Xuân đã về trên khắp quê hương
Hoàng cung vắng bóng tám năm trường
Chánh Pháp nay bừng trên mọi lối
Xin Người trở gót, bớt nhớ thương
Ca Tỳ La Vệ đang khắc khoải
Từng dấu chân xưa, mọi nẻo đường.
I. XUẤT THÂN
Tôn giả Ca Lu Đà Di (Kaludayi) sinh tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Ngài là con của vị quan đảm trách việc ngoại giao trong triều đình của Đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Ngài sinh ra trùng với ngày Hoàng hậu Maya đản sinh Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha). Hôm đó, cả đất nước Sakya mở tiệc đón mừng nên Ngài được đặt tên là Đà Di. Tên “Đà Di” có nghĩa là “niềm hạnh phúc hân hoan”.
Ngài Ca Lu Đà Di có nước da hơi ngăm, phong thái vô cùng nhẹ nhàng, điềm tĩnh. Trên gương mặt Ngài là đôi mắt sáng và vầng trán rộng làm nổi bật lên vẻ đẹp của một nhà trí thức uyên bác. Ngài dễ mến với tất cả mọi người.
Từ nhỏ, Ngài đã nổi tiếng thông minh nên phụ thân đặt nhiều hy vọng và đích thân dạy bảo. Ngài rất giỏi văn chương thi phú, thông thạo nhiều ngôn ngữ và đặc biệt là vô cùng tài giỏi trong việc giao tiếp. Trong những lần cùng cha ngoại giao quốc sự, cách ứng xử của Ngài luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp. Ngài khéo léo và tinh tế trong từng lời nói. Nhờ vậy, Ngài và phụ thân đã có nhiều công lao trong việc gắn kết tình hòa hảo thân thiết giữa các quốc gia với Sakya, góp phần tạo nên sự phồn thịnh yên bình cho cả vương quốc.
Mỗi khi trở lại kinh thành Ca Tỳ La Vệ sau những chuyến công du, Ngài thường được hầu chuyện cùng Thái Tử Tất Đạt Đa. Thái Tử rất quan tâm về đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ở khắp nơi, về tiềm năng và những khó khăn của các nước cũng như văn hóa, nếp sống của họ…và Ngài đã thưa với Thái Tử về những điều mới lạ ở những nơi mà Ngài có dịp đi qua. Tuy Ngài và Thái Tử bằng tuổi và là bạn thời thơ ấu, lớn lên cùng nhau nhưng Ngài luôn cẩn thận trong từng lời nói, cử chỉ để bày tỏ sự thương kính đúng mực lên Người.
Sau này, bằng trí tuệ và tài năng của mình, Ngài Ca Lu Đà Di đã nối nghiệp cha, trở thành một nhà ngoại giao xuất sắc, một cố vấn đại thần được Đức vua tin cẩn, nắm giữ nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình.
II. XUẤT GIA
Sau khi rời khỏi kinh thành Ca Tỳ La Vệ, Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia và đắc thành đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Người trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Thầy cao cả của chư Thiên và loài người. Từ nơi cội cây Bồ Đề, Người bắt đầu những bước chân du hành giáo hóa chúng sinh.
Thời gian thấm thoát trôi, vậy là đã được tám năm kể từ khi Thái Tử xuất gia. Dân chúng kinh thành Ca Tỳ La Vệ đã được nghe nhiều câu chuyện nhiệm màu về Người. Ai cũng ngóng trông một ngày được chiêm ngưỡng Đấng Giác Ngộ, được đánh lễ dưới chân Người và lắng nghe Người thuyết Pháp. Đức vua Tịnh Phạn đã cử chín phái đoàn đến thỉnh Thế Tôn về kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Nhưng kỳ lạ thay, cả chín phái đoàn không một ai trở về. Nguyên do là khi gặp Đức Thế Tôn, tất cả đều phát nguyện xuất gia trở thành đệ tử của Người.
