KINH CHÁNH TINH TẤN – Con Đường Khai Mở Thiền Định Để Chứng Đạt Tâm Linh, Giác Ngộ

KINH CHÁNH TINH TẤN KINH CHÁNH TINH TẤN - Con Đường Khai Mở Thiền Định Để Chứng Đạt Tâm Linh, Giác Ngộ -


Như vầy con đã nghe, một thời Thế Tôn trở lại Tinh xá Lộc Uyển. Khi ấy, đại chúng đồng lòng quy tụ, thành kính lắng nghe Thế Tôn thuyết giảng lại bài Pháp Tứ Diệu Đế, như là bản tuyên ngôn bất diệt của mười phương ba đời chư Phật. Sau đó, Tôn giả Xá Lợi Phất thay Thế Tôn giảng giải tường tận về Pháp Tứ Đế vi diệu thâm sâu:
Này đại chúng, khi Chánh Mạng đã thuận lợi, việc nuôi sống bản thân đã ổn định thoải mái, hành giả bắt đầu bước vào Chánh Tinh Tấn, thực hành thiền định nhiếp tâm để chứng đạt tâm linh giác ngộ.

Chánh Tinh Tấn chính là giai đoạn dụng công thiền định ban đầu, chưa có kết quả, nhưng cần phải hiểu rõ toàn bộ lộ trình tu tập, giống như người lữ hành trước hành trình cần bản đồ chi tiết rõ ràng, nắm vững từng chặng đường, từng bước đi một cách cẩn thận.

Trong giai đoạn này, hành giả phải chọn đúng pháp môn theo lời dạy của Thế Tôn, tránh xa những giáo lý huyền hoặc, cao siêu của ngoại đạo. Những tà kiến ấy tuy nghe cao siêu nhưng lại sai lầm, khiến người tu không được lợi ích, thậm chí rơi vào rối loạn tâm thức, đau khổ vô cùng.

Nhưng dù có pháp môn đúng, hành giả cũng không thể có kết quả thiền định nhanh chóng mà phải rất kiên nhẫn đúng như ý nghĩa Tinh Tấn.
Này đại chúng, có hai con đường dẫn vào thiền định là ChỉQuán. Chỉ là kỹ thuật, Quán là đạo lý quán chiếu. Hành giả phải thực hành một số kỹ thuật từ căn bản đến nâng cao, và cũng phải quán chiếu những đạo lý từ đơn giản đến sâu xa tinh tế.

Hành giả phải tập ngồi kiết già hoa sen noi theo Mười phương ba đời Chư Phật đã thực hành mà chứng đạo. Ngồi kiết già ban đầu là khó khăn vì tâm chưa yên mà chân bị đau và tê rất khó chịu, nhưng kiên nhẫn chịu đựng cũng là rèn luyện đức tính kham nhẫn. Hành giả tập ngồi đúng tư thế: lưng thẳng, thân mềm mại mà bất động, hai chân đan vào nhau, hai bàn tay đặt ngửa lên nhau trên chân, hai cánh tay không ép sát thân, mắt nhìn xuống, miệng ngậm, lưỡi đặt lên nướu răng trên nhẹ nhàng.

Hành giả tập Điều Thân cho ổn định, nhờ cố gắng giữ thân đúng tư thế, mềm mại và bất động, mà tạo ra cái biết toàn thân giúp tâm được Tỉnh Giác hơn.
Này đại chúng, khi điều thân thuần thục khiến cho tâm có chút tỉnh giác, cảm giác toàn thân hiện ra rõ hơn. Lúc ấy, hãy quán chiếu một sự thật hiển nhiên: thân này là Vô thường, rồi sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết, sau khi chết thân xác từ từ tan hoại, xương cũng mục thành đất bụi.

Bước đầu quán chiếu đạo lý chính là suy gẫm về sự vô thường của thân. Thân thể này là cuộc sống thực tế nên sự chấp thân là rất mạnh mẽ. Vì chấp thân mà chúng sinh sinh ra biết bao lầm chấp, để rồi tâm bị trói buộc trong vô số phiền não. Thường xuyên quán chiếu về Thân vô thường giúp phá dần chấp thân và nhẹ đi nhiều cái chấp khác.
Khi biết rõ toàn thân, cảm giác toàn thân, hành giả quán chiếu suy gẫm về sự vô thường của thân. Tâm có chút yên lắng tỉnh giác, hành giả sẽ nhận ra thân này đang thở vào, thân này đang thở ra. Theo dõi hơi thở như thế, tâm sẽ được an lạc hơn, ít vọng tưởng hơn.

