Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

Bồ Tát Phổ Hiền (Visvabhadhra Bodhisattva) là vị Bồ Tát Đẳng Giác có nhân duyên sâu nặng với chúng sinh. Phổ tức rộng khắp. Hiền là đức thiện của Thánh nhân. Phổ Hiền là đem điều đức thiện mà trải rộng trong vô biên vô tận pháp giới, để cho đến cả hư không cũng tràn ngập hương thơm của đức hạnh, lòng từ bi và chân lý giải thoát giác ngộ bao la.

Bồ Tát Phổ Hiền thường được thờ cùng với Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở hai bên của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Ngài là hiện thân cho chân lý, Bồ Tát Văn Thù hiện thân cho chân trí, lý trí dung thông. Ngài là biểu tượng của hạnh đức, Bồ Tát Văn Thù tiêu biểu cho giải đức, hạnh giải viên dung. Ngài là lòng từ bi, Bồ Tát Văn Thù là trí tuệ. Mười phương ba đời chư Phật dùng chân trí thâm đạt chân lý, lấy từ bi và trí tuệ để hóa độ muôn vạn loài chúng sinh thoát khỏi khổ đau.

Trong các pháp hội, Ngài thường đại diện chúng Bồ Tát khuyến thỉnh Đức Thế Tôn thuyết giảng giáo Pháp thâm diệu và khuyến khích đại chúng phát tâm Bồ Đề. Ngài cũng có hạnh nguyện luôn trợ duyên tu tập, hộ trì hành giả dẹp trừ ma chướng trên bước đường hành Bồ Tát đạo.

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát -

Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

I. HÌNH TƯỚNG

Bồ Tát Phổ Hiền thường được người dân thờ kính trong hình ảnh ngự uy nghi trên voi trắng sáu ngà. Tùy khí của Ngài là đóa sen hồng cầm nơi tay phải, với nhị hoa là viên bảo châu phát sáng.

Ngài có thân tướng đoan nghiêm như núi vàng ròng, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân. Từ nơi thân phát ra năm mươi loại tia sáng. Trong mỗi tia sáng lại có vô số màu sắc, tạo thành vầng hào quang rạng ngời tỏa đến khắp mười phương thế giới.

Voi là linh vật có sức mạnh phi thường chuyên chở được khối lượng khổng lồ, tượng trưng cho tâm lượng của Bồ Tát, rộng lớn vô biên để giáo hóa tất cả chúng sinh đều được giác ngộ. Thân voi trắng sáng đẹp hơn cả bạch ngọc, tinh khiết tựa như sắc trắng trên rặng Tuyết Sơn, chính là sự thanh tịnh cao quý tuyệt đối. Sáu chiếc ngà giương lên, cứng chắc như kim cương tượng trưng cho Lục Độ Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ của Bồ Tát, có sức mạnh phá tan mọi chướng ngại khi đi vào trầm luân sinh tử cứu độ chúng sinh. Tùy khí trên tay Ngài, cành hoa sen chứa viên bảo châu chính là biểu tượng của trí tuệ viên mãn.

Khi thờ kính Bồ Tát Phổ Hiền chính là đang tôn thờ những chân lý tuyệt đối của vũ trụ, đó là luật Nhân quả, Khổ, Vô Thường, Vô Ngã, Từ Bi Hỷ Xả… để từng giờ từng phút luôn ý thức tinh tấn tu hành, hướng về giải thoát giác ngộ bao la.

Kính lễ Ngài là kính lễ đại hạnh vô biên của chư Bồ Tát. Mỗi khi quỳ chắp tay trang nghiêm, dâng tâm chí thành cúng dường lên Ngài là thực hành để xóa dần đi sự ích kỷ hẹp hòi, mở rộng lòng mình mênh mông, để luôn biết thương yêu cống hiến và phụng sự cho tha nhân.

II. PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG

Tương truyền rằng, vào một kiếp xa xưa, trong quốc độ của Đức Bảo Tạng Như Lai, tiền thân Ngài là Thái tử Mẫn Đồ luôn hết lòng cung kính Tam Bảo. Trước Đức Thế Tôn, Ngài đã quỳ xuống đảnh lễ, phát lên lời thệ nguyện:

– Kinh bạch Đức Thế Tôn, nay con nguyện ở nơi thế giới bất tịnh này tu hạnh Bồ Tát. Con nguyện sẽ làm cho tất cả thế giới bất tịnh trở nên thanh tịnh. Nếu chúng sinh tùy chỗ sinh ra mà có những hình tướng khác nhau, con cũng nguyện sẽ hóa thân giống họ, nói ngôn ngữ của họ, cùng làm những nghề nghiệp như họ, cùng thọ nhận những nỗi khổ, niềm vui giống như họ để thân cận gieo duyên giáo hóa. Cho đến khi nào tất cả chúng sinh đều không còn thoái chuyển nơi chánh Pháp, phát tâm vô thượng Bồ Đề thời con mới thành Chánh Giác.

