Tôn Giả Kim Tỳ La ( Kimbila) – Tĩnh Tọa Một Nơi, Chuyên Tâm Niệm Đạo

Vào thời Đức Phật Kakusandha hiện thân giáo hóa, có một vị gia chủ hiền thiện rất mực kính tin Tam Bảo. Khi Đức Phật nhập Niết Bàn, vị gia chủ bằng tất cả tấm lòng của mình, đã gom góp tài sản xây nên sảnh đường nơi tháp thờ Xá Lợi của Đức Phật. Ngài trang trí xung quanh tháp thờ với những cây Sala rực rỡ. Ngày qua ngày, những đóa hoa tươi thắm bừng nở tỏa hương thơm êm dịu khiến các tín chủ thập phương đến đảnh lễ đều cảm thấy không khí vô cùng thiêng liêng, thanh tịnh.

Mãn kiếp đó, vị gia chủ, bởi lòng thiết tha tôn kính Đức Phật và công đức đã gây tạo, tái sinh trở thành một vị Thiên tử trên cõi trời Đao Lợi. Các kiếp sau đó, Ngài không còn biết đến khổ cảnh. Đặc biệt, dù ban ngày hay ban đêm, mỗi khi Ngài đi kinh hành hay đứng một mình, đều được bao phủ bởi hương hoa Sala thơm ngát.
Trải qua hàng trăm nghìn kiếp, cuối cùng vào thời Đức Phật Thích Ca, Ngài tái sinh vào dòng tộc Sakya tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), là một vị Hoàng tử tuấn tú, tài năng và đức độ có tên là Kim Tỳ La (Kimbila).

Tôn Giả Kim Tỳ La ( Kimbila) - Tĩnh Tọa Một Nơi, Chuyên Tâm Niệm Đạo -

Tôn Giả Kim Tỳ La ( Kimbila) – Tĩnh Tọa Một Nơi, Chuyên Tâm Niệm Đạo

I. XUẤT THÂN

Kinh thành Ca Tỳ La Vệ thuộc đất nước Sakya, có phía đông giáp tiểu quốc Koliya, phía tây giáp đất nước Kiều Tát La (Kosala), trải dài trên một bình nguyên trù phú, nằm dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Dân chúng tin rằng, trên những ngọn núi đá quanh năm trắng tuyết của rặng Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ, chính là nơi trú ngụ của Thánh Thần.

Đất nước Sakya được trị vì bởi vương tộc Sakya, một dòng họ anh hùng với huyền thoại về “dòng dõi mặt trời”. Đây là dòng họ của Đức Phật và cũng là mạch nguồn xuất thân của rất nhiều vị Tôn giả vĩ đại trong Tăng đoàn, có thể kể đến như Ngài A Nan (Anan da), Ngài A Lậu Nâu Đà (Anuruddha), Ngài Ba Đề Thích Vương (Bhaddiya Kaligodhaputta), Ngài Nan Đà (Nanda)… và Ngài Kim Tỳ La.

Sinh ra trong vương tộc, Hoàng tử Kim Tỳ La được sống trong nhung lụa, phú quý và sự ngưỡng vọng của mọi người. Giữa các huynh đệ, Ngài có tài năng kiệt xuất trong nhiều lĩnh vực. Ngài giỏi võ nghệ, bắn cung thiện xảo, biết nhiều thứ tiếng, thông thạo quân sự đồng thời cũng uyên bác về kiến thức văn hóa, chính trị, tôn giáo của các quốc gia xung quanh. Dù vậy, Hoàng tử vẫn rất trầm tĩnh và hiền hòa. Đối với mọi người, Ngài là người dễ mến và đặc biệt, Ngài có mối quan hệ rất thân thiết với các vị Hoàng tử khác trong thân tộc.

Từ nhỏ, Hoàng tử đã được biết đến Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhartha). Mỗi khi có dịp vào thăm hoàng cung, Ngài được Thái Tử chỉ dạy nhiều điều. Thái Tử cao quý và là tấm gương mẫu mực của tất cả huynh đệ. Ngài Kim Tỳ La vô cùng yêu kính Người.