Đức vua Tịnh Phạn không nhận được tin tức gì càng thêm sốt ruột. Sự thương nhớ của Đức vua đối với Thế Tôn tám năm qua chưa bao giờ nguôi ngoai. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Nhà vua quyết định cử một phái đoàn nữa, do Ngài Ca Lu Đà Di dẫn đầu. Ngài là vị đại thần mà Vua rất yêu mến, lại có tài ngoại giao khéo léo nên chắc chắn sẽ không quên nhiệm vụ được giao mà xuất gia. Thế nhưng, mọi chuyện đã diễn ra khônghoàn toàn như Đức vua dự tính…
Ngài Ca Lu Đà Di sau khi nhận được lệnh thì vô cùng vui mừng, dành hẳn ba ngày để chuẩn bị cho chuyến đi thật chu đáo. Ngài háo hức đến nỗi cả đêm không ngủ được, lòng bồi hồi xúc động. Trải qua nhiều năm trong quan trường, đã đi qua rất nhiều quốc gia, tiếp xúc với rất nhiều người, Ngài đã chứng kiến biết bao thăng trầm của cuộc đời. Con người vì mải mê tranh giành địa vị, quyền thế, lợi danh… mà sẵn sàng mưu hại lẫn nhau, không từ một thủ đoạn độc ác nào. Họ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để đạt được mục đích của mình. Và Ngài nghĩ về Thái Tử Tất Đạt Đa, người bạn thời thơ ấu, bây giờ đã trở thành một bậc Chánh Đẳng Giác, được muôn vạn người kính ngưỡng và nương theo tu hành. Người đã từ bỏ vương vị, những vinh quang thế gian phù phiếm để xuất gia đi tìm con đường hạnh phúc chân thật, giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ của sinh tử luân hồi. Uy đức của Người chói ngời đến mức đã khiến cho chín vị quan đại thần cùng tùy tùng trước đây đều quy phục xin xuất gia khi nhìn thấy lần đầu tiên. Lúc này đây, Ngài chợt nhận ra trong tâm hồn mình dường như đang có sự thôi thúc kỳ lạ dâng trào.
Ngài Ca Lu Đà Di mong mỏi sớm được gặp Thế Tôn nên phái đoàn đã nhanh chóng lên đường. Có lẽ đây là chuyến đi đặc biệt nhất trong cuộc đời của Ngài, một chuyến đi định mệnh.
Tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) hiện dần lên trong màn sương sớm. Giữa khu rừng xanh mát, những hàng cây nghiêng tán che bóng rợp mát cả lối đi. Ngài biết mình đã tới nơi. Vốn là người tinh tế, Ngài quan sát rất kĩ. Tinh xá thật bình yên và thanh tịnh. Những cây trúc cao tạo thành từng khóm, mọc xen kẽ cạnh hồ nước trong xanh. Đi sâu vào trong, những am nhỏ được dựng ngay ngắn cạnh các rặng trúc, gần đó có chỗ lấy nước, xa xa là khu vệ sinh sạch sẽ. Giữa tinh xá là một khu đất trống, phía trên đặt một tòa ngồi bằng đá cẩm thạch có mái che. Đó là giảng đường nơi Thế Tôn thuyết Pháp cho các Tỳ kheo và cư sĩ. Tất cả mọi nơi, từ nhà ăn, phòng khách, nhà vệ sinh, giảng đường… đều gọn gàng, tươm tất.
Tăng đoàn của Thế Tôn có rất đông chư vị Tỳ kheo nhưng vô cùng trang nghiêm, nề nếp. Đời sống của các vị giản đơn, thanh bai toát lên một niềm an lạc lan tỏa từ nội tâm. Hàng ngày các Ngài tọa thiền trong các am nhỏ, đôi khi bên các rặng tre, cạnh dòng suối… Các Ngài thật sự an yên, thật sự hạnh phúc khi được làm đệ tử của Thế Tôn, được tìm thấy đạo lý cao thượng tột cùng trong chánh Pháp. Trong khoảnh khắc, Ngài Ca Lu Đà Di bỗng ao ước được sống tịnh lạc như các vị ấy. Ngài nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ hết địa vị, gia đình, danh tiếng… mà không chút do dự. Ngài không còn muốn sống một giờ phút nào với những lo lắng phiền muộn của cuộc sống thế tục nữa.
