Thiên Chủ Đế Thích

“Cho đến trọn đời, tôi hiếu dưỡng cha mẹ, kính trọng bậc trưởng thượng. Cho đến trọn đời, tôi không nói dối, không nói xấu sau lưng, chỉ nói lời nhu hòa, chân thật để mọi người biết thương yêu nhau. Cho đến trọn đời, tôi từ bỏ gian tham, rộng lòng buông xả. Với đôi tay trong sạch, tôi hoan hỷ trong niềm vui bố thí và sẽ không bao giờ nổi nóng dù chỉ trong tâm ý”.

Đó là bảy lời nguyện của vị Thiên Vương đứng đầu cõi trời Tam Thập Tam. Uy đức của Ngài sáng chói và ân phước trùm phủ khắp thế gian. Đức Thế Tôn dạy rằng chính bởi biết giữ gìn trọn vẹn bảy điều nguyện này và trong nhiều kiếp luôn biết phụng sự cuộc đời không ngừng nghỉ mà Ngài đã trở thành một vị Thiên chủ anh minh, được trời người cung kính.

Không ai khác, đó chính là Thiên chủ Đế Thích.

Thiên Chủ Đế Thích -

Thiên Chủ Đế Thích

I. CÕI TRỜI TAM THẬP TAM

Cách đây rất lâu xa, tại ngôi làng Macala thuộc vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), có một Trưởng giả giàu có tên là Magha. Nhờ nhiều đời huân tập giới đức, Ngài rất hiền lương, trí tuệ và có tấm lòng rộng lượng vô cùng.
Một dịp, trong vùng mở hội, người từ khắp nơi nô nức kéo về. Khuôn viên nhỏ hẹp mà người thì ngày càng đông, chen chúc nhau đứng cả vào những chỗ sình lầy, đất đá lởm chởm.

Trưởng giả Magha cũng tới dự. Không còn chỗ, Ngài kiếm một khu khác cẩn thận dọn sạch sẽ, còn lấy chân gat đất qua lại cho bằng phẳng để đứng được thoải mái. Chưa kịp bước vào thì bỗng có người lấn qua chiếm chỗ. Ngài không giận, tìm sang chỗ mới, dọn xong thì người ta lại lấy mất. Người đông quá, cứ vừa làm được chỗ nào thì lập tức có người khác vào đứng. Thế nhưng, dù bị hết người này đến người kia chiếm mất công sức mà Ngài Magha thấy vui vô cùng, lại còn dặn lòng: “Việc mang đến được lợi ích cho mọi người thì quả là đáng làm!”

Do đó, Trưởng giả Magha về nhà lấy dụng cụ, gọi thêm gia nhân đến phụ việc. Ngài dọn được cả khoảng đất rộng bằng sân phơi lúa để mọi người có chỗ buôn bán sạch sẽ, tươm tất. Mùa lạnh, còn đốt thêm củi sưởi ấm cho họ, bởi vậy ai cũng thích đến. Một thời gian sau, Ngài Magha lại thấy mình có bổn phận phải làm một con đường mới để người dân đi lại cho thuận tiện. Trong lòng phấn khởi, sáng sớm Ngài đã bắt tay vào làm đường. Từ phát quang bụi rậm, cuốc đất, chở đá, lấp sình lầy… Ngài làm chẳng quản ngại, càng vất vả lại càng thêm hăng hái. Thấy vậy, nhiều thanh niên cũng đến góp sức, tất cả là ba mươi ba vị. Chẳng mấy chốc, con đường từ xưa vốn gồ ghề, lầy lội thì nay đã trở nên bằng phẳng và thông thoáng, ngựa xe đi lại dễ dàng.
Tiếng đồn về Ngài Magha và những người bạn vang xa, dân chúng khắp vùng bày tỏ niềm yêu mến. Thế nhưng, điều này lại khiến vị quan huyện trong vùng sinh lòng đố kỵ. Ông bèn tâu lên vua rằng đó là một bọn cướp, đang làm đường để chuẩn bị nổi loạn. Nhà vua tức giận ra lệnh tử hình, cho voi chà lên thân xác.
Trên pháp trường, ba mươi ba vị bị trói nằm trên đất, đàn voi khổng lồ lừng lững bước tới. Bởi đã huân tập từ tâm trong nhiều kiếp, trước cơn nguy khốn, Ngài Magha bình tĩnh nhắn nhủ:

– Này các bạn, chúng ta không còn nơi nào khác để an trú ngoài lòng từ bi. Hãy yêu thương, đừng sân hận. Chúng ta hãy trải tâm từ đến những con voi, Nhà vua và cả vị quan huyện kia.

