Tôn Giả Kiếp Tân Na – Đệ Nhất Giáo Giới Tăng

TÔN GIẢ KIẾP TÂN NA (MAHA KAPPINA) ĐỆ NHẤT GIÁO GIỚI TĂNG
Nội tâm thật trắng bạch
Lời Phật, khéo tu trì
Vững vàng như bàn thạch
Thấu triệt lẽ huyền vi.
Tôn Giả Kiếp Tân Na - Đệ Nhất Giáo Giới Tăng -

TÔN GIẢ KIẾP TÂN NA (MAHA KAPPINA) ĐỆ NHẤT GIÁO GIỚI TĂNG

I.  XUẤT THÂN

Ngài Kiếp Tân Na (Maha Kappina) là vua của tiểu quốc Kukkuta nằm ở phía Đông Nam đất nước Ấn Độ. Kinh thành xứ này tọa lạc tại vùng ngoại ô sát biên địa. Đất nước Kukkuta trù phú tựa lưng vào những ngọn núi già trùng điệp, nhìn ra những cánh đồng lúa mì vàng óng bao quanh những con kênh đầy nước quanh năm. Nơi trung tâm thành phố, mạch kinh thương chính của đất nước, các làng nghề thủ công mỹ nghệ, kim quý vàng bạc, thêu dệt, đúc rèn… nối san sát nhau. Các khu chợ lớn không bao giờ vắng thương lái từ các vùng lân cận đổ về. Xe kéo, xe ngựa lúc nào cũng chất đầy hàng hóa, rồi xuôi dọc men theo các con đường dẫn ra khỏi thành.
Dân chúng Kukkuta sống hiền lành, hòa ái. Nơi đây đời sống người dân sung túc, không hề có trộm cắp, lừa gạt. Thậm chí giặc cướp cũng không dám bén mảng đến xứ này. Đó chính là nhờ ơn của vua Kiếp Tân Na. Uy đức của Ngài như ánh mặt trời chiếu rọi khắp nơi, người dân vì cảm mến Ngài mà sống đời lương thiện. Nhà vua có dung mạo rực sáng như mặt trời, uy nghi như Thiên tử, đẹp ngời như ánh trăng. Mỗi bước Ngài đi như phát ra nguồn sức mạnh vô hình lan tỏa ra xung quanh. Ngài sống hiền từ nhân hậu, phong cách nghiêm trang đĩnh đạc, đến quỷ thần cũng phải kính nể. Nhờ uy đức của mình mà Ngài giúp cho dân chúng được sống trong thanh bình, thịnh vượng.
Mỗi sáng tại buổi thiết triều, trên gương mặt nhân từ đức độ, vầng trán rộng của Ngài lại như thêm phần ưu tư khi cùng triều thần tìm các biện pháp để giúp cho dân chúng ngày càng ấm no, hạnh phúc. Dân chúng cả nước mang ơn Ngài. Người dân hò reo và gọi tên Đức vua Kiếp Tân Na mỗi khi sứ giả truyền lệnh Ngài phân phát lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân ở những nơi xa xôi, tận cùng của đất nước. Ngài cũng hay miễn thuế và thường xuyên vi hành, quan sát cuộc sống của dân chúng. Mùa đông đến, thời tiết lạnh thấu xương, Ngài lại mở lòng từ ban thêm cho họ áo và chăn ấm. Ngài là một bậc Minh quân tài đức, một phúc lành của toàn dân xứ Kukkuta.
Thế nhưng, trong những lúc nghỉ ngơi hiếm hoi, khi ngồi tựa trên chiếc ghế mộc giản dị quen thuộc, bên cạnh hồ sen nhỏ trong hoa viên, đôi mắt Ngài lại trầm lắng nhìn về xa xăm. Tuy sống trong vinh quang tột bậc và thương dân như con cũng như được người dân hết lòng quý mến, Ngài vẫn luôn khát khao tìm kiếm một vị Minh sư có thể dẫn dắt mình vào thế giới tâm linh huyền nhiệm, nơi vượt thoát khỏi mọi sự tầm thường của thế gian. Dù làm vua phải gánh trên vai những trách nhiệm nặng nề với trăm công nghìn việc nhưng sự khát khao ấy lúc nào cũng chiếm lấy tâm hồn Ngài…

