TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP (MAHA KASSAPA) ĐỆ NHẤT THIỀN ĐỊNH
Hằng ngày khất thực về đỉnh núi
Mỏm đá chênh vênh tịnh cõi thiền
Thân tâm an định miền giải thoát
Khổ hạnh đầu đà bậc Sa môn.
I. XUẤT THÂN TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP
Tôn giả Đại Ca Diếp (Maha Kassapa) sinh trưởng tại ngôi làng Sa La Đà gần kinh thành Vương Xá (Rajagaha) của nước Ma Kiệt Đà (Magadha), trong một gia đình Bà la môn giàu có. Vào một ngày trời xanh biếc, khi đang hoài thai Ngài, mẫu thân của Tôn giả dạo chơi trong đình viện thì cảm thấy hơi mệt. Bà liền tới dưới bóng cây đại thọ Tất Bát La (Pippahali) nghỉ ngơi thì bỗng chuyển dạ lâm bồn.
Khi được sinh ra Tôn giả hội đủ những quý tướng của một bậc vĩ nhân, trong đó có bảy quý tướng giống với vẻ đẹp của Đức Phật. Ngay từ nhỏ, Ngài được giáo dục theo truyền thống Bà la môn và nhanh chóng trở nên xuất chúng trong nhiều lĩnh vực như văn học, toán thuật, thi họa, thiên văn, tướng số… Những điều ấy khiến cha mẹ Ngài hết sức vui mừng và đặt nhiều kỳ vọng.
Thế nhưng, Ngài Đại Ca Diếp luôn cảm thấy nhàm chán với mọi niềm vui tầm thường của thế gian. Ngài thích ở một mình và xa lánh những chốn ồn ào, náo nhiệt. Cuộc sống của Ngài giản dị nhưng trong sạch, không vương một hạt bụi nhỏ nào của tình cảm nam nữ. Đó đều là những đức tính cao đẹp mà chỉ hiện diện nơi một bậc Thánh xuất thế trong tương lai.
Đến tuổi lập gia đình, cha mẹ bằng mọi cách ép Ngài phải cưới vợ dù biết rằng Ngài chỉ mong ước đi tìm con đường đạo chân chính. Tuy không ưa thích việc này nhưng để làm hài lòng cha mẹ, Ngài đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về người vợ mình sẽ chọn để làm khó song thân. Ngài nhờ người tạc một bức tượng với vẻ đẹp như Thiên nữ mà Ngài nghĩ thế gian này sẽ không ai có thể có được vẻ đẹp như vậy. Không ngờ do nhân duyên nhiều kiếp, thiếu nữ Bhadda Kapilani lại xuất hiện, với vẻ đẹp giống như bức tượng mà Ngài tạc và bất ngờ hơn nữa, Bhadda cũng là một người yêu thích sự thanh tịnh và cũng có chí nguyện xuất gia. Vì vậy, hai vị sống với nhau như hai người bạn trong sạch, không chút vẩn đục.
Trong suốt 10 năm trên danh nghĩa phu thê, hai vị vẫn luôn giữ gìn, bảo vệ đời sống trong sạch, thanh tịnh cho nhau và lòng luôn hướng về chí nguyện xuất gia tột cùng. Khi nhân duyên đến, hai vị nhất quyết dứt bỏ đời sống thế tục để bước đi trên con đường phạm hạnh tìm cầu bậc Đạo Sư chân chính. Trên nẻo đường thiên lý, nhiều hiểm nguy rình rập nơi các làng quê hẻo lánh qua các rừng cây rậm rạp, nên Tôn giả không nỡ để mặc Bhadda đi một mình vì thân nữ dễ gặp nhiều bất tiện và rủi ro.
Nhưng nếu đi khất thực cùng nhau thì thế nhân lại phát sinh nhiều dị nghị vì biết rằng trước đây, hai người từng là vợ chồng. Vì thế Tôn giả quyết định để Bhadda đi trước một đoạn. Ngài sẽ ở đằng sau quan sát và bảo vệ khi cần thiết cho đến khi gặp được Đạo Sư cao minh. gia nhập được chúng hội yên ổn. Sau khi quyết định như vậy, hai người cùng quỳ xuống lạy nhau một lạy để biết ơn những năm tháng giữ gìn đời sống trong sạch như đôi bạn, bảo vệ lý tưởng tu hành cao đẹp cho nhau cũng như chúc nhau đạt được sở nguyện tu hành giải thoát. Giây phút thiêng liêng ấy, đất trời rúng động.
II. TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP – XUẤT GIA – CHỨNG ĐẠO
Tôn giả Đại Ca Diếp vân du trên khắp các nẻo đường, dù chưa gặp được giáo Pháp của Thế Tôn nhưng Ngài đã sống với đầy đủ đức hạnh của một Tỳ kheo, với chiếc y cũ và bình bát khất thực.
Một ngày. Thế Tôn và Tăng chúng đang đi khất thực ngoài thành Vương Xá. Như biết nhân duyên với vị đại đệ tử của mình đã đến, bỗng nhiên Đức Phật biến mất giữa hư không, sau đó xuất hiện đứng ôm bát trên con đường Tôn giả sắp đi ngang qua. Từ đằng xa, nàng Bhadda nhìn thấy Phật đầu tiên và sững người trước dáng vẻ uy nghiêm rực rỡ của bậc Đạo Sư. Tôn giả Đại Ca Diếp trông thấy Phật thì rúng động và quỳ xuống đành lễ:
Kính bạch Đức Thế Tôn! Người là bậc Đạo Sư của con, con là đệ tử của Người.
“Lành thay, hãy đến đây, Tỳ kheo Kassapa”. Đức Thế Tôn đáp lại – “Lành thay, Tỳ kheo Ni Bhadda, hãy đến đây”. Ngay lập tức, bằng thần thông của Người, hai vị có đầy đủ y cụ của một vị Tỳ kheo chân chính và cùng Đức Phật trở về Tình xá Trúc Lâm (Veluvana).
Sau khi xuất gia trong Pháp và Luật của Thế Tôn được tám ngày, Tôn giả chứng đạt Thánh quả A La Hán, viên mãn lời chư Phật dạy.
III. TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP – CÔNG HẠNH – ĐỨC HẠNH
1. Đệ Nhất Thiền Định
Thiền là sự tĩnh lặng của tâm hồn, nhưng giấu đằng sau sự tĩnh lặng đó là những điều lớn lao, ý nghĩa. Nội tâm thiền định hiển lộ một trí tuệ sâu sắc mẫn tiệp, một nhân cách kiện toàn vững chắc với đỉnh cao tột cùng là Vô ngã. Người thăng tiến trên con đường thiền sẽ dần lan tỏa uy đức, tám muôn tế hạnh, sự siêng năng phụng sự… vào trong cuộc đời để tạo nên vô số lợi ích cho chúng sinh. Bởi vậy, thiền đem đến giá trị và sức mạnh thực sự cho đạo Phật. Người đệ tử Phật tinh tấn tọa thiền không lơi lỏng, kiên tâm vượt mọi chướng ngại, củng cố sâu dày công phu thiền định chính là đang duy trì mạng mạch Phật Pháp trường tồn.
Với định lực thâm sâu, Tôn giả Đại Ca Diếp hành trì miên mật trong hạnh đầu đà nghiêm khắc, sống cuộc đời thiểu dục tri túc, viễn ly khỏi những giao tiếp không cần thiết, cốt yếu để làm tấm gương cho các Tỳ kheo về giới đức và sự tinh chuyên trong thiền định. Ngài thường khuyên dạy các vị Tỳ kheo rằng khi đi du hành đừng nên dẫn đầu để quần chúng tôn xưng, nội tâm dễ loạn động. Lúc khất thực chớ quan tâm nhiều đến vật thực, kẻo ham miếng ngon mà quên mất vị an lạc, giải thoát. Một cái đảnh lễ cung kính của tín chủ cũng nặng trĩu trên vai, hãy cẩn thận với sự kiêu mạn ngấm ngầm len lỏi, như mũi tên độc khó rút ra, cản trở con đường thiền định. Ngược lại, chỉ tấm y đơn sơ được may vá từ những mảnh vải vụn thôi cũng đủ bao bọc trong đêm sương giá, bóng cây trong rừng sâu chở che nắng mưa những phút giây thiền tọa, một túp lều tranh vách lá, một hang động bên triền núi, một bầu trời đầy sao giữa làng quê hẻo lánh sẽ đều có thể trở thành mái ấm thân quen. Vì thế, một thầy Tỳ kheo cần sống cuộc đời thanh lương, không dính mắc, tung bay như cánh hạc, giữ gìn giới đức và dành trọn thời gian nhiếp tâm trong thiền định. Nhờ có giới đức sạch trong mà thiền định được sung mãn, nhờ có thiền định mà giới đức luôn vẹn toàn.
