Các Phương Pháp Kiềm Chế Và Diệt Trừ Ái Dục

Ai cũng bị bản năng tình dục âm thầm chi phối, dù ít hay nhiều. Nếu không biết cách tu dưỡng thì cái bản năng nguy hiểm đó sẽ bộc phát mạnh mẽ khiến cho ta làm điều xằng bậy và mang tiếng nhơ nhuốc cả đời. Nếu biết cách tu dưỡng thì ta từ từ kềm chế nó lại, kiểm soát nó trong giới hạn của con người, giữ nó trong phạm vi cho phép của luật pháp và luân lý.

Còn nếu ai biết tu dưỡng sâu xa, làm nhiều điều phúc thiện, cộng với phép tĩnh tâm thẳm sâu, có thể đạt đến trình độ hết hẳn ham muốn tình dục. Đây là phẩm hạnh của một bậc Thánh thực sự. Còn kẻ nào cứ làm các điều tội lỗi, thì cái tội lỗi này sẽ kích ứng các tội lỗi khác nổi lên theo, trong đó có ham muốn tình dục. Kẻ xấu nào cũng luôn kèm theo một cái xấu cơ bản đi theo, đó là nặng dâm dục. Nhiều khi tốt hết cả rồi, vậy mà cái bản năng tình dục cuối cùng cũng chưa trừ được, huống hồ là sống tham lam ích kỷ mưu mô độc ác, thì cái dục là không giới hạn. Khi cái dục là không giới hạn thì kẻ này sẽ phạm các tội mà luật pháp và luân lý không cho phép. Bị tù đày, bị khinh bỉ.

Ngoài ra, những ai cố tình ăn mặc hở hang, phổ biến các hình ảnh hở hang, kể các câu chuyện tính dục, làm động dục nhiều người, thì chính mình sẽ bị nặng nề khuynh hướng tình dục, để rồi cuối cùng cũng sẽ làm điều bậy bạ tội lỗi.
Muốn kềm chế cái bản năng tình dục nơi chính mình thì cả một đời phải khuyên bảo mọi người hạn chế tình dục.

Các Phương Pháp Kiềm Chế Và Diệt Trừ Ái Dục -

Các Phương Pháp Kiềm Chế Và Diệt Trừ Ái Dục

1. Thiền Định

Đức Phật đã nói trong cảnh giới sơ thiền sẽ đạt được hai yếu tố: ly dục và ly bất thiện pháp. Ly dục là hết dâm dục và ly bất thiện pháp là đạo đức đã trở nên thuần thiện. Do vậy, người chứng được sơ thiền sẽ có đạo đức hoàn chỉnh và chấm dứt dâm dục. Nhưng quan trọng là ta tu thiền đúng phương pháp hay không. Ái và dục nằm sẵn trong máu của mỗi người từ nhỏ và từ những kiếp trước.

Vì vậy muốn thoát khỏi ái dục thì phải có một quyết tâm phi thường và một công phu nhẫn nại. Quyết tâm phi thường là ước muốn thiết tha với sự tu hành giải thoát. Và công phu nhẫn nại kéo dài từ ngày này sang ngày kia. Nếu ta có một quyết tâm phi thường nhưng lại không có một công phu nhẫn nại thì ta vẫn không vượt qua được ái và dục.

2. Công Đức Lễ Phật Và Tâm Khiêm Hạ

Trước tiên, muốn trừ diệt ái dục thì mỗi ngày ta phải lễ Phật sám hối, phát nguyện trừ diệt nghiệp ái dục từ vô lượng kiếp.

Thứ hai ta phải phát nguyện giữ tâm khiêm hạ. Bởi vì kiêu mạn là động cơ khiến ái dục bốc khởi. Khi một người kiêu mạn thì ta hiểu bên trong họ rất dâm dục dù họ che đậy rất kỹ. Chỉ có những người hiền lành, khiêm tốn, lễ độ thì ta hy vọng người này rất nhẹ nghiệp ái dục. Chỉ cần tu thêm thiền định thì sẽ hết dâm dục.

3. Luyện Tập Khí Công Nguyên Pháp

Ngoài ra, ta cần có phương pháp tu tập chuẩn xác để diệt trừ ái dục hiệu quả, đó là khí công nguyên pháp hay gọi nôm na là thụt dầu. Phương pháp như sau: tay chống nạnh nơi hông, dang hai tay rộng bằng vai. Khi rùng xuống ta hít hơi vào. Trong lúc đứng lên thì nín thở. Khi đứng lên hẳn rồi thì thở ra. Quan trọng là xương sống phải thật thẳng. Nếu ta ngồi xuống, lưng khom thì lực sẽ chạy lên đầu.