II. XUẤT GIA

Một buổi sáng mùa thu yên ả, Thái Tử Tất Đạt Đa sau tám năm xuất gia tu hành đã trở về thăm quê hương. Giờ đây, Người đã là một Đấng Giác Ngộ, một bậc Đạo Sư cao cả với hàng nghìn đệ tử mà ngay cả Đức vua Bình Sa (Bimbisara) của đế quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) hùng mạnh cũng theo quy y. Cả kinh thành Ca Tỳ La Vệ tưng bừng như mở hội, chào đón Người trở về.

Hoa tươi rải đầy trên lối, dân chúng chắp tay đảnh lễ hai bên. Đức Thế Tôn cùng chư Tăng bước đi trang nghiêm, thanh thoát trên con đường từ cổng thành tới hoàng cung. Ngài Kim Tỳ La chưa bao giờ thấy khung cảnh thiêng liêng và xúc động như thế.

Hôm sau, tại quảng trường lớn trước cung điện, Đức Thế Tôn thuyết Pháp cho toàn bộ dân chúng Sakya.

– Này đại chúng, chúng sinh bị chi phối bởi nghiệp. Ai đã tạo những thiện nghiệp như bố thí, giúp, đỡ, thương yêu thì được sinh về những cõi lành, hưởng quả báo an vui. Ngược lại, những ai tạo nghiệp bất thiện như sát sinh, trộm cắp, tà hạnh thì sẽ sinh về các đường ác, chịu quả báo khổ đau.
– Này đại chúng, Như Lai đã từ thành Ca Tỳ La Vệ xuất gia tu tập và cuối cùng đã chứng đạt sự giác ngộ. Như Lai đã tìm ra con đường chánh Pháp cho chư Thiên và loài người. Ai sống theo chánh Pháp để tu dưỡng đạo đức thì người đó đáng kính bất kể thuộc dòng dõi giai cấp nào.
Lời của Đức Thế Tôn âm vang mà trầm ấm. Rồi Người thị hiện thần thông, cất người lên giữa không trung, hào quang chiếu sáng trùm cả trời đất. Từ một thân, Người hiện ra nhiều thân, đi đến trước mặt từng người để an ủi, khuyên bảo rồi các thân đó lại trở lại hợp thành một.
Ngồi trong hội chúng cùng với hoàng tộc, Hoàng tử Kim Tỳ La ngập tràn xúc động, lòng kính ngưỡng đối với Đức Thế Tôn bừng lên mạnh mẽ. Ngài thấy rõ mọi điều trên thế gian là vô thường, có sinh rồi có diệt, thấy rõ giáo Pháp mà Đức Thế Tôn chỉ dạy là con đường chân lý tối thượng trên cuộc đời. Ngay giây phút đó, Hoàng tử chứng Thánh quả Dự Lưu.

Chí nguyện xuất gia giục giã trong lòng, mấy ngày sau, Hoàng tử Kim Tỳ La cùng nhiều vị vương tử khác trong hoàng tộc tìm đến tinh xá, quỳ dưới chân Đức Bổn Sư, đồng chắp tay:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con xin quy y Thế Tôn, quy y với giáo Pháp của Thế Tôn, quy y chúng Tăng của Thế Tôn. Kính xin Thế Tôn chấp nhận chúng con là đệ tử xuất gia của Người.

Đức Thế Tôn im lặng đồng ý. Các vị cởi bỏ vàng bạc trang sức, y phục sang trọng, phủi đi mái tóc, chính thức trở thành các vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn, giản dị với ba y và một bát, sống cuộc đời thanh bai hướng về con đường cao thượng vượt ngoài trầm luân sinh tử.