Ngài được dẫn vào gặp Đức Thế Tôn. Trên một tảng đá lớn cạnh dòng suối, Đức Thế Tôn đang ngồi thuyết Pháp cho Tăng chúng. Người khoác trên mình tấm y đơn sơ giản dị, vạt áo nhẹ lay trong gió. Trong tư thế kiết già, Người đẹp như một đóa sen. Mỗi khi cất lời, giọng nói của Người trầm ấm đầy hùng lực, từng ánh mắt đều chứa chan lòng từ bi vô hạn. Thế Tôn không mỉm cười nhưng khuôn mặt Người tỏa ra sự an tĩnh kỳ lạ, khiến cho ai nhìn thấy cũng cảm nhận được một niềm an lạc, hạnh phúc vô biên.
Sau thời Pháp, Ngài Ca Lu Đà Di tiến lại gần và càng cảm nhận rõ sự vĩ đại của Đức Thế Tôn. Ngài bỗng bối rối trước uy đức của Người. Bất giác, Ngài quỳ xuống dưới chân Thế Tôn, vầng trán đặt nơi nền đất. Tất cả tùy tùng cũng quỳ xuống theo. Với tất cả niềm tôn kính, Ngài nói trong nghẹn ngào:
– Kinh bạch Đức Thế Tôn, xin cho chúng con được xuất gia. Chúng con nguyện trọn đời sống trong Pháp và Luật của Người.
Ngài đảnh lễ và lặp lại ba lần như vậy. Thế Tôn mỉm cười đồng ý, Người đã thấu rõ tâm trạng của vị đại thần. Thừa tôn ý của bậc Đạo Sư, Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) cạo tóc cho Ngài Ca Lu Đà Di và tùy tùng. Cả phái đoàn cùng lúc xuất gia trở thành những vị Tỳ kheo. Từ đây, các vị sẽ sống cuộc đời tu hành giản dị, tinh nghiêm trong Thánh đạo nhiệm màu của Thế Tôn. Vậy là cũng giống như những phái đoàn trước đây, Ngài Ca Lu Đà Di và tùy tùng đã xin Phật xuất gia ngay lần đầu tiên gặp Người…
III. ĐỆ NHẤT KHỞI DẬY NIỀM TỊNH TÍN
Mặc dù đã trở thành đệ tử của Thế Tôn, được sống trong chánh Pháp cùng các vị Thánh đệ tử của Người, Ngài Ca Lu Đà Di vẫn không quên sứ mệnh của mình với Đức vua Tịnh Phạn. Các vị quan đại thần trước kia không trở về là vì khi gặp Đức Phật, mọi người đều khởi tâm kính ngưỡng và mong muốn được tu tập trong Tăng đoàn của Người. Đó cũng là tâm trạng của Ngài. Nhưng tại quê hương Ca Tỳ La Vệ, Đức vua Tịnh Phạn, Lệnh bà Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati), Công nương Da Du Đà La (Yashodara), Hoàng tôn La Hầu La (Rahula)… và tất cả dân chúng đều đang trông đợi tin tức của Ngài. Ngài cảm nhận rõ rằng mình đang mang theo niềm hi vọng của cả vương quốc Sakya.
Lúc bấy giờ mùa xuân đã đến. Những áng mây nhẹ trôi trên nền trời trong xanh. Mặt đất được phủ bởi một lớp cỏ non xanh tươi mơn mởn, khắp nơi cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn vạn loài hoa đồng loạt nở rộ khoe sắc, tỏa hương thơm ngát. Những chú chim vui đùa trong tán lá, ríu rít chuyền cành. Trên các nẻo đường, mọi người chào nhau, chuyện trò vui vẻ… Cảnh vật như căng tràn nhựa sống. Tiết trời ấm áp và dễ chịu, khắp đất trời dường như cũng đang hoan ca, cùng đón xuân về.
