Tôn Giả A Nhã Kiều Trần Như – Đệ Nhất Pháp Lạp

“Ta không ham sự sống cũng không ham sự diệt. Suốt cuộc đời mình, Ta đã được phụng sự Đức Thế Tôn, phụng sự chánh Pháp, đã buông bỏ tất cả gánh nặng và viên mãn hạnh nghiệp Sa môn cao quý.”

Tôn Giả A Nhã Kiều Trần Như - Đệ Nhất Pháp Lạp -

TÔN GIẢ A NHÃ KIỀU TRẦN NHƯ (ANNA KONDANNA) ĐỆ NHẤT PHÁP LẠP

I. ƯỚC NGUYỆN CAO ĐẸP

Tôn giả Kiều Trần Như (Anna Kondanna) là con trai trong một gia đình giàu có thuộc dòng dõi Sát đế lợi cao quý tại làng Donavatthu, gần kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Từ thời thơ ấu, Tôn giả đã bộc lộ trí tuệ hơn người, nổi tiếng là thần đồng trong giới Bà la môn. Mười tám tuổi, Ngài đã thông suốt toàn bộ giáo lý kinh điển Vệ Đà và đặc biệt rất giỏi tướng số.

Năm đó, cả đất nước Sakya tưng bừng mở hội đón mừng Thái Tử chào đời. Dân chúng nhảy múa hát ca trên những đường phố, dưới mái vòm của các đền thờ đầy ắp người đến cầu phúc cho Thái Tử. Đức vua Tịnh Phạn mời tám vị tế sư lỗi lạc nhất đến dự lễ đặt tên, trong đó Ngài Kiều Trần Như là vị tế sư trẻ tuổi nhất.
Hoàng cung đẹp lộng lẫy, đèn nến được thắp sáng rực, dưới sàn là những tấm thảm đỏ với các họa tiết được thêu kim tuyến óng ánh, trên các bức tường và cột trang trí với hoa văn trang nhã. Các quan đại thần đều tề tựu đông đủ ngồi phía sau hai dãy bàn dài được sắp hai bên, Đức vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ba Xà Ba Đề ngồi phía trên cao và ở giữa điện chính là Thái Tử. Thái Tử nằm trong một chiếc nôi bằng vàng, xung quanh Người tỏa ra một vầng ánh sáng dịu dàng màu vàng kim dường như còn sáng hơn cả ánh nến, ngời rạng hơn tất cả khung cảnh xung quanh.

Cả tám vị tế sư cùng nhau tới chiêm ngưỡng thân tướng phi phàm của Thái Tử và gần như muốn quỳ xuống trước thần thái đĩnh đạc của Người. Thái Tử có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà các Thánh kinh cổ xưa nhất của Bà la môn truyền lại. Sau khi họp bàn, vị tế sư lớn tuổi nhất đứng dậy tuyên bố, giọng của ông run run xúc động:

Kính thưa Đức vua và Hoàng hậu, Thái Tử có đầy đủ những tướng cao quý mà cả đời thần chưa bao giờ thấy được. Ngài chắc chắn sẽ là một bậc Thánh nhân siêu phàm. Theo như tướng thuật của kinh điển Brahma, Ngài sẽ trở thành một Đấng Giác Ngộ mà cả vạn năm mới có một vị hoặc sẽ trở thành một bậc Chuyển Luân Thánh Vương cai trị cả cõi đất này.

