TÔN GIẢ A NẬU LÂU ĐÀ (ANURUDDHA) THIÊN NHÃN ĐỆ NHẤT
Suốt hàng ngàn năm qua, nhân loại đã không ngừng khát khao hòa bình trên hành tinh này. Chỉ có chung sống hòa thuận bên nhau thì những ước mơ mới có hi vọng trở thành hiện thực. Thế nhưng, một giải pháp hoàn toàn rốt ráo dường như vẫn còn là thách đố trước mọi nỗ lực kiếm tìm. Con người vẫn oán ghét, thù nghịch, chống đối nhau. Những cuộc chiến tranh, kỳ thị, khủng bố tiếp tục chia rẽ thế giới và làm hoen ố nền văn minh nhân loại.
Tuy nhiên, cách đây hơn 2600 năm, một vị đệ tử của Đức Phật, bằng chính cuộc sống tuyệt vời của mình, đã minh chứng cho câu trả lời rằng: sự hòa hợp chỉ có thể được tìm thấy trong tình thương yêu, trong sự quan tâm chân thành và một nội tâm hoàn toàn vô ngã.
Đặc biệt trong thời đại ngày hôm nay, Ngài sẽ là biểu tượng lan truyền thông điệp hòa bình để xóa tan đi những nỗi bị thương trên cuộc đời.
Đó chính là Tôn giả A Nậu Lâu Đà (Anuruddha), vị Thánh đệ tử ưu tú của Đức Phật.
I. XUẤT THÂN TÔN GIẢ A NẬU LÂU ĐÀ
Tôn giả Anuruddha là vị Hoàng tử ưu tú của dòng họ Thích Ca. Cha Ngài là Hoàng vương Amitodana, hoàng đệ của Đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana). Ngay từ nhỏ, sự xuất hiện của Ngài đã luôn trở thành niềm yêu mến của mọi người. Ngài thông minh, thanh nhã, trí nhớ bền bỉ và tinh thông võ nghệ. Đặc biệt, Ngài có giọng hát êm dịu thanh trong khiến ai nghe cũng cảm thấy bình an và hạnh phúc.
Tấm lòng của Ngài cũng chan hòa như tiếng hát. Ngài cư xử chân thật, luôn nhu thuận, sống yêu thương hòa ái. Mọi người thường tìm đến bên Hoàng tử như tìm về một nơi chốn an yên. Ở đó họ được đặt xuống những tâm sự rối ren, phiền muộn nhất. Ngài lắng nghe với trọn tấm lòng, với tất cả sự quan tâm ân cần đầy chân thành, từ chuyện quốc gia đại sự của những vương tôn công tử đến những mối bận tâm thường nhật của một bác đánh xe trong hoàng cung. Hoàng tử đối xử với những người hầu cận cũng thân thiết như một người bạn, một người anh em đáng mến.
Hoàng tử trưởng thành với cuộc sống không vẩn chút âu lo, chỉ toàn những niềm vui tươi sáng. Nhưng khi Đức Thế Tôn quay trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), lòng Ngài chợt dâng niềm xúc động mạnh mẽ. Ngài cảm thấy cuộc sống của một vị Sa môn trong Tăng đoàn mới thật sự thuần khiết và thanh tịnh. Bởi vậy không chút do dự, Hoàng tử đã rời bỏ cuộc sống vương giả trong hoàng cung để trở thành một vị tu sĩ xuất gia, theo chân Thế Tôn tìm cầu niềm an vui trong đạo lý giác ngộ cao thượng.
