Phật dạy về Kẻ Ngu Si và Người Trí Tuệ, Địa Ngục và Cõi Trời

Một buổi chiều ở tinh xá Kỳ Viên, chư Tăng vân tập về giảng đường dần. Các tỳ kheo Ni cũng qua rất đông để mong được nghe Đức Phật thuyết pháp. Đức Phật đến, chư Tăng quỳ chắp tay xá chào. Đức Phật ngồi lên pháp tòa, và nói chuyện. Đức Phật bảo:

Phật dạy về Kẻ Ngu Si và Người Trí Tuệ, Địa Ngục và Cõi Trời -

– Này các tỳ kheo, thế nào là người ngu si? Đừng nghĩ rằng người ngu si là người ít hiểu biết các kiến thức trên đời. Người ngu si là người chọn làm điều ác độc, sai trái trong khi lẽ ra có thể chọn làm điều thiện lành hơn. Đủ tam nghiệp thân khẩu ý đều bất thiện thì đây đúng là kẻ ngu si hoàn toàn.

Điều đau khổ đầu tiên mà kẻ ngu si phải chịu đựng đó là sự ác cảm của mọi người. Ở đâu hắn cũng bị người ta xầm xì bàn tán chê trách, mà những điều chê trách đó là có thật nên hắn rất ngại ngùng khổ tâm. Người ta chê trách hắn về những tà hạnh như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nghiện ngập. Người ta chê trách hắn về tâm tính ích kỷ, nói năng thô lỗ, chẳng bao giờ biết ra tay giúp đỡ ai, không biết kính trọng bậc Thánh, không biết thương kẻ khốn cùng, đã chiếm đoạt tài sản của người khác, đã mưu hại làm chết người, đã bội bạc tình cảm của phụ nữ, hay lừa lọc gian xảo…

Điều đau khổ thứ hai mà kẻ ngu si phải chịu đựng đó là cứ nơm nớp lo sợ sự trừng phạt của vua chúa, của pháp luật. Khi nghe có một tù nhân bị hành hình bằng những hình phạt thảm khốc như bị chém, bị thiêu, bị hành hạ thì kẻ ngu cứ thấy như mình cũng sắp bị như vậy. Tâm loạn động sợ hãi bất an cùng cực.

Này các tỳ kheo, điều đau khổ thứ ba mà kẻ ngu si phải chịu đựng đó là bị ám ảnh bởi tội lỗi của mình. Những điều ác đã làm sẽ dày vò nội tâm của hắn không yên được, nhất là khi không có việc gì để làm cho quên đi. Hắn cũng mơ hồ cảm nhận được rằng với các tội lỗi đã gây tạo thì chắc là hắn sẽ bị đọa làm thú vật sau khi chết. Hắn tự buồn khổ vì đã gây ra nỗi buồn khổ cho những chúng sinh khác.

Này các tỳ kheo, cuối cùng rồi khi chết, thân hoại mạng chung, kẻ ngu si này phải đọa vào cõi dữ là ác thú, đọa xứ, địa ngục. Những nơi đọa xứ ấy thì thật là chẳng có gì tốt đẹp, rất khổ sở, rất vất vả. Còn địa ngục thì rất khó có một ví dụ nào để diễn tả hết sự đau khổ trong đó.

Đức Phật im lặng một thoáng, một tỳ kheo chắp tay thưa:

– Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn cho chúng con một ví dụ về nỗi khổ của địa ngục ạ.

– Cũng có thể được. Này các tỳ kheo, ví dụ như các binh sĩ bắt được một tên cướp tàn độc đã giết hại nhiều người, và đem tên cướp đó đến giao trước mặt vua để tâu cáo trạng với các bằng chứng không thể chối cãi. Vua bèn ra lệnh hãy trói tên cướp này ở sân, buổi sáng đâm nó 100 ngọn giáo, nếu chưa chết thì buổi trưa đâm thêm 100 ngọn giáo, nếu vẫn chưa chết thì buổi chiều đâm thêm 100 ngọn giáo nữa.

Này các tỳ kheo, các ông nghĩ thế nào về sự thống khổ của một người bị đâm 300 ngọn giáo?