Ba mươi ba vị cùng khép mắt lại, quán tưởng niềm thương yêu. Từ tâm của các vị tỏa ra bao trùm cả không gian, tạo thành một hùng lực vô hình cản đàn voi bước tới. Đàn voi đứng sững lại rồi gầm rú lên vang trời, dù người quản tượng có thúc như thế nào, thậm chí lấy giáo nhọn đâm vào, chúng vẫn không chịu nhấc chân.

Nhà vua nghe tin báo, lập tức ngự giá đến nơi hành quyết. Sau khi biết được sự tình, Ngài hối hận vô cùng vì đã vội vàng kết tội oan người vô tội. Ngài ra lệnh dừng thi hành án và giao cho Ngài Magha cùng những người bạn cai quản cả vùng, đồng thời xử tội vị quan huyện kia.

“Này các bạn, nhờ an trú trong thiện nghiệp và từ tâm nên chúng ta thoát được cảnh oan khuất. Giờ đây, chúng ta hãy dành trọn cuộc đời còn lại để làm điều thiện cho mọi người.” – Ngài Magha vừa tuyên bố dứt lời thì tất cả mọi người cùng reo mừng hưởng ứng. Từ đó, các vị nhiệt tâm nỗ lực để làm mọi điều lợi ích có thể.
Thời xưa, muốn đi từ nơi này sang nơi khác thì phải đi bộ trong nhiều ngày rất khó khăn vất vả. Ngài Magha bàn bạc với ba mươi hai người bạn xây dựng những nhà trọ ven đường cho khách thập phương. Cứ mỗi chặng đường đủ dài thì sẽ có một nhà nghỉ, bên trong có người phục vụ thức ăn, nước uống chu đáo. Nhờ vậy, tối đến mọi người có chỗ dừng chân nghỉ ngơi, giữ sức khỏe để ngày mai tiếp tục lên đường. Đặc biệt, trong mỗi nhà trọ có ba khu riêng biệt dành cho người nghèo, người ốm bệnh và các tu sĩ. Bằng trí tuệ sâu sắc, Ngài Magha còn cử thêm người đến để chia sẻ đạo lý cho lữ khách tới lui. Công trình rất quy mô, trải qua nhiều năm tháng mới hoàn thành nhưng mang lại vô số ý nghĩa và công đức lớn lao.

Bởi thiện nghiệp quá lớn, khi mạng chung, lập tức các vị được tái sinh lên cõi trời. Tương truyền rằng, khi đó cõi trời còn trống vắng, ba mươi ba vị là ba mươi ba chư Thiên đầu tiên nên được gọi là cõi trời Tam Thập Tam. Ngài Magha trở thành Thiên chủ Đế Thích trị vì cả Thiên giới và nhân gian.

II. VỊ THIÊN CHỦ ANH MINH

Khi Ngài Đế Thích vừa sinh lên Thiên giới, thắng cảnh hiện ra vô cùng huy hoàng lộng lẫy theo phước báu của một vị Thiên chủ. Lâu đài, điện các, núi non, ao hồ, âm nhạc, hào quang, mây ngũ sắc… đều hóa hiện tùy theo ý thích, vô cùng khả ái. Thế nhưng, Ngài ít khi tận hưởng mà thường dành hầu hết thời gian để lo công việc trời người.

Một lần trên núi Makuta, khi quỳ đánh lễ trước Đức Thế Tôn, Ngài đã cảm thán rằng:

– Kính bạch Thế Tôn, đã từ lâu con muốn đến đảnh lễ Thế Tôn, nhưng con bận quá nhiều việc của cõi trời và cõi người nên chưa đến được.