II. TÔN GIẢ A NẬU LÂU ĐÀ – QUYẾT TÂM CHỨNG ĐẠO PHI THƯỜNG
Trong mùa an cư đầu tiên, phước lực từ quá khứ của Ngài đã thúc đẩy nhiều kết quả thù thắng đơm hoa kết trái. Tôn giả sớm tiến sâu vào trong các tầng mức thiền định, với vô số những cảnh giới vi diệu hiện ra cực kỳ an lạc và hạnh phúc. Dù vậy, Ngài biết rằng những phiền não vi tế vẫn luôn tồn tại, bản ngã vẫn lẩn quất đâu đó phía sau mà Ngài càng nóng lòng tìm kiếm, nó càng trở nên khó lường và mất dấu.
Sau khi đến tham vấn với Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) và được vị Thượng Thủ khuyến tấn chỉ dạy nhiều kinh nghiệm, Tôn giả càng thêm quyết tâm để nỗ lực trên con đường Thánh đạo. Ngài đến tịnh cư tại xứ Ceti trong một rừng trúc xanh ngát, thực hiện hạnh đầu đà nghiêm khắc, tinh chuyên trong thiền định. Và suốt 15 ngày trôi qua, vị Sa môn ấy không một phút giây chợp mắt. Trong màn sương lạnh giá, dưới những cơn mưa đêm, Ngài ngồi lắng im bất động với tư thế hoa sen kiết già. Vâng lời sư huynh, khi những cảnh giới kỳ lạ trong nội tâm liên tiếp hiện ra Ngài bình thản buông xả, chẳng chấp giữ cũng chẳng tự hào. Dù cho cảm giác an vui vi tế đang ngập tràn khắp thân thể, tất cả đều buông trôi theo từng hơi thở, nhẹ nhàng và đều đặn.
Đến lúc quá mệt mỏi Tôn giả mới tựa lưng vào khóm trúc giữ chánh niệm. Những cây trúc vươn mình đứng thẳng và cơn gió mùa hạ mang đến những âm thanh lao xao dịu êm trên tán lá. Ngài tư duy thâm sâu về bảy phẩm hạnh của bậc Sa môn tu hành theo chánh Pháp, đó là: đoạn trừ ái dục, tri túc, an yên tịnh cư, tinh tấn trong thiền định, chánh niệm, giữ tâm luôn an tịnh và đầy trí tuệ. Ngài thấy mình đã thành tựu tất cả, viên mãn tất cả. Chỉ còn một pháp thứ tám cuối cùng. Tôn giả dồn hết nỗ lực để suy niệm. Nhưng sức lực của cơ thể Ngài đã cạn kiệt…
Khi đó biết rằng nhân duyên đã đủ đầy, Đức Thế Tôn dùng thần lực hiện ra trước mắt vị đệ tử. Người cất giọng pháp âm trầm ấm:
Này Anuruddha, ba nghìn thế giới dẫu có rực rỡ với muôn hình sắc cũng đều là vô thường, lầm mê và đầy những uế nhiễm, không phải là nơi để an trú. Thầy hãy hướng tâm về vô ngã giải thoát, Niết Bàn tối thượng. Đó là phẩm hạnh cao quý thứ tám của bậc Đại Sa Môn.
Rồi Thế Tôn biến mất, chỉ còn những vầng hào quang lưu lại. Thế nhưng, cả khu rừng bỗng tuôn trào sức sống dạt dào như vừa được tưới tẩm bởi một cơn mưa mùa xuân. Tôn giả Anuruddha cũng như bừng lại sinh lực. Vâng lời Thế Tôn, Ngài tiếp tục tinh tấn tu hành trong dũng lực phi thường. Kỳ an cư năm ấy, khi ánh nắng cuối hạ chuyển màu nhạt dần, một vị Sa môn đã bước ra khỏi khu rừng trúc xứ Ceti, mang theo cả bầu trời chân lý bao la sáng tỏ.
