Tôn Giả Nan Đề (Nandiya)

Thế Tôn bảo Dạ xoa:
“Này Di-gha hãy nhớ
Nếu ai trong loài trời
Cũng như trong loài người
Nhớ đến ba Thầy đây
Với tâm niệm hoan hỷ
Với tâm niệm cung kính
Là tạo công đức lớn
Người đó sẽ an lạc
Sẽ hạnh phúc lâu dài”.

Tôn Giả Nan Đề (Nandiya) -

Tôn Giả Nan Đề (Nandiya)

I. XUẤT THÂN

Dưới chân ngọn núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), đất nước Thích Ca (Sakya) thật thanh bình và thịnh vượng. Những đoàn thương gia ghé qua trao đổi hàng hóa thường kể về sự bình yên trong vương quốc. Đi đến đâu họ cũng bắt gặp những nụ cười ấm áp, những ánh mắt trìu mến. Buổi sáng, dọc các con phố, người qua lại mua bán tấp nập. Người dân đẩy những xe lương thực vừa thu hoạch vào quầy còn thợ thuyền thì ôm những xấp vải rực rỡ xếp lên kệ bày bán. Khung cảnh thật náo nhiệt và nhộn nhịp.

Một ngày đầu xuân, trời nắng dịu. Trong cung, một vị Hoàng tử đã chào đời mang đến niềm vui cho tất cả mọi người. Cả hoàng tộc, các vị thân vương, phu nhân, công nương, các quan đại thần… cùng hoan hỷ đến mừng và gửi tới Hoàng tử những lời chúc lành may mắn. Cung nữ, thị vệ tất bật trang hoàng cung điện để chuẩn bị cho buổi lễ đặt tên. Tiếng nói cười rộn rã khắp nơi. Những khóm hoa trong vườn như cũng tươi sắc hơn mọi ngày. Trong không khí ấy, nhà vua quyết định đặt tên cho Hoàng tử là Nan Đề (Nandiya), với ý nghĩa là “người mang đến niềm hạnh phúc”.

Ngay từ nhỏ, Hoàng tử đã có tấm lòng vô cùng hòa ái. Ngài quan tâm chân thành đến tất cả mọi người, không kể giai cấp, tầng lớp. Và dù mang trong mình dòng dõi Sát Đế Lợi thiện nghệ, nhưng Hoàng tử không thích cuộc sống đua tranh. Ngài buồn lòng mỗi khi biết tin về một cuộc giao tranh xảy ra ở nơi nào đó. Chiến tranh chỉ gây ra tang thương và mất mát. Ngài luôn khắc khoải làm sao để mọi người cùng biết thương yêu và chia sẻ với nhau. Khi đó, cõi đời sẽ thật bình yên và hạnh phúc.
Trong hoàng cung, Ngài rất thương kính Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhartha). Người là hiện thân của tình thương yêu bao la. Chính Thái Tử đã vun đắp cho Ngài niềm tin vững chắc vào một cuộc sống hạnh phúc yên bình.

II. XUẤT GIA

Đã tám năm kể từ khi Đức Thế Tôn rời quê hương xuất gia tìm cầu chân lý giác ngộ. Mùa mưa kết thúc, Người trở về Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Cả kinh thành rộn rã đón mừng. Thu đã về, tàng cây cao phía trên những mái nhà san sát đang trút lá. Khu phố ngập tràn trong sắc đỏ và vàng của màu lá. Người dân nườm nượp đổ ra đầy ắp các cung đường. Những em bé háo hức xách giỏ hoa tươi thắm, vừa nâng bước vừa hát ngân nga.

Trong triều, mọi thứ đã sẵn sàng để đón chờ Đức Thế Tôn và Tăng đoàn. Hoàng cung được trang hoàng lộng lẫy. Dọc hành lang, những hàng cột đá được chạm khắc hoa văn trang nhã. Tấm thảm nhung đỏ thẫm được thêu các họa tiết sang trọng, phủ lên khắp các lối đi.
Từ cổng thành, Đức Thế Tôn dẫn đầu chư Tăng, trầm hùng tiến vào. Người quấn tấm y màu nâu sậm. Trên gương mặt Người như nở một nụ cười hiền hậu, ánh mắt chứa chan từ ái. Người thong thả bước đi, đôi chân nhẹ nhàng bước từng bước. Người đi đến đâu, hương trầm dịu dàng lan tỏa đến đó.