II. NHÂN DUYÊN XUẤT GIA – CHỨNG ĐẠO

Buổi sáng trong lành hôm ấy, hoàng cung diễn ra buổi nghị triều như thường lệ. Vua Kiếp Tân Na uy dũng ngồi trên ngai, từ nơi Ngài như tỏa ra một sức mạnh vô hình, vừa nghiêm nghị lại vừa ấm áp. Các quan ngồi ngay ngắn hai bên. Tất cả đang chờ những vị khách đặc biệt từ phương xa tới.
Cánh cửa cung điện mở ra, đoàn sứ giả mười người bước vào, quỳ xuống tâu:
– Thưa Đại vương Kiếp Tân Na, Đại vương Bình Sa (Bimbisara) của chúng tôi ở vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), từ lâu vốn coi trọng mối giao hảo giữa các nước. Dù núi sông xa xôi cách trở, nhưng Đại vương Bình Sa vẫn luôn nhớ nghĩ về Ngài, vị vua anh minh tài đức đã giúp cho người dân xứ Kukkuta được sống trong cảnh thanh bình, hạnh phúc.
– Chúng tôi theo lệnh Đại vương Bình Sa đem đến đây chiếc đĩa vàng quý giá được đúc riêng cho Ngài. Nội dung trên đó nói về Đức Phật, bậc Đại Giác Ngộ, bậc Chánh Đẳng Giác, đã xuất hiện ở xứ Ma Kiệt Đà tuyên dương chánh Pháp và lập nên một Tăng đoàn hùng mạnh với những vị Tỳ kheo chứng ngộ A La Hán cao siêu.
Vừa nghe đến Đấng Chánh Giác, Ngài Kiếp Tân Na bất giác đứng bật dậy bước ra khỏi ngai, lòng xúc động khôn tả. Niềm mong đợi bấy lâu trong tâm trí Ngài bỗng trỗi dậy mạnh mẽ. Ngài vững tin rằng đây chính là vị Minh sư, là con đường chân lý tối thượng mà Ngài luôn ước mong và khao khát tìm cầu.
Ngài bước đến gần các sứ giả, quỳ xuống đón nhận chiếc đĩa quý, cung kính đặt lên chiếc án cao, rồi lại quỳ xuống lạy chiếc đĩa một cách thành kính. Quần thần cũng nghiêm trang quỳ xuống, lạy theo Ngài. Trước đông đảo quần thần, Ngài đọc to:
“Hỡi vua Kiếp Tân Na của xứ Kukkuta, hãy lắng nghe điều Đại vương Bình Sa của xứ Ma Kiệt Đà nói về Đấng Đại Giác Gotama. Người đến từ xứ Sakya, dòng dõi Gotama, tên gọi Tất Đạt Đa (Siddhartha). Người đã khước từ ngai vàng để xuất gia rồi chứng thành bậc Chánh Đẳng Giác siêu phàm. Người có đầy đủ Tam Minh Lục Thông, có thể nhớ lại vô lượng kiếp trước của mình, có thể thấy được sự lưu chuyển của chủng sinh trong các cõi giới, có thể thấu đạt chân lý tột cùng của pháp giới vũ trụ. Chư Thiên tử gọi Người là bậc Đạo Sư của tam giới. Chúng sinh quỳ xuống gọi Người là đấng Cha lành của muôn loài. Người đã thuyết giảng về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tứ Thánh Quả, Tứ Thiền, và vô số các bài Kinh cao quý khác. Từ nơi lời dạy của Người mà rất nhiều người đã xuất gia, chứng đắc các quả vị Thánh cao thượng, và vượt lên trên hết là Tứ quả A La Hán phi thường, hoàn toàn thoát khỏi trầm luân sinh tử. Đại vương Bình Sa muốn gửi thông điệp này đến vua Kiếp Tân Na xứ Kukkuta để biết mà khởi tâm tôn kính bậc Chánh Đẳng Giác đã đến với trần gian. Thân ái. “