Vào một buổi chiều trong tinh xá Trúc Lâm, chư Tăng và cư sĩ ngồi tề tựu trước khoảng sân rộng chuẩn bị nghe Đức Phật thuyết Pháp. Tôn giả Ca Lu Đà Di bước tới gần Đức Thế Tôn, quỳ xuống đảnh lễ Người ba lễ rồi cất lời thưa bạch:
Bạch Thế Tôn, con hạnh phúc rất nhiều khi được làm đệ tử của Thế Tôn, được sống an lạc trong chánh Pháp giữa các vị Thánh đệ tử của Thế Tôn. Nhưng càng hưởng hạnh phúc nhiều chừng nào, thì con càng nhớ thương về quê hương Ca Tỳ La Vệ nhiều chừng ây.
– Bạch Thế Tôn, quê hương Ca Tỳ La Vệ của con, và cũng là quê hương của Người, đang ngày đêm trông ngóng Thế Tôn. Đức vua Tịnh Phạn, Lệnh bà Ba Xà Ba Đề, Công nương Da Du Đà La… cùng hoàng tộc và cả người dân đất nước Sakya ai ai cũng ngưỡng mong Thế Tôn trở về.
– Bạch Thế Tôn, cũng như con trước đây, những người thân của Thế Tôn chưa hiểu hết đạo lý siêu thoát của Người, cũng đang ngày đêm trông ngóng được nhìn thấy hình ảnh của Thế Tôn mà họ vô cùng yêu quý. Đã tám năm trôi qua không một giờ phút nào mà Ca Tỳ La Vệ ngừng chờ đợi hình dáng Thế Tôn trở lại. Từng buổi cơm chan nước mắt, từng buổi sáng mặt trời quạnh hiu, từng buổi tối ánh trăng buồn bã. Ai cũng dõi trông về góc trời xa và hi vọng nhìn thấy bóng dáng Thế Tôn xuất hiện.
– Bạch Thế Tôn, bây giờ đã là mùa xuân, hoa đã nở trên những nẻo đường dẫn về Ca Tỳ La Vệ, chim đã hót trên những cánh rừng dẫn về Ca Tỳ La Vệ, những dòng sông trong vắt vì không bị mưa làm cho ngầu đục, những con đường sạch sẽ, khô ráo không chút bùn lầy. Trẻ em nô đùa, chạy giỡn khắp nơi, người lớn thảnh thơi sau những ngày mùa vất vả, những con trâu, bò nằm nhai cỏ, lặng yên ngắm nhìn trời… Cảnh vật thật tươi đẹp biết bao.
– Bạch Thế Tôn, tin tức Người đã đạt được mục đích cao cả của một bậc Sa môn là chứng được Chánh Đẳng Chánh Giác đã lan truyền đến quê nhà. Cả Ca Tỳ La Vệ tự hào vì quê hương của họ đã sinh ra một bậc Thánh nhân siêu phàm tuyệt thế. Cả Ca Tỳ La Vệ vui mừng vì ngay cả vị vua Bình Sa (Bimbisara) của đất nước Ma Kiệt Đà (Magadha) cũng phải quy y làm đệ tử của Thế Tôn. Cả Ca Tỳ La Vệ hạnh phúc vì biết bao nhiêu các đạo sĩ danh giá, bao nhiêu người thuộc giai cấp sang trọng, cũng cúi đầu trước Thế Tôn. Kinh bạch Đức Thế Tôn, đây chính là lúc con cúi xin Thế Tôn hãy lên đường về thăm lại quê hương Ca Tỳ La Vệ yêu dấu.
