Bồ Tát Quán Thế Âm

Mắt thương chiếu rọi cuộc đời
Thay lời châu ngọc cứu đời trầm luân
Hóa thân vạn nẻo đường trần
Nước dương gội sạch sóng ngầm chân tâm.

Bởi tiếng thở than của chúng sinh ngập tràn ba cõi, cảm ứng nơi tâm Đại Từ Đại Bi nên Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara Bodhisattva) đã đến với thế gian, lắng nghe lời cầu nguyện, ứng hiện muôn nghìn phương cách để cứu độ trần ai. Có gì vĩ đại bằng hạnh nguyện của Ngài ban vô úy chở che trước khổ cảnh bủa giăng, nguyện còn chúng sinh nào chưa hết khổ thì sẽ vẫn tiếp tục hóa độ đến vô biên. Và cũng có gì gần gũi như tình thương của Ngài luôn hiện diện trong tâm khảm của chúng sinh, thân thuộc và thiêng liêng như lời ru thuở ấu thơ mang theo suốt cả cuộc đời.

Bồ Tát Quán Thế Âm -

Bồ Tát Quán Thế Âm

I. HÌNH TƯỚNG

Đức Bồ Tát Quán Thế Âm thường được thờ kính với hình tượng một người mẹ hiền từ trong tấm bạch y, thân tướng vô cùng trang nghiêm, dung nghi dịu dàng và phúc hậu. Tay phải Ngài cầm cành dương liễu, tay trái nâng bình tịnh thủy, thiên quan trên đỉnh nhục kế có hình Đức Như Lai đang an trú trong thiền định. Đức Bồ Tát đứng trên một đóa hồng liên, toàn thân Ngài tỏa chiếu kim quang cùng khắp mười phương thế giới.

Cành dương liễu trên tay Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho đức nhẫn nhục, sự mềm dẻo tùy duyên tùy thuận mà giáo hóa chúng sinh. Bình tịnh thủy là biểu trưng cho giới đức sạch trong, chứa đựng nước cam lộ ngọt lành như lòng từ bi của Bồ Tát. Đài sen thanh tịnh nâng bước Ngài giữa cuộc đời ô trược. Ngài đi đến đâu, nơi đó ngập tràn bình yên tịnh lạc.

Đối với sự cảm biết của chúng sinh, có gì thiết tha chân thành đậm sâu bằng tình mẹ. Lòng từ bi của Bồ Tát cũng dạt dào như lòng mẹ, nhưng rộng lớn bao la không bờ không bến, bình đẳng phủ trùm muôn vạn loài chúng sinh. Nước cam lộ trong lành như sương đêm, vừa thơm dịu, vừa ngọt ngào, thấm mát lòng người giữa cơn khô khan nóng bức. Lòng từ bi cũng vậy, dịu dàng dập tắt đi ngọn lửa phiền não sân hận đang thiêu đốt cuộc đời chúng sinh.

II. NGUỒN GỐC XUẤT HIỆN

Khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng thấy sự linh ứng nhiệm màu của Bồ Tát Quán Thế Âm. Người dân các nước thờ kính Ngài với trọn lòng kính ngưỡng, hình ảnh Ngài lưu truyền trong những câu ca dao, sự tích, trong truyền thống tâm linh của các dân tộc. Bởi vậy mà có rất nhiều nguồn gốc về sự xuất hiện vi diệu của Ngài.
Tương truyền rằng, cách đây hàng trăm ngàn ức kiếp lâu xa, trong cõi nước của Đức Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai hóa độ, tiền thân Ngài là một vị Đồng tử hóa sinh từ hoa sen. Trước đại chúng, Ngài đã quỳ dưới chân Đức Như Lai phát lời sư tử hống sẽ vô lượng kiếp hành Bồ Tát đạo để cứu độ tất cả chúng sinh, thệ nguyện rằng nếu khởi lên mảy may tâm thoái chuyển hay tham sân si tức là đã dối lừa mười phương chư Phật. Lời đại nguyện chí thành lập tức chấn động khắp cõi Tam Thiên Đại Thiên thế giới.

