Tôn Giả Nan Đà – Đệ Nhất Tiết Chế Hộ Trì Các Căn

Như ngôi nhà khéo lợp
Mưa không xâm nhập vào
Cũng vậy tâm khéo tu
Tham dục không xâm nhập.

Tôn Giả Nan Đà - Đệ Nhất Tiết Chế Hộ Trì Các Căn -

TÔN GIẢ NAN ĐÀ (NANDA) – ĐỆ NHẤT HỘ TRÌ CÁC CĂN

I. MỘT LÒNG NHU THUẬN

Tôn giả Nan Đà sinh ra trong hoàng cung của kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), vương quốc Sakya thanh bình. Ngài là Hoàng nam của Đức vua Tịnh Phạn và Mẫu hậu Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati Gotami), là Hoàng đệ của Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhartha), kém Thái Tử 18 tuổi. Tên của Ngài mang ý nghĩa là “niềm vui an yên”. Hoàng tử được lớn lên trong tình thương yêu của tất cả mọi người.

Khi mới lên sáu tuổi, Hoàng tử Nan Đà (Nanda) đã được tiếp thu trọn vẹn nền giáo dục của hoàng tộc. Ngài được đào tạo mọi kiến thức từ những vị giáo thọ sư tài giỏi nhất vương quốc, từ văn học, ngôn ngữ, võ thuật, quân sự, trị quốc… Đặc biệt, Ngài còn được hướng dẫn trực tiếp từ vị Hoàng Huynh Tất Đạt Đa. Hoàng Huynh đã chỉ dạy cho Ngài thêm về các kỹ năng và cả những đạo lý cao thượng. Đối với Hoàng Huynh, Ngài trọn lòng thương kính và hết mực nhu thuận, Hoàng Huynh là một tấm gương vĩ đại, một vị thiên thần đầy hiền thiện, một bầu trời lấp lánh trí tuệ.
Hoàng Huynh của Ngài còn là một người có tâm từ bi bao la. Ngài thường cùng Hoàng Huynh đi thăm và giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khốn khó, từ đó cảm nhận được những khó khăn trong cuộc sống mà họ phải đối mặt. Những lúc như thế, Ngài lại dặn lòng mình phải cố gắng sống tốt hơn, yêu thương mọi người hơn.
Hình ảnh của Thái Tử Tất Đạt Đa luôn sống động trong tâm trí Ngài. Ngài thường nghiền ngẫm xem xét lại những việc đã làm, liệu rằng việc này có đúng với lời Hoàng Huynh dạy hay không. Ngài càng trải nghiệm nhiều, lòng nhu thuận càng bén rễ và ăn sâu vào tâm trí. Nó dần trở thành nền tảng vững chắc bồi đắp cho những hành động, lời nói và suy nghĩ của Hoàng tử Nan Đà.

Ánh trăng chênh chếch trên trời đêm mùa xuân trong lành, Thái Tử Tất Đạt Đa cưỡi ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) rời kinh thành, phi như bay về phía Nam xuất gia thành Sa môn. Bóng đêm mờ mịt bao phủ hoàng cung, những tòa lâu đài uy nghi chìm trong thương nhớ… Hoàng tử Nan Đà nhận được tin Thái Tử xuất gia tầm đạo, niềm thương kính bấy lâu bỗng nảy nở thành những hy vọng tươi sáng khấp khởi trong lòng. Ngài tin rằng Hoàng Huynh đã đạt được chí nguyện cao cả, rồi một ngày Hoàng Huynh sẽ đem lại chân lý xóa đi hết nỗi khổ đau của chúng sinh như ước mơ mà Người vẫn hằng khắc khoải.

Vài năm sau ngày Thái Tử xuất gia, Hoàng Tử Nan Đà được vua cha truyền trao ngôi báu khi Ngài gần 20 tuổi. Từ đó, Ngài được Công nương Da Du Đà La (Yashodara) dần dần chỉ dạy về hệ thống thám tử hùng hậu và đầy trí tuệ mà Hoàng Huynh Tất Đạt Đa của Ngài đã dày công phát triển. Ngài nguyện rằng sẽ âm thầm dõi theo bước chân của Đức Thế Tôn để ủng hộ và bảo vệ, sẽ thực hiện theo những lời Người đã dặn để đem đời sống thanh bình và phồn thịnh tới dân chúng Sakya.

