Bồ Tát Di Lặc – Đức Phật Tương Lai

Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế
Mây trắng hỏi đường qua.

Bồ Tát Di Lặc là vị Đại Bồ Tát hiện thân cho lòng Từ của chư Phật. Tên Ngài trong tiếng Phạn là Maitreya Bodhisattva, có nghĩa là Từ Thị. Đức Bồ Tát thị hiện vào trong sinh tử dìu dắt chúng sinh bằng lòng Từ vô hạn, giúp chúng sinh quy y Tam Bảo, phát khởi Bồ Đề tâm, tu hành vượt thoát khỏi bể khổ trầm luân.

Ngài là vị Bồ Tát được Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thọ ký sẽ trở thành vị Phật Chánh Đẳng Giác tương lai, tiếp nối truyền thống và truyền thừa chánh Pháp của mười phương ba đời chư Phật. Tương truyền rằng, Bồ Tát Di Lặc hiện đang giáo hóa trên cung trời Đâu Suất, hằng dõi theo và gia hộ cho chúng sinh trên bước đường tu học và vẫn thường thị hiện vào cuộc đời để vun bồi nhân duyên giáo hóa rộng lớn sau này. Muốn kết duyên sâu dày với Ngài, chúng sinh phải thường huân tập từ tâm, giữ thập thiện giới, tinh chuyên thiền định, gây tạo nhiều công đức thì tương lai mới có thể được gặp Ngài hóa độ.

Bồ Tát Di Lặc - Đức Phật Tương Lai -

Bồ Tát Di Lặc – Đức Phật Tương Lai

I. HÌNH TƯỚNG

Bồ Tát Di Lặc thường được thờ kính trong hình ảnh một vị Hòa Thượng hiền từ, thân tướng đẫy đà nhưng vô cùng đoan nghiêm thanh thoát. Ngài ngự khoan thai trên tòa sen báu, mình mặc thiên y, tay cầm tràng hạt đặt trên gối, vững vàng như ngọn cao sơn.
Gương mặt Ngài phúc hậu, thùy châu hai bên nhĩ căn trĩu xuống như giọt tịnh thủy. Ánh mắt trầm tĩnh mà tràn đầy từ ái, ban niềm vui tịch lặng lan tỏa khắp đất trời.

Mỗi hình ảnh, cử chỉ của Ngài đều chứa đựng ý nghĩa sâu xa về công hạnh Bồ Tát. Tòa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh giải thoát tuyệt đối, dù đi vào cõi đời ô trược mà không vướng chút bụi trần. Dáng ngồi trong tâm thế luôn sẵn sàng đứng lên giáo hóa vì chúng sinh. Ngợi ca công hạnh của Ngài, nghìn xưa có câu: “Bụng lớn năng dung, dung những chuyện khó dung trong thiên hạ. Nụ cười hỷ xả, xả những chuyện khó xả ở thế gian.”

Bụng lớn là đức nhẫn nhục, bao dung vô bờ bến của Bồ Tát, có thể dung chứa được mọi phiền não của chúng sinh. Chúng sinh trong đời thường vì tham sân si mà gây ra biết bao lỗi lầm, vì lỗi lầm lại làm khổ lẫn nhau, cứ thế lẩn quẩn không thể thoát ra. Bồ Tát đến với cuộc đời, lấy tấm lòng rộng lượng đón nhận tất cả, rồi dùng đạo lý mà hóa giải hết nỗi khổ đau, mở ra cho chúng sinh con đường đến với giải thoát giác ngộ bao la.

Nụ cười của Ngài đong đầy hoan hỷ, ấm áp và ngời rạng như ánh nắng xuân sang. Niềm hoan hỷ của giới định tuệ viên mãn, hoan hỷ trước những nỗi vui của chúng sinh, của hạnh phúc mang điều phúc thiện phủ giăng trên mọi nẻo đường. “Mùa xuân Di Lặc” sẽ là mùa xuân không còn đau khổ, thù hận, ghét ganh, phiền não, là mùa xuân tràn ngập tình thương yêu giữa muôn vạn loài chúng sinh và một nội tâm đầy tịnh lạc.