Đọc xong nội dung trên đĩa vàng, Ngài Kiếp Tân Na lặng yên không nói. Quần thần cũng im lặng khôi nói gì. Bầu không khí thâm trầm một cách kỳ lạ.
Không gian yên ắng ấy kéo dài rất lâu. Rồi Nhà vua Kiếp Tân Na bước lên bục, trịnh trọng nói với quần thần:
Này các quan tướng, các ngươi đã trung thành với phụ vương của ta, bây giờ trung thành phò tá ta. Ta chưa lập Hoàng hậu nên chưa có Thái tử. Kể từ khi đọc được lời nhắn từ chiếc đĩa vàng này, ta đã quyết định từ bỏ ngôi vua, tìm về Ma Kiệt Đà để xuất gia theo Đấng Chánh Giác.
– Tạm thời ta giao lại quyền hành cho Raccha, sau này các ngươi có thể tự chọn ra vua mới. Ta không thể chờ thêm giây phút nào nữa. Hãy đem ngựa lại cho ta.
Thấy Nhà vua bước ra khỏi cánh cổng to của cung điện, mười hai vị quan đại thần vội nói với mọi người:
– Ta sống theo vua, chết theo vua. Vua xuất gia, ta cũng xuất gia.
Rồi nhanh chóng đi chuẩn bị ngựa cho Ngài Kiếp Tân Na. Họ quỳ xuống khẩn thiết xin Ngài cho đi theo xuất gia cùng và được Ngài đồng ý.
Trời đã xế chiều, vua Kiếp Tân Na cùng mười hai vị cận thần tức tốc lên đường, họ không mang theo bất cứ tư trang nào. Các vị sứ giả cũng đồng hành. Khi Ngài dẫn đầu đoàn người ra đến cổng thành, triều thần đã đứng nghiêm trang, chắp tay đưa tiễn. Dân chúng khắp nơi kéo về lấp kín các con phố. Hai bên đường lớn, người dân đồng loạt quỳ gối tiễn đưa vị vua tài đức.
Đoàn người hướng về phương bắc đi suốt ngày đêm. Ngựa phi nước đại, vượt qua những làng mạc, sông suối, rừng núi trập trùng suốt năm ngày mà không dừng nghỉ. Kỳ lạ là trong đêm tối luôn có một vầng sáng lạ soi đường cho họ. Trước đó, các sứ giả của vua Bình Sa đã phải dừng lại giữa đường để nghỉ ngơi vì không thể theo kịp vua Kiếp Tân Na. Họ cứ thắc mắc không hiểu tại sao đoàn người của Nhà vua lại không mệt mỏi dù đi liên tục không nghỉ.
Đến một khúc sông nơi thượng nguồn, nước sâu ngập đầu người cả mấy chục sải, từng đợt nước ngầm từ đáy sông liên tục xoáy mạnh, sủi bọt trắng xóa. Vua Kiếp Tân Na vẫn thúc ngựa phi tới, Ngài hét lên với niềm tin mãnh liệt trong ánh mắt:
– Lòng ta chỉ có Đấng Chánh Giác, ngựa ta sẽ không chìm!
Lời vừa dứt, ngựa đã phóng thẳng xuống nước. Nhà vua sắc mặt vẫn như không, theo sau là các vị cận thần cũng đang thúc ngựa tới. Họ thấy Ngài phi ngựa ào ào về phía trước, vì lòng trung thành tuyệt đối nên không dám can ngăn, cũng không màng đến tính mạng của mình, nên đã không suy nghĩ mà phi theo sau. Lạ thay, đoàn ngựa vẫn sải vó như đang đi trên đất bằng. Trừ Nhà vua, mọi người ai cũng đều kinh ngạc trước cảnh tượng đó. Nước cuộn xoáy dâng cao, ngựa cứ phi và không hề dừng lại. Chỉ trong giây lát Đức vua và các vị đại thần đã vượt khúc sông qua đến bờ bên kia. Khoảnh khắc đó thật vi diệu, khó thốt thành lời.
