Tôn Giả Da Du Đà La – Thắng Trí Tối Thắng

Công nương Da Du Đà La (Yashodara) là hiền thê của Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhartha), là người dù trải qua muôn vàn đắng cay của luân hồi vẫn luôn son sắt, thủy chung, đoan chính. Tuy có những công hạnh lớn lao khôn tả trong hành trình giáo hóa độ sinh của Đức Phật nhưng hình ảnh của Công nương lại luôn âm thầm, giản dị. Ngài bước đến thế gian nhẹ nhàng như làn gió, cái tên Da Du Đà La trong Kinh văn chỉ lướt qua như một vệt sao trời, dù vậy đức hạnh của Ngài đã làm rung động hàng triệu trái tim. Họ viết lên những bài thơ, họ hát những bài hát về Công nương trong những câu dân ca, họ kể về Công nương cho con cháu đời đời ghi nhớ…

Tôn Giả Da Du Đà La - Thắng Trí Tối Thắng -

Tôn Giả Da Du Đà La – Thắng Trí Tối Thắng

I. NHÂN DUYÊN

Công nương Da Du Đà La là con gái của Đức vua Thiện Giác (Suppabuddha) và Hoàng hậu Cam Lộ (Amita) trị vì vương quốc Câu Lị (Koliya), một tiểu quốc nằm ở phía đông đất nước Sakya. Họ đều là những người thuộc dòng dõi Thích Ca, Hoàng hậu Amita là em gái của Đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana).

Công nương lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp và dịu dàng, như đóa hoa sen trắng trên núi tuyết đang hé nở. Vua cha và Hoàng hậu luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho Ngài. Suốt năm tháng ấu thơ, Công nương được học nhiều tri thức và sớm tiếp cận với nền giáo dục truyền thống của Bà la môn. Thời bấy giờ, giáo lý kinh điển Bà la môn được xem là cao quý nhất.

Dù vậy, Công nương Da Du Đà La cảm thấy mình không hoàn toàn phù hợp với những kinh điển ấy. Công nương thích được hòa mình vào đời sống bình dị của người dân trong mọi tầng lớp. Ngài vui vẻ dùng bữa chung với các thị nữ, yêu thương họ như chị em thân thiết. Ngài không thôi trăn trở tại sao con người lại phân chia giai cấp, phân biệt màu da. Ngài đau lòng khi các nước chung quanh gây hấn, tranh chấp bằng gươm đao, máu và nước mắt. Đôi chân của Công nương luôn tìm đến mọi nẻo đường, nơi vẫn còn những mảnh đời nghèo khổ. Bởi hạnh phúc của Ngài không phải là cung vàng điện ngọc mà chính là sự cảm thông chạm đến từng thân phận cuộc đời. Từ nụ cười của em bé, đôi mắt của cụ già, đôi chân nứt nẻ của bác nông phu và bàn tay chai sạn của người đánh xe ngựa. Cảm động trước đức hạnh của Công nương, dân chúng cả vương quốc Câu Lị luôn chào đón Ngài bằng tất cả sự thành kính của họ.

Năm Công nương Da Du Đà La vừa tròn mười sáu tuổi, đất nước Sakya tổ chức một lễ hội đặc biệt. Đức vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati) cố ý sắp đặt lễ hội này để chọn người xứng đôi với Thái Tử Tất Đạt Đa. Dù chưa từng gặp Thái Tử nhưng Công nương đã được nghe rất nhiều về Thái Tử qua lời kể của Phụ vương và Mẫu hậu. Đó là một người tài đức, trí dũng song toàn, được toàn dân xứ Thích Ca trọn lòng thương kính.

