Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc – Đệ Nhất Tâm Thắng Tiến

Siêng năng không ngừng nghỉ
Tự điều phục lấy mình
Bậc trí xây hòn đảo
Nước lụt không tràn qua.

Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc - Đệ Nhất Tâm Thắng Tiến -

Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đặc – Đệ Nhất Tâm Thắng Tiến

I. XUẤT THÂN

Kinh thành Vương Xá (Rajagaha), đất nước Ma Kiệt Đà (Magadha) nổi tiếng phồn thịnh và thanh bình. Đời sống người dân nơi đây luôn sung túc an vui. Trên con phố sầm uất nhất thành, dinh thự nguy nga của một thương gia triệu phú nằm bên cạnh ngã tư. Đó là một khuôn viên rộng lớn được bao bọc bởi một dãy tường cao với dây leo quấn quanh. Sân vườn rộng rãi rợp bóng cây, điểm xuyết hai bên là những khóm hoa trồng thành hàng rực rỡ. Nhà triệu phú sống cùng với hai người cháu ngoại, anh trai là Đại Bàn Đặc (Mahapanthaka) và người em chính là Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc (Cullapanthaka).

Anh trai Đại Bàn Đặc rất giỏi giang và thông tuệ. Còn Ngài Châu Lợi Bàn Đặc, tuy không được như anh, lại có tính hay quên nhưng Ngài siêng năng và rất hiền lành. Chỉ cần giúp được việc gì, Ngài sẽ giúp đỡ hết mình. Ngài cởi mở, thân thiện với mọi người và chẳng bao giờ để tâm phiền giận bất kỳ ai.
Hai anh em Ngài Châu Lợi Bàn Đặc hết mực thương yêu nhau. Nếu Ngài quên việc gì, sẽ có anh trai luôn kiên nhẫn bảo ban nhắc nhở. Phần mình, Ngài cũng luôn nhu thuận vâng lời anh.

Ông ngoại của hai anh em là một gia chủ tín đạo thuần thành. Hàng tuần, ông thường đưa người anh tới tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) nghe Pháp, Ngài Châu Lợi Bàn Đặc phải ở nhà vì còn quá nhỏ. Dù vậy khi trở về, anh trai đều kể chuyện về Đức Thế Tôn, về lòng từ bi bao la và sự vĩ đại của Người cho Ngài nghe… Vì thế, dù chưa bao giờ được gặp Đức Thế Tôn, nhưng trong tâm trí của Ngài Châu Lợi Bàn Đặc đã khởi lên biết bao niềm kính ngưỡng.
Một lần trở về từ tinh xá, Ngài Đại Bàn Đặc nhìn em trai thật lâu rồi trìu mến nói:

Này Châu Lợi Bàn Đặc, ngày mai anh sẽ xuất gia theo Đức Thế Tôn. Ai hiểu được giáo Pháp của Người cũng sẽ khởi lên ước muốn giống như anh vậy. Anh đã xin phép ông ngoại và được ông đồng ý rồi. Em ở nhà hãy chăm sóc tốt cho ông ngoại và cho mình nhé.
Sáng hôm sau, Ngài Đại Bàn Đặc lên đường. Đứng nhìn bóng anh khuất dần, lòng Ngài Châu Lợi Bàn Đặc cũng dâng tràn biết bao ước muốn cao đẹp.

II. XUẤT GIA

Thời gian thấm thoát trôi, một buổi chiều, Tôn giả Đại Bàn Đặc trở lại nhà. Tôn giả quấn một tấm y ca sa nâu giản dị nhưng vô cùng trang nghiêm. Ngài Châu Lợi Bàn Đặc dìu ông cùng toàn bộ gia nhân vui mừng tới đảnh lễ.