Tên của Thái Tử sẽ là Tất Đạt Đa (Siddhartha). Tất Đạt Đa của dòng họ Gotama. Người sẽ mang lại niềm toại nguyện cho đất nước Sakya.
Cả hoàng cung vỡ òa trong những tiếng reo vang. Tất cả mọi người cùng ôm lấy nhau, chúc tụng nhau, ca ngợi sự vĩ đại của vị Hoàng Tôn mới chào đời. Đức vua Tịnh Phạn mừng vui thầm nghĩ trong lòng: “Con trai yêu dấu, sau này con sẽ làm rạng danh gia tộc Sakya, trở thành vị minh quân vĩ đại!”
Thế nhưng riêng Ngài Kiều Trần Như thì trầm ngâm tiếp tục ngắm nhìn Thái Tử. Đúng là tất cả các tài liệu đều đã nói như vậy nhưng Ngài linh cảm có điều gì đặc biệt hơn thế toát ra từ vị Thánh nhân trước mặt, gương mặt ấy hiền từ quá, vầng trán sáng ngời trí tuệ, đôi mắt trong như nước của đại dương bao la như bao trùm tất cả mà lại bình yên chẳng cần nắm giữ điều gì của thế gian…Và Ngài đã có kết luận của riêng mình. Bất giác, một suy nghĩ bỗng dâng lên khiến Ngài ngập tràn hạnh phúc, đó là Ngài sẽ trở thành đệ tử của Thái Tử khi Thái Tử xuất gia trở thành Đấng Giác Ngộ. Từ hôm ấy, niềm hạnh phúc thanh cao cứ nhẹ nhàng theo đuổi tâm tư của vị tế sư trẻ tuổi. Như cây tuyết tùng đón đợi gió đông về, Ngài mong chờ từng ngày Thái Tử trưởng thành để được từ bỏ tất cả theo bước Người…

II. THEO BƯỚC CHÂN NGƯỜI

Kinh thành Ca Tỳ La Vệ, ngày hoàng cung đang ăn mừng sự chào đời của Hoàng tôn La Hầu La (Rahula), trong đêm tối đen mờ mịt, có bóng một người cưỡi trên lưng ngựa Kiền Trắc phi vun vút như bay qua cổng thành…
Năm 29 tuổi, Thái Tử Tất Đạt Đa khước từ mọi vinh quang thế gian, xuất gia làm Sa môn tu hành, tim cầu chân lý cứu độ muôn sinh. Điều mong đợi bấy lâu đã đến, Ngài Kiều Trần Như cùng bốn vị tế sư khác xín phép đức vua Tịnh Phận được làm đệ tử và theo hầu Thái Tử. Một buổi sáng nắng vàng, nhóm năm huynh đệ lên đường hướng về Vương Xá thành, trong tim họ khấp khởi những niềm hy vọng tươi sáng.

Năm huynh đệ gặp Thái Tử trong tu viện của Đạo sư Alara Kalama, Thái Tử đã trở thành Sa môn Gotama, một vị tu hành với dung nghi thanh cao thoát tục. Kể từ đó, năm huynh đệ luôn đồng hành cùng Người. Hằng ngày, Tôn giả Kiều Trần Như phân chia huynh đệ dõi theo, hỏi thăm sức khỏe, việc ăn uống và tu tập của Người để việc chăm nom được chu toàn nhất. Sa môn Gotama thường ngồi thiền lặng lẽ trong am tranh phía cao trên triền đổi, các Ngài cũng tu tập ở dưới những bóng cây rải rác xung quanh để bảo vệ. Có lần, Người nhiều ngày không bước ra, chẳng uống ăn gì, bóng Người trầm tỉnh bất động dưới mái am nhỏ, từ lúc bình minh nắng rải vàng rực rỡ đến khi chiều tà phủ xuống, hết đêm rồi lại ngày. Lúc đó, Tôn giả Kiều Trần Như lại nhẹ nhàng bước đến, khẽ nhìn qua khe của cánh cửa bằng phên tre để xem Người có mệt ốm không, có cần sai nhắc điều gì không. Khi Sa môn Gotama thành tựu định lực phi thường. Người dạo bước trên không trung cùng vị Đạo Sư thì cả năm Ngài cùng ngưỡng trông quỳ lạy. Tôn giả Kiểu Trần Như luôn nhắc nhở huynh đệ về bổn phận cao cả của mình. Cứ như thế, các Ngài đã theo bước Sa môn Gotama vượt qua nhiều chặng đường, lúc trời nắng gắt oi ả, dưới những cơn mưa tầm tã, khi màn sương lạnh lẽo rơi hay trong đêm vắng tịch liêu… Các vị đã luôn ở bên như một người bạn đồng hành khiêm cung, một người đệ tử tận tụy, như chiếc bóng trung thành của Người.