Một thuở khác, Ngài hóa thân là Bất Huyền Thái tử, con của Đức Chuyển Luân Thánh Vương. Sau khi làm vô số công đức và phát lên lời nguyện Vô Thượng Bồ Đề, Ngài được Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký sẽ chứng thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai.
Bởi ân đức nặng sâu như đại hải, nhân gian còn lưu truyền sự tích về sự xuất hiện của Bồ Tát Quán Thế Âm trong hình ảnh ba mươi ba ứng hóa thân như để bày tỏ tấm lòng của mỗi người con hướng về Ngài, người mẹ hiền từ cao cả của tất cả chúng sinh.

Trong hóa thân Long Đầu Quán Âm, Đức Bồ Tát hiện trên mình rồng, ban mưa pháp vần vũ đất trời, thấm nhuần muôn vạn vật.
Hóa thân Trì Kinh Quán Âm, Ngài thị hiện là vị Tôn giả với trí tuệ giác ngộ bừng tỏ, biểu hiện sự an tường.

Hóa thân Thủy Nguyệt Quán Âm, Ngài ngồi kiết già trên hoa sen nổi giữa trùng khơi, bàn tay kết Vô Úy ấn, in xuống sóng nước ánh trăng chiếu lung linh.
Hóa thân Nhất Diệp Quán Âm, trên con thuyền bằng chiếc lá sen, Bồ Tát nhìn mặt nước mà quán chiếu nơi địa ngục sâu tăm tối, nguyện dùng thuyền Từ để độ hết chúng sinh…

Cùng với mười hai đại nguyện và ba mươi ba ứng hóa thân, hình ảnh và sự xuất hiện của Ngài vô cùng trang nghiêm, linh diệu. Thế nhưng dù thị hiện thế nào, Bồ Tát Quán Thế Âm vẫn luôn là hiện thân cho Đức Từ Bi của khắp mười phương ba đời chư Phật. Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, kính ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm cũng là dâng lòng tôn kính tột cùng đến tất cả chư Phật.

III. ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ CỨU NẠN LINH CẢM ỨNG

Giữa cuộc đời rối ren, nhân sinh làm sao tránh khỏi những lúc bị bất an khổ não, làm sao biết trước những nạn tai sẽ ập đến bất cứ lúc nào để có thể chuẩn bị đón nhận. Trước nghiệp quả khổ đau, chúng sinh đã vẫy vùng để trốn tránh nhưng lại càng thêm lún sâu vào lầm lỗi, nghiệp chồng thêm nghiệp, rồi cuối cùng nhận lấy vẫn lại là đau khổ. Thế nhưng, luôn có cách để tìm thấy một niềm bình an dịu hiền giữa muôn vàn nỗi sợ hãi đang giăng bủa. Đó là lắng tâm lại, thiết tha sám hối và thành tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm thì sẽ luôn được Ngài ở bên gia hộ.

“Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát.

Lời nguyện cầu đã in sâu đậm trong tâm khảm của người con Phật, lời nguyện cầu linh thiêng che chở và dẫn lối cho chúng sinh vững vàng bước đi trên đường đời đầy chông gai bất trắc, lời nguyện cầu đã trở thành niềm tin thân thuộc nối đời của biết bao thế hệ người dân.

Những câu chuyện kể về sự linh ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm được truyền tụng khắp mọi nơi, vô cùng màu nhiệm. Khi chúng sinh lâm hiểm nạn, Ngài mở cho lối thoát. Khi bệnh tật nan y, Ngài đưa thuốc chữa lành. Khi bế tắc khó khăn, Ngài chỉ bảo gây tạo phúc huệ để vượt qua. Ngài khuyên răn rộng khắp, phổ biến thị hiện, giúp kẻ mang nghiệp xấu có cơ hội sửa sai hối lỗi, giúp người có mơ ước cao thượng được viên thành chí nguyện.