Lúc này, cả hoàng tộc và triều thần đã tề tựu đông đủ đứng dọc hai bên. Những làn gió thu mát mẻ thổi qua. Hoàng tử Nan Đề vô cùng xúc động. Ước mơ về một tình thương bao la, chan hòa khắp tất cả mà Ngài đã ấp ủ từ thuở nhỏ giờ đây đang hiện diện thật rõ ràng nơi Đức Thế Tôn và Tăng đoàn của Người. Ngài cảm thấy, chỉ trong giáo Pháp của Đức Như Lai thì ước mơ ấy mới trở thành hiện thực.

Thật hạnh phúc thay, rất nhiều vương tử của dòng họ Thích Ca cũng khao khát được theo bước chân Thế Tôn hướng về con đường giác ngộ. Và chỉ mấy ngày sau, tất cả các vị bao gồm Ngài Nan Đề cùng với Ngài A Nan Đà (Ananda), Ngài A Nậu Lâu Đà (Anurudha), Ngài Kim Tỳ La (Kimbila), Ngài Ba Đề Thích Vương (Bhaddiya), Ngài Tissa, Ngài Rakkhita, Ngài Pakkha, Ngài Sappadasa… cùng tìm đến khu tinh xá Ni Câu Luật (Nigrodha) nằm phía sau cung điện, quỳ xuống thỉnh cầu Đức Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, chúng con là những vương tử của dòng họ Thích Ca. Sau khi được nghe những lời Người chỉ dạy, chúng con đã nhận thấy sự hiểm nguy và nhàm chán đời sống thế tục. Xin Thế Tôn cho phép chúng con được xuất gia, trở thành Tỳ kheo trong Tăng đoàn thanh tịnh của Người.

Đức Thế Tôn mỉm cười đồng ý. Các vương tử được các vị Tỳ kheo làm lễ thế phát cho ngay lúc đó. Những lọn tóc được phủi xuống, khoác lên mình tấm y nâu sòng đơn sơ, kể từ đây các vị đã chính thức bắt đầu cuộc sống tu hành, bước đi trên con đường cao thượng hướng về vô ngã mà Đức Thế Tôn đã truyền trao.

III. CHỨNG ĐẠO

Khi đã gia nhập Tăng đoàn, Ngài Nan Đề vô cùng tinh tấn. Ngài vừa thăm hỏi các vị Trưởng lão trong Tăng chúng, vừa tự thúc liễm rèn luyện thân tâm không phút giây xao lãng. Hàng ngày, Tôn giả thường cùng các vị tân Tỳ kheo đến thưa hỏi các vị Trưởng lão về giáo Pháp. Mỗi tối, khi thời khóa tọa thiền kết thúc, Ngài sẽ không đi nghỉ mà tiếp tục ngồi thiền ven bờ suối, cạnh khóm tre cho tới khi trời sáng.

Nhờ sự tinh tấn như vậy, ngay vào mùa an cư đầu tiên khi tới tinh xá Trúc Lâm (Veluvana), Tôn giả Nan Đề viên mãn đắc thành Thánh quả A La Hán, hoàn toàn giải thoát khỏi trầm luân sinh tử.

IV. CUỘC SỐNG HÒA HỢP

Từ khi xuất gia trong Tăng chúng, Tôn giả Nan Đề như được trở về với mái nhà đích thực của mình. Dù trước đây là một Hoàng tử, Ngài vẫn dễ dàng hòa mình vào cuộc sống giản dị như tất cả các vị Tỳ kheo. Mỗi sáng, Ngài khoác chiếc y làm từ vải thô, trên đôi chân trần ôm bình bát đi khất thực. Chiều đến thì cùng các vị lao tác, tụng kinh, thiền định…

Ngài trầm tĩnh, không thể hiện nhiều, luôn nhu thuận lắng nghe mọi lời chỉ bảo từ mọi người. Nhưng nơi nào có sự hiện diện của Ngài, nơi ấy mọi việc đều trở nên rất xuôi thuận, nhẹ nhàng và đầy niềm an lạc.