Vẫn không hề dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống, họ tiếp tục băng qua các thị trấn, rừng rậm… mà không hề biết mệt mỏi.
Cách đó khá xa, tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) thanh mát trong làn gió chiều thoảng hương hoa cỏ. Dưới hàng tre rì rào, Đức Thế Tôn khẽ mỉm cười. Người nói với Tôn giả Mục Kiền Liên (Maha Moggallana):
– Này Mục Kiền Liên, hãy cùng Như Lai đi đón Kiếp Tân Na.
Thế Tôn cùng Tôn giả Mục Kiền Liên và một số vị Tỳ kheo dùng thần thông biến mất khỏi tinh xá. Chớp mắt, Người và các vị đã hiện ra trên thảm cỏ cạnh bờ sông nơi đoàn người của Ngài Kiếp Tân Na sắp đi qua. Trời đã xẩm tối nhưng núi rừng nơi đây như được thắp sáng bởi những vầng hào quang chói ngời từ Đức Phật và các vị Tôn giả.
Phía bên kia bờ, đoàn người của Nhà vua tiếp tục phi ngựa băng qua sông. Từ xa, thấy vầng hào quang rực sáng trên bầu trời, Ngài cảm nhận rõ rằng giây phút thiêng liêng đã đến. Ngài tin chắc rằng Đấng Giác Ngộ đang ở rất gần.
Vừa đến được bờ bên này, Ngài đã thấy Thế Tôn cùng chư Tăng đang ngồi dưới tàng cây trong vầng hào quang rực rỡ. Ngài xúc động reo lên:
– Đấng Chánh Giác đây rồi! Đấng Chánh Giác đây rồi!
Ngài ngay lập tức xuống ngựa, cùng các vị cận thần băng băng vượt ngược dốc của bờ sông. Khi đến trước Thế Tôn, Ngài thành kính quỳ xuống đảnh lễ Người, lòng ngập tràn xúc động. Những vị đại thần cũng cung kính lạy theo.
Đức Thế Tôn nhìn Nhà vua cùng các cận thần với ánh mắt từ ái, giọng Người trầm ấm vang lên:
– Này Kiếp Tân Na, giải thoát cũng giống như một người đi trên lộ trình rất dài mà không bao giờ dừng lại. Cũng vậy, tâm của người giác ngộ không một phút giây nào mê mờ hay mất chánh niệm tỉnh giác.
Đức Thế Tôn vừa dứt lời, Ngài Kiếp Tân Na cùng tất cả mười hai vị cận thần hoát nhiên đồng chứng ngộ Thánh quả A La Hán. Toàn thân các vị rực sáng hào quang. Dòng sông như bừng lên bởi những vầng sáng chói ngời.
Các vị cùng đảnh lễ Đức Thế Tôn trong niềm biết ơn vô ngần. Ngài Kiếp Tân Na chắp tay cung kính tác bạch:
– Kinh Bạch Đức Thế Tôn, xin cho chúng con được trở thành đệ tử xuất gia trong Pháp và Luật của Người.
Đức Thế Tôn nhẹ nhàng đáp:
– Lành thay! Hãy đến đây, này các Tỳ kheo.
Ngay lúc đó, y phục Ngài Kiếp Tân Na và các cận thần biến thành ca sa, tóc trên đầu biến mất.
Cánh rừng cạnh đó như được thắp sáng bởi những vầng hào quang rực rỡ. Những vầng sáng bay lên hư không rồi biến mất dần về phía xa. Đức Phật cùng chư vị Tỳ kheo đã quay trở về tinh xá Trúc Lâm…