Điều thân là kỹ thuật (Chỉ), biết rõ toàn thân cũng là kỹ thuật (Chỉ), quán Thân vô thường là đạo lý (Quán), rồi biết hơi thở vào ra lại là kỹ thuật (Chỉ). Các phép Chỉ và Quán cứ dẫn dắt nhau trong tiến trình tu tập thiền định là như vậy.

Hơi thở là sợi dây kết nối giữa Thân và Tâm, giữa Danh và Sắc. Ai kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được nội tâm. Hơi thở vào biết rõ hơi thở vào, hơi thở ra biết rõ hơi thở ra, khéo biết nhưng không dằn ép hay điều khiển hơi thở cho nhiều, cho dài, cho mạnh.

Khi theo dõi hơi thở như thế, hành giả nhận ra rằng nguồn xung động của vọng tưởng nằm ở dưới thân chứ không phải trên đầu. Chú ý trên đầu không chặn được vọng tưởng, mà còn khiến tâm trí thêm căng thẳng, mệt mỏi. Hành giả chú ý xuống thân, đặc biệt là vùng bụng dưới, tâm bớt vọng tưởng.
Cảm giác toàn thân cũng là kỹ thuật giúp tăng tỉnh giác nhiều hơn vì các giác quan, xúc giác, đang âm thầm hoạt động trên khắp tấm thân rộng lớn. Cảm giác toàn thân một cách chủ động sẽ hình thành sự tỉnh giác, giúp hành giả không bị vọng tưởng dẫn đi.

Mười phương Ba đời Chư Phật ngồi kiết già đều đan hai chân và hai bàn tay lại với nhau đặt trước bụng. Tư thế này giúp chú ý nhiều hơn ở bụng dưới, vì đó mới là nguồn xung động của vọng tưởng. An trú dưới bụng giúp vọng tưởng bớt đi rất nhiều.

Này đại chúng, quán thân vô thường là một đạo lý căn bản để quán chiếu giúp hành giả đối diện với sự thật. Khi đối diện với sự thật, tâm liền tỉnh giác hơn.
Còn nhiều sự thật cần quán chiếu dần để gột bỏ lầm chấp, giúp tâm từng bước đi sâu vào thiền định. Chẳng hạn như, hành giả quán chiếu: Thế gian này vô thường, hư ảo, đầy rẫy ngang trái và khổ đau; Đời sống muôn loài chỉ là sự bươn chải vất vả, nhọc nhằn khổ đau; Thân này vốn bất tịnh mà hàng ngày ta đều phải đối phó xử lý; Chúng sinh bị chi phối bởi những ham muốn tầm thường, để rồi tạo ra vô số tội lỗi để đạt được những điều tầm thường ấy; Một tâm hồn khô khan, ích kỷ chính là sự bế tắc u mê. Muốn vượt thoát vô minh, phải khởi lòng từ bi, yêu thương tất cả…

Này đại chúng, tham lam, sân hận, đố kỵ, kiêu mạn, vô trách nhiệm là những tâm bất thiện khiến chúng sinh mãi chìm trong tăm tối.
Muốn thoát khỏi vô minh, hành giả phải quán chiếu để diệt trừ các tâm bất thiện đó. Nhưng diệt trừ không có nghĩa là làm gì để diệt, vì các tâm bất thiện vô hình, không tìm thấy dấu vết cụ thể. Chỉ cần BIẾT rằng trong tâm này đang bị thiêu đốt bởi kiêu mạn, ích kỷ, tham lam, sân hận, đố kỵ, vô trách nhiệm… thì tự nhiên lâu ngày các tâm bất thiện đó sẽ mất dần. Nhìn thấy sự thật này, tâm xuất hiện tỉnh giác, đó là quy luật tự nhiên.

