Tôn Giả Bằng Kỳ Xá – Đệ Nhất Biện Tài

Hạt giống của mặt trời
Thế Tôn đã gieo cho
Vì chúng sanh u tối
Người khai mở lối ra.
An trú trong chánh Pháp
Kiên cố, ta một lòng
Nay chứng được Tam Minh
Đền ơn bậc Tỉnh Thức.

Tôn Giả Bằng Kỳ Xá - Đệ Nhất Biện Tài -

Tôn Giả Bằng Kỳ Xá – Đệ Nhất Biện Tài

I. XUẤT THÂN

Tại miền đông bắc Ấn Độ xưa, kinh thành Xá Vệ (Savatthi) của đất nước Kiều Tát La (Kosala) là một kinh thành phồn thịnh bậc nhất lúc bấy giờ. Ở các bến sông, từng đợt sóng vỗ liên hồi, các con thuyền buôn từ khắp nơi đổ về, nườm nượp vào ra. Trước những chuyến buôn lớn, thương lái chất đầy hàng hóa trên khoang, người khuân vác lên xuống không ngơi nghỉ. Trong kinh thành, ở hai bên trục đường chính những ngôi nhà nhiều tầng lầu kề nhau san sát. Những xưởng thủ công, những cửa hàng, các khu chợ… mở cửa từ sáng tới chiều muộn. Dọc các dãy phố luôn tấp nập người qua lại không ngớt.

Tôn giả Bằng Kỳ Xá (Vangisa) chào đời tại kinh đô trù phú ấy, trong một gia đình có dòng dõi Bà la môn. Từ nhỏ, Ngài đã được học bộ giáo điển truyền thống Vệ Đà và sớm bộc lộ tài năng xuất chúng. Ngài thông suốt và thuộc lòng hàng nghìn bài kệ, có thể đối đáp chuẩn xác mọi câu hỏi liên quan đến giáo lý trong kinh. Đặc biệt, Ngài có thiên phú làm thơ tuyệt vời. Ý thơ chứa đựng xúc cảm trước những vẻ đẹp của cuộc đời, thiên nhiên, con người và luôn ngập tràn lòng nhân ái.
Khi trưởng thành, Ngài đến tu học với một vị đạo sư Bà la môn và thành tựu được năng lực kỳ lạ: Biệt tài gõ đầu lâu người đã khuất rồi tiên đoán cảnh giới họ sẽ tái sinh. Chính vì thế, mỗi khi nhà ai có thân quyến ra đi, người ta thường đến hỏi Ngài về nơi đời sống kiếp sau của những người đó như một niềm an ủi. Về phần mình, Ngài luôn hết lòng và trả lời chân thật những gì biết được, hi vọng rằng nhờ vậy mà thân nhân sẽ yên lòng và học được cách sống tốt hơn.

II. CUỘC GẶP GỠ ĐỊNH MỆNH

Danh tiếng của Ngài Bằng Kỳ Xá nhanh chóng lan rộng. Giáo phái Bà la môn nhân cơ hội này đưa Ngài đi khắp mọi nơi, qua đó họ đã chiêu mộ được thêm rất nhiều tín đồ.

Đoàn người du hành qua nhiều làng mạc, phố thị, xứ sở và cuối cùng quay trở lại kinh thành Xá Vệ. Khi đó, Đức Thế Tôn đã tới giáo hóa tại Kosala, uy đức và giáo Pháp của Người tạo thành sức ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Từ Đức vua Ba Tư Nặc (Pasenadi), các quan đại thần, các vị gia chủ, Sa môn, Bà la môn… đều lần lượt quy y trở thành đệ tử của Người. Những câu chuyện về Người được ngợi ca và truyền tụng khắp chốn. Tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) lúc nào cũng đông đảo thiện tín tìm về nghe Pháp, tu tập, công quả. Khi được nghe về Đức Thế Tôn, Ngài Bằng Kỳ Xá dâng tràn xúc động. Ngài lập tức tìm đến tinh xá để được gặp và tham vấn Người. Các vị Bà la môn trong giáo phái hốt hoảng can ngăn, nhưng vì lòng Ngài đã quyết, các vị đành đi cùng để chứng kiến.