II. CHỨNG ĐẠO

Sau khi xuất gia, Ngài Kim Tỳ La theo Thế Tôn và chư Tăng trở về thành Vương Xá (Rajagaha) để an cư mùa mưa.
Tại đây, Ngài tinh tấn tu hành không phút giây xao lãng. Dù trước kia được sống trong sự tiện nghi đầy đủ của hoàng cung nhưng bởi chuyên tâm thực hành theo đúng lời Đức Thế Tôn dạy, Ngài hòa nhập rất nhanh vào cuộc sống của Tăng đoàn. Ngài nghiêm trì giới luật, từ đắp y, mang bát đến từng lời nói, cử chỉ đều oai nghi, chuẩn mực.

Không bao lâu sau, trong một đêm tĩnh mịch, Ngài tọa thiền và nhập sâu dần trong các tầng thiền định. Khi nhân duyên đã đủ đầy, Ngài chứng đắc Thánh quả A La Hán, viên mãn giải thoát giác ngộ.

Tôn giả Kim Tỳ La chứng đạt đạo quả ngay mùa an cư kiết hạ đầu tiên. Ngài đã đọc lên bài kệ để nói lên sự chứng đạo của mình:

Ta thiêu đốt phiền não
Không vương chút lậu hoặc
Tam Minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong.

IV. TĨNH TỌA MỘT NƠI, CHUYÊN TÂM NIỆM ĐẠO

Ngay từ khi mới gia nhập Tăng đoàn, Ngài Kim Tỳ La thường tìm đến nơi vắng vẻ, trong rừng trúc hay một khu vườn yên tĩnh để tinh chuyên ngày đêm trong thiền định. Ngài suy nghiệm thâm sâu, cặn kẽ về những lời dạy của Thế Tôn nên chỉ một thời gian ngắn sau đã đắc thành đạo quả.

Sau khi chứng đạo, Tôn giả vẫn luôn đều đặn tĩnh tọa, chiêm nghiệm về sự vi diệu của đạo quả giải thoát. Lúc này, bản chất vô thường, vô ngã, khổ đau của cuộc đời hiển bày rõ ràng trước mắt. Dù ở một nơi nhưng nội tâm chứng ngộ siêu việt và lòng từ bi của Ngài phủ trùm khắp pháp giới chúng sinh.
Bằng cách thường chuyên tâm niệm đạo như vậy, Ngài đã tán thán sự nhiệm màu và vĩ đại của con đường Đức Thế Tôn đã chỉ dạy. Đó là một bài học không lời, nhắc nhở chúng sinh biết trân quý giáo Pháp và tinh tấn tu hành để đạt được sự giác ngộ cao thượng.

Một lần, trước hội chúng rất đông các vị Tỳ kheo, Đức Thế Tôn đã tán thán: “Trong các vị đệ tử của Như Lai, thường tĩnh tọa một nơi, chuyên tâm niệm đạo là Tỳ kheo Kim Tỳ La”.

V. CUỘC SỐNG HÒA HỢP

Ngay từ nhỏ, Tôn giả Kim Tỳ La đã vô cùng cởi mở, thân thiện với mọi người và tất cả các huynh đệ trong hoàng tộc. Đến khi xuất gia trong Tăng đoàn, Ngài vẫn luôn sống trong sự hòa ái với các vị Tỳ kheo đồng tu. Cuộc sống hòa hợp của Ngài đã nhiều lần được Đức Thế Tôn khen ngợi trước đại chúng và là hình ảnh cao quý, mẫu mực của một đời tu đầy phạm hạnh. Câu chuyện về đời sống của ba vị Tôn giả A Nậu Lâu Đà, Tôn giả Kim Tỳ La, Tôn giả Nan Đề (Nandiya) dưới đây là một minh chứng thuyết phục.