Vì nếu lực bốc lên đầu sẽ gây phản tác dụng. Khí công nguyên pháp giúp cho việc diệt dục vì phương pháp này giúp ta liễm lực dưới đan điền. Ngoài yếu tố nghiệp lực, sinh lý, tâm lý thì còn một yếu tố là khí lực. Tức là nếu lực của ta tích lũy ở dưới đan điền vững vàng sẽ hạn chế được vấn đề dâm dục. Khi lực bốc lên trên đầu sẽ tạo thành hai hiệu ứng. Một là lực đó sẽ đánh vào vùng não phụ trách vấn đề dục ở não (vì não có một vùng phụ trách vấn đề về dục). Nếu vùng não đó bị kích động, ta sẽ bị dâm dục vô cớ. Hai là vùng não đó cũng sẽ bị kích động nếu ta kiêu ngạo. Hoặc là khi ta tu thiền sai thì lực cũng sẽ đánh vào vùng não dâm dục, làm ta bị động dục không biết lý do. Người nào có lực liễm ở đan điền chắc thì không bị tình dục đòi hỏi. Rất nhiều người tập và báo cáo kết quả tập khí công nguyên pháp một thời gian thì sẽ mất dục cả thẩm sâu trong giấc ngủ và trong cả đời sống bình thường.

Nên việc này hỗ trợ rất tốt cho việc tu tập của chư tăng ni và cư sĩ tại gia. Khí công nguyên pháp giúp kềm chế thắng lướt được ái dục. Tuy nhiên, khí công nguyên pháp không diệt được ái vì ái có tính tâm lý nhiều hơn. Khi tập luyện khí công nguyên pháp đến 200-300 cái, dẫn đến không động dục. Nhưng tâm lý vẫn như cũ. Nên khi nhìn người khác phái vẫn đưa đến cảm mến. Và theo công thức thì ái có thể đưa đến dục xuất hiện trở lại. Như vậy, ngoài việc tập khí công nguyên pháp ta vẫn phải tu tập thêm về đạo lý, thiền định,.v.v… để diệt ái và dục tận gốc. Nên thiền thanh lọc tâm hồn, khiến ta phát hiện và diệt được những cái ái của tâm lý và dục của sinh lý. Khi tâm thanh tịnh rồi thì ta phải lùng sục và rà soát lại tận gốc ái và dục để diệt trừ hết. Do vậy nên Phật nói công năng của Thiền là ly dục và ly bất thiện pháp. Ta phải tự lùng sục trong tâm mình để đoạn trừ ái dục chứ không thể nói tâm thanh tịnh thì tự nhiên sẽ hết ái dục. Nếu nói tâm thanh tịnh thì tự hết ái dục thì người này ái dục vẫn chưa hết.

4. Phương Pháp Quán Chiếu, Suy Nghiệm

Ngoài ra, ta phải tư duy, suy nghiệm, quán chiếu trong suốt cuộc sống hằng ngày của ta. Nếu ta lạy Phật mỗi ngày thì ta sẽ có phước giúp ta nhớ lại những tư duy, quán chiếu để kiềm chế ái dục. Còn như bình thường thì do phước không đủ nên ta thường quên đi những điều Phật đã dạy. Ví dụ như khi có một người khác phái làm ta chú ý thì quán chiếu theo lời Phật dạy sẽ nổi lên ngăn chặn cái ái- tức cảm xúc thương mến- ngay lập tức. Quán chiếu sẽ xuất hiện như thế này: con người đó ta nhìn thấy như thế, nhưng người đó vẫn là một chúng sinh đầy vô minh, có những ích kỷ, có những thay đổi. Và những vẻ đó chỉ là bề ngoài mà thôi. Nhìn thấy khả ái nhưng ẩn giấu đằng sau đó một con ác quỷ ngấm ngầm nào ta không thể biết được. Hoặc lúc này như thế này nhưng sau này sẽ đổi tánh thành con người khác. Đó vẫn là một chúng sinh đầy si mê, ích kỷ, tham lam, thù hận và đầy phiền toái.

Nếu phải sống chung với con người đó sẽ có vô số điều bất an xảy ra. Tấm thân coi là đẹp đẽ đó nhưng vẫn chất chứa nhiều điều bất an, bất tịnh, bất toàn. Hễ có người nào gây cho ta chú ý thì quán chiếu sẽ nổi lên ngay lập tức. Lúc đó ta chưa kịp có cảm tình thì quán chiếu suy nghiệm sẽ nổi lên để chặn lại. Đó là do công đức lễ Phật dày, lý tưởng tu hành tốt và đối với mọi người ta cung kính, phụng sự, hy sinh thì cái phước, cái tuệ quán sẽ xuất hiện giúp ta không bị nhiễm cái ái. Ta phải suy trì suy nghiệm tư duy như thế cả cuộc đời, chứ không thể nói một hai ngày rồi cho rằng đã thành công. Nếu ta thấy có ai làm ta chú ý và quán chiếu nổi lên chặn lại thì ta biết ta đang tu đúng hướng. Lúc này ta phải tiếp tục tư suy, quán chiếu và không được chủ quan. Nếu làm được một lần và tưởng mình thành công rồi thì vẫn thất bại như thường.

*Lưu ý: Chỉ tu tập Thiền định và khí công của đạo Phật. (Không nên tập pháp môn của ngoại đạo như Pháp Luân Công, Pháp Môn Quán Âm,.v.v…để tránh việc phản tác dụng)

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x