Đức Bảo Tạng Như Lai dùng đạo nhãn quán sát công đức của Thái tử. Người ấn chứng:

– Lành thay! Này Thái tử Mẫn Đồ, bởi tâm lượng rộng lớn vô cùng của con, Như Lai đặt danh hiệu con là Phổ Hiền. Vào đời vị lai, con sẽ cúng dường được các Đức Phật trong vô biên cõi nước, giáo hóa được vô lượng chúng sinh và cuối cùng sẽ đắc thành Phật quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, hiệu là Trí Cang Hống Tự Tại Tướng Vương Như Lai.

Đức Như Lai vừa dứt lời, các tầng trời chấn động, nhạc trời trỗi dậy vang lừng, hoa trời tỏa bay khắp không gian.

III. THẬP HẠNH PHỔ HIỀN

Trong pháp hội của các vị Bồ Tát và chư Thiên tử, sau khi tán thán công đức thù thắng của Đức Như Lai, Bồ Tát Phổ Hiền đã vì đại chúng mà tuyên thuyết:

– Này các Thiện nam tử! Công đức của Đức Như Lai, nếu như có trải qua số kiếp nhiều như số hạt bụi các thế giới để diễn nói không ngừng về công đức ấy, cũng không thể nào nói hết được. Nếu muốn thành tựu được công đức vô biên vô lượng của chư Phật, cần phải tu tập mười hạnh nguyện rộng lớn. Mười hạnh đó là:

Nhất giả lễ kính chư Phật
Nhị giả xưng tán Như Lai
Tam giả quảng tu cúng dường
Tứ giả sám hối nghiệp chướng
Ngũ giả tùy hỷ công đức
Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân
Thất giả thỉnh Phật trụ thế
Bát giả thường tùy Phật học
Cửu giả hằng thuận chúng sinh
Thập giả phổ giai hồi hướng.

Mười hạnh nguyện quảng đại này đều phải thực hiện với tâm lượng bao la, hùng tâm kiên cố, kiên trì đến vô cùng vô tận của Bồ Tát thì mới có thể thành tựu. Ngài nguyện: “Sẽ thực hiện cho đến khi nào các cõi luân hồi không còn chúng sinh, khi nghiệp của chúng sinh đã sạch hết, tất cả phiền não của chúng sinh đều được đoạn tận và đến cả hư không cũng tiêu biến mất mới viên thành hạnh nguyện.”

1. Nhất giả lễ kính chư Phật

Bồ Tát Phổ Hiền dạy rằng: “Ta dùng đạo nhãn quán sát khắp Tam Thiên Đại Thiên thế giới, không có chỗ nào mà Đức Phật chưa từng bỏ thân mạng vì chúng sinh.” Sự hi sinh và công đức của chư Phật là bao la vi diệu khôn cùng, chư Bồ Tát vì hiểu sâu xa điều đó nên lòng tôn kính của các Ngài là tuyệt đối.
Bồ Tát nguyện sẽ đến từng cõi, dù cho số lượng các cõi có nhiều như số hạt bụi trong pháp giới, cũng sẽ hiện thân đến đối trước chư Phật mà hành lễ. Khi đó, lại sẽ dùng tất cả ba nghiệp thân khẩu ý mà mình đã tu hành đến hoàn toàn thanh tịnh để sự kính lễ được viên mãn.
Công đức lễ kính chư Phật là công đức đầu tiên, thù thắng bậc nhất, là nền tảng mở đường mọi công đức. Một vị Bồ Tát dù uy đức phủ trùm trời đất, vẫn quỳ xuống thiết tha thấy mình chỉ là hạt bụi bay dưới chân chư Phật. Nhờ vậy mà đạt được phước báo khả kính. Khi xuất hiện giữa thế gian, các Ngài sẽ chói ngời như vầng mặt trời khiến chúng sinh dâng tràn kính ngưỡng. Bồ Tát thành tựu sự nghiệp nhiếp hóa vô lượng chúng sinh, tất cả bắt đầu từ sự kính lễ.

