Tôn Giả Lakuntaka Bhaddiya – Âm Thanh Vi Diệu Đệ Nhất

Như núi cao bất động
Gió thổi chẳng bạt đi
Trí giả tâm tĩnh lặng
Mặc gió đời thị phi.

Tôn Giả Lakuntaka Bhaddiya - Âm Thanh Vi Diệu Đệ Nhất -

TÔN GIẢ LAKUNTAKA BHADDIYA – ÂM THANH VI DIỆU ĐỆ NHẤT

I. XUẤT THÂN

Thuở ấy, thành Xá Vệ (Savatthi) được mệnh danh là kinh đô của sự thịnh vượng, thuộc vương quốc Kiều Tát La (Kosala) hùng mạnh. Tại đây quy tụ hàng nghìn thương nhân, giáo sĩ từ khắp mọi nơi tìm đến. Ban ngày, từng dòng xe đổ về tấp nập, tiếng ngựa kéo, tiếng khu chợ mua bán ồn ã, tiếng nói cười râm ran… tạo nên những thanh âm vô cùng náo nhiệt. Hàng hóa được trưng bày đủ màu sắc rực rỡ khắp nơi.
Kinh thành sầm uất ấy chính là quê hương của Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya. Ngài là người con trong gia đình có truyền thống Bà la môn, thuộc một trong những dòng dõi quý tộc danh giá nhất thời bấy giờ. Ngài lớn lên trong cảnh giàu sang phú quý, giữa vòng tay thương yêu của cha mẹ và tất cả mọi người.
Ngay từ lúc mới sinh, Ngài đã mang một thân hình thấp với dáng dấp nhỏ bé. Thế nhưng, Ngài lại được thiên phú một giọng nói vô cùng ngọt ngào, truyền cảm, khiến ai nghe được cũng dễ dàng sinh lòng quý mến. Trong những buổi lễ tụng kinh, chất giọng ấy ngân lên làm không khí thêm phần trang trọng. Khi Ngài nói chuyện, người đối diện cũng như được hòa mình vào các cung bậc cảm xúc. Đặc biệt, mỗi khi Ngài giúp đỡ hay lên tiếng an ủi một ai, giọng nói ấy trở nên ấm áp và dịu hiền vô cùng, vừa như đang vỗ về, vừa như chở che cho những cảnh đời khốn khó ấy.

II. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA

Năm ấy, Đức Phật cùng Tăng chúng an cư tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Nghe tin có Bậc Đạo Sư về thuyết Pháp, khắp kinh thành Xá Vệ mừng vui như mở hội. Mọi người truyền tai nhau đến tham dự. Nét mặt ai cũng rạng ngời và phấn khởi. Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya khi biết tin ấy bỗng khởi niềm kính ngưỡng vô cùng. Ngay hôm đó, Ngài gác lại mọi công việc tìm đến tinh xá.
Tại tinh xá Kỳ Viên, những tia nắng đầu tiên của bình minh đã rực sáng cả không gian, cơn gió trời khẻ đưa khóm hoa bung nở. Từ sớm, đoàn người từ khắp nơi đã nườm nượp đổ về chật kín các lối đi. Đến giờ thuyết Pháp, tất cả ngồi trang nghiêm trên những phiến đá phẳng được trải thành hàng ngay ngắn trong khu giảng đường. Đức Thế Tôn ngự trên pháp tòa, đầy uy nghi và đĩnh đạc. Từng câu, từng chữ mà Người thuyết giảng đều thật thiêng liêng, cao quý. Thế Tôn vừa dừng lời, niềm xúc động bỗng dâng lên vỡ òa trong tâm trí Ngài Lakuntaka Bhaddiya. Ngài tiến lại gần Thế Tôn và quỳ xuống chắp tay đảnh lễ. Ngài xin Thế Tôn cho phép xuất gia. Đức Thế Tôn ngắm nhìn người thanh niên trẻ, Người mỉm cười đồng ý.
Từ giây phút thiêng liêng ấy, cuộc đời của Ngài Lakuntaka Bhaddiya rẽ sang một trang mới, một đời sống giản dị thanh lương với ba y một bát. Hằng ngày, Ngài tinh tấn tọa thiền dưới những tàng cây, trên những phiến đá, dù trời nóng gắt hay lạnh thấu thịt da. Rồi đây Ngài sẽ đem giáo Pháp đến mọi chốn nghìn nơi, gieo vào lòng người những đạo lý cao đẹp.