II. THỜI KHẮC XUẤT GIA

Mùa thu năm ấy, Đức Phật trở lại thăm Ca Tỳ La Vệ sau mùa an cư kiết hạ tại tinh xá Trúc Lâm (Veluvana). Khi hoàng tộc nhận được tin Đức Thế Tôn đã về đến khu rừng gần kinh thành, ai nấy đều vui mừng. Vua cha Tịnh Phạn và nhà vua Nan Đà lập tức ra ngoại thành nghênh đón Người. Nơi không gian mát lành của khu rừng, Vua cha Tịnh Phạn nắm tay Đức Thế Tôn rồi bật khóc, đôi mắt già nua trào ra những giọt lệ nhớ thương, chảy xuống chòm râu đã bạc. Ngài Nan Đà quỳ xuống bên cạnh, ôm chân Đức Thế Tôn thật lâu. Thế Tôn khẽ đặt tay lên đầu Ngài, ánh nhìn từ ái. Ngài ngước lên rưng rưng xúc động, lặng lẽ ghi nhớ những lời dặn dò của Thế Tôn để trở về chuẩn bị chu đáo.

Sự xuất hiện của Đức Thế Tôn sưởi ấm tiết trời Sakya, dường như ánh bình minh đã chiếu sáng tới từng gốc cây ngọn cỏ. Nhân dịp này, vua cha Tịnh Phạn tổ chức hôn lễ cho vua Nan Đà, với mong muốn Thế Tôn sẽ chứng minh và ban phúc lành cho buổi lễ.
Lễ cưới của vua Nan Đà được tổ chức vài ngày sau đó. Sáng sớm, cả kinh thành thức giấc trong niềm hân hoan. Đường phố được trang hoàng với những dải hoa trắng hồng nhỏ nhắn, những chiếc đèn lồng bằng giấy màu sắc sặc sỡ được treo trên các mái hiên, đan thành từng hàng nối dài các con phố. Dân chúng quần áo đẹp đẽ ùa ra phía cổng hoàng cung, đứng đầy hai bên đường hoặc nghiêng người trông xuống qua khung cửa sổ của các căn lầu, rôm rả chuyện trò trong lúc ngóng chờ đoàn người của cô dâu. Từ xa tiếng trống vang vọng rộn ràng. Đoàn rước dâu đang tiến lại gần. Cô dâu Sandiya ngồi trên kiệu đặt trên lưng một chú voi trắng có cặp ngà lớn, cô mặc bộ trang phục cưới rực rỡ với những họa tiết truyền thống của đất nước, gương mặt đẹp như muôn nghìn đóa hoa góp lại.
Trước cửa lâu đài, Ngài Nan Đà mỉm cười đưa tay đỡ Công nương Sandiya xuống kiệu, nắm tay cô dâu tiến vào giữa đại điện. Ánh sáng lấp lánh từ những ngọn đèn tỏa ra khắp căn phòng. Tiếng đàn Sitar, chiếc trống thùng Pakhawaj cổ truyền làm nền cho các điệu múa mềm mại. Không khí trong điện dần trở nên rộn ràng mà trang trọng. Các quan đại thần và khách quý từ các nước lân bang đã tề tựu đông đủ, Vua cha Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề ngồi chính giữa, Đức Thế Tôn ngự uy nghi trên một tòa ngồi được phủ vải lụa màu ánh kim. Nhà vua Nan Đà tất bật đón tiếp khách mời, đi lại xung quanh đại điện nâng cốc trò chuyện, thỉnh thoảng Ngài nhắc nhở người hầu sắp xếp công việc.