2. Nhị giả xưng tán Như Lai

Như biển cả âm vang dào dạt sóng
Rất nhiệm màu con khởi những ngôn từ
Tự nghìn xưa và mãi đến nghìn sau
Ngợi ca Phật, biển muôn trùng công đức.

Bồ Tát nguyện đến vô lượng các cõi nhiều như số hạt bụi trong pháp giới, đem tất cả hiểu biết sâu xa của mình, lại dùng tất cả phương tiện biện tài để tán thán biển công đức vĩ đại của Như Lai, trùm khắp tận hư không, nối tiếp mãi cho đến tận cùng đời vị lai, không bao giờ gián đoạn.
Nếu có chúng sinh nào nghe được lời xưng tán của Bồ Tát, đều sẽ bừng tỏ tâm hồn mà đón nhận lấy ánh sáng của Như Lai. Chỉ cần biết khởi tâm kính ngưỡng chư Phật thì chúng sinh rồi sẽ có tất cả, sẽ có hướng đi giữa muôn vạn nẻo đường sinh tử, sẽ có động lực tu hành chiến thắng những ràng buộc chông gai, sẽ biết vươn lên để cuối cùng đạt được đỉnh cao giác ngộ.

Nhờ hạnh xưng tán Như Lai, Bồ Tát khi giáo hóa giữa thế gian ô trược cũng sẽ giảm thiểu được những ty hiềm công kích. Có điều gì nguy hiểm hơn khi hiểu nhầm hay xúc phạm một bậc Thánh. Bồ Tát phải thành tựu được công hạnh này cũng vì che chở chúng sinh khỏi lâm vào tội lỗi. Hạnh xưng tán cũng chính là một thanh gươm vô hình để Bồ Tát bảo vệ sự cao quý của Đức Phật và giá trị của Phật Pháp cho muôn đời muôn kiếp sau.

3. Tam giả quảng tu cúng dường

Tâm cúng dường của Bồ Tát bao la không cùng tận. Bởi cúng dường chư Phật chính là sự thôi thúc tự nhiên của một trí tuệ giác ngộ, của lòng tôn kính Phật đã vượt mọi giới hạn ngôn từ. Bồ Tát sẽ hiến dâng tất cả những gì mình có, từ phẩm vật quý giá, khả năng, công sức… thậm chí không tiếc cả thân mạng hay tâm hồn.
Cúng dường phẩm vật sẽ trang nghiêm cõi Phật, lại chính là phước báo tài sản để sau này Bồ Tát có thể thực hiện hạnh bố thí, gieo duyên lành giáo hóa chúng sinh. Thế nhưng, trong tất cả các loại cúng dường thì cao cả nhất là “cúng dường Pháp”. Bồ Tát Phổ Hiền dạy rằng:
“Này Thiện nam tử! Cúng dường Pháp là tối thẳng. Không gì bằng tu hành theo lời chư Phật dạy để cúng dường, làm lợi ích cho chúng sinh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sinh để cúng dường, chịu đau khổ thay cho chúng sinh để cúng dường, siêng tu căn lành để cúng dường, không bỏ sự nghiệp Bồ Tát và không bao giờ xa rời Bồ Đề tâm để cúng dường. Này Thiện nam tử! Đó mới thật là cúng dường chân chính, rộng lớn và thù thẳng hơn tất cả”.

4. Tứ giả sám hối nghiệp chướng

Bồ Tát trải qua vô lượng kiếp tu hành thanh tịnh nên nghiệp xưa đều đã trả sạch, phước đức đã ngập tràn núi sông, đã an trú trong phạm hạnh. Thế nhưng, bởi đạo đức và trí tuệ của các Ngài là tuyệt đối, Bồ Tát không chấp nhận bất cứ sự bất toàn nào dù chỉ là một ý niệm bất thiện vi tế trong quá khứ.
Hơn thế, Bồ Tát quán sát tội lỗi chất chồng của chúng sinh mà xót thương vô hạn, thấy đó cũng là trách nhiệm của chính mình. Các Ngài thệ nguyện dấn thân trong muôn kiếp sinh tử giáo hóa cũng để chúng sinh xóa sạch hết những lỗi lầm ấy. Bởi vậy, một niệm sám hối của Bồ Tát phủ trùm cả dòng nghiệp của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi.

