Những ai thoát khỏi tham, sân
Vô minh, ngã chấp, bụi trần biến tan
Tuệ đăng ngời rạng thế gian
Hoằng dương chánh Pháp xóa tan mây mù.
I. XUẤT THÂN
Hừng đông ló dạng trên rặng Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Lớp sương khuya vẫn còn phủ dày mặt sông Aciravati. Trên phố, xe ngựa, xe kéo chở đầy hàng hóa đã ra vào tấp nập. Người dân đã họp chợ từ sớm tinh mơ, những tiếng mua bán vang lên ồn ã, rộn ràng cả bầu không khí.
Kinh thành Xá Vệ (Savatthi) của đất nước Kiều Tát La (Kosala) vẫn luôn sầm uất và nhộn nhịp như thế. Là một trong sáu kinh đô phồn thịnh bậc nhất lục địa Ấn Độ thời bấy giờ, Xá Vệ thu hút rất đông các thương gia từ khắp nơi tìm đến. Người dân ở đây rất hiền lương, đời sống ấm no và hạnh phúc.
Cũng tại đây, trong một gia đình trưởng giả giàu có, Tôn giả Nan Đà Ca (Nandaka) chào đời trong sự đón mừng của tất cả mọi người.
Từ nhỏ, Ngài Nan Đà Ca đã có niềm yêu thích với những kinh điển cổ. Khi lớn lên, Ngài nổi tiếng với khả năng diễn thuyết thiên phú. Ngài có thể diễn thuyết hàng giờ và giảng giải trôi chảy các giáo lý với những ví dụ gần gũi, dùng ngôn từ giản dị nhưng vô cùng thuyết phục. Bất cứ khi nào có mặt trong một cuộc luận thuyết, Ngài Nan Đà Ca luôn trở thành tâm điểm của thính chúng.
II. XUẤT GIA – CHỨNG ĐẠO
Một ngày, kinh thành Xá Vệ tưng bừng như ngày hội chào đón một sự kiện đặc biệt. Đó là ngày khánh thành tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Tinh xá là một công trình kỳ vĩ, được xây dựng trong khu vườn rừng mà nhà đại phú Cấp Cô Độc (Anathapindika) mua từ Thái tử Kỳ Đà (Jeta) để cúng dường lên Đức Thế Tôn.
Từ lâu, Ngài Nan Đà Ca đã yêu kính những bậc tu hành. Nay sắp được yết kiến Bậc Giác Ngộ, Ngài vui mừng khôn xiết. Đến tinh xá từ sáng sớm, Ngài được chứng kiến hàng nghìn người từ các vùng miền đổ về, niềm háo hức rạng rỡ trên gương mặt.
Khi vầng dương vừa lên, Thế Tôn và Tăng đoàn xuất hiện. Từ dung nghi ngời rạng tỏa ra nơi Người, Ngài Nan Đà Ca biết đó chính là Đức Thế Tôn. Giây phút Thế Tôn đi qua trước mặt, toàn thân Ngài rúng động. Ngài chỉ biết lặng người quỳ gối, chắp tay dõi theo từng bước chân trầm hùng tiến dần vào tinh xá.
Đức Thế Tôn ngự uy nghiêm trên pháp tòa. Người cất lời pháp âm trầm ấm, đó là bài Pháp đầu tiên tại tinh xá Kỳ Viên. Mọi người chăm chú lắng nghe.
Bài Pháp vang rền cả giảng đường. Đức Thế Tôn giảng về những nơi phù hợp cho chúng sinh cư ngụ. Có bốn nơi đáng để sinh sống. Một là nơi mọi loài đều biết yêu thương nhau. Ở đó, chúng sinh không có hận thù, ganh ghét hay giết hại. Hai là nơi chánh Pháp được tuyên dương và lan truyền rộng rãi, chúng sinh cùng sống trong nguồn đạo lý thiêng liêng, cùng hướng về tu hành giải thoát. Thứ ba, phước báu thật thù thắng cho chúng sinh nào được sống ở nơi có những bậc Thánh Tăng cư ngụ, đó là ruộng phước cho chúng sinh gây tạo công đức lành.