Ngài Ca Lu Đà Di như dồn hết tâm ý của mình vào mỗi câu nói, khiến cho các vị Tỳ kheo chứng kiến đều không khỏi xúc động, ai nấy rơm rớm nước mắt. Mỗi lần ngắt lời, Tôn giả lại lễ xuống một lễ. Thấu được tâm ý của Tôn giả, Đức Thế Tôn ôn tồn nói:
– Này Ca Lu Đà Di, Như Lai cùng với Tăng chúng sẽ về Ca Tỳ La Vệ qua mùa mưa năm nay. Hiện tại tiết trời tuy đẹp nhưng Như Lai muốn các Tỳ kheo trải qua ba tháng an cư trong mùa mưa sắp tới. Vì vào mùa mưa đường sá lầy lội, y phục bị ướt sẽ phơi lâu khô, các gia chủ bận rộn công việc đồng áng từ sáng sớm, nên không chờ đợi cúng dường các Sa môn ở nhà được. Mùa mưa là lúc côn trùng sinh sôi bò nhiều khắp mặt đất, vì thế trong mùa mưa, các Tỳ kheo không nên du hành xa, sẽ rất vất vả, cũng là để tránh giẫm đạp lên các loài côn trùng nhỏ bé. Các Tỳ kheo chỉ nên ở yên trong một trú xứ, một khu vực. Buổi sáng đi khất thực quanh đấy, rồi trở về tinh xá mà thúc liễm tu tập. Như Lai chế ra phép an cư mùa mưa hàng năm này cho tất cả Tỳ kheo tuân thủ thực hành. Vì thế Như Lai muốn ở lại an cư hết mùa mưa sắp tới cho các Tỳ kheo biết phép tắc là như thế, rồi sẽ về thăm Ca Tỳ La Vệ sau.
Tôn giả Ca Lu Đà Di vui mừng quỳ xuống cảm tạ Thế Tôn. Ngài đảnh lễ Thế Tôn rồi trở lui. Vậy là Ngài đã hoàn thành lời hứa với Đức vua Tịnh Phạn, mang về ân đức của Thế Tôn cho quê hương Ca Tỳ La Vệ thân yêu. Chư vị Tỳ kheo hiện diện cũng vô cùng hoan hỷ.
Sau mùa mưa năm ấy, Thế Tôn cùng hơn năm trăm vị Tỳ kheo rời khỏi Trúc Lâm tinh xá. Những bước chân thong thả, điềm đạm hướng về Ca Tỳ La Vệ. Cả hoàng cung hay tin Thế Tôn sắp về đến kinh thành, ai nấy đều vui mừng khôn xiết, xen lẫn là những cảm xúc khó tả. Đức vua Tịnh Phạn và Đức vua Nan Đà (Nanda) lập tức ra ngoài thành đón Thế Tôn. Vua Tịnh Phạn bật khóc, đôi bàn tay hao gầy nắm chặt đôi bàn tay của Thế Tôn, nước mắt chảy xuống chòm râu đã bạc. Ngài Nan Đà quỳ xuống bên cạnh, ôm chân Người hồi lâu. Kinh thành Ca Tỳ La Vệ nhộn nhịp hơn thường ngày, dân chúng ai nấy y phục đẹp đẽ, chuẩn bị hoa tươi thơm ngát, kéo nhau ra đường đón Đức Phật và chư Tăng trong niềm hạnh phúc hân hoan.
Trong cung điện, cả hoàng tộc và triều thần đều tề tựu trang nghiêm, mong chờ giây phút Đấng Toàn Giác bước vào. Lệnh bà Ba Xà Ba Đề và Công chúa Sundari nhìn về phía cánh cửa không rời mắt, rồi òa khóc khi thấy bóng dáng Thế Tôn xuất hiện. Công nương Da Du Đà La ở trong phòng ngắm nhìn Thế Tôn sau bao năm tháng xa cách, nước mắt đã rơi từ khi nào.
