Bay trong chiều sương giá
Một chiếc phấn tảo y
Giản dị, đơn sơ quá
Bậc Phạm hạnh bước đi
Chói ngời trong Thánh quả.
I. XUẤT THÂN
Thuở bấy giờ, kinh thành Xá Vệ (Savatthi) tại đất nước Kiều Tát La (Kosala) nổi tiếng cường thịnh về nhiều lĩnh vực, kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, nơi đây còn quy tụ rất nhiều tôn giáo. Mỗi năm, hàng nghìn giáo sĩ từ khắp các giáo phái Bà la môn, Ni kiền tử, Đạo thờ lửa… du hành đến Xá Vệ để truyền bá và thu hút tín đồ. Mỗi sáng, họ biểu diễn những năng lực kỳ lạ trên các con phố tấp nập. Đêm đến, trong các đền thờ, họ sôi nổi thuyết giảng đàm luận giáo lý và truyền bá tư tưởng cho quần chúng.
Kinh thành phồn hoa ấy chính là quê hương của Tôn giả Diện Vương (Mogharaja). Ngài sinh ra trong một gia đình có truyền thống Bà la môn. Ngay từ nhỏ, Ngài đã yêu thích đời sống tâm linh thanh tịnh và không ngừng kiếm tìm điều ấy. Hàng ngày, Ngài thường đọc các luận giải của những bậc đạo sư danh tiếng và đều đặn tham gia vào những cuộc đàm luận của các vị Bà la môn vào mỗi tối.
Chứng kiến người con trai trưởng thành trong sự ham học hỏi như vậy, cha mẹ Ngài vô cùng vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng. Lúc bấy giờ, trong kinh thành có một vị đạo sư Bà la môn nổi tiếng tên Bavari. Đạo sư Bavari là quốc sư của vua Ba Tư Nặc (Pasenadi), Thầy tinh thông kinh điển Vệ Đà và có hàng nghìn đệ tử theo học. Cha mẹ liền gửi Ngài đến hội chúng của đạo sư Bavari với ước mong rằng Ngài sẽ đạt được nhiều thành tựu.
II. XUẤT GIA – CHỨNG ĐẠO
Từ khi Ngài Diện Vương trở thành đệ tử của thầy Bavari, Ngài nỗ lực tu học theo lời thầy dạy. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngài đã trở thành một trong mười sáu vị đệ tử xuất chúng nhờ vào trí tuệ mẫn tiệp, lòng quý kính với bậc đạo sư và niềm say mê học hỏi.
Một hôm đạo sư Bavari ở nơi vắng vẻ, tự đánh giá về sở học của mình. Thầy ấy thấy rằng những bộ kinh Vệ Đà không có chút giá trị nào để đem lại lợi ích cho mình trong kiếp sau. Thế là thầy Bavari cùng toàn bộ đệ tử quyết định xuất gia trở thành sa môn. Các vị lên đường rời Xá Vệ xuôi về phía Nam và dừng chân tại một đảo lớn thưa dân cư nằm giữa hai vương quốc Assaka và Alaka.
Thời gian thấm thoát trôi qua, đã tám năm kể từ ngày Ngài Diện Vương rời Xá Vệ. Cuộc sống ở đây êm ả và thanh bình.
Một buổi sáng, Ngài Diện Vương đang dạo bước trên bờ sông Godhavari thì Ngài thấy một đoàn lái buôn đang ghé qua đảo. Họ hăm hở chất thêm nhiều lương thực lên thuyền và dường như đang rất phấn khởi. Ngài lại gần hỏi chuyện:
– Này các vị thương lái, chuyến này các vị sẽ đến vùng đất nào? Ở đó có điều gì đặc biệt hay sao mà các vị lại vui đến vậy?
– Thưa Ngài sa môn, chúng con đến vương quốc Ma Kiệt Đà. Đó là một đất nước vô cùng thịnh vượng. Đặc biệt, nơi đó đang có sự hiện diện của Đấng Giác Ngộ. Người là bậc tôn quý nhất trên thế gian, là vị Thầy của cả trời và người. Ai mà được gặp Người, được đánh lễ dưới chân Người thì sẽ được rất nhiều phước lành.