Thờ kính Bồ Tát Di Lặc còn là kính ngưỡng tâm Xả vô lượng của Bồ Tát. Không những là xả đi những chướng duyên nghịch cảnh từ bên ngoài ập đến, mà còn là sự buông bỏ mọi đắm tham cố chấp, chấp ngã và chấp pháp, mở rộng tâm hồn thênh thang, để có thể nở nụ cười khinh an đem đến niềm vui chân thật cho tất cả mọi người mọi loài.

II. BỐ ĐẠI HÒA THƯỢNG

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 10, triều nhà Lương trong thời Ngũ Đại Thập Quốc phân tranh. Thời thế loạn lạc, nội chiến xảy ra liên miên, nhân dân sống trong cảnh lầm than.

Lúc bấy giờ, tại chùa Nhạc Lâm, phủ Châu Minh, huyện Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang có một vị Hòa Thượng rất kỳ lạ. Ngài có vóc người mập mạp, gương mặt hiền từ phúc hậu, lúc nào cũng mang theo tích trượng quảy một chiếc túi vải trên vai, ai cúng dường vật gì cũng đều bỏ vào túi, mà từ túi lấy ra thì cũng chẳng thiếu thứ gì.

Ngài thường hay tụ tập trẻ con lại, phân phát bánh kẹo, trò chuyện vui vẻ nên đi đến đâu cũng được bọn trẻ vây quanh. Cứ thế, Ngài thong dong tự tại đi khắp xóm thôn làng mạc mà giảng kinh dạy đạo cho người nghèo, ban bố niềm an vui tịnh lạc, làm nhiều điều màu nhiệm lạ thường.

Lúc nào gặp trời mưa, tảng sáng Ngài ngủ dậy mang guốc cao gót, đi ra nằm ngửa trên cái cầu, co chân lại dựng hai bắp vế lên, thì ngày ấy lại nắng. Còn khi nào trời nắng, mà Ngài mang dép cỏ đi ra ngoài đường, ngày ấy trời lại mưa. Có lần, Ngài ngủ trên tuyết cả đêm mà tuyết lạnh một hạt cũng không thấm áo. Hằng ngày mang bình bát, Ngài đứng trước quán nào khất thực thì quán đó nhất định đắt hàng. Người đời chẳng thể hiểu nổi những chuyện ấy, nhưng vì thương kính Ngài nên cứ thân gọi là Bố Đại Hòa Thượng.

Có một giai thoại nổi tiếng kể về cuộc hội ngộ giữa Ngài và Thiền sư Thảo Đường, vị Quốc sư dưới triều vua Lý Thánh Tông và là người sáng lập thiền phái Thảo Đường trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Lần ấy, khi còn ở Trung Hoa, Thiền sư đã gặp Ngài Bố Đại Hòa Thượng. Nhìn dung nghi rạng rỡ, Ngài Thảo Đường biết chắc đó là một vị Thánh Tăng nên đã mở lời tham vấn:

– Bạch Hòa Thượng, thế nào là cái Thể của đạo?

– Ngài Bố Đại Hòa Thượng chợt buông chiếc túi vải xuống và đứng bất động. Ngài Thảo Đường hiểu ý, lại tiếp tục thưa:

– Dạ, Bạch Hòa Thượng, vậy thế nào là cái Dụng của đạo?

– Lần này, Ngài Bố Đại Hòa Thượng trả lời bằng cách vác chiếc túi vải lên vai, bước nhanh đi mà không nói một lời.