Tôn giả Maha Kaccayana ngồi gần Đức Phật lên tiếng đáp:

– Bạch Thế Tôn, chỉ cần đâm một ngọn giáo vào da thịt thì cũng đau đớn đến dường nào chứ nói chi đến 300 ngọn giáo.

Đức Phật đưa tay xuống phía dưới đất liền có một viên sỏi nhỏ bay lên tay của Đức Phật. Đức Phật đưa viên sỏi nhỏ lên hỏi:

– Này các tỳ kheo, viên sỏi này với ngọn núi Tuyết Sơn Himalaya thì so sánh thế nào đây?

Tôn giả Maha Kaccayana ngồi gần Đức Phật đáp thay cho chúng Tăng:

– Bạch Thế Tôn, viên sỏi nhỏ bé này làm sao có thể so sánh với ngọn Tuyết Sơn bao la bao phủ lên rất nhiều lãnh thổ ở phương Bắc kia. Chưa ai dùng phép gì để so sánh sự lớn nhỏ của viên sỏi và ngọn Tuyết Sơn được cả ạ.

– Cũng vậy, này các tỳ kheo, sự đau đớn mà kẻ tội phạm bị đâm 300 ngọn giáo kia phải chịu đựng chẳng thể nào so sánh nổi với sự đau đớn ở địa ngục, cũng giống như ta không thể so sánh viên sỏi nhỏ với ngọn Tuyết Sơn vậy. Sự đau khổ ở địa ngục là gấp triệu triệu lần nỗi đau đớn của việc bị đâm 300 ngọn giáo.

Này các tỳ kheo, các cai ngục lấy năm cọc nung đỏ đóng lần lượt vào hai bàn tay, hai bàn chân, và giữa ngực. Tội nhân đau đớn biết dường nào nhưng không thể chết đi đâu được vì đã chết rồi không chết nữa.

Này các tỳ kheo, các cai ngục bắt nó nằm xuống rồi lấy búa chặt nó từ đầu đến chân, rồi dùng xe kéo nó lết qua lết lại trên đống than hồng cháy rực.

Này các tỳ kheo, các cai ngục cột ngược đầu nó lên, nhúng nó vào chảo dầu sôi sùng sục, nhúng cho dầu sôi ngập hết cả thân người…

Này các tỳ kheo, dù ta nói rất nhiều về địa ngục vẫn không làm sao nói hết nỗi thống khổ ở địa ngục vì đau khổ ở địa ngục là quá nhiều.

Toàn chúng hội im lặng chiêm nghiệm. Đức Phật lại bảo:

– Này các tỳ kheo, có những kẻ ngu si ác độc chỉ biết hưởng thụ, sau khi chết bỏ thân này liền sinh vào loại bàng sinh (bò ngang) chỉ ăn cỏ lá như ngựa, trâu, bò, lừa, dê, nai…

Này các tỳ kheo, có những kẻ ngu si ác độc chỉ biết hưởng thụ, sau khi chết bỏ thân này liền sinh vào loài bàng sinh ăn phân hay xác thối như gà, heo, chó rừng, dã can.

Này các tỳ kheo, có những kẻ ngu si ác độc chỉ biết hưởng thụ, sau khi thân hoại mạng chung liền sinh vào loài ở trong bóng tối, để rồi già trong bóng tối và chết trong bóng tối trong hốc trong hang như các loài côn trùng con giòi, sâu, đom đóm, con sùng…

Này các tỳ kheo, có những kẻ ngu si ác độc chỉ biết hưởng thụ, sau khi thân hoại mạng chung liền sinh vào các vùng nước, để rồi già trong nước và chết trong nước như cá, tôm, rùa, cá sấu, lươn…

Này các tỳ kheo, có những kẻ ngu si ác độc chỉ biết hưởng thụ, sau khi thân hoại mạng chung liền sinh vào loài ở trong chỗ dơ bẩn hôi thối như xác chết, đống phân, cá thúi, hầm phân, để rồi già ở trong đó và chết ở trong đó như bọ hung, giòi, giun…

Này các tỳ kheo, dù Ta có khéo nói thế nào cũng không thể nói hết những nỗi thống khổ mà loài súc sinh phải chịu đựng vì quả thật đau khổ của chúng là quá nhiều.