Kinh điển không ghi được nhiều những bài Pháp của Tôn giả, nhưng trong số ít đó, Ngài đã để lại một bài Kinh giáo giới về thiền định quý giá. Khi đó, Tôn giả nghiêm khắc nhắc nhở các vị Tỳ kheo trẻ về tâm khiêm hạ trong công phu tu tập để tránh sinh kiêu mạn và cho rằng mình đã chứng đắc cao siêu. Vì chỉ một ý nghĩ như vậy sẽ phá tan mọi công đức, đổ vỡ phạm hạnh, tạo thành vực thẳm cắt ngang con đường đi đến giác ngộ thực sự. Dù có đạt được những điều thù thắng vi diệu trong tâm, hãy cứ xem như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, vì phía trước còn là cả bầu trời cao xanh vời vợi.
Với nội tâm thiền định, lòng từ bi của Tôn giả lan tỏa khắp không gian, đến từng chúng sinh, dù là chim thú, những loài côn trùng bé nhỏ hay cỏ cây hoa lá. Ngài chính là người đã xin Thế Tôn chế định giới luật cấm sát sinh, hại vật, luôn bảo vệ, yêu thương sự sống của muôn loài và cả thiên nhiên.
Trong những lần tĩnh tọa nơi hoang vắng, đôi khi Ngài an trú Diệt Tận Định, thị hiện Niết Bàn ngay giữa thế gian, đôi khi Ngài thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát, vẫn du tới khắp các cõi giới xa xôi để hóa độ cho các chúng sinh như Dạ xoa, Long vương, chư Thiên tử hay cả chúng sinh nơi địa ngục khổ đau, tăm tối. Để tán thán công đức và phạm hạnh của Tôn giả Đại Ca Diếp, Đức Thế Tôn đã dành tặng cho Ngài lời khen tặng cao quý nhất:
Này các Tỳ kheo! Trưởng lão Đại Ca Diếp có thể chứng đạt viên mãn, thuần thục các tầng bậc thiền với các mức định, đạt được thần thông quảng đại và an trú với tâm, tuệ giải thoát cũng tương tự như với Như Lai vậy.
2. Hương Thơm Đức Hạnh
Lần đó, ở vương quốc Ma Kiệt Đà, trong tỉnh xá Trúc Lâm, Tôn giả Đại Ca Diếp nhập Diệt Tận Định bảy ngày. Tất cả những vị Thiên tử đều biết, Diệt Tận Định là mức định cao nhất của một vị A La Hán và ai cúng dường thức ăn đầu tiên cho Ngài sau khi xuất định sẽ được phước lành vô lượng.
Ngay khi Tôn giả vừa bước ra khỏi tỉnh xã thì 500 vị Thiên nữ đã hiện ra quỳ hai bên đường với thức ăn có hương thơm ngào ngạt trên tay. Ngài Đại Ca Diếp nghiêm mặt lại nói:
Chư vị đã có được phước báo quá thù thắng trên cõi trời do đó không nên giành phần phước này của người nghèo, xin chư vị hãy đi cho.
Các Thiên nữ cúi xin Tôn giả hãy tiếp nhận dù chỉ là một muỗng vật thực cúng dường. Vì tâm ý đã quyết nên Ngài im lặng và búng ngón tay lần thứ nhất. Thấy vậy các vị Thiên nữ vội vàng biến mất quay trở về cõi trời, vì các vị hiểu rằng nếu để Ngài nhắc nhở búng ngón tay đến lần thứ ba thì thần thông của Ngài sẽ thổi bay các vị về một phương khác.