III. TÔN GIẢ A NẬU LÂU ĐÀ – THIÊN NHÃN ĐỆ NHẤT
Một lần cùng Tăng đoàn du hành qua xứ Bạt Kỳ (Vajji), Tôn giả Anuruddha xin phép Đức Phật được dừng chân tĩnh tu. Tại đây, trong căn chòi lá nhỏ bên bìa rừng, phía sau khu vườn của một gia đình nông phu, Ngài tọa thiền lặng im bất động. Tôn giả an trú sâu dần trong các tầng mức thiền định, hào quang nơi thân thể tỏa ra lấp lánh. Vào một đêm tĩnh lặng, từ nơi gương mặt Ngài bỗng xuất hiện vầng ánh sáng chói lòa chiếu rọi đến mười phương thế giới. Cả đất trời hiện diện đủ đầy trong một tia nhìn cùng khắp tường tận đến từng hạt bụi nhỏ. Ngay giây phút đó, Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhiên bừng khởi.
Đầu tiên, vầng ánh sáng từ mắt Ngài xuyên qua lòng đất sâu thăm thẳm, chạm tới cảnh địa ngục tối tăm, nơi chúng sinh đang ngụp lặn trong khổ đau cùng cực. Gương mặt các chúng sinh này u ám, hốc hác, nhăn nhúm lại trước những cực hình thảm khốc. Ánh mắt họ vẫn nóng bỏng ngọn lửa căm hờn, họ chiến đấu với những tra tấn ghê rợn bằng tiếng gào khóc, la hét thất thanh kinh dị. Họ chết đi rồi lại hồi tỉnh, họ điên cuồng trốn chạy nhưng đâu cũng là đường cùng, đâu cũng là thảm cảnh. Những chiếc vạc dầu sôi trào hơi khói, những máy chém, những lưỡi dao, dòng dung nham đỏ rực, cái giá lạnh đến toác thịt da. Mùi hôi thối, mùi máu tanh, mùi khét lẹt kinh khiếp quyện lẫn vào nhau, tràn khắp cả bầu không khí. Sự đau khổ là triển miên, không cùng tận, không một phút giây ngưng nghỉ. Ngài thấy những chúng sinh này đã phạm những trọng tội không thể dung thứ, bên trong thì nung nấu điều ác độc, bề ngoài lại lạnh lùng tàn nhẫn trước những nỗi khổ của người khác, làm điều ác mà trong lòng sướng vui khoái trá. Họ sẽ phải chịu đày đọa trong địa ngục đến khi nào biết nhận tội mới có cơ hội thoát ra, làm lại cuộc đời.
Ánh sáng chiếu soi vào cõi âm ở nhân gian, nơi những vong linh xấu xí, gớm ghiếc đang vật vờ khắp nơi. Họ là những chiếc bóng lờ mờ cô đơn, tủi nhục. Những vong linh ấy có khi lang bạt núp ở gốc cây, bụi bờ, gầm cầu. Cũng có khi tụ tập thành từng đám ngồi ủ rũ đưa mắt dòm ngó đợi chờ. Họ đói cồn cào, họ khát cháy họng, họ khát khao được yêu thương, được sống lại kiếp người nhưng chẳng ai đoái hoài tới họ. Họ thiếu phước đến nỗi tranh giành nhau từng mẩu phân bò, từng con chuột chết, thậm chí chấp nhận làm súc sinh để có được miếng ăn. Những vong linh như thế ngập tràn trần thế, bởi khi được làm người đã không biết đạo lý để tu nhân tích đức, chỉ phung phí hưởng thụ, đốt sạch phước báu, phá tan những thiện nghiệp từ quá khứ. Họ sẽ cứ phải vật vờ, khóc lóc như thế hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm cho đến khi nào đủ duyên tái sinh lại mới thôi.
Thế giới của những loài súc sinh cũng được khám phá tường tận. Những con thú chỉ biết sống theo bản năng mà gần như chẳng có lý trí. Kiếp súc sinh là hình phạt dành cho người đã gieo những ác nghiệp không xứng với phẩm cách của một con người. Họ sống bầy đàn lang chạ, ham miếng ngon mà giết mổ bừa bãi, hay mắng chửi người khác thậm tệ, coi đồng loại chỉ là súc sinh, rồi vô số những trò tệ hại ăn nhậu, nói tục, đánh lộn… Tất cả chỉ bởi không kiềm chế được bản năng, để bản năng dẫn dắt mà phải đọa vào thân phận thấp hèn.