Toàn chúng hội im lặng chiêm nghiệm lời Đức Phật dạy.

– Này các tỳ kheo, hãy để Ta nói với các ông ví dụ đau lòng này. Ví dụ như có một khúc cây có cái lỗ bộng ở giữa rất dễ cho con vật bám vào. Có người ở trên chiếc thuyền giữa biển ném khúc cây đó xuống biển cho trôi đi. Khúc cây đó sẽ trôi dạt theo gió và theo các cơn sóng, khi thì từ Tây qua Đông, khi thì từ Nam lên Bắc. Rồi lại có một con rùa mù nằm ở dưới đáy biển muốn tìm lên cạn cho thay đổi môi trường nên tìm cách nổi lên mặt biển giữa đại dương bao la, hy vọng tìm bám được vào một khúc cây bộng nào đó mà nó vô tình chạm được.

Này các tỳ kheo, giữa đại dương bao la sóng gió, khúc cây nổi trên mặt nước trôi qua trôi lại, con rùa mù nổi lên tìm khúc cây vài giờ rồi lại phải mệt mỏi chìm xuống đáy biển tìm thức ăn, chừng nào thì sẽ có cơ hội cho con rùa mù gặp được khúc cây để bám vào?

Tôn giả Kimbila ngồi gần Đức Phật trả lời thay cho đại chúng:

– Bạch Thế Tôn, cơ hội để cho con rùa mù vô tình nổi lên chạm vào khúc cây là dường như bằng không ạ. Hay có thể nói lạc quan hơn thì cơ hội đó là một triệu lần thì chỉ có một lần hy vọng.

– Này các tỳ kheo, Ta tuyên bố rằng cơ hội để cho con rùa mù gặp được khúc cây bộng kia còn dễ hơn cơ hội cho những kẻ ngu si ác độc chỉ biết hưởng thụ đã đọa vào ác đạo rồi có thể trở lên làm người.

Vì sao vậy, này các tỳ kheo, vì khi đọa làm súc sinh, chúng không hề có một chút đạo lý để tu dưỡng, không có một chút thiện tâm, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, chỉ có đoạt mạng sống thứ gì yếu hơn mình để làm thực phẩm, nghiệp chồng lên nghiệp, nghiệp cũ chưa trả xong lại gây nên ác nghiệp mới.

Này các tỳ kheo, nếu nhờ một duyên phước xa xưa nào đó mà kẻ ngu si kia được sinh lên làm người thì chúng sẽ sinh trong những gia đình hạ tiện, khốn khổ, thiếu thốn, thân thể tàn tật, gương mặt xấu xí, quần áo rách rưới, không có đủ cơm ăn, không có nhà cửa để ở… Chúng lại khởi ác tâm để gây đau khổ cho chúng sinh, và nhanh chóng chết yểu để đọa lại vào cõi dữ, địa ngục, ác thú như trước kia.

Này các tỳ kheo, ví dụ như có một người đánh bạc bị thua hết tất cả tiền, rồi lại đem vợ con nhà cửa ra để gá bạc đánh tiếp, lại thua nữa, rồi hắn điên tiết vay mượn thật nhiều đánh canh bạc cuối cùng với hy vọng gỡ lại vợ con nhà cửa tài sản đã mất. Nhưng nơi canh bạc cuối cùng này hắn cũng thua trắng tay. Vì không có tiền vàng để trả nợ nên hắn bị bắt lên quan phủ trị tội giam nhốt.

Này các tỳ kheo, kẻ ngu si ác độc chỉ biết hưởng thụ còn thua nặng nề hơn kẻ đánh bạc kia. Nơi kiếp người cuối cùng này hắn thiêu đốt hết tất cả phước quá khứ của mình bởi thân làm ác, miệng nói ác, và ý suy nghĩ ác, và sau đó chết đọa vào ác thú, cõi dữ, hay địa ngục. Đó là nơi đến cuối cùng của những kẻ ngu si ác độc.

Lác đác có một số cư sĩ đến thăm tinh xá vào buổi chiều cũng rón rén ngồi xuống nghe ở ngoài sân.