Tôn giả Đại Bàn Đặc kể về đời sống xuất gia cho mọi người cùng nghe. Từ sáng sớm, các vị Tỳ kheo đã bắt đầu thời khóa đầu tiên trong ngày. Khi ánh nắng đầu tiên ló dạng, các vị xả thiền cùng nhau lao tác, quét dọn, sắp xếp bàn ghế… rồi chia đi các ngả đường khất thực. Chiều đến, chư Tăng lắng nghe Pháp thoại, tụng đọc giới luật hoặc đàm đạo về giáo Pháp. Đặc biệt, mỗi lần Đức Thế Tôn trở về sau một chuyến du hóa, tất cả chư Tăng Ni đều tề tựu đông đủ hai bên lối đi, cung kính chờ đón Người. Cuộc sống của Tăng chúng rất êm đềm, giản dị mà vô cùng cao quý.

Chợt nhiên, Tôn giả Đại Bàn Đặc nhìn em trai một hồi lâu, rồi nhìn sang ông ngoại. Tôn giả cất lời:
– Thưa ông, Đức Thế Tôn là Bậc Đạo Sư của cả trời và người mà hàng triệu kiếp mới xuất thế. Xin ông cho phép Châu Lợi Bàn Đặc xuất gia, để cậu ấy cũng được nương theo bóng mát từ bi và trí tuệ của Người.

– Thưa Tôn giả, nếu vậy thì thật là phước lành cho Châu Lợi Bàn Đặc. – Ông ngoại vui mừng đáp lời.
Ngài Châu Lợi Bàn Đặc xúc động khôn tả. Niềm vui đến bất ngờ khiến Ngài không nói lên lời.
Sáng hôm sau, Ngài Châu Lợi Bàn Đặc từ giã ông ngoại, theo Tôn giả Đại Bàn Đặc đi đến tinh xá xin Đức Phật cho phép xuất gia. Sau khi phủi tóc và khoác lên mình tấm y ca sa, Ngài được thọ giới Sa di và chính thức gia nhập Tăng đoàn.

III. CHỨNG ĐẠO

Sen hồng thơm ngát biết bao
Nắng mai bừng nở ngạt ngào sắc hương
Như Lai quang sắc diệu thường
Bình minh tỏ rạng ánh dương chói ngời.

Đó là bốn câu kệ đầu tiên được học từ khi Ngài Châu Lợi Bàn Đặc xuất gia. Ngài đang chậm rãi nhắc lại, thế nhưng cứ đọc đến câu sau là lại quên mất câu trước. Có khi hôm nay đã thuộc rồi nhưng ngày mai lại quên hết. Suốt bốn tháng qua, Ngài đã đọc đi đọc lại bài kệ đó không biết bao nhiêu lần. Và tuy đã rất kiên trì, nhưng Ngài vẫn chưa thể nhớ được dù chỉ một câu.

Mỗi khi ngồi một mình lặng lẽ trong một góc rừng vắng, Ngài lại thấy buồn lòng vì có lẽ mình đã làm phiền lòng chư Tăng.
Một lần, quán sát thấy nhân duyên tu hành đặc biệt của em trai, Tôn giả Đại Bàn Đặc liền tới cất lời nghiêm nghị:

– Này Châu Lợi Bàn Đặc, bốn tháng rồi mà em vẫn chưa học được một bài kệ ngắn. Có lẽ em không hợp ở đây. Em hãy về chăm sóc ông ngoại thì tốt hơn.
– Thưa anh, em… em… – Ngài Châu Lợi Bàn Đặc ngỡ ngàng, ấp úng, rồi im lặng.

Trong hương thất, Đức Thế Tôn đang an trú trong thiền định. Người biết được hoàn cảnh của Ngài Châu Lợi Bàn Đặc và khẽ mỉm cười.
Hôm sau, trong khi tất cả chư Tăng đến nhà y sĩ Kỳ Bà (Jivaka) để thọ thực thì Tôn giả Đại Bàn Đặc cố ý không cho Ngài tới dự. Tôn giả định nhân dịp này sẽ khiến cho em trai mình có động lực để tiến tu. Riêng Ngài Châu Lợi Bàn Đặc vì tự ti bản thân kém dở, thấy anh mình như vậy lại khởi tâm nghĩ anh đã không còn cần tới mình nữa, Ngài vô cùng buồn bã. Do đó, Ngài quyết định sẽ trở về nhà.

