Vào thời Đức Phật Ca Diếp (Kassapa) thị hiện, có một người điền chủ hiền lành đức độ. Ông là một Phật tử thuần thành, trọn lòng kính tin Tam Bảo.
Một ngày mùa hạ, người điền chủ đang làm việc chăm chỉ trên mảnh ruộng thì chợt thấy một vị Tôn giả đang ngồi trên phiến đá để thọ thực. Nắng chiếu như đổ lửa, dù không một tàng cây che mát nhưng gương mặt Ngài vẫn an nhiên hiền hòa đến lạ kỳ. Người điền chủ liền dừng mọi việc đang dang dở và chạy đến bên vị Tôn giả, xúc động đảnh lễ. Để tỏ lòng thành kính, ông thỉnh cầu được cúng dường Ngài một am thất.
Am thất được dựng bằng cỏ tranh và tre nứa, trước cửa có một cây xiêm gai với tán lá rộng mát. Trước vị Tôn giả, ông quỳ xuống chắp tay thưa rằng:
Kính bạch Tôn giả! Khi thấy Ngài thọ thực dưới tiết trời nắng gắt, con thương kính vô cùng. Con xin cúng dường Ngài chiếc am thất đơn sơ này với trọn lòng thành kính.
Trước tấm lòng thành của người điền chủ, vị Tôn giả mỉm cười chấp thuận. Ông không biết rằng, Ngài chính là một vị Thánh Tăng A La Hán.
Nhờ phước báu ấy, sau khi mạng chung, người điền chủ sinh về cõi trời Tứ Thiên Vương và làm Thiên chủ trên cung trời Serisaka.
Vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Vị Thiên chủ ấy trở thành đệ tử vĩ đại của Đức Thế Tôn. Ngài là một trong những vị Thánh Tăng đầu tiên trong Tăng đoàn đặt nền móng Phật Pháp khắp mọi nơi trên địa cầu. Không ai khác đó chính là Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề (Gavampati).
I. XUẤT THÂN
Từ đỉnh núi Gangotri trên dãy Himalaya tuyết trắng, con sông Hằng băng qua một vùng đồng bằng rộng mênh mông trải dài khắp các đô thị trù phú: Chiêm Ba (Campa), Vương Xá (Rajagaha), Pataliptta, Nandaka… Xuôi về vùng trung lưu của dòng sông là một thành phố bình yên thuộc nước Ma Kiệt Đà (Magadha), thành phố Ba La Nại (Banares).
Đây là nút giao thông quan trọng của vương quốc với nhiều tuyến đường giao thương mở rộng vô cùng thuận tiện. Cư dân trong thành đông đúc, kinh tế văn hóa phát triển. Bên cạnh đó, thành phố này còn được coi là vùng đất thiêng với nhiều nghi thức Tôn giáo. Hằng năm, người dân thường tổ chức rất nhiều lễ hội để tế lễ và cầu nguyện thánh thần với hi vọng sẽ được hạnh phúc bình an.
Miền đất thiêng liêng ấy chính là quê hương của Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề. Ngài sinh trưởng trong một gia đình đại thương nhân truyền đời, nức tiếng danh giá và giàu có. Từ nhỏ, Ngài thường vâng theo cha mẹ tới tham dự những buổi tiệc cùng giới quý tộc thượng lưu. Thế nhưng, Ngài luôn cảm thấy trống rỗng, ngột ngạt trong mỗi đêm hội tiệc tùng. Lần nào cũng vậy, Ngài đều nhanh chóng ghé qua chỉ để góp mặt rồi lặng lẽ rời khỏi bàn tiệc.
Qua những lần như thế, Ngài Kiều Phạm Ba Đề đã kết thân với bốn người bạn hữu tuyệt vời. Họ là công tử Da Xá (Yasa), công tử Vimala, công tử Subahu và công tử Punnaji. Cả bốn người đều xuất thân từ những gia tộc quyền quý ở thành phố Ba La Nại. Và cũng giống như Ngài Kiều Phạm Ba Đề, họ đều cảm thấy cuộc sống hưởng thụ xa hoa không phù hợp với mình và mong ước thiết tha tìm được một lẽ sống cho cuộc đời.
II. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA
– Thưa công tử, công tử Da Xá đã mất tích. Khắp thành mọi người đều đang xôn xao bàn tán ạ.
Sáng nay, Ngài Kiều Phạm Ba Đề muốn hẹn gặp các bạn thì nhận được tin trên. Vô cùng lo lắng, Ngài cùng những người bạn liền đi tìm công tử Da Xá ở những nơi mà họ thường cùng nhau ghé qua. Thế nhưng, không một ai biết công tử đã đi đâu. Vì thế, các vị đành chờ đợi tin tức từ gia đình Ngài Da Xá. Ba ngày sau, gia nhân báo tin:
– Thưa các vị công tử, Ngài Da Xá vẫn bình an nhưng đã xuất gia trở thành một vị Sa môn. Hôm nay, phụ thân Ngài mời Tăng đoàn về dinh thự thọ trai. Dân chúng khắp nơi đều kéo đến nhà công tử rất đông. Phụ thân của Ngài cũng có lời mời bốn vị công tử tới nhà ạ.
Ngài Kiều Phạm Ba Đề và các bạn rất ngạc nhiên nhưng lại thầm hi vọng rằng: “Với trí tuệ của công tử Da Xá thì chắc chắn Bậc Đạo Sư của Ngài sẽ vô cùng vĩ đại.” Vì thế, bốn vị lập tức đến nhà bạn mình.
Tại dinh thự của Ngài Da Xá, mọi thứ đã được chuẩn bị tươm tất và chu đáo để chào đón Tăng đoàn. Tất cả mọi người đều tề tựu đông đủ, chật kín từ trong phòng cho tới ngoài sân. Ngài Kiều Phạm Ba Đề cùng ba người bạn vào phòng, tìm một khoảng trống cạnh lối đi và chờ đợi.
Một lát sau, Bậc Đạo Sư bước vào, hào quang nơi Người tỏa ra dịu dàng. Sáu vị Tôn giả lần lượt bước theo sau, Tôn giả Da Xá đi cuối cùng. Mới chỉ ba ngày trôi qua mà Ngài Da Xá đã trở thành một con người khác hẳn, trầm lặng và rạng ngời. Thân tướng Ngài thanh thoát, cử chỉ nhẹ nhàng đoan nghiêm và gương mặt toát lên một niềm an lạc diệu kỳ. Trong lòng Ngài Kiều Phạm Ba Đề dâng lên niềm kính ngưỡng khôn cùng.
Sau khi thọ thực xong, mọi người ngồi ngay ngắn thành từng hàng để lắng nghe Đấng Giác Ngộ thuyết Pháp. Người cất giọng trầm hùng:
– Này các cư sĩ gia chủ, trên đời này, có một quy luật khách quan và công bằng tuyệt đối, chi phối hết mọi sự vật. Đó chính là luật Nhân quả. Ai biết tạo những thiện nghiệp như bố thí, giúp người, cúng dường bậc tu hành chân chính… thì sẽ tái sinh về cõi giới hạnh phúc an vui. Ai đã làm các ác nghiệp như sát sinh, trộm cướp, phỉ báng bậc Thánh thì phải sinh về địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu đau khổ tột cùng. Nhưng dù quyền quý hay nghèo hèn, bản chất của cuộc đời này vẫn là đau khổ, thế gian là vô thường. Hãy nương theo chánh Pháp để thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Ngài Kiều Phạm Ba Đề chăm chú lắng nghe, những ưu tư bấy lâu nay giờ đều tìm được lời giải đáp. Ngài nhận ra, mọi của cải, địa vị, danh vọng… đều không mang lại bình an cho tâm hồn. Tất cả đều là sự tạm bợ và sẽ chẳng thể nào bền lâu. Chỉ có con đường chánh Pháp mới là hạnh phúc thực sự. Trong lòng dâng tràn xúc động, Ngài quyết tâm sẽ bước đi trên con đường cao thượng ấy.