Thể là bản chất cốt yếu bất biến của đạo. Dụng là công năng, tác dụng, lợi ích đối với cuộc đời. Thể Dụng không thể tách rời, luôn song hành giống như lưng và lòng của bàn tay. Khi Ngài Bố Đại Hòa Thượng buông túi vải xuống, ý nói Thể của đạo chính là một nội tâm thanh tịnh, sáng trong tịch lặng. Nhưng nếu chỉ có sự tịch lặng như hư vô thì vẫn chưa toàn vẹn. Người tu hành cần cái Dụng của đạo chính là tâm từ bi, hạnh nguyện dấn thân vào cuộc đời để hóa độ chúng sinh. Bởi vậy, khi được hỏi đến Dụng, Hòa Thượng vác túi vải lên vai và hăng hái bước đi.

Một giai thoại khác kể về dịp Ngài Bố Đại Hòa Thượng được cư sĩ họ Trần kính ngưỡng và tiếp đón. Lúc từ giã, vị cư sĩ thưa:

– Bạch Hòa Thượng, nếu người đời không hiểu mà dị nghị thị phi với Ngài thì làm sao ạ?

Hòa Thượng liền đáp bằng bài kệ:

“Ghét thương phải quấy biết bao là
Xét nét lo lường giữ lấy ta
Tâm để rỗng không thường nhẫn nhục
Bữa hằng thong thả phải tiêu ma
Nếu người tri kỷ nên y phận
Dẫu kẻ oan gia cũng cộng hòa
Miễn tấm lòng này vô quái ngại
Tự nhiên chứng đắc Lục Ba La.”

Ý Ngài bảo chuyện ghét thương trên đời thật nhiều không kể hết, nhưng hãy giữ tâm thanh tịnh mà nhẫn nhục thì rồi mọi việc cũng sẽ đều qua. Gặp được người tri kỷ thì gắng vun bồi thêm tình cảm bền chặt, gặp người oan gia thì cũng cứ giữ hòa ái, miễn trong lòng buông xả, đừng vướng mắc cố chấp điều gì thì tự nhiên đạt được hạnh của Bồ Tát.

Hôm đó, Trần cư sĩ hỏi nhiều câu, Ngài đều đáp bằng các bài kệ ý nghĩa vô cùng thâm sâu. Trần cư sĩ khởi lòng cung kính mà xin Ngài nán lại nhà ông một đêm. Sáng hôm sau, khi rời đi Ngài viết một bài kệ trên cửa:

“Ta có một thân Phật
Có ai đặng tường tất
Chẳng vẽ cũng chẳng tô
Không chạm cũng không khắc
Chẳng có chút đất bùn
Không phải màu thể sắc
Thợ vẽ, vẽ không xong
Kẻ trộm, trộm chẳng mất…”

Cuối năm 923, Ngài ngồi trên một phiến đá lớn trước hiên chùa Nhạc Lâm, đọc lên bài kệ thị tịch:

Di Lặc thật Di Lặc
Hóa thân trăm nghìn kiếp
Thị hiện vào thế nhân
Mà người đời chẳng biết.

Từ đó, dân chúng vô cùng kính ngưỡng, thường vẽ tranh, đúc tượng, điêu khắc hình ảnh Ngài khắp nơi để thờ phụng. Tương truyền rằng, toàn thân xá lợi của Đức Bồ Tát hiện vẫn còn giữ được nguyện vẹn tại đại điện của Nhạc Lâm Tự.

III. ÂN QUANG TRỜI ĐÂU SUẤT

Năm 1951, Thiền sư Hư Vân, một bậc đại lão Hòa Thượng chân tu đạo hạnh, đang ngụ tại chùa Vân Môn thì xảy ra một biến cố quan trọng. Ngài bị vu oan, chính quyền bắt và tra tấn dã man trong nhiều ngày. Năm ấy, Ngài 112 tuổi. Thế nhưng không một lời kêu than, Ngài lặng lẽ ngồi kiết già nhập định. Một đêm, vì kiệt sức, Ngài thiếp đi và thấy mình lên cung trời Đẩu Suất. Lúc đó, Hòa Thượng Hư Vân thấy Bồ Tát Di Lặc đang ngự trên tòa thuyết Pháp, Tôn giả A Nan (Anan da) đứng bên cạnh làm thị giả. Hội chúng vô cùng trang nghiêm, Ngài gặp lại nhiều vị cao Tăng đã viên tịch đều đang ở đó tu hành.