Thế nhưng, khi Ngài vừa bước tới cổng tinh xá thì Đức Thế Tôn bỗng nhẹ nhàng bước tới gần. Hào quang của Thế Tôn tỏa ra thật ấm áp. Người cất lời hiền từ:
– Này Châu Lợi Bàn Đặc, vì sao con buồn như vậy?
Bạch Thế Tôn, con quá kém dở. Đã bốn tháng trôi qua mà con vẫn không ghi nhớ được bài kệ đầu tiên. Con rất cố gắng nhưng đọc mãi mà không thuộc nổi một câu. Bạch Thế Tôn, con đã làm Tăng chúng phiền lòng. Anh trai bảo có lẽ con nên về nhà thì tốt hơn…

– Này Châu Lợi Bàn Đặc, vậy con còn muốn tu hành giải thoát không?
– Bạch Thế Tôn, đó là ước mơ cháy bỏng trong lòng con. Không lúc nào con nguôi ngoai lý tưởng tu hành giác ngộ. Nhưng con…việc học của con…
– Vậy Châu Lợi Bàn Đặc, con xuất gia với ai? Ngài Châu Lợi Bàn Đặc ngước nhìn Đức Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con xuất gia với Thế Tôn ạ.
– Này Châu Lợi Bàn Đặc, vậy Như Lai chưa bảo về sao con đã vội thu dọn đồ đạc? Bây giờ, con hãy theo Như Lai.

Đức Thế Tôn dẫn Ngài tới một phiến đá dưới bóng cây. Người dùng thần thông hóa ra một chiếc khăn trắng rồi đưa cho Ngài. Người nhẹ nhàng dặn dò:
– Này Châu Lợi Bàn Đặc, con hãy ngồi kiết già ở đây, cầm chiếc khăn này lau mặt, và con chỉ cần nói “Tẩy sạch dơ bẩn”. Mỗi lần lau mặt, con lại nói một câu: “Tẩy sạch dơ bẩn”. Con cứ ngồi ở đây làm theo lời Như Lai dặn. Con đã nhớ chưa?

– Bạch Thế Tôn, “Tẩy sạch dơ bẩn”; thưa Thế Tôn, con đã nhớ ạ.
Đức Thế Tôn còn ngồi thêm một lúc, chậm rãi nhắc lại câu kệ và lắng nghe Ngài Châu Lợi Bàn Đặc đọc lại thêm vài lần. Lời Thế Tôn dịu dàng, ân cần đọc trước. Ngài Châu Lợi Bàn Đặc giọng hết sức nghiêm trang tụng theo. Đến khi Ngài thuộc hẳn, Thế Tôn mới rời đi.

Tại tinh xá, Ngài Châu Lợi Bàn Đặc ngồi kiết già, vừa lau mặt vừa đọc đi đọc lại câu “Tẩy sạch do bẩn” như Đức Thế Tôn dặn dò. Một lát sau, chiếc khăn còn mới, trắng và mịn lúc đầu đã dần dần cũ đi, trở nên nhăn nhúm, dơ bẩn, chằng chịt những vết ố vàng, những sợi chỉ bong tróc, rồi bục rách. Ngài chợt nghĩ rằng chiếc khăn sạch ban đầu vì lau lên thân thể Ngài mà trở thành dơ bẩn. Do đó, Ngài nhận ra sự biến hoại của vạn vật và sự bất tịnh của thân thể con người. Phàm tất cả những gì có sinh đều phải có diệt. Như chiếc khăn trắng đẹp ban đầu trở thành rách nát, thân thể này dưới sự tác động của vô thường cũng sẽ tan hoại. Dưới lớp da mỏng manh kia là những chất bất tịnh như máu, thịt, gân, xương, lông, móng… Chẳng bao lâu sự già nua, bệnh hoạn và cái chết sẽ tìm đến. Xác thân sẽ bị phân hủy bởi thời gian, bị đục khoét bởi côn trùng, chỉ còn lại bộ xương mục rỗng. Cuối cùng, xương cũng tan rã thành cát bụi. Và, mọi thứ trong cuộc đời này cũng vô thường như thế. Dù là thành trì nguy nga tráng lệ hay cho đến những nhành cây ngọn cỏ cũng đều phải suy tàn, biến hoại.