Tinh xá Kỳ Viên thật thanh bình. Khuôn viên tinh xá rộng lớn với những tịnh thất vô cùng giản dị mà trang nghiêm. Nơi giảng đường trang nghiêm, chư Tăng ngồi ngay ngắn hai bên. Phía trên, Đức Thế Tôn đang ngự trên một tòa ngồi được phủ bằng lớp vải nâu. Dung nghi Người từ ái và luôn phảng phất một nụ cười hiền hậu. Khi vừa bước vào, Ngài Bằng Kỳ Xá có cảm giác như Người đã biết trước và đang chờ đợi mình. Ngài lặng người ngắm nhìn Thế Tôn rồi quỳ xuống đảnh lễ Người.

Thế rồi, Đức Thế Tôn cất tiếng hỏi:

Này Bằng Kỳ Xá, có phải ông có biệt tài biết nơi sinh của người đã khuất?
Bạch Thế Tôn, đúng như vậy. Con chỉ cần gõ nhẹ vào đầu lâu của người đã mất là sẽ biết họ tái sinh trong cõi nào.

Đức Thế Tôn mỉm cười, Người hỏi tiếp:
Này Bằng Kỳ Xá, vậy ông có thể đoán được nơi sinh của năm người đã khuất này không?

Bạch Thế Tôn, con xin vâng lời.
Trước sự chứng kiến của chư Tăng và đoàn người Bà la môn, Đức Thế Tôn cho người đưa ra năm chiếc đầu lâu. Ngài Bằng Kỳ Xá tiến lên phía trước, dùng chiếc gậy lần lượt chạm nhẹ vào từng chiếc đầu lâu rồi trả lời:

Thưa Thế Tôn, người đầu tiên được tái sinh vào cõi trời vì đã làm nhiều việc thiện khi còn sống. Người tiếp theo vì nghiệp chướng nặng nề nên bị đọa vào địa ngục phải chịu đựng những đớn đau của xác thân. Người thứ ba vì nghiệp báo si mê gây tạo nên đã đi đến con đường của loài trí tuệ thấp kém là súc sinh. Người thứ tư này trở lại cõi đời này với thân phận con người.

Thế Tôn gật đầu, công nhận những lời Ngài nói là chính xác. Ngài Bằng Kỳ Xá tiếp tục chạm nhẹ lên chiếc cuối cùng. Nhưng kỳ lạ, Ngài không thấy gì cả. Ngài thử lại vài lần nữa, dùng hết khả năng và sự cảm nhận của mình nhưng vẫn không đoán được gì. Mồ hôi lấm tấm trên trán, Ngài ngước nhìn Đức Thế Tôn với vẻ bối rối. Khi đó, Đức Thế Tôn mới cất lời hỏi:

Này Bằng Kỳ Xá, ông có biết nơi tái sinh của người này chăng?
Bạch Thế Tôn, con không biết ạ. Người có biết chăng?

Này Bằng Kỳ Xá, không một điều gì trong vũ trụ này mà Như Lai không biết. Như Lai biết rõ về chúng sinh, về nghiệp của chúng sinh, về những cõi giới mà chúng sinh đó sẽ đến sau khi mạng chung… và còn biết nhiều hơn thế nữa. Này Bằng Kỳ Xá, ông không thể đoán được, bởi vì người đó đã hoàn toàn vượt thoát khỏi tam giới, vĩnh viễn không còn luân hồi tái sinh nữa.

Thưa Thế Tôn, làm thế nào mà Người có thể biết được nhiều như vậy ạ?

Đức Thế Tôn khẽ mỉm cười. Người dịu dàng đáp:
– Này Bằng Kỳ Xá, Như Lai biết bằng bí thuật của riêng Như Lai.
– Kính bạch Thế Tôn, xin Người hãy dạy lại con bí thuật ấy.
– Này Bằng Kỳ Xá, Như Lai chỉ dạy điều này cho những ai đã gia nhập Tăng đoàn.

