Đại Thế Chí Bồ Tát

Thanh liên một đỏa trừ uế trược
Kim tử hào quang chiếu mười phương
Đưa chân chấn động nghìn cõi nước
Cứu độ trần ai vạn nẻo đường.

Đại Hùng Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát (Mahasthamaprapta Bodhisattva) là vị Bồ Tát đại diện cho trí tuệ và hùng lực của mười phương ba đời chư Phật. Tên tiếng Phạn của Ngài là Mahasthamaprapta Bodhisattva, có nghĩa là “sự xuất hiện của uy lực vĩ đại”.

Ngài mang hạnh nguyện đi trong muôn nghìn kiếp sinh tử, dùng ánh sáng trí tuệ để soi đường cho chúng sinh lìa xa đau khổ, thoát khỏi màn đêm vô minh. Với hùng lực phi thường, Ngài thị hiện vào những hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm cùng cực, làm những việc khó làm, nhẫn những việc khó nhẫn, yêu thương hóa độ cả những chúng sinh cang cường trong Tam Ác Đạo.

Vì hào quang của Ngài chiếu khắp không cùng tận thế giới, cứu độ vô biên vô lượng chúng sinh nên có danh hiệu Vô Biên Quang Bồ Tát. Ngài cũng hiện thân cho hạnh tinh tấn phi thường, kiên trì không ngừng nghỉ, dùng mọi phương tiện để giáo hóa chúng sinh nên còn được tôn xưng là Đại Tinh Tấn Bồ Tát.

Đại Thế Chí Bồ Tát -

Đại Thế Chí Bồ Tát

I. CHÍ NGUYỆN PHI THƯỜNG

Tương truyền rằng, cách đây rất lâu xa hàng trăm ngàn ức kiếp, trong cõi nước của Đức Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai hóa độ, tiền thân Ngài là một Đồng tử hóa sinh từ hoa sen. Trước đại chúng, Ngài đã quỳ dưới chân Đức Như Lai thỉnh hỏi:

– Kinh bạch Đấng Lưỡng Túc Tôn, xin Người giảng cho chúng con và đại chúng được biết về sự cúng dường tối thẳng. Chúng con nguyện sẽ phụng hành.

Lúc bấy giờ, Đức Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai cất lời dạy:

– Này đại chúng, người nào phát khởi bồ đề tâm, hạnh nguyện cứu khổ tất cả chúng sinh chính là cúng dường tối thắng đến Bậc Chánh Giác. Dù có lấy vô số các trân châu, báu vật trang nghiêm tuyệt hảo trên đời để cúng dường, cũng chẳng bằng lấy từ tâm mà hóa độ chúng sinh, hướng về Phật Đạo vô thượng.

Sau khi Đức Như Lai dứt lời, Ngài lập tức phát lên đại nguyện:

– Kinh bạch Đức Như Lai, thưa đại chúng, chư vị Thiên Long Quỷ Thần, hôm nay trước Đấng Giác Ngộ, chúng con nguyện nói lên lời sư tử hống, phát khởi bồ đề tâm.

Chúng con từ nay về sau, sẽ vì chúng sinh mà đi trong sinh tử, tu hành hạnh Bồ Tát đến vô lượng vô biên. Nếu có mảy may sinh tâm thối chuyển thì tức là chúng con đã dối lừa cả mười phương chư Phật.

Khi Ngài vừa phát nguyện xong, lập tức năm châu bốn bể đều chấn động, âm nhạc vi diệu vang lừng, chư Thiên rải hoa bay khắp đất trời.

Một kiếp khác, trong cõi nước của Đức Bảo Tạng Như Lai, Ngài hóa thân là Thái Tử Ni Ma, con của Đức Chuyển Luân Vương. Thái Tử giữ gìn giới hạnh thân, khẩu, ý tinh nghiêm và đã thực hiện vô số công đức cúng dường lên Tam Bảo. Trước Đức Bảo Tạng Như Lai, Ngài bạch lên lời nguyện chí thành:

– Kính bạch Đức Như Lai, con xin nguyện dùng tất cả công đức của mình để hướng về đạo quả Vô Thượng, hóa độ tất cả chúng sinh. Nguyện khi thành tựu đạo quả, cõi nước của con sẽ vô cùng trang nghiêm rộng lớn và chúng sinh trong ấy đều hiền thiện và biết tu hành hạnh giải thoát.