Và cuối cùng, nơi cư trú vĩ đại nhất, nhiệm màu nhất, đó chính là Niết Bàn tịch lặng. Nơi đó, chúng sinh không còn luân hồi, đã giải thoát hết mọi lụy phiền sinh tử. Chỉ có người xuất gia chứng đắc trí tuệ của bậc Thánh nhân A La Hán mới có thể thấy được sự hạnh phúc nơi Niết Bàn. Giữa dòng luân hồi khổ đau, chúng sinh hãy tự tạo cho nhau những trú xứ an lành như thế, để tất cả cùng hưởng được nguồn Pháp màu diệu lạc.
Bài Pháp kết thúc, hội chúng như bừng lên trong niềm hạnh phúc an lạc. Dòng Pháp của Thế Tôn thật thanh cao mà gần gũi. Niềm mong ước được nương mình dưới bóng từ bị và trí tuệ của Đức Thế Tôn tràn ngập tâm hồn, Ngài Nan Đà Ca quỳ dưới chân Thế Tôn xin được xuất gia trong chánh Pháp của Người trong niềm xúc động. Thế Tôn mỉm cười chấp thuận. Nắng đã chiếu vàng ươm trên lối vào tinh xá…
Sau khi xuất gia, Tôn giả Nan Đà Ca ngày đêm tinh tấn tu hành. Ngoài những lúc tham vấn các bậc giáo thọ sư về giáo lý, về thiền định, Tôn giả thường dành hết thời gian để hành thiền.
Một thời gian sau, với tuệ quán thâm sâu, Ngài nhập vào các mức định. Ngài dần nhớ lại tất cả các kiếp sống của mình trong quá khứ, Ngài thông tỏ Túc Mạng Minh, rồi thấu triệt cả Tam Minh. Tôn giả Nan Đà Ca đã chứng đắc Thánh quả A La Hán tối thượng.
Đêm đó, cả bầu trời như bừng sáng, đón chào một vị Thánh vừa mới xuất hiện trên thế gian này. Ngoài kia, dòng Aciravati vẫn lững lờ, êm đềm trôi.
III. ĐỆ NHẤT GIÁO GIỚI TỲ KHEO NI
Trong tinh xá Kỳ Viên, Đức Thế Tôn căn dặn cứ cách hai tuần sẽ có một Tôn giả Tăng sang Ni chúng thuyết Pháp, khuyến tấn cho các Tỳ kheo Ni.
Từ khi xuất gia, Ngài Nan Đà Ca nổi tiếng trong Tăng đoàn với khả năng biện tài xuất chúng. Ngài có thể giảng giải những giáo lý khó và trừu tượng một cách rất dễ hiểu. Bằng cách đặt câu hỏi, Ngài dẫn dắt người nghe từng bước, mỗi bước lại tiến gần hơn với đạo lý, rồi cuối cùng hùng biện thuyết phục, lay động tâm hồn thính chúng. Nhờ vậy, đạo lý được sáng tỏ, ai ai cũng có thể dễ dàng tin hiểu và hành trì.
Một buổi sáng mùa thu, tiết trời tạnh ráo, đến phiên Tôn giả Nan Đà Ca thuyết Pháp cho các Tỳ kheo Ni.
Thế nhưng, dường như Ngài chưa muốn đi sớm. Hôm đó, Tôn giả nhập thời tĩnh tọa lâu hơn thường ngày. Sau khi xả thiền, Ngài kinh hành và ở trong tịnh thất như có ý chờ đợi điều gì đó.
Ngay lúc đó, Đức Thế Tôn cho gọi Ngài tới:
– Này Nan Đà Ca, tại sao hôm nay con chưa sang thuyết Pháp cho chư Ni?