Gương mặt Tôn giả tiếp tục trầm mặc tỏa sáng, ánh sáng chiếu vào cõi người, cõi A Tu La, những cõi trời huy hoàng vi diệu. Nơi cõi người phước tội đan xen, sướng khổ lẫn lộn, và cực kỳ vất vả. Thế giới của các vị thần A Tu La thì hạnh nghiệp và đức hạnh chưa tương xứng, phước rất lớn nhưng vẫn còn nóng tính, ham thích dục lạc. Những cõi trời cực kỳ vinh quang thù thắng, chỉ dành cho những người biết đạo lý, cung kính Tam Bảo và gây được nhiều việc thiện lành. Chư Thiên tử cao lớn đẹp đẽ ngự trong các lâu đài hào quang tỏ rạng, tâm hồn được an vui như ý. Thế nhưng cũng tùy theo phước và công đức tu hành của các vị mà hình thành nên các tầng trời khác nhau, vô cùng đa dạng. Tôn giả thấu rõ cả những thế giới cao siêu vượt ngoài suy tưởng, tầng trời Sắc giới đã hoàn toàn trong sạch không còn vẩn chút tính dục, cõi Phạm Thiên thanh tịnh thuần khiết và ngập tràn ánh sáng, nơi Tha Hóa Tự Tại phước lực sung mãn, đến cõi trời Vô Sắc thì chư Thiên không còn hình hài mà chỉ là một cõi tâm bao la, phủ trùm tất cả.
Tôn giả A Nậu Lâu Đà vẫn ngồi bất động, hào quang nơi Ngài tỏa vào vô tận trong vũ trụ. Ngài thấy hàng triệu triệu ngôi sao lấp lánh khắp không gian, mỗi ngôi sao lại là một tinh cầu hay một mặt trời cháy sáng. Chúng vận động tạo thành những thiên hà, những tinh vân khổng lồ mà mỗi hạt bụi trong đó lại là cả một hành tinh… Nơi đó cũng có những thế giới có sự sống, những giống loài thông minh và các Đức Phật hiện thân giáo hóa. Thế nhưng, dù cho số thế giới có rộng lớn vĩ đại như thế nào, có nhiều như số cát của con sông Hằng thì cũng không vượt khỏi một cái chớp mắt của Ngài, đến từng chiếc lá khô rơi vô tình làm lăn tăn sóng trên mặt hồ cũng đều nằm trong Thiên nhãn thanh tịnh.
Tôn giả mô tả Thiên nhãn của mình giống như một người đứng trên lầu cao, ở giữa ngã tư quan sát hết mọi người đi lại. Khắp cả ba nghìn thế giới, sáu cõi luân hồi vô cùng phong phú, vô cùng đa dạng nhưng tất cả đều được tạo nên bởi nghiệp quả. Chính những suy nghĩ, lời nói, hành động của chúng sinh đã vẽ ra đời sống tương lai cho chính mình. Ngài nhìn thấu vào từng suy nghĩ, từng ý niệm vi tế trong tâm chúng sinh. Có khi, cùng một hành động nhưng chỉ sai khác nhau trong đường tơ kẽ tóc, trong những ý niệm thầm kín cũng dẫn tới những quả báo cách nhau một trời một vực. Vô số những nghiệp duyên, phúc báo, tốt xấu, thô thiển hay tinh tế đan xen nhau chằng chịt, tác động lẫn nhau, lôi cuốn lẫn nhau tạo thành dòng chảy mãnh liệt của sinh tử luân hồi. Chúng sinh ngụp lặn trong ấy, trầm luân trong ấy đều chìm vào một nỗi khổ dai dẳng, không thoát ra được. Chỉ đến khi có đạo lý của một Đấng Giác Ngộ soi chiếu, cuộc đời họ mới có ánh sáng…
Hôm đó, khi Tôn giả A Nậu Lâu Đà bừng khởi Thiên nhãn để quán sát khắp pháp giới thì tất cả các vị A La Hán tại tinh xá cũng đều cảm nhận đạo lực phi thường của Ngài. Tôn Giả Tân Đầu Lô Phả La Đoạ (Pindola Bharadvaja) tán thán: “Tôn Giả A Nậu Lâu Đà nhìn thấy cả tam giới rõ ràng tường tận như xem trái xoài trong lòng bàn tay”. Tại tỉnh xá Kỳ Viên (Jetavana), Đức Thế Tôn ấn chứng rằng: “Trong các đệ tử của Như Lai có Thiên nhãn, A Nậu Lâu Đà là tối thắng”.