Người lái buôn vừa trả lời vừa chắp tay hướng về phía chân trời, gương mặt ông như rạng rỡ hơn. Ngài Diện Vương xúc động hỏi thêm nhiều điều về Đấng Giác Ngộ.
Gió lồng lộng thổi. Trên bờ, Ngài Diện Vương đứng lặng người, mắt nhìn xa xăm. Đoàn thương lái đã rời đi nhưng Ngài vẫn ở đó, trầm ngâm hướng ra xa. Kể từ khi nghe được những lời của họ, trong lòng Ngài cứ trào dâng lên niềm khắc khoải: “Liệu rằng ta có cơ hội được gặp Đấng Giác Ngộ hay không.?”
Trùng hợp thay, ngay sáng hôm sau, thầy Bavari bỗng nhắn gọi mười sáu vị đệ tử tới phòng có việc gấp. Thầy bảo đã được một vị Thiên tử cho biết về sự xuất hiện của Đấng Giác Ngộ. Người đã đến với thế gian và tuyên giảng chân lý giải thoát tối thượng.
Này các đồ chúng, các con hãy lên đường đến thành Vương Xá (Rajagaha) của đất nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Hãy xác minh về sự hiện diện của Đấng Giác Ngộ rồi quay về báo lại với ta.
Ngài Diện Vương ngay lập tức trở về phòng và chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi, lòng bồi hồi khôn tả. Cả đêm hôm ấy, Ngài cứ chập chờn trong giấc ngủ với những suy nghĩ về phút giây được gặp Đấng Giác Ngộ.
Ngày hôm sau, Ngài Diện Vương cùng mười lăm huynh đệ đồng môn và hàng ngàn môn đệ khởi hành tới Ma Kiệt Đà. Chuyến hành trình xuyên qua Mahissati, Vedisa, Pavana, Kosambi, Saketa, Savatthi, Kusinara, Pava, Bhoga, Vesali… hướng về đền thờ Pasanaka gần kinh thành Vương Xá (Rajagaha) thuộc nước Ma Kiệt Đà. Dù trải qua những dặm đường xa xôi với bao trắc trở nhưng Ngài không hề cảm thấy mệt mỏi. Càng đến gần với Đấng Giác Ngộ, những bước chân càng hăng hái như được tiếp thêm sức mạnh.
Trên ngọn núi hùng vĩ, điện thờ Pasanaka nằm trên một nền đá rộng. Trong điện, Đức Thế Tôn đang thuyết giảng. Hội chúng đông hàng nghìn người ngồi thành những hàng ngay ngắn, vô cùng trang nghiêm, thanh tịnh. Đức Thế Tôn ngự trên tòa bằng ngọc thạch, Người uy nghi và trầm tĩnh. Một vầng hào quang dịu nhẹ bao trùm lấy đại chúng.
Trước mặt Ngài Diện Vương bây giờ chính là Đấng Giác Ngộ vĩ đại. Người chói ngời hơn cả nghìn lần trong hình dung của Ngài. Sau khi buổi giảng kết thúc, các vị bước đến trước pháp tòa, thành kính gieo năm vóc sát đất đảnh lễ Người. Đức Thế Tôn nhìn đoàn người từ ái, Người nhẹ nhàng cất tiếng:
– Này các vị Bà la môn, Như Lai cho phép các ông được nêu ra câu hỏi nếu có điều gì thắc mắc.
Các vị luân phiên hỏi Đức Thế Tôn, về nỗi sợ của thế gian, về cái khổ của loài người… Ngài Diện Vương ngồi trên sàng tọa, chắp tay chú tâm lắng nghe từng lời Pháp thoại cao quý. Từng câu từng chữ đều rành mạch, rõ ràng và tràn đầy hùng lực. Ngài chưa bao giờ được lắng nghe những lời giảng trí tuệ như thế. Cuối cùng khi tới lượt, Ngài thành kính thưa bạch:
– Bạch Thế Tôn, từ lâu con đã khát khao được học những điều đạo lý cao thượng. Hôm nay, những câu trả lời của Thế Tôn đã thắp sáng tâm hồn con. Bạch Thế Tôn, xin Người giải đáp cho con, bằng cách nào mà một người có thể thoát khỏi con mắt của Tử thần?