Trên cõi trời, dù cho được nhiều phước báu thù thắng, nhưng chư Thiên vẫn cần được hướng dẫn để tiếp tục gây tạo phước báo, không đắm tham hưởng thụ và biết tu hành hướng đến sự giác ngộ. Bởi vậy, vị Thiên chủ thường phải vừa khuyến hóa nhắc nhở, vừa giải thích đạo lý cho hàng Thiên chúng.

Dưới thế gian, công việc khó khăn phức tạp thêm bội phần. Bởi lẽ, chúng sinh còn nhiều si mê và lầm lỗi, nhiều tư tưởng tà kiến vẫn còn gieo rắc khắp nơi. Chúng sinh ích kỷ, thù oán, chia rẽ, chiến tranh, hủy hoại sự sống, xúc phạm thánh thần… Để rồi, khi nhận lấy hậu quả của nghiệp, chúng sinh lại chìm trong sầu khổ mà không biết cách thoát ra. Những tiếng khóc than, cầu nguyện nhiều vô cùng khôn kể.

Từng giờ từng phút, Thiên chủ Đế Thích quán sát mọi biến động của thế gian, dựa theo nhân quả mà sắp xếp mọi chuyện. Ngài chính là hiện thân của sự công bằng và lẽ phải trong trời đất.

Thiên chủ cũng thường cảm ứng với tâm của chúng sinh, lúc nào cũng hướng về chúng sinh với lòng từ bi để âm thầm giúp đỡ. Đặc biệt, nếu dưới thế gian có vị nào phát tâm tu hành với những lời nguyện cao thượng, ngai của Ngài trên Thiên cung tức khắc rung động. Ngài sẽ luôn dùng thần lực gia hộ, dìu dắt để vị đó hoàn thành đại nguyện.

Rất nhiều lần, Đức Thế Tôn đã kể về đức độ, phạm hạnh, oai lực và lòng từ bi bao la của vị Thiên chủ anh minh cho hội chúng cùng nghe và phát khởi niềm yêu kính.

III. HẠNH BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG

Bởi tấm lòng rộng lượng khôn cùng, trong nhiều kiếp Thiên chủ Đế Thích luôn sống cống hiến hết mình cho tha nhân mà không quản ngại khăn khó. Đặc biệt, Ngài hành hạnh bố thí từ đời này sang đời khác mà chưa bao giờ ngừng nghỉ. Thậm chí, mỗi kiếp Ngài lại có một tên gọi riêng gắn liền với hạnh bố thí.

Một kiếp, Ngài tên là Purtindado, có nghĩa là người bố thí từ thành này qua thành khác.

Kiếp khác, Ngài tên là Sakka, bởi bố thí một cách trọn vẹn chu đáo, với tấm lòng trân quý nhất.

Một kiếp nữa, Ngài tên là Vasavo tức là người bố thí trú xứ. Trong kiếp đó, Ngài thường cung cấp nơi ở cho người vô gia cư, xây nhà nghỉ tạm cho kẻ lữ khách bộ hành hoặc cúng dường tinh xá cho người tu.

Một kiếp, Ngài lại có tên là Sahassa Akkha, có nghĩa “người có ngàn con mắt”. Vì Ngài có khả năng trong tức thời nghĩ đến được một ngàn sự việc. Chỉ cần trông thấy thoáng qua một vấn đề gì đó, Ngài sẽ hình dung ra ngay rất nhiều phương án để có thể phụng sự, giúp đỡ.

Cho đến khi trở thành một vị Thiên Vương đầy vinh quang trên cõi trời, Thiên chủ Đế Thích vẫn luôn khiêm hạ và chắt chiu từng cơ hội làm phước.