Đức Bảo Tạng Như Lai quán chiếu công đức của Thái Tử, ấn chứng:

– Lành thay, này Thái Tử Ni Ma. Vì chúng sinh mà con đã phát khởi chí nguyện rộng lớn như vậy nên Như Lai sẽ đặt cho con danh hiệu là Đại Thế Chí Bồ Tát. Trong đời vị lai, trải qua muôn ngàn ức kiếp, con sẽ hóa độ vô lượng chúng sinh và chứng đạt đạo quả Vô Thượng với Phật hiệu là Thiện Trụ Trân Bảo Như Lai. Cõi nước của con thành tựu sẽ vô cùng thanh tịnh, rộng lớn bao la không biên giới, đúng như lời con đã ước nguyện.

II. HÌNH TƯỚNG

Đại Thế Chí Bồ Tát thường được người dân và Phật tử thờ kính bằng hình ảnh một vị Bồ Tát có thân tướng trang nghiêm, gương mặt hiền hậu, tâm định như mặt gương trong. Ngài mặc thiên y, tay cầm cành sen xanh với nhụy hoa là viên bảo châu Như Ý. Trên đỉnh nhục kế có búi tóc hình đóa sen, ở giữa là bình báu. Toàn thân Ngài tỏa ra hào quang vàng tử kim chói ngời khắp pháp giới.

Hình ảnh vị cư sĩ chính là hạnh nguyện nhập thế cứu độ chúng sinh. Cành sen xanh trên tay tỏa hương thơm thanh khiết, có công năng đưa chúng sinh vượt thoát khỏi bùn nhơ ngũ dục, tham sân si không thể làm nhiễm ô. Màu xanh của hoa sen chiếu sáng đến vô biên không cùng tận thế giới là trí tuệ và sức mạnh tinh tấn của chánh Định siêu việt, tịch lặng như biển trời bao la.

Hình ảnh của Ngài tượng trưng cho tinh thần đại bi, đại trí, đại dũng qua đó nói lên ý nghĩa người tu hành cần phải có bi trí dũng viên mãn mới có thể thành tựu được Phật đạo tột cùng cao thượng.

II. ĐẠI HÙNG – ĐẠI LỰC

Trong Kinh, Đức Phật dạy rằng:

“Bồ Tát nhân vì chúng sinh mà khởi lòng đại từ đại bi. Nhân vì lòng đại từ đại bi mà phát Bồ Đề tâm. Nhân phát Bồ Đề tâm mà thành ngôi Chánh Giác”.

Bồ Tát vì lòng thương xót chúng sinh mà thị hiện trong vô lượng kiếp sinh tử luân hồi để giáo hóa độ sinh. Khi đi trong sinh tử, Bồ Tát phải đối mặt với muôn ngàn khó khăn, nghịch cảnh, trở ngại bởi thế gian đầy rẫy những ác trược. Chúng sinh vì vô minh nên gây tạo đủ điều lầm lỗi. Có cả những chúng sinh cực kỳ cang cường, ngã mạn nhưng Bồ Tát sẽ vẫn phải kham nhẫn, kiên trì gieo nhân lành qua nhiều kiếp để chờ đợi thời cơ cảm hóa.

Vì thế, Bồ Tát cần thành tựu hùng lực vô biên, nhiếp thọ vô lượng cảnh giới sinh tử mà không một trở ngại. Đại diện cho hùng lực của tất cả các vị Bồ Tát và mười phương ba đời chư Phật, chính là Bồ Tát Đại Thế Chí.

Tương truyền rằng: “Chỉ cần Ngài nhấc chân lên, cả pháp giới rung chuyển. Ngài bước đến đâu, chúng sinh nơi đó đều lìa khổ, có được niềm an vui chân thật”.

Đại Hùng của Bồ Tát là năng lực tinh thần nhiếp hóa tất cả phiền não, hàng phục ma quân, hoàn toàn chiến thắng chính mình. Bồ Tát đi giữa cuộc đời đầy những tham lam, sân hận, nhiễm ô mà lòng hằng thanh tịnh. Đối mặt với vô số thử thách, gian nan nhưng tâm không mảy may xao động. Nội tâm của các Ngài định tĩnh hơn cả hư không.