Khi Sa môn Gotama tìm đến khu rừng cạnh ngôi làng Uruvela, bên dòng sông Ni Liên Thiền (Niranjara) để thực hiện những tháng năm khổ hạnh khốc liệt, thì cũng là lúc mà lòng tin kính của Ngài Kiều Trần Như và các huynh đệ trở nên tột độ. Hằng ngày, các Ngài chứng kiến Sa môn Gotama thực hiện những tư thế khổ hạnh mà chưa từng có ai làm được. Có lúc, Người chống một tay giữ cơ thể bất động suốt bảy ngày, rồi Người treo ngược lên thân cây ròng rã hàng tháng trời, Người ngồi lơ lửng giữa không trung phía trên những ngọn cây cao, Người vào những nghĩa địa u uất ngồi thiền để mặc cho gió, mưa, nắng cháy, sương đêm cứ táp dồn dập xuống thân thể, mặc cho những cảnh tượng rùng rợn và mùi tử khí xông sực khắp nơi… Những tư thế khổ hạnh thật phi thường, Sa môn Gotama thật cao cả vĩ đại. Các Ngài quỳ xuống lễ Sa môn Gotama, các Ngài đặt hết tấm lòng tôn thờ sự khổ hạnh. Mỗi khi Sa môn Gotama thực hiện xong một tư thế khổ hạnh trở về, Ngài Kiều Trần Như lại bưng bát sữa đến để tẩm bổ hồi phục sức lực cho Người, rồi cũng nóng lòng hỏi xem Người đã đạt được thành tựu gì chưa? Có nhìn thấy tia sáng của sự giải thoát lóe lên lần nào dù là trong khoảnh khắc? Và dù, Sa môn Gotama đã nhiều lần trầm ngâm trả lời trong kiệt sức, là Người vẫn chưa tìm thấy được dấu hiệu của giải thoát và vẫn phải tiếp tục kiếm tìm trong những phương pháp khổ hạnh khó khăn hơn nữa, khốc liệt hơn nữa, thì Ngài Kiều Trần Như vẫn tin rằng: “Có một ngày, Sa môn Gotama sẽ thành công bằng chính con đường khổ hạnh đầy cao quý này!”

Thế rồi, Sa môn Gotama thực hiện phương pháp khổ hạnh cuối cùng, với những tư thế đau đớn nhất Người đã khuất phục được, những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất Người đã chiến thắng. Và lần này Người quyết định sẽ nhịn ăn, nhịn uống, nhịn thở, sẽ bước chân đứng giữa mép vực thẳm của sự sống và cái chết để kiếm tìm bình minh giác ngộ tột cùng. Ngài Kiều Trần Như cùng các huynh đệ vô cùng xúc động. Toàn bộ những kiến thức, kinh điển, trải nghiệm tự thân, những lý luận của xã hội đều ca ngợi rằng con đường khổ hạnh thật thiêng liêng vĩ đại, ai dũng cảm bước đi trên đó, ai dám coi thường tử thần thì cuối cùng sẽ mở được cánh cửa bước vào thế giới quang minh của các vị Thánh. Các Ngài đã tin chắc điều đó, nó khắc sâu vào trong tâm trí, vào máu tủy. Và Sa môn Gotama đang đầy hùng lực chiến đấu trên đó, nhìn kìa, cơ thể Người gầy rạc đi, đôi mắt Người hõm sâu mà sáng rực, râu tóc Người mọc dài… mà vẫn không bỏ cuộc. Người chắc chắn sẽ thành công, Sa môn Gotama sẽ thành công. Khi niềm xúc động tột cùng, bất giác Ngài Kiều Trần Như hô vang lên, rồi tất cả huynh đệ cùng đồng thanh: “Chúng ta nguyện dù thịt nát xương tan cũng nhất định không rời bỏ Người!” Tiếng hô ấy vang lên rồi bay đi, tan vào trong gió.