Tám năm đã qua đi, cả hoàng cung vẫn luôn dõi theo từng bước du hóa của Đức Thế Tôn, đã được nghe kể nhiều câu chuyện về Người với lòng tôn kính tột cùng. Thế nhưng chỉ những tin tức thôi quả thực không thể lấp đi chỗ trống của sự nhớ thương. Nay Tôn giả Ca Lu Đà Di đã thỉnh được Đức Thế Tôn trở về quê hương, chính là đã thỏa được nỗi ước mong của tất cả mọi người. Vậy là hoàng thân và người dân cả nước sẽ được đảnh lễ Người, sẽ được quỳ xuống dưới chân Người để bày tỏ lòng tôn kính vô ngần. Thật là một niềm hạnh phúc lớn lao khôn tả.
Châu báu quý giá nhất trên đời này không phải là tài sản lớn hay địa vị cao, mà chính là Pháp bảo chân chính. Những lời dạy của Đức Thế Tôn mới là điều quý giá nhất trên thế gian. Lần này Người trở về quê hương, đã có nhiều quyến thuộc, quan đại thần trong triều đình xin xuất gia. Nhiều vị đã chứng đắc Thánh quả, đặt xuống gánh nặng của cuộc đời. Tăng đoàn của Đức Thế Tôn lại thêm hùng mạnh, chánh Pháp lại được lan tỏa tới nhiều chúng sinh hơn. Trong đó, một phần lớn công lao là nhờ vào hạnh nguyện và tấm lòng của Ngài Ca Lu Đà Di.
Để thực hiện được hạnh nguyện ấy, Tôn giả Ca Lu Đà Di nhiều kiếp đã gieo vô số nhân lành, làm vô số thiện nghiệp. Vào thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara), Tôn giả Ca Lu Đà Di khi ấy sinh vào trong một gia đình danh giá tại kinh thành Hamsavati. Ngài vô cùng kính tin Tam Bảo. Khi nghe Đức Phật khen ngợi một vị Tỳ kheo có hạnh nguyện khơi dậy lòng tịnh tín đối với giáo Pháp trong thân quyến của Đức Như Lai, Ngài vô cùng xúc động. Ngài nghĩ tới những người thân quyến thuộc của Đức Phật, đó là những người rất gần gũi với Người, hết lòng thương kính Người và có nhiều công đức lớn. Ngài khởi tâm mong muốn được làm sứ giả đưa đạo lý nhiệm màu của Đức Như Lai đến với những vị ấy. Sau đó Ngài đã thành tâm cúng dường và phát nguyện trở thành một vị đệ tử tối thắng có thể khơi dậy niềm tịnh tín trong của một Đức Phật trong tương lai. Lời nguyện ấy trải qua cả trăm ngàn đại kiếp, đến thời Đức Phật Thích Ca đã được thành tựu viên mãn.
Một lần trước đại chúng vô cùng đông đảo, Đức Thế Tôn đã tán thán rằng: “Trong số các vị đệ tử của Như Lai có khả năng làm khơi dậy niềm tịnh tín đối với Như Lai, thì Tỳ kheo Ca Lu Đà Di là đệ nhất.” .