Đại Lực của Bồ Tát chính là khả năng thù thắng và uy lực vĩ đại, chấn động tam thiên đại thiên thế giới, có thể phá tan hết những ác kiến, ngã mạn, si mê tăm tối trong tâm hồn của chúng sinh.

Bồ Tát có trí tuệ thấu hiểu mọi vấn đề của thế gian, thấy tường tận sự vận hành của luật Nhân quả và có thể biết rõ tâm tình, bản tính, căn cơ, nghiệp duyên của chúng sinh còn hơn cả chúng sinh biết về mình. Từ đó, các Ngài sẽ dùng mọi biện tài, phương tiện thiện xảo để tùy duyên mà giáo hóa.

Bởi đi trong sinh tử, xả thân vì chúng sinh nên Bồ Tát thành tựu được vô lượng công đức. Những công đức này tạo thành uy lực sáng chói, có thể chiến thắng được tất cả chướng ngại, khổ ải và giáo hóa được vô biên vô lượng chúng sinh.

Để thành tựu được Đại Hùng Đại Lực như thế, Bồ Tát đã trải qua vô lượng kiếp tu hành thậm thâm trí tuệ Bát Nhã. Đó là hạnh Vô Ngã, Vô Phân Biệt, không chấp Tướng, không cầu danh lợi, quyền lực hay bất cứ điều gì cho mình, không chấp các công đức đã làm.

Vì Vô Ngã tuyệt đối nên các Ngài làm gì, nghĩ gì cũng là vì chúng sinh. Vì Vô Phân Biệt nên lòng từ bi trải rộng khắp mọi loài một cách chân thật và bình đẳng, không kể giàu nghèo, quý tiện. Bồ Tát yêu thương hết chúng sinh các cõi từ trời, người, thiên long, quỷ thần, súc sinh, ngạ quỷ, thậm chí cả những chúng sinh xấu ác trong địa ngục để tìm cách hóa độ. Vì không chấp Tướng, nên Bồ Tát tự tại đối với mọi pháp thế gian, không dính mắc với bất kỳ điều gì của cuộc đời, dù đó có là vinh quang tột đỉnh hay đắng cay củng cực. Vì không chấp công đức đã làm, mà Bồ Tát hóa độ không ngừng nghỉ, không hạn định thời gian.

Trong đêm dài trầm luân sinh tử, Hùng Lực của Bồ Tát là tiếng sấm rền vang đất trời thức tỉnh chúng sinh khỏi cơn mê si ám, là thanh gươm báu chém tan những xiềng xích trói buộc trong tâm hồn, là sức mạnh thiêng liêng dẫn dắt chúng sinh vượt qua mọi chướng ngại để đến được bến bờ bình an hạnh phúc.

V. BỒ TÁT HỘ PHÁP

Với ý nghĩa “sự xuất hiện của uy lực vĩ đại”, Bồ Tát Đại Thế Chí còn là biểu tượng cho hạnh nguyện bảo vệ chánh Pháp của các vị Bồ Tát. Trong Phật giáo Tây Tạng, hiện thân của Ngài là Bồ Tát Kim Cương Thủ (Vajrapani), luôn âm thầm bảo hộ Tăng đoàn và những vị tu hành chân chính vượt mọi ác chướng trên con đường hoằng hóa độ sinh. Tại hầu khắp các ngôi chùa cổ Nhật Bản, Ngài được thờ kính với hình tượng một vị Hộ Pháp uy nghiêm, nằm trên tay cây sét trượng để dõi theo giữ gìn sự bình yên thanh tịnh cho mái già lam.

Chánh Pháp đến với thế gian giống như ánh mặt trời bừng tỏ cả màn đêm tăm tối, để rồi biết bao nhiêu thân phận được nâng dậy, biết bao tâm hồn xa lìa khổ đau tìm thấy được niềm hạnh phúc chân thật trên cuộc đời. Thế nhưng, đằng sau sự đẹp ngời ấy là từng giờ từng phút nỗ lực đương đầu với vô số những chống phá, mưu toan.

