🧑👩Chúng ta khi còn trẻ thường nghĩ rằng tiền bạc, danh vọng mới thật sự là quan trọng và đem lại hạnh phúc. Nhưng càng lớn lên, trải qua nhiều chuyện, chúng ta mới ngộ ra là tâm an vui mới thật sự là cuộc sống hạnh phúc, những thứ khác chỉ là phù du.
💗Tâm an vui được hiểu đơn giản là không thù oán, không ghét, không hại ai. Thêm nữa, lúc nào cũng suy nghĩ để giúp người khác. Người giúp người những lúc không may còn gì hạnh phúc bằng, nhưng đây là trong cuộc sống. Trong đạo, cái an vui nó lớn và sâu sắc hơn nhiều. Nhờ đó, ta nghiệm ra một điều là giữa thế gian đầy khổ đau này, giá trị của hạnh phúc nằm ở nơi nội tâm ta chứ không phải ở vật chất hay danh vọng.
Để làm rõ điều này cũng như để phân biệt tâm an vui với tâm bất an và bận tâm.
👴👵Người càng từng trải càng thấm thía tâm an vui là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, ta sống trên đời không thể vô tâm, vô trách nhiệm để đi tìm cái an vui được nên thường phải bận tâm. Sự bận tâm làm cho cuộc sống ta có ý nghĩa và làm cho ta rất an vui về sau.
🎁🎁🎁 7 PHƯƠNG PHÁP ĐỂ CÓ ĐƯỢC TÂM AN VUI
🔆 Đầu tiên ta đừng làm điều gì sai trái.
Để làm được điều này thật sự không dễ dàng. Nhiều khi hoàn cảnh đưa ta đến những sai lầm mà chính bản thân ta cũng không muốn. Ta đừng tưởng sống trong sạch là trong sạch, không mắc sai lầm là không mắc sai lầm. Làm được như vậy, đòi hỏi ta phải có ý chí và trí tuệ lớn. Đồng thời được Phật gia hộ để không dễ mắc sai lầm trong cuộc đời. Đây cũng là lí do ta đến chùa đều đặn để sám hối.
Thật vậy. Khi lễ Phật ta được công đức tiềm tàng, được Chư thiên âm thầm bảo vệ trước tai nạn sắp tới, tránh được lỗi lầm phía trước. Dù không nhìn thấy, nhưng chúng ta hãy siêng năng đến chùa tụng kinh, lễ Phật để được Ngài âm thầm gia hộ suốt kiếp này và nhiều kiếp sau. Thêm nữa, không có gì hạnh phúc bằng việc quỳ dưới chân Đức Phật. Hãy nhớ như vậy.
Ngoài ra, công đức lễ Phật cho ta ý chí để vượt qua tất cả mọi sự cám dỗ, để không bị mắc sai lầm. Tâm hồn ta vốn đầy vô minh, đầy ham muốn và bản ngã, nhưng nhờ đấng giác ngộ cao siêu cho ta ngưỡng vọng công đức, giúp ta không bước vào những sai lầm, để tâm ta không lo lắng, sợ hãi.
🔆 Thứ hai, để tâm được an vui thì ta phải có lý tưởng sống,
Nghĩa là biết mình sống để làm gì. Người không có lí tưởng thì tâm lúc nào cũng bất an, rối loạn theo cuộc sống. Ngược lại, khi ta sống có định hướng thì tâm lúc nào cũng vững vàng dù có đứng trước bao nhiêu khó khăn, thử thách.
Khi ta đã đến với Phật pháp, đến với Tam Bảo thì phải biết sống để tu; sống để yêu thương và giúp đỡ mọi người; sống để phụng sự, cống hiến cho Tổ quốc; sống để sám hối những nghiệp trong quá khứ, để bản thân mình trở nên thánh thiện hơn,… Khi chúng ta tu mà biết nương tựa, tin tưởng vào Phật – Pháp – Tăng thì lúc nào cũng cảm thấy bình an, thanh thản dù cuộc đời có nhiều sóng gió đau khổ như thế nào.
Người biết đạo là người trong hoạn nạn vẫn bình an vì tin vào nhân quả, biết cái nạn hôm nay là trả cái nợ nghiệp kiếp trước mình gây ra. Nên họ biết đối diện và sống với cái nạn để trả nghiệp một cách vui vẻ, thanh thản. Ngược lại, người không biết đạo, không tin nhân quả thì luôn sợ hãi, lo lắng, bất an khi gặp nạn.
🔆 Thứ ba, để tâm an vui ta phải hiểu và tin Nhân Quả.
Đã đến với đạo là phải suy nghiệm thật kĩ rằng: Hễ gieo nhân nào, gặt quả nấy. Trong cuộc sống, ta cố gắng soi xét qua cái nghiệp báo của từng thân phận để nghiệm ra của mình và của người. Nhân quả rất tinh vi và công bằng nên ta phải hiểu cho sâu xa, kĩ lưỡng. Khi hiểu rõ nhân quả, ta có thể bình tĩnh, thanh thản đón nhận những nạn tai trong cuộc sống, biết đó là cái nghiệp phải trả. Vậy nên, người hiểu đạo thì dù trong hoạn nạn cũng vẫn bình an. Người không hiểu đạo thì dù có may mắn cũng thấy bất an. Đây là nguyên tắc của cuộc sống.