Buổi ấy, ở tỉnh xá Trúc Lâm, Tôn giả Đại Ca Diếp (Maha Kassapa) nhập Diệt Tận Định trong bảy ngày. Để được cúng dường bữa ăn đầu tiên sau khi Tôn giả xuất định, Thiên chủ Đế Thích cùng phu nhân xuống nhân gian, hóa hiện thành hai ông bà lão nghèo bên một mái nhà tranh đơn sơ để đón đợi. Khi Tôn giả Đại Ca Diếp bước đến, ông bà cung kính sớt thức ăn vào bình bát của Ngài. Thế nhưng, vật phẩm cõi trời tỏa hương ngào ngạt khiến Tôn giả nhận ra ngay đây chính là Thiên chủ Đế Thích. Ngài ôn tồn bảo:

– Này Thiên chủ Đế Thích, phước báo của ông ngập tràn cả Thiên giới, sao lại muốn giành công đức của chúng sinh? Hôm nay, ta chỉ dành phước cho người nghèo khổ.

Ngài Đế Thích thành tâm tác bạch:

– Thưa Tôn giả, con biết rằng phước không bao giờ là đủ. Tuy con là Thiên chủ cõi trời nhưng nếu ỷ lại không chịu làm phước, cuối cùng phước cũng cạn kiệt, một ngày không xa sẽ phải rơi rớt trở lại. Hơn nữa, con vẫn còn nhiều lầm lỗi, trên các tầng trời cao vẫn còn có nhiều vị đại Thiên uy đức lớn hơn con rất nhiều. Xin Tôn giả thương xót cho phép con được cúng dường Ngài lần này, để con tăng thêm được phước, có thêm đạo lực để tiến tu và uy lực cai quản cõi trời. Con nguyện mãi mãi dốc lòng hộ trì chánh Pháp.

Trước tấm lòng chân thành và hết sức khiêm cung ấy, Tôn giả Đại Ca Diếp đón nhận sự cúng dường của hai vị.

IV. CHỨNG NHẬP THÁNH QUẢ

Dù sống trên Thiên giới vi diệu thù thắng, Thiên chủ Đế Thích không vui thích hưởng thụ phước báu mà luôn hướng về sự tu hành giác ngộ. Ngài có lòng tôn kính tuyệt đối với Tam Bảo. Mỗi khi có vị Tỳ kheo nào chứng Thánh quả A La Hán, Thiên chủ thường cùng chư Thiên tử xuống đảnh lễ và chí thành tán thán công đức của các Ngài.

Ngài còn là tấm gương tinh cần học hỏi đạo lý và trân trọng giáo Pháp cho hàng chư Thiên. Khi Thế Tôn giảng một đạo lý nào cho loài người, Thiên chủ thường dùng thiên nhĩ dõi theo, không bỏ sót một câu một từ. Bất cứ khi nào có dịp, trong đêm khuya hoặc nơi một góc rừng vắng, Ngài sẽ cùng chư Thiên hiện thân để thỉnh Thế Tôn tuyên thuyết và giải thích những giáo nghĩa thâm sâu.

Mùa mưa năm đó, Thế Tôn một mình an cư trên núi Makuta. Hiểu rằng Người muốn dành khoảng thời gian này cho Thiên chúng cõi trời học hỏi, Thiên chủ Đế Thích cùng tám vạn Thiên tử đến đảnh lễ và tham vấn .

Chiều hôm ấy, những vầng hào quang chói lòa bay xuống tràn ngập vùng núi Makuta, tựa như có những ngọn lửa thiêng đang rực sáng trên đỉnh núi. Trong hang Indasala, Ngài Đế Thích chắp tay cung kính tác bạch:

– Bạch Thế Tôn, khi quán sát thế gian cả Trời, Người, Càn Thát Bà, A Tu La, con thấy chúng sinh đều mong ước được chung sống trong cuộc đời an vui hạnh phúc.

Nhưng cuối cùng chúng sinh vẫn chìm trong hận thù, chiến tranh, ác nghiệp chẳng hề chấm dứt. Ngay cả khi cùng thờ phụng con mà chúng sinh lại căm ghét nhau chỉ vì gọi tên con không giống nhau. Điều ấy khiến con rất buồn lòng. Bạch Thế Tôn, vì lòng thương tưởng chúng sinh, cúi xin Người giải thích là do kiết sử nào đã khiến chúng sinh không sống hiền lành tử tế với nhau được?