Ngay khi Đức Phật còn tại thế, sự chống phá đã vô cùng khắc nghiệt. Có những khi Đức Phật bị vu oan nói xấu, có những lúc Người phải đối mặt với sự ám hại ác hiểm mà tiêu biểu là những mưu đồ của Đề Bà Đạt Đa. Sự chống phá dù ngấm ngầm hay công khai nhưng cũng lớn hơn nhiều lần những gì dấu vết lịch sử còn lưu lại được. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Phật Pháp đã trải qua gần 2600 năm với biết bao biến cố thăng trầm chưa bao giờ được bình yên phát triển. Đặc biệt trong thời đại hôm nay, khi thế giới được dự đoán đang bước vào kỷ nguyên tâm linh của nhân loại thì việc bảo vệ chánh Pháp khó khăn hơn. Nếu không có sự hộ trì, Phật Pháp sẽ sớm lụi tàn, chúng sinh sẽ không được đón ánh sáng nhiệm màu của chính Pháp.

Để chúng sinh được bình yên tu hành, bí mật trên cao luôn có các vị Hộ Pháp Bồ Tát dõi theo bảo vệ. Các Ngài sắp xếp mọi chuyện, có khi giúp người tu hành sáng suốt để vượt qua những hiểm nạn nguy cấp. Bồ Tát giữ gìn đạo tâm tu hành, tạo cơ hội làm những việc công đức, hướng dẫn đi đúng con đường chánh Pháp… Hạnh nguyện của các Ngài kín đáo nhưng vĩ đại mênh mông, phủ trùm chở che tất cả chúng sinh. Chỉ cần có lòng thành kính và chí nguyện tu hành, chúng sinh sẽ không bao giờ cô đơn trên đạo lộ giải thoát giác ngộ.

Biết ơn điều đó, mỗi người đệ tử Phật cần thêm nỗ lực tinh tấn, huân tập lòng tôn kính Phật đến tột cùng, hiểu sâu đạo lý, làm nhiều việc phước thiện mà không chấp công để rèn luyện được bản lĩnh, trí tuệ để có thể tự bảo vệ đạo tâm của chính mình. Đồng thời, người Phật tử cũng cần phụ giúp chư Tăng, chư Ni giữ gìn nề nếp cho chùa, sách tấn huynh đệ đạo tràng tiến tu, cùng nhau đoàn kết bảo vệ sự trang nghiêm thanh tịnh cho đạo Pháp.

V. KẾT LUẬN

Đại Thế Chí Bồ Tát là vị Bồ Tát hiện thân cho trí tuệ và hùng lực của mười phương ba đời chư Phật. Bằng trí tuệ và đại nguyện lớn lao, Ngài đi trong vô lượng kiếp luân hồi để hóa độ khắp pháp giới chúng sinh. Ngài cũng biểu tượng cho hạnh nguyện bảo hộ chánh Pháp vĩ đại của chư Bồ Tát.

Hằng năm vào ngày vía của Đại Thế Chí Bồ Tát là mười ba tháng bảy âm lịch, Phật tử khắp nơi cùng hướng về Ngài với trọn niềm kính ngưỡng. Mọi người một lòng thực hiện các thiện nghiệp, phóng sinh, bố thí, đắp đường… để cúng dường công đức đến mười phương chư Phật cùng chư vị Bồ Tát.