Mặt trời vừa lên trên đỉnh những ngọn cây, dòng Gandak trôi êm đềm trong làn gió mùa hạ. Trong khu rừng Gosinga, những tán Tala rì rào đan vào nhau tỏa bóng dịu mát. Thấp thoáng dưới những tàng cây cao lớn là những căn chòi lá đơn sơ của ba vị Tôn giả A Nậu Lâu Đà, Tôn giả Nan Đề và Tôn giả Kim Tỳ La. Tôn giả Kim Tỳ La đi khất thực về sớm hơn, Ngài đang chuẩn bị nước uống và nước rửa chân để đón Tôn giả A Nậu Lâu Đà và Tôn giả Nan Đề khất thực về sau. Trên con đường đất quanh co, hai vị Tôn giả thong dong bước về tịnh thất. Nhìn thấy hai người huynh đệ, Tôn giả Kim Tỳ La mỉm cười hoan hỷ.
Lần ấy, Thế Tôn dẫn đầu chư Tăng đến khu rừng Gosinga để thăm hỏi đời sống của các Ngài. Ba vị Tôn giả biết Thế Tôn đang tới nên đã chia nhau chuẩn bị tươm tất từ lâu. Tôn giả Kim Tỳ La chuẩn bị một tấm thảm cỏ hương xanh ngát và mềm mại để làm sàng tọa, Tôn giả Nan Đề chuẩn bị nước rửa chân cho Thế Tôn, Tôn giả A Nậu Lâu Đà chuẩn bị chỗ cho các vị Tỳ kheo đi cùng. Khi Đức Thế Tôn và chư Tăng xuất hiện, cả khu rừng như bừng rạng. Thế Tôn thấy cảnh vật và không gian nơi đây thật yên bình và ấm cúng, Người ân cần hỏi:

– Này A Nậu Lâu Đà, Kim Tỳ La, Nan Đề, cuộc sống của ba Thầy có an lành, yên vui chăng? Khi đi khất thực có cực nhọc lắm chăng? Các Thầy có chung sống thuận thảo, hòa hợp chăng?

Ba vị Tôn giả cùng chắp tay cung kính lần lượt đáp lời.

– Kính bạch Thế Tôn, trong rừng già xanh thẳm, chúng con bên nhau sống an lành, hòa hợp. Mỗi sáng thức dậy, chúng con cùng hướng tâm đảnh lễ Thế Tôn, rồi cùng ngồi thiền dưới bóng hàng cây dịu mát. Sau đó, chúng con cùng lao tác trong chánh niệm rồi chia nhau đi khất thực. Huynh đệ nào khất thực về trước thì sẽ soạn nước uống, nước rửa chân, bớt phần ăn của mình cho người về muộn. Huynh đệ khất thực về sau dùng xong sẽ xếp dọn mọi vật dụng gọn gàng, ngăn nắp.
– Kính bạch Thế Tôn, chúng con trân trọng vô cùng khi được sống chung với những người huynh đệ đồng phạm hạnh. Vì vậy, chúng con cư xử với nhau, trong từng ý nghĩ, lời nói và việc làm, dù trước mặt hay sau lưng đều tốt đẹp. Như lần nọ, có một người tiều phu dâng cúng một bát mật. Tôn giả A Nậu Lâu Đà và Tôn giả Kim Tỳ La không dùng mà dành tất cả cho con vì các Thầy biết rằng con đang cần dùng hơn. Mỗi hành động nhỏ, từng sự thấu hiểu, quan tâm từ huynh đệ đều khiến chúng con cảm thấy biết ơn và vô cùng ấm áp.

– Kính bạch Thế Tôn, chúng con đã thực sự từ bỏ tâm ý mình để tùy thuận theo tâm của huynh đệ. Chúng con tuy khác thân mà tâm tương đồng, vì thế khi cùng làm việc gì, chúng con chỉ cần suy nghĩ giống nhau, làm theo ý muốn của nhau là mọi việc đều chu toàn, tốt đẹp. Nếu huynh đệ muốn đi khất thực phía đông thì con sẽ không đi về phía tây mà sẽ đi về phía đông cùng huynh đệ. Nếu huynh đệ muốn ngồi thiền ngoài trời thì chúng con sẽ cùng trải tọa cụ dưới gốc cây mà an định dưới bầu trời thanh mát. Chúng con hạnh phúc khi trở thành giống nhau, chẳng còn tìm thấy ý muốn của riêng mình.
Làn gió nhẹ đưa, dòng suối nhỏ khẽ ánh lên trong nắng. Các vị Tỳ kheo ngồi lắng nghe ba Tôn giả kể về cuộc sống hòa hợp, trong lòng chợt có nhiều cảm xúc nghẹn ngào.