Sự linh ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm là vi diệu không thể nghĩ bàn bởi hạnh nguyện của Ngài trong vô lượng kiếp là luôn lắng nghe tiếng kêu cầu của chúng sinh để mà cứu độ. Ngài lắng nghe bằng tâm đại từ đại bi, một nội tâm tịch lặng bao la, chan rải khắp đất trời nên có thể cảm ứng với những nỗi khổ đau thẳm sâu trong tâm hồn của chúng sinh. Dù là rừng sâu núi thẳm, dù là sa mạc hoang vu, dù là biển khơi trập trùng sóng cả, Đức Bồ Tát lúc nào cũng ở bênh cạnh chúng sinh chưa bao giờ xa cách. Như người mẹ hiền từ, Ngài dõi mắt theo bảo vệ đàn con thơ dại, rồi dịu dàng chỉ dạy từ khi mới chập chững cho đến khi các con đã khôn lớn trưởng thành.

Nếu lòng từ bi của Bồ Tát lớn lao không bờ không bến, thì trí tuệ của Ngài lại càng sâu sắc, tinh tế đến tột cùng. Trong sự hóa độ, đôi khi Ngài cũng hiện thân trực tiếp nhưng chỉ với những trường hợp cấp thiết, còn thường thì Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ bí mật tác động để chúng sinh biết giúp đỡ lẫn nhau, cho người có lòng gặp được người cần giúp. Nhờ vậy, chúng sinh sẽ vừa tăng trưởng phước đức lại vừa kết được duyên lành. Ngài thị hiện bằng muôn nghìn phương cách nhưng kín đáo chẳng ai hay, có khi bằng những điều rất đỗi bình thường giản dị. Một chiếc xe chạy lạc vô tình giúp được người lữ khách bị lỡ chuyến trong đêm, khúc gỗ trôi trên sông tình cờ dạt vào tầm với của kẻ đang đuối nước, câu nói hồn nhiên của chú bé bỗng bất ngờ khiến người lớn bừng tỉnh… Tất cả đều có thể là sự thị hiện nhiệm màu của Bồ Tát.

Thế nhưng, khó khăn nhất chính là cứu độ chúng sinh lúc phải đối diện với định nghiệp. Trước sức mạnh của nghiệp quả, dù người giàu sang hay kẻ biên nghèo khó cũng đều thấy mình trở nên bé nhỏ yếu ớt. Chúng sinh như con thuyền lênh đênh giữa khơi xa ầm ầm dậy sóng, cố thoát ra nhưng nơi đâu cũng là mờ mịt, bốn bề giông bão bủa giăng. Sự sợ hãi tuyệt vọng nỗi khổ đau trở thành cùng cực. Khi đó, chỉ một vị Bồ Tát với đại hùng lực bởi công đức tràn ngập trong vô lượng kiếp mới có thể cứu giúp. Đó chính là hạnh nguyện của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Bởi vậy, Ngài còn được tôn xưng là bậc Vô Úy Thí, tức là vị Bồ Tát xóa tan đi mọi nỗi sợ hãi, đem đến niềm bình an trong tâm hồn của chúng sinh.

Sự cứu độ của Bồ Tát Quán Thế Âm vô cùng linh diệu nhưng đều không vượt ngoài luật Nhân quả. Một người trong cuộc sống biết đạo lý, tích được phúc đức nhưng quả báo lành chưa kịp đến mà định nghiệp quá khứ đã ập về, nếu khi đó niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài sẽ lấy phước của người đó để cứu chính họ. Hoặc khi người đó chưa gây tạo được công đức nhiều, nhưng có niềm tôn kính Đức Phật, tin hiểu Nhân quả thì lúc gặp nạn tai niệm Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ vẫn được Ngài cảm ứng. Bồ Tát lấy phước của mình mà che chở chúng sinh lúc cấp thời, tạo thành ơn nghĩa sâu dày. Sau này, người đó sẽ sống cống hiến hi sinh cả cuộc đời để làm lợi ích cho tha nhân.