Có lần Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), em trai của Công nương, tức tối kể lại rằng Thái Tử Tất Đạt Đa đã cướp mất con thiên nga trong khi cậu ta là người bắn được. Không những vậy, vị Thái Tử ấy còn chữa lành vết thương và thả tự do cho con thiên nga: “Mạng sống của chúng sinh thuộc về người nào đã cứu nó chứ không phải người đã làm hại nó.” Nghe những lời ấy, Công nương vô cùng xúc động. Ngài rưng rưng khi biết Thái Tử phải lìa xa mẹ mình từ rất sớm, bởi Hoàng hậu Maya đã mất sau bảy ngày hạ sinh Thái Tử. Rồi Công nưởng lại thấy ấm lòng khi Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati), vị Di mẫu, đã nuôi dạy và thương yêu Thái Tử như con. Biết bao niềm đồng cảm trong tâm hồn dâng trào, Công nương đã xin phép cha mẹ được tới dự lễ hội.

Từ xa, Công nương đã thấy hình dáng nghiêm trang của Thái Tử, từng cử chỉ ân cần khi Người ban tặng những món đồ trang sức cho hàng dài những mỹ nữ từ khắp nơi đổ về. Người nở nụ cười thân thiện với các cô gái, nhưng ánh mắt Người yên bình như nước hồ thu chẳng một gợn sóng. Khi hàng dài người đã gần hết thì Công nương Da Du Đà La mới xuất hiện, ngượng ngùng và e ấp. Bất ngờ, Thái Tử Tất Đạt Đa cởi chiếc vòng ngọc quý giá Người đang đeo tặng cho Công nương. Dường như hai người đã nhận ra người bạn đồng hành qua muôn vàn kiếp sống của mình, một cảm giác thân quen bao trùm. Trong kiếp cuối cùng này, họ lại một lần nữa nên duyên vợ chồng.

II. NGƯỜI HIỀN THÊ ĐỨC HẠNH

Sau khi kết hôn, Công nương và Thái tử tâm đầu ý hợp trong mọi chuyện. Họ sống bên nhau như đôi bạn thanh khiết, lánh xa những trò vui tầm thường của thế gian. Thái Tử đã dạy cho Công nương thêm nhiều điều về thế giới, về nhân sinh, về kiếp sống vô thường tạm bợ. Tự lúc nào, Công nương đã trở thành bạn đồng hành trên con đường tâm linh mà Thái Tử vẫn ngày đêm khát khao tìm kiếm. Lâu đài tráng lệ Đức vua xây cho họ luôn nhẹ nhàng trong hương thiền phảng phất.

Đúng như tên Da Du Đà La, nghĩa là “người mang lại hào quang”, Công nương đã luôn ở phía sau hỗ trợ cho Thái Tử. Nơi nào Thái Tử tác thành công đức lớn lao thì nơi đó đều có bóng dáng của Ngài. Từ những kế hoạch nhằm giúp cho dân chúng được ấm no, bảo vệ đất nước Sakya trước các âm mưu chống phá, đến những việc can thiệp bí mật điều khiển các nước lân bang để họ sống trong tình hòa hiếu… đều có sự góp sức của Ngài. Từ khi có Thái Tử Tất Đạt Đa cùng sự phò trợ âm thầm của Công nương, cả một vùng đất trải dài trên nhiều quốc gia đã được sống trong bình yên, thịnh vượng chưa từng có.

Công nương Da Du Đà La thấu hiểu chí nguyện của Thái Tử. Công nương cảm nhận được niềm đau đáu của Người với nỗi khổ của chúng sinh trong vòng xoáy sinh, già, bệnh, chết không bao giờ dứt. Thái Tử luôn ước mong được xuất gia thành tu sĩ. Nhưng Ngài biết Đức vua Tịnh Phạn, Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề và tất cả mọi người trong hoàng cung sẽ ngăn cản. Bởi họ luôn hi vọng, Thái Tử sẽ trở thành vị vua anh minh của đất nước Sakya, đồng thời trở thành vua của các vị vua cai quản cả cõi đất này như lời tiên tri khi Người vừa đản sinh. Nếu Thái Tử và Công nương không hạ sinh cho đất nước Sakya một Hoàng tôn thì Người sẽ không thể lên đường đi tìm chân lý. Công nương biết rằng điều đó là không thể, bởi Ngài và Thái Tử sống với nhau như hai người bạn thanh tịnh.

