Tôn Giả Bà Ca Lợi – Đệ Nhất Tịnh Tín

Cuộc sống vốn rất phức tạp. Xung quanh chúng ta hằng ngày xảy ra bao nhiêu chuyện vui buồn, bao nhiêu điều đúng sai, có những điều đáng tin và những điều không đáng tin. Nhân loại không thể sống mà không có niềm tin. Nếu như niềm tin đúng đắn mang lại một cuộc sống bình an hạnh phúc thì niềm tin mù quáng sẽ khiến chúng ta làm những điều sai trái và gánh lấy hậu quả khôn lường.
Trong thời Đức Phật, có một vị Tôn giả đại diện cho đức tin chân chính. Nhờ có lòng tịnh tín đến tuyệt đối mà Ngài chứng đạt Thánh quả giải thoát giác ngộ. Cuộc đời Ngài cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Đó chính là Tôn giả Bà Ca Lợi (Vakkali) với danh hiệu: “Đệ Nhất Tịnh Tín”.

Tôn Giả Bà Ca Lợi - Đệ Nhất Tịnh Tín -

Tôn Giả Bà Ca Lợi – Đệ Nhất Tịnh Tín

I. XUẤT GIA

Cách đây hơn 2600 năm về trước, đất nước Kosala thuộc lục địa Ấn Độ, dưới sự cai trị của đức vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) là quốc gia cường thịnh bậc nhất về kinh tế, văn hóa, quân sự, chính trị. Kosala có kinh thành Xá Vệ (Savatthi) là một trong sáu kinh đô vô cùng phồn thịnh và sầm uất thời bấy giờ. Dân cư trong thành đông đúc, đời sống hiền lương và giàu có.

Tại nơi đây, Tôn giả Bà Ca Lợi sinh ra trong một gia đình trưởng giả danh tiếng, mang dòng dõi Bà la môn cao quý. Từ nhỏ, Ngài đã có hảo tướng và thông tuệ hơn người. Khi trưởng thành, Ngài sớm học nằm lòng ba tạng kinh Vệ Đà và thành thạo tất cả học nghệ truyền thống Bà la môn.
Một hôm, Ngài Bà Ca Lợi đang dạo bước trên con đường chính dẫn từ cổng thành tới cung điện thì trông thấy Đức Thế Tôn. Từ xa, Ngài đã nhận ra Thế Tôn nổi bật hơn hẳn tất cả mọi người. Người đang đi khất thực, bình bát trên tay, thong thả bước đi giữa phố thị ngược xuôi tấp nập. Ngài Bà Ca Lợi đứng lặng người ngắm nhìn. Từ trước đến giờ, Ngài chưa bao giờ được chiêm ngưỡng thân tướng nào phi phàm đến thế. Thế Tôn quấn một tấm y bình dị như tất cả các vị Tỳ kheo. Đôi mắt Người tràn đầy từ ái và mỗi ánh nhìn đều toát lên một niềm an lạc. Thế Tôn trầm lặng bước đi, tấm y vàng nhẹ lay trong gió. Người không mỉm cười nhưng trên gương mặt dường như lúc nào cũng phảng phất một nụ cười kín đáo, nụ cười chứa đựng đầy tình thương yêu và sự bình yên sâu thẳm. Từng cử chỉ, cái nhấc tay, động tác khẽ gật đầu, mỗi bước đi đều như đang tỏa ra ánh sáng. Người chói ngời hơn tất cả mọi điều trên thế gian.
Ngài Bà Ca Lợi cứ như thế ngắm nhìn mà quên mất cả thực tại. Ngài vô thức bước theo Thế Tôn về đến tận tinh xá rồi mới sực tỉnh. Trên lối nhỏ, bóng hình khả kính của Thế Tôn khuất dần sau rặng cây…

Trở về nhà, Tôn giả Bà Ca Lợi luôn suy nghĩ về dung nghi và thân tướng rạng ngời của Thế Tôn trong từng oai nghi tế hạnh. Ngài chẳng thiết tha bất cứ điều gì nữa. Do duyên lành từ nhiều kiếp đối với Đức Phật, Tôn giả mong muốn xuất gia để được hầu cận Thế Tôn. Vì thế, Ngài quyết định từ biệt gia đình, xuất gia trở thành một vị Tỳ kheo trong Tăng đoàn Đức Phật.