Thiên chủ Đế Thích biết được sự việc nên cùng người vợ là Thiện Sanh hóa hiện xuống cõi người, cũng với mong muốn được cúng dường cho Ngài Đại Ca Diếp dù chỉ là một muỗng cơm. Bằng thần thông của mình, Thiên chủ đã hóa hiện ra một xóm nghèo với nhà lá chòi tranh, đường gập ghềnh lầy lội, còn bản thân Ngài và vợ mình biến thành hai ông bà già nghèo khổ, quần áo rách rưới chờ cơ hội cúng dường Tôn giả.
Khi Tôn giả đi đến xóm nghèo, thấy hai ông bà lão cực khổ thì chầm chậm bước đến để khất thực. Khi Thiên chủ định sớt phần ăn vào bát Tôn giả thì Ngài vội ngăn lại. Ngài đã biết rằng đây không phải là thức ăn của cõi người vì hương thơm của thức ăn bay ngào ngạt khắp kinh thành Vương Xá. Tôn giả nghiêm giọng nói:
Này Thiên chủ! Phước của Ngài đã vô cùng lớn, Ngài đã làm vua của cõi trời sao lại còn muốn được phần phước này? Hôm nay ta chỉ dành phước cúng dường cho người nghèo thôi.
Ngài Đế Thích vội cung kính nói:
Thưa Tôn giả! Vì con làm vua cõi trời nên có rất nhiều việc phải sắp xếp tính toán thật chu toàn để Thiên giới và nhân giới được yên ổn. Con hiểu rằng nếu một ngày không gây tạo công đức thì sau này con không đủ phước để cai quản nhân thiên. Hơn nữa, vẫn còn có nhiều vị uy đức và phước báo lớn hơn con rất nhiều ở các cõi trời khác. Xin cho con được cúng đường Tôn giả.
Tôn giả Đại Ca Diếp im lặng chấp thuận sự cúng dường của Ngài Đế Thích.
Đức Phật khi ấy đang ở Trúc Lâm tinh xá nhưng Người biết rõ mọi việc. Đức Phật đã thuật lại câu chuyện cho chư vị Tỳ kheo nghe và ca ngợi Tôn giả Đại Ca Diếp bằng bài kệ:
Tỳ kheo sống bằng khất thực
Tự mình nương tựa chính mình
Tịch lặng, chú tâm, hằng giác
Chư Thiên tôn kính hoan nghênh.
3. Lòng Từ Bi
Con người có sự sai biệt về phước. Tùy theo phước mà chúng ta nhận được sự giàu có, sang quý hay thiếu thốn, nghèo hèn… Người có phước nhiều thì được người khác trân trọng, quý kính còn người ít phước thường bị cuộc đời bỏ quên. Thế nhưng người đạo đức và trí tuệ sẽ không để phước chi phối, họ đối xử với mọi người bình đẳng với lòng từ bi thật sự. Tôn giả Đại Ca Diếp là một người như vậy. Lòng từ bi của Tôn giả được ví như ánh ban mai ấm áp phủ trùm tất cả mọi chúng sinh. Tuy nhiên bằng sự thương cảm và độ lượng của một bậc A La Hán, ngài thường hướng tâm đến những người nghèo khổ, dành cho họ phước cúng dường các bậc Thánh Tăng để họ đủ phước thoát khỏi khó khăn thiếu thốn trong kiếp hiện tại và vô lượng kiếp về sau.
Một hôm, khi vào thành Vương Xá khất thực, Tôn giả nhìn thấy một bà lão ăn mày với vẻ ngoài rách rưới, đau khổ đang nằm trên mặt đất. Bà không có quần áo để mặc, chỉ lấy lá che thân. Mọi người nhìn bà bằng ánh mắt khinh bỉ và xa lánh vì bà đang bị bệnh nặng.
Tôn giả lặng lẽ ôm bát tiến đến gần bà.
Bà lão mở mắt và thấy trước mặt mình là một Sa môn uy nghi và hiền từ đang đứng trước mặt. Bà hiểu ý Ngài và nói:
Thưa Tôn giả! Con quá nghèo không biết lấy gì cúng dường cho Ngài, không một ai trên đất nước này nghèo hơn con cả. Đã ba ngày qua con không có chút gì để bỏ vào bụng, sáng sớm hôm nay có người đi đổ nước gạo, con có hứng được một chút nhưng chưa dám uống vì có vị chua.