– Này Diện Vương, Như Lai sẽ cho con biết. Thế gian này là hư ảo, là trống rỗng. Mọi sự vật đều nhờ nhiều nhân duyên tụ hội lại mà thành và rồi cũng theo nhân duyên mà tan hoại, không có gì là tồn tại mãi mãi.
– Này Diện Vương, thân tâm này được được hợp bởi ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bao gồm từ xác thân vật chất này đến cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, ký ức, cái biết… Chúng quyện chặt lại với nhau khiến cho chúng sinh có ảo tưởng rằng luôn có một bản ngã, một “cái ta” thường hằng, bất biến. Thế nhưng, này Diện Vương, đó chỉ là tà kiến. Tất cả đều là trống rỗng, là Vô Ngã. Không có gì là ta, không có gì là của ta, là thuộc về ta. Này Diện Vương, con hãy luôn giữ mình trong chánh niệm để đoạn trừ hết những tà kiến này. Khi đó tri kiến chân thực phát sinh, con sẽ thoát khỏi con mắt của Tử thần, sẽ vén bỏ màn vô minh tăm tối và dừng lại sự trỗi lăn trong sinh tử luân hồi.
Thế Tôn vừa dứt lời, cả không gian bỗng rực sáng. Lập tức, y phục trên người Ngài Diện Vương biến thành tấm y ca sa, râu tóc cũng được phủi sạch. Trong khoảnh khắc đó, Tôn giả Diện Vương chứng đắc Thánh quả A La Hán, viên mãn giải thoát giác ngộ. Ngài chắp tay đảnh lễ Đức Thế Tôn với lòng biết ơn vô hạn.
Sau thời Pháp thoại hôm ấy, hàng nghìn thính chúng cũng chứng đạt những tầng bậc đạo quả khác nhau. Còn thầy Bavari, Đức Thế Tôn sau đó đã dùng thần lực hiện đến và thuyết Pháp cho thầy. Thầy chứng đắc Thánh quả A Na Hàm.
Trên đỉnh núi, bên ngoài ngôi đền, gió đang thổi lồng lộng, ánh mặt trời xuyên qua những áng mây chiếu rọi những vệt nắng chói ngời khắp không gian…
III. ĐỆ NHẤT HẠNH PHẤN TẢO Y
Một sáng mùa đông tại Ma Kiệt Đà. Gió rít lên từng cơn. Không khí lạnh thấu thịt da. Nền trời xám xịt. Trên đường ra ngoại thành, hàng cây trút lá để lại những cành khẳng khiu gầy guộc. Mặt đất khô nứt. Cánh đồng vắng cạnh bên bị bao phủ bởi một màn sương dày đặc.
Trong thời tiết khắc nghiệt ấy, thấp thoáng bóng một căn lều nhỏ giữa cánh đồng. Căn lều được dựng tạm bằng tre và rạ khô, đợt gió mạnh liên tiếp thổi qua làm cánh cửa tre kêu cọt kẹt. Giữa căn phòng, Tôn giả Diện Vương đang ngồi thiền trên sàng tọa kết bằng rơm khô. Da tay, da cổ và da mặt của Ngài nổi đầy những mẩn đỏ. Tôn giả quấn một tấm y đã bạc màu. Chiếc y may từ những tấm vải rách, nối lại với nhau bằng những đường chỉ thô và sần. Dù bên ngoài gió có rít lên từng đợt, Tôn giả vẫn ngồi yên bất động. Gương mặt Ngài an nhiên và tỏ rạng.
Khi mùa đông qua đi, chư Tăng trở lại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) và tề tựu tại giảng đường. Đức Thế Tôn biết rằng gần đây trong Tăng đoàn có một số vị Tỳ kheo bàn tán về căn bệnh và tấm y vá của Tôn giả Diện Vương. Vậy nên hôm ấy, sau khi Tôn giả Diện Vương đảnh lễ Đức Thế Tôn, Người cất tiếng hỏi:
– Này Diện Vương, vì lý do gì mà khi đang bị bệnh, con lại chỉ khoác lên mình chiếc y phấn tảo, ở trong căn lều sơ sài giữa cánh đồng vắng chịu sương giá buốt lạnh?