Hòa thượng Kính Dung, Thầy của Ngài Hư Vân, ra hiệu cho Ngài ngồi tại một tòa còn trống bên cạnh Tôn giả A Nan. Một lúc sau, Bồ Tát Di Lặc ngừng giảng và quay sang từ ái nói với Ngài Hư Vân rằng:

– Con còn nghiệp, con phải quay về.

Hòa Thượng Hư Vân cung kính thưa:

– Bạch Bồ Tát, con nghiệp nặng nên không muốn quay về. Con muốn ở đây học Pháp mà Bồ Tát truyền dạy.

Bồ Tát Di Lặc chỉ dạy:

– Nhân duyên dưới thế gian của con chưa dứt, còn nhiều việc đang chờ con thực hiện. Bây giờ con hãy quay về, sau này trở lại.

Rồi Bồ Tát đọc lên bài kệ :

“Lâm trong cảnh mộng
Đương đầu nghiệp lực bao kiếp
Nên tỉnh giác việc xảy ra
Thuyền Từ bơi trong biển khổ
Chớ sinh tâm thối thất
Sen nở từ bùn lầy
Có Phật Đà ngồi trong đó…”

Sau đó, Bồ Tát Di Lặc còn giải thích cho Ngài hiểu thêm đạo lý và căn dặn thêm một số điều trên con đường hoằng hóa độ sinh. Ngài Hư Vân tỉnh dậy lòng dạt dào biết ơn, càng thêm ý chí để vượt qua nghịch cảnh. Qua vài ngày, quân lính tận mắt thấy hạnh nhẫn nhục và uy đức phi thường của Ngài nên vô cùng kính nể, không dám đánh đập nữa. Một thời gian sau, Ngài qua được nạn.

Một chuyện khác thể hiện sự hộ trì của Bồ Tát Di Lặc là câu chuyện của Pháp Sư Huyền Trang (hay Ngài Đường Tam Tạng), vị danh Tăng lỗi lạc đời Đường đã để lại nhiều kho tàng tác phẩm luận, dịch thuật Phật học giá trị.

Lần đó, Ngài Huyền Trang đang trên thuyền giữa sông Hằng thì bị bọn cường đạo bắt dẫn đến một đền thờ để thiêu sống tế thần Durga. Toán cướp cực kỳ hung dữ, muốn lấy mạng Ngài bằng được. Giữa cơn hiểm nạn, Ngài tập trung hết tư tưởng hướng tâm đến Bồ Tát Di Lặc, mong rằng sau khi tịch sẽ được lên Thiên cung Đâu Suất để học thêm với Bồ Tát. Sức thiền định sâu xa đến độ, Ngài thấy mình đứng giữa Thiên cung Đâu Suất và được chiêm ngưỡng tôn dung của Bồ Tát Di Lặc. Ngay lúc đó, bỗng có một trận cuồng phong nổi lên khiến tất cả toán cướp kinh hoàng, đến mức chúng phải lập tức quỳ xuống xin Ngài tha tội.

Khi gần thị tịch, Ngài Huyền Trang có nhiều giấc mơ về cõi trời Đâu Suất và thấy chư Thiên đến cúng dường. Đến hôm cuối, trước đại chúng Ngài nguyện rằng:

“Nguyện sẽ đem phước đức tu hành lâu nay hồi hướng về khắp cả chúng sinh, cầu mong được sinh về Đâu Suất và đến ngày Đức Di Lặc giáng thế cũng sẽ được theo Ngài để tiếp tục tu hành cho đến khi thành Chánh Giác.”