Vào mỗi rạng đông, Tôn giả thường dùng Thiên quan sát khắp ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc nhãn giới xem chúng sinh nào hữu duyên với chánh Pháp để tùy cơ hóa độ. Những bài Pháp của Ngài bao giờ cũng vô cùng hấp dẫn bởi những ví dụ sinh động trong khắp pháp giới. Với năng lực phi thường như thế, Ngài đã tạo thành không biết bao nhiêu công đức trên cuộc đời. Thiên nhãn chiếu đến đâu thì lòng từ bi cũng ngập tràn tới đó, cả ba ngàn thế giới cũng đều được Tôn giả quan sát và yêu thương.
Thiên nhãn đệ nhất tất nhiên cũng là hoa trái của một nhân lành đã gieo trong quá khứ. Đó là lời phát nguyện chí thành của Ngài trong thời Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padumuttara) cách đây rất lâu xa. Rồi trong nhiều kiếp, cứ mỗi khi nhân duyên bắt gặp nơi có thờ Xá lợi Đức Phật, Ngài lại bừng lên niềm kính ngưỡng và thắp sáng chánh điện với hàng ngàn ngọn đèn nến lung linh. Tôn giả cũng hình thành nên một đức tính luôn theo Ngài qua vô lượng thời gian, đó là: Ngài lúc nào cũng chú tâm quan sát đến những nỗi khổ xung quanh mình để từ đó giúp đỡ, sẻ chia cùng họ. Không bao giờ một người nghèo hiện ra trước mắt Ngài mà không nhận được bất kỳ điều gì, một nỗi buồn thoáng qua nơi vầng trán của người nông phu cũng sẽ nhận được sự quan tâm tử tế… Bởi thế mà khi được thành tựu, Thiên nhãn của Ngài có thế thấu suốt hàng nghìn thế giới, thấy rõ dòng lưu chuyển của sinh tử luân hồi, soi tỏ đến từng tâm tư vi tế trong lòng của chúng sinh.
IV. TÔN GIẢ A NẬU LÂU ĐÀ – ĐỜI SỐNG THANH CAO
Nếu như trong các trọng tội, chia rẽ Tăng đoàn phải đọa địa ngục A Tỳ, thì ngược lại đoàn kết chư Tăng sẽ thành tựu được công đức vô biên. Tăng đoàn là ngôi nhà của những vị Thánh, là nơi ươm gieo cho Thánh hạnh nảy mầm. Tăng đoàn hòa hợp sẽ tạo thành hùng lực, thắp sáng chánh Pháp khắp muôn nơi. Các vị Tỳ kheo sống với nhau yêu thương từ ái, chúng sinh nương vào đó mà niềm tin với Tam Bảo được vun bồi. Bởi vậy, hòa hợp Tăng chính là cội nguồn của hạnh phúc trên thế gian.