– Bạch Thế Tôn, hôm nay trong thiền định con quán xét thấy con và một số vị Tỳ kheo trong Ni chúng từng có duyên kiếp xưa. Con sợ rằng nếu biết được chuyện này, một số vị sẽ hiểu lầm và ảnh hưởng đến con đường tu đạo của chư Ni.
– Này Nan Đà Ca, đây là nhân duyên hóa độ đặc biệt của con. Con hãy sang thuyết Pháp cho các Tỳ kheo Ni.
– Bạch Đức Thế Tôn, con xin vâng lời Người.
Tinh xá Rajakarama của chư Ni nằm phía đông nam kinh thành Xá Vệ, cách không xa tinh xá Kỳ Viên. Khung cảnh vô cùng khả ái và thanh tịnh. Khi Tôn giả Nan Đà Ca bước đến, các vị đã soạn sẵn chỗ ngồi, chuẩn bị bát nước rửa tay, rửa chân cho Ngài.
Giảng đường rất rộng, hội chúng có hơn năm trăm vị Tỳ kheo Ni ngồi ngay ngắn hai bên. Uy đức của Tôn giả làm không khí trở nên vô cùng trang nghiêm. Hôm nay, Ngài thuyết giảng về sự vô thường, vô ngã của Lục căn, Lục trần và Pháp hành.
Tôn giả bắt đầu những câu hỏi bằng giọng nhẹ nhàng và đây trân trọng:
– Này các Hiền tỷ, các Hiền tỷ thấy lục căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là thường hằng hay là vô thường?
– Thưa Tôn giả, lục căn đều là xác thân vật chất, rồi cũng sẽ rã tan, biến hoại, nên lục căn là vô thường
– Này các Hiền tỷ, các Hiền tỷ thấy lục trần bao gồm hình ảnh, âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm giác, ý tưởng là thường hằng hay là vô thường?
– Thưa Tôn giả, trên thế gian chẳng có hình ảnh nào tồn tại mãi, chẳng có hương thơm nào mà không phai đi, âm thanh được cất lên trong phút chốc rồi cũng vụt trôi mất… Thưa Tôn giả, lục trần cũng là vô thường ạ.
– Lành thay các Hiền tỷ, đúng là như vậy. Lục căn và lục trần đều là vô thường, điều này thật dễ hiểu.
Tôn giả tiếp tục giảng giải sâu hơn:
– Này các Hiền tỷ, ngọn đèn được cấu tạo từ dầu, bấc, lửa và từ đó phát ra ánh sáng. Nhưng nếu hết dầu, bấc đã cháy rụi và lửa không còn thì có thể phát ra ánh sáng được nữa không?
– Thưa Tôn giả, không ạ.
– Này các Hiền tỷ, cây cối được cấu tạo từ rễ, lõi, thân, cành lá và cho ta bóng mát. Nhưng nếu rễ đã hư hoại, lõi bị mục ruỗng, thân và cành lá cũng bị chặt thì liệu còn cho ta bóng mát được nữa không?
– Thưa Tôn giả, không ạ.
– Lành thay các Hiền tỷ, đúng là như vậy. Và này, các Hiền tỷ, khi lục căn tiếp xúc với lục trần, tức là mắt nhìn thấy hình ảnh, tai nghe được âm thanh… sẽ tạo ra những cảm giác, nhận thức, tình cảm ưa ghét khác nhau. Những cảm giác, nhận thức, tình cảm ưa ghét này liên tục khởi lên, quyện chặt vào nhau khiến chúng sinh có ảo tưởng là có bãn ngã, có cái ta thường hằng. Thế nhưng, giống như ánh sáng, sẽ không còn nếu dầu, bấc, lửa không còn, giống như bóng mát, cũng không thể tồn tại nếu rễ, lõi, thân, cành lá đã bị chặt. Bởi lục căn, lục trần là vô thường, là biến hoại nên cũng không có bản ngã thường hằng, không có gì là ta, không có gì là của ta.