Nếu ai hỏi rằng có cần quán chiếu về những thiện tâm như tử tế, rộng lượng, từ bi, khiêm hạ, vị tha, có trách nhiệm… hay không, thì hãy biết rằng, tự cho mình có những phẩm chất ấy là sai lầm. Sai lầm thứ nhất là tập trung nhìn ưu điểm của mình làm phát sinh kiêu mạn. Sai lầm thứ hai là càng nhìn vào ưu điểm của mình thì ưu điểm ấy sẽ mất dần chẳng còn nữa.
Khi tâm bớt vọng tưởng, tự nhiên sức chú ý của tâm sẽ lắng sâu xuống bụng dưới. Hành giả sẽ hiểu rõ rằng thực sự nguồn xung động của vọng tưởng chính là ở rất sâu từ dưới bụng chứ không phải trên đầu. Ai dù chưa bớt vọng tưởng nhưng đã khéo lắng tâm chú ý ở dưới bụng cũng sẽ dễ kiểm soát vọng tưởng hơn.
Lúc này, hành giả sẽ hiểu tại sao Mười Phương Ba Đời Chư Phật đều dạy ngồi thiền trong tư thế kiết già, đặt hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân tụ lại ở bụng dưới, giúp cho tâm dễ lắng trụ dưới đó hơn.

Những ai không hiểu điều này, ngồi thiền trụ tâm lên đầu, chẳng bao lâu phát sinh nhiều bệnh. Trụ tâm ở dưới bụng thấp cũng là một kỹ thuật (Chỉ) hỗ trợ rất lớn cho việc nhiếp tâm thiền định.
Khi có thêm sức tỉnh giác, hành giả sẽ khéo léo giữ cho hơi thở CHẬM-ÍT-ÊM, chứ không còn thở nhiều, thở mạnh, thở nhanh. Hơi thở có liên quan đến Thân thể và Tâm thức, thế nên khi Hơi thở êm dịu nhỏ nhiệm thì Thân thể và Tâm thức cũng yên tĩnh dần.

Nhiều người lầm tưởng rằng thở nhiều sẽ giúp tập trung hơn, nhưng không phải vậy, càng cố gắng thở nhiều càng bị căng thẳng, bất an, mất kiểm soát vọng tưởng. Ngược lại, không để ý đến hơi thở, hoặc thở quá ít, cũng làm mất kiểm soát vọng tưởng. Vọng tưởng vô hình đến và đi không đoán trước nên không thể trực tiếp ngăn chặn vọng tưởng, mà chỉ có thể thông qua trung gian hơi thở để nắm được tâm.

Sau khi khéo léo giữ hơi thở CHẬM – ÍT – ÊM, lúc nào đó, bất ngờ hành giả tìm thấy hơi thở có cường độ vừa đủ để DÍNH VỚI TÂM. Hơi thở nhiều quá, nhanh quá, mạnh quá sẽ vuột khỏi tâm. Khi ấy dù có chú ý vào hơi thở thế nào cũng không nhiếp được tâm, chỉ là chú ý vào một mình hơi thở mà thôi. Nếu hơi thở quá ít, quá chậm, quá yếu cũng không dính với tâm, lại sẽ mệt tim vì thiếu không khí.
Chỉ với một cường độ thích hợp nhất, HƠI THỞ DÍNH VỚI TÂM. Khi ấy chú ý vào hơi thở cũng là giữ được tâm. Tâm và hơi thở theo nhau, hành giả có một trụ cột vững chắc giữa sóng gió nội tâm. Giống như một người giữa cơn bão tố nhờ có trụ cột để nắm giữ mà không bị giông bão cuốn đi.
Có một điểm nơi mà hơi thở và tâm dính với nhau, đó là điểm lơ lửng trong bụng dưới. Khi thấy được điểm này, hành giả vừa theo dõi hơi thở, vừa kiểm soát được tâm. Dù vọng tưởng chưa dừng hẳn nhưng không còn kéo tâm đi miên man, hành giả biết vọng tưởng nhưng không bị trôi theo vọng tưởng.

Khi thực hành thiền định dừng vọng tưởng, nhiều người lầm tưởng phải chú ý trên đầu mới nhiếp được tâm, ít ai ngờ rằng gốc của tâm nằm ở dưới bụng sâu, bộ não trên đầu chỉ là phần ngọn của tâm thức. Ai nôn nóng nhiếp tâm, gắng sức dừng vọng tưởng để vào định, chú ý căng thẳng trên đầu lại dễ sinh bệnh tật, thậm chí tâm thần.

Kỹ thuật đỉnh cao của Thiền chính là khi tìm được HƠI THỞ DÍNH VỚI TÂM. Hành giả từng bước đi qua các kỹ thuật: Biết rõ toàn thân, Biết thấp dưới bụng, Biết hơi thở mà không điều khiển, thở sao cho Chậm – Ít – Êm, cuối cùng là phải tìm ra Cường Độ Hơi Thở vừa đúng để Hơi Thở Dính Với Tâm. Từ đó chỉ theo dõi hơi thở tức là đã kiểm soát được tâm. Đừng cố tìm cách trực tiếp kiểm soát tâm kẻo sinh nhiều bệnh tật.