Ngay khi buổi thuyết giảng kết thúc, Ngài Kiều Phạm Ba Đề cùng ba người bạn cùng theo Tôn giả Da Xá trở về khu nghỉ của Tăng đoàn.
Nắng nhè nhẹ phủ xuống vườn Lộc Uyển (Sarnath). Trong không khí trang nghiêm, bốn vị công tử cùng quỳ trước Đức Thế Tôn, chắp tay thành kính tác bạch:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con là Kiều Phạm Ba Đề, Vimala, Subahu, và Punnaji, là bạn thân thiết của Tôn giả Da Xá. Nay chúng con có lòng tin vào Thế Tôn, có lòng tin vào chánh Pháp, có lòng tin vào chư Tăng. Chúng con xin được xuất gia theo Thế Tôn, từ nay đến vô lượng kiếp chúng con xin trọn lòng quy ngưỡng.
Đức Thế Tôn nhẹ nhàng mỉm cười chấp thuận. Lập tức, y phục sang trọng của bốn vị biến thành tấm áo ca sa giản dị, mái tóc được phủi sạch, gương mặt ai cũng sáng rỡ vui mừng.
III. CHỨNG ĐẠO
Trong nắng chiều buông xuống, tất cả mười vị Tỳ kheo (gồm có năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như (Anna Kondanna), Tôn giả Da Xá, Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề và ba Tôn giả bạn Ngài) cùng ngồi lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Tứ Diệu Đế:
– Này các Tỳ kheo, có bốn sự thật mà một bậc Thánh chứng biết. Sự thật thứ nhất là khổ. Đời sống là đau khổ. Tất cả chúng sinh vì bản năng sinh tồn mà phải bươn chải biết bao vất vả. Có khi chỉ vì sự sống của mình mà đã gây ra tội ác và sự chết chóc cho những chúng sinh khác.
– Này các Tỳ kheo, chúng sinh vì vô minh chấp ngã nên chìm vào ái dục, cho rằng đó là hạnh phúc. Thế nhưng, càng hưởng thụ, chúng sinh lại càng trôi lăn mãi trong dòng luân hồi khổ đau. Nỗi khổ lớn nhất của cuộc đời là không biết mình đang khổ. Vì thế, hãy tu tập theo con đường Bát Chánh Đạo, siêng năng tinh tấn thiền định để được giải thoát giác ngộ.
Bài Pháp kết thúc, Ngài Kiều Phạm Ba Đề bỗng bừng ngộ, chứng đạt Thánh quả Tu Đà Hoàn.
Những ngày đầu khi Tăng đoàn mới thành lập, cuộc sống nơi vườn Lộc Uyển yên bình và giản dị. Buổi sáng, Ngài cùng chư Tăng trang nghiêm mang bình bát khất thực, chiều đến lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết Pháp, sau đó tinh tấn tọa thiền. Trong cuộc đàm luận ôn lại những bài Pháp, Ngài luôn khiêm cung học hỏi từ những vị sư huynh đi trước.
Vào một buổi đêm tĩnh mịch, dưới tán cây sala, Ngài Kiều Phạm Ba Đề lặng lẽ nhiếp tâm sâu dần trong các tầng thiền định. Khi những ngôi sao lấp lánh tỏ rạng nhất trên nền trời, Tôn giả chứng đắc quả vị A La Hán, viên mãn vượt thoát trầm luân sinh tử.