– Bạch Thế Tôn, căn bệnh này là do nghiệp quả từ một kiếp rất xa xưa mà con phải trả lần cuối, nó khiến con bị nổi mẩn khắp người. Con sợ sẽ làm tinh xá dơ bẩn, làm ảnh hưởng tới sự tu học của chư Tăng. Vì thế con tới cánh đồng ngoại thành cư ngụ. Dù đời sống giản đơn nhưng con rất an lạc. Con cảm thấy hạnh phúc khi được quấn lên mình tấm y phấn tảo. Tấm y chỉ là những mảnh vải cũ được chắp vá lại với nhau, vô cùng đơn sơ nhưng khi quấn lên, con cảm thấy mình được gần gũi với thiên nhiên hơn và có thể trải tình thương yêu tới mọi loài kể cả côn trùng, cây cỏ.
Đó là một trong những câu chuyện về nếp sống đơn giản của Tôn giả Diện Vương. Kể từ khi xuất gia trong giáo Pháp của Đức Thế Tôn, Ngài luôn thực hành đời sống như thế, thiểu dục tri túc, tối giản sự hưởng thụ, chỉ dùng những đồ dùng giản dị nhất đủ để cho sinh hoạt hàng ngày.
Đối với chúng sinh, hưởng thụ là một bản năng thiết yếu, ai cũng cần được hưởng thụ. Thế nhưng, chúng sinh lại thường khát khao thụ hưởng vượt quá nhu cầu của mình. Sự thụ hưởng quá đáng sẽ làm cạn kiệt hết phước báu, khiến tâm hồn loạn động, bất an và ràng buộc chúng sinh trong lầm lỗi.
Nhưng đối với nội tâm chứng ngộ của một bậc A La Hán, Tôn giả Diện Vương sống trong sự mộc mạc, đơn sơ mà vô cùng thanh cao và tự tại. Ngài thường vá những miếng vải rách thành tấm y cho mình. Ở thời đó, kỹ thuật dệt và nhuộm vải còn chưa phát triển nên vải vóc là loại hàng khan hiếm. Vì thế mà những người thợ phải làm việc vất vả mới làm ra được một sấp vải. Tôn giả Diện Vương biết ơn những công lao khó nhọc đó nên luôn tận dụng y áo đã được người khác dùng và vứt у bỏ. Hàng ngày, Ngài mang về những tấm vải rách đã bạc màu, giặt sạch rồi khéo léo vá lại bằng những sợi chỉ thô. Sự tinh tế và trân trọng đến từng điều nhỏ nhặt như thế là phạm hạnh của một bậc Thánh vĩ đại. Bởi vậy, chư Thiên, quỷ thần, chư Tỳ kheo, những vị cư sĩ đều trọn lòng kính ngưỡng Tôn giả khôn cùng.
Một lần, trước hội chúng hàng ngàn Chư Tăng, Đức Thế Tôn đã tán thán rằng:
– Này các Tỳ kheo, trong số các vị đệ tử của Như Lai dùng y phấn tảo, Diện Vương là đệ nhất.
IV. KẾT LUẬN
Tôn giả Diện Vương là một trong những vị đệ tử ưu tú của Đức Thế Tôn. Suốt nhiều kiếp trôi qua, Tôn giả đã hầu cận và cúng dường lên nhiều Đức Phật với trọn lòng tôn kính. Ngài tinh tấn tu học và nghiêm mật gìn giữ nếp sống giản dị. Hình ảnh chiếc y phấn tảo đơn sơ quấn trên mình, mỏng manh phất phơ giữa trời sương giá đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng của đời sống giản dị, thanh cao, tràn ngập tình thương tới chúng sinh muôn loài. Nhờ những duyên lành đã gieo ấy, Tôn giả trở thành vị Thánh Tăng đầy đức hạnh với danh hiệu “Đệ Nhất Hạnh Phấn Tảo Y”.