II. THẤY PHÁP LÀ THẤY NHƯ LAI

Đường từ Xá Vệ về tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) không xa. Bước qua cổng thành, đi thẳng theo con đường lớn nhất là sẽ tới khu rừng rộng chừng hơn một trăm mẫu đất. Tinh xá nằm ẩn mình trong đó.

Mỗi ngày, các vị Tỳ kheo đều thức dậy từ rất sớm, chia nhau tọa thiền tại các phiến đá rải rác giữa khuôn viên, nơi giảng đường hay trong các tịnh cốc, sau đó thực tập thiền hành. Kết thúc thời tu tập, các vị dọn dẹp tinh xá và cùng nhau học Pháp từ các bậc Trưởng thượng. Tới thời, các vị đi thành từng nhóm nhỏ, chia nhau ra các ngả đường để khất thực. Nhưng riêng Ngài Bà Ca Lợi chẳng màng làm việc gì. Ngoại trừ lúc ăn uống và tắm rửa, Ngài dành hết thời gian tìm nơi thuận tiện để chiêm ngưỡng oai nghi của Đức Bổn Sư. Thế Tôn biết nhưng Người lặng im không nói. Người chờ đợi nhân duyên cho đến khi thật chín muồi…
Đến một ngày, Đức Thế Tôn mới lên tiếng hỏi:

– Này Bà Ca Lợi, thân tướng Như Lai mà con đang trông thấy đây cũng chỉ là bất tịnh và vô thường. Một ngày sẽ tan hoại không còn gì cả. Con quyến luyến như vậy đâu có lợi ích gì?

Bỗng nhiên được Thế Tôn hỏi, Ngài đâm ra bối rối chưa biết nên trả lời thế nào thì Thế Tôn lại nói tiếp:
– Này Bà Ca Lợi, người nào thấy Pháp mới thực sự là thấy Như Lai. Và người nào thấy được Như Lai cũng chính là thấy Pháp.
Từ sau lần ấy, Ngài Bà Ca Lợi thường trầm ngâm nghĩ về những lời Đức Thế Tôn vừa răn dạy. Lời của Người như thấm sâu vào trong tâm trí. “Thấy Pháp mới thực sự là thấy Như Lai”, cứ mỗi lần Ngài nhìn Thế Tôn thì câu nói ấy lại vang vọng lên khiến Ngài phải suy tư không ngừng.
Thế rồi, ba tháng mùa mưa đã đến. Thế Tôn quyết định cùng chư Tăng tới tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) tại thành Vương Xá (Rajagaha), vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) để an cư kiết hạ. Vào ngày bắt đầu mùa an cư, Đức Thế Tôn gọi Ngài Bà Ca Lợi đến. Thế Tôn cất lời nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:

– Này Bà Ca Lợi, con hãy ở lại, đừng theo Như Lai nữa.
Một nỗi buồn vô hạn dâng lên ngập lòng. Dù Ngài Bà Ca Lợi vẫn hiểu rằng Thế Tôn quyết định như vậy là có ý tốt dành cho mình, Ngài càng không thể làm trái lời của Người, nhưng vẫn thấy vô cùng thất vọng. Ngài đành kìm lòng, quỳ xuống đảnh lễ Người rồi từ biệt Tăng chúng. Dưới ráng chiều, bóng người tu sĩ trải dài, xa dần và biến mất về cuối con đường…

Đã ba tuần trăng trôi qua, Ngài không được thấy dáng hình và lắng nghe Pháp âm của Đấng Đạo Sư. Những khóm trúc vẫn đó, vẫn rì rào trong gió, hương sen vẫn ngan ngát mặt hồ. Hương phòng nhỏ vẫn kia, vẫn như in dáng ngồi tựa hoa sen bất động đẹp ngời. Con đường quanh co như vẫn còn đó dấu chân Người thương kính ngày ngày ôm bình bát khất thực. Cuộc đời Ngài còn ý nghĩa gì nếu không được gặp Đức Thế Tôn, không được lắng nghe giọng nói trầm ấm của Người. Nghĩ vậy, Ngài Bà Ca Lợi càng thêm buồn bã.