Nơi xứ sở Bạt Kỳ thanh bình, trong một khu rừng mang tên Gosinga, dưới tán lá sum suê của những cây Tala đang trổ hoa, có ba vị Tôn giả là Kimbila, Nandiya và Anuruddha đang tịnh cư chung sống. Khi bình minh lên, lớp sương mù dày bao quanh tan dần trong ánh nắng, khu rừng sẽ rộng lòng hé mở cả một thế giới thiên nhiên tuyệt đẹp. Trong ấy, có ba căn chòi nhỏ đơn sơ được lợp mái rạ nằm hài hòa bên cạnh những khóm cỏ hoa, các tàng cây thấp và cao che chở cho nhau và đan cài vào nhau. Những đàn ong rừng bay về làm tổ đông đúc. Phía trên chim chóc, khỉ, sóc cùng vui đùa chuyền cành êm ả…
Một lần, Đức Thế Tôn dẫn Tăng đoàn về đây để thăm hỏi đời sống của ba vị. Bước chân của Thế Tôn vừa đặt vào khu rừng thì các Ngài đã hiểu ý đón đợi sẵn. Sau khi đảnh lễ Thế Tôn, Tôn giả Anuruddha đỡ lấy bình bát trên tay Người, Tôn giả Kimbila chuẩn bị một sàng tọa trải nệm cỏ xanh, Tôn giả Nandiya thì bưng nước lên để Thế Tôn rửa chân. Các Ngài thực hiện công việc trong im lặng, nhưng vô cùng nhịp nhàng, chu đáo.
Khi tất cả các vị Tỳ kheo đã ổn định, trong không khí ấm cúng trước khoảnh sân nhỏ, Thế Tôn mới nhẹ nhàng hỏi:
Các Thầy sống ở đây có an lành, có yên vui
không? Đi khất thực có mệt nhọc lắm không?Tôn giả Anuruddha quỳ xuống, chắp tay khiêm nhu trả lời:
Bạch Thế Tôn, chúng con sống ở đây an vui và thoải mái. Hằng ngày chúng con tọa thiền, kinh hành, đi khất thực trong chánh niệm và cảm thấy rất an lạc.
Thế Tôn hỏi tiếp:
Các Thầy sống với nhau có được đoàn kết, hòa hợp chăng?
Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu rằng người huynh đệ của mình đều là những bậc phạm hạnh và trí tuệ, nên vô cùng yên tâm và tin tưởng lẫn nhau. Chúng con không sống bằng tâm của mình mà bằng tâm của huynh đệ. Khi có việc gì cần làm chúng con chẳng bận lòng quá nhiều, chỉ cần suy nghĩ giống nhau, làm theo ý muốn của nhau là mọi việc đều chu toàn tốt đẹp. Ví dụ những lúc đi khất thực huynh đệ con muốn đi về hướng Tây, thì con cũng ôm bát đi về hướng đó. Hay khi con muốn hái những cành cây để làm chiếc bàn úp bát cho khô sạch, nhưng thấy huynh đệ thích dùng những ống tre để đan lại hơn thì con sẽ nhờ người tiều phu chẻ giúp một số tre để làm như thế.– Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng đồng tâm. Chúng con hạnh phúc khi trở thành giống nhau, chẳng còn tìm thấy ý muốn của riêng mình. Ban ngày, khi có công việc thì cùng nhau san sẻ. Đêm đến khi ánh trăng nhuộm màu trên cành lá, huynh đệ ngồi trải tâm từ đến chúng sinh thì con cũng bắt chân lên tĩnh tọa, để hòa mình vào nguồn tâm bao la vi diệu ấy. Bạch Thế Tôn, bởi vậy mà chúng con sống rất hòa hợp và đoàn kết.
Những cơn gió mùa hạ nhẹ lay trên tán lá, tất cả các vị cũng như được thổi mát trong tâm hồn. Các thầy Tỳ kheo tự nhiên nhìn sang những người huynh đệ bên cạnh mình, một tình thương mến lan tỏa vào không gian.