Bấy giờ, Tăng chúng trong chùa thấy rất nhiều điềm lành hiện ra. Một vị đệ tử mới bạch Ngài rằng:

– Sư Phụ có quyết chắc được sinh về Thiên cung Đâu Suất?
– Nhất định. Ngài Huyền Trang trả lời nhẹ nhàng rồi an tường từ giã.

Ngoài Pháp Sư Huyền Trang, Hòa Thượng Hư Vân, rất nhiều vị chân tu đạo hạnh cũng đều có cơ duyên được hội kiến Bồ Tát Di Lặc và lần nào cũng để lại cho cuộc đời nhiều câu chuyện sâu sắc ý nghĩa, cảm nhận rõ được lòng từ bi vô hạn của Ngài. Trên Thiên cung Đâu Suất, Bồ Tát Di Lặc luôn dõi theo, hướng dẫn, hộ trì tất cả những chúng sinh phát tâm tu hành. Dưới thế gian, Ngài vẫn âm thầm hóa thân vào vô số thân phận để gieo duyên giáo hóa độ sinh. Ân đức của Ngài với chúng sinh là vô cùng sâu đậm.

IV. ĐỨC PHẬT TƯƠNG LAI

Trong tương lai, Đức Bồ Tát Di Lặc sẽ hạ sinh trong gia tộc của một phụ quốc đại thần, thân mẫu là Đức bà Tịnh Diệu, thân phụ là Quốc sư Thiện Tịnh, một bậc trí tuệ và đức hạnh. Từ nhân duyên giáo hóa trong vô lượng kiếp, cõi nước của Ngài khi đó chúng dân rất mực hiền lành, không còn chiến tranh thù hận, đời sống phồn thịnh, hưởng hạnh phúc như cõi trời.

Ngày đản sinh, Ngài sẽ bước ra từ nơi hông phải của thân mẫu, đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhân và tám mươi vẻ đẹp, chói ngời như vầng mặt trời chiếu sáng cùng khắp mười phương. Khi lớn lên, Ngài là bậc trí tuệ xuất chúng và được chúng sinh kính ngưỡng với lòng từ bi vô hạn. Thế nhưng, Đức Bồ Tát luôn khắc khoải về nỗi khổ của kiếp người, về sinh già bệnh chết, về trầm luân sinh tử, vì thế Ngài sẽ sớm xả ly thế tục, xuất gia tìm đạo giải thoát.

Dưới cội cây Long Hoa, Bồ Tát Di Lặc ngồi kiết già nhập đại định, đắc thành đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Tương truyền rằng, Đức Di Lặc Như Lai sẽ đến núi Kê Túc, nơi bậc Thượng Thủ Đại Ca Diếp đang trụ thế, nhận lấy tấm y ca sa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và у tiếp nối sự nghiệp truyền thừa chánh Pháp của mười phương ba đời chư Phật.

Ngài sẽ thuyết Pháp tại giảng đường Hoa Lâm dưới tán cây Long Hoa. Hội thứ nhất độ được chín mươi sáu ức vị chứng đắc Thánh quả A La Hán, hội thứ hai độ chín mươi bốn ức vị chứng thành A La Hán, hội thứ ba độ chín mươi hai ức vị đắc A La Hán. Thế nên gọi là “Long Hoa Tam Hội”. Đức Di Lặc Như Lai sẽ trụ thế rất lâu và hóa độ được vô lượng trời, người, chúng sinh trong khắp pháp giới.

V. KẾT LUẬN

Theo truyền thống Phật giáo hằng năm, vào ngày mùng một tháng giêng âm lịch chính là ngày vía Bồ Tát Di Lặc. Mùa xuân đến nơi những ngôi chùa cổ kính, hình ảnh vị Bồ Tát với nụ cười từ bi hỷ xả đem đến cho cuộc đời bao điều hy vọng về một năm mới bình yên, an lạc và tràn đầy phúc đức.

Đối với người Phật tử, Ngài là vị Bồ Tát vĩ đại với từ tâm bao la luôn dõi theo, chỉ dạy và gia hộ trên mỗi bước đường tu tập.