Ngài Bằng Kỳ Xá liền quỳ xuống chắp tay đảnh lễ:
– Bạch Thế Tôn, nếu vậy xin Người cho phép con được xuất gia.
Đức Thế Tôn mỉm cười đồng ý. Ngài Bằng Kỳ Xá hẹn những người bạn sẽ quay trở lại sau khi đã học xong.

Ngay chiều hôm ấy, Ngài được phủi tóc, khoác lên tấm y ca sa, trở thành đệ tử của Đấng Chánh Giác. Trưởng lão Nigrodhakappa thọ giới cho Ngài. Sau đó, Đức Thế Tôn dạy Ngài những phép quán thân và căn dặn Ngài tinh tấn tu tập.

III. CHỨNG ĐẠO

Vâng lời Thế Tôn, Tôn giả Bằng Kỳ Xá chuyên tâm tu tập không phút giây xao lãng. Ngày đêm, Ngài lặng lẽ tọa thiền trong am thất. Thế nhưng, tâm Ngài hay gặp trở ngại mỗi khi muốn nhiếp vào Định. Một lần, Ngài đến tham vấn với Tôn giả A Nan (Ananda), xin Tôn giả chỉ dạy:

– Kính bạch Tôn giả, tâm con rất bất an. Mỗi khi con bắt chân lên ngồi thiền thì những hình ảnh, âm thanh, xúc cảm… lại ùa về khiến con không thể nhớ được công phu. Xin Tôn giả từ bị chỉ dạy cho con.

– Này hiền giả Bằng Kỳ Xá, hiền giả hãy quán chiếu về sự vô thường. Mọi thanh sắc thế gian dù đẹp đến đâu rồi cũng phải chịu sự biến hoại. Dưới sức mạnh của thời gian, những ngọn núi hùng vĩ bị nhấn chìm trong lòng biển cả, những kinh đô phồn hoa trở nên hoang tàn, những đền đài nguy nga nhất cũng trở thành đổ nát.

Này hiền giả, thân xác này là vô thường. Sắc đẹp chỉ là vẻ bề ngoài bao bọc lấy những thành phần bất tịnh bên trong như máu, dịch, gân, cơ, xương, đờm, dãi, phân, nước tiểu… Này hiền giả, khi nhìn một tấm thân kiều diễm, hiền giả hãy nhớ rằng rồi tấm thân đó cũng sẽ già nua xấu xí, bệnh tật và chết chóc. Khi chết rồi, thân thể tiếp tục sình trương, bị côn trùng gặm nhấm, mục rữa rồi tan hoại không còn gì cả.

Này hiền giả, hãy khéo tu tập các phép quán như thế, Ngài sẽ đạt được an tịnh.

Được sự chỉ dạy của Tôn giả A Nan, Ngài nỗ lực tinh tấn phi thường.

Sau một thời gian thúc liễm tu tập, Tôn giả Bằng Kỳ Xá buông xuống mọi gánh nặng khổ đau, chứng đắc Thánh quả A La Hán. Trong giờ khắc chứng đạo huy hoàng, Ngài đã làm rất nhiều bài thơ để nói lên công phu tu tập của mình.

Cả sắc giới trong đời
Đều vô thường biến dịch
Hiểu vậy, sống liễu tri
Đạt an vui tịnh tịch.

IV. BIỆN TÀI ĐỆ NHẤT

Một lần, trước hội chúng rất đông các vị Tỳ kheo, Đức Thế Tôn đã tán thán rằng:

“Trong các vị đệ tử của Như Lai có đầy đủ biện tài, thì Tỳ kheo Bằng Kỳ Xá là tối thắng”.