Thế Tôn mỉm cười, Người dịu dàng hỏi tiếp:
– Hằng ngày các Thầy thường nói với nhau những chuyện gì?
Tôn giả Kim Tỳ La thưa:

– Kính bạch Thế Tôn, hằng ngày chúng con rất ít khi phải dùng đến lời nói. Khi cần giúp đỡ, chúng con dùng ánh mắt, đưa tay ra hiệu hoặc chỉ cần khởi lên ý nghĩ là huynh đệ đã hiểu và giúp đỡ rồi. Một lần con thấy mái chòi của Tôn giả A Nậu Lâu Đà bị dột, con vừa khởi lên ý định sẽ sửa lại thì lúc sau đã thấy Tôn giả Nan Đề mang về một bó cỏ tranh để chúng con cùng sửa.

– Kính bạch Thế Tôn, nếu phải dùng lời nói, chúng con chỉ nói về đạo lý và nhắc lại những lời dạy của Người. Chúng con nói khi quán thấy những người có duyên hóa độ trên đường khất thực. Chúng con nói khi cùng chư Thiên trao đổi giáo lý. Ngoài ra, chúng con sẽ giữ yên lặng và an trú trong chánh niệm.
Không gian như tĩnh lại, chỉ còn tiếng suối róc rách nhịp nhàng. Cả khu rừng Gosinga ngập tràn trong nắng.
Thế Tôn tiếp tục hỏi ân cần:

– Sống đời hòa hợp như vậy, các Thầy hãy trình bày về những Pháp thù thắng đã chứng ngộ.
Tôn giả A Nậu Lâu Đà thưa:

– Bạch Thế Tôn, từ đời sống ấy chúng con nhiếp tâm an bình trong thiền định. Chúng con vượt qua năm triền cái, nhập vào các tầng thiền, các mức định, đoạn trừ vô minh, chứng đạt Tam Minh. Chúng con cùng thành tựu như vậy. Đó là hạnh phúc tối thượng, an trú tối thượng, là niềm biết ơn tột cùng chúng con đền đáp đến Thế Tôn.
Thế Tôn cất lời khen ngợi:

– Này A Nậu Lâu Đà, Kim Tỳ La, Nan Đề, các Thầy đã thành tựu được tri kiến của bậc giải thoát, đã có được niềm hạnh phúc tuyệt vời. Sự hòa hợp của các Thầy là hạnh phúc lớn, là phước điền cho chúng sinh chốn Vajji. Các Thầy đã sống vì lòng thương tưởng chúng sinh, vì an lạc của loài trời và loài người. Lành thay cho những ai nhớ đến ba Thầy với tâm niệm hoan hỷ và cung kính, người đó sẽ được công đức lớn, được an lạc và hạnh phúc lâu dài.

VI. KẾT LUẬN

Tôn giả Kim Tỳ La là vị Thánh Tăng có công hạnh thường tĩnh tọa một nơi, chuyên tâm niệm đạo. Ngài cũng tiêu biểu cho đời sống an vui hòa hợp, một vẻ đẹp cao quý của người tu hành. Tất cả những điều đó chính là sự thể hiện của một nội tâm đã hoàn toàn vô ngã, vị tha trong lý tưởng sáng ngời của đạo Phật. Đây cũng là một sự tán thán không lời mà đầy dũng lực về con đường cao thượng mà Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, từ đó nhắc nhở hậu thế biết trân quý, bảo vệ và giữ gìn chánh Pháp đến vô lượng kiếp về sau.