Khi tìm được Hơi thở Dính với Tâm, hành giả dễ kiểm soát tâm, sức tỉnh giác tăng lên và kéo dài, chuẩn bị thành tựu Chánh Niệm.
Nhưng khi tâm có vẻ yên lắng, hỷ lạc xuất hiện, dễ khởi tâm lý tự khen làm phát sinh kiêu mạn, nguy hiểm vô cùng. Hành giả phải quyết tâm tránh cho bằng được tâm lý kiêu mạn tự khen mình mỗi khi có chút tiến bộ trong thiền.

Khi tâm có chút yên lắng, sức tỉnh giác hiện ra khắp thân, hành giả biết toàn thân rõ ràng và có cảm giác chỉ cần an trú toàn thân, tâm sẽ yên dần. Nhưng không phải vậy. Nếu chỉ an trú toàn thân, sẽ càng chấp thân, ngược với đạo lý quán thân vô thường mà Thế Tôn đã dạy, nên sẽ bất an trở lại khi cố gắng tiếp tục an trú toàn thân.
An trú toàn thân là Kỹ thuật (Chỉ), hành giả cần đạo lý quán chiếu bổ sung. Khi toàn thân hiện ra rõ ràng, cảm giác toàn thân giúp hành giả có sức tỉnh giác cưỡng lại vọng tưởng, phải nhanh chóng tác ý Quán Thân Vô Thường, đừng chỉ an trú toàn thân mà đã cho là đủ.

Này đại chúng, nếu tìm được hơi thở có cường độ thích hợp để Hơi Thở Dính Với Tâm là đỉnh cao của phép Chỉ (kỹ thuật) trong thiền, thì hành giả cũng phải tìm được đạo lý để quán chiếu cho đến tận cùng của sự thật. Quán chiếu nghĩa là tác ý suy gẫm về những sự thật, mà điều đó khiến cho tâm tỉnh giác.

Nếu suy nghĩ sai lầm, tà tư duy, tâm sẽ từ từ trở nên điên loạn. Nếu suy nghĩ đúng đắn, Chánh tư duy, tâm sẽ dần trở nên điềm tĩnh. Còn nếu suy nghĩ về những sự thật, về bản chất tiêu cực của thân – tâm – cuộc sống sẽ giúp tâm xuất hiện sự tỉnh giác để đi vào thiền định.

Việc suy xét về bản chất tiêu cực của vạn hữu chính là quán chiếu theo đạo lý. Đây là phép Quán trong thiền định mà hành giả cần am tường.
Phép Chỉ, kỹ thuật nhiếp tâm không giúp gạn lọc hết vô minh chấp ngã, phải nhờ phép Quán để đạt đến viên mãn giác ngộ.
Sự thật ban đầu mà hành giả phải suy gẫm quán chiếu là sự vô thường của thân xác. Thân này rồi sẽ già, bệnh, chết, mục rữa chẳng còn gì.
Phải can đảm đối diện với già, bệnh, chết ngay khi còn khỏe mạnh, để buông bỏ những ham muốn tầm thường.
Ngày nào còn khỏe, còn sống, phải biết quý thời gian để làm điều thiện, tu hành, chớ uổng phí kiếp người vô nghĩa.

Sự thật tiếp theo, Thân vốn bất tịnh. Mọi thứ đưa vào miệng là sạch, nhưng khi ra khỏi thân liền thành dơ bẩn. Mọi việc tắm giặt, ăn mặc sạch sẽ chỉ để che đậy đôi chút, không thay đổi được bản chất bất tịnh nơi thân. Hành giả phải chiêm nghiệm sự thật này để biết nhàm chán, không đắm luyến thân này quá đáng, chỉ dùng thân để làm việc thiện và tu hành.