Cứ như vậy, những câu chuyện vi diệu về Ngài được truyền tụng khắp nơi, tạo thành một niềm tin tuyệt đối về sự nhiệm màu thiêng liêng của Phật Pháp. Bồ Tát đã thống nhiếp tất cả chúng sinh trong lòng từ bị mênh mông của Ngài.

Trong hành trình sang Thiên Trúc (Ấn Độ) thỉnh học chân kinh, Pháp Sư Huyền Trang, vị cao Tăng đời nhà Đường đã ghi lại câu chuyện cảm động về sự thị hiện của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Trên đường đi, Ngài Huyền Trang phải băng qua sa mạc Qua Bích (Gobi), nơi đây người dân còn gọi là Sa Hà vì chỉ thấy mịt mờ gió cát, nắng thiêu đốt chói chang mà không có lấy một bóng cây. Dấn sâu vào khoảng trăm dặm thì Ngài bị lạc đường, thân khát, mỏi rã rời, nước uống hết sạch, một mình một bóng hướng về phía trước. Khi đó, vừa đi Ngài chỉ có thể vừa niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm xin Bồ Tát cứu giúp. Cuối cùng cho đến khi kiệt sức, khi cổ họng đã khô bỏng không còn giọt nước, hơi thở yếu ớt, ngã quỵ trên sa mạc, Ngài vẫn một lòng chí thành:

– Huyền Trang đi chuyến này, chẳng cầu tài lợi, chẳng tham danh tiếng, chỉ vì cầu Pháp vô thượng. Xin Bồ Tát giúp thoát khổ nạn.
Rồi Ngài lịm đi mất. Bỗng nhiên trong giấc mơ, Pháp Sư thấy Bồ Tát Quán Thế Âm hiện ra chói ngời, đưa cành dương liễu ban nước cam lồ. Toàn thân Ngài như được tắm trong dòng nước mát. Mở mắt ra, Ngài phục sức và tỉnh táo trở lại, con ngựa bên cạnh cũng khỏe khoắn đứng dậy. Biết rằng Bồ Tát đã cảm ứng, Ngài vô cùng xúc động, lập tức hướng về hư không mà thiết tha quỳ lễ. Sau đó, đi tiếp một thời gian ngắn thì Ngài vượt qua sa mạc. Trong suốt cuộc đời mình, Pháp Sư Huyền Trang cũng nhiều lần nhận được sự nhiệm màu như thế, bởi những tâm nguyện chí thành luôn được Đức Bồ Tát dõi theo gia hộ.

IV. Ý NGHĨA NIỆM DANH HIỆU BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Bồ Tát Quán Thế Âm không chỉ cứu giúp chúng sinh vượt qua khó khăn hiểm nạn, Ngài còn luôn âm thầm gia hộ cho chúng sinh tiến bước trên con đường cao thượng hướng về giải thoát giác ngộ. Khi mới bắt đầu tu hành thì Ngài khiến sẽ gặp được Minh sư dẫn dắt, có thiện hữu cùng nhau sách tấn, nếu gặp khúc mắc sẽ có được đúng Pháp thông tỏ, người phát tâm bố thí cúng dường thì Ngài đưa đẩy cho có cơ hội, vào hoàn cảnh phù hợp để làm phước…

Sự gia hộ của Bồ Tát vào tận sâu trong tâm giúp chúng sinh thấy được sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt, khi sự việc chưa biểu lộ ra ngoài đã sớm phát hiện để suy xét đạo lý mà diệt trừ. Có khi chúng sinh cũng nhận ra tâm mình còn nhiều ích kỷ, tham, sân, dục nhưng chưa đủ ý chí vượt qua, niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm đều sẽ được Ngài gia hộ. Hơn nữa, chính công đức tôn kính bậc Thánh giúp chúng sinh có thêm sức mạnh tinh thần để cởi bỏ được những tập khí xấu còn tiềm tàng dai dẳng.

Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm mang một ý nghĩa lớn lao trong sự tu hành. Đứng trước khó khăn thử thách, người nào thấy được khả năng của bản thân mình chỉ vô cùng nhỏ bé nên luôn thành tâm xin nhận được sự gia hộ là người biết giữ gìn tâm khiêm hạ. Nhờ khiêm hạ nên làm việc gì cũng dễ thành công, gặp nghịch cảnh sẽ mau chóng vượt qua, công phu tu tập được vững vàng ổn định.

Đức Bồ Tát Quán Thế Âm lại hiện thân cho lòng từ bi của chư Phật, vì thế hướng tâm về Ngài cũng có nghĩa là đang huân tập lòng từ bi bao la. Khổ đau khởi nguồn từ ích kỷ. Khi khổ đau, chúng sinh thường chỉ nghĩ đến bản thân mình “làm sao cho hết khổ” nên không thể thoát ra. Nhưng trong chính cảnh khổ, chúng sinh nào khởi được tâm từ bi, có thể trải tình thương yêu rộng lớn đến tha nhân thì chắc chắn nỗi khổ sẽ vơi. Đó là ý nghĩa lớn rộng của việc “niệm Bồ Tát Quán Thế Âm độ thoát khổ đau.”

Hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm là “sự lắng nghe” trong thanh tịnh. Thế nhưng, tu tập theo hạnh của Ngài không có nghĩa là để tâm cuốn theo những âm thanh bên ngoài mà là tỉnh giác lắng nghe nội tâm của chính mình. Tâm thức của chúng sinh luôn xao động với những suy nghĩ vẩn vơ, tình cảm, suy tính, những vọng tưởng vi tế không ngừng khởi lên giống như trăm nghìn gợn sóng lăn tăn. Khi biết lắng nghe, chúng sinh sẽ thấy rõ được vọng tưởng, rồi kiểm soát tâm mình sao cho giữ được sự lắng yên bất động. Đó tức là đang thực hành thiền định, chính là một ý nghĩa sâu xa của việc trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

V. BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM TRONG TÂM LINH DÂN TỘC

Khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những nước Á Đông, người dân đều tin kính và tôn thờ Bồ Tát Quán Thế Âm. Từ Tích Lan đến Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia…nơi đâu cũng có những câu chuyện linh ứng nhiệm màu và rất nhiều dấu tích từ những thế kỷ xa xưa đã được lưu giữ và truyền lại.

Đối với Việt Nam, hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm vô cùng thân thuộc, hòa vào dòng chảy của tâm linh dân tộc. Tôn tượng Ngài được thờ kính trang nghiêm tại hầu khắp các ngôi chùa. Cứ mỗi độ ngày rằm hay đầu tháng, người dân lại chuẩn bị phẩm vật chay tịnh cúng dường lên Ngài, cầu nguyện sự bình an cho gia đình, thôn xóm, quê hương. Trên những chuyến tàu ngoài khơi xa sóng gió, những người lính hải quân đặt hình Bồ Tát Quán Thế Âm trước bánh lái, một lòng thành kính hướng về Ngài với tâm nguyện bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

Triết lý từ bi và sự cảm ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm đã thấm đẫm vào tâm hồn từng người con Việt, len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống để rồi xuất hiện thành lời thơ, khúc hát, trong văn học, ca dao như sự , tích Quan Âm Nam Hải, truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên…

Ngược dòng lịch sử đến thời Trần, trong cuộc đời Đức Điều Ngự Giác Hoàng Tổ Sư hay Ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ, hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm đã gắn bó từ thuở niên thiếu đến khi tu hành. Các vị đã để lại qua những áng thơ thiền:

“Thẹn bao mình đục sinh thời đục
Nhờ chút lòng yên gặp nước yên
Đêm mộng Quan Âm vào cỏ nội
Sông thu trong vắt dáng sương huyền.”