Hôm đó Ngài leo lên đỉnh núi Linh Thứu, là một ngọn núi đá đầy hiểm trở. Mặc cho bàn chân trần rướm máu vì những mẩu đá sắc nhọn, Ngài cứ leo, leo mãi, trong lòng Ngài giờ chỉ còn nghĩ được rằng chỉ có cái chết mới giải thoát khỏi dằn vặt và đau khổ này. Ngài đứng trên đỉnh núi, gió thổi lồng lộng, y áo bay phần phật trong gió. Bóng vị tu sĩ chơi vơi, cô độc trong làn sương mờ, càng trở nên bé nhỏ trước trời đất bao la. Trước mắt Tôn giả là màu xanh rừng cây trùng điệp trải dài. Ngài quỳ xuống hướng về nơi có Thế Tôn, đảnh lễ Người lần cuối rồi bước tới gần mép vách núi. Ngài Bà Ca Lợi chuẩn bị dấn thêm một bước… thì. Đức Thế Tôn bỗng hiện ra giữa không trung, hào quang từ nơi Người chiếu sáng cùng khắp đất trời. Thế Tôn đưa tay ra và cất tiếng vang vọng:

– Này Bà Ca Lợi, con hãy đến đây với Như Lai,

Đức Thế Tôn đang gọi tên Ngài. Đúng là Thế Tôn rồi. Niềm vui sướng đến bất ngờ quá, chẳng ngôn từ nào có thể diễn tả hết được. Ngài vỡ òa trong niềm xúc động:
– Có thật chăng? Có thật là Thế Tôn gọi con ?
– Hãy đến đây, này Bà Ca Lợi! Hãy nhìn Như Lai và đừng sợ hãi. Như Lai sẽ đưa con lên khỏi vực sâu của sinh tử luân hồi. Như Lai sẽ đưa con lên như một người quản tượng cứu con voi thoát khỏi vũng lầy để lên mặt đất.
– Hãy đặt lòng tin vào Như Lai. Như Lai sẽ giải thoát con khỏi sự kiềm kẹp của phiền não, giống như giải thoát mặt trời khỏi nhật thực và giải thoát mặt trăng khỏi nguyệt thực tăm tối.

Nơi mỏm đá cheo leo chìa ra giữa trời đất mênh mông. Ngài Bà Ca Lợi đang đứng trên đó. dưới chân là mép vực. Thế nhưng, Đức Thế Tôn đang ở phía trước. Thế Tôn đang gọi Ngài bước tới. Vậy là không chút do dự. Ngài bước về phía trước. Ngay khi bước chân vừa đặt xuống giữa hư không, niềm tin kính tột cùng phát khởi. Trong giây phút đó, Ngài quán chiếu tường tận những lời dạy của Đức Thế Tôn, rồi ngay khoảnh khắc ấy chứng đắc Thánh quả A La Hán.

Cả Pháp giới bừng tỏ trước mắt. Kể từ đây, Ngài đã thấy Pháp, Ngài đã thấy Như Lai một cách chân thật như lời Thế Tôn dạy. Tôn giả Bà Ca Lợi từng bước trên không trung hướng về Đức Thế Tôn. Ngài quỳ xuống chân Thế Tôn đảnh lễ. Đức Thế Tôn nhân đó nói lên bài kệ tán thán:

Tỳ kheo nhiều hân hoan
Tịnh tín giáo Pháp
Phật Chứng đạt pháp tịch tịnh
Tịnh chỉ hành, an lạc.

