Tôn Giả Hồ Nghi Ly Viết – Đệ Nhất Hành Thiền

ĐỆ NHẤT HÀNH THIỀN

Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết (Kankha Revata) là một vị Thánh Tăng đạo hạnh trong Tăng đoàn của Đức Phật. Ngài được biết đến với danh hiệu Đệ Nhất Hành Thiền. Tôn giả là tấm gương về sự tinh tấn vượt qua những chướng ngại của thiền định để đạt đến sự giác ngộ tột cùng, trở thành phước điền vô lượng, lan tỏa lòng từ bi và niềm an lạc đến với chúng sinh.

Tôn Giả Hồ Nghi Ly Viết - Đệ Nhất Hành Thiền -

Tôn Giả Hồ Nghi Ly Viết (Kankha Revata) – Đệ Nhất Hành Thiền

Trong thời đại hôm nay, khi cả thế giới bị cuốn vào vòng xoáy lo toan, hối hả, bộn bề của cuộc sống, thì việc tìm lại những giá trị tinh thần quý báu để có được niềm hạnh phúc chân thật, giúp con người thăng hoa trên bước đường tâm linh lại càng trở nên cấp thiết hơn. Và điều đó chỉ có thể tìm thấy trong phương pháp thiền định của Đạo Phật. Bởi vậy, hình ảnh Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết lại càng trở thành biểu tượng ngời sáng, hạnh nguyện đệ nhất của Ngài sẽ sống mãi như một lời chỉ dạy cao quý cho thế giới trong tương lai…

I. XUẤT THÂN

Thuở ấy, thành Xá Vệ (Savatthi), kinh đô của vương quốc Kiều Tát La (Kosala) phát triển thịnh vượng, nổi danh là nơi hội họp của các thương gia giàu có. Từ khắp xứ, họ mang về rất nhiều hoa trái, lúa gạo thơm ngon, những khúc gỗ trầm hương quý, tinh dầu, phấn hoa, những đồ dùng kỹ nghệ tinh xảo… Trên bến cảng sầm uất, người qua lại mua bán nhộn nhịp, thanh âm náo nhiệt vang lên từ những boong tàu đầy ắp hàng hóa.
Nơi kinh thành phồn hoa đô hội ấy, Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết là con trai trong một gia đình Bà la môn phú quý vương giả. Ngài sớm được dự phần trong những buổi tế lễ thánh thần, những nghi thức cầu nguyện dài hàng tuần lễ, những cuộc chuyện trò nhiều hồi với các vị tễ sư lỗi lạc. Bởi vậy, Ngài am tường về thiên văn, tướng số và uyên bác giáo lý Vệ Đà, kinh điển truyền thống của giai cấp Bà la môn. Mỗi khi Tôn giả bước ra phố, Ngài nổi bật giữa dòng người hối hả bởi dáng vẻ thanh nhã cao quý, cử chỉ đoan nghiêm, phong thái chuẩn mực. Gương mặt Ngài luôn hiển hiện một nụ cười điềm đạm từ ái với tất cả mọi người.
Nhưng tất cả vẻ đẹp lộng lẫy ấy của Xá Vệ không thể che khuất đi một nỗi khát khao thầm kín luôn thường trực trong lòng Tôn giả. Có lúc, những người gia nhân thấy Ngài đứng ở trên bến, đăm chiêu lặng lẽ, ánh mắt nhìn về xa xăm như đang kiếm tìm một điều gì đó. Sóng nước lặng thinh, thi thoảng gợn lên vài bọt trắng lăn tăn rồi tan biến…

II. XUẤT GIA

Trong một dịp, Ngài Hồ Nghi Ly Viết tháp tùngThánh đoàn khách phương xa đến tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) để nghe Đức Phật thuyết Pháp. Tinh xá Kỳ Viên thật đẹp. Dù đã được nghe dân chúng ngợi ca về tinh xá nhưng sự kỳ vĩ của nó vẫn khiến đoàn người không khỏi trầm trồ thán phục. Hôm đó, thiện tín đến dự rất đông. Từ sáng sớm, giảng đường đã không còn một chỗ trống. Mọi người ngồi kín cả bên các hành lang, lối đi.