Một hôm, kinh thành Xá Vệ trở nên đông đúc và tấp nập hơn thường ngày để đón mừng lễ hội truyền thống của Bà la môn giáo. Những con phố ngập tràn sắc màu, hoa tươi được giăng đầy trên các lối, âm nhạc và vũ điệu truyền thống được biểu diễn khắp nơi trong thành. Giữa không gian rộn ràng ấy, Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya, trong tấm áo nâu của người tu sĩ, đang lặng lẽ thả những bước nhẹ nhàng trên đường khất thực. Ngài dừng lại trước cửa một ngôi nhà có nhiều dây leo uốn thành vòm xanh mát. Người gia chủ cẩn thận sớt phần vật thực vào bát rồi khiêm cung xá xuống và nở một nụ cười hoan hỉ. Ngài trân trọng đón nhận.
Bất chợt, có tiếng vó ngựa lộc cộc chạy qua. Một người phụ nữ quý phái ngồi trên cỗ xe ngựa treo đầy hoa, đi cùng một vị Bà la môn đang ngắm nhìn không khí nhộn nhịp của lễ hội. Khi trông thấy vị Tỳ kheo trong thân hình thấp nhỏ, đang ôm bình bát đi khất thực, người phụ nữ bỗng bật cười lanh lảnh. Tiếng cười vang lên giữa góc phố rồi thoáng trôi đi theo bóng của cỗ xe chạy xa dần.
Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya bình thản đón nhận nụ cười ấy. Và Ngài lấy đó làm đề mục thiền quán. Chỉ một thời gian ngắn, Ngài chứng đạt Thánh quả A Na Hàm.

III. CHỨNG ĐẠO GIẢI THOÁT

Sau khi trở về tinh xá, nhận thấy mình cần tinh tấn trong thiền định hơn nữa, Ngài đến xin Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) chỉ dạy. Tôn giả Xá Lợi Phất nhìn vị Tỳ kheo trẻ và quán sát thấy nhân duyên chứng đạo đã đầy đủ. Tôn giả mỉm cười rồi hướng dẫn Ngài Lakuntaka Bhaddiya một bài kinh vô cùng quan trọng. Đó là bài kinh Thân Hành Niệm.

Này hiền giả Lakuntaka Bhaddiya, Đức Thế Tôn thường tán thán ai tu tập “Thân Hành Niệm” sẽ có được quả báo lớn, công đức lớn. Vị nào tu tập “Thân Hành Niệm” cho sung mãn thì các thiện pháp của vị ấy sẽ đi vào nội tâm. Không tu tập “Thân Hành Niệm”, Ma vương dễ có cơ hội kiểm soát vị ấy. Hiền giả hãy nhiệt tâm, tinh cần hành trì để đạt được những lợi ích thiết thực.
Ngài Lakuntaka Bhaddiya cúi đầu, khiêm cung đón nhận lời chỉ bảo của bậc Tướng Quân Chánh Pháp. Sau đó, Ngài tìm đến khu rừng Ambataka để chuyên tâm hành thiền.
Đêm đến, khu rừng thật tĩnh mịch. Ánh trăng tỏa xuống không gian một màu sáng bàng bạc. Những tàng cây lớn, những con đường đất, mây trời, mái am nhỏ. hiện ra sáng tỏ. Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya tĩnh tọa trên một thềm cỏ, toàn thân Ngài tỏa ra hào quang dìu dịu hòa cùng với ánh trăng. Trong tư thế kiết già an định, Ngài cảm giác khắp toàn thân, an trú khắp toàn thân. Ngài biết rõ hơi thở vào, biết rõ hơi thở ra.
Ngài quán chiếu sâu xa cấu tạo của thân thể. Thân này được bao bọc bởi da, bên trong chứa đầy những chất bất tịnh khác nhau. Tất cả chỉ là một tập hợp của tóc, lông, móng, máu, thịt, gân, xương, tim, gan… Chẳng có gì là ta, chẳng có gì là của ta.
Ngài thấy rõ thân này là vô thường, sinh ra, lớn lên, rồi sẽ già, bệnh, chết. Khi chết rồi, thi thể vẫn tiếp tục bị phân hủy, bị côn trùng đục khoét, để rồi chỉ còn lại bộ xương mục ruỗng. Cuối cùng, xương cũng tan thành bụi bay luôn. Thân này là vô thường, thân này không phải ta, không phải là của ta.
Ngài thâm nhập sâu dần vào trong các tầng bậc thiền định. Cả không gian lắng im theo từng nhịp thở nhẹ nhàng và đều đặn. Đến nửa đêm, nội tâm khai mở, Ngài chứng đạt Thánh quả A La Hán, viên mãn giải thoát giác ngộ.
Trong giây phút hạnh phúc ngập tràn, Ngài hướng tâm về Đức Thế Tôn với lòng biết ơn khôn cùng. Ngài dâng lòng biết ơn đến Tôn giả Xá Lợi Phất. Thân tướng Ngài từ khi sinh ra đã nhỏ bé, vì vậy hay bị người đời trêu chọc. Nhưng nhờ Tôn giả Xá Lợi Phất chỉ dạy bài kinh “Thân Hành Niệm”, Ngài đã chứng đạo nhờ nghiêm mật quán sát chính thân thể mình.