Trong việc hoằng dương chánh Pháp thì lời nói là phương tiện hữu hiệu và chủ yếu. Dù vậy, lời Phật dạy cực kỳ thâm sâu, vi diệu, nhiều tầng nhiều lớp nghĩa, đề cập đến tận bản chất sâu xa của vấn đề nên phải dùng rất nhiều khả năng biện tài, cách trình bày khác nhau mới có thể giúp chúng sinh nắm được và tin hiểu.
Tôn giả Bằng Kỳ Xá là vị đệ tử được Đức Thế Tôn khen là có đầy đủ biện tài nhất. Ngài có thể thuyết Pháp, hùng biện, nghị luận, giải thích, ứng đối, làm thơ… tất cả đều xuất sắc. Ngài nói Pháp khéo léo, giảng giải dễ hiểu, nghị luận thuyết phục và hùng biện tuyệt vời làm lay động tâm hồn của thính chúng.
Tùy vào từng căn cơ, hoàn cảnh, bằng lời nói, Ngài có thể trình bày mọi ý Pháp từ giản dị đến sâu xa, từ những điều thường nhật trong cuộc sống đến tột cùng của đỉnh cao giác ngộ giải thoát. Dù nói về điều gì cũng luôn dồi dào ý tứ, ngôn từ phong phú không giới hạn. Nhờ khả năng biện tài, lời nói đã trở thành một con thuyền chuyên chở chúng sinh đến được với bến bờ của Phật Pháp.

Trong Tăng chúng, Tôn giả Bằng Kỳ Xá rất hay làm thơ. Đó là khả năng thiên phú từ thuở nhỏ nhưng giờ đây, những bài thơ của Ngài chỉ dành để nói lên sự vĩ đại của Đức Thế Tôn, nói lên công hạnh phi thường của các vị Thánh Tăng và sự vi diệu trong giáo Pháp. Đặc biệt, mỗi lần được gần Đức Thế Tôn, Ngài đều sáng tác một bài thơ để dâng lên Người. Trong thơ Ngài, hình ảnh của Đức Thế Tôn hiện lên đẹp khôn cùng. Thế Tôn là tất cả những điều đẹp nhất trên thế gian, là muôn triệu mặt trời chói sáng, là bầu trời vời vợi bao la, là những đại dương dạt dào sóng vỗ…

Ngài làm thơ rất khéo. Lời thơ giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng cảm động và hào hùng, khơi gợi cho người nghe những xúc cảm thiêng liêng nhất.
Vì tài năng xuất chúng đó mà có lần Ngài bị hiểu lầm. Một số vị nghĩ rằng Ngài thường sáng tác thơ ca, tốn thời gian chăm chú vào việc trau chuốt từng lời, từng chữ mà không tập trung tu hành. Biết việc ấy, một lần trước rất đông Tăng chúng, Đức Thế Tôn nhẹ nhàng hỏi:
– Này Bằng Kỳ Xá, những câu thơ con làm là nhờ đã suy nghĩ từ trước hay ngay lúc đó mới ứng khẩu? Ngài khiêm nhu đáp lại:
– Kính Bạch Thế Tôn, con không chuẩn bị trước, những câu thơ đều là do con ứng khẩu ngay lúc ấy mà thành ạ.

Đức Thế Tôn cất lời tán thán:
– Này Bằng Kỳ Xá, thơ của con rất hay, con hãy cứ tiếp tục làm những bài thơ như thế, những bài thơ tràn đầy Thánh hạnh.
Sở dĩ Ngài có thể lập tức ứng khẩu thành thơ, thành những câu kệ xúc động và chứa chan đạo lý là bởi tấm lòng Ngài luôn đong đầy những điều ấy. Đọc thơ Ngài là cảm nhận được niềm thương kính của Ngài với Thế Tôn dạt dào biết bao nhiêu, là thấy được tâm tùy hỷ của Ngài rộng lớn đến nhường nào. Ngài hạnh phúc khi được đọc lên những bài kệ ngợi ca trí tuệ, thần thông, đức hạnh và công đức vô lượng của Thế Tôn cùng tất cả các bậc Thánh Tăng trong Tăng chúng như Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta), Ngài Mục Kiền Liên (Maha Moggallana), Ngài Kiều Trần Như (Anna Kondanna)…
Thơ của Ngài, không một thi sĩ nào có thể chỉ dùng ngôn từ mà bắt chước được, bởi nó xuất phát từ một trí tuệ siêu việt, một nội tâm đã hoàn toàn vô ngã, một vị Thánh đã viên mãn giới đức và phạm hạnh.