III. ĐỆ NHẤT TỊNH TÍN

Ở một kiếp cách đây rất lâu xa, khi Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) thị hiện giáo hóa độ sinh, tại thành Hamsavati có một gia chủ Bà la môn hết lòng kính tin Tam Bảo. Một hôm, vị gia chủ trông thấy Đức Phật đang tán dương một vị Tôn giả đệ nhất về hạnh tịnh tín, đã chứng đạt giải thoát bằng niềm tin của trí tuệ mạnh mẽ. Ngài vô cùng xúc động. Ngay sau đó, vị gia chủ thỉnh Đức Phật Thắng Liên Hoa cùng chư Tăng về nhà để cúng dường suốt bảy ngày. Ngày thứ bảy, Ngài phát nguyện: “Xin cho con sau này cũng thành tựu hạnh tịnh tín tối thắng trong giáo Pháp của Đức Như Lai vị lai”. Đức Phật mỉm cười thọ ký. Sau đó, vị gia chủ sống cả đời hy sinh, phụng sự, làm vô số thiện nghiệp. Khi hết thọ mạng, Ngài sinh về cõi trời. Đến thời của Đức Phật Thích Ca xuất thế, Ngài sinh vào một gia đình trưởng giả Bà la môn, với tên là Bà Ca Lợi.

Ngài Bà Ca Lợi đã từ bỏ mọi điều quyến luyến của thế tục, đến với đời sống xuất gia bằng tình cảm dạt dào vào Đức Thế Tôn. Thế nhưng, Đức Phật đã dùng trí tuệ để thắp lên ánh sáng. Người hiện ra, chói ngời như mặt trời chân lý, ban lời chỉ dạy. Giáo Pháp của Người dẫn lối cho trái tim đang lạc hướng. Ngay lúc đó, khi Ngài đang tuyệt vọng nhất, niềm tin chân thật đã hiển lộ.

Niềm tin ấy cần được thử thách một lần cuối. Trên đỉnh núi Linh Thứu (Gijjhakuta), giữa đất trời lồng lộng, Tôn giả Bà Ca Lợi đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Ngài đã không một phút do dự bước tới, bước chân đặt xuống xác quyết niềm tin tuyệt đối vào Đức Như Lai. Niềm tin ấy xóa tan mọi chướng ngại, mở ra cánh cửa bước vào khoảng trời thênh thang của chân lý. Nhân duyên trọn đủ, trong khoảnh khắc, Ngài thâm nhập thiền quán, chứng đắc Thánh quả A La Hán.
Như vậy, nhờ vào niềm tin tuyệt đối vào giáo Pháp, vào Đức Thế Tôn mà Ngài đã viên mãn quả vị giải thoát giác ngộ cao quý. Đức Thế Tôn tán thán rằng:
“Trong các đệ tử của Như Lai có lòng tịnh tín, tối thắng là Tỳ kheo Bà Ca Lợi”.

Trên hành trình trải qua vô lượng kiếp hướng về Vô Ngã, hành giả phải vượt qua muôn trùng gian nan và thử thách. Khi đó, chính niềm tin đúng đắn sẽ là mạch nguồn tiếp thêm sức mạnh cho hành giả đi đến cuối con đường. Vì thế, Đức Thế Tôn đã nhiều lần nhắc đến hình ảnh tôn giả Bà Ca Lợi như tấm gương mẫu mực về lòng tịnh tín cho chư Tăng noi theo.