– Này đại chúng, một Đức Phật khi thị hiện tại thế gian sẽ thành tựu mười năng lực thần diệu, không thể nghĩ bàn. Đó là biết tường tận về đường đi của Nhân quả nghiệp báo và những cảnh giới tái sinh. Hiểu biết rõ về chúng sinh, về bản tinh, căn cơ, vô lượng kiếp sinh tử. Biết rõ về các cõi trong pháp giới. Thấu triệt tất cả chân lý, sự đúng sai trong mọi trường hợp, hướng dẫn con đường thiền định để chúng sinh thoát khỏi khổ đau sinh tử……
Này đại chúng, chỉ một Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác đã trải qua vô lượng kiếp với hạnh nguyện Bồ Tát mới có thể thành tựu viên mãn mười năng lực này.
Lời Pháp của Đức Thế Tôn trầm hùng, ngân vang khắp cả không gian. Bài Pháp vừa kết thúc, nơi phía cuối của hội chúng, Ngài Hồ Nghi Ly Viết nghẹn ngào xúc động, hướng tâm về Đức Thế Tôn với niềm tin kính tột cùng. Sau buổi giảng, Ngài đến quỹ dưới chân Người:

– Kinh bạch Đức Thế Tôn, Người đã tuyên thuyết khai mở cho con tri kiến về mười phương ba đời chư Phật. Vì lòng thương tưởng chúng sinh mà chư Phật đã thị hiện tại thế gian. Đã từ lâu con khát khao tìm được một bậc minh sư dẫn dắt, một con đường bao la cao thượng để bước đi. Bạch Thế Tôn, con có lòng tin tuyệt đối Đức Thế Tôn là Đấng Giác Ngộ vĩ đại, là bậc Thầy cao quý của cả trời và người. Xin Thế Tôn chấp nhận con được trở thành đệ tử xuất gia trong Pháp và Luật của Người.
Đức Thế Tôn mỉm cười đồng ý. Từ đó, vị Bà la môn tử bỏ gia thế và địa vị, chính thức trở thành một vị Tỷ kheo trong Tăng đoàn, sống cuộc đời giản dị với ba y một bát.

III. BÌNH MINH SÁNG TỎ

Kể từ khi xuất gia, Ngài nhu thuận với tất cả các vị Tỳ kheo và thường khiêm cung thưa hỏi giáo lý nơi các Trưởng lão để được giải thích tường tận về những điều mình chưa thật hiểu rõ. Tôn giả khắc sâu một niềm tôn kính tuyệt đối với Đức Thế Tôn. Vì vậy trước khi định nói hay làm bất cứ điều gì, Ngài đều cẩn trọng suy xét lại xem điều ấy có đúng với giáo lý mà Thế Tôn đã chỉ dạy hay không, có đúng với giới luật mà Đức Bổn Sư đã đề ra hay không. Thế nhưng, đôi khi Ngài mang sự hoài nghi vào cả những vấn đề nhỏ nhặt. Chỉ đến khi mọi thắc mắc đã được Thế Tôn giảng giải thật sáng tỏ, Ngài mới an tâm. Ví dụ, một lần Tôn giả được chứng kiến công đoạn làm ra mật đường. Người ta trộn thêm cả bột mì và tro vào trong đường. Tôn giả nghĩ rằng: “Nếu trộn lẫn như vậy thì mật đường cũng được tính là vật thực nên không được phép thọ dụng phi thời”. Vì vậy, Ngài đã do dự lúc thọ thực chung với đại chúng. Sau khi sự việc được trình lên, Thế Tôn giải thích rằng: “Bột mì và tro được trộn vào nhằm mục đích kết tinh. Đó vẫn là một thành phần của mật đường”. Người cho phép chư Tăng thọ dụng mọi lúc, và khi đó Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết mới yên tâm dùng.

Thói quen thường xuyên đặt ra những nghi vấn ấy giúp Ngài nỗ lực tìm hiểu sâu hơn đạo lý và thực hành kỹ lưỡng. Thế nhưng trong công phu tu thiền, sự nghi ngờ thường trực lại trở thành một thử thách vô cùng khó khăn. Trong màn đêm thinh lặng, Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết đối mặt với những vọng tưởng liên tục khởi lên. Dù cho đang tinh tấn thực hành nhưng Ngài vẫn thấy phảng phất một cảm giác hoang mang đâu đó, không biết mình đã dụng công chính xác hay chưa, liệu cứ tiếp tục như vậy có đạt được kết quả không, những trạng thái vi diệu của Thiền sẽ như thế nào… Tất cả Ngài đều chưa được trải nghiệm, tất cả đều chỉ hiện lên mơ hồ trong những lời kể, mà càng cố gắng tư duy câu trả lời dường như lại càng trở nên xa vời. Những nỗi ngờ vực ấy chẳng biết từ đâu cứ khởi lên không ngừng nghỉ, có khi âm thầm lẩn quất trong các suy nghĩ vi tế, đôi lúc lại trùng điệp kéo đến khiến Ngài thấy vô cùng vất vả. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt Ngài, thấm đẫm cả chiếc y đang mặc…