Suốt sáu năm đằng đẵng, cả năm huynh đệ đã giữ gìn và nuôi nấng niềm tin ấy. Đôi khi, các Ngài cũng thấy quặn lòng khi chứng kiến Sa môn Gotama ngày một tiều tụy, chịu đựng những sự tra tấn tột cùng của khổ hạnh. Thế nhưng, mỗi lúc đó thì niềm tin mãnh liệt vào lối tu khắc khổ lại cản ngăn năm vị tiến đến bưng cho Người một bát sữa hay một ngụm nước ngọt mát. Thậm chí, khi nữ gia chủ Sujatha yêu cầu được chăm sóc Sa môn Gotama, các Ngài đã ngăn cản vì sợ rằng cô sẽ làm ảnh hưởng đến sự tu hành khắc khổ thiêng liêng. Bỗng nhiên, Sa môn Gotama với tay gọi:
Này Sujatha, hãy mang đến cho ta bát cháo sữa đó!

Thế rồi, Người từ bỏ khổ hạnh, quay trở lại ăn uống bình thường khiến cả năm vị sững sờ, không nói nên lời. Các vị đã đặt niềm tin quá lớn. Nên giờ đây, khi niềm tin ấy phút chốc sụp đổ nó tạo ra sự hụt hẫng và nỗi thất vọng khôn cùng. Không thể chịu đựng nổi, các Ngài lặng lẽ rời bỏ Sa môn Gotama mà đi, đi thật xa dù chưa biết nơi nào có thể dừng chân lại…

III. BẬC THÁNH TĂNG CHỨNG QUẢ VỊ A LA HÁN ĐẦU TIÊN

Ngài Kiều Trần Như cùng bốn huynh đệ đến cư trú tại một khu rừng gần bờ sông Hằng, cách thành phố Ba La Nại (Banares) của đất nước Ma Kiệt Đà (Magadha) không xa. Nơi đây ngát một màu xanh, những tàng cây um tùm che tán lá xanh thẫm phía trên, dưới chân là những thảm cỏ non màu xanh mơn mởn, rất nhiều đàn hươu nai tìm về sinh sống. Khung cảnh thật thanh bình, người ta gọi đó là vườn Lộc Uyển (Sarnath).

Sau khi rời bỏ Sa môn Gotama, Ngài Kiều Trần Như sống trong những ngày tháng ray rứt và khổ đau không ngớt. Mọi thứ dường như đều trở nên vô vị, cuộc sống chẳng còn ý nghĩa. Ngài cảm giác rằng hình ảnh Sa môn Gotama chói ngời đã in đậm trong tâm trí, cao quý hơn tất cả mọi điều trên đời. Trong những giấc mơ hằng đêm, Ngài thường ao ước: Giá như Sa môn Gotama đừng rời bỏ khổ hạnh hoặc giá như bây giờ Sa môn Gotama quay trở lại sống khắc khổ, Ngài sẽ lại được kính ngưỡng Người, được hầu hạ, được đến bên quỳ chắp tay hỏi han, chăm nom giấc ngủ của Người như xưa…