Học theo hạnh Ngài, chúng con nguyện sẽ siêng năng học tập giáo lý, thường xuyên suy nghiệm về đạo lý trong mỗi phút giây của cuộc sống, tinh tấn tu hành, vững bước trên con đường hướng đến vô ngã tột cùng. Chúng con cũng nguyện sẽ luôn sống trong tình hòa hợp, cùng đoàn kết đem ánh sáng chân lý để sáng soi khắp thế gian này.

Nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng sinh yêu thương nhau, được sống trong yên bình hạnh phúc và trọn lòng tu tập để được giải thoát giác ngộ.

VII. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Kim Tỳ La (Kimbila) là vị A La Hán ưu tú trong hàng đệ tử của Đức Phật. Tôn giả được Thế Tôn tán thán là vị đệ tử thường Tĩnh Tọa Một Nơi, Chuyên Tâm Niệm Đạo. Ngài thường tìm đến nơi vắng vẻ, yên tĩnh để tinh chuyên Thiền định. Khi đã thành tựu đạo quả giải thoát, Tôn giả vẫn luôn đều đặn tĩnh tọa. Nội tâm chứng ngộ siêu việt và lòng từ bi của Ngài phủ trùm khắp pháp giới chúng sinh. Ngài cũng thường xuyên chuyên tâm niệm đạo, qua đó tán thán sự nhiệm màu vĩ đại của chánh Pháp. Đó là một bài học không lời, nhắc nhở chúng sinh biết trân quý giáo Pháp và tinh tấn tu hành để đạt được sự giác ngộ cao thượng. Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Gia đình hòa thuận, đời sống ngày một sung túc. Dần thành tựu được tính nhu thuận, bao dung. Hòa hợp với mọi người nên làm ở môi trường nào cũng thuận lợi, được mọi người quý mến.
– Dần có được trí tuệ sáng suốt, siêng năng học hỏi, thông tuệ nhiều lĩnh vực.
– Sớm tìm được đạo lý chân chính để nương theo. Thường có được môi trường tu hành tốt, có Minh sư dẫn dắt và thiện hữu hỗ trợ. Có sự siêng năng trong tu tập Thiền định và đạt nhiều kết quả tốt.

VIII. THƠ TỤNG

Con quỳ xuống cúi đầu kính lạy
Bậc Thánh Tăng đã thấy Pháp màu
Thực hành tu tập chuyên sâu
Rồi đem Phật Pháp nhiệm mầu truyền trao
Ân tình đó làm sao bày tỏ
Chư Thánh hiền từ thuở hoàng kim
Các Ngài đại phúc đại duyên
Sinh thời được gặp Thế Tôn hiện tiền
Phúc duyên đã gieo nghìn muôn kiếp
Vô số đời thiện nghiệp đắp xây
Kính tin tuyệt đối Như Lai
Bậc A La Hán vượt ngoài thế gian
Con kính lạy Tăng đoàn nghiêm tịnh
Kim Tỳ La bậc Thánh phi thường
Một đời mô phạm nêu gương
Cuộc sống hòa hợp khiêm nhường thanh bai
Con quỳ xuống lạy Ngài gia hộ
Cho chúng con tỏ ngộ đạo mầu
Đời đời nhân quả tin sâu
Kính tin Tam Bảo đạo mầu thiêng liêng
Vì Đạo Pháp niềm riêng gác lại
Bước theo Ngài ánh thái dương soi
Thoát ra nghìn kiếp luân hồi
Cùng nhau về chốn Như Lai diệu kỳ
Tâm Vô ngã không gì so sánh
Con đường thiền vô định thời gian
Cho dù cực khổ gian nan
Càng nhiều chướng ngại con càng quyết tâm
Nguyện trong lòng âm thầm thương hết
Muôn vạn loài, kẻ ghét người khinh
Siêng năng ôn lại lời Kinh
Từng ngày soi xét tâm mình dở hay
Nguyện Pháp giới có ngày tươi sáng
Không còn ai chìm đắm cuồng si
Cùng nhau chung một đường đi
Nghìn đời chỉ một lối về Chân Như.

Nam Mô Kim Tỳ La Tôn Giả (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x