5. Ngũ giả tùy hỷ công đức

Nội tâm của Bồ Tát là hoàn toàn vị tha, đã vĩnh viễn không còn ích kỷ và đố kỵ, vì thế tâm tùy hỷ của các Ngài đến chân thật tự nhiên, cũng như khi mây tan đi thì đất trời sáng bừng nắng ấm. Bồ Tát kính ngưỡng dạt dào trước công đức vô lượng vô biên của chư Phật và cũng vui mừng trước một công đức dù bé nhỏ của chúng sinh.
Cộng đức nào cũng góp phần bớt đi nỗi khổ, tăng thêm điều thiện cho thế gian. Hạnh tùy hỷ của Bồ Tát sẽ giúp cho điều thiện được nảy nở, lan xa đến mọi chốn nghìn nơi. Chúng sinh chưa phát tâm thì các Ngài khuyến khích phát tâm, chúng sinh gặp chướng ngại thì các Ngài gia hộ vượt qua để thành tựu viên mãn. Bởi vậy, dù chỉ âm thầm phía sau nhưng Bồ Tát đạt được công đức lớn lao không tính kể và sẽ luôn được thuận duyên khi giáo hóa chúng sinh.

6. Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân

Đường luân hồi vương mang đầy sầu khổ
Nghiệp chúng sinh tử biệt với sinh ly
Thỉnh Thiện Thệ rộng mở trời giác ngộ
Để thế gian bừng tỏ ánh từ bi.

Khi chưa có chính Pháp trần gian là tăm tối vô mình, lẩn quẩn không lối thoát. Khi chính Pháp xuất hiện, cuộc đời bắt đầu có một hướng đi. Bánh xe Pháp luận chuyển đến đâu, nơi đó đau khổ dần vơi, thiện pháp sẽ ngự trị xóa đi ác pháp. Chính bởi sự cao quý ấy, ngay khi có một Đức Phật đắc thành đạo quả thì Bồ Tát luôn dùng tất cả tấm lòng, phương tiện thỉnh cầu các Ngài chuyển Pháp luân, bắt đầu sự nghiệp giáo hóa vĩ đại vô tiền khoảng hậu của một vị Phật.
Rộng lớn hơn, Bồ Tát hộ trì những bậc chân tu đạo hạnh hiểu sâu sắc lời Phật dạy, và âm thầm dẫn dắt chúng sinh đủ duyên gặp được hội chúng của vị ấy. Bồ Tát trở thành kết nối thiêng liêng giữa một bên là bậc Thánh tràn đầy đạo lý và một bên là chúng sinh đang lạc lõng bơ vơ, rong ruổi trong luân hồi vô tận. Nhìn vào một hội chúng đông đủ trang nghiêm, đằng sau đó là cả hành trình kiên trì bền bỉ với muôn vàn công hạnh của Bồ Tát. Bởi vậy, các Ngài đạt được vô lượng công đức. Sau này, sự nghiệp giáo hóa của Bồ Tát sẽ không còn ranh giới, giáo Pháp các Ngài tuyên thuyết sẽ trường tồn đến muôn kiếp sau.

7. Thất giả thỉnh Phật trụ thế

Bồ Tát nguyện thỉnh tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Tăng thường trụ ở cuộc đời để làm lợi lạc cho chúng sinh. Đức Phật xuất thế là một đại sự nhân duyên hy hữu, là đại phúc duyên của tất cả chúng sinh.

Nhờ có Đức Phật mà trước mọi biến chuyển của thời cuộc, sự thay đổi trong nhận thức tâm tinh của chúng sinh thì chánh Pháp vẫn vững vàng không lay chuyển. Không còn Đức Phật, chúng sinh dễ hiểu sai tu sai, rời xa chân lý. Bởi vậy, hạnh nguyện “thỉnh Phật trụ thế” của chư Bồ Tát còn mang ý nghĩa sâu xa chính là giữ gin chánh Pháp được vẹn nguyên, những lời chư Phật dạy được tồn tại mãi mãi.

Muốn chánh Pháp vẹn nguyên thì Bồ Tát phải giúp chúng sinh hiểu đúng lời Phật dạy, phải tường tận Nhân quả, hướng về Vô ngã, tinh tấn thiền định không lợi lỏng, biết trải lòng từ bi yêu thương chúng sinh, giữ tâm khiêm hạ và bảo vệ giáo Pháp trước sự phá hoại của cái ác… Vì thế, hạnh nguyện “thỉnh Phật trụ thế” của chư Bồ Tát thực sự vô cùng cao cả, hàm chứa vô số công hạnh phi thường vĩ đại.