Trong khi đó, Sa môn Gotama đã tìm ra con đường Trung Đạo cao thượng, sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi nhập định dưới cội cây Bồ Đề, Người đắc thành Chánh Đẳng Chánh Giác danh hiệu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, viên mãn quả vị giác ngộ tột cùng, trở thành vị Thầy tôn quý nhất trong tam giới.
Một buổi sáng trong mát nơi vườn Nai, khi năm huynh đệ đang ngồi bên nhau thì Đức Phật hiện ra phía đằng xa, hào quang từ nơi Người tỏa ra dịu nhẹ. Các vị ngỡ ngàng, có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn đan xen chợt dâng lên xâm chiếm tâm hồn. Cả năm vị đều ngây người không nói nên lời. Đức Phật vẫn đứng lặng im, Người quấn một chiếc y nâu vàng giản dị, tay ôm bình bát khất thực giống như ngày nào nhưng toàn thân Người toát ra vẻ siêu phàm bao trùm không gian. Những tàng cây, những bông hoa rừng dường như đang tỏa hương, hươu nai chim thú đều rung cảm trước vẻ đẹp sáng ngời ấy, cả những ngọn cỏ dưới chân Người cũng đang lấp lánh. Không thể kìm lòng được nữa, cả năm huynh đệ vội chạy ùa đến bên Đức Phật. Nghẹn ngào. Người đến cầm bát, người nắm tay, người vịn tấm y, người bật khóc thành tiếng, rồi năm vị nhanh chóng dọn một sàng tọa bằng cỏ tranh để Đức Phật ngồi. Sau khi bưng nước rửa chân cho Đức Phật, năm vị ngồi xung quanh như muốn nghe Người kể chuyện.
Này các Tỳ kheo, Như Lai đã là bậc A La Hán giác ngộ. Như Lai đã giải thoát, đã dập tắt mọi ái thủ, đã chiến thắng vô minh, đã dừng lại luân hồi.
Này các Tỳ kheo, khổ hạnh là lối sống ép xác cực đoan vô ích, sẽ không bao giờ đưa đến giác ngộ. Chẳng phải chính các ông đã từng nói rằng Như Lai đã thực hành khổ hạnh mà trước kia chưa bao giờ có một ai làm nổi. Và thật sự sau này cũng không ai có thể làm nổi. Như Lai đã đến ranh giới của cái chết vì khổ hạnh tột cùng mà sự giác ngộ vẫn không xuất hiện. Này các Tỳ kheo, có một con đường ở giữa tránh khỏi hai cực đoan sai lầm: một bên là hưởng thụ ngũ dục, một bên là cực đoan ép xác.
Khi nghe Đức Phật giảng như vậy, mọi suy nghĩ hỗn độn ray rứt trong lòng các vị trước giờ đều như tan biến lập tức, chỉ còn lại đó là một niềm thương kính vô cùng tuôn trào. Rồi Đức Phật tiếp tục giảng về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, luật Nhân Quả, Niết Bàn. Ngay khi Người vừa dừng lời thì Ngài Kiều Trần Như bừng ngộ, gương mặt rạng ngời, nội tâm khai mở. Ngài bỗng bật lên thành lời: “Phàm cái gì có sinh, ắt phải có diệt!”. Rồi liền quỳ xuống chắp tay:

Bạch Thế Tôn, hôm nay con đã thấy Pháp. Tâm con đã khai mở, con trọn niềm tin kính nơi Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, con trọn niềm tin kính nơi giáo Pháp của Thế Tôn là con đường thoát khổ cho chúng sinh, con trọn niềm tin kính nơi những ai làm đệ tử chân chính của Người sẽ được giác ngộ. Xin Thế Tôn chứng minh cho con, vì si mê nên đã hiểu lầm Người. Xin Thế Tôn chấp nhận con là đệ tử xuất gia của Người!

Ngài Kiều Trần Như quỳ lễ Đức Phật xong ba lễ thì râu tóc biến mất. Ngài đã chứng đắc Thánh quả Tu Đà Hoàn, quả vị đầu tiên trong tứ quả Thánh giác ngộ cao quý. Trên trời vang lên tiếng nhạc du dương, chư Thiên cất lời ca ngợi: “Đã lâu lắm rồi hôm nay loài người và chư Thiên mới được nghe diệu Pháp của chư Phật. Hạnh phúc thay loài người và chư Thiên. Diễm phúc thay cho Sarnath, khu rừng Nai xinh đẹp, nơi mà Thế Tôn lần đầu chuyển bánh xe chánh Pháp”.

Chỉ hai hôm sau, vào buổi chiều tà trong mát, sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Vô Ngã Tướng, Tôn giả chứng Tứ quả A La Hán. Bốn huynh đệ còn lại cũng lần lượt chứng quả sau đó. Vậy là từ đây, ngoài Đức Phật là bậc Đại Giác Ngộ, trên thế gian đã có thêm năm vị A La Hán. Vậy là từ đây, cuộc đời có thêm ngôi Tăng Bảo. Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng đã hoàn thiện, là nơi chốn để chúng sinh nương tựa và trọn đời quy ngưỡng.