– Này các Hiền tỷ, bởi vì vô thường, biến hoại nên nó là khổ. Thế gian này là vô thường, xác thân này là vô thường. Ai cho rằng lục căn, lục trần là thường hằng, là ta, là của ta, rồi bám chấp vào đó thì chắc chắn sẽ nhận lấy khổ đau.
Bài Pháp hôm đó rất dài, nhưng bằng cách nhẹ nhàng và khéo léo như vậy, Tôn giả Nan Đà Ca đã lần lượt dẫn dắt các vị Tỳ kheo Ni đi từ những điều dễ hiểu đến những điều thâm sâu vi tế, làm sáng tỏ bản chất vô ngã, vô thường của mọi điều trên thế gian.
Nắng đã lên cao, lá thu nhẹ nhàng rơi bên khung cửa.
Sau bài Pháp, một số vị Tỳ kheo Ni đã chứng đắc được Thánh quả. Cả đại chúng đều hoan hỷ thọ trì lời dạy của Ngài.
Khi trở về Ngài đến đảnh lễ Thế Tôn, thật đặc biệt, Đức Thế Tôn khuyên Tôn giả hãy đến giáo giới cho các vị Tỳ kheo Ni thêm lần nữa.
Hôm sau, Tôn giả tiếp tục đến tinh xá Rajakarama thuyết Pháp. Lần này, Ngài vẫn giảng về lục căn, lục trần nhưng phong phú hơn và lấy nhiều ví dụ hơn. Cuối cùng,
Ngài cất lời trầm hùng khuyến tấn:
– Này các Hiền tỷ, hãy tinh tấn lên. Hãy dùng thanh gươm của trí tuệ để cắt lìa tham ái. Hãy đoạn trừ tất cả phiền não, tất cả kiết sử, bản năng ích kỷ, chấp ngã thẳm sâu tâm hồn. Hãy bước đi này các Tỳ kheo Ni, giờ đã đến rồi!
Tôn giả vừa dứt lời, tất cả năm trăm vị Tỳ kheo Ni bùng ngộ, chúng đắc Thánh quả, từ sơ quả Tu Đà Hoàn đến tứ quả A La Hán. Trước giây phút thiêng liêng ấy, tỉnh xá rực sáng hào quang, cánh rừng lao xao như reo mừng, chư Thiên các tầng trời bay về tụ hội tán thán.
Trong tinh xá Kỳ Viên, Đức Thế Tôn mỉm cười. Người chỉ dạy rằng:
– Này các Tỳ kheo, các bài giáo giới của Tỳ kheo Nan Đà Ca giống như trăng mười bốn và trăng rằm. Cả hai đều tuyệt đẹp. Nhưng trăng vào ngày rằm thì chẳng còn bất kỳ ai nghi ngờ rằng trăng đã tròn hay chưa. Bởi khi đó, mặt trăng đã tròn đầy và sáng tỏ vằng vặc. Nhờ vào bài giáo giới của Tỳ kheo Nan Đà Ca, tất cả năm trăm Tỳ kheo Ni đã thấy Pháp.
Chính vì lý do này, Đức Thế Tôn đã tán thán Tôn giả Nan Đà Ca với danh hiệu “Đệ nhất giáo giới Tỳ kheo Ni”.
Để có được danh hiệu này, Tôn giả Nan Đà Ca đã gieo trồng nhân lành từ vô lượng kiếp. Thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara), Ngài đã cúng dường, hộ trì Tam Bảo hết lòng và phát tâm thành tựu hạnh nguyện giáo giới cho các vị Tỳ kheo Ni và được Đức Phật thọ ký. Trải qua vô số kiếp gây tạo công đức lành, lời nguyện ấy của Ngài đã được viên mãn.
Sau này, ngày càng có nhiều thiện nữ khởi lòng tôn kính xuất gia vào Tăng đoàn của Đức Thế Tôn. Nhờ sự giáo giới của Ngài, đã có thêm nhiều vị bước chân vào ngôi nhà của các bậc Thánh.