Do vậy mỗi đêm, dưới ánh trăng sáng, Công nương đều cầu nguyện xin các vị Phạm Thiên ban cho mình một đứa con để Thái Tử có thể hoàn thành chí nguyện của mình. Một thời gian sau, Ngài hoài thai và sinh ra một Hoàng tôn tuấn tú, đặt tên là La Hầu La (Rahula). Cả hoàng cung ăn mừng rộn rã. Hạnh phúc nhìn Hoàng tôn La Hầu La đẹp như thiên thần nhưng Công nương Da Du Đà La đã bắt gặp ánh mắt giã biệt của Thái Tử. Ngài hiểu rằng khoảnh khắc đó cuối cùng cũng đã đến.

Tối hôm ấy, Công nương dặn dò Xa Nặc (Channa) – người hầu cận Thái Tử lên yên cương cho ngựa Kiền Trắc. Bản thân Công nương cũng gói ghém sẵn tư trang cho Người. Đến nửa đêm, Thái Tử lặng lẽ bước vào phòng rồi trìu mến nhìn hai mẹ con. Công nương Da Du Đà La nằm bên cạnh con, nhắm mắt nín từng hơi thở để lắng nghe tiếng bước chân của Người. Tình thương của Thái Tử vẫn dịu dàng và ấm áp, nhưng hai người sắp phải chia xa, nỗi niềm Công nương chỉ biết nén ngược vào trong. Dẫu vậy, trong lòng Ngài lại nhen lên một niềm hi vọng rằng Thái Tử đang bước đi về phía mặt trời. Một ngày nào đó, Người sẽ trở về và mang lại ánh sáng chân lý cho tất cả mọi người.

III. TẤM LÒNG THỦY CHUNG

Thái Tử xuất gia trở thành Sa môn Gotama. Người đã đi rất xa khỏi kinh thành Ca Tỳ La Vệ nhưng từng tin tức về Người vẫn được gửi về hoàng cung đều đặn. Đặc biệt, với Công nương Da Du Đà La, việc mong chờ thông tin của Thái Tử cũng cần thiết như hơi thở. Mỗi ngày, việc biết Người đang làm gì, thực hành những phương pháp tu thế nào, điều kiện ăn ở có tốt không… là điều quan trọng nhất đối với Công nương. Khi nghe tin Sa môn Gotama bỏ lại áo quần sang trọng, chỉ quấn lên mình tấm y vàng khất sĩ, Công nương Da Du Đà La cũng tháo hết đồ trang sức, chỉ quấn một tấm sari trắng giản dị. Đời sống của một Sa môn gắn liền với những am cốc bằng tre nứa, những hang động lạnh lẽo, thậm chí dưới gốc cây rậm rì trong rừng sâu. Công nương cũng từ bỏ chăn ấm nệm êm cùng tất cả đồ đạc sang trọng. Ngài cũng chẳng màng đến uống ăn nữa, mỗi ngày chỉ một bữa ăn đơn sơ, Công nương đã biến mình thành một nhà tu khổ hạnh tự lúc nào. Ngài dần dần tiều tụy trông thấy, nước da sạm đi, cơ thể gầy mòn như một thân cây khô, thế nhưng gương mặt Ngài vẫn tỏa ra ý chí mãnh liệt, đôi mắt lấp lánh niềm hạnh phúc sâu xa khôn tả. Công nương vô cùng hạnh phúc, bởi cảm nhận rằng tất cả những điều đó sẽ khiến Ngài được gần Thái Tử hơn, giống như bước chân của Ngài luôn ngay sau bước chân của Thái Tử vậy.

Trước kia, khi Thái Tử chưa xuất gia, Người đã xây dựng một quyền lực ngầm chi phối khắp các nước chung quanh với mục đích bảo vệ đất nước Sakya và các nước lân bang trong tình hòa ái. Sau khi Người xuất gia, Công nương Da Du Đà La là người tiếp quản lực lượng thám tử này. Ngoài việc duy trì các hoạt động như trước đây, Ngài còn phân một đội thám tử tinh nhuệ đi theo bảo vệ Thái Tử. Suốt sáu năm Thái Tử tu khổ hạnh, người mà Công nương phái đi vẫn ngày đêm âm thầm chăm sóc, bảo vệ cho Thái Tử và năm anh em Ngài Kiều Trần Như (Anna Kondanna). Ngài đã luôn lo liệu từng bước đi của Thái Tử và ngấm ngầm hỗ trợ phía sau.