Khi đó, chỉ có niềm tin mạnh mẽ vào Đức Thế Tôn và các vị Thánh Tăng mới giúp Ngài có thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh vất vả ấy. Đức Thế Tôn là bậc giác ngộ cao quý nhất trên thế gian này, đức hạnh của các vị Thánh Tăng là hoàn hảo không vương một hạt bụi, lời dạy của Thế Tôn là chân lý muôn đời. Ngài đặt cả cuộc đời vào niềm tin ấy, Ngài sẵn lòng xả bỏ thân mạng để theo bước Thế Tôn. Bởi vậy, dù còn đâu đó những điều chưa thâm hiểu, Tôn giả vẫn hết lòng tinh tấn thực hành chính xác những lời dạy của Thế Tôn. Cứ như vậy mà Ngài tiến tới, dù còn chậm và còn nhiều vất vả nhưng mỗi một bước lại mở ra thêm một điều mới lạ, những điều mà trước giờ Ngài chưa bao giờ thấy và không thể diễn tả được bằng lời.

Thế rồi khi nhân duyên đã hội đủ, Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết hoát nhiên chứng ngộ Thánh quả A La Hán tối thượng, phá tan màn đêm của vô minh ngã chấp. Mọi mối nghi ngờ từ lâu kết chặt trong lòng đều vụn vỡ, chân lý bừng tỏ như bình minh rực sáng. Từ giây phút ấy, ngài thấy cả pháp giới hiển bày chân thật và rõ ràng như một trái xoài trong lòng bàn tay.

Để ngợi ca sự tinh tấn và dũng lực vượt mọi khó khăn của người đệ tử, Đức Thế Tôn đã tuyên bố rằng: “Trong các vị tỳ kheo đệ tử của Như Lai tu thiền, tỳ kheo Hồ Nghi Ly Viết là tối thẳng”.

Sau khi chứng đạt đạo quả, Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết vẫn tinh chuyên hành thiền trong mọi phút giây của cuộc sống. Buổi sớm mai, khi ngọn cỏ còn ướt đẫm sương đêm, Ngài đã thức dậy để tọa thiền, lắng tâm trong sự an yên của đất trời. Sau thời thiền, Tôn giả trở ra từ am thất được lợp bằng những tán lá cọ xanh, dạo bước kinh hành trên lối đi lát đá thẳng đẹp. Trong thiền định an vui như thế, cảnh vật hiện lên thật tươi đẹp, thanh tịnh và nhẹ nhàng. Dưới chân Ngài là những khóm cỏ tươi non và tràn đầy nhựa sống. Hồ sen màu ngọc bích trong mát, những đóa sen tỏa hương thơm dìu dịu. Cơn gió nhẹ đưa trên những tàng cây cao của tinh xá… Cả đất trời như ngân lên một bản thiền ca hạnh phúc vô ngần. Trong mỗi bước đi, thân và tâm như hòa lại với nhau theo từng hơi thở đều đặn êm ái. Ngài an lạc định tĩnh như mặt nước hồ thu phẳng lặng, không một gợn sóng lao xao dù là vi tế nhất.

IV. HÓA ĐỘ NỮ NGẠ QUỶ TÓC DÀI

Buổi trưa hôm ấy, nắng rát và gay gắt dữ dội. Những vòm cây nhăn nhúm úa tàn trong nắng đỏ như lửa cháy, hoa bên vệ đường khép mình rũ xuống. Nắng phả lên nóng hầm hập từ những ruộng lúa nước. Vừa lúc ấy Tôn Giả Hồ Nghi Ly Viết đi khất thực về. Bước chân Ngài thong dong trầm tĩnh trên mặt đất nóng bỏng, Ngài quán sát về sự vô thường biến hoại của tất cả mọi vật. Phía xa bên bờ sông Hằng thấp thoáng có bóng cây che mát, Tôn giả liền tới đó dừng lại nghỉ chân đôi chút.
Gần đó, một nữ ngạ quỷ gương mặt u tối buồn bã, ánh mắt đượm màu sầu khổ đang ngồi bên cạnh một khúc sông sâu. Thân hình nữ ngạ quỷ tiều tụy xác xơ, đặc biệt mái tóc cô rất dài, buông xuống chạm tới mặt đất. Cô gục xuống nhìn dòng nước mênh mang một cách tuyệt vọng, muốn uống mà không được, cứ hễ cô cố gắng vốc lên một ngụm thì nước trong tay lập tức biến thành dòng máu đỏ ghê sợ. Cô đau khổ lấy tóc che kín cả người, tay vần vò bông cỏ lau đã héo rũ. Khi nữ ngạ quỷ ngẩng đầu lên, cô chợt thấy một vị Sa môn đang ngồi trên phiến đá dưới một tàng cây rộng mát bên bờ sông. Gương mặt Ngài thanh thản an nhiên, ánh mắt Ngài từ bi chất chứa. Từ nơi Ngài như tỏa ra một nguồn ánh sáng dịu mát giữa trưa hè nóng rực. Tôn giả điềm đạm trầm lắng còn lòng cô thì lửa cháy bời bời, cô bị trói buộc và đau khổ trong sự thèm khát bản năng. Cô nhìn bậc Thánh Tăng đạo hạnh như một cứu cánh sống còn. Ngài là dòng suối mát lành mà cô đã ngóng đợi bấy lâu, sẽ giải thoát cô khỏi sự khốn khổ tột cùng. Nữ ngạ quỷ lấy hết sức lực ít ỏi còn lại của mình, lê bước tới chỗ Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết, cất lên lời than não nùng:

– Thưa vị Thánh Tăng cao quý, đã năm mươi năm qua con làm thân ngạ quỷ, không biết đến một miếng cơm ngụm nước. Con đói khát muôn phần, con đau khổ không cùng tận. Xin Ngài thương xót, ban bố cho con chút nước dưới lòng sông Hằng vô tận kia.

Tôn giả nhìn nữ ngạ quỷ với lòng bi mẫn vô ngần. Ngài đã thấu rõ tất cả. Trái tim cô là sự xen lẫn giữa nỗi thèm khát và sự ích kỷ, cô độc và giá lạnh, giận dữ sôi sục và tuyệt vọng bi thương. Ngài cất tiếng hỏi:

– Này ngạ quỷ, dòng nước sông Hằng kia chảy xuống từ miền Tuyết Sơn vô cùng trong lành mát mẻ, sao cô không tự tay lấy?
Nữ quỷ thều thào trong nỗi khốn khổ:

– Thưa Tôn giả, con không thể…

Rồi cô nghẹn ngào bật khóc, kể về những lỗi lầm của mình. Kiếp sống trước đây, cô là một nữ gia chủ giàu có nhưng tham lam và ích kỷ. Tuy nhiên người con trai cô lại rất kính ngưỡng các vị Sa môn đạo hạnh. Cậu thường cúng dường các vị rất nhiều vật phẩm tốt. Vì tiếc của, cô nguyền rủa những những vật phẩm ấy sẽ biến hết thành máu ở kiếp sau. Bởi ác nghiệp ấy mà giờ đây cô phải mang thân ngạ quỷ, cứ mỗi khi chạm tay vào dòng nước là lập tức chúng hóa thành dòng máu tanh ghê rợn. Cô đói, khát, cô đơn, đau khổ đằng đẵng suốt hơn năm mươi năm qua.

Tôn giả biết rằng nghiệp quả của nữ ngạ quỷ sâu dày quá, nếu không có phước báu bù đắp lại thì cô sẽ bị đọa đày rất lâu. Vì thế, Ngài dùng thần lực lập tức quay trở về tinh xá cúng dường lên các vị Thánh Tăng nước uống, y áo, vật thực… rồi hồi hướng cho cô. Chư Tăng vừa đồng ý thọ nhận thì bên bờ sông Hằng, những giọt nước ngọt mát trào lên trước mặt, nữ ngạ quỷ sung sướng vừa vốc lên từng ngụm, vừa quỳ xuống khóc òa vì biết ơn Tôn giả…

Dòng nước ấy không chỉ làm tan biến cơn khát thảm thương mà còn xóa tan đi nỗi giày vò của tội nghiệt kiếp xưa đã đày đọa nữ ngạ quỷ suốt bao năm Tấm lòng bao dung và từ ái mênh mông của Ngài đã cảm hóa nữ ngạ quỷ, cô thấu rõ lỗi lầm của mình và hết lòng ăn năn sám hối. Khi mệnh chung, bởi công đức cúng dường mà Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết đã hồi hướng cho quá lớn, cô được tái sinh trở thành một thiên nữ xinh đẹp. Từ đây, cô trọn lòng kính tin Tam Bảo. Tôn giả đã vực cô dậy từ hang sâu tăm tối u minh lên đến bầu trời hạnh phúc an vui.