Đức Thế Tôn mỉm cười, Người cất giọng trầm ấm dịu dàng hỏi:Này Anuruddha, thế hàng ngày ba Thầy nói với nhau những chuyện gì?
– Bạch Thế Tôn, trong sinh hoạt thường ngày chúng con ít khi phải dùng đến lời nói, chỉ một ánh mắt hay cử chỉ ra hiệu là huynh đệ đã hiểu nhau. Có lần con muốn vào rừng hái lá thuốc, con chỉ vừa xuất định đi lấy cái rổ thì Tôn giả Nandiya đã hái về từ rừng luôn một bó lá cây Bảo Hương. Có lần con nắm tay lại ra dấu, là Tôn giả Kimbila đã hiểu con.
Bạch Thế Tôn, bởi sự quan tâm ân cần đến nhau nên nhiều khi chúng con chưa khởi ý muốn mà huynh đệ đã biết để chăm lo, chuẩn bị. Mỗi khi con mặc tấm y được giặt sạch phơi nắng khô thơm, con cảm nhận được bàn tay của huynh đệ đã cẩn thận giặt giũ. Mỗi khi con ăn miếng cơm lúc ốm bệnh không đi khất thực được, con thấy cả tấm lòng của huynh đệ trong phần cơm được san sẻ ấy. Chúng con thấu hiểu nhau qua cả tiếng bước chân, trong từng làn hơi thở.
Bạch Thế Tôn, nếu phải dùng lời nói, chúng con chỉ nói về đạo lý và nhắc lại những lời dạy của Người. Có khi các Thiên tử đến thăm thì chúng con cũng trao đổi thuyết Pháp. Thời gian còn lại, chúng con giữ chánh niệm để cảm nhận tâm ý của nhau và lắng nghe thiên nhiên trò chuyện.
Cả khu rừng bỗng trở nên im ắng, chỉ còn hương hoa Tala mỗi lúc càng thêm đậm. Thế Tôn hỏi thêm về những Pháp thù thắng đạt được khi ba Thầy có cuộc sống với nhau hòa hợp như thế. Dù cho Tôn giả Kim Tỳ La và Tôn giả Nan Đề (Nandiya) rất mực khiêm hạ chưa bao giờ nói về tâm chứng của mình, nhưng Tôn giả A Nậu Lâu Đà đã chắp tay tác bạch với Thế Tôn về sở đắc cao thượng tột cùng của cả ba vị thật minh xác, bởi Ngài hiểu được tôn ý của Người. Đức Bổn Sư muốn qua những lời kể đó để sách tấn các thầy Tỳ kheo khác sống hòa hợp trong Tăng đoàn, mang lại hạnh phúc cho chúng sinh.
Đức Thế Tôn cất lời tán thán công hạnh của cả ba vị Tôn giả:
Này Anuruddha, Kimbila, Nandiya, các Thầy đã thành tựu được tri kiến của bậc giải thoát hoàn toàn. Các Thầy đã sống được một đời sống thanh tịnh, hòa hợp với nhau vì lợi ích cho chúng sinh, thắp sáng lên niềm tin cho cả chư Thiên và loài người. Mãi về sau này, nếu có chúng sinh nào nghe được danh hiệu của ba Thầy và biết khởi tâm thành kính ngưỡng sẽ thành tựu nhiều công đức, sẽ được hưởng hạnh phúc và an lạc.
Lúc ấy, chư Thiên tấu nhạc ngợi ca vang lừng khắp cả đất trời. Trong khu rừng Gosinga, những cây Tala hát reo trong gió, bông hoa Tala tinh khiết của đức hạnh và trí tuệ lại tiếp tục lan tỏa hương thơm êm dịu vào cuộc đời.