Chợt nhiên, khi không khí của buổi tiệc vẫn đang rộn rã náo nhiệt, Đức Thế Tôn rời khỏi tòa ngồi bước đi. Vua Nan Đà hơi bối rối. Ngài vội vàng bước đến gần Thế Tôn thưa chuyện. Thế Tôn chỉ nhìn Ngài mỉm cười mà không nói, Người đặt bình bát vào tay Ngài Nan Đà rồi lặng lẽ bước ra phía cửa lớn. Nhà vua ngỡ ngàng ngước nhìn Thế Tôn, lúng túng nhìn mọi người xung quanh rồi lại nhìn bình bát trên tay. Ngài chợt nghĩ “Có lẽ Thế Tôn muốn mình cầm giúp bình bát, khi tới cửa Người sẽ lấy lại”. Vậy nên, Ngài cũng chầm chậm bước theo sau Thế Tôn.
Thế nhưng, Đức Thế Tôn đã tới cửa lớn mà không dừng lại, Người cứ bình thản bước tiếp cho đến khi ra khỏi cung điện. Ngài Nan Đà càng thêm phần sốt ruột, chốc chốc lại ngước nhìn Thế Tôn, Ngài bước nhanh hơn một chút như muốn hỏi ý, nhưng vì kính trọng Thế Tôn quá nên lại lặng im. Khi Ngài quay lại thì nhìn thấy cô dâu cũng đã chạy ra tới cổng mà không biết chuyện gì đang xảy ra, gương mặt cô ngỡ ngàng. Đoàn khách mời thấy việc lạ cũng cùng chạy ra phía ngoài dõi theo bóng hình của Thế Tôn và vua Nan Đà.
Ngài Nan Đà dần trở nên lo lắng, ngoái lại nhìn cô dâu đang đứng chơ vơ giữa đám đông. Vài người bắt đầu thì thầm bàn tán, âm nhạc trong đại điện nhỏ dần…
Dưới ánh nắng vàng, Đức Phật cứ điềm đạm đi từng bước trầm hùng, thong thả. Vua Nan Đà bước theo sau, trong lòng ngổn ngang cảm xúc. Vừa không biết Thế Tôn sao vẫn chưa lấy lại bình bát, vừa không biết con đường này sẽ dẫn tới đâu. Đoạn đường thẳng tắp, mặt đường được lát đá xanh, nắng phủ xuống làm sáng bừng hai hàng cây cao bên đường. Bỗng Đức Thế Tôn rẽ phải khi bước tới một ngã ba, Ngài Nan Đà lập tức nhận ra cung đường quen thuộc này. Đây chính là nơi Thế Tôn đang tạm nghỉ.

Bước vào trong hương phòng, Đức Thế Tôn cho gọi các vị Tỳ kheo, rồi Người mở lời:

Này Xá Lợi Phất (Sariputta), hãy xuống tóc cho Nan Đà được xuất gia.
Nghe Thế Tôn nói, Ngài Nan Đà như chết lặng người. Bên cửa sổ, cơn gió nhẹ lay động cành cây, một chiếc lá khô đã ngả vàng từ từ lìa cành, chao liệng rồi đáp xuống bệ cửa. Ngài không nói được câu nào, đôi mắt cứ hướng xuống nền gạch. Ngài thoáng nghĩ đến lời từ chối, nhưng không dám vì trong lòng cực kỳ kính trọng Đức Thế Tôn. Vì vậy Ngài chắp tay quỳ gối trước Tôn giả Xá Lợi Phất chờ được phủi tóc. Sau khi được các vị Trưởng lão A La Hán thực hiện nghi thức xuất gia, Ngài thay vương phục bằng tấm y nâu sòng giản dị.