IV. KẾT LUẬN

Đức tin là một tình cảm thiêng liêng trong Phật Pháp. Đức Phật đã nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của đức tin trong các phẩm giáo lý về “ngũ căn, ngũ lực”. Người đệ tử Phật biết tin sâu Nhân Quả, tin vào những đạo lý cao thượng, đặt niềm tin tuyệt đối vào Tam Bảo sẽ có một cuộc đời tràn đầy ý nghĩa. Người đó sẽ sống vị tha, gây tạo nhiều công đức lớn và gieo trồng được Thánh hạnh trong nội tâm mình. Niềm tin càng mạnh mẽ, sâu xa thì phúc duyên với Tam Bảo càng sâu dày. Tất nhiên, niềm tin đó phải được vun bồi và thắp sáng bằng trí tuệ. Tôn giả Bà Ca lợi nhờ có lòng tịnh tín tuyệt đối mà chứng đạt đạo quả. Ngài là biểu tượng về niềm tin chân chính mà mỗi người con Phật đời đời noi theo.

V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Bà Ca Lợi là vị A La Hán được Thế Tôn khen ngợi với danh hiệu Đệ Nhất Tịnh Tín. Ngài đã vượt qua thử thách giữa ranh giới của sự sống chết và khẳng định được niềm tin, lòng thương kính tuyệt đối dâng lên Đức Thế Tôn. Nhờ niềm tin chân chính ấy, Ngài chứng đắc Thánh quả giải thoát giác ngộ. Cuộc đời của Tôn giả đã để lại cho muôn thế hệ sau nhiều bài học quý giá về công đức tôn kính Phật, tôn kính các bậc Thánh. Đó chính là nền tảng vững chắc để chúng sinh tiến tu trên con đường giải thoát.

Quý Phật tử tôn kính và thờ cúng Ngài sẽ thành tựu:
– Có được lòng tôn kính Đức Phật, tôn kính các bậc Thánh tới tuyệt đối, từ đó dần gặp được nhiều điều tốt đẹp nối tiếp trong cuộc sống
– Có được những niềm tin chân chính, không bị rơi vào những tà kiến sai lầm, từ đó gieo trồng được nhân lành để cuộc sống an vui hơn, vững bước trên con đường tu hành Phật Pháp.
– Hay gặp được những điều may mắn bất ngờ, được quý nhân phù trợ khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống.

VI. THƠ TỤNG

Thành tâm xin đảnh lễ Ngài
Đệ Nhất Tịnh Tín mãi là tấm gương
Muôn đời hậu thế tựa nương
Nghìn đời chỉ một con đường thiêng liêng
Niềm tin kính Phật vô biên
Thắp lên chánh Pháp mọi miền an vui
Đạo đức làm gốc vun bồi
Trí tuệ sáng tỏ cuộc đời bước lên
Ơn Phật ghi khắc đáp đền
Sống vì nghĩa lớn, giữ bền lòng son
Trải qua muôn kiếp mỏi mòn
Hiểu nhân hiểu quả chẳng còn lầm mê
Niềm tin sai, lạc lối về
Niềm tin chân chính, đường về Như Lai
Tiếng kinh vang vọng sớm mai
Hay đêm khuya vắng Phật đài khói hương
Từng lời Phật dạy tỏ tường
Đưa người muôn lối về nương Đạo màu
Nhân quả lòng quyết tin sâu
Nên con chẳng dám mong cầu riêng tư
Tham lam ích kỷ diệt trừ
Trái tim rộng mở tâm từ bao la
Yêu thương em bé cụ già
Bao người cùng sống chan hòa vị tha
Thương loài cầm thú chốn xa
Vong linh vất vưởng không nhà đói ăn
Địa ngục đày đọa tối tăm
Bởi do điên đảo bao năm tội tình
Gốc sâu tham ái vô minh
Tạo bao nghiệp ác chẳng tìm lối ra
Nay con sám hối Phật Đà
Làm nhiều công đức, bước qua lỗi lầm
Tinh chuyên khuya sớm âm thầm
Kiết già thiền tọa tâm dần lắng yên
Bỏ quên bao nỗi ưu phiền
Biết từng hơi thở giữ êm nhẹ nhàng
Đường thiền xin chớ vội vàng
Kiên trì nhẫn nại gian nan chẳng sờn
Quả lành phía cuối con đường
Đợi người bước tới ánh dương ngập tràn…

Nam Mô Bà Ca Lợi Tôn Giả (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x