Thân này cũng là Kết tinh của Nghiệp từ vô lượng kiếp, tội nhiều hơn phước rất rõ ràng. Hành giả phải thấy thân cũng là Khối Tội từ vô lượng kiếp. Đó là sự thật cần quán chiếu sâu xa.
Thân này mang một kiết sử bản năng mãnh liệt là ham sống sợ chết, và bản năng đó thúc đẩy chúng sinh phải làm tất cả để được sống. Chúng sinh vất vả mưu sinh, giành giật hơn thua, tạo bao nghiệp dữ, vay trả không ngừng. Thân này thật là gánh nặng, nên người hiểu đạo phải biết dùng thân để tạo phúc, tu hành, đừng phí hoài công sức chỉ để giữ thân này tồn tại vô nghĩa.
Khi tâm có tỉnh giác, tự nhiên có cảm giác bao quanh thân, giúp hành giả dễ an trú tĩnh tâm. Lúc đó, hành giả dễ bị rơi vào lỗi an trú toàn thân, an trú trong cảm giác bình yên đó, thụ hưởng cảm giác bình yên đó, rồi khởi tâm kiêu mạn tự hào mà không hay, dần dần hết phước, lui lại động loạn như xưa.

Khi tâm xuất hiện trạng thái yên tĩnh, tỉnh giác, có cảm giác biết rõ toàn thân, phải nhanh chóng tác ý quán chiếu thân này là vô thường, thân này là tội lỗi. Sức tỉnh giác kéo dài tới đâu thì sự quán chiếu cũng kéo dài theo tới đó để không bị ngấm ngầm tác ý nắm giữ trạng thái yên tĩnh.

Khi tâm tỉnh giác yên tĩnh, phải quán chiếu sâu xa đến sự thật cuối cùng: Trạng thái này vẫn còn là Vô Minh và Tội Lỗi. Chừng nào chưa đạt Tam Minh Lục Thông, chừng đó vẫn còn Vô minh và Tội lỗi. Dù thiền định cao sâu đến đâu, tâm thức tiến bộ thế nào, vẫn còn là Vô Minh và Tội Lỗi. Hành giả phải ghi xương khắc cốt sự thật cuối cùng này cho đến ngày hoàn toàn giải thoát.
Này đại chúng, khi tỉnh giác hiện khắp thân, hành giả phải quán thân này là Vô Thường và Tội Lỗi. Khi tâm yên tĩnh, hỷ lạc phát sinh, phải quán trạng thái này vẫn còn Vô Minh và Tội Lỗi. Nghĩa là sự tiến bộ tới đâu thì sự quán chiếu cũng phải đi theo tới đó để kiềm giữ không cho kiêu mạn trỗi dậy, để giữ gìn đức hạnh hiền lành, để hướng về Vô ngã trọn vẹn.
Này đại chúng, khi tọa thiền, hành giả cố gắng tìm đến đỉnh cao kỹ thuật (CHỈ) là thở với cường độ thích hợp (Chậm Ít Êm) để Hơi Thở Dính Với Tâm. Từ đó chỉ cần kiểm soát hơi thở là kiểm soát được tâm.

Ngoài lúc tọa thiền, mỗi khoảnh khắc thời gian đều quán Thân này Vô Thường Tội Lỗi, Chính mình chỉ là Vô Minh Tội Lỗi. Dù thức hay ngủ, làm việc hay nghỉ ngơi, không phút giây nào buông lơi quán chiếu.
Này đại chúng, có những người có duyên mặc định là phải đắc đạo, dù dụng công tu hành chưa kỹ lưỡng, chưa đầy đủ, nhưng kết quả vẫn xuất hiện bất ngờ, rồi đem cách dụng công chưa trọn vẹn ấy truyền dạy cho nhiều người, gây nên rất nhiều tai hại. Bao người thực hành theo chẳng những không lợi ích, mà còn thêm tà kiến nguy hiểm.
Người không có duyên mặc định sẽ đắc đạo, đường tu vất vả gian lao, phải siêng dụng công kỹ lưỡng đầy đủ, chính xác từng chi tiết nhỏ, mới không bị tai hại, bệnh tật. Nhờ vậy về sau dạy người khác chi tiết tỏ tường, chứ không sơ sài, bóng gió xa xôi.

Này đại chúng, Công Đức Lành là yếu tố quan trọng trong việc tu thiền. Dù có nỗ lực hay có phương pháp đúng, nhưng thiếu công đức lành, thiền định vẫn không thể thành tựu. Vì thế hành giả phải luôn vun bồi công đức lành đến vô lượng vô biên.
Thiền định là kết tinh của một đời sống thánh thiện, đức hạnh, vị tha, tử tế, độ lượng, siêng năng, chứ không phải là vô trách nhiệm với chúng sinh. Chính đời sống thánh thiện đó giúp hành giả đạt được kết quả thiền định sâu xa.