Dạ thưa Quốc vương, Đức vua Nan Đà đã xuất gia…
Người thị vệ hối hả chạy vào báo tin. Quan khách đang thì thào bàn tán chợt nín lặng. Mọi người đều rúng động, hướng mắt nhìn cô dâu. Cô dâu mới cưới ngã khụy xuống, khóc rấm rức. Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề lo lắng nhìn vua Tịnh Phạn đang ngồi yên bình thản, trầm ngâm suy tư về sự việc. Có lẽ vua Nan Đà chỉ đủ duyên để làm cho xong hôn lễ vì một lời hứa với cô dâu ở kiếp nào đó, chứ không đủ duyên để sống đời sống vợ chồng lâu dài…

III. ÁNH SÁNG GIÁC NGỘ

Nơi tinh xá Nigrodha vừa xây, hương sen đầu thu quyện vào từng làn gió lan ra trong không khí. Hàng ngày, chư Tăng sẽ ghé qua hồ lấy nước tưới cây sau khi đã quét tước sạch sẽ các lối đi. Những ngày gần đây, dưới một tán cây đại thụ ven hồ thường xuyên xuất hiện dáng hình một vị Tỳ kheo đi lại bên gốc cây mỗi lúc xế chiều. Đó chính là Tôn giả Nan Đà mới xuất gia không lâu. Tôn giả Nan Đà trầm ngâm suy tư với cuộc sống hiện tại.Vì trước đó không lâu, Ngài là một vị vua với trăm nghìn công việc phải lo cho đất nước, nay Ngài xuất gia trở thành Tỳ kheo thì không biết việc triều chính sẽ ra sao. Rồi việc hôn lễ bị bỏ dở giữa chừng mọi người sẽ nghĩ như thế nào… Những lo lắng ưu tư ấy khiến cho Tôn giả khi tọa thiền không được tĩnh tâm, an lạc.
Những lúc như vậy, Ngài đều được Tôn giả Xá Lợi Phất giải đáp thông tỏ. Vua cha Tịnh Phạn chắc chắn sẽ tìm được người thay thế Ngài để lo việc nước, Ngài cũng nhận ra rằng nhân duyên của mình với Công nương Sandiya chỉ có duy nhất một ngày hôn lễ chứ không phải đời sống vợ chồng. Nhờ vậy, Tôn giả Nan Đà cảm thấy yên tâm hơn.

Biết bao tâm sự của Tôn giả, Đức Thế Tôn đều thấu rõ…
Vào một đêm trời đông se lạnh, tại tinh xá lặng yên thanh bình, chư Tỳ kheo đang tọa thiền. Trong liêu phòng đơn sơ giản dị, Tôn giả Nan Đà cũng đang ngồi thiền, nhưng những vọng tưởng về quá khứ cứ ùa ra quấy nhiễu Ngài. Tôn giả xả thiền, đứng dậy rồi ra ngoài kinh hành. Gió lạnh đầu mùa thổi từng cơn, Ngài quấn kín tấm y quanh người, đôi chân bước nhẹ nhàng men theo lối đi. Tôn giả Nan Đà đi tới một góc vắng vẻ trong tinh xá, tìm một gốc cây cổ thụ rồi ngồi xuống trầm tư.
Tôn giả Nan Đà đang chìm trong muộn phiền, đột nhiên một luồng sáng hồng xuất hiện sưởi ấm không khí xung quanh. Đức Thế Tôn hiện ra trước mắt. Người mỉm cười:
Này Nan Đà, ta sẽ đưa đệ lên thăm cõi trời.

Tôn giả còn đang ngạc nhiên thì Đức Thế Tôn đã nắm tay Ngài, bay qua khỏi các tầng mây mờ ảo. Hai Ngài hướng về phía Đông nơi mặt trời lấp ló những tia sáng đầu tiên, rồi bay vượt ra khỏi địa cầu. Bầu không gian bỗng chuyển sang một cảnh giới mới lạ.
Một thế giới khác hiện ra lấp lánh ánh sáng rực rỡ. Khắp nơi là những lâu đài cung điện đều bằng vàng ngọc lung linh, trập trùng hiện lên trong bầu không khí thơm ngát hương hoa. Những dải mây ngũ sắc mềm mại, óng ánh, trôi bồng bềnh xung quanh. Các chư Thiên tử cầm hoa bay đến đón Phật. Nhạc trời tấu vang lừng, hoa trời tung rải khắp không gian. Nơi cửa cung điện bên cạnh hồ, những Thiên nữ xiêm y lộng lẫy, trang sức vàng ngọc lóng lánh với những gương mặt nhân hậu, hiền lành, và đẹp hơn muôn nghìn đóa hoa kết lại… Đức Thế Tôn dắt tay Tôn giả bay đi nhưng Ngài vẫn ngoái lại nhìn, sững sờ trước những khung cảnh tráng lệ mà mình vừa chứng kiến. Tôn giả Nan Đà thầm nghĩ, cuộc sống của những Thiên tử cõi trời thật hạnh phúc và sung sướng.