Học theo hạnh của Ngài, chúng con nguyện tinh tấn tu hành và siêng năng học tập kinh điển, giáo lý để có trí tuệ vững bước trên con đường tìm về giác ngộ. Chúng con cũng nguyện dũng cảm dấn thân đi vào cuộc đời để làm lợi cho chúng sinh. Dù cho phải đối mặt với những hiểm nguy, chúng con cũng quyết đem chánh Pháp đến với cuộc đời, gieo vào lòng người những điều đạo đức tốt đẹp, giữ gìn chánh Pháp trường tồn đến muôn đời, muôn kiếp sau.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Đại Thế Chí Bồ Tát (Mahasthamaprapta Bodhisattva) là vị Đại Bồ Tát hiện thân cho trí tuệ và hùng lực của mười phương chư Phật. Đại Hùng của Bồ Tát là năng lực tinh thần nhiếp hóa tất cả phiền não, hàng phục ma quân, hoàn toàn chiến thắng chính mình. Đại Lực của Bồ Tát chính là khả năng thù thắng và uy lực vĩ đại, chấn động tam thiên đại thiên thế giới, có thể phá tan hết những ác kiến, ngã mạn, si mê tăm trong tâm hồn của chúng sinh. Ngài mang hạnh nguyện đi trong muôn nghìn kiếp sinh tử, dùng ánh sáng trí tuệ để soi đường cho chúng sinh lìa xa đau khổ, thoát khỏi màn đêm vô minh. Với hùng lực phi thường, Ngài thị hiện vào những hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm cùng cực, làm những việc khó làm, nhẫn những việc khó nhẫn, yêu thương hóa độ cả những chúng sinh vô minh đang đọa trong ác đạo.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Trở thành người có lý tưởng sống cao đẹp, kết duyên lành và kiên trì hóa độ cho nhiều người chưa biết đạo lý để giúp họ sớm có một cuộc đời tốt đẹp và cao thượng hơn.
– Được chư Bồ Tát gia hộ có tinh thần mạnh mẽ, ý chí kiên cường trước mọi khó khăn nghịch cảnh, bình thản trước sóng gió và không thoái chí trên con đường tu hành.
– Sớm nhìn thấy lầm lỗi của mình trong từng ngày, từng giờ. Có hướng đi đúng đắn, tinh cần trong tu tập thiền định, không bị đọa vào ba đường ác.
– Đạt nhiều thành tựu lớn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

VII. THƠ TỤNG

Hóa hiện từ đóa hoa sen
Trí Tuệ Hùng Lực vô biên là Ngài
Lòng thành kính ngưỡng Như Lai
Mong người thoát khỏi đêm dài vô minh
Đại hạnh cứu giúp chúng sinh
Khó khăn nguy hiểm quên mình dấn thân
Hào quang chiếu sáng vô biên
Phát tâm Vô Thượng dâng lên Phật Đà
Năm châu, bốn bể vang ca
Chư Thiên mừng rỡ rải hoa cúng dường
Hiện thân Bồ Tát mười phương
Ngài Đại Thế Chí tấm gương Bồ Đề
Chúng sinh lầm lỗi si mê
Lòng Ngài đã quyết hướng về độ sinh
Tâm Ngài như ánh bình minh
Bước chân Ngài tới yên bình khắp nơi
Bồ Tát đi giữa cuộc đời
Tâm hằng thanh tịnh mặt trời sáng soi
Đại Lực chấn động đất trời
Phá tan chấp ngã giúp người hiểu ra
Bồ Tát trí tuệ sâu xa
Thấu rõ nhân quả để mà độ sinh
Xá thân gây tạo phước lành
Uy lực sáng chói chúng sinh nương nhờ
Trí tuệ Bát Nhã vô bờ
Lòng từ bi trải vô bờ vô biên
Địa ngục đến cả cõi Thiên
Ngài thương chân thật mọi miền gần xa
Tâm Ngài như đóa liên hoa
Tỏa hương thơm ngát tránh xa bụi trần
Ngài không còn chấp ngã nhân
Mãi luôn tinh tấn xả thân cứu đời
Hùng Lực vang khắp đất trời
Phá tan xiềng xích giúp người thoát ra
Khổ đau chướng ngại vượt qua
Đêm dài sinh tử thoát ra luân hồi
Nương theo đức hạnh của Ngài
Chúng con nguyện sẽ học Ngài dấn thân
Hiểu rằng cuộc sống trầm luân
Nên gắng tinh tấn để dần thoát ra
Suốt đời sẽ sống vị tha
Siêng làm công đức để mà tiến tu
Hiểu rằng tam giới ngục tù
Giữ gìn chánh Pháp nghìn thu vẫn còn
Mong Ngài dẫn lối chúng con
Đi theo chánh Pháp sắt son một lòng
Tôn kính chư Phật trọn lòng
Mọi người tu tập sống trong an lành
Ai ai rồi cũng sẽ thành
Đóa sen Phật Pháp thơm lành ngát hương
Phật Đà như ánh thái dương
Trường tồn bất diệt tỏa hương ngạt ngào.

Nam Mô Đại Hùng Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x