Có hai công đức mà hành giả phải vun đắp mãi mãi là: Tôn kính bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, và Độ cho chúng sinh tu hành chứng ngộ.
Muốn tạo công đức từ việc Tôn kính các bậc A La Hán thì phải cung kính, cúng dường, thừa sự, lễ bái, vâng lời. Nhưng hành giả không thể theo lễ bái mãi làm các Ngài mất thời gian. Có thể thờ kính, lễ bái từ xa qua biểu tượng hoặc họa hình của vị A La Hán, vẫn được nhiều công đức.

Này đại chúng, khi tâm trở nên yên tĩnh, hành giả dễ khởi ý nghĩ từ bỏ tất cả, nên trở thành vô trách nhiệm với chúng sinh. Tà kiến này là hệ quả tất yếu phát sinh từ thiền định, mà hành giả cần phải vượt qua. Dù tâm có yên tĩnh, nhưng hạnh nguyện độ sinh không bao giờ chấm dứt, trách nhiệm với chúng sinh không bao giờ vơi cạn.
Chính vì luôn từ bi thương yêu tất cả, mà hành giả luôn cố gắng giúp đỡ hóa độ từng người. Đó cũng là tích lũy công đức cho vô lượng kiếp sau. Thánh quả giải thoát luôn là kết tinh của công đức lành vô lượng, chứ không phải thờ ơ với chúng sinh.

Này đại chúng, khi tâm có tỉnh giác, hành giả nhanh chóng phát hiện vọng tưởng vừa móng khởi, không bị cuốn theo, khiến nó tự biến mất. Thấy cách này hiệu quả, hành giả rời bỏ dưới bụng, chỉ chú ý trên đầu để canh chừng vọng tưởng khởi lên mà BIẾT cho kịp, đâu ngờ đã bỏ gốc theo ngọn, lâu ngày phát sinh nhiều bệnh tật.
Dù xuất hiện trạng thái tỉnh giác khiến hành giả dễ dàng phát hiện vọng tưởng từ sớm, thì vẫn phải giữ tâm phía dưới bụng, vì đó mới là gốc của tâm thức. Hành giả vẫn phải khéo léo giữ hơi thở dính với tâm, để kiểm soát tâm bằng cách kiểm soát hơi thở.

Rồi sau đó, dẫu đạt được trạng thái tốt đẹp nào, vẫn phải luôn tự nhắc trạng thái này vẫn còn Vô minh và Tội lỗi.
Này đại chúng, phải có công đức lành rất nhiều, một người mới có thể thường xuyên nhớ mình là Vô Minh Tội Lỗi. Nếu công đức chưa đủ, hành giả sẽ khi nhớ khi quên trong đời sống hằng ngày. Hành giả phải thường lễ kính các bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác để xin sám hối các nghiệp bất thiện từ quá khứ, vì chính những nghiệp này khiến hành giả khó thường xuyên nhớ tác ý chính mình chỉ là Vô minh Tội lỗi. Phải đủ quyết tâm để khi tâm đạt được bất cứ trạng thái mầu nhiệm nào cũng phải tự nhắc rằng trạng thái đó vẫn còn Vô minh Tội lỗi. Nhờ vậy mà không bị ý niệm kiêu mạn xuất hiện tàn phá hết công đức.

Khi luôn nhớ mình chỉ là Vô minh Tội lỗi, hành giả sẽ cảm nhận rằng suốt đời chỉ mong được nhớ chính mình là Vô minh Tội lỗi, chứ không còn mong chứng ngộ cao siêu.
Cúi lạy Phật từ bi gia hộ cho chúng con mãi mãi khắc ghi lời Kinh Chánh Tinh Tấn nhiệm màu, chân lý cao quý mà Chư Phật Mười Phương Ba Đời đều tuyên thuyết. Cúi lạy Ngài Xá Lợi Phất, bậc Đệ Nhất Trí Tuệ đã từ bi giảng giải nghĩa lý thâm sâu, dẫn dắt chúng con vững bước trên con đường giải thoát. Nguyện tất cả chúng sinh thành tựu ý chí kiên định phi thường, từng bước gây tạo vô lượng công đức, tinh tấn thực hành thiền định đúng phương pháp, mãi theo Phật đến bờ giác vô biên.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

5 2 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x