III. ĐỆ NHẤT GIÁO GIỚI

Một buổi chiều, Đức Thế Tôn đang hội họp cùng chư Tăng trong một khu rừng gần kinh thành Xá Vệ (Savatthi) thì có hai vị Tỳ kheo đi tới. Các vị bước đi vô cùng đĩnh đạc và oai nghi. Dưới bóng của những tàng cây, ánh nắng in xuống con đường đất những vệt dài lấp lánh. Từ xa, Đức Thế Tôn trông thấy hình ảnh tuyệt đẹp của hai vị, Người liền bảo với chư Tăng:
– Này các Tỳ kheo, các thầy có trông thấy hai vị đang đi tới không?
Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Này các Tỳ kheo, hai vị Tỳ kheo ấy có đại thần thông, có đại uy lực. Ngay trong hiện tại, hai vị ấy đã sống một cuộc đời phạm hạnh và chứng đắc quả vị giải thoát tối thượng.
Sau khi tán thán hai vị, Đức Thế Tôn lại ôn tồn bảo tiếp:
– Này các Tỳ kheo, hai vị ấy đều là đệ tử của Tôn giả Kiếp Tân Na. Nhờ có Kiếp Tân Na khéo hướng dẫn, khéo chỉ dạy mà các đệ tử đã được tu tập và thành thục theo đúng diệu Pháp của Như Lai. Này các Tỷ kheo, nhờ vậy mà các đệ tử đó đã chứng đắc được Thánh quả giác ngộ tột cùng.
Bằng cách nói về sự xuất sắc của các vị đệ tử, Đức Thế Tôn cũng đã tán thán khả năng giáo giới xuất chúng của Ngài Kiếp Tân Na trước tất cả Tăng chúng.
Để có thể chỉ dạy cho chư Tăng, đòi hỏi vị Thầy giáo giới phải có đức hạnh và trí tuệ lớn lao. Chư Tăng tu tập tinh chuyên, dành trọn cuộc đời thực hành theo chánh Pháp, hướng về Thánh quả cao thượng tột cùng. Vì thế, vị Thầy giáo giới cũng phải vô cùng thâm sâu trong giáo Pháp, khéo léo tháo gỡ được những vướng mắc vi tế nhất. Đặc biệt, phẩm hạnh và uy đức của vị đó phải chói ngời để làm mẫu mực cho các đệ tử.
Tôn giả Kiếp Tân Na hội đủ những đức tính cao quý ấy. Nhiều lần trước hội chúng, Đức Thế Tôn đã ca ngợi Ngài là bậc có đại thần thông, đại uy lực, phạm hạnh viên mãn. Một lần khác, trong lễ trì tụng giới bổn, Đức Bổn Sư đã khuyên Ngài đến dự lễ, vì sự góp mặt của Ngài sẽ là tấm gương sáng để các vị Tỳ kheo khác có thể ngưỡng trông và học hỏi.
Dù cho Tôn giả Kiếp Tân Na nổi tiếng trong Tăng đoàn về hạnh Giáo giới, nhưng Ngài vẫn khéo léo sống chan hòa trầm tĩnh trong Tăng chúng. Ngài thường tìm đến những nơi thanh vắng để chuyên tâm thiền định. Đức Thế Tôn quán xét thấy nhân duyên giáo hóa và đức hạnh của vị đệ tử sẽ trở thành cội phúc lớn lao cho chúng sinh, vì thế, Người đã trực tiếp đến để khuyến tấn Tôn giả Kiếp Tân Na thực hiện hạnh nguyện của mình.
Một sớm mai, Tôn giả đang lặng lẽ tĩnh tọa dưới một bóng cây thì Đức Thế Tôn hiện thần thông bước đến. Người nhẹ nhàng hỏi:
– Này Kiếp Tân Na, Như Lai nghe kể rằng con thường an trú trong thiền định mà không hay khuyến giáo đến các Tỳ kheo khác. Như vậy có đúng không?
– Bạch Thế Tôn, đúng như vậy ạ. Sau khi chứng đạt đạo quả vô ngã, con thấy bản thân mình không còn quan trọng nữa. Vì thế, con thường tĩnh tọa để an trú trong thiện Pháp.
– Này Kiếp Tân Na, Như Lai biết con có nhân duyên rất lớn đối với chư vị Tỳ kheo. Vì thế, con nên thực hiện hạnh Giáo hóa để mang lại nhiều lợi ích cho Tăng đoàn và tất cả chúng sinh.
– Thưa Thế Tôn, con xin vâng lời Người.
Vâng lời Đức Bổn Sư, Tôn giả đã thuyết Pháp cho hội chúng hàng ngàn vị Tỳ kheo. Và đặc biệt thay, ngay trong bài giáo giới đầu tiên, tất cả các vị Tỳ kheo đều chứng đắc Thánh quả A La Hán tối thượng.
Đức Thế Tôn đã tán thán rằng:
    “Trong số các đệ tử của Như Lai, người có khả năng giảo giới đến chư Tăng, Tỳ kheo Kiếp Tân Na là tối thẳng.”