Thái Tử đi rồi, Vua cha Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề vẫn ngày đêm ngóng trông và không nguôi thương nhớ. Công nương hiểu được rằng, nỗi buồn thương của mình dù sâu nặng đến đâu, cũng không thể sánh bằng niềm thương nhớ con của Vua cha và Hoàng hậu. Công nương cũng thấu cảm rằng, dù Công nương có nhớ Thái Tử thế nào, cũng chẳng bằng Hoàng tôn La Hầu La chưa một lần nhớ mặt Cha. Vì tâm hiếu kính và biết ơn Đức vua Tịnh Phạn cùng Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề, Công nương đã hết lòng phụng dưỡng họ và chăm sóc Hoàng tôn La Hầu La như thêm cả phần của Thái Tử. Những khi Vua cha và Hoàng hậu quá sầu thương vì nhớ Thái Tử, Công nương lại an ủi, động viên để họ được ấm lòng. Và hơn hết, Ngài tiếp tục điều khiển lực lượng thám tử bảo vệ đất nước Sakya để phụ giúp Vua cha Tịnh Phạn khi tuổi ông ngày một tăng thêm.

Khi Thái Tử đã chứng thành Chánh Đẳng Chánh Giác, trở thành Đức Phật giác ngộ giữa đời, Công nương vẫn tiếp tục âm thầm hỗ trợ phát triển Tăng đoàn hùng mạnh, bảo vệ Thế Tôn trước sự chống đối của các ngoại đạo. Sự giáo hóa của Thế Tôn được thành công cũng có phần công lao rất lớn của Ngài.

Công nương luôn khát khao được xuất gia, nhưng không thể rời bỏ lực lượng thám tử bí mật này, bởi khi đó Thế Tôn sẽ thiếu mất một cánh tay hộ Pháp đắc lực. Vì càng về sau, các thế lực ngoại đạo chống phá Thế Tôn càng dữ dội. Chỉ khi nào có người tiếp quản lực lượng thám tử bí mật đó rồi, Ngài mới tính đến chuyện xuất gia. Tấm lòng của Ngài đối với Thế Tôn, với đạo Pháp thật khiến đất trời cảm động.

IV. HOA SEN DUYÊN KIẾP

“Thái Tử Tất Đạt Đa đã hoàn thành nguyện lớn, Ngài đã nhận lời về thăm quê hương…” Những lời ca ấy như mang lại cả mùa xuân cho đất nước Sakya. Sau mùa mưa, Đức Thế Tôn cùng rất đông các vị Tỳ kheo về thăm kinh thành Ca Tỳ La Vệ sau tám năm rời xa quê hương xuất gia tìm đạo.

Đức Phật dẫn đầu chư Tăng bước đi thong thả, gương mặt Người phảng phất nụ cười hiền từ. Dân chúng khắp nơi hân hoan đón mừng Người, vị Thái Tử tài đức xưa kia mà họ rất mực kính mến. Rồi Đức Phật đến thăm hoàng cung, Người ân cần hỏi han và thuyết Pháp cho mọi người. Đối với Công nương, Người đích thân đến gặp riêng.

Vừa nhìn thấy bóng dáng thân quen, Công nương Da Du Đà La đã chạy đến, quỳ xuống ôm chân Đức Phật mà khóc nức nở. Những giọt nước mắt của hạnh phúc và vui mừng. Đức Phật thấu hiểu tất cả nỗi niềm. Người cất giọng pháp âm tán thán công hạnh của Công nương: “Da Du Đà La là người phụ nữ đức hạnh, không phải trong kiếp này mà đã nhiều đời nhiều kiếp luôn chăm sóc, bảo vệ Như Lai”. Rồi Ngài kể lại câu chuyện của rất nhiều kiếp xa xưa:

Vào một kiếp cách đây rất lâu xa, thời Đức Phật Như Lai Đính Quang (Dipankara) thị hiện giáo hóa chúng sinh, có chàng tu sĩ trẻ tuổi là Sumedha với tâm hạnh rộng lớn muốn phát tâm cúng dường Người nhưng không tìm được phẩm vật gì xứng đáng. Lúc đó, cô gái Sumitta cũng đang ôm bó sen tám bông thơm ngát đi tới để cúng dường Đức Phật. Sumedha nguyện đánh đổi tất cả để có được những đóa sen ấy. Tâm hồn và thành ý của chàng đã làm Sumitta cảm mến. Tuy cũng dành chúng để dâng lên đấng Như Lai, nhưng nàng có thể chia cho chàng năm bông với điều kiện sẽ được đồng hành bên chàng mãi mãi. Nàng hứa sẽ không bao giờ ngăn cản chí nguyện mà còn luôn ủng hộ và hỗ trợ chàng trên con đường tu tập.

Đức Phật Như Lai Đính Quang sau khi nhận phẩm vật cúng dường đã thọ ký cho hai người như sau: “Một là Sumedha sẽ trải qua vô số kiếp gây tạo công đức và sẽ thành tựu đạo quả vô thượng giống Như Lai. Hai là Sumitta sẽ đời đời kiếp kiếp nên duyên vợ chồng với chàng, thuỷ chung, và nhắc nhở nhau trên con đường tu tập.”

Kể xong câu chuyện cảm động đó, Thế Tôn giảng thêm bài Pháp thoại về sự đau khổ và sinh diệt của luân hồi. Gương mặt Công nương chợt bừng sáng, niềm kính tin Tam Bảo trở thành tuyệt đối, ngay lúc đó Công nương chứng ngộ Thánh quả Tu Đà Hoàn!

V. XUẤT GIA- CHỨNG ĐẠO

Sau lần Đức Thế Tôn về thăm quê hương, có rất nhiều vương tử trong hoàng tộc xuất gia theo Người. Đức vua Nan Đà (Nanda), Hoàng tử A Nan (Ananda), Hoàng tử A Nậu Lâu Đà (Anuruddha)… kể cả Hoàng tôn La Hầu La, lúc này đã được chín tuổi, cũng theo Thế Tôn xuất gia. Không lâu sau, Vua cha Tịnh Phạn băng hà, hoàng cung trở nên trống vắng. Đức bà Ba Xà Ba Đề cùng Công nương Da Du Đà La quyết định dẫn theo các cung nữ đến Vesali để gặp Đức Thế Tôn, xin Người cho phép gia nhập Tăng đoàn.

Trải qua rất nhiều gian nan trên đường đi, Ngài Da Du Đà La cùng mọi người đã đến nơi. Nhờ vào sự khéo léo của Tôn giả A Nan khi thưa chuyện với Đức Phật, cuối cùng Thế Tôn đã đồng ý cho Đức bà, Công nương cùng đoàn nữ giới được phép xuất gia. Ni đoàn từ đây chính thức được thành lập, mở ra con đường tìm cầu chân lý, hướng về giải thoát giác ngộ cho nữ giới.

Sau khi trở thành Tỳ kheo Ni, Tôn giả Da Du Đà La tinh tấn tu hành không phút giây xao lãng. Và chỉ một thời gian ngắn sau, khi công đức trong vô lượng kiếp đã tròn đủ, Ngài đã chứng đắc Thánh quả A La Hán tối thượng, viên mãn giải thoát giác ngộ.

VI. KHÚC HÁT THIÊN NGA

Thời gian trôi qua, vào một buổi chiều vắng lặng khi Thế Tôn đang ngự trên sườn núi ngoài kinh thành Vương Xá (Rajagaha), có bóng một Tôn giả Ni cùng đoàn rất đông các nữ Tỳ kheo tới viếng thăm. Vị Tôn giả Ni ấy dáng người mỏng manh như cành liễu nhưng thần sắc tinh anh, dung nghi cao quý. Vị ấy không ai khác chính là Công nương Da Du Đà La năm nào.

