thử thách và sự tinh tấn không ngừng nghỉ trên con đường tu hành.

VII. THƠ TỤNG

Chúng con quỳ xuống lòng thành
Lạy Ngài bậc Thánh muôn vàn kính yêu
Bạc vàng tiền của bao nhiêu
Kẻ hầu người hạ sớm chiều dạ vâng
Sống trong sang quý lụa nhung
Nhưng tâm Ngài sớm thoát vòng trầm luân
Duyên xưa giờ đã trổ mầm
Còn ai ngăn được bước chân tìm về
Không màng gia thế đề huề
Chẳng ưa cung phụng, chẳng nề gian nan
Niềm vui nào của thế gian
Sánh bằng phạm hạnh tinh chuyên tu hành
Khi thiền tọa, lúc kinh hành
Không nằm, không ngủ giữa rừng công phu
Con đường trung đạo tiến tu
Đêm trăng gió nhẹ mây mù chợt tan
Kể từ khi đó thế gian
Có thêm bậc Thánh thênh thang giữa đời
Thế Tôn biết được khen Ngài
Đệ Nhất Tinh Tấn thoát ngoài tử sinh
Chúng con những kẻ vô minh
Cùng nhau xin nguyện tu hành tinh chuyên
Theo Ngài tinh tấn tọa thiền
Cho dù gian khó triền miên bao đời
Thân này giả tạm mà thôi
Vô thường tan hoại luân hồi trôi lăn
Tâm này với cả lục căn
Khi tan khi hợp muôn phần khổ đau
Chúng con xin nguyện cùng nhau
Hiểu rằng tiền của sang giàu thế gian
Chỉ là gánh nặng đeo mang
Sao bằng Phật đạo thênh thang tìm về
Chúng con nguyện một lời thề
Kính tin Tam Bảo không gì đổi thay
Xin Ngài gia hộ tâm này
Đủ lòng tôn kính Như Lai tột cùng
Nguyện cho pháp giới mênh mông
Cùng tinh tấn mãi để không phụ Người
Siêng năng tạo phúc giúp đời
Con đường Phật đạo sáng ngời mai sau.

Nam Mô Nhị Thập Ức Nhĩ Tôn Giả (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x