V. KẾT LUẬN VỀ TÔN GIẢ A NẬU LÂU ĐÀ
Đến những giờ phút cuối cùng của kiếp sống, Tôn giả A Nậu Lâu Đà tìm đến một khu rừng tĩnh mịch, nơi có những khóm trúc đứng thẳng vút cao. Ngài bình yên thiền tọa, nhập sâu dần trong các tầng thiền định rồi nhẹ nhàng an trú vào Niết Bàn tịch diệt. Hàng trúc lào xào trút lá bay trong không gian, như muốn nói lên lời từ biệt với bậc Thánh Tăng vĩ đại…
Tôn giả đã an trú trong sự giải thoát tột cùng khỏi tam giới nhưng tinh thần và tấm lòng của Ngài thì vẫn còn hiện diện, là tấm gương cho lớp hậu thế noi theo.
Chúng con hiểu rằng, mình phải cố gắng tu tập để thấy rõ được nhân quả nghiệp báo, dòng luân hồi sinh tử và nỗi khổ đau không cùng tận. Từ đó yêu thương được chúng sinh và hun đúc quyết tâm hướng tới mục tiêu tu hành giải thoát giác ngộ.
Chúng con cũng xin nguyện rằng, sẽ luôn sống với nhau trong tình hòa ái, xây dựng tinh thần đoàn kết để nâng dậy sức mạnh của những người con Phật, giữ gìn và phát triển mạng mạch của Phật Pháp được trường tồn.
VII. THƠ TỤNG VỀ TÔN GIẢ A NẬU LÂU ĐÀ
Trong rừng tre mát, lá lao xao
Thiên nhãn vẫn ngời như ngọc bích
Tỏa chiếu tình thương, biển dạt dào…
Hào quang chiếu rọi muôn phương
Ba nghìn thế giới, sáu đường chuyển luân Ngài dùng Thiên nhãn xuất trần
Nhìn suốt thế giới như nằm trong tay
Chúng sinh nơi chốn đoạ đày
Địa ngục, ngạ quỷ hay là súc sinh
Hướng lên cõi giới siêu hình
Tầng trời hay cả muôn nghìn hành tinh
Ngài soi ánh sáng quang minh
Gửi tình thương đến chúng sinh vạn loài
Thành tâm xin đảnh lễ Ngài
Thiên Nhãn Đệ Nhất, xin Ngài chở che
Chúng con cứ mãi si mê
Tham lam, thù hận, lối về tối tăm
Tâm Ngài sáng tựa trăng rằm
Chiếu soi khắp cõi nghìn năm không mờ Hương thơm đức hạnh tuyệt vời
Lan vào mọi chốn nghìn nơi yên bình
Tấm gương hòa hợp muôn sinh
Yêu thương đem tặng, hòa bình đắp xây
Cho con hiểu rõ mai này
Xác thân tan hợp bụi bay trong chiều
Có gì để mãi nâng niu
Trọn lòng kính Phật, mọi điều thoáng qua Tình thương xin chẳng phai nhòa
Niềm tin nhân quả mãi là đường đi
Gieo từng hạt giống từ bi
Trong từng ý nghĩ sống vì chúng sinh
Đã bao nhiêu kiếp vô minh
Hiểu lời Phật dạy, rõ mình khổ đau
Con xin thành kính nguyện cầu
Phật ân soi sáng nhiệm màu khắp nơi
Cho người hết khổ sầu vơi
Nắm tay đi giữa bầu trời yêu thương
Thế gian đẹp tựa thiên đường
Kết đoàn, hòa ái, khiêm nhường, an vui
Tìm nơi yên vắng lặng ngồi
Biết từng hơi thở như lời Phật răn
Một lòng tinh tấn siêng năng
Con đường giải thoát thênh thang đón chờ…
Nam Mô A Nậu Lâu Đà Tôn Giả (3 lần)
Trích ( Thánh Độ Mệnh. ” Tôn Giả A Nậu Lâu Đà ( Anuruddha ) ” )- Tiến sĩ luật học TT THÍCH CHÂN QUANG chủ biên).