Cuối cùng, nói đến biện tài thì đó là năng lực của một trí tuệ kỳ vĩ mà phải đến từ công đức đã được tích lũy rất sâu dày trong vô lượng kiếp. Vào thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa, Ngài đã phát lên lời nguyện cao thượng sẽ thành tựu được khả năng biện tài để giáo hóa chúng sinh và được Đức Phật thọ ký. Trải qua nhiều kiếp vun bồi thiện căn, giữ gìn lời nói chân chính, thường tán thán các bậc Thánh, siêng năng học hỏi, giảng giải giáo Pháp cho chúng sinh… Ngài đã viên thành được hạnh nguyện.

VI. KẾT LUẬN

Tôn giả Bằng Kỳ Xá đã an trú trong Niết Bàn nhưng hình ảnh của Ngài vẫn sống mãi với đạo Pháp. Với danh hiệu Đệ Nhất Biện Tài, Tôn giả đã để lại cho nhân gian biết bao những câu thơ bài kệ thiêng liêng, sâu sắc. Từ đó, chúng sinh được biết thêm về đức hạnh cao quý của những bậc Thánh Tăng giác ngộ, rồi dần phát khởi lòng kính tin Tam Bảo tuyệt đối.

Không chỉ vậy, sự tinh chuyên bền bỉ của Tôn giả trên con đường tu hành cao đẹp chính là bài học quý báu, là tấm gương sáng cho chúng sinh học tập. Chúng con hiểu rằng, con đường tu học là gian nan vất vả, nhưng không vì thế mà nản chí ngã lòng. Chúng con nguyện sẽ luôn gieo trồng công đức, tuyệt đối kính tin Tam Bảo, đem hết sức lực và trí tuệ để vượt qua mọi thử thách, vững bước trên con đường giải thoát giác ngộ.

VII. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Bằng Kỳ Xá (Vangisa) là vị A La Hán ưu tú trong hàng đệ tử của Đức Phật. Ngài được Đức Phật tán thán là vị đệ tử có danh hiệu Đệ Nhất Biện Tài. Ngài đã để lại cho hậu thế vô số những bài Pháp lợi lạc. Đặc biệt, Ngài đã sáng tác nên những áng thơ ca vô cùng sâu sắc và cảm động nhằm ca ngợi trí tuệ và đức hạnh của Đức Thế Tôn, của những vị Thánh A La Hán trong cuộc đời hoằng hóa của mình. Từ đó, chúng sinh được biết thêm về đức hạnh cao quý của Đức Phật cùng những bậc Thánh giác ngộ, rồi dần phát khởi được lòng kính tin Tam Bảo tuyệt đối. Bên cạnh đó, sự tinh chuyên bền bỉ của Tôn giả trên con đường tu hành chân chính cũng là bài học quý báu, là tấm gương sáng cho chúng sinh học tập.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

Thành tựu được nhiều tài năng đặc biệt, khéo léo truyền tải đạo lý làm cho người nghe được nhiều lợi lạc, được nhiều người yêu mến.
Hay được quý nhân phù trợ, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Công việc thường suôn sẻ, thuận lợi.
Dần thành tựu được lòng tôn kính Phật và các bậc Thánh tuyệt đối. Có được nhiều công đức lành trong việc tu tập nhờ sử dụng được tài năng của mình đúng cách, từ đó gặp được con đường đạo lý đúng đắn để nương theo tu hành.