Học theo hạnh Ngài chúng con nguyện sẽ huân tập lòng từ bi hỷ xả để xóa đi những khổ đau, đem đến niềm an vui tịnh lạc cho cuộc đời. Quỳ trước Ngài, chúng con nguyện tinh tấn tu hành, giữ gìn giới hạnh, siêng năng gây tạo công đức để có thể tiếp nối mạng mạch Phật Pháp trường tồn và mang “Mùa xuân Di Lặc” lan tỏa đến khắp thế gian này.

VI. Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Bồ Tát Di Lặc (Maitreya Bodhisattva) là vị Bồ Tát được Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thọ ký sẽ trở thành vị Phật Chánh Đẳng Giác trong tương lai. Ngài sẽ tiếp nối truyền thống và truyền thừa chánh Pháp của mười phương ba đời chư Phật. Đức Bồ Tát thị hiện để dìu dắt chúng sinh bằng lòng Từ vô hạn, giúp chúng sinh quy y Tam Bảo, phát khởi tâm tu hành thoát khỏi bể khổ trầm luân. Hiện nay, trên Thiên cung Đâu Suất, Bồ Tát Di Lặc luôn dõi theo, hướng dẫn, hộ trì tất cả những chúng sinh phát tâm tu hành. Dưới thế gian, Ngài vẫn âm thầm hóa thân vào vô số thân phận để gieo duyên giáo hóa độ sinh. Ân đức của Ngài với chúng sinh là vô cùng sâu đậm.

Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ:
– Dần thành tựu được lòng từ bi rộng lớn, thân tâm an lạc, được chư Phật gia hộ nên gặp nhiều may mắn.
– Kết duyên lành với nhiều người, từ đó giúp người khác tin hiểu theo chánh Pháp.
– Gặp được Minh sư thiện hữu, có nhiều cơ hội làm các việc công đức, gây tạo được nhiều phước lành, giúp cho xã hội ngày một tươi đẹp hơn.

VII. THƠ TỤNG

Nụ cười từ ái hiền hòa
Tâm Từ trải khắp bao la đất trời
Uy nghi đức hạnh sáng ngời
Tự tại đi giữa cuộc đời độ sinh
Mai sau Bồ Tát sẽ thành
Đức Phật Chánh Giác pháp lành truyền trao
Ngài luôn gia hộ dõi theo
Có lúc thị hiện đi vào thế gian
Dung nghi từ ái nghiêm trang
Ngồi toà sen báu vững vàng cao sơn
Nụ cười xóa hết đau buồn
Ấm áp như nắng mùa xuân rạng ngời
Bồ Tát Di Lặc là Ngài
Tình thương tràn ngập đất trời an vui
Giới hạnh viên mãn tuyệt vời
Chúng sinh lầm lỗi giúp người hiểu ra
Dấn thân hóa độ gần xa
Khuyên người luôn sống hiền hoà thương yêu
Chuyện đời đau khổ thật nhiều
Tu hạnh nhẫn nhục mọi điều sẽ qua
Ngài dặn đừng có chấp ta
Giữ tâm buông xả để mà tiến tu
Tấm gương Bồ Tát Đại Từ
Chúng con nguyện sẽ học tu theo Ngài
Ngài là Đức Phật tương lai
Mong ai cũng được gặp Ngài gieo duyên
Sẽ luôn giữ giới tinh chuyên
Làm nhiều công đức tu thiền ngày đêm
Duyên lành gắng kết nhiều thêm
Để cho Phật Pháp càng thêm huy hoàng
Dù cho nghiệp cũ còn mang
Chúng con xin nguyện lòng càng quyết tâm
Mong Ngài gia hộ hướng tâm
Chúng con đi đúng, lỗi lầm tránh xa
Sống luôn từ ái vị tha
Mong cho pháp giới đều là tình thương!

Nam Mô Đại Từ Di Lặc Bồ Tát (3 lần)

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x