Hằng năm, lễ hội Quán Thế Âm đã trở thành lễ hội của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt mỗi dịp đầu xuân, khi hoa mơ nở trắng các thung lũng dưới chân núi Hương Sơn, Phật tử từ khắp nơi lại hành hương về Hương Tích như chốn tổ để đảnh lễ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

VI. KẾT LUẬN:

Bồ Tát Quán Thế Âm vì lòng từ bi mà thị hiện giữa dòng sinh tử, lắng nghe tiếng kêu cầu của chúng sinh mà cứu độ. Giọt cam lộ đã xoa dịu đi biết bao nỗi khổ đau nơi nhân thế, cành dương liễu mềm mại tùy thuận dẫn dắt chúng sinh tu hành theo chánh Pháp.

Kính lạy Bồ Tát gia hộ cho thế giới này luôn biết yêu thương nhau, để vượt qua tất cả những thiên tai, thảm họa, chiến tranh. Để hành tinh xanh không còn những tiếng khóc than, hận thù, đau khổ, nhân loại biết đoàn kết cùng nhau tiến bước đến một tương lai văn minh và ngập tràn hạnh phúc.
Học theo hạnh Ngài, chúng con nguyện từng ngày huân tập lòng từ bi, trải tình yêu thương đến muôn vạn loài, trọn lòng kính tin Tam Bảo và tinh tấn tu tập thiền định hướng về vô ngã. Chúng con cũng nguyện học hạnh lắng nghe, biết cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh khốn khó.
Nguyện trên chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ cho chúng con có được sự dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng dấn thân để phát triển và bảo vệ chánh Pháp trường tồn đến muôn đời muôn kiếp sau.

VII. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara Bodhisattva) là vị Bồ Tát vì lòng từ bi mà thị hiện giữa dòng sinh tử, lắng nghe tiếng kêu cầu của chúng sinh mà cứu độ. Giọt cam lộ đã xoa dịu đi biết bao nỗi khổ đau nơi nhân thế, cành dương liễu mềm mại tùy thuận dẫn dắt chúng sinh tu hành theo chánh đạo. Khắp nơi trên thế giới, đâu đâu cũng thấy sự linh ứng nhiệm màu của Bồ Tát Quán Thế Âm. Người dân các nước thờ kính Ngài với trọn lòng kính ngưỡng, hình ảnh Ngài lưu truyền trong những câu ca dao, sự tích, trong truyền thống tâm linh của các dân tộc. Bồ Tát Quán Thế Âm không chỉ cứu giúp chúng sinh vượt qua khó khăn hiểm nạn, Ngài còn luôn âm thầm gia hộ cho chúng sinh tiến bước trên con đường cao thượng hướng về giải thoát giác ngộ. Sự gia hộ của Ngài vào tận sâu trong tâm, giúp chúng sinh thấy được sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt, khi sự việc chưa biểu lộ ra ngoài đã sớm phát hiện để suy xét đạo lý mà diệt trừ. Có khi chúng sinh cũng nhận ra tâm mình còn nhiều ích kỷ, tham, sân, si nhưng chưa đủ ý chí vượt qua, niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm đều sẽ được Ngài gia hộ.

Khi thờ kính Ngài, quý Phật tử sẽ:

– Thường gặp may mắn, vượt qua được các khó khăn trong hoạn nạn hoặc hoàn cảnh khổ đau.
– Dần thành tựu được tấm lòng bao dung, độ lượng với mọi người xung quanh. Làm được rất nhiều công đức lành và luôn được mọi người yêu mến giúp đỡ.
Gieo nhân lành với Phật Pháp nhiều đời nhiều kiếp, có thêm sức mạnh tinh thần để gỡ bỏ được những tập khí xấu còn tiềm tàng dai dẳng.