IV. UY ĐỨC CHÓI NGỜI
Lần ấy, Đức Thế Tôn lên cõi trời Tam Thập Tam để an cư kiết hạ và thuyết Pháp cho chư Thiên tử. Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề, Tôn giả Phú Lâu Na (Punna Mantaniputta), Tôn giả Da Xá, Tôn giả Tu Bồ Đề (Subhuti)… cũng có mặt. Giữa đông đảo hội chúng, Tôn giả Phú Lâu Na đã dâng lên lời tán thán công hạnh của Ngài Kiều Phạm Ba Đề:
Bạch Thế Tôn, nhiều lần con lên cõi trời thuyết giảng đạo lý cho chư vị Thiên tử, con thường gặp Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề cũng đang thuyết Pháp. Sư huynh Kiều Phạm Ba Đề tuy ít nói nhưng uy lực vô cùng phi thường. Chỉ cần sư huynh im lặng hướng mắt nhìn cũng khiến cho nhiều vị kính phục vâng lời.
Bởi vô lượng kiếp gây tạo công đức rộng lớn, Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề là một vị Thánh Tăng A La Hán có nhiều duyên lành với Thiên chúng. Chư Thiên tử tuy sống trên cõi trời được nhiều vinh quang, phước báu nhưng nếu đắm chìm hưởng thụ mà quên mất công phu tu tập thì vẫn có thể thoái thất. Vì thế, Tôn giả mang hạnh nguyện thường hay thăm viếng các cõi trời để giáo hóa Thiên chúng, giúp họ tiếp tục thăng tiến trên con đường tâm linh giác ngộ.
Phước báu của chư Thiên tử trên các tầng trời là sung mãn ngập tràn, vậy mà chỉ cần một cử chỉ “đưa mắt nhìn” cũng khiến các vị kính phục vâng lời đã chứng tỏ uy đức sáng chói phi thường của Tôn giả.
Uy đức ấy được thành tựu viên mãn bởi chính lòng tôn kính của Ngài dâng lên Đức Thế Tôn là vô hạn. Từ khi gặp được ánh sáng chân lý, Ngài từng giờ từng phút tinh tấn thiền định, nghiêm trì giới luật, dành trọn cuộc đời mình hi sinh cứu giúp muôn loài chúng sinh. Công đức, phước báu và oai lực thần thông của Ngài phủ trùm bao la khắp trời đất.
Trong nhiều kiếp xưa, mỗi khi có cơ hội Ngài cũng luôn hết lòng thành tâm cúng dường lên các Đức Phật quá khứ. Vào thời Đức Phật Ca Diếp thị hiện giáo hóa, Ngài là một điền chủ hiền hậu, đã dâng một am thất cúng dường lên một vị Tôn giả trong những ngày hè nóng gắt. Tình cờ vị Tôn giả ấy lại chính là một bậc Thánh Tăng A La Hán giác ngộ. Một kiếp khác, Ngài cúng dường Đức Phật Sikhi với những đóa hoa ngọc lan ngát hương. Kiếp khác, Ngài lại dâng một cây lọng trắng vô cùng tinh xảo cho Bảo tháp thờ Xá Lợi Đức Phật Konagamana, đồng thời tỉ mỉ xây dựng khuôn viên khang trang bao quanh bảo vệ tháp thờ…
Cứ như vậy trải qua vô lượng thời gian, Tôn giả luôn được tái sinh trong cõi lành của trời và người, và bất kể khi nào gặp được giáo Pháp của Đức Phật, Ngài đều ngay lập tức khởi lên tâm thành kính ngưỡng tột cùng.
V. NGĂN DÒNG NƯỚC LŨ
Nơi khu rừng Anjana thơ mộng, gần thành phố Saketa, con sông Sarabha trôi yên bình và êm ả. Đây là ranh giới tự nhiên phân chia hai miền nam, bắc ở vương quốc Kiều Tát La (Kosala).
Trên chuyến đi du hành từ xứ Kosambi lên phương Bắc, Đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn dừng chân nghỉ ở ven bờ sông. Màn đêm buông xuống, trời lạnh dần. Chư vị Tỳ kheo đang nằm nghỉ. Cách đó không xa, Đức Thế Tôn đang ngồi nhập định.
Chợt xuất hiện những tiếng động kinh hoàng, tiếng nước xối xả, tiếng la hét thất thanh từ xa vọng lại, âm thanh mỗi lúc một lớn. Các vị Tỳ kheo giật mình tỉnh giấc.