Tôn giả nói:
Ta hiểu hoàn cảnh và sự đau khổ của con, cũng chỉ bởi vì sự phung phí ở kiếp xưa mà con phải chịu sự nghèo khổ như bây giờ. Người ta có thể cho con chút thức ăn, nước uống nhưng nó chỉ giúp con cầm cự được qua ngày nhưng tương lai con vẫn sẽ tiếp tục đau khổ. Điều mà con có thể làm bây giờ là sám hối nghiệp xưa và tìm cách bố thí, san sẻ, cúng dường. Đặc biệt là khởi lên lòng tôn kính đối với Tam Bảo.
Bà lão chợt hiểu ra điều gì đó và xúc động nhìn quanh. chỉ còn mẻ nước gạo mình vớt được bên đường, bà lão lại nhìn Tôn giả. Tôn giả nhìn bà bằng ánh mắt từ bi khẽ chấp nhận. Bà lão tay run run sớt phần nước gạo đã chua vào bát của Ngài. Tôn giả chúc lành cho bà rồi lặng lẽ ôm bình bát rời đi. Những người xung quanh không ai có thể kìm được sự xúc động khi chứng kiến khung cảnh ấy. Một vị Tôn giả đại đệ tử của Đức Phật được chư Thiên và mọi người quý kính lại chấp nhận thọ thực một mẻ nước gạo chua người ta vất bên đường do một bà lão ăn xin cúng dường, với nguyện ý mong cho bà được nhiều phước lành và thoát khỏi cảnh khổ cực. Tấm lòng từ bi của Ngài khiến đất trời cũng phải cảm động. Chính vì thế mà bất kỳ ai, dù là chư Thiên tử hay cõi người nếu ai kính ngưỡng hoặc cúng dường Ngài đều được phước báo thù thắng.
Dù biết Tôn giả tâm hướng về người nghèo, nhưng bất cứ khi nào có cơ hội thì chư Thiên tử đều xuống thế gian cúng dường Ngài những vật thực thơm ngon tinh khiết nhất, rải hoa trời dâng lên bậc đại uy đức và phạm hạnh giữa thế gian.
4. Công Đức Phi Thường
Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Tăng đoàn đứng trước một sự kiện quan trọng là kết tập những lời dạy cao quý của Người để lưu truyền cho hậu thế. Hai vị Thượng Thủ Tăng đoàn là ngài Xá Lợi Phất (Sariputta) và Ngài Mục Kiền Liên (Maha Moggallana) đã nhập Niết Bàn, nên việc lãnh đạo Tăng đoàn đã chính thức được giao cho Tôn giả Đại Ca Diếp. Tôn giả đã triệu tập hội nghị kết tập Kinh điển lần đầu tiên trong suốt 3 tháng tại động Kỳ Xà Quật cùng 500 vị Trưởng lão đã chứng Thánh quả A La Hán. Đây là nơi hoàn toàn thanh tịnh, cảnh trí thoát trần, là nơi xứng đáng để kết tập Kinh điển. Đại chúng nhất trí đề cử Tôn giả Đại Ca Diếp làm chủ tọa. Tôn giả A Nan (Ananda) là người luôn luôn gần Phật lại là bậc Đa Văn đệ nhất, ghi nhớ tất cả các lời Phật dạy nên được tuyên trì tạng Kinh. Ngài Ưu Ba Ly (Upali) tuyên trì tạng Luật. Ngài Phú Lâu Na (Punna Mantaniputta) tuyên trì tạng Luận. Các tạng Kinh, Luật, Luận này đã trở thành Pháp Bảo vô giá cho chúng sinh muôn đời sau.
Giờ đây, mỗi khi cầm lên cuốn Kinh, đọc tụng những đạo lý thiêng liêng mà Đức Phật trao truyền, chúng ta đã thọ nhận ân đức của Ngài Đại Ca Diếp, người đã vì chúng sinh mà lưu truyền Pháp Bảo. Nếu không có Ngài chủ trì cuộc kết tập Kinh điển thì vĩnh viễn chúng sinh sẽ không bao biết được những điều nhiệm màu thiêng liêng mà Đức Phật đã chỉ dạy trong suốt 45 năm hoằng hóa độ sinh. Chúng con xin được quỳ xuống cúi đầu tạ ơn công đức của Ngài !