Đức Thế Tôn cất giọng đầy hùng lực:

– Này Thiên chủ Đế Thích, chính vì kiết sử ích kỷ và đố kỵ.

– Bạch Thế Tôn, ích kỷ và đố kỵ do đâu mà sinh khởi ạ?

– Này Thiên chủ Đế Thích, ích kỷ và đố kỵ do tình cảm ưa ghét sinh khởi. Tình cảm ưa ghét do dục phát sinh, dục do suy tư động niệm mà hình thành. Cuối cùng, chính vọng tưởng đã gây ra suy tư động niệm, là khởi nguồn của vấn đề.

– Này Đế Thích, để có thể diệt trừ vọng tưởng, hành giả phải biết điều gì làm thiện pháp tăng lên và điều gì làm bất thiện pháp sinh trưởng, điều gì nên thân cận gần gũi và điều gì nên tránh xa lìa bỏ.

Thế Tôn vừa dứt lời, Thiên chủ Đế Thích bừng ngộ, hào quang rực sáng thêm bội phần. Ngài xúc động:

– Bạch Thế Tôn, hôm nay con và tám vạn Thiên tử đã được khai ngộ với Pháp nhãn thanh tịnh. Giờ đây, con đã vượt qua tham ái, con biết rõ nơi tái sinh và có thể tùy ý chọn nơi tái sinh nếu muốn. Con luôn có chánh niệm tỉnh giác trong tâm. Con biết rằng mình chắc chắn sẽ giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Con nguyện lòng tu tập để tìm về vô ngã vô biên.

– Bạch Thế Tôn, Người như ánh mặt trời chiếu soi vào thế giới để cứu độ chúng sinh. Dù có bằng câu từ nào, con cũng không biết diễn tả lòng tôn kính đối với Người sao cho trọn vẹn.

Hôm đó, Thiên chủ Đế Thích đã chứng đắc Thánh quả. Ngọn núi Makuta tỏa ánh sáng vút cao in trên nền trời thăm thẳm, rọi chiếu tới tận những Thiên giới xa xôi…

VI. KẾT LUẬN

Thiên chủ Đế Thích là vị Thiên Vương uy đức trị vì cả cõi nhân thiên, cũng là một vị Bồ Tát luôn dõi theo và hộ trì chánh Pháp. Với sự rộng lượng và lòng từ bi bao la phủ trùm chúng sinh, Ngài là hiện thân cho hạnh nguyện phụng sự và cống hiến không ngơi nghỉ. Biểu tượng của Ngài được dân chúng thờ kính ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có thể kể đến ngôi đền Angkor Wat nổi tiếng của xứ sở chùa tháp Campuchia, một trong bảy kỳ quan của nhân loại.
Người Phật tử chúng con hôm nay hiểu rằng, trên con đường tu hành gian khó, luôn có các vị Bồ Tát chư Thiên dõi theo chở che bảo vệ. Vì vậy, chúng con nguyện giữ tâm khiêm hạ, lòng biết ơn và sẽ luôn vững vàng tiến bước không ngại khăn khó.

Học theo công hạnh Ngài, chúng con nguyện vun bồi lòng tôn kính Phật đến tuyệt đối, bền bỉ làm việc phước thiện, cống hiến phụng sự cho đời và luôn tinh tấn tu hành. Xin Ngài cùng chư vị Bồ Tát gia hộ cho chúng con mãi mãi không xa lìa con đường tìm về bờ giác vô biên.