IV. PHÚC DUYÊN NHIỀU ĐỜI

Trong kiếp sống cuối cùng, Ngài Kiếp Tân Na được sinh trong gia đình hoàng tộc, trở thành vua của một đất nước thịnh vượng. Ngài sống cuộc đời đầy vinh quang. Sau khi gia nhập Tăng đoàn, Ngài tinh tấn tu hành và nhanh chóng đắc thành đạo quả giải thoát, trở thành một vị Thánh đầy uy đức và phạm hạnh. Với trí tuệ phi thường, Ngài đã giáo giới cho rất nhiều vị Tỳ kheo chứng đắc Thánh quả và được Đức Thế Tôn ban tặng danh hiệu Đệ Nhất Giáo Giới.
Tất cả những hạnh nghiệp ấy được thành tựu viên mãn bởi nhiều kiếp Tôn giả đã thực hiện vô số công đức lành cúng dường lên các Đức Phật quá khứ cũng như luôn hết lòng giúp đỡ, giáo hóa chúng sinh.
Vào thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa, Ngài là một vị quan phân xử trong kinh thành Hamsavati, trọn niềm kính tin Tam Bảo. Một lần, sau khi nghe Đức Phật thuyết Pháp và tán thán một vị Tôn giả có danh hiệu tối thắng về giáo giới cho chư Tăng, Ngài vô cùng xúc động và ước mong cũng đạt được hạnh nguyện ấy. Sau khi cúng dường lên Đức Phật và chư Tăng trọn bảy ngày, Ngài quỳ xuống chân Đức Phật phát nguyện. Đức Phật Thắng Liên Hoa mỉm cười ấn chứng rằng:
– Lành thay này gia chủ, với tâm thành kính và những công đức đã gây tạo, con sẽ luôn được tải sinh trong những cảnh giới thiện lành. Trong tương lai, nguyện ước này của con sẽ được thành tựu trong thời Đức Phật Thích Ca.
Sau khi mạng chung, Ngài sinh lên cung trời Đâu Suất trở thành một vị Thiên tử đầy uy lực trong nhiều kiếp. Ngài đã giáo hóa cho rất nhiều chư Thiên, loài người, các vị quốc vương hướng về lẽ phải.
Trong một kiếp, Ngài là trưởng làng dệt vải gần kinh thành Ba La Nại (Banares). Ngài không những đã phát tâm mà còn cùng phu nhân vận động hàng ngàn gia đình trong làng cùng thực hiện công đức cúng dường và hộ trì lên các vị Độc Giác Phật trong suốt ba tháng mùa mưa. Sau kiếp đó, tất cả dân làng tái sinh lên cõi trời Đạo Lợi.
Một kiếp khác, vào thời Đức Phật Ca Diếp (Kassapa Buddha), Ngài lại cùng các gia chủ (tiền thân là dân làng kiếp xưa) xây một giảng đường rộng lớn để cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn…
Cứ như vậy trong vô lượng kiếp, bất kể khi nào gặp được giáo Pháp của Đức Phật, Ngài luôn phát khởi tâm thành kính ngưỡng ngay lập tức. Ngài hết lòng phụng sự và còn khuyến tấn mọi người cùng thực hiện. Vì thế Ngài thành tựu được những công đức lớn lao và gieo được nhân duyên giáo hóa rộng rãi sau này.