VIII. THƠ TỤNG

Mặt trời chánh Pháp bừng lên
Chúng sinh nương tựa bình yên tìm về
Bấy lâu chìm đắm si mê
Nay thấy ánh sáng tìm về tựa nương
Người sinh nơi chốn giao thương
Kinh thành tấp nập con đường kinh doanh
Ngài Bằng Kỳ Xá vang danh
Biệt tài hùng biện tiếng lành vang xa
Kính lạy Tôn giả thiết tha
Với lòng tôn kính thiết tha dâng người
Hoa sen tinh khiết giữa đời
Dùng lời giáo hóa giúp người hiểu ra
Mặt trời chánh Pháp bao la
Chúng sinh giác ngộ thoát ra khổ sầu
Thế Tôn nhờ gõ đầu lâu
Để hỏi kiếp tới về đâu năm người
Thế Tôn khẽ nở nụ cười
Khi mà Tôn giả trả lời không ra
Tôn giả đảnh lễ thiết tha
Xin được theo học xuất gia theo Thầy
Tôn giả tinh tấn từng ngày
Công phu thiền định đêm ngày tinh chuyên
Nhưng mà còn mắc nghiệp duyên
Nên còn trở ngại nhập thiền chưa sâu
Thế rồi ngài đến thỉnh cầu
A Nan Tôn giả giảng sâu mọi điều
Thân này đẹp đến bao nhiêu
Rồi cũng già bệnh mang nhiều khổ đau
Vô thường cơn gió qua mau
Nên ai cũng phải chuyên sâu tu hành
Tôn giả tinh tấn thực hành
Phi thường nỗ lực đắc thành Tam Minh
Một đời giáo hóa độ sinh
Khéo nói chánh Pháp tận tình sẻ chia
Ngài dùng thơ để làm bia
Tán dương công đức mai kia vẫn còn
Ngài ca ngợi Đức Thế Tôn
Bậc Thánh vĩ đại tâm hồn bao la
Mặt trời chân lý mở ra
Chúng sinh đau khổ có nhà tựa nương
Ngợi ca bậc Thánh phi thường
Các vị La Hán tình thương vô bờ
Thế Tôn khen ngợi lời thơ
Vô cùng đẹp đẽ là nhờ gieo nhân
Giữ gìn lời nói ân cần
Cung kính bậc Thánh chuyên cần siêng năng
Thế Tôn khen ngợi nói rằng
Biện Tài Đệ Nhất Chư Tăng là Ngài
Khéo mang giáo Pháp Như Lai
Dạy chúng sinh biết đêm dài vô minh
Vào một buổi sáng bình minh
Ngài biết sắp bỏ thân mình ra đi
Thế Tôn đấng Đại Từ Bi
Ngài muốn đảnh lễ trước khi xa Người
Biết bao công đức cao vời
Ngài đọc bài kệ với lời thiết tha
Biết bao lời lẽ sâu xa
Biết ơn vô hạn ngợi ca ơn Người
Thế Tôn như ánh mặt trời
Chúng sinh sưởi ấm thoát đời khổ đau
Cuộc đời giả tạm qua mau
Tinh tấn tu tập đạo màu tựa nương
Chúng con những kẻ tầm thường
Được biết Tôn giả phi thường cao siêu
Từ nay xin nguyện mấy điều
Chuyên tâm thiền định thương yêu muôn loài
Từ nay không nói lời sai
Luôn dùng ái ngữ học Ngài siêng năng
Chúng con cũng phải học rằng
Một lòng kín đáo nói năng ân cần
Đường tu còn lắm gian truân
Noi gương Ngài để gieo nhân giúp đời
Biết bao công hạnh cao vời
Chúng con xin nguyện suốt đời khắc ghi
Nguyện cho mỗi bước chân đi
Đều biết ơn Phật đã vì chúng sinh
Chúng con cũng nguyện quên mình
Làm theo lời Phật trong tình yêu thương
Nguyện cho tất cả nẻo đường
Đều là chánh Pháp đêm trường lùi xa
Mọi người kính ngưỡng Phật Đà
Để khắp pháp giới đều là tình thương.

Nam Mô Bằng Kỳ Xá Tôn Giả (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x