Cuộc sống ngày nay đã trở nên rất hiện đại, đầy đủ tiện nghi, nhưng nếp sống mộc mạc và giản dị vẫn mang lại nhiều giá trị quý báu. Nếp sống thiểu dục tri túc là một biểu hiện của đức hạnh.
Là một người đệ tử Phật, chúng ta càng cần tìm về cuộc sống giản dị, nhưng cao đẹp và an vui trong đạo lý. Chúng con nguyện noi theo Tôn giả, luôn tinh tấn tu hành, giữ gìn nếp sống mộc mạc, tránh xa lối sống hưởng thụ để có thể tiến bước trên con đường chánh Pháp và góp phần dựng xây thế giới tương lai tươi đẹp hơn.
V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH
Tôn giả Diện Vương (Mogharaja) là một trong những vị A La Hán ưu tú trong hàng đệ tử của Đức Phật. Thế Tôn tán thán Ngài là vị đệ tử có công hạnh Đệ Nhất Hạnh Phấn Tảo Y. Với chiếc y phấn tảo đơn sơ, Ngài sống một đời giản dị mà thanh cao, luôn tràn ngập tình thương yêu tới muôn loài. Đặc biệt, Ngài tinh tấn tu học và giữ gìn nếp sống mộc mạc không phút giây lơi lỏng. Đức hạnh sáng ngời của vị Thánh Tăng ấy khiến vô số chúng sinh khởi được lòng kính tin với Tam Bảo.
Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:
– Có tài năng và trí tuệ thông minh sắc bén, say mê học hỏi, đạt được các kết quả cao, gặp được nhiều may mắn trên con đường học tập.
– Hiểu và thực hành được những đạo lý cao đẹp của cuộc đời nên được nhiều người tin tưởng, ngưỡng mộ.
– Khơi dậy được lòng thương yêu và trân trọng từng điều nhỏ bé trong cuộc sống, luôn giữ được nếp sống hài hòa, an vui giữa mọi người và thiên nhiên.
Dần có được những đức hạnh cao quý của một bậc Thánh, trọn đời tin kính Tam Bảo và được nhiều phước lành cho sự tu tập tâm linh.
VI. THƠ TỤNG
Kính lạy Tôn giả Diện Vương
Bậc Thánh mô phạm nêu gương tinh cần
Thuở còn nhỏ thông minh hiếu học
Thường kính tin những bậc tu hành
Khát khao đời sống tâm linh
Yêu điều thanh tịnh giữ gìn thân tâm
Vô số kiếp gieo mầm tuệ giác
Biết bao đời săn sóc Như Lai
Phần mình nghiêm mật thanh bai
Tâm từ trải khắp muôn loài chúng sinh
Hạnh bậc Thánh quang vinh cao cả
Luôn khiêm nhu hỷ xả quên mình
Chiếc y phấn tảo mỏng manh
Đã thành biểu tượng tu hành nghìn sau
Chúng con nguyện cùng nhau cố gắng
Từng ngày qua vượt thắng gian lao
Siêng năng học tập Pháp màu
Con đường Bát Chánh cùng nhau thực hành
Chúng con nguyện xem mình như bụi
Yêu thương người cho tới cỏ cây
Chẳng màng hưởng thụ đắm say
Xin đem công sức đắp xây cõi đời
Chúng con nguyện muôn đời muôn kiếp
Sống giản đơn tiếp bước theo Ngài
Trọn lòng tôn kính Như Lai
Lấy gì đền đáp cả trời nghĩa ơn
Chúng con nguyện giữ gìn thời khóa
Ôn lại lời Phật đã dạy răn
Đêm khuya sáng sớm âm thầm
Lặng ngồi tĩnh tọa quán thân vô thường
Chúng con nguyện mười phương pháp giới
Biết đạo mầu về với Thế Tôn
Sống đời phạm hạnh giản đơn
Thiểu dục tri túc noi gương Thánh hiền.
Nam Mô Diện Vương Tôn Giả (3 lần)