– Này các tỳ kheo, thế nào là người có trí tuệ?

Này khác tỳ kheo, người có trí tuệ không phải là người có quá nhiều kiến thức, nhưng chính là người khôn ngoan chọn lựa lối sống hiền thiện, hiền thiện cả trong hành động, lời nói và ý nghĩ.

Này các tỳ kheo, hỷ lạc thứ nhất mà người có trí tuệ hiền thiện đạt được chính là tiếng lành đồn xa. Dù là trước mặt hay sau lưng, người có trí tuệ hiền thiện sẽ được nhiều người tán dương ca ngợi như sau, quý vị có biết chăng, đó là một người tử tế hay bố thí giúp đỡ, hay khuyên bảo dẫn dắt, hay hòa giải kết nối, biết kính trọng bậc Thánh, biết thương xót kẻ nghèo khổ, biết nhẫn nhục khi bị xúc phạm, biết khiêm tốn khi được ngợi khen, không bao giờ sát sinh ngược đãi các loài, không bao giờ nghiện ngập say sưa, không bao giờ gian tham trộm cắp, không bao giờ tà hạnh dâm dục, không bao giờ nói năng bậy bạ…

Này các tỳ kheo, niềm vui thứ hai của người trí tuệ hiền thiện là không lo sợ gì về luật pháp trừng phạt. Khi nhìn thấy quân binh bắt giam hành hạ các tội nhân, người trí tuệ hiền thiện không có gì phải lo lắng sợ hãi chột dạ. Người này có sức mạnh tự tin bởi đời sống chân chính tốt đẹp của mình.

Này các tỳ kheo, niềm vui thứ ba của người trí tuệ hiền thiện là lòng thư thái yên tâm về mình vì những nghiệp lành bảo vệ nội tâm và đời sống của vị đó. Khi vị đó đi hay đứng, ngồi hay nằm, về nhà hay ra ngoài, ban ngày hay ban đêm, đều cảm thấy thư thái dễ chịu. Vị đó nghĩ rằng vì ta chẳng làm điều gì có lỗi nên không có gì phải hối tiếc sầu muộn.

Này các tỳ kheo, niềm vui thứ tư của người trí tuệ hiền thiện là sau khi chết bỏ thân người này sẽ được sinh về Thiên giới. Hạnh phúc của Thiên giới thì viên mãn, tràn đầy, khả ái, bao la. Ta có nói rất nhiều cũng không nói hết được niềm vui hạnh phúc của Thiên giới.

Lúc đó Tôn giả Maha Kappina (Kiếp Tân Na) chắp tay thưa:

– Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn cho chúng con một ví dụ để chúng con có thể hình dung hạnh phúc của Thiên giới ạ.

– Này các tỳ kheo, hãy nghe ví dụ này để hình dung hạnh phúc của Thiên giới. Ví như có một vị chân mệnh đúng là Chuyển Luân Vương bá chủ của thế giới. Mọi điều tốt đẹp sẽ tự nhiên kéo đến bao quanh để tôn lên giá trị của của vị Chuyển Luân Vương này. Trời đất thay đổi, mùa màng tốt tươi, lòng người tôn kính, kho đụn tràn đầy, bạc vàng bày lộ, binh tướng hùng mạnh… Danh tiếng uy đức của vị Chuyển Luân Vương này lan ra khắp bốn phương tám hướng khiến cho các nước đều đem lòng kính ngưỡng. Dân chúng và triều đình các nước ở khắp cõi Đại địa này đều nhất tâm quy phục. Mỗi nước đều gửi phái bộ đến dâng hết ấn tín để xin quy phục dưới sự cai trị của vị Chuyển Luân Vương này.

Này các tỳ kheo, rồi từ trên trời cao có các người ở thế giới khác đem đến tặng các phương tiện di chuyển đặc biệt. Các loại xe bay quý báu này có thể bay trên không trung, có thể lặn xuống biển sâu, di chuyển nhanh như tia chớp, đi quan sát khắp tất cả đại địa rồi trở về hoàng cung chỉ trong một buổi sáng.