Ngay khi nghiệm ra chân lý vô thường, Ngài nhiếp tâm vào sâu trong thiền định. Khi đó, Đức Thế Tôn bỗng hiện ra giữa vầng hào quang chói ngời và cất giọng trầm hùng:

– Này Châu Lợi Bàn Đặc, con hãy chú ý đến những điều dơ bẩn trong tâm. Như thế nào gọi là điều dơ bẩn của tâm? Chính là những tham lam, hận thù, ích kỷ, gian dối, luyến ái, vô minh, chấp ngã… Đó mới là những dơ bẩn của tâm mà con phải tẩy sạch.

Khi Đức Thế Tôn vừa dừng lời, Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc bừng ngộ, chứng đắc Thánh quả A La Hán. Dưới tàng cây, hào quang tỏ rạng khắp không gian. Những rặng trúc đung đưa trong gió, lá trúc xào xạc bay giữa không trung…

IV. SỰ TIẾN BỘ DIỆU KỲ

Ngay sau khi vừa chứng đạo, Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc hiện thân ngồi tĩnh tọa trên một phiến đá trong vườn xoài gần tinh xá. Cùng lúc đó tại nhà y sĩ Kỳ Bà, khi gia nhân chuẩn bị sớt vật thực vào bình bát, Đức Thế Tôn đưa tay chặn lại, Người cất lời hỏi;

– Này Kỳ Bà, ở tinh xá còn vị Tỳ kheo nào hay không?
Y sĩ Kỳ Bà đứng lên chắp tay cung kính đáp:
– Bạch Thế Tôn, trong tinh xá không còn vị Tỳ kheo nào nữa ạ.
– Này Kỳ Bà, trong tinh xá vẫn còn một vị Tỳ kheo, ông hãy quay lại tìm.
Nhận lệnh chủ, ba người gia nhân lập tức lên ngựa trở lại tinh xá. Khi vừa ngang qua vườn xoài, các gia nhân sửng sốt trông thấy cả nghìn vị Tỳ kheo giống hệt nhau. Mỗi vị lại đang làm một công việc riêng. Có vị đang tọa thiền, vị đang quét lá, có vị kinh hành, có vị tụng kinh… Cả khu vườn rộng lớn không nơi nào là không có các vị Tỳ kheo. Các gia nhân tức tốc quay trở lại báo:
– Bạch Thế Tôn, trong khu vườn xoài không phải có một mà có cả nghìn vị Tỳ kheo giống hệt nhau. Chúng con không biết phải làm sao ạ.
– Này các vị, hãy đến hỏi xem ai là Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc thì mời về thọ trai. – Đức Thế Tôn trả lời. Ba người gia nhân lại phi ngựa đến vườn xoài, một người quỳ xuống thưa:

– Kính thưa các vị Tôn giả, xin cho con hỏi vị nào là Ngài Châu Lợi Bàn Đặc ạ?
– Ta là Châu Lợi Bàn Đặc. – Một nghìn vị lập tức đồng thanh đáp lại. Âm thanh cất lên vang động cả khu vườn.
Ba người gia nhân kinh ngạc. Họ lại nhanh chóng lên ngựa quay về. Đức Thế Tôn ôn tồn nói:
– Này các vị, hãy hỏi lại một lần nữa, vị Tôn giả nào trả lời đầu tiên thì hãy mời vị đó về.
Ba người gia nhân trở lại vườn xoài lần thứ ba:
– Kính thưa các vị Tỳ kheo, vị nào là Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc ạ?