Mùa an cư thứ chín ở Kiều Thường Di (Kosambi), các vị Tỳ kheo ở đó xảy ra một cuộc tranh luận về vấn đề giáo Pháp và giới luật. Câu chuyện làm xôn xao tinh xá Ghosita. Vì vậy, để nhắc nhở các vị bài học về cuộc sống hòa hợp, Đức Thế Tôn lặng lẽ rời đến ở trong một khu rừng sâu trong núi.
Khi không thấy Đức Thế Tôn đâu, các vị mới hối hận, liền vội vàng tìm đến khu rừng Thế Tôn đang an cư để thỉnh Người trở về tinh xá. Thế nhưng, Đức Thế Tôn chưa về ngay. Lúc đó, Người dùng thần lực dẫn cả Tăng đoàn băng qua những nhánh sông, tiến về một vùng đất hoang sơ tại xứ sở Bạt Kỳ (Vajji). Nơi đây, ba vị Tôn giả là Ngài A Nậu Lâu Đà, Ngài Kim Tỳ La và Ngài Nan Đề đang cùng nhau cư trú

Chẳng mấy chốc, khu rừng Gosinga hiện ra trước mắt. Nơi này thật bình yên êm ả. Các vị Tỳ kheo theo chân Đức Thế Tôn, càng đi sâu vào trong, khung cảnh thiên nhiên càng trở nên tuyệt đẹp. Trên cao, những tán cây đan cài vào nhau rậm rạp, lợp thành một mái vòm che mát. Trên một khoảng đất vừa đủ rộng, ba căn chòi nhỏ được dựng lên bằng tre rừng và cỏ tranh.

Khi Đức Thế Tôn và Tăng đoàn vừa tiến vào trong, ba vị Tôn giả đã chuẩn bị tươm tất đón chờ sẵn. Sau khi đảnh lễ Thế Tôn, Tôn giả A Nậu Lâu Đà đón đỡ bình bát từ tay Người, Tôn giả Kim Tỳ La thỉnh Đức Thế Tôn ngự trên sàng tọa kết bằng cỏ hương mềm mại, Tôn giả Nan Đề thì bưng nước thơm tới để Thế Tôn rửa chân. Mọi việc đều được thực hiện trong tĩnh lặng, nhưng lại vô cùng nhịp nhàng, chu đáo.
Các vị Tỳ kheo cũng nhanh chóng chia nhau ngồi lấp kín cả khu đất trống. Đức Thế Tôn từ ái nhìn đại chúng, Người nhẹ nhàng cất lời hỏi:
– Các Thầy sống ở rừng Gosinga này có được an yên không? Sự tu học có thuận lợi không? Việc khất thực và hoằng hóa có dễ dàng không?
Tôn giả A Nậu Lâu Đà liền quỳ gối, chắp tay thành kính thưa:

– Bạch Thế Tôn, chúng con tịnh cư ở nơi đây vô cùng an vui. Khung cảnh rừng núi thanh bình, việc khất thực và hoằng hóa cũng thật thuận lợi. Nhờ vậy mà chúng con đã đạt được nhiều an vui trong công phu tu tập.
Thế Tôn hỏi tiếp:

– Vậy các Thầy sống với nhau có thương mến và hòa hợp chăng?
Tôn giả Kim Tỳ La cung kính đáp:

Bạch Thế Tôn, chúng con rất thương mến nhau, cũng rất hòa hợp với nhau. Chúng con luôn tin tưởng lẫn nhau bởi chúng con biết rằng, huynh đệ mình đều là những bậc phạm hạnh. Chúng con không sống bằng tâm của mình mà sống bằng tâm của huynh đệ. Lúc
nào, chúng con cũng quan sát tâm ý của huynh đệ trước rồi mới thuận theo đó mà thực hiện. Ví dụ như, nếu Tôn giả Nan Đề muốn giặt y áo bằng nước lá cỏ hương, con sẽ không giặt tại suối mà cùng Tôn giả đi hái lá nấu nước. Hay khi mỗi đêm dù đã khuya, nhưng nếu xét thấy hai vị Tôn giả muốn ngồi thiền thêm, con cũng sẽ không đi nghỉ. Nếu có việc gì cần thiết, chúng con cũng ít khi dùng đến lời nói mà chỉ cần ra hiệu là huynh đệ đã hiểu nhau. Chúng con cảm nhận được tâm ý của nhau trong từng bước chân, từng ý nghĩ.