Dòng nước lũ bất ngờ từ thượng nguồn đổ về ầm ầm như thác, từng đợt sóng cuồn cuộn nối tiếp nhau. Dòng nước đục ngầu mang theo lượng nước khổng lồ, cuốn trôi gia súc, cây cối, đồ đạc… Người dân kêu khóc thảm thiết trước cơn lũ đang ập đến càng lúc càng lớn mạnh.
Trước khung cảnh kinh hoàng ấy, một số vị Tỳ kheo vội vàng tìm kiếm khu vực an toàn cho Tăng đoàn, một số vị khác thì cố gắng đưa người dân thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề đứng bên cạnh Đức Thế Tôn, gương mặt Ngài điềm tĩnh như đang đón đợi một lời chỉ bảo từ Người.
Đức Thế Tôn quay sang nhìn vị đệ tử bằng ánh mắt từ ái:
– Này, Kiều Phạm Ba Đề, con hãy ngăn dòng nước lũ để bảo vệ dân làng và chư Tỳ kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề nhanh chóng tiến đến dòng nước lũ đang cuồn cuộn chảy. Ngài đưa tay lên cao, một vầng sáng từ lòng bàn tay hiện ra. Sau đó, ánh sáng càng ngày càng lan rộng và kết lại với nhau tạo thành bức tường vô hình vô cùng kiên cố, chặn ngay giữa lòng sông. Dòng nước lũ ồ ạt kéo đến, dội ngược lại và dâng ngược lên cao, dựng đứng như một ngọn núi.
Một lát sau, khi thấy nước rút dần, mọi người đều đã tìm được nơi trú ẩn an toàn, Ngài thu tay lại, nước lập tức tràn xuống lòng sông, đập vào bờ tung bọt trắng xóa. Mặt sông dần yên ả. Hai bên bờ, cây cối đổ gãy, đồ đạc trôi nổi ngổn ngang.
Sáng hôm sau, câu chuyện kỳ diệu về cơn lũ nhanh chóng được lan truyền khắp thành phố Saketa. Dân chúng không ngừng kể cho nhau nghe về cảnh tượng kỳ diệu khi ấy. Họ ngợi ca và bày tỏ lòng biết ơn tới Đức Thế Tôn bằng thần lực phi thường đã cứu giúp ngôi làng thoát khỏi sự càn quét bởi cơn lũ. Mọi người cùng nhau đi tới khu rừng Anjana, thành tâm đảnh lễ và cảm tạ công ơn của Thế Tôn cùng các vị Tôn giả.
Khi người dân đã đông đủ, Đức Thế Tôn cất lời nói lên bài kệ tán thán tấm lòng của Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề đối với chúng sinh:
Ai với Thần Túc Thông
Dựng đứng Sarabha?
Chính Gavampati
Không ỷ lại, không động
Vượt qua mọi trói buộc
Chư Thiên đều đảnh lễ
Bậc Đại Sĩ Mâu Ni
Đã vượt qua sanh hữu.
Bài kệ vừa dứt, mọi người mới hướng tâm về phía vị Tôn giả đang ngồi lặng lẽ sau Đức Thế Tôn, gương mặt Ngài hiền từ và tỏa sáng. Họ vô cùng cảm phục trước thần lực phi thường, sự khiêm hạ và uy đức của vị Thánh Tăng vĩ đại, liền vội đảnh lễ Ngài.
VI. KẾT LUẬN
Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề là vị Thánh đệ tử ưu tú của Đức Phật. Hơn hai nghìn sáu trăm năm đã qua đi nhưng những đức hạnh cao quý và cuộc đời giáo hóa vĩ đại của Ngài vẫn còn khắc sâu trong lòng người con Phật. Uy đức chói ngời của Ngài mãi là tấm gương sáng để chúng sinh muôn đời nương tựa.