Lúc này, vị Tôn giả đang tọa thiền trên phiến đá ở giữa trả lời đầu tiên. Các gia nhân liền quỳ gối cung thỉnh Ngài. Lập tức, tất cả những vị Tôn giả còn lại đều biến mất.

Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc cùng gia nhân trở về nhà y sĩ Kỳ Bà. Sau khi thọ trai xong, Đức Thế Tôn nhìn Ngài và nói:
– Này Châu Lợi Bàn Đặc, con hãy thuyết Pháp cho gia chủ và mọi người cùng nghe.
Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc uy nghiêm bước lên pháp tòa tuyên giảng. Bài Pháp đã làm chấn động tâm tư cả hội chúng. Ngài giảng giải chi tiết từ thấp đến cao, từ những đạo lý gần gũi để áp dụng trong đời sống đến những cảnh giới vi diệu tột cùng của nội tâm chứng ngộ. Ngài thông tỏ tất cả lời Đức Thế Tôn dạy, lấy dẫn chứng từng câu, từng điểm trong các bài Kinh của Người để trình bày. Lý luận của Ngài vô cùng sâu sắc và thuyết phục khiến hội chúng ai cũng trầm trồ thán phục.
Trước đó, Ngài còn là một vị Tỳ kheo suốt bốn tháng không nhớ nổi một bài kệ bốn câu, vậy mà chỉ trong một buổi sáng, Ngài đã chứng đắc Thánh quả A La Hán tột cùng cao thượng, có thể thị hiện thần thông quảng đại, có thể thuộc lòng Kinh Tạng, gióng lên tiếng trống pháp âm đầy hùng lực và trí tuệ. Tôn giả đã có một sự thăng tiến nội tâm vượt bậc.

Có được sự biến chuyển kỳ diệu như vậy là bởi Ngài luôn đặt trọn niềm tin tuyệt đối vào chánh Pháp, trong tâm lúc nào cũng nung nấu khát khao tu hành hướng về giác ngộ. Bởi vậy nên dù tọa thiền, học hỏi hay làm bất kỳ việc gì, Ngài đều hoàn toàn nghe theo sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn. Mặc cho khó khăn thử thách liên miên, mặc cho nghiệp xưa còn cản trở mãnh liệt, Ngài vẫn kiên định, siêng năng không ngừng nghỉ, cố gắng nỗ lực từng chút một trên con đường hướng về giác ngộ.
Cách đây hơn một trăm nghìn đại kiếp, thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa, Ngài đã quỳ xuống chân Đức Phật phát nguyện để thành tựu công hạnh “Tâm Thắng Tiến Tối Thắng” và được Người thọ ký. Từ đó, trong nhiều kiếp, Ngài luôn kính tin Tam Bảo, làm nhiều công đức lành và hết mực siêng năng tu tập thiền định. Cuối cùng, đến thời Đức Phật Thích Ca, hạnh nguyện của Ngài đã được viên thành.
Một lần, Đức Thế Tôn đã tán thán Ngài trước hội chúng:

– Trong các vị đệ tử của Như Lai, thiện xảo về tâm thắng tiến, Châu Lợi Bàn Đặc là đệ nhất.