Đức Thế Tôn từ tốn hỏi tiếp:

Này A Nậu Lâu Đa, Kim Tỳ La, Nan Đề, làm thế nào để các Thầy có thể chung sống hòa hợp như vậy? Tôn giả Nan Đề trả lời:
Bạch Thế Tôn, chúng con sống hòa hợp trong tất cả hoạt động thường ngày. Chúng con san sẻ công việc cho nhau, tự ý thức trách nhiệm mà không để huynh đệ phải bận lòng. Mỗi sáng, chúng con đều vào làng khất thực. Ai khất thực về trước thì trải chỗ ngồi, lấy nước uống, nước rửa sẵn sàng cho cả ba huynh đệ. Khi buổi tọa thiền kết thúc, ai xả thiền trước sẽ tự động lao tác, như quét dọn lại gian phòng, sửa sang đồ dùng, hay lấy thêm nước. Huynh đệ xả thiền sau sẽ tiếp tục hỗ trợ công việc hoặc chuẩn bị cho thời khóa tiếp theo. Chúng con thực hiện điều ấy trong tự nguyện và thấy vô cùng hạnh phúc. Nhờ vậy, tất cả mọi việc đều được hoàn thành nhanh chóng và chúng con càng thêm hòa thuận, đoàn kết với nhau.

Sương mù tan dần, nắng đã lên cao xuyên qua những tán lá dày, in trên nền đất những vệt sáng lấp lánh. Chư Tăng cảm thấy cảnh vật thật ấm áp. Các vị Tỳ kheo khẽ nhìn nhau, thấm thía nhớ về những ngày tháng không có Thế Tôn trong suốt mùa an cư vừa qua…
Đức Thế Tôn mỉm cười, Người cất giọng trầm ấm: Lành thay Nan Đề, cùng chung sống trong sự hòa hợp sẻ chia là một điều lợi lạc trên con đường tu học.
Không gian khu rừng như chìm vào tĩnh lặng. Đức Thế Tôn tiếp tục hỏi:

Này các Thầy, sống một đời sống hòa hợp như vậy, các Thầy chứng đắc được pháp thù thắng gì?
Bạch Thế Tôn, nhờ sống hòa hợp chúng con có thể an trú trong chánh niệm, diệt trừ năm triền cái, thâm nhập vào các tầng bậc thiền định. Chúng con chứng được Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh và hoàn toàn chấm dứt sinh tử, không còn tái sinh nữa.
Đức Thế Tôn cất lời tán thán công hạnh của ba vị Tôn giả:

– Này A Nậu Lâu Đà, Kim Tỳ La, Nan Đề, các Thầy đã thành tựu được tri kiến của bậc giải thoát hoàn toàn. Các Thầy đã có một đời sống thanh tịnh, tinh cần và vô cùng hòa thuận với nhau. Đời sống ấy đã làm bùng lên ngọn lửa hy vọng, soi sáng cho niềm tin vào sự hòa hợp của muôn loài. Lành thay, các Thầy đã sống vì lợi ích cho chư Thiên và loài người.

Ba vị Tôn giả quỳ xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Sau đó toàn bộ chư Tỳ kheo đang có mặt đồng loạt đảnh lễ ba vị Tôn giả. Chư Tăng ai cũng xúc động khi được tới đây, chiêm ngưỡng đời sống phạm hạnh cao quý. Đây sẽ là những lời sách tấn quý báu giúp chư vị xây dựng đời sống hòa hợp trong Tăng đoàn.
Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng thong thả bước trên đường rời khỏi nơi tĩnh cư của ba vị Tôn giả. Chợt, một luồng sáng lóe lên giữa không trung. Một nữ thần hiện ra, quỳ gối trước Đức Phật, thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn, con là Digha hiện cai quản khu rừng này. Cả xứ sở Bạt Kỳ, đặc biệt là khu rừng Gosinga này đã được sống trong sự bình yên kể từ khi ba vị Tôn giả về đây tĩnh cư. Đức hạnh của ba vị rực rỡ như ba viên ngọc hoàn hảo không tỳ vết, khiến cả trời và người đều hết lòng tán thán. Thật là diễm phúc cho chúng con.
– Bạch Thế Tôn, cúi xin Thế Tôn cho phép con tiếp tục âm thầm hỗ trợ ba vị Tôn giả đến khi ba vị rời khỏi đây để trở lại Kỳ Viên (Jetavana).
– Này Digha, từ đây về sau, bất kỳ những chúng sinh nào, hội chúng nào nghe được danh hiệu của ba Tôn giả và biết khởi tâm kính ngưỡng thì những chúng sinh, hội chúng ấy sẽ thành tựu được nhiều công đức lành, cuộc sống sẽ ngập tràn sự hòa hợp, hạnh phúc và an lạc.