Để hiểu đạo, ta phải siêng năng đến chùa tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền và làm công quả. Nhờ đó, công đức của ta dày thêm, tâm ta hoàn thiện hơn, bình an hơn. Nếu không đến chùa, ta lại nghĩ và làm ra những chuyện không tốt, khiến tâm bất an, lo lắng.
🔆 Thứ tư, để tâm an vui, ta phải thay đổi đạo đức của mình
Tập cái hạnh vui theo niềm vui, theo thành công của người khác, đừng sống theo bản năng tự nhiên giống trẻ thơ. Tu theo đạo Phật, biết đạo rồi, ta phải biết chiến đấu với cái buồn thầm kín trong tâm, ép bản thân mình phải vui theo niềm vui của người khác. Đây là một cuộc chiến đầy khó khăn nhưng để sửa được tâm mình, ta phải làm cho được dù có phải quở trách, rầy ra chính bản thân. Nếu không, sự đố kị sẽ trỗi dậy khiến tâm ta trở nên không vui.
🔆 Thứ năm, để tâm an vui ta phải biết bận tâm.
Nếu bận tâm để tranh giành, hơn thua, chỉ nghĩ cho bản thân thì sẽ làm cho tâm ta bất an, đau khổ. Nhưng nếu biết bận tâm để thương yêu, lo lắng, giúp đỡ cho người khác thì lại mang đến cái an vui. Đây cũng là một điểm khác nhau nữa giữa người biết đạo và người không biết đạo.
Người biết bận tâm vì người khác thì dù có vất vả, cực nhọc thế nào cũng chấp nhận hy sinh để cống hiến, phụng sự. Lúc này, thân xác có mệt nhoài thì tâm họ vẫn rất thoải mái, vui vẻ. Những điều cơ bản này chính là chìa khóa của sự bình an hay bất an. Hiểu ra rồi, ta hãy chọn cho mình một lối sống đúng đắn, biết cân nhắc trước mọi việc xem là cho mình hay cho người khác để giữ được sự an vui cho bản thân.
Ví dụ, đi chùa sẽ đem lại sự an vui. Tuy nhiên, nếu ta đi chùa một mình thì ta sẽ bất an liền vì chỉ nghĩ đến bản thân. Vậy nên, ta phải rủ thật nhiều người cùng đi, lo cho mọi người tu tập để ai cũng biết thêm đạo lí, tìm thấy được sự bình an. Như thế ta mới làm trọn vẹn công đức, phúc chồng thêm phúc và đạt được quả báo an vui về sau.
🔆 Thứ sáu, để tâm an vui thì phải tích phước.
Cố gắng làm việc thiện. Người hiểu đạo thì lúc nào cũng lo lắng, cố gắng tu tập, gom phước lành để sống. Ngược lại, người không hiểu đạo lúc nào cũng vô âu vô lo, chỉ biết hoang phí phước đức mà không biết tu. Vậy nên, thế giới mới tồn tại hai loại người là: người luôn đạt được bình an và người luôn nhận lấy sự bất an.
Trong cuộc sống này có nhiều thứ tưởng vô hại nhưng lại ẩn chứa sự nguy hiểm phía sau. Hoặc có những điều vô hại nhưng lại chứa quả báo không hay. Giống như khi ta gieo rắc tình yêu là gieo sự bất an cho người khác. Quả báo lại cho ta cũng là sự bất an. Do đó, ta phải cân nhắc kĩ càng trước mọi vấn đề để có một quyết định phù hợp, sáng suốt, vừa giữ được sự an vui cho bản thân, vừa mang lại sự an vui cho người khác.
🔆 Cuối cùng, để tâm được an vui thì ta phải tu tập thiền định.
Đức Phật đắc đạo cũng nhờ ngồi thiền. Giờ ta tìm sự bình an, phúc lạc tuyệt đối thì ta phải đi tìm thiền định của Ngài. Tuy nhiên, thiền định là công phu rất tế nhị, nên phải được hướng dẫn kĩ lưỡng, phải thực hành thường xuyên, phải ráng dành thời gian mà ngồi thiền tập định nhiếp tâm lại để làm chủ lấy sự bình an của ta, không để điều kiện gì bên ngoài tác động vào.
Lại thêm, thiền là sự kết hợp của nhiều công đức nên người tu tập thiền định đạt được sự an vui là điều hiển nhiên. Khi chứng thiền, tâm ta rỗng rang, những vui buồn của cuộc đời không đánh vào tâm ta được nữa. Thế nên, người đệ tử Phật trước sau gì cũng phải biết tu tập thiền định.
Nguồn: THIỀN TÔN PHẬT QUANG