V. KẾT LUẬN

Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc là vị Thánh Tăng A La Hán nổi tiếng với sự chuyển biến vượt bậc về nội tâm. Ngài tiêu biểu cho tâm nhu thuận, sự nỗ lực, kiên trì vượt qua mọi gian nan, thử thách để tiến bước trên con đường giác ngộ. Cuộc đời Ngài để lại nhiều bài học quý giá cho chúng sinh noi theo.
Chúng con nguyện lòng luôn siêng năng công quả phụng sự, tinh tấn tu tập, dù gặp phải khó khăn chướng ngại vẫn không nản lòng để luôn giữ vững lý tưởng tu hành và hoằng dương chánh Pháp đến muôn đời sau.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc (Cullapanthaka) là vị A La Hán nổi tiếng với sự chuyển biến vượt bậc về nội tâm. Ngài được Đức Phật tán thán là vị đệ tử Đệ Nhất Thiện Xảo Về Tâm Thắng Tiến. Để có được sự biến chuyển kỳ diệu như vậy, Ngài đã luôn đặt trọn niềm tin tuyệt đối vào chánh Pháp, trong tâm lúc nào cũng nung nấu khát khao tu hành hướng về giải thoát giác ngộ. Mặc cho khó khăn thử thách liên miên, nghiệp xưa còn cản trở mãnh liệt, Ngài vẫn kiên định, siêng năng không ngừng nghỉ. Cuộc đời Ngài để lại nhiều bài học quý giá cho chúng sinh noi theo.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Dần có sự biến chuyển vượt bậc trong tu tập tâm linh. Thành tựu lòng tôn kính Phật tuyệt đối, tâm khiêm hạ phát triển, từ đó gieo trồng được nhiều nhân lành cho mai sau.
– Được chư Phật gia hộ bảo vệ cho đạo tâm vững vàng, nhờ vậy vượt qua được các khó khăn do nghiệp hoặc hoàn cảnh mang lại.
– Ngày càng nhu thuận, siêng năng làm việc nên được nhiều người yêu mến và giúp đỡ.

VII. THƠ TỤNG

Thành tâm cung kính cúi đầu
Bậc Thánh giác ngộ thẳm sâu tận cùng
Thần thông hóa hiện không trung
Từng lời thuyết giảng trầm hùng dậy vang
Đưa người thoát khỏi buộc ràng
Bởi tâm ô nhiễm tham lam hận thù
Ích kỷ, chấp ngã, buông lung
Đắm mê thương ghét mịt mùng khơi xa
Hiểu rằng thân chẳng phải ta
Tâm này cũng chẳng phải ta bao giờ
Trải qua trăm kiếp nghìn đời
Trầm luân sinh tử chẳng vơi khổ sầu
Chìm trong bóng tối đêm thâu
Chỉ còn lời Phật nhiệm màu thiêng liêng
Thắp nguồn chân lý diệu huyền
Bừng lên ánh sáng vô biên rạng ngời
Chiếu soi mọi chốn nghìn nơi
Chúng sinh khắp cõi muôn đời bước theo
Nhớ thân giả tạm bọt bèo
Giàu sang danh vọng cũng theo vô thường
Chỉ còn tội phúc tỏ tường
Gieo trồng thiện Pháp con đường bước lên
Ơn Phật ghi khắc đáp đền
Trọn lòng tôn kính, giữ bền đường tu
Một chút điều ác cũng dư
Bao điều công đức cũng chưa đủ đầy
Con xin phát nguyện từ đây
Tu hành tinh tấn không ngày nào quên
Dẫu là sáng sớm hay đêm
Lặng yên thiền tọa trang nghiêm Phật đài
Chúng con nguyện bước theo Ngài
Vị Thánh đệ tử Như Lai khen rằng
Tối thắng trong hàng chúng Tăng
Là “Tâm Thắng Tiến” như trăng bên trời
Từ trong đêm tối ảo mờ
Ánh trăng soi tỏ tâm bừng sáng lên
Hương thiền phảng phất bên thềm
Nhẹ nhàng thanh thoát ưu phiền lìa xa
Khắp nơi chung một mái nhà
Con đường chánh Pháp bao la đẹp ngời…

Nam Mô Châu Lợi Bàn Đặc Tôn Giả (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x