IV. SỰ IM LẶNG CỦA BẬC THÁNH
Một buổi chiều tại tinh xá Kỳ Viên, khung cảnh thật yên bình. Gió khẽ thổi qua hàng cây xanh mát, nắng vàng tỏa xuống mặt hồ làm phản chiếu những vệt sáng lấp lánh.
Trong giảng đường, Tôn giả Nan Đà Ca đang thuyết Pháp cho các vị Tỳ kheo. Ngài ngồi trên pháp tòa, điềm đạm giảng giải. Giọng Ngài thuyết rất vừa chừng, nhưng vang xa và lay động thính chúng. Ngài soi tỏ những nghi hoặc và khúc mắc một cách rất nhẹ nhàng.
Đức Thế Tôn lúc ấy từ tịnh thất xả thiền đi tới giảng đường, lúc này cửa giảng đường đang đóng chặt. Thế Tôn không muốn làm gián đoạn thời Pháp, Người lặng lẽ đứng bên ngoài, chờ đến khi bài Pháp kết thúc.
Khi cánh cửa giảng đường từ từ mở ra, bài Pháp đã chấm dứt, dáng hình uy nghi của Đức Thế Tôn bỗng xuất hiện. Các vị Tỳ kheo tỏ ra bối rối, Tôn giả Nan Đà Ca liền vội tới quỳ dưới chân Đức Thế Tôn:
– Bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin sám hối, khi Thế Tôn đến chúng con không kịp ra tiếp đón.
Đức Thế Tôn nhìn Tôn giả ôn tồn nói:
– Lành thay, này Nan Đà Ca, Thầy đã giảng cho các vị Tỳ kheo. Thật xứng đáng cho các vị Tỳ kheo ở đây được nghe Thầy thuyết Pháp. Như Lai đã đứng ngoài cửa lắng nghe cho đến khi bài Pháp chấm dứt.
Nhưng các vị vẫn thấy mình sơ suất với Đấng Thiện Thệ. Vì thế, Ðức Thế Tôn nhẹ nhàng giảng giải tiếp:
– Này Nan Đà Ca, khi các Thầy hội họp với nhau, có hai việc chân chánh cần phải làm, đó là nói Pháp hoặc giữ im lặng của bậc Thánh.
– Này Nan Đà Ca, Như Lai đã lắng nghe Thầy giảng. Thầy đã tuyên giảng giáo Pháp của Như Lai một cách chân chính và khéo léo. Còn Như Lai thì giữ việc im lặng của một bậc Thánh.
Hình ảnh vị đệ tử đĩnh đạc trên tòa tuyên Pháp còn Bậc Đạo Sư lặng lẽ, an định và hoan hỷ bên ngoài lắng nghe là hình ảnh vô cùng thiêng liêng và xúc động. Dù là sự “im lặng” nhưng lại cao quý hơn tất cả ngôn từ trên thế gian. Ngàn đời xưa cho đến về sau, đây sẽ là câu chuyện được truyền tụng mãi để kể về Thánh hạnh của Đức Thế Tôn và các vị đệ tử trong giáo Pháp của Người.
V. KẾT LUẬN
Suốt cuộc đời, Tôn giả Nan Đà Ca (Nandaka) đã thuyết Pháp cho rất nhiều vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni và cư sĩ khiến cho hội chúng không những tin hiểu giáo Pháp mà còn chứng đắc các quả Thánh vĩ đại. Ngài là một tấm gương sáng trong hạnh nguyện hoằng pháp độ sinh của người con Phật. Không chỉ vậy, cách cư xử tinh tế và đầy trân trọng của Ngài với các vị Tỳ kheo Ni đã làm sáng ngời lên đức hạnh của một vị A La Hán. Bởi vậy, Ngài được Đức Thế Tôn tán thán với danh hiệu “Đệ Nhất Giáo Giới Tỳ Kheo Ni”.