IV. ĐỆ NHẤT PHÁP LẠP

Cách đây rất lâu xa, vào thời Đức Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi) hiện thân giáo hóa, tiền kiếp của Tôn giả Kiều Trần Như là một vị gia chủ tên Mahakala. Một lần đi nghe Pháp về, Ngài đi ngang qua cánh đồng. Lúa bây giờ mới đang ngậm sữa, những bông lúa mơn mởn đã bắt đầu trĩu xuống nhưng vỏ còn mang màu xanh vàng non. Cả cánh đồng dậy lên mùi nhựa sống thoang thoảng, hòa cùng với mùi đất, mùi hương hoa cỏ đồng nội vừa ngọt ngào, vừa thanh khiết. Gia chủ Mahakala vô cùng hoan hỷ, liền phát tâm cúng dường Đức Phật và chư Tăng những bát cháo gạo sữa. Ngài chỉ có một mảnh ruộng nhỏ chung với em trai. Người em không đồng ý, nhưng vì niềm tin kính cứ thôi thúc nên vị gia chủ liền chia đôi ruộng rồi tự mình thu hoạch.

Lúa được gặt khi sương vẫn còn đọng trên lá, những hạt gạo xanh sau khi phơi nắng sớm sẽ được rang khô, rồi xay nghiền để cho ra những dòng sữa trắng ngần, thơm ngọt. Ngài vừa làm vừa cẩn thận để không mất đi hương vị của lúa non. Cuối cùng, bát cháo sữa được dâng lên vô cùng tuyệt hảo là kết tinh của biết bao nắng, gió, đất, sương đêm… và tấm lòng thành kính của vị gia chủ. Sau khi làm xong công đức ấy, gia chủ Mahakala đạt được nhiều phước báu.
Trong nhiều kiếp, Ngài cũng luôn cúng dường những thành quả đầu tiên, tinh túy nhất mà mình có được lên Tam Bảo. Trước đó hàng triệu năm, chính Ngài đã cúng dường bữa ăn đầu tiên cho Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) khi Người đắc thành đạo quả vô thượng. Khi nhân duyên trọn đủ, trong đời sống cuối cùng, Ngài được sinh ra trong thời kỳ của Đức Phật Thích Ca, trở thành vị Tỳ kheo đầu tiên và cũng là vị đầu tiên chứng đắc Thánh quả A La Hán trong Tăng đoàn của Người. Ngài được Đức Phật ngợi khen với danh hiệu: “Đệ nhất Pháp Lạp”.

Cuộc đời của Ngài là những bước chân âm thầm phía sau phụng sự Đức Bổn Sư. Ngài đã đặt trọn niềm tin kính, xuất gia theo Thế Tôn từ khi Người còn là một vị Sa môn vân du khắp nơi tầm cầu chân lý. Ngài trân quý đón nhận giáo Pháp của Thế Tôn và là vị đầu tiên thấu đạt tột cùng chân lý Tứ Diệu Đế. Những trọng trách mà Thế Tôn giao phó, Ngài hết lòng gánh vác, coi đó là một sứ mệnh thiêng liêng cao cả nhất. Ngài chăm nom Thánh tích vườn Lộc Uyển, biến nơi ấy thành nơi tu học cho đông đảo chúng Tỳ kheo. Ngài thay Thế Tôn thọ lễ xuất gia cho các cư sĩ, những vị đã phát tâm sống đời phạm hạnh. Trong các buổi thuyết giảng, Thế Tôn đằng trước uy nghi ngự trên pháp tòa, thì chỗ ngồi phía sau lưng, gần với Thế Tôn nhất luôn dành cho Tôn giả Kiều Trần Như. Dù cho tháng năm đổi dời, Ngài vẫn luôn ở bên Đức Bổn Sư như thế, hi sinh như thế, trung thành như thế.

Đối với tất cả chư Tăng, Ngài là bậc cao niên trưởng thượng khả kính. Uy đức sáng chói của Ngài sẽ song hành với Tăng đoàn hùng mạnh. Hình ảnh của Ngài là biểu tượng cho Tăng chúng noi theo. Một ngày, khi chánh Pháp của Đức Như Lai ngự trị trong cùng khắp Pháp giới, khi Tăng đoàn trở thành ngôi nhà chung của tất cả tinh cầu, thì chúng sinh sẽ mãi ngưỡng vọng về Ngài với tấm lòng thành kính nhất, vị Thánh Tăng “Đệ nhất Pháp Lạp”.