Ngài cũng hướng tâm về vô số chúng sinh. Chúng sinh lúc nào cũng bám chấp vào xác thân, say mê theo sắc hương thế tục, làm nô lệ cho tham dục, chìm trong khổ sầu mà không biết tìm con đường tâm linh cao thượng để bước đi.
Sau cùng, Ngài nói lên bài kệ về chánh trí, trong đó khẳng định rằng:

Người không còn phiền não
Biết rõ cả bên trong
Và thấy rõ bên ngoài
Người ấy sẽ không bị
Tiếng đời lôi cuốn được.

IV. ÂM THANH VI DIỆU ĐỆ NHẤT

Thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa, Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya là một vị trưởng giả sống tại kinh thành Hamsavati. Mỗi mùa an cư kiết hạ, Ngài luôn chuẩn bị chu đáo thức ăn, nơi nghỉ để phục vụ Đức Phật và Tăng chúng với trọn lòng quy ngưỡng.
Một lần đến dự buổi thuyết Pháp, Ngài vô cùng xúc động khi nghe Đức Phật tán thán công hạnh của một vị Tôn giả có âm thanh vi diệu tối thắng trong Tăng chúng. Vì thế, Ngài phát tâm cúng dường lên Đức Phật và chư Tăng, sau đó phát lên lời nguyện cũng thành tựu được khả năng ấy trong tương lai. Đức Phật Thắng Liên Hoa dùng trí tuệ quán sát vô lượng kiếp, thấy rằng nguyện ước của vị trưởng giả sẽ thành tựu. Người mỉm cười thọ ký.
Giọng nói của Ngài Lakuntaka Bhaddiya được ca ngợi hay như giọng nói của các vị Phạm Thiên và chỉ đứng sau Đức Thế Tôn. Ngài nói rõ ràng mà trầm ấm. Trước hội chúng đông đảo hàng nghìn người, Ngài chỉ cất lời nhẹ nhàng, không cần lớn tiếng nhưng ai cũng nghe rõ, giống như đang được Ngài đứng ở bên thuyết Pháp cho riêng mình. Trong buổi giảng, giọng Ngài trầm bổng vang vọng làm cho không khí vô cùng thiêng liêng và xúc động.
Ngài chẳng bao giờ phiền giận, cũng chưa từng cất giọng trách mắng ai. Trong nhiều kiếp, lời nói chỉ được dùng để nói lên đạo lý, giúp chúng sinh có niềm hạnh phúc và thương yêu nhau hơn. Vì thế, người nghe lúc nào cũng cảm thấy giọng Ngài thật dịu dàng và êm ái. Trong đó chứa đựng lòng từ bi dạt dào trải đến tất cả chúng sinh.