Tôn giả chọn cho mình cuộc sống nơi rừng núi hoang sơ, kín đáo như hạnh nguyện từ bao kiếp. Năm đó, Tôn giả đã bảy mươi tám tuổi, tiếng gọi từ cõi Niết Bàn đã thúc giục Ngài từ bỏ thân xác vô thường và thế gian hư ảo này. Trước khi đi, ước muốn cuối cùng của Tôn giả là được gặp lại Thế Tôn lần cuối. Tại đây, khúc hát thiên nga đẹp vô ngần đã được cất lên:

– Kính bạch Đấng Đại Hùng, hôm nay con sẽ thành tựu Niết Bàn, nơi không còn sinh, già, bệnh, chết. Trong suốt những kiếp luân hồi đã qua, khi con đồng hành bên Người, nếu con có bất cứ lỗi lầm nào, xin Thế Tôn hãy rộng lượng tha thứ cho con.

– Kính bạch Đấng Đại Hùng, khi con nhớ lại vô lượng kiếp, con thấy rằng mọi công đức được tích lũy, mọi thiện nghiệp con đã làm trên thế gian này đều để hướng về Người. Có những kiếp, dẫu cho con hi sinh mạng sống của mình vì lợi ích của Người, con cũng không một mảy may tiếc nuối.

– Kính bạch Đấng Đại Hiền Triết, con đã sống giới hạnh, ngăn chừa những điều xấu ác. Con không cất giấu của cải, trang sức, vải vóc. Con từ bỏ tài sản, lúa gạo, động vật, các tỳ nữ, các người hầu cận … Con đã trải qua nhiều khổ đau các loại không thể tính được, và lao vào trong vòng xoáy của luân hồi dưới nhiều thân phận, tất cả là vì Người.

– Kính bạch Đấng Đại Hiền Triết, luân hồi dường như dài vô tận, không có điểm bắt đầu cũng chẳng có nơi kết thúc. Thế nhưng, Người với tâm từ bi rộng lớn và chí nguyện cao thượng của mình, đã du hành trong không chút e ngại. Người đã luôn phải đối mặt với thú dữ, ác quỷ, yêu ma. Đã phải chịu biết bao nhiêu cực hình. Những lúc ấy, dù con mang hình hài nữ nhi yếu đuối, con cũng sẵn sàng nhảy vào hàm thú dữ, hoặc làm con tin cho ác quỷ để giải cứu Người. Hạnh phúc của con là chăm lo và bảo vệ cho Người. Mỗi khi con làm việc ấy, con tự giải thoát mình khỏi những nỗi sợ hãi tầm thường.

Ni chúng nghe những lời ấy vô cùng xúc động. Rồi Thế Tôn với ánh mắt chứa đựng Thiên nhãn thanh tịnh thấu suốt vô lượng kiếp cũng cất lời tán thán:

– Không một người phụ nữ nào có thể so sánh với Da Du Đà La trong kỷ nguyên của Như Lai. Với những công đức sâu dày, Da Du Đà La đạt được trí tuệ thông suốt vô lượng kiếp, vô lượng kỷ nguyên và nhiều năng lực phi phàm. Nhưng Tôn giả đã sống âm thầm suốt tháng ngày qua. Bây giờ, Tôn giả hãy thể hiện để cho trời người được chứng kiến sự vĩ đại ấy.

Tôn giả Da Du Đà La quỳ xuống trước đôi chân của Thế Tôn:

– Kính bạch Thế Tôn, con là một người phụ nữ may mắn nhất thế gian vì đã được Thế Tôn đồng ý cho đồng hành cùng Người, cùng cúng dường những đóa sen thơm ngát lên Đức Phật Đính Quang. Nương vào nhân duyên ấy, con theo Người để gây tạo vô lượng công đức. Nhờ đó, khi con xuất gia trong giáo Pháp của Như Lai thì chỉ nửa tháng sau con đã đạt được Bốn Sự Thật. Tất cả những khổ đau được chặt đứt, giống như con sư tử phá tan chiếc lồng giam hãm bấy lâu.