VII. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Thiên chủ Đế Thích (Thiên Chủ Sakka) là vị Thiên Vương uy đức trông coi cả cõi nhân thiên, cũng là một vị Bồ Tát luôn dõi theo và hộ trì chánh Pháp. Ngài luôn hướng tâm về chúng sinh với lòng từ bi để âm thầm gia hộ giúp đỡ. Đặc biệt, nếu ở thế gian có vị nào phát nguyện tâm ý cao thượng và tu hành chân chính, Ngài sẽ dùng thần lực gia hộ, dìu dắt để vị đó hoàn thành hạnh nguyện. Hơn nữa Ngài luôn quán sát mọi biến động của thế gian rồi dựa theo nhân quả mà sắp xếp mọi chuyện. Ngài chính là hiện thân của sự công bằng và lẽ phải trong trời đất. Ngài thành tựu được những phước báu vi diệu thù thắng như vậy là bởi trong rất nhiều kiếp quá khứ, Ngài đã trọn lòng tôn kính các Đức Phật, các bậc Thánh và luôn luôn hộ trì chánh Pháp, cũng như đã hết lòng làm vô số những điều lợi ích phục vụ cho chúng sinh. Tuy nhiên, Ngài không bao giờ vui thích hưởng thụ mà luôn hướng tâm về sự tu hành giác ngộ.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Dần thành tựu những phẩm chất vị tha, khiêm hạ và tôn kính Phật của một bậc Thánh. Sống có lý tưởng cao đẹp, trở thành người lãnh đạo tài đức, được người thân, bạn bè và nhiều người yêu mến, nể phục.
– Gặp nhiều may mắn và an lành trong cuộc sống.
– Có trí tuệ phân biệt mọi chuyện đúng sai rõ ràng. Do đó khi làm việc thường mang kết quả tốt đẹp, lợi ích cho xã hội cũng như đạo Pháp, từ đó gây tạo được nhiều công đức lành.
– Được chư Thiên gia hộ khi khởi tâm tu hành, giữ tâm bình thản đối mặt với những khó khăn, thử thách, vượt qua các nghịch cảnh để trở nên tốt hơn.

VIII. THƠ TỤNG

Ngưỡng trông Thiên giới cao vời
Thiên chủ Đế Thích muôn đời anh minh
Bao kiếp phụng sự chúng sinh
Uy đức ngời sáng, phước lành phủ giăng
Hộ trì người sống siêng năng
Từ tâm chan rải gắng công tu hành
Tỏ tường khắp cõi thế gian
Nương theo nhân quả âm thầm dõi trông
Bao la trời đất mênh mông
Hiện thân lẽ phải công bằng muôn nơi
Chúng sinh chìm đắm cuộc đời
Chiến tranh thù hận chơi vơi đêm dài
Ích kỷ, tà kiến, chê bai
Hơn thua đố kỵ chẳng hoài Nghiệp nhân
Đã gieo giữa chốn hồng trần
Nghiệp xưa phải trả muôn phần khổ đau
Nay theo lời Phật nhiệm màu
Hiểu điều tội phước trước sau rõ ràng
Trên cao cõi giới huy hoàng
Thiên vương hộ Pháp tấm lòng bao dung
Dẫu cho phước báu muôn trùng
Một lòng kính Phật khiêm cung nhân từ
Bảy lời phát nguyện nhất như
Giữ gìn trọn vẹn con đường Thánh nhân
Hiếu dưỡng cha mẹ thâm ân
Kính bậc trưởng thượng Đạo tâm vun bồi
Cẩn trọng từng ý từng lời
Chân thành hòa ái cho người thương nhau
Có gì tồn tại mãi đâu
Tham lam sân hận khổ sầu mà thôi
Nên lòng chẳng dám buông lơi
Cúng dường bố thí giúp người an vui
Tâm hồn buông xả thảnh thơi
Hương thiền nhẹ bước thoát đời trầm luân
Quay về an trú toàn thân
Biết từng hơi thở tâm dần lắng yên
Giữ hơi thở ít, chậm, êm
Trí tuệ sáng tỏ bên thềm trăng soi
Tâm thành lễ Phật không ngơi
Trọn lòng tôn kính muôn đời chẳng phai
Cúi xin phước đức của Ngài
Che chở cứu giúp muôn loài thoát ra
Sống đời hiền thiện thật thà
Sinh về cõi giới muôn vàn ánh dương
Lời Phật mở lối soi đường
Một lòng tin kính tựa nương muôn đời.

Nam mô Thiên Chủ Đế Thích (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x