KẾT LUẬN

Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết là vị Thánh Tăng có danh hiệu là Đệ Nhất Hành Thiền. Ngài đã chứng được Thánh quả giải thoát khi tinh tấn hành thiền không ngơi nghỉ. Chính nhờ kết quả của thiền định mà Ngài đã phá vỡ được những nghi hoặc trong tâm, sự nghiệp giác ngộ thành tựu. Tôn giả nghĩ đến sự nghi ngờ đã từng lấn chiếm tâm trí, và nay nghi ngờ đoạn tận, Ngài tán thán sức mạnh và trí tuệ của Bậc Đạo Sư qua bài kệ:

Hãy thấy trí tuệ này
Của những bậc Như Lai
Như lửa cháy nửa đêm
Cho ánh sáng cho mắt
Họ nhiếp phục nghi ngờ
Cho những ai đi đến.

Quả vậy, Thiền định của Đạo Phật chính là ánh mặt trời vén bỏ bức màn vô minh, là ngọn đuốc sáng phá tan màn đêm nghi ngờ u tối. Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết mãi luôn là tấm gương sáng cho những người con Phật trên con đường tu tập thiền định, giúp chúng con vững bước mà không còn bất kỳ nghi hoặc nào.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Hồ Nghi Ly Viết là vị đệ tử A La Hán của Đức Phật với danh hiệu Đệ Nhất Hành Thiền. Một lòng tôn kính Đức Phật, Ngài tinh tấn hành thiền vượt qua mọi khó khăn vất vả, những chướng ngại trong nội tâm để chứng đắc sự giải thoát giác ngộ tột cùng. Ngài trở thành biểu tượng thiêng liêng cho những ai biết nỗ lực tìm về con đường thiền định cao quý. Thiền định là tương lai của nhân loại. Chỉ có thiền định mới cho con người hướng đi cao thượng vượt thoát khỏi trầm luân sinh tử, đạt đến bến bờ hạnh phúc an vui.
Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ thành tựu:

– Được nhiều phước báo về trí tuệ và đạo đức, dần thành tựu được lòng tôn kính Phật tuyệt đối.
– Có ý chí mạnh mẽ vượt qua được những khó khăn, nghịch cảnh, cám dỗ trong đời sống cũng như trong tu tập.
Có sự ham học hỏi, tìm hiểu kỹ càng về nhiều vấn đề, từ đó am hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, thực hành đạo lý một cách kỹ lưỡng đem lại những giá trị tốt đẹp cho mọi người.
– Tiến sâu trên con đường tâm linh thiền định.
– Gặp nhiều may mắn và bình an trong cuộc sống hiện đời và nhiều kiếp về sau.

VII. THƠ TỤNG

Đêm khuya tịch vắng hư vô
Dáng người ẩn sĩ lặng ngồi bình yên
Ánh trăng soi giữa trời nghiêng
Lắng dịu hết thảy muộn phiền thế gian
Đường thiền khăn khó muôn vàn
Biết bao duyên nghiệp buộc ràng đeo mang
Tâm hồn cứ mãi lang thang
Đắm say hưởng thụ bản năng kiếm tìm
Dục vọng, ích kỷ, vô minh
Tham lam, đố kỵ, tội tình, khổ đau
Nếu không thức tỉnh quay đầu
Ăn năn sám hối tìm cầu lối đi
Chìm trong tăm tối ngu si
Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh đón chờ
Ai ơi xin nhớ bến bờ
An vui hạnh phúc bởi đời hy sinh
Dấn thân phụng sự quên mình
Đôi tay xây đắp hành tinh đẹp ngời
Tình thương trải khắp muôn nơi
Gieo trồng công đức, vun bồi Đạo tâm
Phước lành tự đến âm thẩm
Biết từng hơi thở, nhiếp tâm dễ dàng
Con đường vẫn rất gian nan
Nguyện lòng đi mãi chẳng màng chông gai
Con xin theo bước chân Ngài
Bậc A La Hán muôn loài ngưỡng trông
Tâm Ngài tĩnh lặng hư không
Hành Thiền Đệ Nhất mãi còn lưu danh
Một lòng tinh tấn tu hành
Quyết tìm Vô Ngã, bình minh sáng ngời
Hạnh phúc chân thật không lời
Chánh Pháp mở lối cho người tựa nương
Nghìn đời chỉ một con đường
Giữ lòng kính Phật, tình thương vô bờ
Cùng chung nhau một ước mơ
Phật Pháp thắp sáng đất trời mênh mông
Thế giới vang tiếng đại đồng
Chúng sinh khắp cõi thoát vòng trầm luân…

Nam Mô Hồ Nghi Ly Viết Tôn Giả (3 lần)

Trích ( Thánh Độ Mệnh “TÔN GIẢ HỒ NGHI LY VIẾT (KANKHA REVATA)” )

 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x