Chúng con nguyện luôn tinh tấn tu hành, siêng năng học hỏi giáo Pháp, không quản ngại khăn khó dấn thân trên con đường hoằng dương chánh Pháp. Xin nguyện luôn hoan hỷ và ủng hộ mỗi khi thấy mọi người thành tựu được công đức lành. Xin chư Phật gia hộ cho chúng con biết yêu thương và đoàn kết với nhau, để cùng nhau xây dựng ngôi nhà Phật Pháp trường tồn.
VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH
Tôn giả Nan Đà Ca (Nandaka) là vị A La Hán xuất sắc trong hàng đệ tử của Đức Phật. Ngài được Đức Thế Tôn tán thán với danh hiệu Đệ Nhất Giáo Giới Tỳ Kheo Ni. Suốt cuộc đời, Tôn giả đã thuyết Pháp cho rất nhiều các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni và cư sĩ. Từ đó, thính chúng tin hiểu sâu sắc giáo Pháp, đồng thời chứng đắc các quả Thánh vĩ đại. Không chỉ vậy, cách cư xử tinh tế và đầy trân trọng của Ngài với các vị Tỳ kheo Ni đã làm sáng ngời lên đức hạnh của một vị A La Hán. Ngài là một tấm gương sáng trong hạnh nguyện hoằng pháp độ sinh của người con Phật.
Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:
– Có được sự tinh tế trong cách đối nhân xử thế nên được mọi người kính trọng và thương yêu. Thường đảm nhận những vị trí quan trọng và thành công trong công việc.
– Tin hiểu sâu sắc về đạo lý và có thể giảng giải một cách chi tiết, cụ thể. Có duyên lành trong việc hoằng dương chánh Pháp. Giúp mọi người tin hiểu và thực hành giáo Pháp chân chính, gây tạo được nhiều công đức lành cho mai sau.
– Gặp nhiều mắn may trong cuộc sống, luôn có Thầy lành bạn tốt giúp đỡ trên con đường tu tập.
VII. THƠ TỤNG
Chí tâm đảnh lễ Phật Đà
Bậc Thầy mở lối thoát ra khổ sầu
Chí tâm đảnh lễ Pháp màu
Con đường giác ngộ nhiệm màu thiêng liêng
Chí tâm đảnh lễ Thánh hiền
Chư A La Hán thênh thang giữa đời
Chúng con lạy tạ ơn Ngài
Nan Đà Ca bậc biện tài lưu danh
Tên Ngài in dấu sử xanh
Đệ Nhất Giáo Giới Ni Đoàn thuở xưa
Dùng lời nói khéo dẫn đưa
Chư Ni lần lượt trở về Chân Như
Đức Ngài vằng vặc trăng thu
Hạnh nguyện hoằng pháp gieo từ nghìn xưa
Phước lành ai được lắng nghe
Như người được vén mây mù trong tâm
Cúi đầu lạy tạ Phật ân
Từ bi đức hạnh bao trùm thế gian
Chúng sinh đau khổ lầm than
Cũng vì nghiệp quả đã mang nhiều đời
Vượt lên thân phận con người
Cần siêng tạo phước giúp đời bình an
Không màng hưởng lạc thế gian
Cùng nhau thúc liễm thân tâm từng giờ
Chúng con nguyện mãi tôn thờ
Dâng niềm thương kính vô bờ Như Lai
Yêu thương khắp cả vạn loài
Chắp tay cung kính đất trời cỏ cây
Chúng con xin nguyện từ đây
Noi gương bậc Thánh theo Ngài độ sinh
Giữ gìn giáo Pháp quang minh
Để cho khắp cả chúng sinh sau này
Xem mình như cỏ như cây
Như sương trong nắng bụi bay gió chiều
Đường tu vất vả bao nhiêu
Nhưng luôn có Phật dắt dìu con đi
Củi đầu lạy Đấng Từ Bi
Xin Người gia hộ độ trì cho con
Nguyện cho giáo Pháp trường tồn
Vạn loài ai cũng là con Phật Đà.
Nam Mô Nan Đà Ca Tôn Giả (3 lần)