Học theo công hạnh của Ngài, chúng con nguyện huân tập lòng tôn kính Phật tuyệt đối, luôn đoàn kết yêu thương nhau và giữ gìn tâm khiêm hạ để cùng nhau phát triển chánh Pháp. Chúng con cũng nguyện sẽ đem Phật Pháp đến khắp muôn nơi, gieo duyên với thật nhiều người để hành tinh này ngập tràn đạo lý, tình yêu thương đại đồng và tất cả cùng hướng về những điều cao thượng.
VII. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH
Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề (Gavampati) là một trong những vị Thánh đệ tử A La Hán đầu tiên trong Tăng đoàn của Đức Phật. Ngài có hạnh nguyện và duyên lành với nhiều chư Thiên tử nên Tôn giả thường thăm viếng các cõi trời, giáo hóa Thiên chúng để giúp họ sinh về nơi bất thoái chuyển. Tuy Ngài ít nói nhưng uy lực của Ngài vô cùng phi thường. Chỉ cần Ngài im lặng hướng mắt nhìn cũng khiến cho nhiều vị Thiên tử kính phục vâng lời. Tôn giả Kiều Phạm Ba Đề có được uy đức phi thường ấy là bởi Ngài có lòng tôn kính vô hạn dâng lên Đức Thế Tôn. Từ khi gặp được ánh sáng chân lý, Ngài luôn tinh tấn Thiền định, nghiêm mật hành trì giới luật, dành trọn cuộc đời mình hi sinh cứu giúp muôn loài. Những đức hạnh cao quý và cuộc đời giáo hóa vĩ đại của Ngài vẫn còn khắc sâu trong lòng người con Phật.
Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:
– Có tài năng phong phú trong nhiều lĩnh vực, sớm hiểu được đạo lý để phụng sự, trở thành người có ích cho xã hội.
– Dần trở thành người có uy đức lớn, dễ có được thành công trong cuộc sống và được nhiều người kính phục.
– Đạo tâm vững vàng nhờ siêng năng lễ kính Phật và tinh tấn Thiền định, được chư Phật gia hộ để luôn đi đúng con đường tu hành chân chính.
VIII. THƠ TỤNG
Cúi đầu kính lạy Thánh Tăng
Bậc A La Hán xuất trần siêu phương
Giữa đời mô phạm nêu gương
Rồi đem chánh Pháp hoằng truyền nơi nơi
Đạo hạnh uy đức chói ngời
Chư Thiên kính phục vâng lời dạy răn
Tu hành tinh tấn chuyên cần
Không còn thoái chuyển Đạo tâm vững vàng
Trải vô số kiếp cúng dường
Hộ trì Phật Pháp hết lòng kính tin
Từ tâm cứu giúp chúng sinh
Nghiêm trì giới luật tinh cần công phu
Thần thông tự tại khiêm nhu
Ngăn dòng nước lũ cứu cho dân làng
Lòng con xúc cảm dâng tràn
Cúi đầu lạy tạ muôn vàn ơn cao
Từ nay cho đến nghìn sau
Theo Ngài để thoát khổ sầu thế nhân
Xin Ngài gia hộ cho con
Đủ lòng thương kính Thế Tôn muôn đời
Yêu thương tử tế giúp người
Để đời tràn ngập tiếng cười hân hoan
Mọi điều hưởng lạc thế gian
Chỉ là cám dỗ buộc ràng khổ đau
Tìm về Thánh đạo nhiệm mầu
Tinh cần tu học khổ sầu sẽ vơi
Còn gì đáng quý trên đời
Sánh bằng chánh Pháp sáng ngời Phật tuyên
Nguyện cầu Đạo Pháp thiêng liêng
Thấm vào tất cả mọi miền thế gian
Vô thường, nhân quả, nghiệp duyên
Công bằng chi phối vô biên vạn loài
Cầu cho người biết thương người
Để nhân thế mãi là nơi nhiệm mầu
Không còn ngang trái khổ đau
Bến bờ giải thoát cùng nhau tìm về
Nam Mô Kiều Phạm Ba Đề Tôn Giả (3 lần)