Đức Thế Tôn tiếp tục nắm tay Ngài bay thoát ra khỏi cảnh giới cõi trời, trở lại với không gian cũ có Mặt trời, Mặt trăng, Địa cầu, vô số các hành tinh và vì sao… Hai Ngài bay vào khí quyển, ngang qua đại dương sâu thẳm và băng qua một khu rừng đang bốc cháy nghi ngút. Lửa rừng rực thiêu đốt mọi thứ ở gần, muông thú kêu gào thảm thiết khi bị cháy, cây cối ngả nghiêng đỏ rực, có những con khỉ, con gấu đã cháy đen nham nhở nằm vắt ngang qua các gốc cây bốc khói, gương mặt nhăn nhúm đầy đau đớn… Tôn giả bay qua mà lòng tràn ngập đau thương, xót xa cho những sinh vật đang chìm trong cảnh khổ.
Một lát sau khi trời vẫn còn tối, Đức Thế Tôn và Tôn giả đã bay về đất nước Sakya, đáp xuống gốc cây cổ thụ khi nãy. Tôn giả Nan Đà nhớ lại những thế giới mà mình vừa trải qua, sự đối lập giữa khung cảnh vui vẻ huy hoàng nơi cõi trời và cảnh tượng gào khóc khổ đau nơi khu rừng khiến cho tâm trí Ngài rúng động mạnh mẽ. Đức Thế Tôn biết nhân duyên đã đến, Người chỉ dạy với giọng từ ái:
Này Nanda, thân xác này là vô thường biến hoại, vô cùng mong manh dễ vỡ. Một ngày nào đó thân này sẽ già bệnh rồi chết đi, khi chết rồi vẫn chưa hết, thân này sẽ tiếp tục mục nát và chỉ còn lại bộ xương trắng, theo thời gian bộ xương ấy cũng sẽ tan thành cát bụi, bay vào không khí. Này Nan Đà, đệ hãy thường suy nghiệm quán chiếu như thế để tiến tu.

Đức Thế Tôn quay về lại hương thất. Tôn giả Nan Đà nhìn theo rưng rưng nước mắt, Ngài chắp tay cúi chào cung kính, xúc động dâng trào trước lòng từ bi của Thế Tôn.
Kể từ đó, Ngài không ngừng thúc liễm bản thân tu tập theo lời dặn của Đức Thế Tôn. Ngài tinh tấn tọa thiền đều đặn mỗi ngày. Dưới tàng cây cao lớn rộng mát, trên phiến đá bằng phẳng ven bờ suối hay trong căn chòi đơn sơ của tinh xá, Ngài vẫn an tĩnh trong tư thế hoa sen kiết già. Khi trời nắng gay gắt, gió thổi lạnh buốt hay mưa rơi nặng hạt, hình dáng Ngài chầm chậm dạo bước kinh hành trên lối đi dưới hiện chưa bao giờ phai nhạt. Các vị Tỳ kheo trong tinh xá ai ai cũng hoan hỷ trước sự nỗ lực tu hành ấy của Ngài.
Vào một đêm, Tôn giả an trú sâu dần vào trong các tầng thiền định. Ánh trăng chênh chếch soi sáng vạn vật. Khi tia nắng đầu tiên vừa ló dạng, gương mặt Ngài hốt nhiên bừng sáng. Tôn giả Nan Đà đã chứng đắc Thánh quả A La Hán tột cùng.
Thời gian sau, Thế Tôn quyết định rời kinh thành Ca Tỳ La Vệ để đến thành Vương Xá (Rajagaha). Người và chư Tăng rời khỏi những khu dân cư làng mạc, đi vào những khu rừng vắng. Đêm đến, khi vành trăng lơ lửng trên đầu ngọn núi, chư Tăng dựng lều, đốt lửa, lấy nước. Bên đống lửa bập bùng trước cửa một căn lều bạt, các vị Tỳ kheo ngồi vây quanh Tôn giả Nan Đà, thỉnh Ngài kể lại câu chuyện về cõi trời mà Thế Tôn đã đưa Ngài ghé thăm. Sau khi nghe Ngài kể mọi việc chư vị Tỳ kheo vô cùng xúc động. Chợt một vị Tỳ kheo trẻ tuổi chắp tay, thành kính thưa:

Thưa Tôn giả, vậy còn cảnh giới địa ngục thì sao ạ?
Này các hiền giả, Đức Thế Tôn không đưa tôi xuống cõi địa ngục, nhưng tôi đã thấy địa ngục bằng đạo nhãn của mình.
Khi Tôn giả Nan Đà dứt lời, chư vị Tỳ kheo đều quỳ xuống đảnh lễ Ngài, niềm tôn kính dâng tràn trước vị Thánh Tăng đã chứng đạt thắng trí giải thoát, buông xuống mọi gánh nặng thế tục.

IV. CÔNG HẠNH – ĐỨC HẠNH

1. Bậc Đệ Nhất Hộ Trì Các Căn

Chúng sinh sống trong thế giới của tình cảm ưa ghét. Ai cũng thích được nhìn thấy hình ảnh đẹp, nghe âm thanh êm tai, được ngửi hương thơm, nếm vị ngon của thức ăn, được cảm thấy dễ chịu và đón nhận những điều hợp ý. Khi chưa có được thì mong mỏi tìm cầu, có được rồi lại lưu luyến, ôm giữ mãi không buông. Ngược lại, nếu gặp phải những điều chán ghét thì xua đuổi, trốn tránh. Tâm thức của chúng sinh vì thế không ngừng loạn động, lúc nào cũng rong ruổi giữa hai cực đoan bám chấp trốn tránh, vô cùng mệt mỏi và căng thẳng.
Một hành giả trên bước đường tu hành muốn làm chủ nội tâm của mình thì phải biết hộ trì các căn. Tức là, đừng để các giác quan (các căn) chạy theo niềm ưa hay ghét của ngoại cảnh. Trong Tăng chúng, Đức Thế Tôn đã tán thán Tôn giả Nan Đà là vị có phẩm hạnh “Đệ Nhất Hộ Trì Các Căn”.
Từ nhỏ, Ngài đã sống trong khung cảnh diễm lệ của hoàng cung, là hoàng tử và sau đó kế vị ngôi vua. Sự vinh quang, phú quý và uy quyền là tột đỉnh. Ngài được vây quanh bởi châu báu, gấm vóc, cao lương mỹ vị… Thế rồi, chỉ trong một ngày, khi Ngài chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào, tất cả đã thay đổi. Ngay trong lễ thành hôn, Ngài bất ngờ được Thế Tôn cho xuất gia và thọ giới. Từ đó, Ngài bước vào cuộc sống thanh đạm, giản dị của một vị Tỳ kheo với ba y và một bát, khước từ mọi trò vui thế tục, tinh chuyên trong thiền định.
Sự thay đổi đột ngột ấy là một thử thách vô cùng khó khăn, bởi các giác quan đã quá quen với những điều ưa thích. Ngài Nan Đà phải đối mặt với sự hụt hẫng, biết bao nỗi niềm lưu luyến bứt rứt trong lòng. Những ký ức huy hoàng, những hình ảnh lộng lẫy, thanh âm, cảm giác… lúc xưa không ngừng kéo đến quấy rầy tâm tư. Thế nhưng, Tôn giả Nan Đà đã vượt qua tất cả. Ngài hộ trì các căn nghiêm mật từng giây từng phút. Mỗi suy nghĩ khởi lên đều được quán xét kỹ càng trong chánh niệm. Ngài chiến thắng sự ưa ghét của chính mình bằng hạnh tinh tấn phi thường.
Sau khi đã chứng đắc Thánh quả A La Hán, nội tâm hoàn toàn thanh tịnh nhưng Tôn giả vẫn giữ sự hộ trì một cách hoàn hảo, bởi đó là một bài học vô cùng quý giá cho cả cõi nhân thiên.