VIII. THƠ TỤNG

Kính lạy Quán Thế Âm Bồ Tát
Người Mẹ hiền của khắp chúng sinh
Cùng chư Bồ Tát hiển linh
Từ bi cứu khổ sinh linh vạn loài
Con quỳ xuống dâng lời tán thán
Với lòng từ Ngài đến trần gian
Muôn loài trong lúc nguy nan
Hạnh vô úy thí rải ban phép màu
Nơi nhân thế u sầu tăm tối
Những tai ương ập tới bất ngờ
Bao nhiêu hiểm nạn chực chờ
Chúng sinh nương bóng từ bi của Ngài
Nghe danh Ngài đất trời cung kính
Pháp thân Ngài thanh tịnh an nhiên
Thần thông diệu dụng vô biên
Tùy duyên hóa độ muôn nghìn ứng thân
Lúc là kẻ cơ bần gian khó
Khi là người giàu có phi thường
Ngài đem trí tuệ tình thương
Giúp người vạn nẻo về nương Phật Đà
Con quỳ xuống thiết tha đảnh lễ
Tôn kính Ngài Đức Mẹ Quán Âm
Từ trong thiền định thậm thâm
Dấn thân hóa độ gieo mầm thiện lương
Nước cam lồ muôn phương tưới mát
Lòng từ bi bát ngát mênh mông
Chúng con thương kính ngưỡng trông
Dáng hình từ ái ấm lòng muôn sinh
Chúng con nguyện tu hành tinh tấn
Theo bước Ngài đi đến vô biên
Gieo trồng công đức thiện duyên
Đắp xây thế giới vững bền mai sau
Chúng con nguyện tin sâu nhân quả
Việc thiện lành lăn xả lo toan
Tránh từng chút tội cỏn con
Xin yêu thương khắp mọi miền gần xa
Tin nhân quả cũng là tin Phật
Dòng Pháp thiêng siêu xuất phi phàm
Dù đời cay đắng muôn vàn
Càng nhiều chướng ngại lòng càng quyết tâm
Chúng con nguyện âm thầm sám hối
Nghiệp nghìn xưa tội lỗi đã gây
Tấm lòng con trẻ thơ ngây
Nương nhờ Phật lực từng ngày chuyển tâm
Đối với người quan tâm từng chút
Tập yêu thương từng phút đi qua
Yêu từng hạt bụi cánh hoa
Quý từng giọt nước để mà tiến tu
Chúng con nguyện hướng về vô ngã
Là con đường Phật đã tuyên dương
Cùng chư Bồ Tát mười phương
Dày công giáo hóa mở đường tâm linh
Chúng con nguyện tu hành tinh tấn
Trong đêm khuya thanh vắng tọa thiền
Hoặc khi chiều xế trăng lên
Lặng ngồi tĩnh tọa điềm nhiên vững vàng
Đường thiền định gian nan chướng ngại
Để nhiếp tâm cần phải siêng năng
Chân đau lưng mỏi không ngưng
Biết bao vọng tưởng chập chùng bủa vây
Chúng con nguyện từng ngày cố gắng
Dù dầm mưa dãi nắng không than
Để tâm này được bình an
Phước cần tích lũy hơn ngàn núi cao
Chúng con nguyện cùng nhau đoàn kết
Giúp đỡ nhau đi hết con đường
Tấm thân bèo bọt vô thường
Nguyện đem dâng hiến cúng dường tha nhân
Xin Phật độ cho con tỉnh giác
Để thấy mình hạt cát nhỏ nhoi
Chắp tay cung kính vạn loài
Phòng tâm kiêu mạn ngút trời chẳng hay
Lòng kính Phật càng ngày thêm lớn
Theo bước Ngài con đến muôn nơi
Yêu thương tử tế giúp người
Mong người về chốn Như Lai diệu kỳ
Tâm giác ngộ không gì so sánh
Mong muôn loài tinh tấn vượt lên
Con đường Phật đạo thênh thang
Bến bờ an lạc ngập tràn ánh dương.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x