Nhờ có giọng nói hay, Ngài trở thành bậc thầy về biện tài và thuyết Pháp. Giọng nói là con thuyền chuyên chở giáo Pháp. Giáo Pháp được Ngài giảng giải vừa thêm phần thiêng liêng cao quý lại vừa thiết thực, gần gũi. Nhờ thế, chúng sinh có thể dễ dàng đón nhận và áp dụng vào cuộc sống của mình.
Trong một cuộc hội họp Tăng chúng, Đức Thế Tôn đã tán thán rằng: “Trong những vị đệ tử của Như Lai có âm thanh vi diệu, Tỳ kheo Lakuntaka Bhaddiya là tối thắng”.

V. ĐỨC HẠNH

Kể từ khi xuất gia, Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya luôn là tấm gương sáng về sự khiêm hạ, đời sống thanh cao. Cuộc đời của Ngài đã để lại nhiều bài học quý giá cho chúng sinh.
Trong Tăng đoàn, vì mang thân hình thấp nhỏ nên nhiều vị Tỳ kheo vẫn nghĩ Ngài chỉ là một sa di, thường hay sai bảo các việc vặt. Ngài vui vẻ thuận theo. Hàng ngày, Ngài siêng năng phục vụ Tăng chúng. Ngài quét dọn lối đi, sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị buổi giảng… Ngài làm tất cả công việc của một sa di mà chẳng quản ngại. Lúc chư Tăng hội họp, xếp thành hàng dài để du hành thì Tôn giả thường lặng lẽ đi sau cuối. Ngài không đi trước vì sợ các vị Tỳ kheo khác chưa biết Ngài đã chứng đạo, thấy thân hình Ngài thấp bé mà khởi lên suy nghĩ sai sẽ bị tổn phước. Cứ như thế, Ngài sống cuộc đời thật giản dị và khiêm nhu.
Đức Thế Tôn thương vị đệ tử, Người cũng muốn chư Tăng kính ngưỡng Tôn giả đúng mực nên nhiều lần Thế Tôn đã tán thán đức hạnh của Ngài trước đại chúng.
Một ngày, có ba mươi vị Tỳ kheo từ phương xa đến xin đảnh lễ Đức Thế Tôn. Khi bắt gặp Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya với dáng người nhỏ bé, đang cần mẫn quét lá trên khoảnh sân ở gần hương thất của Đức Phật, các vị Tỳ kheo ngỡ rằng đó là một vị sa di trẻ tuổi nên đi lướt qua Ngài mà đến thẳng hương thất của Đức Phật. Ngay sau khi các vị đảnh lễ, Đức Thế Tôn từ tốn hỏi:

Này, các Tỳ kheo, các thầy có thấy vị Trưởng lão bên ngoài không?

Các vị Tỳ kheo ngạc nhiên nhìn nhau:
Dạ, Bạch Thế Tôn, chúng con không thấy ạ.
Vậy, này các Tỳ kheo, các thầy thấy ai đang ở bên ngoài?
Bạch Thế Tôn, chúng con chỉ thấy một sa di đang cặm cụi quét dọn tịnh thất thôi ạ.
Này, các Tỳ kheo, đó là Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya, Tôn giả là một bậc Trưởng lão trong hàng đệ tử của Như Lai.
Bạch Thế Tôn, vị ấy còn trẻ quá ạ… vị ấy chỉ là một chú sa di… – Các vị Tỳ kheo chưa hiểu ý của Thế Tôn, ngập ngừng trả lời.
Trước sự bối rối của các vị, Đức Thế Tôn vẫn điềm tĩnh. Người nói tiếp:
Này các Tỳ kheo, Như Lai không gọi người xuất gia lâu ngày trong giáo Pháp là Trưởng lão. Chỉ vị nào chứng đạt được bốn chân lý cao thượng, đã thấu triệt Khổ, Tập, Diệt, Đạo và thành tựu được Thánh đạo giải thoát cao quý mới xứng đáng được gọi là Trưởng lão.
Bên ngoài, những chiếc lá rơi nhẹ nhàng từ trên tàng cây rợp bóng. Vị Tôn giả trong dáng người nhỏ bé vẫn chuyên chú và chánh niệm trong từng động tác của mình. Các vị Tỳ kheo vô cùng cảm động. Đức Thế Tôn mỉm cười, đọc lên bài kệ tán thán:

Ai chân thật đúng Pháp
Bất hại biết chế phục
Người trí sạch cấu uế
Trưởng lão thật xứng danh.