Lúc ấy, không gian bừng sáng, chư Thiên tấu nhạc vang lừng. Cả khu rừng Gosinga rung động, những tàng cây lào xào đung đưa. Một cơn mưa hoa nhẹ nhàng bay lấp lánh trong không trung…

V. KẾT LUẬN

Tôn giả Nan Đề là vị đệ tử ưu tú của Đức Thế Tôn. Ngài hiện thân cho đời sống đoàn kết vững bền, là mạch nguồn của sự thanh tịnh hòa hợp trong Tăng chúng. Cuộc đời Tôn giả như một thông điệp cao thượng về tình thương yêu xóa tan đi những thù hận, tối tăm của cuộc đời.

Nhân loại bao đời nay luôn khát khao về một niềm hạnh phúc chân thật, về một tinh cầu bình yên. Chính vì thế, dựng xây một nền hòa bình cho thế giới đã trở thành mong ước của mỗi người Phật tử. Chúng con xin nguyện được noi theo Tôn giả, sẽ gây dựng một hành tinh hòa thuận an vui, trở thành nơi ươm mầm của hạt giống từ bi nhân ái.

Nguyện những người con Phật sẽ chung sống hòa hợp, đoàn kết với nhau để dựng xây ngôi nhà chánh Pháp trường tồn.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Nan Đề là vị là vị A La Hán hiện thân cho đời sống đoàn kết vững bền, là mạch nguồn của sự thanh tịnh hòa hợp trong Tăng chúng. Cuộc đời Tôn giả như một thông điệp cao thượng về tình thương yêu xóa tan đi những thù hận, tranh đua tăm tối của cuộc đời. Bên cạnh đó, Ngài còn là tấm gương cho chúng ta về sự nhu thuận, không bao giờ chấp ý mình. Ngài đã chứng đắc Thánh quả A La Hán nhờ vào sự tinh cần học hỏi, thúc liễm thân tâm cùng với công đức sâu dày từ vô lượng kiếp. Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Dần thành tựu được những đạo đức cao quý và tâm hồn cao đẹp. Sống tử tế với mọi người nên có được nhiều bạn tốt, nhận được sự giúp đỡ trong những lúc gặp khó khăn.
– Luôn được chư Thiên gia hộ, gặp được nhiều may mắn, thuận lợi và được mọi người kính mến, thương yêu.
– Có được sự tinh tế trong cuộc sống, hiểu được tâm ý của người khác nên dễ dàng làm việc chung, đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.

VII. THƠ TỤNG

Thành tâm xin đảnh lễ Ngài
Bậc A La Hán muôn loài ngưỡng trông
Ca Tỳ La Vệ ước mong
Cung nghinh mỗi bước Thế Tôn trở về
Muôn nghìn khăn khó chẳng nề
Quyết theo chân Phật sống vì chúng sinh
Cao quý đời sống tâm linh
Hạnh phúc chân thật, bình yên không lời
Vui trong giới luật của Người
Biết từng cử chỉ nằm ngồi đứng đi
An trú chánh niệm vô vi
Bậc Thánh an lạc chẳng gì sánh ngang
Hoà Hợp Đệ Nhất Tăng Đoàn
Làm cho khắp chốn hân hoan vui mừng
Hào quang tỏa rạng khu rừng
Hoa thơm trải giữa không trung đẹp ngời
Chư Thiên cung kính đến Ngài
Quỷ thần quy ngưỡng, mọi loài nương theo
Xin từng hạt giống được gieo
Từ tâm nuôi dưỡng lớn lên mỗi ngày
Trái tim thương mến tràn đầy
Giúp người qua khỏi bùn lầy khổ đau
Chúng con nguyện bước theo nhau
Kết đoàn thân ái chan hoà yên vui
Đạo đức lấy gốc tâm từ
Lúc nào cũng thấy mình như bụi đường
Sống bằng tâm ý khiêm nhường
Để niềm thông cảm tỏ tường trong nhau
Từ nay cho đến ngàn sau
Hướng về Vô Ngã chẳng cầu riêng tư
Bước vào chánh định vô dư
Tâm an lạc tựa trăng thu êm đềm
Chẳng gợn lên chút ưu phiền
Suối nguồn hỷ lạc vô biên không cùng
Bên nhau một trái tim chung
Ước mong thế giới đại đồng bao la
Khắp nơi chung một mái nhà
Dựng xây chánh Pháp lan xa vô bờ…

Nam Mô Nan Đề Tôn Giả (3 lần)

TÌM HIỂU THÊM VỀ =► 60 VỊ THÁNH ĐỘ MỆNH

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
trackback

[…] Tôn Giả Nan Đề (Nandiya) […]

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x