IV. KẾT LUẬN
Sống trong cuộc đời này, mỗi người đều phải lo toan vất vả về nhiều thứ, đôi khi tranh nhau từng chút hư danh, giành nhau từng chút ảo lợi khiến cuộc đời đầy rẫy những bất công, hiềm hận. May mắn thay, Đức Phật đã đến trần gian này để soi đường dẫn lối, nhờ có kho tàng giáo lý của Người mà chúng ta biết thương quý nhau, đối xử với nhau tốt đẹp hơn. Người đã thắp lên ánh sáng từ bi, mở ra con đường giải thoát cho chúng sinh. Học theo hạnh nguyện của Tôn giả Ca Lu Đà Di, chúng ta cùng phát nguyện sẽ xây dựng niềm tin về Đức Như Lai, về Phật Pháp trong tâm của tất cả mọi người trên thế gian này. Nhờ đó, chính chúng ta cũng đang kết duyên sâu dày với Tam Bảo, bản thân tăng trưởng đạo tâm, có thêm công đức lành để tu tập, phụng sự cuộc đời…
V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH
Tôn giả Ca Lu Đà Di (Kaludayi) là vị A La Hán có danh hiệu Đệ Nhất Khơi Dậy Niềm Tịnh Tín. Ngài đã thỉnh Đức Thế Tôn về thăm quê hương Ca Tỳ La Vệ bằng trí tuệ và tài ngoại giao khéo léo của mình. Từ đó, những vị thân quyến của Thế Tôn có cơ hội được nghe giáo Pháp và khởi lên lòng kính tin với Tam Bảo. Cũng nhờ vậy mà nhân gian có thêm những vị Thánh vĩ đại, đem lại cho chúng sinh vô vàn lợi ích. Để thực hiện được hạnh nguyện cao cả ấy, trong nhiều kiếp Tôn giả đã gieo trồng vô số công đức lành. Ngài kính tin Tam Bảo tuyệt đối, ban trải lòng từ bi tới khắp chúng sinh…
Quý Phật tử khi thờ kính Ngài sẽ thành tựu:
– Dần trở thành người thông minh, học rộng hiểu sâu, đặc biệt có tài ngoại giao vô cùng khéo léo. Gia đình ấm êm sung túc, gặp nhiều thuận lợi, may mắn trong cuộc sống.
– Được thân cận những người đạo đức, giúp nhiều người khởi lòng tin kính Phật Pháp và tạo được vô số công đức lành về sau.
– Dễ có được trí tuệ phân biệt đúng sai, gặp được minh sư thiện hữu trên con đường tu hành.
VI. THƠ TỤNG
Chúng con kính đảnh lễ Người
Bậc A La Hán vượt ngoài tử sinh
Thắp lên ánh sáng niềm tin
Lòng tôn kính Phật hơn nghìn ánh dương
Thỉnh Phật về lại quê hương
Cho vơi nỗi nhớ niềm thương bao ngày
Tám năm mong được sum vầy
Ca Tỳ La Vệ đêm ngày ngóng trông
Từng con suối hay dòng sông
Còn in hình bóng Thế Tôn thuở nào
Từng con đường cả lối vào
Còn dấu chân đó, dạt dào tình thương
Từng ánh mắt còn vấn vương
Hướng về Đức Phật kính thương trở về
Nắng vàng hoa cỏ xum xuê
Bình minh rực sáng bốn bề ngát hương
Dáng Người thanh thoát siêu phương
Hào quang tỏa khắp mở đường an vui
Thế Tôn đã trở về rồi
Kinh thành nô nức tiếng cười hân hoan
Pháp âm vang dậy huy hoàng
Quyến thân gia nhập Tăng đoàn trang nghiêm
Quần thần tin kính vô biên
Cũng xin theo Phật Đạo thiêng nhiệm mầu
Biết ơn tha thiết, cúi đầu
Bậc Thánh Sứ Giả thỉnh cầu Như Lai
Biện tài siêu xuất tuệ khai
Hoạt ngôn dũng lực khoan thai nhẹ nhàng
Ơn Người hơn cả bạc vàng
Thỉnh ngôi Tam Bảo hơn ngàn ngọc châu
Chúng sinh thoát khỏi khổ đau
Từ bi thắp sáng ưu sầu biến tan
Luân hồi đau khổ lang thang
Từ nay có bến bình an trở về
Chúng con nguyện một lời thề
Xin đem Phật Pháp đi về muôn nơi
Toạ thiền chẳng dám buông lơi
Trau dồi đạo đức cho đời thăng hoa
Vô thường sương khói nhạt nhoà
Xin yêu thương được vạn loài chúng sinh
Hướng về Vô Ngã quang minh
Dựng xây chân lý niềm tin muôn đời
Nguyện cho khắp cả đất trời
Quy y Tam Bảo hiểu lời Như Lai.
Nam Mô Ca Lu Đà Di Tôn Giả (3 lần)