8. Bát giả thường tùy Phật học

Chúng sinh trong cõi giới là vô hạn với căn cơ, duyên nghiệp, tâm tình, bản tính muôn trùng sai biệt mà chỉ có một Đức Phật Chánh Giác mới thấu rõ và khéo dùng những phương tiện giáo hóa tối ưu. Bằng trí tuệ của mình, Bồ Tát không bao giờ chấp nhận một điều gì có giới hạn. Vì thế, các Ngài vẫn không ngừng học hỏi chư Phật và các vị Bồ Tát ở khắp mười phương để có thể thành tựu sự nghiệp độ sinh viên mãn.

9. Cửu giả hằng thuận chúng sinh

Qua vô lượng kiếp tu hành, công đức của một vị Bồ Tát đã vượt lên vô tận mênh mông như đất trời, còn chúng sinh thì cứ mãi ngụp lặn trong dòng nghiệp với tham sân si. Vì thế, khoảng cách giữa Bồ Tát và chúng sinh là xa xăm cách biệt. Nhưng với lòng từ bi, Bồ Tát chủ động mở một con đường tìm đến chúng sinh. Đó chính là hạnh nguyện hằng thuận bình đẳng không phân biệt. Bồ Tát Phổ Hiền dạy rằng:

“Đối với tất cả các loài chúng sinh khác nhau trong pháp giới, tôi sẽ đều uyển chuyển tùy thuận để phụng sự và cung dưỡng, như kính trọng cha mẹ, như tôn thờ sư trưởng, như phụng sự các bậc A La Hán và các Đấng Như Lai không điều gì khác biệt. Đối với người bệnh tôi sẽ là lương y, với người lạc lối tôi chỉ đường về, trong đêm tối tôi thắp lên ánh sáng, người nghèo khổ tôi sẽ giúp vượt qua khó khăn … một cách bình đẳng với tâm đại bi. ”

Với tâm bình đẳng, Bồ Tát sẽ không bỏ rơi bất kỳ một chúng sinh nào, kể cả những chúng sinh xấu ác. Đời sống của chúng sinh lại trải qua nhiều giai đoạn, có khi phải bệnh tật ách nạn điêu linh thì các Ngài đồng hành cứu vớt, có khi giàu sang cường thịnh thì các Ngài dạy đạo tu tâm. Sự hi sinh bền bỉ của Bồ Tát theo chúng sinh giáo hóa thật vô bờ bến. Nhờ vậy, Bồ Tát kết nên vô lượng duyên lành trong pháp giới. Duyên lành của Bồ Tát sẽ là thắng duyên giúp chúng sinh vươn lên thoát ra khỏi bể khổ trầm luân.

10. Thập giả Phổ giai hồi hướng

“Này Thiện nam tử, tất cả bao nhiêu công đức đã thành tựu được, nguyện hồi hướng hết cho chúng sinh trong khắp cõi hư không pháp giới. Xin nguyện cho chúng sinh thường an vui không bị các bệnh khổ, muốn làm việc ác thì không thành, làm việc thiện thì thành tựu mau chóng, đóng chặt tất cả các cánh cửa đi vào nẻo ác, mở bày con đường chân chính dẫn đến trời người và Niết Bàn … ”

Bởi đã hoàn toàn vô ngã, Bồ Tát tự nhiên không còn thấy những công đức đã làm thuộc về riêng mình mà thuộc về tất cả chúng sinh. Khi nhận được phước lành từ chư Bồ Tát, chúng sinh sẽ có thể tin hiểu chánh Pháp, dễ dàng nhận ra lầm lỗi của bản thân, biết tu hành tâm linh vượt thoát trầm luân sinh tử.

Hạnh nguyện hồi hướng cũng sẽ giúp Bồ Tát định hướng tất cả quả báo không bị trở thành phước bảo thế gian mà hướng về sự nghiệp hóa độ chúng sinh trong vô biên vô tận các cõi. Nhờ vậy, Bồ Tát sẽ thăng tiến mãi trên con đường đến Vô Thượng Bồ Đề, trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác và viên thành ước nguyện giúp tất cả chúng sinh đều được giác ngộ.

IV. KẾT LUẬN

Bồ Tát Phổ Hiền là hiện thân cho đại hạnh bao la của mười phương ba đời chư Phật. Những lời dạy của Ngài mãi là bài học thiêng liêng cao quý cho tất cả chúng sinh. Bắt đầu từ công phu lễ kính chư Phật cho đến hạnh phổ giai hồi hướng, mỗi công hạnh đều sẽ giúp chúng sinh dần vượt qua được những chấp ngã, ích kỷ, kiêu mạn và vô số lỗi lầm trong lòng của mình, để có thể mở rộng tâm hồn đến vô tận vô biên, thành tựu được các công đức lành và tiến tu trên con đường cao thượng hướng về vô ngã.