2. Đức Hạnh Lặng Thầm

“Tôn giả Nan Đà là bậc A La Hán siêu phàm, Ngài lặng lẽ ít nói nhưng luôn làm những điều cao quý ít ai hay biết.” – Đó là lời tán dương chân thành mà Tôn giả Xá Lợi Phất đã dành tặng khi nhắc đến Ngài Nan Đà.
Sau khi xuất gia, Tôn giả Nan Đà thường xuyên phụ giúp Đức Thế Tôn xây dựng Tăng đoàn. Ngài thường tới thưa hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất về những điều luật cần có, để hướng dẫn các vị Tỳ kheo sống trang nghiêm trong mọi sinh hoạt của Tăng chúng. Qua đó, giúp các vị thúc liễm thân tâm, tinh chuyên tu hành và giữ gìn hình ảnh của Tăng đoàn đối với tất cả mọi người.

Không những thế, ngay khi còn là vua của đất nước Sakya, Ngài Nan Đà đã âm thầm hỗ trợ Thế Tôn hoằng Pháp. Lúc đó, Thế Tôn và Tăng đoàn phải đối mặt với sự chống phá gay gắt từ các thế lực ngoại đạo. Chúng giăng ra đầy rẫy những mưu mô, thủ đoạn thâm hiểm. Vì thế, Ngài đã hỗ trợ điều khiển một hệ thống thám tử thâm nhập khắp địa bàn các nước. Hệ thống thám tử này do Thái tử Tất Đạt Đa lập ra trước đây và giao cho Công nương Yashodara tiếp quản khi Người xuất gia. Sau này Ngài Nan Đà đã hướng dẫn, chỉ bảo ngài La Hầu La tiếp nhận lực lượng thám tử này. Vì Ngài biết nhân duyên của Ngài La Hầu La tương lai sẽ trở thành vị Hộ Pháp thầm lặng, đứng sau bảo vệ Thế Tôn và Tăng đoàn. Nhờ có lực lượng này mà mọi dã tâm đã được chặn đứng, góp phần vô cùng quan trọng trong sự nghiệp hoằng dương chánh Pháp của Thế Tôn.

V. KẾT LUẬN

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay thì ai ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều thông tin trên thế giới, tốt có mà xấu cũng không ít. Người có trí tuệ phải có bản lĩnh chọn lọc được điều gì là đúng, là phù hợp với bản thân mình. Đặc biệt là những người con Phật lại càng phải hộ trì các căn nghiêm mật để phòng hộ thân tâm, không để tâm chạy theo ngoại cảnh khiến tham sân si tăng trưởng, từ đó mất đi duyên lành với chánh Pháp. Do đó, đức hạnh về sự hộ trì các căn của Ngài Nan Đà luôn là bài học quý giá cho chúng sinh noi theo. Hình ảnh của Ngài là biểu tượng sáng ngời, truyền sức mạnh cho chúng sinh vượt qua những cám dỗ nhiễm ô, là nguồn cảm hứng dạt dào để nhân loại xây dựng một thế giới tương lai thanh tịnh, đẹp ngời.
Chúng con cũng nguyện sẽ noi theo tấm gương vĩ đại của Tôn giả, muôn đời muôn kiếp dâng lên Đức Phật lòng tôn kính tuyệt đối, dù cho xác thân có nát tan cũng không xao động. Chúng con nguyện sẽ huân tập hạnh nhu thuận và vâng lời để diệt trừ bản năng kiêu mạn, mở lòng đón nhận những lời chỉ bảo của bậc Minh sư, thiện hữu, cùng nhau đoàn kết để xây dựng chánh Pháp trường tồn.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Nan Đà là vị A La Hán vĩ đại trong hàng đệ tử Đức Phật. Từ khi còn là hoàng tử, Ngài luôn trọn lòng tin kính tuyệt đối với Hoàng huynh Tất Đạt Đa. Lúc nào Ngài cũng nhu thuận theo những lời chỉ dạy của Thái Tử và không bao giờ làm trái dù chỉ trong ý nghĩ. Ngài bất ngờ gia nhập Tăng đoàn khi đang là vua của nước Sakya. Nhờ vâng lời Thế Tôn chỉ dạy, Tôn giả ngày đêm tinh chuyên thiền định, hộ trì các căn nghiêm mật. Cuối cùng, Ngài chiến thắng được vô minh ngã chấp sâu kín trong nội tâm, chứng đắc Thánh quả A La Hán với công hạnh “Đệ Nhất Hộ Trì Các Căn”. Ngài còn là vị hộ pháp thầm lặng, cả đời hi sinh bảo vệ để Phật Pháp được lan tỏa tới khắp mọi nơi.