Rồi Tôn giả bay lên bầu trời, hóa hiện đại thần thông. Ngài biến thành một con thiên nga khổng lồ, sải cánh trải hết lục địa Ấn Độ, với đôi mắt là mặt trăng và mặt trời. Rồi Ngài tiếp tục chuyển thành nhiều hình dạng khác nhau: con voi, con ngựa, dãy núi, biển cả, vị Vua trời đầy quyền uy… Cuối cùng, vị Trưởng lão Ni che phủ cả ngàn thế giới với những đóa sen nở rộ.

Kính bạch Thế Tôn! Xin cho con được quỳ dưới chân của Người. Con không phải là vua trời hay một vị thần nào cả. Con chỉ là Da Du Đà La, một phụ nữ bé nhỏ, là người bạn trung trinh của Thế Tôn khi Người thực hiện chí nguyện trong các kiếp luân hồi.

Kính bạch Thế Tôn, vô lượng kiếp con đã sống như thế, tất cả là vì Người. Giờ phút này, các hạnh nghiệp của con đã viên mãn, con xin được đảnh lễ Thế Tôn lần cuối.

Sau khi đảnh lễ Thế Tôn, Tôn giả Da Du Đà La nhập Niết Bàn. Đại chúng chứng kiến không kìm được xúc động, đồng quỳ rạp xuống tỏ lòng tán thán và tôn kính trước vị Thánh Ni vĩ đại. Ngài đã không màng tất cả mà hết lòng hỗ trợ Thế Tôn trên con đường hoằng hóa độ sinh, từ vô lượng kiếp quá khứ cho đến kiếp chứng thành quả Thánh giác ngộ. Tôn giả đã thoát được trầm luân sinh tử. Pháp giới này đời đời nhớ ơn công đức vô lượng của Ngài.

VII. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Da Du Đà La là vị Tôn giả Ni có Thắng Trí Tối Thắng trong Ni đoàn của Thế Tôn. Tôn giả là vị đã đồng hành cùng Thế Tôn trong vô lượng kiếp, luôn âm thầm hỗ trợ Thế Tôn trên con đường đắc thành Đạo quả.

Khi thờ kính Ngài, quý Phật tử sẽ:

– Thành tựu được giới hạnh và những phẩm chất cao quý.
– Trở thành người tài ba, trí tuệ nhưng rất khiêm cung, kín đáo, từ đó được mọi người tin tưởng và đảm đương nhiều việc quan trọng.
– Tìm được bậc Minh sư dẫn dắt trên con đường Thánh đạo, đồng thời thành tựu được lòng trung thành với người trên, từ đó được mọi người yêu mến, quý trọng và nhận được sự giúp đỡ khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
– Gieo được thiện duyên với Phật Pháp và gặp nhiều may mắn, an lành trong cuộc sống.

VIII. THƠ TỤNG

Chúng con cúi lạy ánh hào quang
Tỏa rạng hương thơm khắp thế gian
Của bậc Thánh Ni tròn giới hạnh
Vẹn toàn ân nghĩa đến Như Lai
Người đẹp như nghìn ánh nắng mai
Thanh cao giản dị tựa liên đài
Âm thầm gánh vác việc gian khó
Hộ trì chánh Pháp vượt chông gai
Xin nguyện theo Ngài hạnh thủy chung
Một lòng son sắt rất khiêm cung
Dẫu bao dâu bể không thay đổi
Nghìn kiếp muôn trùng trọn hiếu trung
Ai biết cuộc đời lắm khổ đau
Bởi dây tham ái đã từ lâu
Gốc sâu ích kỷ trong vô thỉ
Mới hiểu thiêng liêng Đạo nhiệm màu
Nguyện theo bước Phật đến vô biên
Dứt bỏ tham sân hết lụy phiền
Sống để yêu thương và phụng sự
Rồi như chiếc lá cuối trời nghiêng
Ai biết kiếp người rất mong manh
Như sương buổi sớm lá trên cành
Siêng năng tạo phước không ngơi nghỉ
Nhân quả công bằng sẽ đến nhanh
Xin nguyện muôn người tay nắm tay
Thế giới rạng ngời ánh nắng mai.
Cùng nhau xây đắp cõi tương lai
Ngập tràn hạnh phúc trong thiền định

Nam Mô Da Du Đà La Tôn Giả (3 lần)

 

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x