Ngày 21 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày vía của Đức Phổ Hiền Bồ Tát. Trong những ngày này, Phật tử khắp nơi cùng hướng về Ngài với trọn lòng tôn kính. Mọi người cùng lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền, phát nguyện ăn chay, giữ tâm khiêm hạ tột cùng và thực hiện rất nhiều điều phúc thiện làm lợi ích tha nhân.
Nương theo công hạnh của Ngài, đệ tử chúng con nguyện luôn tinh tấn tu tập, thực hành theo mười đại hạnh vĩ đại mà Ngài đã dạy để trao gửi đạo lý Phật dạy đến với tất cả mọi người. Nguyện trên chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, dõi theo và nhắc nhở chúng con trên con đường tu hành tìm cầu giải thoát giác ngộ.

V. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Bồ Tát Phổ Hiền (Visvabhadhra Bodhisattva) là vị Bồ Tát Đẳng Giác có nhân duyên sâu nặng với chúng sinh. Hồng danh của Ngài nghĩa là mang điều đức thiện trải rộng trong vô biên pháp giới, đem lòng từ bị và chân lý giải thoát giác ngộ ngập tràn hư không bao la. Ngài phát đại nguyện sẽ luôn trợ duyên tu tập, hộ trì cho chúng sinh trên bước đường thực hành Bồ Tát Đạo. Với tâm từ bi rộng lớn và hạnh nguyện vĩ đại, Bồ Tát Phổ Hiền du hành trong vòng luân hồi sinh tử không chút e ngại để giáo hóa cho chúng sinh. Vô lượng công hạnh Ngài thực hiện trong vô số các cõi giới được đúc kết thành thập hạnh tiêu biểu, đó chính là bài học để chúng sinh xác định được những việc cần làm trên con đường giải thoát giác ngộ.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:

– Dần thành tựu được các hạnh nguyện cao quý, tinh tấn huân tập theo Thập hạnh Phổ Hiền, gây tạo được nhiều công đức lành.
– Gặp nhiều thuận lợi trong công việc và cuộc sống. Kết duyên lành với nhiều người, luôn chân thành thương yêu mọi người nên được yêu quý và kính trọng.
– Sớm có duyên lành với Phật Pháp, được chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ gặp được Minh sư thiện hữu dẫn dắt, đạt được nhiều bước tiến trong tu tập tâm linh.

VII. THƠ TỤNG

Con kính lạy Văn Thù Bồ Tát
Bậc kế thừa chánh Pháp Như Lai
Hiện thân trí tuệ biện tài
Pháp âm vi diệu đất trời tán dương
Ngài nguyện độ mười phương thế giới
Giúp chúng sinh phát khởi tâm lành
Nghìn muôn ức kiếp tu hành
Âm thầm dẫn dắt chúng sinh vạn loài
Ngài chẳng quản luân hồi nhiều kiếp
Thay Thế Tôn tuyên thuyết đạo mầu
Từ bi hóa độ vô cầu
Giúp người qua lúc khổ sầu nguy nan
Nghe danh Ngài muôn vàn tôn kính
Thân tướng Ngài thanh tịnh trang nghiêm
Chắp tay quỳ trước đài sen
Đôi lời nguyện ước dâng lên cúng dường
Chúng con nguyện tình thương trải khắp
Bất kỳ ai sẽ gặp trên đời
Sẽ mang chánh Pháp tuyệt vời
Giúp cho người hiểu luân hồi nghiệp duyên
Chúng con nguyện vô biên kiếp nữa
Chí tu hành không úa không phai
Trọn lòng tôn kính Như Lai
Phụng sự cống hiến cho đời nở hoa
Chúng con nguyện dù là gian khó
Vẫn siêng năng hỗ trợ mọi người
Phần mình tinh tấn không thôi
Đường thiền đi mãi về nơi nhiệm mầu
Chúng con nguyện dựa vào Nhân quả
Để đối nhân xử thế yêu thương
Lời vàng Phật đã tuyên dương
Huớng về Vô Ngã con đường cao siêu
Nguyện muôn kiếp kính yêu tất cả
Bản ngã này tan rã hư không
Chỉ còn Pháp giới mênh mông
Ngập tràn hạnh phúc chung đồng an vui.

Nam Mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x