IV. TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP – SƠ TỔ THIỀN TÔNG
Giai thoại “niệm hoa vi tiếu” nổi tiếng của Thiền Tông kể lại rằng: Trên đỉnh Linh Sơn, Đức Phật được các Thiên tử cúng dường một cành sen trắng. Trước hội chúng, Người trầm hùng đưa cành sen lên mà không nói một lời. Khi đó chỉ có Tôn giả Đại Ca Diếp mim cười đón nhận. Đức Phật ấn chứng rằng Tôn giả đã lĩnh hội được tâm chứng của Phật và truyền thừa lại cho Ngài Pháp tâm vi diệu. Từ giai thoại ấy, Tôn giả được xem là Sơ Tổ đầu tiên của Thiền Tông. Nương vào công đức của Ngài, Thiền Tông đã phát triển rực rỡ qua nhiều thế kỷ với hàng trăm các vị Thiền sư đắc Pháp, cùng vô số những tấm gương đức hạnh nở rộ không những làm đẹp lịch sử Phật Pháp mà còn đóng góp vào kho tàng văn hóa tâm linh của nhân loại. Ngày nay, sự phát triển của Thiền Tông vẫn tiếp tục được lan truyền trên toàn thế giới.
V. TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP – THÁNH TÍCH TRUYỀN ĐỜI
Một giai thoại khác kể rằng: Tôn giả đã truyền lại tâm ấn cho Tôn giả A Nan (Ananda), sau đó tới núi Kê Túc cách thành Vương Xá tám dặm. Tại đây, Ngài nhập định rồi dùng thần lực giữ gìn thân thể để đợi đến khi Đức Phật Di Lặc ra đời, Tôn giả sẽ đến đảnh lễ Đức Phật và giúp Người giáo hóa độ sinh.
Về sau này, có những nhà Sư với tâm thành kính cầu đạo, khi đi qua núi ấy đã đôi lần được chiêm ngưỡng hình ảnh của Ngài trong tư thế tĩnh tọa kiết già. Những câu chuyện kỳ diệu như thế không phải xảy ra chỉ một lần mà rất nhiều lần và dường như có một sức mạnh niềm tin kỳ lạ trong tâm thức của người Phật tử. Những người Phật tử có lý do để tin rằng, Tôn giả đã luôn ở đó để dõi theo và gia hộ cho chúng sinh. Khi mà mọi người cơ hồ quên lãng đạo lý giác ngộ, Ngài sẽ thị hiện để nhắc nhở chúng sinh về lòng kính tin Tam Bảo sâu xa, về luật Nhân quả công bằng tuyệt đối, về tâm từ bi yêu thương vô hạn và con đường thiền định bao la màu nhiệm…
VII. THƠ TỤNG – TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP
Chí tâm đảnh lễ muôn vàn
Đến bậc mô phạm Tăng đoàn thiết tha
Người tu đệ nhất đầu đà
Làm gương khổ hạnh để mà dạy răn
Trước Ngài xin được ăn năn
Thành tâm sám hối tội căn bao đời
Đắm say hưởng thụ cuộc vui
Để rồi phước cạn chôn vùi tương lai
Xin cho thoát kiếp mộng dài
Chúng con nguyện sẽ sớm mai tinh cần
Đáp đền chư Phật thâm ân
Dâng lòng tôn kính ngàn lần núi cao
Xin như biển lớn trăng sao
Trải tình thương mến dạt dào bao la
Từ em thơ đến cụ già
Dù người nghèo khổ hay là lạ xa
Xin con khiêm tốn thật thà
Biết mình bụi bặm trên tà áo bay
Xin cho khuya sớm từng ngày
Ngôi nhà Thiền định đắp xây vững vàng
Thân này bèo bọt lang thang
Tâm này như vệt nắng vàng vô danh
Vô thường sẽ đến rất nhanh
Nên đời con chỉ để dành chúng sinh
Xóa tan đêm tối điêu linh
Phật quang bừng sáng hành tinh nhiệm màu.
Nam Mô Đại Ca Diếp Tôn Giả (3 lần)
Trích ( Thánh Độ Mệnh ” TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP” (MAHA KASSAPA) Tiến sĩ luật học TT THÍCH CHÂN QUANG chủ biên).