Này các tỳ kheo, vị Chuyển Luân Vương này lại sẽ được các nguồn năng lượng vô tận, có thể thắp sáng đêm ngày thay cho mặt trời và mặt trăng. Các đạo quân của Chuyển Luân Vương có thể hành quân bất cứ lúc nào với các vầng ánh sáng vô tận đó để giữ gìn các chốn được bình yên không có trộm cướp quấy phá.

Này các tỳ kheo, vị Chuyển Luân Vương này sẽ cưới được người vợ quý báu tuyệt sắc giai nhân như Thiên nữ cõi Trời, thân thể tỏa hương thơm hoa sen, tâm ý nhu thuận, giỏi giang quán xuyến, chung thủy sắt son, luôn làm đẹp lòng quân Vương của mình.

Này các tỳ kheo, vị Chuyển Luân Vương đó sẽ thu nạp được các quan thần quý báu lỗi lạc, có thể cáng đáng giúp Vua mọi việc như cai trị dân chúng, tích lũy kho tàng, thiết kế tổ chức, đem lại sự thịnh vượng cho toàn cõi nhân gian.

Này các tỳ kheo, vị Chuyển Luân Vương đó sẽ thu nạp được các tướng quân quý báu xuất sắc, am tường chiến đấu, có thể đào tạo chỉ huy quân binh trở nên hùng mạnh để giữ yên cõi nước không bị giặc cướp quấy nhiễu loạn lạc.

Này các tỳ kheo, vị Chuyển Luân Vương có bốn như ý đức: Một là dung mạo thân tướng cực kỳ đẹp đẽ rực rỡ giữa muôn người; hai là tuổi thọ gấp đôi gấp ba người bình thường; ba là cơ thể khỏe mạnh vô bệnh; bốn là chung quanh Vua tràn ngập tình yêu thương của Vua cho mọi người và mọi người cho Vua.

Này các tỳ kheo, như vậy các ông thấy hạnh phúc của vị Chuyển Luân Vương đó có đặc biệt không?

Tôn giả Nanda buột miệng nói lên:

– Bạch Thế Tôn, chỉ cần một điều trong các đặc điểm trên thôi cũng là hạnh phúc vô cùng, huống hồ là đủ cả bốn đức như ý và bảy điều quý báu kia.

Đức Phật lại cầm viên sỏi đưa lên và nói:

– Này các tỳ kheo, viên sỏi này so với núi Tuyết Sơn Himalaya thì thế nào?

Tôn giả Nanda đáp:

– Bạch Thế Tôn, so với Tuyết Sơn thì viên sỏi này là vô nghĩa.

Này các tỳ kheo, hạnh phúc của vị Chuyển Luân Vương bá chủ thế giới đó cũng thật là vô nghĩa nếu đem so sánh với hạnh phúc của Thiên giới.

Lúc đó, ngoại trừ các Tôn giả A La Hán, còn lại chúng hội cả tỳ kheo, tỳ kheo Ni, cư sĩ đều ồ lên kinh ngạc.

Này các tỳ kheo, như một người trí tuệ hiền thiện sống giữa đời được nhiều phúc báo giàu có sung mãn, lại biết tu dưỡng đạo đức sâu xa, tâm từ bi rộng lớn, luôn nghĩ cho người chứ không ích kỷ nghĩ cho mình, vừa biết giúp đỡ mọi người mà cũng biết khuyên bảo dạy dỗ mọi người tu dưỡng, lúc nào cũng kiểm soát ba nghiệp thân khẩu ý không cho phạm lỗi lầm… Người trí tuệ hiền thiện như thế sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về Thiên giới với hạnh phúc còn lớn vô vàn hơn hạnh phúc của vị Chuyển Luân Vương bá chủ thế giới kia.

– Này các tỳ kheo, cũng như một canh bạc khó đoán trước kết quả, nhưng người trí tuệ hiền thiện đã đánh một canh bạc cuộc đời với tất cả đạo đức và khôn ngoan, biết chọn lựa con đường sáng nên đã thắng lớn với kết quả là hưởng được hạnh phúc của Thiên giới phi thường.

Vẻ hoan hỷ hiện ra nơi gương mặt của tất cả hội chúng. Ai cũng reo vui vì bài thuyết Pháp tuyệt vời này.

(St)

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x