V. KẾT LUẬN

Tôn giả Kiếp Tân Na là một trong những đại đệ tử ưu tú của Đức Thế Tôn. Ngay khoảnh khắc đầu tiên được nghe đến Đấng Giác Ngộ, Ngài đã sẵn sàng từ bỏ tất cả vinh quang thế gian, đặt trọn niềm tin vào chánh Pháp. Nhờ niềm tin tột cùng mà Ngài vượt hết những chướng duyên, trở ngại khó khăn nhất.
Sau khi đắc thành đạo quả, phạm hạnh và uy đức của Ngài chói ngời. Ngài trở thành bậc mô phạm mẫu mực với danh hiệu “Đệ Nhất Giáo Giới”.
Người đệ tử Phật chúng con hôm nay xin nguyện học theo hạnh của Ngài, dâng lòng tôn kính tuyệt đối lên chư Phật và xác quyết niềm tin vào chánh Pháp. Chúng con cũng nguyện lòng sẽ nghiêm trì giới hạnh, tinh tấn tu tập, gieo duyên gây tạo công đức lành rộng lớn để có thể mang đạo lý của Thế Tôn đến khắp muôn nơi.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Kiếp Tân Na (Maha Kappina) là vị A La Hán siêu việt trong hàng đệ tử của Đức Phật với danh hiệu Đệ Nhất Giáo Giới Chư Tăng. Khả năng giáo hóa Tăng chúng của Ngài là tối thắng trong Tăng đoàn.
Ngài khéo léo chỉ dạy và hướng dẫn cho Tăng chúng tu tập nhờ vào sự thông hiểu giáo Pháp của Đức Như Lai. Đồng thời, chư Tăng cũng nương theo tấm gương đức hạnh và trí tuệ lớn lao của Ngài để tinh tấn tu hành và giữ gìn phạm hạnh. Từ đó, rất nhiều vị Tỳ kheo đã chứng đắc Thánh quả A La Hán, mang lại lợi ích vô số cho chúng sinh.
Quý Phật tử thành tâm thờ kính Ngài sẽ thành tựu:
– Lòng tôn kính với các bậc Thánh tuyệt đối, siêng năng cúng dường các bậc đáng kính, gieo trồng được nhiều công đức lành.
– Có trí tuệ và đức hạnh sáng ngời, luôn được mọi người yêu mến, kính trọng, có địa vị và quyền lực lớn trong xã hội.
– Khả năng thấu hiểu đạo lý và có thể giảng dạy, hướng dẫn giúp cho người khác tu hành tiến bộ, có công đức vô lượng về sau.

VII. THƠ TỤNG

Thành tâm xin đảnh lễ Ngài
Giáo Giới Đệ Nhất biện tài viên dung
Phạm hạnh thanh tịnh tột cùng
Trí tuệ, uy đức đại hùng bao la
Kính lạy Ngài Kiếp Tân Na
Bỏ ngôi hoàng đế xuất gia tu hành
Kukkuta xứ an lành
Quốc gia cường thịnh uy danh Vua hiền
Khi vừa đầy đủ thiện duyên
Ngai vàng gác lại vương quyền ra đi
Niềm tin Đức Phật diệu kì
Vượt bao chướng ngại thành trì gian nan
Ven đường rừng vắng mênh mang
Thế Tôn hiện rõ hào quang sáng ngời
Nhân duyên hội đủ phải thời
Đức vua quỳ trước đất trời bao la
Một lòng mong được xuất gia
Hoàng bào bỗng hóa ca sa nhiệm màu
Tinh chuyên thiền định thâm sâu
Đạo mầu vô thượng nguyện cầu chứng nên
Nghiêm trì giới hạnh vững bền
Tựa như bàn thạch vượt lên chính mình
Giới điều khuyên dạy chúng sinh
Tấm gương trong khiết cho nghìn đời sau
Chúng con xin nguyện cúi đầu
Học theo giáo Pháp nhiệm mầu thiêng liêng
Thọ trì giới luật tinh chuyên
Noi gương bậc Thánh thường xuyên trau dồi Việc công đức mãi đắp bồi
Tránh từng lầm lỗi nhỏ nhoi, âm thầm
Nguyện xin dứt sạch mê lầm
Huân tu đạo đức từ tâm đẹp ngời
Y theo giới luật tuyệt vời
Sống thanh cao giữa đất trời thênh thang
Mỗi lời nói, mỗi việc làm
Đều như khuôn ngọc, thước vàng truyền trao
Sáng trong như những vì sao
Đem niềm tin kính gửi vào nhân sinh
Nguyện ai ai cũng nép mình
Sống đời phạm hạnh quang minh rạng ngời
Như hoa sen dưới mặt trời
Tỏa hương thơm ngát giữa đời trầm luân
Cúi đầu lạy Phật kính dâng
Giới hương công đức chuyên cần tĩnh tu.
Nam Mô Kiếp Tân Na Tôn Giả (3 lần) 
Trích (Thánh Độ Mệnh “TÔN GIẢ KIẾP TÂN NA (MAHA KAPPINA)”  )
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x