V. NƠI KHÔNG CÒN SINH TỬ

Một buổi sáng cuối thu, trong hang động bên hồ Chaddanta, Tôn giả Kiều Trần Như cảm thấy đã đến lúc phải nhập Niết Bàn. Ngài trầm ngâm một lát rồi dùng thần thông bay về tinh xá Trúc Lâm để đảnh lễ Đức Bổn Sư lần cuối. Tinh xá vẫn mang vẻ đẹp thanh tịnh hiền hòa vốn có, nhưng hôm nay cảnh vật bỗng sáng bừng như sắp đón chờ một thời khắc vô cùng trang nghiêm. Ngoài những lối đi, hàng tre trút lá rơi lả tả theo những làn gió đã bắt đầu mang hơi lạnh, nắng lấp lánh, tất cả cảnh vật trầm mình tĩnh lặng để lắng nghe những lời từ biệt của vị Trưởng lão cao niên khả kính. Trong giảng đường, Đức Bổn Sư ngự trên bảo tòa, Tăng chúng đã đông đủ, một không khí xúc động bao trùm. Tôn giả Kiều Trần Như quỳ sát bên Đức Phật, cúi đầu hôn lên đôi bàn chân của Người:

Bạch Thế Tôn, con là Kiều Trần Như! Bạch Đấng Thiện Thệ, con là Kiều Trần Như!
Đức Bổn Sư im lặng không nói, nhưng ánh mắt của Người đón nhận vị đệ tử quý kính vào trong thế giới mênh mông của lòng từ ấm áp. Thế rồi, Tôn giả Kiều Trần Như hướng sang chư Tăng đang hiện diện xung quanh:

Thưa các hiền giả, đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau. Kiều Trần Như xin giã biệt từ đây, vĩnh viễn không còn sinh tử luân hồi nữa.
Nghe lời từ biệt ấy, các Tỳ kheo không nén được xúc động, tất cả đều nghẹn ngào. Hình ảnh một vị Trưởng lão uy đức, hiền từ, vẫn thường hay ngồi phía sau Đức Bổn Sư mỗi khi Người thuyết Pháp bỗng nhiên ùa về trong lòng đại chúng. Thấy vậy, Tôn giả lại nói thêm:

Các hiền giả đừng nuối tiếc, đừng buồn phiền. Phàm tất cả những gì có sinh đều phải có diệt, vô thường không khước từ một ai.
Thế rồi, Tôn giả xin phép Đức Phật được nhập Niết Bàn tại bờ hồ Chaddanta, nơi Ngài đã an cư những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Đức Phật im lặng đồng ý. Sau đó, Ngài dùng thần thông bay chầm chậm trên không trung để loài người và chư Thiên được chiêm ngưỡng lần cuối.

Ngay chiều hôm ấy, Tôn giả Kiều Trần Như xuống hồ Chaddanta gột rửa sạch bụi bặm của thế gian, Ngài ngắm nhìn lại cảnh vật và tư thất một lần cuối rồi nhẹ nhàng ngồi tĩnh tọa trong tư thế kiết già. Khi đêm tàn canh, Ngài an nhiên nhắm mắt xả bỏ xác thân, nhập vào Niết Bàn tịch diệt. Tất cả những cánh hoa rừng của khu rừng Chaddanta đồng loạt héo rũ, các cành cây oằn mình cúi đầu kính lễ tiễn biệt bậc Thánh Tăng, hàng ngàn con voi cất lên tiếng rống bi tráng làm rung động cả dãy Hy Mã Lạp Sơn. Chư Thiên hóa hiện một đại bảo tháp bằng ngọc để an vị di hài Tôn giả, luân phiên cung nghênh qua khắp các tầng trời rồi mới đặt lên một đài hỏa táng bằng gỗ đàn hương quý…

Tôn giả đã an trú trong Niết Bàn nơi không còn sinh tử, nhưng hình ảnh của Ngài vẫn sống mãi cùng với sự trường tồn của Tăng chúng, lời dạy của Ngài mãi là bài học thiêng liêng cho tất cả chúng sinh:

“Trong tam giới, có rất nhiều bảo vật. Thuận cảnh gợi lên ái dục lúc nào cũng chực chờ chi phối tâm ta. Nhưng cũng giống như mưa trời làm sạch bụi trần, chánh niệm về Vô thường, Vô ngã sẽ loại bỏ được các tà niệm”.
Ngày nay, trong khu vườn của nhiều ngôi cổ tự đã tái hiện lại không gian linh thiêng khi lần đầu tiên Đức Phật thuyết Pháp tại vườn Lộc Uyển hơn hai ngàn năm trước. Đức Bổn Sư ngự trên đài sen, năm huynh đệ Ngài Kiều Trần Như chắp tay búp sen tôn kính vô ngần đón nhận từng lời Pháp thoại. Hình ảnh ấy khiến biết bao người con Phật xúc động, vun bồi niềm tin thêm sâu dày với Phật Pháp.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả A Nhã Kiều Trần Như là bậc Thánh Tăng có danh hiệu “Đệ nhất Pháp Lạp”. Ngài là vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật, cũng là vị đầu tiên chứng đắc Thánh quả A La Hán. Tôn giả đã theo Đức Phật từ nhiều đời nhiều kiếp, là biểu tượng cho Tăng chúng về sự hi sinh và lòng trung thành tuyệt đối. Uy đức của Ngài sáng chói với vô số công hạnh phi thường. Với Tăng đoàn, Ngài là người huynh trưởng khả kính, thay Đức Bổn Sư chăm sóc và dìu dắt chư Tăng. Khi thờ kính Ngài, quý Phật Tử sẽ dần thành tựu:
Đức tính hi sinh, mẫu mực, trung thành, là tấm gương đạo đức để người khác noi theo.
Có duyên lành may mắn gặp được thầy lành, bạn tốt để cùng nhau tu hành theo đúng chánh Pháp.
Được quý nhân phù trợ nên dễ gặp may mắn, vượt qua những khó khăn và có được người luôn bảo ban hướng dẫn cho mình.

VII. THƠ TỤNG

Thành tâm xin đảnh lễ Ngài
Bậc Thánh giác ngộ vượt ngoài tử sinh
Người soi ánh sáng quang minh
Phủ trùm khắp chốn chúng sinh vạn loài
Khi xưa Lộc Uyển rừng nai
Đất trời rung động những lời kinh thiêng
Bánh xe chuyển Pháp đầu tiên
Chân lý tuyệt đối diệu huyền mênh mông
Kiếp người bể khổ long đong
Tham ái trói buộc trong vòng si mê
Niết Bàn là chốn quay về
Chấm dứt mọi khổ, bước trên con đường
Bát Chánh Phật đã tuyên dương
Dẫn về giải thoát phi thường bao la
Năm vị Tôn giả hiền hoà
Ngồi quanh Đức Phật nghe Người dạy răn
Tâm hồn sáng tựa ánh trăng
Tỏ tường sinh diệt, buộc ràng biến tan
Lời Phật rúng động không gian
Hào quang toả rạng mênh mang đất trời
Kiều Trần Như tỏ sáng ngời
Hiểu từng chân lý mà Người truyền trao
Tâm như dòng suối tuôn trào
Thế gian bừng rỡ đón chào Thánh Nhân
Bậc A La Hán xuất trần
Danh Đệ Nhất Tổ Tăng Đoàn Thế Tôn
Chúng con gửi trọn tâm hồn
Dâng lên Tam Bảo chẳng còn phân vân
Ba Ngôi quý báu nhất trần
Tôn thờ quy ngưỡng muôn lần kính tin
Nguyện sống phụng sự hy sinh
Cho người hạnh phúc, phần mình bụi bay
Vô thường đâu có đợi ai
Đến đi, tan hợp đổi thay không lường
Nên nguyện lòng rất yêu thương
Chung xây thế giới thiên đường mai sau
Ai rồi cũng nắm tay nhau
Bước đi về chốn nhiệm màu thiêng liêng…

Nam Mô A Nhã Kiều Trần Như Tôn Giả (3 lần)

Trích (Thánh Độ Mệnh ” TÔN GIẢ A NHÃ KIỀU TRẦN NHƯ (ANNA KONDANNA) ” )

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x