Quý Phật tử thờ kính Ngài sẽ dần thành tựu:
Lòng tôn kính Phật và các bậc Thánh tuyệt đối, gieo nhân lành chứng Thánh mai sau. Luôn được gia hộ chở che, dễ gặp may mắn trong công việc và trong cuộc sống.
Có được trí tuệ và sự khéo léo hộ trì các căn, có sức mạnh ý chí phi thường để vượt qua những cám dỗ, nghịch cảnh. Từ đó làm việc gì cũng đạt được kết quả tốt đẹp cuối cùng.
Thành tựu được tài năng và sức khỏe tốt để cống hiến phụng sự cho xã hội, đạo Pháp, tạo được nhiều công đức lành và đem lại lợi ích cho cuộc đời.

VII. THƠ TỤNG

Cúi đầu đảnh lễ Thánh Tăng
Bước từ ngôi báu quyền năng cao vời
Khiêm cung, nhu thuận, vâng lời
Theo chân Phật sống cuộc đời xuất gia
Giản đơn, thanh tịnh, ái hòa
Bậc Thánh giác ngộ vượt ngoài khổ vui
Thân này giả tạm mà thôi
Đắm say hưởng thụ để rồi khổ đau
Kiêu căng chấp ngã theo nhau
Làm cho dục vọng cuộn trào biển khơi
Từng cơn sóng cuốn dập vùi
Chìm trong sinh tử mịt mù tối tăm
Kiếm tìm thỏa mãn các căn
Chạy theo ích kỷ, tham sân buộc ràng
Mắt say mê sắc thế gian
Tai ưa thích tiếng dịu dàng ngọt ngon
Mũi tìm ngửi những hương thơm
Lưỡi ưa nếm trải vị ngon thế trần
Xúc chạm cung phụng xác thân
Một mai phước cạn muôn lần đắng cay
Quay về nương bóng Phật đài
Hoa sen trong nắng sớm mai đẹp ngời
Chúng con nguyện mãi muôn đời
Trọn lòng tôn kính theo Người quy y
Lời Phật soi sáng đường đi
Noi gương bậc Thánh, chẳng gì là ta
Phật khen Tôn giả Nan Đà
“Đệ Nhất Tiết Chế Hộ Trì Các Căn”
Đóng lại vọng tưởng lăng xăng
Mở ra thế giới thênh thang diệu huyền
Tinh tấn trên bước đường thiền
Siêng năng tạo phước kết duyên tu hành
Gieo trồng hạt giống thiện lành
Yêu thương san sẻ bình an cõi lòng
Ước mơ thế giới đại đồng
Tìm về Vô Ngã mênh mông không cùng…
Nam Mô Nan Đà Tôn Giả (3 lần)

Trích ” Thánh Độ Mệnh ( TÔN GIẢ NAN ĐÀ

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x