VI. KẾT BÀI

Hơn hai thiên niên kỷ đã qua đi, nhưng mỗi khi được đọc lại câu chuyện về Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya, người con Phật dường như vẫn cảm nhận được giọng nói dịu dàng, trầm ấm của Ngài còn vang vọng đến ngày hôm nay. Giọng nói ấy chính là âm thanh vi diệu của tâm khiêm hạ và tình thương bao la mà Ngài dành tặng cho chúng sinh.
Chúng con nguyện sẽ tu tập lòng từ bi, tâm khiêm nhu tột cùng như Ngài để cũng thành tựu được những đức hạnh ấy. Chúng con nguyện sẽ cẩn thận trong từng lời từng chữ, chỉ nói ra những điều đem đến an vui và hạnh phúc cho mọi người, sẽ gây tạo công đức thật sâu dày, tinh tấn trong thiền định để những điều nói ra luôn vững vàng, có thể lay động chúng sinh quay trở về bến bờ Phật Pháp thiêng liêng.

VII. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya là vị Thánh A La Hán được Đức Phật tán thán với danh hiệu Âm Thanh Vi Diệu Đệ Nhất. Trong rất nhiều kiếp, Tôn giả đã dùng lời nói của mình để chia sẻ đạo lý, mang lại hạnh phúc an vui cho mọi người. Ngài có giọng nói nhẹ nhàng trầm ấm, chứa đựng tâm khiêm hạ và tình thương bao la dành tặng chúng sinh. Nhờ có giọng nói hay, Ngài lan truyền chánh Pháp của Đức Thế Tôn tới rất nhiều chúng sinh, đưa họ về nương tựa với chánh Pháp. Quý Phật tử khởi tâm thờ kính Ngài sẽ thành tựu:

Giọng nói hay, âm vang khiến ai nghe cũng xúc động và yêu mến. Có duyên phước nói những điều đạo lý khiến mọi người tin yêu, tôn trọng.
Tính cách hiền lành, nhu thuận, cẩn thận trong từng cử chỉ lời nói. Luôn thương yêu và tôn trọng mọi người.
Luôn vững vàng trước các thử thách, khó khăn trong cuộc sống, có được nhiều may mắn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

VIII. THƠ TỤNG

Thành tâm xin đảnh lễ Ngài
Lắng nghe diệu Pháp nghìn bài Kinh thiêng
Ngôn từ khả ái bậc hiền
Chúng sinh nghe được ưu phiền biến tan
Trầm hùng như tiếng sấm vang
Lại hiền hòa giống như ngàn lời ca
Nhẹ êm như tiếng chuông xa
Mà nghe vang khắp thiên hà không trung
Lời Ngài chân thật thiết tha
Đưa con dẫn lối thoát ra luân hồi
Chúng con nguyện sẽ đời đời
Đem yêu thương gửi vào lời trao nhau
Giúp nhau vượt thoát khổ sầu
Hiểu ra chân lý nhiệm mầu thiêng liêng
Nguyện lòng bồi đắp phước duyên
Bằng lời ái ngữ dịu hiền, dễ nghe
Êm như sóng biển vỗ về
Cho yêu thương được chở che tủi sầu
Ngày ngày thiền định chuyên sâu
Giữ gìn chánh ngữ từng câu từng lời
Để đem hạnh phúc sáng ngời
Như lời đạo lí mà Người dạy răn
Khuyên nhau, chỉ lỗi ân cần
Với lòng bi mẫn vô ngần bao la
Xin lòng kính Phật thiết tha
Thấm vào mạch sống nở hoa giữa trời
Nguyện cho chân lý muôn đời
Vang trong pháp giới truyền lời Thánh nhân
Chúng sinh được phước vô ngần
Hướng về giác ngộ trở thành vô biên
Rồi đem Phật Pháp mọi miền
Dựng xây thế giới trong niềm hân hoan
Theo gương bậc Thánh phi thường
“Âm Thanh Vi Diệu” tỏ tường chân như
Chắp tay thành kính nguyện cầu
Dâng lời ca tụng nhiệm mầu thiêng liêng.

Nam Mô Lakuntaka Bhaddiya Tôn Giả (3 lần)

Trích ( THÁNH ĐỘ MỆNH ” TÔN GIẢ LAKUNTAKA BHADDIYA ” )

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x